Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.776
 
Trương Trọng Nghĩa: “Sự buồn tẻ làm thui chột ý thức sáng tạo...”
Phong Điệp

Các bạn trẻ hiện nay vẫn còn “máu” với văn chương lắm. Họ vẫn có nhu cầu đọc thơ và giãi bày cảm xúc qua thơ. Họ sẵn sàng dấn thân vào con đường đau khổ này. Vì hơn lúc nào hết, trong cuộc sống hối hả hiện nay, con người đang cần tìm đến văn chương để lấy lại sự cân bằng. Chúng ta đang cần những khoảng lặng để thanh lọc và nuôi dưỡng tâm hồn.

 

“Việc quảng bá dành cho văn chương quá ít”

- Theo bạn, giới trẻ hiện nay dành sự quan tâm của mình cho văn chương ở mức độ nào? Liệu đã đến mức “báo động đỏ” như một số người đã lên tiếng chưa?

* Sự quan tâm của giới trẻ hiện nay dành cho văn chương đang suy giảm là điều có thật. Theo tôi đó cũng là chuyện đương nhiên khi giới trẻ hiện nay có quá nhiều thứ khác để quan tâm. Nếu như trước đây, các phương tiện thông tin giải trí chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay thì hiện hiện nay ngoài sách báo còn có phát thanh, truyền hình, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của mạng internet cùng những công nghệ đi kèm với nó. Dĩ nhiên khi có nhiều sự lựa chọn, người ta sẽ chọn cho mình cái tốt nhất, cái hấp dẫn và phù hợp nhất. Một lý do khác dẫn đến việc văn chương đang mất dần vị thế trong đời sống tinh thần con người, theo tôi, đó là do thời gian qua việc quảng bá dành cho văn chương của chúng ta quá ít. Trong đời sống kinh tế thị trường, văn chương cũng trở thành một sản phẩm. Vì thế muốn món hàng đó đến với công chúng thì rất cần được quảng bá, tiếp thị. Hầu như chúng ta đã quên, hoặc đang cố tình quên đi điều này. Những hoạt động bề nổi của âm nhạc và điện ảnh được báo chí săn đón và thông tin quá nhiều trong khi đất dành cho văn chương thì ngày càng bị thu hẹp, thậm chí hiện nay nhiều tờ báo đã “đoạn tuyệt” hẳn với văn chương. Một bộ phim mới ra lò, một ca sĩ ra album mới được quảng cáo rầm rộ, poster dán đầy đường, hàng chục tờ báo viết bài lăng-xê. Thử hỏi, một tác giả trẻ vừa in tác phẩm đầu tay thì ai biết đến đây?

Tuy nhiên, hiện nay, trong vai trò “chủ xị” của một trang web về văn chương trẻ, tôi dám khẳng định một điều: Các bạn trẻ hiện nay vẫn còn “máu” với văn chương lắm. Họ vẫn có nhu cầu đọc thơ và giãi bày cảm xúc qua thơ. Họ sẵn sàng dấn thân vào con đường đau khổ này. Vì hơn lúc nào hết, trong cuộc sống hối hả hiện nay, con người đang cần tìm đến văn chương để lấy lại sự cân bằng. Chúng ta đang cần những khoảng lặng để thanh lọc và nuôi dưỡng tâm hồn.

- Bạn vừa nhắc đến một khía cạnh được nhiều người viết trẻ hiện nay rất quan tâm: đó là việc quảng bá, tiếp thị văn chương như là một sản phẩm. Bạn cho rằng “hầu như chúng ta đã quên, hoặc đang cố tình quên đi điều này”. Nhưng tôi thì thấy rằng: chưa bao giờ việc in ấn, giới thiệu sáng tác của các tác giả trẻ cởi mở như bây giờ. Việc quảng bá, tiếp thị cũng được nhiều tác giả, các NXB rất chú trọng, dù không phải là tất cả. Văn chương là “hữu xạ tự nhiên hương” nên nó không thể ganh đua một cách ồn ào với các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh hay ca nhạc được.

