Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.187
 
Đạo diễn – Nghệ Sĩ Ưu Tú Trần Mỹ Hà: Tôi vẫn đi tìm tôi
Võ Ðắc Danh

Bông Sen Vàng, Bông Sen Bạc là giải thưởng lớn nhất của điện ảnh Việt Nam, bốn năm trao một lần, kế đến là giải A, giải B của Hội điện ảnh Việt Nam, mỗi năm trao một lần, thứ ba là Huy Chương Vàng, Huy Chương bạc của Liên hoan phim Truyền hình Việt Nam tổ chức hàng năm. Đạo diễn Trần Mỹ Hà có những bộ phim ẳm luôn cả ba giải thưởng trên. Nếu hỏi bất ngờ rằng anh có bao nhiêu giải thưởng, Trần Mỹ Hà không thể nào nhớ nổi. Nhưng anh vẫn cho rằng mình chưa có phim hay.

 

-Nhưng ít ra trong số những phim đạt giải cũng có một vài bộ phim anh tâm đắc nhất ?

-Có chớ không phải không. Ví dụ như phim Giữa dòng thì cũng tàm tạm được nhờ kịch bản hay. Còn phim Tiếng đờn kìm tôi thích nhất thì bị cấm chiếu, sau đó phải cắt bỏ một phần ba, đổi tên thành Chuyện Ngã Bảy mới được phát sóng, mặc dù được hai giải thưởng nhưng với tôi nó chẳng còn ý nghĩa gì.

-Anh có một câu nói rất nổi tiếng trong giới bạn bè rằng “Phim của mình làm bao giờ xem lại cũng thấy mắc cở, chỉ có mắc cở ít hay nhiều thôi chớ chẳng có phim nào hay cả”, trong khi đồng nghiệp xem anh là một trong những đại ca của Điện ảnh và Truyền hình Việt Nam với cả chục giải thưởng, vì sao vậy ? Anh có khiêm tốn quá chăng ?

-Tôi thường nói câu ấy trong lúc trà dư tửu hậu, bạn bè tưởng tôi đùa, nhưng tôi nói rất thật, rất nghiêm túc. Ơ đời, nhất là làm nghệ thuật, mình phải luôn tĩnh táo để biết mình là ai, đang ở đâu, đang làm gì để không phải bị trượt.

-Nói thế nghĩa là anh không có cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật ?

-Không phải vậy. Tôi là người lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, đam mê và đầy cảm xúc, cảm xúc ngay từ khi đọc kịch bản văn học đến khi phân cảnh, cảm xúc với từng khung hình ở hiện trường. Nhưng sau mỗi phim tôi có thói quen, một thói quen như sự phản ứng đương nhiên là mình phải tĩnh táo để nhìn lại. Và tôi chưa bao giờ bằng lòng với những tác phẩm của mình.

-Nói vậy có nghĩa là anh cũng không bằng lòng với những giải thưởng đã từng mang lại cho anh sự vinh quang ?

-Tôi không phủ nhận những giải thưởng. Nhưng giải thưởng, suy cho cùng chỉ là những cuộc chơi. Bởi nếu nói giải thưởng là vinh quang thì hàng trăm giải thưởng trong lịch sử Điện ảnh và Truyền hình Việt Nam đã tôn vinh phim ảnh Việt Nam đến tột đỉnh vinh quang rồi, chúng ta đâu còn ở dưới cái hố sâu so với mặt bằng của Điện ảnh và Truyền hình châu Á.

-Như vậy, nếu anh tự cho rằng phim của mình chưa hay thì do đâu, khách quan hay chủ quan ?

-Phim dỡ là do đạo diễn, đừng đổ thừa cho ai hết.

-Như vậy có khi nào anh khát khao những điều kiện khách quan để anh làm phim hay không ?

-Không, tôi không đòi hỏi điều kiện gì cả, chỉ thấy mình chưa đủ sức đủ tài để làm phim hay mà thôi.

-Anh vừa nói chúng ta đang ở  dưới cái hố sâu so với mặt bằng của Điện Anh và Truyền hình châu Á, như vậy anh có thể tìm ra nguyên nhân và lối thoát cho mình ?

-Có tìm ra thì cũng đã muộn, mà đã muộn thì không thể thoát nhanh được. Về mặt kinh tế xã hội chúng ta đã đi sau các nước châu Á năm ba chục năm thì phim ảnh cũng thế thôi. Ơ đây, vấn đề là lỗi ở tư duy. Có người cho rằng lỗi hệ thống, có người ví von với tin học là lỗi windows. Một chiếc máy tính khi bị lỗi windos thì chỉ có thể cài lại chớ không thể sửa chữa những phần mềm. Nhiều người trong giới làm phim cho rằng cần phải đổi mới công nghệ như một nhu cầu bức xúc. Nhưng họ quên rằng có tiền là có ngay công nghệ, nhưng tiền không thể làm thay đổi tư duy từ một cán bộ sáng tác thành một nghệ sĩ đích thực.

-Bấy lâu nay anh làm phim với tư cách là cán bộ sáng tác hay là một nghệ sĩ đích thực ?

-Nói chung, văn học nghệ thuật Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh và cả ba mươi năm xây dựng đất nước là một nền văn nghệ phục vụ cho một xu thế chính trị nhất định. Văn nghệ sĩ được Nhà nước trả lương và tác phẩm của họ cũng được Nhà nước đầu tư theo yêu cầu tuyên truyền của từng thời điểm. Thậm chí người nghệ sĩ được phân công đi sâu vào từng mảng chuyên đề. Tôi nhớ hồi thế kỷ trước có một nhà văn được phân công viết về đề tài cải tạo nông nghiệp, đến khi Nhà nước chủ trương xóa bỏ hợp tác hóa nông nghiệp và trả đất lại cho nông dân thì nhà văn ấy đã khóc sướt mướt trước một đống sách của mình.

