Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.212.912
 
Phải loại bỏ khái niệm “cấm kỵ” ra khỏi sáng tác văn học : “tôi ủng hộ mọi sự bứt phá”
Lê Anh Hoài

trả lời phỏng vấn của Lê Anh Hoài

 

Lê Anh Hoài:

- Thưa anh, hiện xã hội (lưu ý là tôi không nói kinh tế và những vấn đề hội nhập vv... vv...) đang biến chuyển rất mạnh mẽ, đầy ắp những biểu hiện sống đa dạng. Theo đó, có rất nhiều hình thái ý thức mới xuất hiện... Anh đánh giá vấn đề này thế nào, trên tư thế là một người viết?Anh có thể đánh giá chút ít về giai đoạn văn học gần đây (cả nội dung và hình thức biểu hiện)...?

 

Đặng Thân:

Xin cảm ơn nhã ý cùng câu hỏi rất hay của anh! Câu hỏi của anh đã có một thứ uy lực khiến mọi người phải đồng ý rồi.

 

Tôi thấy đúng là cuộc sống đang chuyển động từng phút. Khi thế kỷ XX qua đi nó đã để lại quá nhiều dấu vết của những biến động khủng khiếp về mọi mặt, hiện thực cũng như ý thức, vì thế mà đã có người nói thế kỷ XXI chắc là sẽ không còn nhiều thứ nữa cho người ta phải nghĩ thêm. Một thế kỷ chỉ với S. Freud và A. Einstein mà đã làm khoa học về tự nhiên và khoa học về con người chao đảo với biết bao hệ ý thức phải được xây dựng lại. Sự ra đời của hàng loạt lý thuyết mới trong mọi lĩnh vực đã làm cho cuộc sống cũng như văn học thế giới bước đi những bước choáng người. Người ta không chỉ còn biết mặc com-lê hay áo dài, mà là ăn mặc các kiểu thiên hình vạn trạng. Văn chương không chỉ còn gắn kết với chủ nghĩa hiện thực thuần túy hay vần điệu, ý tứ kinh điển. Mọi tư tưởng đều được mở ra.

 

Còn ở Việt Nam, mới qua nửa thập kỷ thế kỷ mới đã có những sự kiện dày đặc trong “chương trình nghị sự” của nó với những sự phát lộ của văn thơ trẻ Việt. Với tôi mọi cái mới, nhất là trong văn chương, đều nên được xem xét đúng mức và quan trọng hơn là nâng đỡ vì công việc sáng tạo luôn vô cùng khó khăn. Còn “những hình thái ý thức” mới cũng là những biểu hiện đáng trọng của thế hệ mới. Nó chứng tỏ sức sống của thời đại, sự vượt qua, sự dấn thân. Tuy nhiên, theo tổng kết về các hệ tư tưởng thì ở phương Đông xưa kia cũng đã có nhiều dòng ý thức lắm. Họ được quy lại thành “bách gia chư tử” hay ngày nay có thể được nhóm họp vào những hệ như: duy tâm chủ quan, duy tâm khách quan, trực giác, hướng nội, hướng ngoại, siêu hình, biện chứng máy móc… mà nếu thế hệ trẻ quan tâm tìm hiểu sẽ giật mình vì sự nở rộ của những luồng suy nghĩ hiện nay chưa chắc đã có thể so sánh được với người xưa. Nhưng mà mỗi thời mỗi khác, phải không ạ.

 

Với “Văn học gần đây” tôi thấy là đáng mừng. Mừng vì ý tưởng, hình thức phong phú: cách tân, phá cách, giễu nhại, cắt dán, hình ảnh, thực hiện… Mừng vì người viết có nhiều cách để xuất bản tác phẩm của mình qua sách in, báo in, báo mạng, blog, forum, hay in photocopy.

 

 

Lê Anh Hoài:

- Thưa anh, gần đây giới sáng tác trẻ (đây chỉ là sự phân chia tương đối, bởi thi thoảng có vài người không trẻ lắm) đã bắt đầu bung phá, tìm tòi những con đường mới. Về nội dung: những vấn đề ít người nói đến, thậm chí những vấn đề xưa nay "cấm kỵ"; về hình thức: có cảm giác mọi hình thức đều được thử nghiệm, kể cả những hình thức kỳ dị nhất, với tư cách nhà văn “avant-garde” (tiền phong), xin anh phát biểu về vấn đề này?