* Đồng ý là vấn đề in ấn và giới thiệu tác phẩm hiện nay đang rất cởi mở nhưng dường như nhiều tác giả vẫn còn e ngại chuyện quảng bá hoặc có tâm lý ngồi chờ người khác giúp mình. Chỉ mới cách đây mấy năm, việc nhà thơ Anh Ngọc và sau đó là nhà thơ Nguyễn Duy “tiếp thị” thơ đã trở thành “chuyện lạ Việt Nam”. Hiện nay, nhiều NXB và các công ty liên kết làm sách ở Hà Nội đã bắt đầu chú trọng đến khâu tiếp thị sách văn chương. Tuy nhiên đôi khi tôi lại có cảm giác, họ đang cố tình tạo ra dư luận chỉ nhằm mục đích bán sách lấy tiền chứ chưa thực sự quan tâm đến việc tôn vinh những giá trị văn chương đích thực.

Người tiêu dùng luôn sáng suốt, họ chỉ bỏ tiền để mua những sản phẩm có chất lượng. Đành rằng việc quảng bá, tiếp thị không làm nên giá trị tác phẩm, thế nhưng chính sự e dè trong khâu quảng bá thời gian qua đã hình thành nên một khoảng cách nhất định giữa tác phẩm và bạn đọc. Có lẽ đã đến lúc nhà văn cần phải cho độc giả biết nhiều thông tin liên quan đến tác phẩm của mình hơn. Gần đây, một cây bút trẻ Hà Nội đã lập hẳn trang web để tiếp thị sách của mình và nhanh chóng tạo được sự chú ý. Đáng tiếc là những hình thức quảng bá như thế này vẫn chưa phổ biến.

- Có người kêu rằng hiện nay trên internet đang lạm phát các forum văn chương. Nhiều người trẻ tìm đến đây thực ra chỉ để “quậy” cho vui. Những người viết khó có thể tìm được những điều hữu ích cho mình từ những forum này. Bạn nghĩ sao về điều này?

* Vâng, thử dạo qua một vài forum trên mạng hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy ý kiến trên không phải là vô căn cứ. Hầu hết các diễn đàn ít nhiều đều có “quy hoạch” phần đất dành riêng cho văn học. Tuy nhiên, tôi cho rằng những forum này phần nhiều mang tính chất ngẫu hứng và nghiệp dư, chỉ dừng lại ở dạng “phong trào”. Tham gia cho vui thì được chứ chúng ta khó có thể tìm được những điều hữu ích, những vấn đề mang tính lý luận, học thuật ở các forum dạng này. Những forum thuần tuý văn chương và có chất hiện vẫn tương đối hiếm.

- Có nhà văn cho rằng hiện nay những người viết (đặc biệt là lớp trẻ) đang viết càng ngày càng ẩu cả về ngôn ngữ văn chương lẫn tư tưởng. Phải chăng đó là bởi họ đang vội vã và nôn nóng quá chăng?

* Đó vẫn là nhận định mà theo tôi hẳn còn gây ra nhiều tranh cãi. Tôi cũng chỉ là một tác giả 8X nên tôi nghĩ mình không có quyền gì để phán xét những cây bút cùng trang lứa. Tuy nhiên, tôi nhận thấy văn chương của thế hệ chúng tôi dường như đang thiếu sự lãng mạn kiểu cổ điển hoặc là các tác giả trẻ đang cố tình triệt tiêu nó. Có lẽ vì lý do đó mà những tác giả trẻ không thể chinh phục được những nhà văn cha chú?

Riêng đối với tôi, chuyện cẩu thả trong văn chương (nếu có) là do tác giả đó chưa thật sự nghiêm túc khi cầm bút hoặc giả chỉ xem văn chương như là một cuộc chơi.

- Bạn quan niệm thế nào về cái (tạm) gọi là Cũ và Mới trong sáng tác văn chương?

* Làm mới văn chương có lẽ là mong muốn chung của hầu hết nhiều thế hệ những người cầm bút. Một cái áo mới may tôi mặc hôm qua đã là cũ trong ngày hôm nay nhưng nó vẫn mới khi so với 2 ngày trước. Tuy nhiên, trong văn chương có nhiều vấn đề đã được nói đến từ rất lâu nhưng vẫn còn mới nguyên giá trị tại thời điểm hiện tại và tương lai. Thế thì lấy gì để làm ranh giới giữa cái cũ và cái mới trong văn chương đây? Xin tạm hiểu cái mới là những gì mà chưa ai đề cập đến, nó không được giống bất kỳ ai, không lập lại bất kỳ ai và ngược lại là cũ. Thế nhưng nếu hiểu cái mới như thế thì đôi khi đấy chỉ là sự lập dị vốn có hoặc do cố tình tạo ra của một cá nhân nào đó. Và liệu với một món ăn cũ được chế biến lại, cho thêm gia vị vào thì có thể xem là mới không? Có thể đưa ra khái niệm mơi mới ở đây không? Điều đó hẳn còn phải bàn lại. Theo tôi trong văn chương, vấn đề đổi mới bao gồm 2 yếu tố nội dung và hình thức. Cả 2 đều quan trọng như nhau cả. Nhưng chúng ta cần xác định mục đích tạo ra cái mới là gì, cái mới có hay hơn cái cũ không? Khi chưa trả lời thỏa đáng những điều đó thì tốt nhất nên lấy những giá trị truyền thống và hiện tại để làm chuẩn mực.