-Anh có bao giờ khóc trước một bộ phim cũ của anh ?

-Cũng may là chưa, nhưng thấy “mắc cở” thì có.

-Thế nhưng gần hai thập niên qua, những bước ngoặc “Cởi trói”, “Đổi mới”, “Hội nhập”, “Xã hội hóa” . . .  chẳng lẽ không đủ điều kiện cho chúng ta có những phim hay ?

-Không thể phủ nhận những điều kiện ấy, nhưng cũng không thể tránh được mặt trái của nó khi chúng ta đi từ cực đoan nầy sang cực đoan khác. Cũng giống như khi chúng ta chấp nhận nhiều thành phần kinh tế thì nền kinh tế quốc doanh ào ạt bị suy sụp như cây đổ trong khi kinh tế tư nhân mọc lên như nấm dẫn đến một thị trường bát nháo, thật giả lẩn lộn. Trong lĩnh vực phim ảnh cũng vậy, các hãng phim của Nhà nước thì bó tay, ngồi không cho thuê giấy phép, tư nhân thì nhà nhà làm phim, đua nhau câu khách bằng mọi giá. Trên màn ảnh nhỏ thì tràn ngập phim của nước ngoài, ngay cả công chúng cũng chưa đủ bình tĩnh để lựa chọn. Hai thập niên, tôi nghĩ khoảng thời gian ấy vẫn chưa đủ để chúng ta thay đổi tư duy, chưa đủ độ lắng cho những cảm xúc thật được hình thành trước một đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội đầy biến động, vàng thau lẫn lộn, những giá trị nhân bản bị đảo lộn.

-Thế nhưng trong bối cảnh ấy anh vẫn làm và làm rất tâm huyết. Những Blouse trắng, những Hàn Mặc Tử của anh vẫn được công chúng đón nhận nồng nhiệt mà anh lại cho rằng “thấy mắc cở” là sao ?

-Tất nhiên tôi vẫn làm bằng cảm xúc của mình và được sự chia sẻ từ phía khán giả. Nhưng đó cũng chỉ là giai đoạn tôi đi tìm tôi với trách nhiệm công dân chớ chưa đủ dộ lắng của người nghệ sĩ.

-Còn bây giờ, với Thám tử tư, anh đã tìm được mình chưa ?

-Thám tử tư có thể sẽ hấp dẫn khán giả bởi những tình huống, những pha mạo hiểm của chính cái nghề lạ mà công chúng quan tâm, nhưng đây cũng chỉ là một phim mang tính giải trí không hơn không kém.

-Có nghĩa là anh vẫn chưa tìm được mình ?

-Đúng vậy. Và điều đó cũng khó hy vọng ở thế hệ chúng tôi, một lớp nghệ sĩ mà lúc nào cũng có anh cán bộ sáng tác ở trong đầu.

-Anh nhận xét thế nào về thế hệ đạo diễn sau anh ?

-Cũng chưa có gì khả quan, bởi thế hệ sau cũng do thế hệ đi trước đào tạo mà thôi, cũng tư duy ấy, cũng giáo trình ấy. Chỉ may mắn hơn là bối cảnh xã hội có khác đi và sự tiếp cận với thế giới nhiều hơn, cả công nghệ và tư duy sáng tạo.

-Những đạo diễn trẻ mà anh có thể hy vọng ?

-Vẫn chưa đếm hết trên đầu ngón tay. Một Bùi Thạc Chuyên, một Nguyễn Quang Dũng, một Vũ Ngọc Đảng . . . bắt đầu có những cá tính, thoát khỏi sự vướng bận vô lý so với bậc đàn anh. Nhưng có lẽ phải chờ một thế hệ sau nữa mới có thể lột xác được phim Việt Nam.

-Anh có bi quan chăng ?

-Không phải bi quan mà đó là một vấn đề tất yếu. Bởi giá trị kinh tế có thể khôi phục trong vài thập niên nhưng giá trị văn hóa thì phải mất đến một hai thế hệ đời người.

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 2667
Ngày đăng: 12.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà điêu khắc PHẠM VĂN HẠNG “Vượt qua lời nguyền của cha” - Nguyễn Tam Phù Sa
Chủ nghĩa hậu hiện đại - Lê Tân
Nhà Hán học Nguyễn Tôn Nhan: Bộ sách tôi thích nhất còn chưa ra đời…! - Lý Đợi
Phải loại bỏ khái niệm “cấm kỵ” ra khỏi sáng tác văn học : “tôi ủng hộ mọi sự bứt phá” - Lê Anh Hoài
Có một người văn như thế : Vũ Ngọc Tiến phỏng vấn Hoài Anh - Vũ Ngọc Tiến
Trương Trọng Nghĩa: “Sự buồn tẻ làm thui chột ý thức sáng tạo...” - Phong Điệp
Nguyễn Chí Hoan Trả lời phỏng vấn của Lê Anh Hoài - Lê Anh Hoài
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trả lời phỏng vấn - Lê Mỹ Ý
Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa,Tiếp cận nhân cách học của Đỗ Lại Thuý - Nguyễn Nhật Ninh
Nhà văn Bích Ngân: Cái khó là nuôi dưỡng được cảm xúc - Hoàng Danh
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)