1. Thư là một người viết rất mới rất trẻ ở hải ngoại, Thư có thể cho biết đã bắt đầu sáng tác từ khi nào và trong hoàn cảnh nào? Truyện ngắn đầu tay của Thư là truyện nào? Và Thư có kỷ niệm gì đặc biệt về nó?
Lần đầu tiên tôi nghĩ đến chuyện viết văn là vào tháng 9 năm 2003, ở sân sau của nhà thờ trong một ngày nghỉ bồi dưỡng giáo viên của Mercedes College mà tôi hiện đang dạy. Sau phần phát biểu kèm theo những bài giảng giáo lý của Cha Cố về Thiên Chúa Giáo, mỗi giáo viên được phát cho một quyển sổ nhỏ và một cây viết mới tinh để tự viết bài cảm nghĩ về những điều then chốt trong đời mình, nhất là những điều nung nấu hoặc ăn năn, và những “bài học tâm linh” đã được rút ra sau buổi thuyết trình.
Trong lúc mọi người tản đi tứ phía, tôi đi lang thang ra sân sau rồi đến ngồi lên một ghế đá dưới gốc cây. Tôi biết rằng tôi không thể viết ra những điều tôi nghĩ lúc ấy về bài giảng giáo lý hoặc về “bài học tâm linh” (mà nhất là viết bằng tiếng Anh), nên tôi xoay sang nghĩ đến những chuyện “nung nấu” trong đời mình và những điều mà tôi ăn năn. Tôi biết chắc chắn một cuốn sổ tay bé xíu và chỉ có được một tiếng đồng hồ chẳng thể nào đủ để cho tôi ghi hết được. Tôi chợt nhớ lại một ý nghĩ thoáng qua, và khá là… điên rồ cách đó mấy hôm vào lúc rất khuya khi tôi đi qua chiếc gương lớn khi vừa làm việc xong. Ở đó, dưới gốc cây, tôi bắt đầu để cho trí tưởng tượng tự do đi theo ý nghĩ khác thường ấy, và trong vòng một giờ đồng hồ, tôi đã viết được gần nửa truyện ngắn đầu tay “Người trong gương”. Sau buổi nghỉ bồi dưỡng hôm ấy, tôi mang cuốn sổ về nhà cất vào tủ rồi quên đi vì bao nhiêu công việc chiếm hết thì giờ, mà tôi cũng không còn sức để nghĩ đến chuyện sáng tác vì bị ốm nghén khủng khiếp trong lúc đang mang thai bé thứ nhì.
Mấy tháng sau, cha chồng tôi bệnh nặng, và mấy tuần sau khi bé chào đời vào đầu năm 2004, ông cụ mất. Đó là một trong những nỗi mất mát lớn nhất trong đời tôi. Trước đó mấy tháng, tôi đã phải cố gắng hết sức mình để có thể vững vàng trước một mất mát khác cũng lớn không kém, đó là khi Má tôi từ giã gia đình để đi xuất gia theo dòng tu của Thầy Thích Nhất Hạnh ở Pháp. Mặc dù tôi đã mừng cho ước nguyện của Má tôi cuối cùng cũng thành, tôi đã biết rằng từ đấy tôi phải sống xa cách Má tôi vạn dặm và nhiều năm trường, mà dẫu có dịp gặp lại sau này, tôi cũng không bao giờ được có Má như ngày xưa nữa. Trong nỗi mệt nhọc thể xác và cùng quẫn tinh thần lúc ấy, tôi đã nghĩ đến chuyện phải tìm điều gì đó để giúp tôi giải khuây. Chợt nhớ lại câu chuyện còn đang viết dở dang, tôi đã tranh thủ bất cứ lúc nào tìm được chút thì giờ để tiếp tục viết cho hết truyện ấy trong lúc vẫn hết sức bận rộn với bao nhiêu việc nhà và nuôi hai bé con thơ.
