Cũng là soạn giả của tuyển tập Night, Again: Contemporary Fiction from Vietnam [ Lại Đêm: Truyện Đương đại Việt Nam] (1996), và tập thơ Three Vietnamese Poets [3 Nhà thơ Việt] (2001). Và rất nhiều công trình dịch, tác phẩm thơ, tiểu thuyết đã và đang hoàn thành.
Thơ anh được tuyển vào Best American Poetry 2000 [Thơ Mỹ Hay Năm 2000] (Scibner, 2001), Best American Poetry 2004 [Thơ Mỹ Hay Năm 2004] (Scibner, 2004) và Great American Prose Poems from Poe to the Present [Những kiệt tác Thơ xuôi Mỹ từ Poe tới Hiện Tại] (Scribner, 2003)…
Lý Đợi: Đến ngày hôm nay (2004), tiếng Việt và tiếng Anh đứng như thế nào trong cán cân tâm lý và thói quen dùng chữ nghĩa của anh? Có khi nào cả 2 tụi nó vẫn như một người tình, hay khắt khe hơn, như là một con điếm… vẫn lởn vởn bên ngoài, mà chưa bao giờ thuộc về anh; hay anh muốn hiểu nó _nhưng không thể hiểu? Tác phẩm có khi nào không là chuyện bản thể?
Đinh Linh: Ngôn ngữ không thuộc về ai cả, chỉ thuộc về truyền thống và về rượu. Một nhà thơ lưu loát như Nguyễn Quốc Chánh cũng thỉnh thoảng bị ngôn ngữ phản bội. Ngôn ngữ, từng chữ, từng dấu phẩy một, luôn phản bội tôi, để đi ăn nằm với những thằng không xứng đáng khác. Thỉnh thoảng tôi phải tra từ điển để hiểu sáng tác của chính mình. Truyền thống không phải là những lề lối, cách dùng cũ nhạt, ứ đọng, mà là di sản ngôn ngữ linh động của cả một dân tộc. Ngôn ngữ chợ búa, du đãng, những bài thơ tiền vệ, chữ lóng cũng thuộc về truyền thống. Thậm chí ngôn ngữ dùng sai, bởi con nít, những kẻ nói tiếng Việt không rành, chẳng hạn Hoa Kiều, Việt Kiều hay những nhân vật tỉnh Nghệ An, cũng thuộc về truyền thống. Nhà thơ có quyền, thậm chí có trách nhiệm, đùa với truyền thống, tìm những chức năng mới cho nó. Hơn nữa, bạn còn có thể mượn truyền thống người khác để làm phong phú ngôn ngữ mình.
Lý Đợi: Vậy với anh, ngôn ngữ là một người tình hay con điếm? Hay còn là một thứ gì khác? Anh yêu thương hay tôn thờ hay mặc kệ chữ? Shakespeare có một tác phẩm có tên nghe rất hay: “All’s Well That Ends Well”, nhưng tôi không rành lắm, tiếng Việt gọi nó như thế nào đây? Là tên “nhóc tỳ” giữa 2-3 thứ ngôn ngữ, như anh dùng chữ “mammae” trong 1 bài trả lời phỏng vấn mà tôi cũng đếch biết nó là gì! Rốt cuộc, anh muốn anh là gì giữa cái trò dạng háng ấy?
Đinh Linh: “All’s Well That Ends Well” có thể dịch là “Tất Cả Đều Tốt Nếu Kết Thúc Tốt”. Còn mammae nghĩa là vú, tiếng Latin. Lâu lâu phải xỏ Latin thì mới sang chứ. Có lúc phải nói toét, có lúc phải nhắc khéo. Tôi chỉ là đĩ đực của ngôn ngữ. Hắn đòi hỏi, ra lệnh, bày chò đủ kiểu, nằm ngang nằm ngửa, nhưng tôi cũng có nhiều mánh để trả thù hắn. Khi ngồi xuống viết, ai cũng có ảo tưởng tự do. Nhưng càng vô đề, càng thấy mình là một thằng đĩ đực, nhưng tôi chỉ là đĩ đực của ngôn ngữ và sự thật. Đó là xì thẩu duy nhất của tôi.