 

Đặng Thân:

Xin cứ gọi họ là “giới sáng tác mới” vậy. Như tôi đã nói, tôi ủng hộ và thấy rất mừng. Tôi cũng chả có ý nào khác ngoài câu của các cụ :“văn học là nhân học”. Lòng người bao giờ chả đa đoan, vậy thì cũng phải có cách thức đa dạng để thể hiện được hết mọi ngõ ngách của tâm hồn con người. Thế mới là “nhân văn”. Nhất là khi văn hóa càng phát triển thì cách thể hiện lại càng nên phong phú. Văn chương là để biểu đạt tư tưởng, mà con người lại là “một cây sậy có tư tưởng”. Tuy nhiên, muốn có tư tưởng phải động đến triết học, cái mà văn giới ở ta đa phần hình như còn thiếu thảm hại. Khi đọc các tác phẩm dù cũ hay mới mà ta thấy nhảm nhí phải chăng chính là do nó thiếu tính tư tưởng?

 

Cũng có ý kiến cho rằng văn chương gần đây lặp lại các vấn đề về nội dung và hình thức của phương Tây thế kỷ qua, mà họ thì đã vứt đi. Tôi nghĩ không nên hẹp hòi và hời hợt khi đứng trước cái lạ. Một chiếc phi cơ bay qua đầu cũng lại bảo rằng phương Tây đã có từ lâu để dè bỉu thì sức thuyết phục nằm ở đâu? Ta đã làm được chưa? Dù là cũ hay không ở đâu đó mà chưa hề xuất hiện trên văn bản của văn học Việt thì tôi nghĩ đó vẫn là nhân tố mới. Vả lại trên đời rất khó mà có hai văn bản tương tự cả về nội dung và hình thức. Phương Tây họ có nhiều thử nghiệm, có cái tồn tại lâu có cái “ngắn ngày”, nhưng tôi chưa thấy ai tuyên bố những cái họ đã tạo ra là “vứt đi” cả. Tất cả đều là những thanh tựu tạo nên sắc mầu muôn vẻ. Hiện nay đã có người nói về một thứ “hậu hậu hiện đại” (Post Po-mo) đang hình thành và phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước cho đến nay. Nó kế thừa mọi hình thức của hậu hiện đại nhưng thiên về cái chân, cái đẹp toàn thiện. Phải chăng là lại quay về với cái lâu đài chân-thiện-mỹ cổ điển? Sự thực là trong cái vòng xoáy của “phát triển” mọi hiện tượng lặp lại nhưng hình như không có điểm nào trùng nhau cả. “Về nguồn” là một công cuộc sáng tạo mới lạ. Sự trở về với chân-thiện-mỹ tôi thấy nó khác hẳn cái sự không cần biết chân-thiện-mỹ là gì mà lại cứ đòi khư khư giữ lấy nó. Vậy nên tôi ủng hộ mọi sự bứt phá, dù là đi trên con đường chưa ai từng bước hay là trên những lối mòn đã có người đi mà vẫn vô cùng lạ lẫm.

 

Còn khái niệm “cấm kỵ” mà anh nói, tôi thấy trên đời đâu có chủ đề nào là “cấm kỵ”. Chính trị ư? Phải chăng các áng văn thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm không dính líu gì tới chính trị? Tình dục ư? Cách đây hai thế kỷ Hồ Xuân Hương đã viết nên những vần thơ mà dễ mấy ai ở thế hệ này qua mặt được. Truyện kỳ quái ư? Các cụ cũng đâu có thiếu. Vậy mà đã có thế lực nào ngăn cản được những tác phẩm đó đâu? Vậy thì theo tôi vấn đề nằm ở phương pháp. Sáng tác ở ta, nếu bê nguyên xi những câu nói của các bà hàng tôm, hàng cá vào văn học thì kiểu gì tác phẩm ấy cũng dễ bị quy vào nhiều tội lắm, chắc chắn là phạm vào vấn đề “cấm kỵ” rồi. Nhưng nếu ta đọc những tác phẩm bất hủ của Rablais, Joyce, Miller hay Marquez thì chuyện của các bà ấy chưa là cái gì. Cái tục hay cái “cấm kỵ” muốn đưa vào nghệ thuật càng cần phải có những thủ pháp nghệ thuật công phu, không phải cứ thích là “làm tới” được. Nhưng trước hết, phải loại bỏ khái niệm “cấm kỵ” ra khỏi sáng tác văn học. Thực tế cho thấy chính các đại văn hào là những người viết về cái “cấm kỵ” nhiều nhất và hay nhất. Vì có thể đó chính là những khu vực sâu kín, tiềm ẩn và đầy sức sống nhất làm hoàn thiện con người.

