Quê gốc Nam Định nhưng lớn lên tại Quảng Nam - Đà Nẵng, Đoàn Thạch Biền từng dạy học ở Bình Thuận, làm công nhân ở Sài Gòn sau năm 1975, và hiện đang công tác tại Báo Người Lao Động. Anh đã in 10 tác phẩm và đang viết tiểu thuyết, kịch dài...
* Anh có thể nói gì về bước đường đến với văn chương của mình?
- Tôi tự chọn con đường văn chương từ năm đệ tam, khi quyết định theo ban C Trường trung học Phan Chu Trinh - Đà Nẵng, với ước mơ trở thành nhà thơ. Nhưng tôi đã làm thơ thất bại. Sau đó, tôi học ban Triết - Đại học Văn khoa Sài Gòn, với ước mơ viết một tác phẩm cao siêu, nhưng cũng thất bại. Tôi chuyển sang viết kịch cho sinh viên diễn, ước mơ được một đoàn kịch chuyên nghiệp dàn dựng, nhưng chờ mãi không thấy. Tôi nghĩ, tại tên Phạm Đức Trịnh cha mẹ đặt nặng phần đức quá, thích hợp làm từ thiện hơn là nhà văn, nên khi chuyển sang viết truyện, tôi lấy bút danh Nguyễn Thanh Trịnh. Đấy là tên cô sinh viên Nguyễn Thị Trịnh cùng lớp. Lúc đó, dù chưa chiếm được trái tim nàng nhưng tôi tự an ủi là mình đã chiếm được hai phần ba... tên nàng. Cũng may nàng tốt vía nên trong năm 1974, tôi đã được NXB Bạn Ngọc in hai tác phẩm: Ví dụ ta yêu nhau và Những ngày tươi đẹp. Tháng 8/1975, tôi về sống ở Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng, tôi gặp lại thầy Nguyễn Lương Hiền, người đã dạy tôi môn Triết lớp đệ nhất. Thầy đã bị cho nghỉ dạy vì chương trình lớp 12 lúc đó không có môn Triết, thầy mở cửa hàng bán chất đốt để sinh sống. Tôi nghĩ hoàn cảnh mình cũng giống thầy nên không xin đi dạy lại. Trở vào Sài Gòn, tôi vào làm công nhân Xí nghiệp dệt 3 ở Bình Thạnh.
* Nhưng rồi anh lại cầm bút, chỉ có điều từ Nguyễn Thanh Trịnh đã thành Đoàn Thạch Biền. Lý do?
- Sống với các anh chị công nhân, tôi thấy có nhiều chuyện hay, khác hẳn thời tôi sống với học trò ở Phan Rí. Tôi thử viết truyện về họ và gửi Báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Công Nhân Giải Phóng... Không ngờ, những truyện đó được đăng và sau đó được NXB Trẻ in thành tập truyện Bất ngờ phía trái tim (1987). Việc tôi không dùng bút danh Nguyễn Thanh Trịnh, chỉ vì cô Trịnh đã định cư và lập gia đình ở Mỹ. Bút danh mới Đoàn Thạch Biền tôi lấy theo tên cô Đoàn Thị Biền bán cơm sườn gần xí nghiệp, hy vọng tác phẩm của mình cũng ngon và bán chạy như cơm sườn của cô.
* Trong truyện, Đoàn Thạch Biền vẫn trung thành với những gì của Nguyễn Thanh Trịnh. Đó là sự nối dài cố ý?
- Chủ đề chính trong các truyện của tôi là sự ngộ nhận. Có thể xóa bỏ hết những ngộ nhận trong cuộc sống? Hay ta phải sống chung với ngộ nhận như sống chung với lũ? Dù tôi ký bút danh gì thì chủ đề truyện của tôi cũng không thay đổi. Ngoài ra, cách viết của tôi còn chịu ảnh hưởng từ phim ảnh. Thuở nhỏ tôi rất thích xem phim hài Charlot. Lớn lên, tôi thích xem những bộ phim bi hài trộn lẫn. Tôi nghĩ, nụ cười kèm theo một giọt nước mắt, sẽ giúp nụ cười đỡ nhạt.
* Cho đến nay, phần thưởng lớn nhất mà văn chương mang đến cho anh là gì?
- Đó là những người bạn. Không phân biệt tuổi tác, địa vị, giới tính, khi cùng yêu thích một tác phẩm văn chương, người ta dễ thân thiện với nhau.
* Là người thực hiện tạp chí Áo Trắng (NXB Trẻ), anh có một định hướng nào không? Áo Trắng có thể mang đến cho độc giả trẻ cái gì?
- Bạn trẻ hiện nay có quá nhiều thứ để lựa chọn và yêu thích. Qua tạp chí Áo Trắng, tôi muốn giới thiệu với các bạn trẻ một thứ cũng đáng được yêu thích: văn chương. Các bạn ấy cũng có thể viết văn, làm thơ, một công việc chẳng có gì bí hiểm. Viết văn nhiều người đọc không hiểu mới khó, chứ viết văn ai đọc cũng hiểu thì dễ thôi. Điều quan trọng là bạn đã viết được những gì bạn yêu thích. Làm được điều bạn yêu thích, đó là một niềm vui. Ngoài ra, khi đã yêu thích văn chương, tất nhiên bạn sẽ tìm đọc tác phẩm của những tác giả khác. Áo Trắng chỉ làm một công việc nhỏ bé đó.
* Anh có cảm thấy đa số thanh niên thời nay vẫn dùng văn học để giải trí hơn là bồi đắp một chọn lựa mang tính xã hội của mình. Nhiều người đã tốt nghiệp đại học vẫn thích xem truyện tranh hơn là quan tâm đến những trào lưu tư tưởng triết học/ nghệ thuật nghiêm túc. Theo anh, xu hướng này bộc lộ điều gì?
- Đa số không phải là tất cả. Vẫn có một số bạn trẻ đam mê văn học thật sự chứ không chỉ xem đó là phương tiện giải trí. Trong khi các phương tiện truyền thông ca ngợi những doanh nhân trẻ thành đạt, đương nhiên các bạn trẻ sẽ thích trở thành doanh nhân hơn là nhà văn. Điều đó cũng bình thường. Khi giàu có rồi, người ta sẽ mua tranh để treo tường nhà, mua đĩa nhạc xịn để nghe, mua sách để bày vào tủ sách gia đình. Xem một vở kịch hay, một bộ phim hay, nghe một bản nhạc hay... cũng làm giàu có tâm hồn, đâu nhất thiết phải đọc sách văn học. Thời trẻ, đi đâu tôi cũng ôm kè kè một cuốn sách triết như ôm chặt chân lý, sợ nó rơi mất. Các bạn trẻ hiện nay lại ôm kè kè một laptop, như ôm một thế giới thu nhỏ. Cao siêu hơn nhiều.
* Anh có nghĩ anh đã xuất hiện đúng thời điểm chưa?
- Chưa. Tôi đã xuất hiện nhiều lần nhưng đều trật thời điểm. Tôi đang rình xuất hiện trở lại cho đúng thời điểm, để được thành công như các nhà văn khác đã thành công.