Họ làm nhịp cầu nối tri âm giữa “tác giả-tác phẩm-người đọc” thì cớ gì có sự nhìn nhận lệch về nhau. Một nền văn học trên thế giới hay Việt Nam đều phải có phê bình, nếu không có phê bình thì liệu tác phẩm của tác giả có được cảm thụ cái hay, cái đẹp, cái thiện… trong đó không?”
Việc anh bùng nổ nội tâm như văn chương của người trẻ hiện nay thể hiện có phản ảnh xu thế thời đại hay đụng chạm tới từng ngóc ngách của ngõ hẻm văn chương hay không không phải anh đăng đàn rêu rao mà hãy để tác phẩm mình cho công chúng thẩm định. Còn tạo “hiện tượng”, với ảo giác ảo thì người đọc tò mò đấy xong họ sẽ ngán ngẫm quay lưng ngay. Theo tôi đã là nhà văn phải tạo “thương hiệu” cho riêng mình bằng tác phẩm.
Trong văn học không có sự “già-trẻ”...
*Đọc nhiều bài viết của anh trong tập “Tản mạn cùng văn nghệ sĩ miền Nam” vừa mới ra mắt bạn đọc, thấy dường như anh ít quan tâm đến đời sống văn học trẻ hiện nay?
- Thường mình viết những người nổi tiếng, người lớn tuổi để mình học tập vì họ có ý nghĩ khác chúng ta lắm. Những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà giáo trong tập này chỉ là một phần trong quá trình tôi tìm hiểu, yêu mến từ khi còn ngồi mòn ghế nhà trường ngay cả đến khi vào đại học, rồi nhờ môi trường làm ở báo Văn Nghệ tôi càng có cơ hội tiếp xúc và từ đó càng thân tình hơn. 30 chân dung văn nghệ sĩ trong tập sách, mỗi chân dung có sự đóng góp nhất định cho nền văn học nghệ thuật cũng như giáo dục nước nhà. Một số bạn đọc hỏi tôi, trong số 30 chân dung văn nghệ sĩ anh viết có một số ít chúng tôi chưa được đọc, được biết, sao thấy lạ quá, tôi càng vui vì mình đã làm nhịp cầu nối để họ hiểu thêm về những chân dung mà họ chưa từng đọc hay nhìn thấy… Tôi nghĩ rằng, nếu không thân chỉ đọc qua tài liệu rồi viết thì nó không sống được lâu. Hơn nữa, viết những nhà văn trên 70 tuổi, kẻo mai một dần…thì mình buồn, tiếc và ân hận lắm.
*Có người cho rằng: Viết về các nhà văn đã thành danh, giá trị đã được khẳng định “an toàn” hơn viết những cây bút mới xuất hiện. Anh nghĩ sao?
- Đó là thực tế, vì “nhà văn đã thành danh” thì độ chín muồi của tác phẩm càng “giá trị”, chân thật hơn “gừng càng già càng cay”. Tôi đồng ý, trong văn học không có sự “già-trẻ” mà chỉ có người “đi trước” và người “đi sau”. Người đi sau học hỏi những tinh hoa, kinh nghiệm của người đi trước. Trên thế giới hay Việt Nam cũng vậy, bản thân mỗi người sinh ra đều đã có một số phận mà văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung là sự “bắt chước”. Nền văn học dân gian (văn học truyền miệng) Việt Nam đồ sộ và phong phú với các thể loại ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ… cùng với các câu chuyện thần thoại, ngụ ngôn, cổ tích… từ khi có chữ viết các nhà văn đã học và dần hình thành trong máu của mình. Nếu như cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ… hay ngay cả những ông vua tài hoa đất Việt: Lê Thánh Tông, Tự Đức… họ đều học từ dân gian và những người đi trước cả để tình yêu thơ ca, ngâm vịnh và chính vì thế họ đã để lại những bài thơ bất hủ thì việc viết hay nghiên cứu về họ là điều dễ nắm bắt và các công trình khoa học đã định hình. Ngay cả giai đoạn văn học của Tự lực văn đoàn, Thơ mới, văn học cách mạng qua hai thời kỳ rực rỡ trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã hình thành và khẳng định phong cách riêng. Danh sách đó đã được nghiên cứu và nhiều công trình rồi, tôi cũng học và tích lũy chút ít để làm vốn cho mình. Rồi yên tâm hơn khi nghiên cứu, viết về họ. Bởi với tôi “đọc-học-hỏi” và - “viết” chỉ là thể hiện ngôn ngữ mà thôi. Cái chính là anh viết như thế nào để khi đọc, công chúng yêu quý anh hơn.