Sau khi viết xong truyện “Người trong gương”, tôi nhận ra là mình có thể viết văn. Từ đó, văn chương ngẫu nhiên trở thành niềm vui để giúp tôi vượt qua được một thời kỳ khó khăn nhất trong đời, mà tôi nghĩ một phần là vì chúng tôi sống xa gia đình lớn và thiếu vắng bóng dáng của những phụ nữ thân yêu trong hoàn cảnh như tôi lúc ấy. Bên cạnh đó, tôi vốn quen hết sức bận rộn đầu óc với công việc giảng dạy (Toán và Vật Lý) bao nhiêu năm, bỗng dưng tôi phải đối diện với những chuỗi ngày hết sức bận rộn tay chân và mệt mỏi thể xác cùng cực, nhưng lại hoàn toàn trống rỗng về công việc tinh thần, mà khốn thay, những điều để làm lấp đầy khoảng trống ấy lại là những ý nghĩ buồn rầu, tiêu cực. Vì thế cho nên việc tưởng tượng ra những câu chuyện để giải khuây đã giúp kéo tôi ra khỏi tình trạng bế tắt lúc đó.
Rồi lần lượt, những truyện ngắn và những bài thơ, bài tùy bút… ra đời, hoàn toàn nằm ngoài sự mong đợi của tôi. Sau một thời gian ngắn sáng tác, tôi nhận ra rằng mình say mê viết văn, không những vì nó đã giúp cho tôi thoát ra khỏi tình trạng trầm cảm lúc ấy, mà còn hơn thế nữa, nó đã mở ra cho tôi một thế giới mới, nơi tôi có thể sống với chính mình, được hoàn toàn tự do mơ ước và sáng tạo. Tôi đã viết những bài viết của mình bằng tất cả tấm lòng và với những cảm xúc chân thực, mặc dù chúng đều là những chuyện hư cấu. Có lẽ vì thế mà nhiều người nói với tôi rằng những câu chuyện tôi viết đã chạm được vào cảm xúc và tâm hồn của họ, và tôi tin vào điều đó.
Anh hỏi tôi có kỷ niệm gì đặc biệt với truyện đầu tay của tôi. Truyện “Người trong gương” có lẽ đã gây ra khá nhiều điều bất ngờ cho những người thân của tôi. Điều bất ngờ thứ nhất là trước đó không có ai biết là tôi có thể viết văn, nhất là trong một hoàn cảnh hết sức bận rộn như tôi lúc ấy; điều bất ngờ thứ hai là truyện này mang đậm nét những nỗi đau buồn, giày vò…, mà chẳng ai hiểu được nguyên nhân, kể cả ông nhà tôi. Bên cạnh đó, những tình tiết và cái kết cục của câu chuyện đã làm cho nhiều người thân của tôi choáng váng vì chúng khác hẳn với cách tôi suy nghĩ, ứng xử… trong cuộc sống hàng ngày. Cho nên sau khi truyện ấy đến tay gia đình và bạn thân của tôi, tôi tới tấp nhận được điện thoại của giới phụ nữ hỏi thăm “Em có chuyện gì không/có ai khác không đấy?” khiến cho tôi hết sức bối rối và buồn cười, vì làm mà sao tôi có thể giải thích được câu chuyện ấy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng lại được viết bằng cảm xúc thật của tôi lúc ấy? Và cũng buồn cười không kém là cách phản ứng của ông nhà tôi, khi tôi hỏi anh nghĩ thế nào sau khi đọc truyện “Người trong gương”. Anh chỉ nói với tôi: “Anh không thích truyện ấy!”, rồi sau một đỗi nhìn tôi chăm chú hết sức lạ lùng, anh nói “Anh muốn dẹp hết mấy tấm gương trong nhà!” khiến tôi suýt bật cười vì không ngờ anh lại có ý nghĩ thật là… dở hơi như thế! (Xin anh tha lỗi cho em!!)