 

“độc giả đang bị hụt hơi khi cứ phải chạy theo những trào lưu...”

 

- Là một tác giả thuộc thế hệ 8X, bạn nhìn nhận như thế nào về thơ trẻ thế hệ mình?

* Trong một lần giao lưu gần đây trên chương trình Radio Thơ Trẻ, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng: “Thơ của các bạn trẻ hiện nay lập luận và triết lý quá nhiều mà thật ra những triết lý đó đôi lúc rối rắm đến mức nhiều người không thể hiểu nổi tác giả muốn nói gì”. Thú thật, đôi lúc đọc thơ của các bạn 8X, tôi cũng có cùng cảm nhận ấy. Trong trường hợp hai người bất đồng ngôn ngữ, họ có thể diễn tả bằng hành động để có thể hiểu nhau. Thế nhưng đối với những tác giả 8X, họ viết bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ, về những cảm xúc, những suy tư và trăn trở của thế hệ mình, mà bạn đọc cùng trang lứa của họ không hiểu thì làm sao có thể cảm thụ và chia sẻ được đây? Tôi nhận thấy thơ của các tác giả 8X hiện nay đang ngổn ngang những câu từ tăm tối, hũ nút chỉ nhằm mục đích đánh đố người đọc. Có vẻ như độc giả đang bị hụt hơi khi cứ phải chạy theo những trào lưu, những sự cách tân đến chóng mặt trong thơ trẻ hiện nay. Và liệu rồi một ngày nào đó họ có đủ thời gian và nhiệt huyết để tiếp tục đồng hành với nhà thơ không?

- Thế nhưng có tác giả trẻ tuyên bố rằng: họ biết giá trị của những tác phẩm mà họ viết ra. Nhưng độc giả từ chối họ chỉ vì không hiểu/ không đủ trình độ hiểu họ. Họ không thấy làm buồn vì điều đó bởi sớm hay muộn cũng sẽ có người hiểu / chia sẻ được với họ.

ở đây, tôi muốn hỏi: Theo bạn độc giả dự phần như thế nào vào sự thành công của một tác phẩm văn học?

* Một tác phẩm văn học có thể không tìm được sự đồng cảm ở thời điểm hiện tại nhưng nó hoàn toàn có khả năng sẽ tỏa sáng trong năm mười năm hay vài trăm năm sau nữa. Thời gian luôn là vị giám khảo công tâm nhất. Thế nhưng trên thực tế ít ai có đủ tài năng để viết ra tác phẩm cho những độc giả ở thời tương lai như thế. Thế thì tại sao chúng ta không thử xét ở mặt ngược lại. Một tác phẩm văn học mà số đông độc giả không thể hiểu, không thể cảm thụ được thì đó có phải là một tác phẩm có giá trị đích thực không? Giả sử tôi đưa cho bạn một cây bút bi hết mực và bảo đó là một tài sản vô giá sau năm mươi năm nữa, liệu bạn có tin không?

Tôi vẫn cho rằng, sáng tạo nên tác phẩm là tài năng của cá nhân mỗi nhà văn, nhà thơ nhưng độc giả mới chính là người quyết định giá trị đích thực của tác phẩm đó. Anh không thể tôn đứa con tinh thần của mình lên vị trí số một rồi bắt mọi người đều phải ngước lên chiêm ngưỡng nó. Độc giả của một tác phẩm văn học luôn ở số đông với đủ mọi trình độ, tuổi tác, giới tính, tính cách, quan điểm… khác nhau, vì thế theo tôi là quá thừa nếu cứ nơm nớp sợ họ bỏ sót những tác phẩm hay thực sự.