Còn bảo chưa viết về trẻ, chắc tôi hay các đàn anh đi trước cũng đang viết và chờ đợi những tác phẩm thai nghén của các bạn. Họ trẻ họ còn thời gian thể nghiệm mình, còn cơ hội sửa chữa để hoàn thiện. Và văn chương ngày nay trên mạng rải đều các thể loại, vị thế văn chương của người trẻ chiếm đại đa số nhưng chưa có một tổng quát nhất định, chưa viết nhiều về họ là chờ đợi sự chín muồi. Còn những nhà văn đi trước thì đủ rồi, bạn thấy đấy tuyển tập, toàn tập tha hồ nhận định, đánh giá và viết cho khéo mà nói như cụ Nguyễn Du thì “Mà trong lẽ phải có người có ta”.
*Nhưng có ý kiến cho rằng phê bình còn có cả chức năng phát hiện, dự báo những giá trị mới, những xu thế mới... trong văn học nữa?
- Phê bình đi trước hay sau tác phẩm văn học? Thường công việc phê bình là khi tác giả đã trình làng tác phẩm để từ đó nhà phê bình đọc nắm bắt được đâu là phong cách sáng tác, trường phái, thể loại, sở trường, sở đoản… của tác giả nhằm bình luận tác phẩm và tác giả. Vậy thì khi một tác phẩm đầu tay hay 2, 3 cuốn liền sau đó của tác giả ABC nào đó… sẽ dần khẳng định được bút pháp của mình. Tôi ví dụ, nhà văn Hồ Anh Thái phát hiện Nguyễn Thế Hoàng Linh và ngay cả Mạc Can là nhờ anh biên tập, đọc viết giới thiệu, vậy nhà phê bình làm sao nắm được “chi tiết” đó. Còn phê bình với chức năng tìm kiếm, phát hiện, dự báo… là lý thuyết đi tìm cái chân thiện mỹ mà cái đó ở đâu, nói hơi dài dòng ở đằng sau tác phẩm. Một kiểu thứ hai của nhà phê bình là đưa ra xu hướng sáng tác của nhiều nền văn học trên thế giới để thông qua đó, tác giả (người sáng tác) cảm nhận và tiếp thu luồng văn học nhằm khẳng định việc đổi mới cho gần gũi, hiện đại hơn.
*Để chứng minh rằng mình “không xa rời, không đứng ngoài” sự vận động của đời sống văn học trẻ hiện nay, anh có thể cho một vài ý kiến nhận xét/đánh giá?
- Thơ trẻ đang ở đâu trong dòng chảy chung của văn học nước nhà? Nhiều câu hỏi được đặt ra như thế tại Hội thảo Thơ TPHCM vừa được tổ chức (25-8) mà tôi được tham dự. Danh sách nhà thơ trẻ dự hội thảo chỉ chưa đếm đủ trên đầu ngón tay. Trong 11 tham luận: Trần Thanh Đạm, Mai Quốc Liên, Inrasara, Trần Hữu Lục, Lam Giang, Tôn Nữ Thu Thủy, Lê Tú Lệ, Khánh Chi, Ánh Huỳnh, Nguyễn Trọng Tín, có lẽ và duy nhất thật sự trẻ một mình một chiếu Lê Thiếu Nhơn và anh đã “Giải mã ảo giác thơ trẻ” rằng: “Thời trước, người biên tập thơ ở các nhà xuất bản là các bậc tài danh có “mắt xanh” nhìn thấu thực chất các tác phẩm. Bây giờ, các biên tập viên có vẻ ít chuyên môn về thơ nên đòi hỏi họ cho ra đời các tác phẩm chất lượng là điều không thể”. Mà thật vậy có bao người làm thơ như Ly Hoàng Ly, Phan Trung Thành, Trần Hoàng Nhân, Lý Đợi, Ngô Thị Hạnh… họ đến để nghe còn lại hầu như không được biết vì không có thư mời. Vậy thì họ thờ ơ hay bận mưu sinh?