Lý Đợi: Trở lại chuyện mà có nhiều lúc email anh hay nói: cái thú dạo chơi tại Sài Gòn. Có phải là cùng những tay vỉa hè, ngoài lề tọc mạch vào đời sống, triển khai một cái nhìn khác? Hay là nghĩ về một giấc mơ phù phiếm của văn chương?
Đinh Linh: Khi ở Sài Gòn, tôi thích ngồi chồm hổm ngoài chợ, đi lạc trong những con hẻm vặn vẹo. Tôi thích nghe lỏm những chuyện bá láp, bàn những đề tài văn chương, đại sự với những hội viên hội nhà văn, kẻ mù chữ, trẻ con, nhà thơ cấp tiến. Tôi thích chất vấn công an, ngửi những mùi ô uế, kinh dị, thuần tuý quê hương.
Lý Đợi: Mà nói tới chuyện tọc mạch, mỗi người làm thơ-viết văn đều có một cái nhìn và cái quyền được nhìn vào cái cộng đồng ngôn ngữ như mình muốn? Anh nhìn Anh-Việt-thậm chí Ý, Đức ngữ như thế nào? Anh thích đọc cái nếp nghĩ của thằng nào trong vài thằng ngôn ngữ trên? Những địa chỉ web mà anh thường thăm viếng?
Đinh Linh: Để biết bà con đang viết gì, tôi thường theo dõi bài vỡ trên Tienve.org và Talawas.org. Mỗi ngày tôi đọc báo Ý để trao dồi tiếng Ý, và để hiểu thêm tâm lý người Ý. Mỗi quốc gia đều có những cách nhìn, phân tích riêng, phản ánh quyền lợi, tham vọng và truyền thống của họ. Tất cả mọi người, và nhất là nhà văn, nên có cái nhìn tổng quan, càng rộng càng tốt. Bạn sẽ không hiểu thời sự nếu bạn chỉ nhìn mọi vấn đề từ khía cạnh của riêng cộng đồng mình.
Lý Đợi: Trong một trả lời phỏng vấn, anh có đề cập đến cái ý về nhà văn ngoài lề, nhà văn không a dua, không ăn theo… bây giờ, thử nói lại, anh nói thế nào? Danh sách những người ngoài lề mà anh biết và suy nghĩ của anh về họ?
Đinh Linh: Nhà văn phải luôn luôn trung thực với nhận xét và kinh nghiệm của chính mình, và phải có đủ nghị lực để gạt ra những áp lực bên ngoài. Nhưng ngược lại, bạn phải rất khắt khe với sáng tác của chính mình. Không được dễ hài lòng, đắc chí. Tôi thấy Lynh Bacardi có nhiều bài thơ hay, rất hết mình. Khi lên đồng, cô ta rực lên. Những bài thơ mới nhất của Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng rất hay. Khi tôi quen Minh ở Sài Gòn, hắn còn viết theo khuôn khổ, nhưng bây giờ hắn đã sổ lồng. Tôi hi vọng hắn sẽ tiếp tục sổ lồng. Lý Đợi và Phan Bá Thọ cũng có những bài thơ rất hay. Còn Phan Nhiên Hạo và Nguyễn Quốc Chánh thì tôi đã phục từ lâu. Nguyễn Quốc Chánh nghĩ tới đâu, viết tới đó, không tự kiểm duyệt, anh ta rất can đảm. Bối cảnh, thực tế mới cần những nhận xét mới, và Nguyễn Quốc Chánh đã làm được điều đó. Phan Nhiên Hạo mới viết một bài trên Talawas về trách nhiệm chính trị của nhà văn. Đây là một bài rất quan trọng. Nhà văn phải có ý thức về lịch sử và chính trị thì mới có thể phân tích những vấn đề xã hội được. Nếu tránh né, kiêng cử thì chỉ có thể viết dối trá về những chuyện viển vông. Tôi để ý một số nhà văn Việt Nam thích viết về trinh nữ và ma trơi, hai thứ tuyệt đối không có trên đời này, còn ăn mày và đĩ đứng đầy đường thì không thấy!