- Một câu hỏi không mới, nhưng tôi rất muốn nghe ý kiến của bạn - một tác giả trẻ rằng: chữ là phương tiện hay mục đích của thơ?

Sở dĩ tôi đặt ra câu hỏi này vì không ít lần tôi nghe được lời than phiền từ những nhà thơ lớn tuổi về việc hiện nay “chữ nghĩa” của các nhà thơ trẻ không bay lên từ tâm hồn, cảm xúc mà lại được nhào nặn bằng trí thông minh, sự lập dị của người viết. Và vì vậy, tác giả đó có thể được chú ý bằng sự lạ nhưng sự đồng cảm từ phía người đọc lại không được bao nhiêu...

* Xin được trả lời ngay, với tôi, chữ vừa là phương tiện nhưng cũng lại vừa là mục đích của thơ. Tuy nhiên “trọng lượng” của chúng trong mỗi bài thơ, mỗi dòng thơ không phải lúc nào cũng ngang bằng nhau. Khi đối diện với trang giấy, tôi bị chi phối bởi con người tình cảm và con người lý trí. Khi tình cảm dâng cao tôi phải mượn đến chữ để diễn tả nhưng khi có sự phán xét của lý trí tôi sẽ phải cân nhắc nên dùng chữ thế nào để không đi vào dễ dãi và sáo mòn.

Trong thực tế thì chữ bao giờ cũng đến sau những cảm xúc, những điều chúng ta suy nghĩ. Vì thế lẽ đương nhiên chữ chỉ là phương tiện chứ ít khi là mục đích. Thế nhưng trong thơ ca thì đôi khi chỉ cần một chữ đã có thể làm sáng cả bài thơ, có sức ám ảnh nơi người đọc. Đó cũng là lúc nhà thơ phải “vật lộn” với từng con chữ và cân nhắc phải đặt chữ ở đâu để đạt được mục đích của mình.

Xét cho cùng thì dù là phương tiện hay mục đích thì cái cuối cùng vẫn là điều tôi muốn chia sẻ, muốn giãy bày với độc giả là gì? Nếu không trả lời được câu hỏi ấy, e rằng thơ sẽ rơi vào hũ nút.

- Và một vấn đề gây tranh cãi hiện nay: thơ trẻ đã có thương hiệu hay chưa, theo bạn?

* Thời gian gần đây, chúng ta nghe nói nhiều đến các cụm từ như: thơ trẻ, thơ của thế hệ 8X, thơ của thế hệ @... Thế nhưng theo tôi, cái mà thơ trẻ đang có chỉ mới là một danh xưng chứ chưa phải là một thương hiệu riêng. Vì sao? Thứ nhất, nhiều người vẫn còn mập mờ trong việc xác định: “Thơ trẻ” là từ để chỉ thơ của những tác giả trẻ về tuổi đời hay để chỉ một thể loại thơ có những điểm mới về mặt nội dung và hình thức? Thứ hai, thơ trẻ vẫn chưa đến được với đại đa số công chúng, chưa có “chỗ đứng” riêng trong lòng bạn đọc. Và điều quan trọng là hiện vẫn chưa có những tác phẩm thơ trẻ “chất lượng cao” đủ thuyết phục để khẳng định giá trị cho thương hiệu này. Trong nền kinh tế hàng hoá, các sản phẩm đến với người tiêu dùng bằng thương hiệu. Thế nhưng thử hỏi hiện nay đã có tác giả trẻ nào sống được từ việc bán thơ của mình viết ra chưa?

- Tôi muốn dừng lại ở ý này một chút. Xin nói ngay rằng, không chỉ có các tác giả trẻ mà nhiều nhà thơ không còn trẻ, tên tuổi đã được khẳng định, cũng khó sống được nếu chỉ trông chờ vào việc bán thơ của mình. Thế nhưng mặt khác chúng ta vẫn hay nói rằng: người Việt Nam yêu thơ ca, yêu văn học. Trên đây bạn cũng nói rằng: “hơn lúc nào hết, trong cuộc sống hối hả hiện nay, con người đang cần tìm đến văn chương để lấy lại sự cân bằng”. Liệu những điều này có gì mâu thuẫn nhau không, theo bạn? Nếu  phân tích “kiểu kinh tế thị trường” thì tại sao Cung chưa gặp Cầu?