Tôi và các bạn ấy dẫu sao cũng là những người trẻ, tôi đọc thơ, văn họ rồi giới thiệu trên mạng chứ dành đất cho báo viết cũng khó vì chỉ viết được điểm sách đôi ba dòng chứ không thể viết hết những nhận định đánh giá về họ. Còn lại không phải tôi không quan tâm như bạn thấy đó, báo giới thiệu mình tìm mua để đọc, còn lại được tặng, nhà xuất bản biếu, đọc thấy hợp thì viết như tập thơ “Mang” của Phan Trung Thành, “Nằm im đợi nắng thức” của Trần Hoàng Nhân, tập truyện của Nguyễn Thu Phương, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư… còn lại đọc và chờ đợi tác phẩm mới “dám” đánh giá nhận xét được. Nhận xét về thơ trẻ, tôi đã viết bài “Thơ trẻ-đóng góp được gì” trên Văn Nghệ Trẻ năm 2005. Còn tổng quát về văn xuôi thì mới chỉ rải rác.
Táo bạo, gay gắt, quyết liệt không kém phần dữ dội là thế mạnh của trẻ
*Nếu nói rằng: với người sáng tác chỉ sợ anh không có tác phẩm hay chứ không sợ không có nơi in. Và nữa: đóng góp của người viết là ở chính tác phẩm của họ chứ không phải việc họ xuất hiện ở đâu, “tuyên ngôn” ra sao... thì những lý do trên có vẻ như chưa thuyết phục cho cái lý giải về một “chỗ đứng” của văn học trẻ trong đời sống văn học nước nhà. Anh nghĩ sao?
- Hội thảo Thơ TPHCM như trên tôi đã trình bày, 11 tham luận thì có 8 tham luận dành để nói về trẻ. Vậy thế hệ đi trước trông mong vào một lực lượng sáng tác kế thừa, họ dành “chỗ đứng” trang trọng cho thế hệ sau. Việc họ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nào đó (kể cả internet) là cách trình bày, giới thiệu (tiếp thị) tác phẩm của họ đến công chúng. Còn đời sống văn học nước nhà đang cần và tương lai là của lớp trẻ. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, công việc in ấn tác phẩm hiện nay thật sự đa dạng và việc có sự tham gia của tư nhân thì nhà văn trẻ cứ yên tâm sáng tác. Tôi cũng nhận thấy một số Hội Nhà Nhà văn, Hội Văn học nghệ thuật của 64 tỉnh, thành làm “bà đỡ” tác phẩm như tài trợ in ấn thì việc ưu ái như thế vẫn là dành đất lớn cho trẻ đấy chứ. Còn thế hệ như bạn nói kể từ sau 1975 nổi bật và trội hơn hẳn là nhà văn của lực lượng thanh niên xung phong, sau đó thì rải rác có một vài tên tuổi xuất hiện thông qua các cuộc thi văn học và thế hệ như bạn gọi 8X, 9X còn đang tiềm ẩn, chúng ta cũng trẻ cả nên lạc quan vào thế hệ mình là điều vui mừng hơn lo lắng.
* Anh nhìn nhận như thế nào về những nỗ lực cách tân/ đổi mới của các tác giả trẻ hiện nay?
- Như trên tôi đã trình bày, mỗi thời đại ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của nhà văn. Vì “văn học phản ảnh hiện thực”, nhà văn sống thời nào viết về thời ấy (viết về thời đã qua họ dựa theo chứng liệu lịch sử). “Những nỗ lực cách tân/đổi mới” của người viết trẻ là táo bạo, gay gắt và dám nói những điều thế hệ trước có chăng chỉ thể hiện lời nói.