Lý Đợi: Có một cái chuyện rất chán mà dân làm thơ hay bị hỏi hơn những dân làm nghệ thuật khác, là anh làm gì ngoài thơ. Ý là anh làm gì để sống. Vẫn ý này, trước đây & hiện nay anh làm gì để sống? Nếu được, anh nghĩ gì về những công việc của anh đang làm & theo anh, thế nào là công việc của người làm thơ?
Đinh Linh: Vì không có bằng cấp, tôi thường làm những việc tay chân để kiếm ăn. Tôi đã sơn nhà, quét dọn nhà cửa, làm văn phòng, dạy con nít vẽ… Gần đây hơn, tôi được mời dạy học ở các trường đại học. Ở Mỹ có những cua dạy làm thơ. Tôi sướng nhất là khi được trao giải thưởng về văn chương. Cho tới nay, tôi đã được 2 giải thưởng lớn, để sống tổng cộng 4 năm mà không phải làm gì. Khi đi đọc thơ ở các trường đại học, tôi cũng được họ trả tiền. Bạn phải nhớ là ở Mỹ đời sống rất đắt đỏ. Nếu không khéo, bạn có thể biến thành ăn mày như chơi. Ở những thành phố Mỹ có rất nhiều người ngủ ngoài đường. Những kinh nghiệm việc làm đều cho tôi thêm ý thức về đời sống.
Lý Đợi: Định nghĩa về thơ luôn là chuyện nhàm chán, vì những từ dùng để làm công việc này thường quá nhảm & loãng nhách. Nhưng tôi vẫn thích anh nói về thơ; thơ Việt với thơ Anh? Bởi có lần tôi có đọc của anh 1 tập thơ truyền tay có tên là Thơ Trơ, tôi rất thích từ Trơ… Vậy anh nghĩ gì về sự Trơ này? Phải chăng nó là hệ quả của một vài biến cố hay hệ luỵ nào đó? Hay chẳng là gì sất?
Đinh Linh: Trơ đây có nghĩa là vô ý tứ, nói toẹt, không biết ngượng. Con nít, thú vật và những kẻ điên thường hay trơ. Nhà thơ nên gần gũi với bản chất con nít, thú vật và cơn điên của mình. Khi viết bạn phải nửa tỉnh nửa điên.
Lý Đợi: Nhiều người nói đọc thơ Đinh Linh (cả 2 thứ tiếng) nghe ngồ ngộ, có khi nào, cái ngộ là do tính chất Trơ? Thằng nhóc tỳ làm Trơ 2 ngôn ngữ là một lời khen, nghe có lọt tai được không?
Đinh Linh: Tất cả những gì khác thường đều ngồ ngộ. Cái ngộ ở đây là do tính chất thơ. Nếu không ngồ ngộ thì đã đụng hàng với quá nhiều người. Nếu bạn lắng nghe những câu lải nhải triền miên trong óc bạn, thật lắng nghe, bạn cũng sẽ thấy bạn ngồ ngộ.
Lý Đợi: Cuối cùng, với tư cách nhà thơ-người quan sát ngôn ngữ, theo anh, tình yêu dân tộc (hoặc đa dân tộc) được biểu hiện qua chỗ nào của ngôn ngữ? Nhiều người nói phải viết và chỉ khi viết về những “đề tài mang tính sử thi dân tộc” thì mới chứng minh được tình yêu?
Đinh Linh: Ngôn ngữ thật bát ngát. Thi ca, nhất là thi ca Việt Nam, thì hẹp hòi. Bạn phải biết sống thoải mái trong cái biển ngôn ngữ, chứ đừng nằm úp trong cái chòi thi ca.
Lý Đợi: Và hơn nữa, để kết thúc bài trao đổi chẳng ra hệ thống này, anh thích nói một vấn đề gì theo cảm nghĩ thì xin mời trình bày?
Đinh Linh: Tôi hi vọng những nhà thơ, nhà văn Việt sẽ có thể đánh thức được dân tộc mình, ban cho tất cả một cái tâm hồn để xứng đáng làm người.