* Trong văn chương, một tác phẩm bán chạy trên thị trường chưa hẳn là là hay, chưa hẳn có giá trị văn chương đích thực. Và mục đích làm thơ, in thơ của nhiều người cũng không phải là để bán. Thế nhưng ít ra nhà thơ cũng phải sống được bằng nhuận bút thơ, vì không có nó thì nhà thơ làm gì để sống và có thể thảnh thơi ngồi “mổ tim vắt óc” làm thơ đây?

Nhu cầu thưởng thức thơ ca là có thật nhưng đó không phải là một nhu cầu bức bách. Người ta có thể không đọc thơ trong suốt cuộc đời nhưng không thể nhịn uống trong một tuần, nhịn ăn trong một tháng. Khi đời sống chưa được nâng cao thì việc bỏ ra vài chục ngàn mua một tập thơ cũng trở thành điều xa xỉ. Vì thế, nếu phân tích “kiểu kinh tế thị trường” thì nhà thơ phải trả lời câu hỏi: “Sau khi đọc thơ của anh thì tôi được điều gì?” một cách thuyết phục thì mới mong độc giả của mình chịu móc hầu bao. Trong khi đó hiện nay, tính trung bình mỗi ngày có từ hai đến ba tập thơ được in ra. Thơ ra đời ồ ạt kiểu ai ai cũng có thể làm thơ, ai ai cũng có thể in thơ trong khi chất lượng thì “vàng thau lẫn lộn” đã phần nào làm giảm lòng tin nơi độc giả.

Nhà thơ Xuân Diệu sinh thời đã từng phải thốt lên: “Trước đây cả n­ước đọc thơ. Bây giờ thơ chỉ có nhà thơ đọc. Không khéo cứ cái đà này, rồi sẽ đến ngày các nhà thơ cũng chẳng thèm đọc của nhau nữa. Lúc ấy ai làm thơ thì người đó tự đọc của mình thôi...”. Và có phải điều mà nhà thơ Xuân Diệu cảnh báo đã trở thành hiện thực rồi chăng? Vì thơ của ai mạnh người ấy đọc nên mới không bán được?

- Trong bài trò chuyện gần đây, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn có nhận định rằng: thơ trẻ sẽ tiến tới một diện mạo thành thực hơn. Còn bạn, bạn hình dung thế nào về diện mạo thơ trẻ trong tương lai?

*Tôi nghĩ rằng, quá trình sáng tạo văn học nghệ thuật là một mạch nước ngầm với những ngã rẽ bất ngờ mà chúng ta khó có thể nói trước điều gì. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn lạc quan về diện mạo của thơ trẻ trong tương lai. Tuổi trẻ thường gắn liền với những tình từ năng động và sáng tạo. Tôi tin rằng thơ của những người trẻ thế hệ chúng tôi cũng sẽ mang trong mình những đặc tính đó. ít ra qua quá trình tích tụ và đào thải của thời gian, diện mạo thơ trẻ của chúng ta sẽ trở nên sáng sủa hơn và rất có thể cũng sẽ thành thực hơn như nhà thơ Lê Thiếu Nhơn tiên đoán chăng?

 

 

“Các cây bút trẻ mạnh ai nấy viết...”

 

- Tôi thích những câu thơ này của bạn: “Tôi đi về phía tuổi thơ/ Giẫm lên dấu chân/ Những đứa bạn đã rời làng kiếm sống/ Đất không đủ cho sức trai cày ruộng/ Mồ hôi chẳng hoá thành bát cơm no” (bài “Phía sau làng”).

ở đây một vấn đề được đặt ra: nhiều bạn đọc kêu ca rằng họ ngày càng khó tìm được những dòng viết xúc động về nông thôn ở sáng tác của những người trẻ. Nhiều tác giả trẻ dường như vẫn bị các đô thị lôi cuốn, bị những xu hướng sáng tác dù đã cũ ở nhiều nước trên thế giới nhưng khá mới mẻ ở Việt Nam làm cho “loá mắt”. Những sự ồn ào ngoài văn chương dường như làm cho họ quan tâm hơn là những giá trị đích thực của văn chương.

Bạn nghĩ thế nào về nhận định này?

* Tôi có may mắn hơn những cây bút trẻ khác khi được sinh ra, lớn lên và hiện đang sinh sống tại một vùng quê dân dã của miền Tây Nam bộ. Đời sống nông thôn đã gắn bó và trở thành máu thịt của tôi vì thế tôi cảm thấy hết sức dễ dàng khi viết về đề tài này.