* Ngoài sự táo bạo như anh vừa nói, thì hiệu quả về mặt tác phẩm ra sao, theo cách đánh giá của anh?
- “Hiệu quả” ư, hãy để bạn đọc và thời gian thẩm định. Một tác phẩm “đình đám” chăng còn có cả một công nghệ “lăng xê” của báo, đài. Đơn cử nếu Cánh đồng bất tận đăng trên Văn Nghệ thì người trong giới đọc để biết đã đành còn đến số đông công chúng hay không chỉ một số ít quan tâm văn học. Báo Tuổi Trẻ đã “dấy” lên được và ngay lập tức trở thành hiện tượng best-seller. Rồi qua một thời gian, vụ việc Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau “kiểm điểm”… lại trở thành hiện tượng văn học đầu năm 2006. Táo bạo, gay gắt, quyết liệt không kém phần dữ dội là thế mạnh của trẻ vốn năng động, sáng tạo nhưng để lại được gì thì thật sự là ở cách viết của họ. Tôi thật sự ấn tượng những Nguyên Hương, Lê Vĩnh Tài ở Tây Nguyên nhưng sức viết của họ thật mới gần gũi đồng bằng. Rồi thông qua các cuộc thi danh sách nhà văn trẻ lại tiếp tục dài ra, vì mưu sinh hay vì chưa thoát ra khỏi lối mòn mà văn học trẻ chưa có một tổng kết nhất định. Vậy thì việc tiếp thị tác phẩm đến với bạn đọc cũng cần những nhà văn marketting vậy.
* Các tác giả 8X đang thu hút nhiều sự chú ý của người viết cũng như độc giả cả nước. Theo anh, điểm nổi bật nhất trong các sáng tác của họ là gì?
- Thú thật tôi có già quá chăng hay thờ ơ với cái gọi là thế hệ 7X, 8X hay thế hệ @, toàn những thuật ngữ mới mà do chính người trẻ đặt ra. Ngôn ngữ thay đổi theo công nghệ thông tin, khoa học và sự va đập ngôn ngữ hằng ngày buộc người trẻ phải thể hiện và điều họ viết ra đương nhiên phải khác chứ thật ra chưa mới, chưa tạo nên đời sống mà vốn dĩ văn học cần. Đình đám chăng ở (cho tôi tạm chia) miền Bắc có Đỗ Hoàng Diệu, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư; miền Nam có Nguyễn Ngọc Tư, nhóm Ngựa Trời (tôi nhìn về nữ) rằng họ dám nói thật những đề tài tính dục như bản năng vốn có của con người để phơi bày thành chữ nghĩa và như bạn thấy đó, tồn tại hay không thì Nguyễn Ngọc Tư còn để lại trong lòng người đọc một Cánh đồng bất tận với những trang viết tính dục không vượt quá đời thường mà người đọc khó chịu gọi là dâm ô. Còn viết để “đối tục giản thanh” thì các bạn nữ phải tôn “bà chúa Thơ Nôm” Hồ Xuân Hương lên hàng sư tổ. Người viết nam như nhóm Mở Miệng có ồn ào đấy song rồi cũng im hơi lặng tiếng, bởi họ để lại quá nhiều văn chương dung tục chỉ hợp ở nơi bến xe, chợ trời mà thôi. Còn nổi bật thì đề tài tính dục trong văn chương trẻ mới thật sự gây ồn ã trên văn đàn. Và nhìn nhận gần gũi hơn, tôi xin trích lời của bậc đàn anh như nhà thơ Trương Nam Hương, Phó chủ tịch Hội đồng Thơ, Trưởng ban sáng tác trẻ Hội Nhà văn TPHCM trong đề dẫn tại hội thảo Thơ TPHCM (25-8) vừa qua nhận xét: “Cách đây 10 năm, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức Hội thảo thơ “Truyền thống và hiện đại”. 10 năm qua rõ ràng Thơ có bước dịch chuyển rất đáng ghi nhận, đề tài của thơ rộng mở, biên độ về cảm xúc đã được đẩy lên rất cao.
