Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.177
123.222.952
 
Nhà văn Bích Ngân: Cái khó là nuôi dưỡng được cảm xúc
Hoàng Danh

Nhà văn Bích Ngân đã in 5 tập truyện ngắn (tập mới nhất Người đàn bà bơi trên sóng). Chị nhẩn nha viết nhưng viết rất kỹ. Có lẽ do vậy mà truyện của chị được chọn in trong nhiều tuyển tập truyện ngắn hay của nhiều NXB, có truyện được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh. Chị đang là Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập NXB Văn Nghệ TPHCM

 

. Phóng viên: Chị sinh ra và lớn lên ở miền sông nước Cà Mau. Sau bao nhiêu năm rời nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương có còn là nỗi ám ảnh trong văn của chị hay đã bị cuộc sống thị thành làm phai nhạt?

 

- Nhà văn Bích Ngân: Tôi thích những câu thơ của Giáng Vân, một người đàn bà cũng “lạc bước” như tôi: Ta là con gái nhà quê. Một mình bước đi trên phố dài. Lòng nhớ nắng và nhớ gió... Nắng và gió cũng là quê hương. Thực ra, với tôi, quê hương nhiều lúc giống như một khái niệm, dù ai cũng biết, đó là nơi có một mái nhà của tuổi ấu thơ, nơi những người ruột thịt gắn bó quây quần. Nhưng dòng xoáy của chiến tranh đã cuốn tôi cùng cha mẹ và các em rời khỏi nơi sinh thành, xô đẩy chúng tôi đến nhiều nơi và không lưu lại nơi nào đủ lâu để trở thành xứ sở, thành ký ức. Đó cũng là mất mát, thiếu vắng, chơi vơi... để rồi phải trút nỗi lòng lên trang viết. Những truyện ngắn được in đi in lại, như : Đất không cưu mang, Mặt trời ký ức, Nơi bão đi qua, Những mảnh ván thiêng... dường như cũng viết từ nỗi ám ảnh đó.

 

. Phải làm công tác quản lý, biên tập và đọc duyệt nội dung tất cả bản thảo được xuất bản - công việc này có gây trở ngại cho sáng tác của chị?

 

- Công việc phải làm với chữ nghĩa của người khác xem ra cũng hết sức nhọc nhằn và phải... thầm lặng nhẫn nại. Mỗi biên tập viên của NXB Văn Nghệ được Giám đốc Nguyễn Đức Bình tặng cho một ổ kén đựng trong cái hộp bọc nhung rất đẹp. Làm đúng với lương tâm nghề nghiệp thì công việc biên tập đòi hỏi sự hy sinh rút ruột của con tằm. Nhiều bản thảo được chăm chút cẩn thận từ hình thức cho đến nội dung khi đưa đến NXB, nhưng cũng có những bản thảo, chúng tôi phải đổ vào đó rất nhiều thời gian và tâm lực. Và những bản thảo “gai góc” phải dốc nhiều công sức thường lại là những bản thảo được người đọc đón nhận, chia sẻ và khích lệ.

 

. Trong hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm nay của ngành xuất bản, trong 52 NXB cả nước, NXB Văn Nghệ được xếp thứ hai sau NXB Quân đội Nhân dân có tỉ lệ tác phẩm sáng tác mới cao (chiếm hơn 90%). Trong số tác phẩm đó, chị thích quyển sách nào nhất ?

 

- Trong số hơn 200 đầu sách văn học được xuất bản từ đầu năm đến nay, nếu nói thích trọn vẹn một tác phẩm thì hiếm nhưng thích ở điểm này điểm khác thì có. Riêng cuốn Ba phút sự thật của cố nhà văn Phùng Quán là một tác phẩm mà tôi vừa thích vừa cảm phục. Tôi đọc nhiều lần, đọc từ lúc còn là những trang bản thảo cho tới khi đã in thành sách và đọc lại khi được tái bản vẫn thấy xúc động.

 

. Chị xúc động vì sự thật của một thời hay vì cuộc đời của tác giả?

 

- Với Ba phút sự thật, tác giả với trang viết là một.

 

. Như chị nói thì cũng có khi tác giả với tác phẩm không đồng nhất?