Tuy có đôi chút khập khiễng nhưng tôi vẫn muốn đem chuyện hiện nay có nhiều thanh niên nông thôn bỏ quê lên những thành phố lớn mưu sinh lập nghiệp để lý giải cho câu hỏi tại sao nhiều tác giả trẻ có vẻ như đang bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống đô thị và không mấy mặn mà về mảng đề tài nông nghiệp nông thôn. Cũng thật khó nếu cứ bắt những cây bút trẻ phải viết về những điều mà họ không am hiểu và gắn bó.

Trong thời gian gần đây dư luận bắt đầu quan tâm đến những sự kiện ồn ào trong một bộ phận những cây bút trẻ. Và tôi cho rằng, đó là sự khuấy động cần thiết đến đời sống văn chương đang im ắng và buồn tẻ như hiện nay. Mặc dù không dám quy chụp nhưng đôi lúc tôi cũng có cảm giác những cây bút trẻ đang quan tâm và dành nhiều thời gian để “làm màu” nhằm tạo tiếng tăm trong dư luận hơn là cho văn chương nghệ thuật.

- Là người tạo dựng một “sân thơ” trẻ khá rôm rả tại địa chỉ www.thotre.com, thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn đọc bạn viết cả nước, quan điểm của bạn như thế nào khi xử lý những bài viết cộng tác mà bạn biết rằng nếu đăng tải sẽ gây nhiều tranh cãi?

* Ngày 25.09 vừa qua, thotre.com đã thổi nến mừng sinh nhật lần thứ nhất của mình và tôi rất vui là trong 1 năm qua trang web này đã thu hút được sự quan tâm của khá nhiều bạn đọc bạn viết, trong đó có nhiều cây bút trẻ trong và ngoài nước. Mặc dù vẫn chưa có nhiều cây bút chủ lực nhưng hàng ngày tôi đều nhận được khá nhiều bài viết do các bạn độc giả gửi về và tôi luôn phải cân nhắc trước khi đưa một bài viết lên. Nếu cho tôi sự lựa chọn giữa việc đưa lên mạng một bài viết dở và một bài viết hay nhưng có thể sau đó sẽ gây ra nhiều tranh cãi thì nhất định tôi sẽ chọn phương án thứ hai. Bởi ý tưởng của tôi khi xây dựng website này là nhằm tạo ra một sân chơi, một diễn đàn mở rộng để mọi người đều có thể tham gia trao đổi những vấn đề liên quan đến văn học trẻ. Chúng tôi luôn khuyến khích những vấn đề mới, những tác phẩm mang tính đột phá, sáng tạo.

- Bạn nghĩ sao trước ý kiến cho rằng “Bây giờ, một cây bút trẻ muốn in một đầu sách hoặc công bố tác phẩm có vẻ dễ dàng hơn. Thế nhưng, mỗi cá nhân vẫn thấy thiếu vắng không khí sinh hoạt của bạn viết đồng trang lứa”?

* Tôi không rõ trước đây việc in một đầu sách hay muốn công bố một tác phẩm thì phải như thế nào nên cũng khó có sự so sánh. Còn nếu nói ở thời điểm hiện nay thì theo tôi quả không mấy khó khăn trừ khi bạn muốn cất tác phẩm của mình trong hộc tủ. Bây giờ ai cũng có thể làm thơ và tự công bố tác phẩm của mình. Thậm chí tác phẩm của một vài cây bút trẻ còn được các nhà xuất bản săn đón từ khi còn là phác thảo. Nếu không, bạn vẫn có thể công bố tác phẩm bằng cách nào đó, chẳng hạn đem photo như một nhóm thơ trẻ ở Sài Gòn đã làm. Và một kênh quan trọng đang được nhiều cây bút trẻ chọn làm nơi công bố tác phẩm đó là internet. Trên mạng internet hiện nay không thiếu những website, những forum sẵn sàng đăng tải tác phẩm của những cây bút trẻ. Ngày nay ai cũng có thể tự tạo cho mình một website hoặc một blog cá nhân để công bố tác phẩm của mình.