Mặt bằng của thơ so với 10 năm trước đã có bước tiến rất lớn, đặc biệt là lực lượng sáng tác trẻ, họ viết gai góc hơn, nhiều vấn đề, trong đó cả vấn đề tính dục cũng được đề cập đến. Chưa bao giờ thơ khai thác sâu và nhiều góc cạnh lẫn tâm linh kể cả về mặt xã hội đời sống hôm nay. Nhưng người ta vẫn hỏi, hiện nay diện mạo thơ thực ra như thế nào, thơ đang ở đâu trong dòng chảy. Tất cả những câu hỏi đó đang trên đường tìm một lời giải. Hội thảo lần này có ý nghĩa gợi mở, nghe tham luận để anh em suy nghĩ thêm trong hành trình thơ đầy gian nan, vất vả”.
“Chưa thấy đào tạo hay bồi dưỡng cho nhà phê bình trẻ”
* Đời sống phê bình văn học hiện nay của chúng ta đang có tình trạng: các nhà phê bình viết phê bình thì các nhà văn không chịu vì “họ không hiểu cánh sáng tác”, các nhà văn viết phê bình thì các nhà phê bình cũng ... chê vì “không chuyên nghiệp”. Thực ra cần nhìn nhận như thế nào, theo anh?
- Bạn hỏi tôi cũng chính là trả lời rồi vậy. Thật ra sau khi thành công ở việc sáng tác (thơ, văn xuôi), các nhà văn chuyển sang phê bình lại rất được việc. Ví như Hoài Anh, Trần Đăng Khoa, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Hoàng Sơn, … họ vốn có những trải nghiệm nghề viết nên khi bắt tay vào phê bình họ gần gũi hơn. Còn sự “không chịu” nhau thì đời nào chẳng vậy. Vì “văn mình vợ người” mà. Tôi nhớ việc nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã “cải chính” cho cụ Nguyễn Tuân trong tập “Với bác Nguyễn”, khi đọc tôi xúc động với tấm chân tình của “một học trò giỏi” Đoàn Minh Tuấn. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý bài viết cách đây đã hơn 20 năm (8/1985-2006) “Người bạn lớn của tuổi trẻ”: “…Có nhiều người viết về Nguyễn, ca ngợi Nguyễn, nhưng có người vì “tam sao thất bổn” lại nói bác có dặn lại là sau này chết, chôn theo một nhà phê bình. Điều này thật quá đáng. Bác thường nói vui: Khi mình trăm tuổi, nhớ đốt cho mình con hình nhân-tức con nộm bằng giấy-một nhà phê bình để xuống âm ti trò chuyện, tranh luận cho vui. Chứ chưa bao giờ nói chôn sống một nhà phê bình bao giờ”.
Riêng tôi, người viết văn hay nhà phê bình thật ra không nên có ranh giới “chuyên nghiệp” hay “không chuyên”, bởi sự cảm nhận tác phẩm và tác giả của người viết phê bình phải đặt mình vào sự khách quan, trung thực để từ đó người hưởng lợi là bạn đọc. Họ làm nhịp cầu nối tri âm giữa “tác giả-tác phẩm-người đọc” thì cớ gì có sự nhìn nhận lệch về nhau. Một nền văn học trên thế giới hay Việt Nam đều phải có phê bình, nếu không có phê bình thì liệu tác phẩm của tác giả có được cảm thụ cái hay, cái đẹp, cái thiện… trong đó không? Vậy nên vì một nền văn học phát triển (tôi nhấn mạnh) hiện nay cần có nhà phê bình tỉnh táo đọc sách, lướt web để hòa nhập với thế giới. Nếu vào WTO đơn thuần xem kinh tế là chủ điểm thì càng xem văn hóa mà trong đó văn học nghệ thuật mới chính là giá trị lâu bền của nền văn hiến Việt Nam.
* Và ngày càng thưa vắng các nhà phê bình trẻ. Có người còn đùa rằng: chẳng mấy mà chúng ta sẽ “tuyệt chủng” các nhà phê bình. Liệu chúng ta có cách nào để cải thiện tình hình không nhỉ?