 

 

Lê Anh Hoài:

- Anh thích những cây bút và trào lưu mới nào hiện nay? Vì sao?

 

Đặng Thân:

Những tác giả, tác phẩm và trào lưu của “giới sáng tác mới” ở nước ngoài mà tôi yêu thích thì khá nhiều và tôi đọc họ cả bản gốc lẫn bản dịch. Thực ra ta cứ gọi họ là mới chứ họ thì nghĩ là đang viết văn bình thường. Nhưng vì là người Việt nên tôi quan tâm nhiều hơn đến văn chương Việt. Chúng ta đã có những cây bút đáng nể từ ngày Đổi mới, điều đó mọi người đã biết. Trong nước hiện nay cũng có những bứt phá ngoạn mục của nhiều tác giả ở Hà Nội, các nhóm thơ Sài Gòn. Ngoài nước cũng có sự góp mặt xuất sắc của các lưu học sinh, của những cộng đồng văn chương Việt ở Mỹ, Pháp, Úc. Thực sự là tôi quý trọng khá nhiều người nên khó mà nói hết ra ở đây. Mỗi trào lưu, mỗi tác giả đều có những đóng góp riêng cần được ghi nhận. Vì thế các cơ quan lãnh đạo chính thống của Việt Nam về văn học nghệ thuật cũng cần phải có một tầm nhìn mới thì mới tạo được sức mạnh cho cộng đồng văn chương Việt được.

 

Lê Anh Hoài:

- Có một lối nhận định, phê bình (có ý thức hoặc vô thức) thường lấy đạo lý, đạo đức làm thước đo? Anh nghĩ sao? Xin anh nói từ góc độ cá nhân về nhận định, phê bình hiện nay?

 

Đặng Thân:

Đạo đức luôn là vấn đề to lớn nhất của mọi thời đại, vì thế khó ai vượt thoát ra khỏi nó. Tuy thế đạo đức là thế nào thì cũng thật khó đưa ra làm chuẩn mực. Xin hãy đến với cuốn kinh sách vĩ đại nhất bàn về đạo đức là Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Ngay từ câu đầu tiên ông đã nói rằng: “Đạo khả đạo phi thường đạo”. Cái đạo mà có thể nói rõ ra được thì không còn là cái đạo lớn, đạo thường hằng. Ông còn nói: mất đạo mới có đức, mất đức mới có lễ. Phải chăng cái “lễ” này chính là cái “đạo lý” mà người ta thường nhắc tới? Rất tiếc, khi phải vin vào cái gọi là “đạo lý” thì “đạo đức” đã không còn! Vậy thì còn đâu “tính nhân văn”? Tôi nhận thấy tất cả những gì thuộc về con người đều cao quý. Vậy thì nên chăng chỉ cần đánh giá một tác phẩm là: “có hay không?”, “có người không?”.

 

Các tác phẩm của “giới sáng tác mới” ở ta hiện nay tuy rải rác nhưng cũng khá phong phú về nội dung và thể loại. Họ cần những đôi mắt thẩm định ngày càng có trình độ cao và chuyên nghiệp hơn, bao quát hơn. Vì thế nền phê bình của ta hiện nay ai cũng thấy là rất có vấn đề. Sự ủng hộ thì phần lớn đầy cảm tính, nhận xét chung chung, rất hay “nói quá” và nặng tính “thù tạc”. Sự phản đối thì đa phần thô thiển, giáo điều, thể hiện một nền tảng kiến thức lỗ mỗ. Tại sao người ta chưa chú ý đến việc đào tạo và nâng cao nhận thức của giới này? Đây là một thực tế làm chậm lụt văn học nước nhà. Hiện tuy cũng có một hai nhà phê bình đáng trọng nhưng những công sức của họ thật như gió vào nhà trống.