Tôi cho rằng, sáng tạo của người cầm bút là một quá trình đơn độc, vì thế nhiều khi cũng không cần không khí “hội hè đình đám”. Thế nhưng sự buồn tẻ của không khí sinh hoạt văn chương phần nào cũng sẽ làm thui chột ý thức sáng tạo của nhà văn. Ngày xưa, các cụ vẫn hay tổ chức những buổi đọc thơ bình văn, trao đổi văn chương thi phú. Còn hiện nay các cây bút trẻ mạnh ai nấy viết, đôi khi chẳng thèm đọc của nhau. Phải chăng những không khí sinh hoạt văn chương như thế hiện nay không còn cần thiết nữa?

- Liệu chúng ta có cách nào để tạo dựng một không khí sinh hoạt sôi nổi, thiết thực giữa những người viết trẻ một cách thường xuyên?

* Hội nghị toàn quốc những người viết văn trẻ lần thứ VII vừa diễn ra tại Hội An có thể xem như một cách để Hội Nhà văn Việt Nam tạo dựng không khí sinh hoạt sôi nổi, tạo điều kiện cho các cây bút trẻ giao lưu gặp gỡ và trao đổi sáng tác. Thế nhưng đáng tiếc là hội nghị này 5 năm mới được tổ chức một lần, mỗi lần gặp nhau trong đôi ba ngày thì liệu tác động của nó có được như mong đợi không?

 Có lẽ phương tiện hiệu quả nhất hiện nay chính là các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là mạng internet. Các cây bút trẻ có thể gặp nhau qua những trang viết, qua những diễn đàn văn học trẻ mà ở đó ai cũng có thể nói lên tiếng nói của mình. Vấn đề ở chỗ ai sẽ là người đứng ra thiết kế những sân chơi như thế.

- Tuy nhiên có người tỏ ý lo ngại về công tác quản lý những “sân chơi” này: nếu không biết cách thì hoặc là những “sân chơi” này sẽ hoạt động mang tính hình thức; hoặc nếu không kiểm soát nổi thì sẽ chẳng khác nào việc đuổi gà ra bắt...

* Nói đến vấn đề quản lý có vẻ như đã vượt quá vị trí của một người sáng tác đơn thuần như tôi. Đương nhiên đã tổ chức ra thì nhất thiết phải có sự quản lý. Và bất kỳ sự quản lý nào cũng phải dựa trên những yếu tố thực tiễn chứ không thể cứng nhắc áp đặt theo một khuôn mẫu định sẵn trước. Vì thế, khi vẫn chưa có ý tưởng cụ thể cho những sân chơi văn chương có tính khả thi thì chúng ta hãy khoan bàn đến điều này. Mỗi sân chơi đều có luật riêng, ai không tuân thủ thì xem như không đủ tư cách hoặc đã tự mình tách khỏi cuộc chơi. Một khi chúng ta tổ chức được những sân chơi hấp dẫn, thu hút đông đảo người tham gia thì sợ gì không tìm ra được người “quản trò” giỏi chứ?

- Tôi  đồng ý với bạn và tin tưởng rằng trong thời gian tới, các cây bút trẻ sẽ luôn sống trong bầu  không khí giao lưu, trao đổi thiết thực và sôi nổi. Nhiều tác phẩm có chất lượng sẽ được ra mắt. Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này.

Theo Văn Nghệ Trẻ

Phong Điệp
Số lần đọc: 1763
Ngày đăng: 05.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Chí Hoan Trả lời phỏng vấn của Lê Anh Hoài - Lê Anh Hoài
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trả lời phỏng vấn - Lê Mỹ Ý
Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa,Tiếp cận nhân cách học của Đỗ Lại Thuý - Nguyễn Nhật Ninh
Nhà văn Bích Ngân: Cái khó là nuôi dưỡng được cảm xúc - Hoàng Danh
TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC - Huỳnh Kim
Phỏng vấn Nhà văn Bùi Anh Tấn : Vụ án ÁN NĂM CAM và HÀNH TRÌNH CỦA SÓI - Trần Hữu Dũng
Nhà thơ Hoài Anh lần đầu tiên trình làng “Tuyển tập truyện lịch sử”(*) - Nguyễn Tý
Tạo “thương hiệu” bằng tác phẩm - Nguyễn Tý
Tiến sĩ sử học, Nhà nghiên cứu tôn giáo Pascal Bourdeaux : “Nghiên Cứu Quê Ngoại” - Lý Đợi
Nếu nụ cười kèm theo giọt nước mắt... - Ngô Thị Kim Cúc