- Xưa hay nay người sáng tác đều là cấp số nhân, còn người phê bình là cấp số cộng. Trong một tòa soạn cũng vậy phóng viên chiếm số đông còn biên tập viên chỉ thiểu số. Chứ cứ một nhà văn đi kèm với một nhà phê bình thì chuyện gì xảy ra… Còn người phê bình trẻ sẽ càng ngày “thưa vắng” âu cũng là điều dễ hiểu. Bạn và tôi cũng không nằm ngoài những suy nghĩ đó khi Hội nghị Viết văn trẻ thì nhà phê bình trẻ nằm vị trí ở đâu trong số nhà thơ, nhà văn. Lê Hoài Nam hay Nguyễn Thanh Sơn có thể gọi là nổi trội trong phê bình của lực lượng kế thừa nhưng có người trẻ khác chỉ lặng lẽ làm việc.
Sáng tác thì dù là thơ hay văn xuôi đều cần sự đồng cảm của bạn đọc, nhà phê bình thì càng phải biết “nấp mình” mà “phê” cho ra “phê”, “bình” cho ra “bình” và nhà phê bình nên biết chịu thiệt thòi khi ấy mới chứng minh mình đủ bản lĩnh để người đọc cho rằng anh là chủ tọa của phiên tòa văn học, là Bao Thanh Thiên của phê bình lý luận.
Còn “cải thiện” thì đã có Hội Nhà văn, Viện Văn học trong đó đã có cả Hội nghị Lý luận Phê bình Trung ương sẽ tìm thấy hướng đi mới cho nền phê bình đang bị và được xem là khủng hoảng. Liệu có phải là ảo hay không? Việc mỗi năm mỗi họp để rồi “đào tào, bồi dưỡng lực lượng trẻ” nhưng có chăng thì dành cho nhà văn, nhà thơ trẻ chứ ít ra cho đến bây giờ, tôi chưa thấy đào tạo hay bồi dưỡng cho nhà phê bình trẻ cả. Vậy ai cũng chọn sáng tác chứ dại gì dây mơ rễ má chi với công việc phê bình để rồi được thì ít mà lo lắng thì nhiều.
Mỗi người chọn cho mình một con đường đi cứ theo đuổi ắt tới đích. Còn chọn phê bình là nghề nguy hiểm nhất trong văn học. Bởi theo tôi chắc phải phê bình mềm mại. Sáu năm đầu của thiên niên kỷ mới, thế kỷ mới nhưng văn học có phát triển gì nổi trội so với thời của các nhà văn thế hệ chống Pháp, chống Mỹ. Có đấy nhưng hiện nay còn thiếu hay vắng hẳn “con mắt xanh” để đột phá cuộc cách mạng văn học số này.
* Liệu chúng ta hiện nay có đang trong tình trạng: quan tâm đến thời sự văn học hơn là chính văn học hay không?
- Thời sự văn học cũng như thời sự báo chí, không quan tâm, để ý hằng ngày thì cái mình viết ra có lỗi thời chăng. Người viết văn ngày nay luôn đi sau với những phát minh của khoa học, tuy văn học có tính dự cảm cao, điều đó đã được minh chứng rằng, văn học dân gian đã nói về đại hồng thủy thì thế kỷ 21 công nghệ thông tin mà trận sóng thần ngày 26-12-2004 cướp đi bao nhiêu sinh mạng của một số nước tại Châu Á như: Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ…Và tại sao nói Việt Nam chưa và không có nền văn học thật sự được thế giới biết đến vì chúng ta tự “nhốt mình” trong phạm vi “bế quan tỏa cảng”, nghĩa là một Hội Nhà văn Việt Nam với hơn 1.000 hội viên lại chưa có một website để thế giới truy cập vào biết nhà văn đó có tác phẩm gì để họ đọc, dịch giới thiệu. Có chăng chỉ là của cá nhân là chính theo kiểu nhật ký (blog). Còn trang web của khu vực được xem là nghèo nhất nước, xa xôi nhất có được website đó là Văn nghệ Đồng bằng Sông Cửu Long: http://www.vannghesongcuulong.org đến nay đã giới thiệu: 3.760 tác phẩm văn học, 363 tác phẩm nghệ thuật, 460 tư liệu các loại, 899 tác giả và đến nay gần tám trăm ngàn lượt truy cập.