 

Lê Anh Hoài:

- Có một thực tế, đang có một lực lượng viết, đa số còn trẻ, không thể “chờ” nổi hệ thống thẩm định, biên tập, phê duyệt trước khi cho phổ biến tác phẩm và họ tìm đến các trang văn học trên mạng như một lối thoát. Dù muốn hay không, dường như đã, đang hình thành một dòng chảy “bên lề”, “phụ lưu”. Anh đánh giá thế nào về hiện trạng này?

 

Đặng Thân:

Một số báo ở ta, nhất là báo mạng cũng đã đưa chủ đề này ra tranh luận sôi nổi. Việc sáng tác theo tôi là chuyện tất yếu phải làm của người viết, viết xong ai chả muốn được đăng. Vậy thì văn học mạng ra đời đón nhận họ nhanh hơn nên dễ được chấp nhận. Tôi nói là nhanh hơn thôi chứ cũng đâu phải dễ dàng ai muốn viết gì thì viết, muốn đăng là được đăng. Mỗi tờ báo mạng cũng đều có những triết lý và quan điểm riêng về văn học nghệ thuật, tờ báo nào có uy tín hay không phụ thuộc vào tầm nhận thức của người chủ bút và cả ban biên tập. Còn việc gọi họ là “bên lề” hay “phụ lưu” thì chỉ là thuật ngữ của những người tự cho là “chính thống”. Những người thuộc về “phụ lưu” nhiều khi lại cho “chính thống” là hủ lậu. “Chính” hay “phụ” theo tôi không cần phải phân biệt, tôi cần xem những tác phẩm hay của bất kỳ bên nào.

 

Văn học mạng theo tôi là một lối đi có sức sống, chứ không hẳn chỉ là “lối thoát”. Nó giúp cho hệ thống xuất bản cũ phải tự xem xét lại mình hơn. Khi công nghệ thông tin phát triển hơn, đến với nhiều gia đình hơn thì văn học mạng không chừng sẽ thành “chính lưu” lúc nào không biết. Các giới chức nên coi văn học mạng như là một trong những hoạt động bình thường của văn học và xuất bản nói chung, nên có những cơ quan chuyên trách về nó để mọi loại hình đều được phát triển trong một thể thống nhất, vì sự phát triển của nó là bất khả kháng. Tất cả đều xuất phát từ nhu cầu của con người mà thôi.

 

Lê Anh Hoài:

- Xin cảm ơn nhà thơ Đặng Thân và xin chúc anh ngày càng “phá cách” thành công.

 

11/2006

Lê Anh Hoài
Số lần đọc: 4322
Ngày đăng: 09.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có một người văn như thế : Vũ Ngọc Tiến phỏng vấn Hoài Anh - Vũ Ngọc Tiến
Trương Trọng Nghĩa: “Sự buồn tẻ làm thui chột ý thức sáng tạo...” - Phong Điệp
Nguyễn Chí Hoan Trả lời phỏng vấn của Lê Anh Hoài - Lê Anh Hoài
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trả lời phỏng vấn - Lê Mỹ Ý
Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa,Tiếp cận nhân cách học của Đỗ Lại Thuý - Nguyễn Nhật Ninh
Nhà văn Bích Ngân: Cái khó là nuôi dưỡng được cảm xúc - Hoàng Danh
TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC - Huỳnh Kim
Phỏng vấn Nhà văn Bùi Anh Tấn : Vụ án ÁN NĂM CAM và HÀNH TRÌNH CỦA SÓI - Trần Hữu Dũng
Nhà thơ Hoài Anh lần đầu tiên trình làng “Tuyển tập truyện lịch sử”(*) - Nguyễn Tý
Tạo “thương hiệu” bằng tác phẩm - Nguyễn Tý
Cùng một tác giả
Tìh êu (truyện dài)
(thơ)
Lời (thơ)
Thẩm tranh (tuyển truyện)
Khóc (thơ)
Bộ râu (tuyển truyện)
Viên đạn lạc (truyện ngắn)
Lưỡng lự * (truyện ngắn)
Lãnh đạo cười (truyện ngắn)
Tìh êu (kịch)