 

- Người đời vẫn nói “văn là người”. Điều này đúng nhưng theo tôi thì chưa đủ, bởi cũng có khi “người” thấp hơn, bé hơn “văn” của anh ta và tác phẩm chính là khát vọng, là giấc mơ mà cuộc đời trần tục anh ta không bao giờ với tới. Còn với Ba phút sự thật, nhà văn Phùng Quán đã viết bằng chính tim óc của một nhân cách sống chết vì nghĩa nhân.

 

. Vậy, theo chị, cái khó của một người theo nghiệp văn chương là gì?

 

- Trong khi viết, để có được những ý tưởng rồi nâng lên thành tư tưởng, thành triết lý, theo tôi không khó bằng việc nuôi dưỡng cảm xúc. Không có cảm xúc, từ ngữ chỉ là những xác chữ vô hồn. Mà để nuôi dưỡng cảm xúc thì phải sống chân thành, trước nhất là chân thành với chính mình.

 

. Nếu có một nhà văn trẻ tìm đến chị và đưa một bản thảo rồi tự tin nói rằng “In tác phẩm này, NXB sẽ được tiếng lẫn được miếng”, chị đón nhận ra sao?

 

- Tiếc là tôi chưa được gặp được một nhà văn tài năng nào có được sự tự tin như thế. NXB đang chờ một vài bản thảo của một vài nhà văn trẻ tự thấy là viết “rất được”.

 

. Chị nghĩ sao về văn chương trên mạng cùng những cách lập ngôn tạo dư luận của nhà văn thế hệ @?

 

- Đã là người viết ai cũng có nhu cầu được chia sẻ, thậm chí ngay cả viết nhật ký người ta cũng muốn được một ai đó... lén đọc. Việc lớp viết văn thế hệ @ có đất đăng tải mênh mông trên mạng Internet là đáng mừng. Điều này còn cho thấy công nghệ thông tin là một lợi thế cho người sáng tác trẻ. Ở nhiều nước, gần ta là Trung Quốc có một lớp nhà văn thành danh từ những sáng tác được in trên mạng, như An Ni Bảo Bối, Trương Duyệt Nhiên... Những tác phẩm của họ (được xuất bản bằng tiếng Việt) khiến tôi trọng về tài năng và ý thức của người cầm bút - họ tìm lối đi mới, khước từ lối mòn cũ giả dối, họ giàu suy ngẫm và biết mơ ước. Còn ở ta, thú thật là tôi ít đọc văn chương trên mạng vì đọc trên bản thảo, trên trang sách đã muốn không xuể, nhưng... cái mà bạn cho là “lập ngôn” theo tôi là to tát quá!

 

. Nhiều người bảo viết văn vì cái nghiệp, vì trách nhiệm phải viết nhưng thật ra đâu ai ép nhà văn phải viết nếu họ không muốn?

 

- Đến với văn chương cũng như đến với tình yêu: đam mê, nhọc nhằn và tự nguyện.

 

. Vậy chị đang viết gì, ấp ủ điều gì ?

 

- Tôi vẫn đang viết những điều mà mình muốn viết và cũng đang nợ vì những điều lẽ ra phải được viết.

 

. Xin cảm ơn chị.

Hoàng Danh
Số lần đọc: 2394
Ngày đăng: 15.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC - Huỳnh Kim
Phỏng vấn Nhà văn Bùi Anh Tấn : Vụ án ÁN NĂM CAM và HÀNH TRÌNH CỦA SÓI - Trần Hữu Dũng
Nhà thơ Hoài Anh lần đầu tiên trình làng “Tuyển tập truyện lịch sử”(*) - Nguyễn Tý
Tạo “thương hiệu” bằng tác phẩm - Nguyễn Tý
Tiến sĩ sử học, Nhà nghiên cứu tôn giáo Pascal Bourdeaux : “Nghiên Cứu Quê Ngoại” - Lý Đợi
Nếu nụ cười kèm theo giọt nước mắt... - Ngô Thị Kim Cúc
Văn chương mạng và những ảo tưởng của người viết - Phan Huyền Thư
Đinh Linh :”Ngôn ngữ không thuộc về ai cả” - Lý Đợi
Nhà thơ Bùi chí Vinh - Trần Hoàng Nhân
Nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn: - Lý Đợi