Theo tôi, quan tâm thời sự văn học cũng là quan tâm đến văn học vì đây là thời của kỹ thuật số. Một ngày giam mình để chỉ sáng tác mà không truy cập internet bạn có cảm thấy khó chịu chăng. Và liệu bạn hay tôi có buồn chăng khi nhận những bản thảo còn viết bằng tay của thế hệ 6X (các nhà văn trên 50, 60… chưa quen sử dụng còn tạm chấp nhận).
* Mới đây, một tác giả trẻ tìm đến gặp tôi để đưa bản thảo. Anh ta có viết trong bản thảo ấy rằng: “lần đầu tiên xuất hiện với thiên truyện này, tác giả đã thực sự làm người đọc sửng sốt về sự thành công về nội dung cũng như về nghệ thuật với lối sử dụng ngôn ngữ đa dạng phong phú dí dỏm và hài hước”. Xin không bình luận về đoạn tự giới thiệu này, tuy nhiên có một ý mà tôi muốn đưa ra để chúng ta trò chuyện: sự tự tin dường như là một đặc điểm nổi trội và cũng là thế mạnh của các cây bút trẻ hiện nay? Anh có nghĩ như vậy không?
- Thật đúng vậy, tích lũy kiến thức nhà trường, khoa học đối với thế hệ trẻ là thế mạnh nhưng kinh nghiệm trường đời còn non. Họ tự tin đó là bản lĩnh của thời hội nhập. Chúng ta còn e ngại những tác phẩm đề cập tính dục nhưng một thế hệ trẻ của Trung Quốc lại rất thành công về đề tài văn học này. Họ được giới thiệu lấn át các nhà văn ta nhưng người đọc “thích” vì cách viết của họ quá ư hiện đại. Nếu nhà văn trẻ của chúng ta dụng công, rèn luyện hơn nữa đừng nóng vội thì văn học ta cũng không thua kém gì.
* Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi độc giả nhìn thấy ở người viết đó không đúng như danh xưng mà họ tự nhận/ tự giới thiệu?
- Theo dõi thời sự văn học bạn cũng thấy đó, Quách Kính Minh từng là thần tượng của giới trẻ Trung Quốc vì anh sinh năm 1983 thuộc thế hệ 8X nhưng ra mắt tiểu thuyết đầu tay “Ảo thành” gây chấn động văn đàn. Rồi đột nhiên họ phát hiện anh chàng này “đạo văn”. Đầu năm đến nay việc “đạo văn” ở Việt Nam cũng đang mức báo động. Thử nghĩ xem chỉ cần ăn trộm 1 chiếc xe đạp có thể bị phát tù 3 năm còn ăn cắp trí tuệ bị phát hiện mới “xin lỗi” như trong việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này, việc một ông nhạc sĩ T.B đang gây tranh luận làm cho chúng ta lấy đó làm điều xấu hổ. Ăn cắp trí tuệ theo tôi đã có luật sở hữu trí tuệ cần phải mạnh tay diệt và xem đó như một thứ giặc. Việc viết văn hay sáng tạo nghệ thuật ngoài khả năng “thiên phú” phải có “Tâm” như cụ Nguyễn Du đúc kết: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Việc anh bùng nổ nội tâm như văn chương của người trẻ hiện nay thể hiện có phản ảnh xu thế thời đại hay đụng chạm tới từng ngóc ngách của ngõ hẻm văn chương hay không không phải anh đăng đàn rêu rao mà hãy để tác phẩm mình cho công chúng thẩm định. Còn tạo “hiện tượng”, với ảo giác ảo thì người đọc tò mò đấy xong họ sẽ ngán ngẫm quay lưng ngay. Theo tôi đã là nhà văn phải tạo “thương hiệu” cho riêng mình bằng tác phẩm.
*Vâng, chính “thương hiệu”này sẽ giúp cho công chúng biết nhà văn/ tác giả đó là ai chứ không phải nhờ việc họ đăng đàn phát ngôn ở đâu đó. Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.