Nhưng kỷ niệm đặc biệt và buồn cười nhất là khi tôi gửi qua điện thư hai truyện ngắn đầu tay của tôi là “Người trong gương” và “Người có phép lạ”cho một người bạn thân từ lâu năm của gia đình là anh Nguyễn Hưng Quốc. Anh Quốc vốn sống ở bang khác nên chỉ thỉnh thoảng mới có dịp đi Sydney chơi, và anh gắn liền mọi người trong đại gia đình tôi với Sydney, mà tôi chỉ mới dời xuống Adelaide trước đó không lâu nên anh không biết. Khi anh Quốc nhận được bức điện thư từ Adelaide với địa chỉ mang họ của chồng tôi, mà tôi lại viết không có dấu tiếng Việt, nên anh hoàn toàn không hề nhận ra được tác giả là ai. Anh Quốc hồi âm ngay và rất khen hai truyện ngắn ấy, nhưng anh có vẻ băn khoăn vì anh không biết tôi là ai và đã gặp tôi hồi nào, và còn hỏi thăm dò không biết là truyện của tôi đã đăng ở đâu chưa. Ngay đêm hôm ấy, tôi nhận được hai bức điện thư cùng một lúc của anh Quốc và của anh cả tôi là Hoàng Ngọc-Tuấn. Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ ra là anh Quốc đã chuyển ngay thư và truyện của tôi cho anh Tuấn để hỏi ý, và thăm dò xem có biết tác giả “Hoang Ngoc Thu” là ai không, và có khả năng là tác giả này đã… đạo văn ở đâu không, vì anh Quốc chưa bao giờ biết nhà văn nào có tên ấy cả, mà lại là ở Adelaide nữa. Thế là mấy anh em được một trận cười với nhau vì hóa ra tác giả là tôi, người chưa bao giờ viết văn trước đây, và tôi lần nữa được nhận những lời khen thật là nồng nhiệt của anh Quốc. Ngay hôm sau, anh Quốc đưa truyện ngắn đầu tay của tôi lên Tiền vệ, và truyện thứ nhì cũng được đăng lên mấy hôm sau đó. Cũng vì nhờ có chuyện nhầm lẫn tình cờ này, mà tôi biết được những nhận định trung thực và khách quan của anh Quốc về mấy truyện đầu tay tôi viết. Tôi đã thấy vui và tự hào rằng những truyện đầu tay của tôi đã gây được ấn tượng với anh Quốc cũng như là với gia đình và các bạn của tôi như thế.
2. Như lời nhận xét của HL, Thư có lối viết văn rất từ tốn, câu chữ chính xác… Thư chịu ảnh hưởng từ đâu? Thư rời VN khi còn trẻ, vậy làm cách nào Thư trau dồi và giữ gìn tiếng Việt không những mai một đi mà còn khá hơn?
Tôi nghĩ chắc tôi chịu ảnh hưởng chính là từ văn chương, thi ca tôi đã được đọc, mà quá chín mươi phần trăm sách tôi đọc là từ thời tôi còn học cấp hai ở Việt Nam. Từ lúc bắt đầu biết đọc, thú vui lớn nhất của tôi là đọc sách, cho nên tôi đã đọc gần hết những sách có sẵn trong nhà và của bạn bè gia đình, mà chúng thuộc nhiều thể loại khác nhau. Tôi rất may mắn là Ba Má và các anh chị của tôi đều hết sức say mê văn chương và âm nhạc, cho nên từ nhỏ đến lớn, những món quà mà gia đình tôi tặng cho nhau đều toàn là sách và nhạc. Nhiều lúc thời tôi còn bé, các anh chị em tôi để dành tiền Ba Má cho góp chung lại với nhau, và chỉ chờ đến lúc có đủ để mua một bộ sách mới rồi mang về nhà, chuyền tay nhau đọc ngấu nghiến, quên cả ăn... .
Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ có thể là tôi đã được ảnh hưởng chính bởi văn chương cổ điển nói chung, nhất là của Nga và Pháp, với lối hành văn nghiêm túc, chuẩn mực, và từng câu, từng chữ dùng thật chính xác mà tôi hết sức say mê. Tôi cũng say mê thơ của Tagore, Kalih Gibran, Lorca, và sau khi đã sang Úc, tôi còn biết thêm thơ của Joseph Brodsky mà tôi cũng rất yêu thích. Tôi cũng có thói quen là, hễ tôi say mê tác phẩm nào (cho dù là văn, thơ, hoặc âm nhạc, hội họa…), tôi thường thưởng thức lại nhiều lần, có khi là cả trăm lần (hoặc hơn nữa) mà vẫn thấy nó hay ho, thú vị. Có thể là nhờ “ăn kỹ no lâu”, cho nên những điều tôi đọc được hồi còn bé chắc đã thấm sâu vào tâm thức của tôi và giúp tôi có thể sáng tác văn chương sau này. Nhưng chắc chắn chuyện viết lách đối với tôi không phải là dễ dàng như tôi vẫn mong ước, vì nhiều lúc, tôi phải cố gắng lắm và mất khá nhiều thì giờ mới tìm ra được đúng từ ngữ hoặc cách diễn đạt như ý mình muốn. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng lối viết văn của tôi chắc cũng phải bị ảnh hưởng bởi thói quen cố hữu của tôi trong cách làm việc với chức năng nhà giáo, mà ông nhà tôi hay trêu tôi là “bà cô cầu toàn” vì lúc nào tôi cũng cố gắng để làm mọi việc chính xác và hoàn hảo nhất theo như khả năng mà mình làm được.
Còn chuyện trau dồi và giữ gìn tiếng Việt, thì thật sự là tôi chẳng có điều kiện nào cả ngoại trừ lâu lắm tôi mới có dịp được đọc sách tiếng Việt để giải trí. Có lẽ điều duy nhất mà gia đình tôi vẫn còn duy trì được là mọi người đều trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Nhưng đến bây giờ, thỉnh thoảng trong lúc chuyện trò vẫn có vài từ tiếng Anh ở đâu chen vào, có lẽ là vì suốt ngày ai cũng phải dùng tiếng Anh trong lúc đi học, đi làm, hoặc khi xem tin tức, giải trí… . Chắc chắn là tiếng Việt của tôi không những là không “khá hơn” như anh bảo, mà còn mai một đi nhiều lắm, vì nhiều lúc tôi phải loay hoay mãi mà vẫn không nghĩ ra từ tiếng Việt mình cần, nên đành phải để chữ tiếng Anh vào đấy tạm, cho đến lúc khác nhớ ra, hoặc tra tự điển để lần tìm. Khổ nỗi, nhiều lúc, tự điển lại chỉ có lời giải nghĩa nhưng không có từ chính xác, và tôi phải vắt óc cố nhớ lại từ tiếng Việt là gì. Nhưng may mắn cho tôi là ông nhà tôi là người đọc sách rất nhiều và hiểu biết rộng về mọi điều mà tôi cần tìm hiểu, anh là bậc thầy của tôi trong mọi lĩnh vực về kiến thức và văn chương, cho nên hễ tôi có gì bí thì đi tìm anh mà…níu áo nhờ chỉ giùm!
3. Có một loạt bài của Thư bắt đầu viết vào năm 2004 và hoàn tất vào năm 2006. Vì lý do gì mà có sự kéo dài như thế?
Thú thật là thời gian đầu mới viết văn, tôi luôn hết sức bận rộn với công việc nhà và nuôi hai bé con thơ cho nên tôi có rất ít thì giờ để sáng tác. Vì vậy, mặc dù nhiều lúc tôi đã nghĩ ra một truyện nào đó một cách hoàn chỉnh, tôi phải ráng nhớ và chỉ có đủ thì giờ để viết tóm lượt truyện ấy lại khoảng dưới một trang, có khi tôi chỉ viết được tựa đề và vài dòng để khỏi quên những ý chính rồi cất đi, chờ đến khi nào có dịp mới viết lại một cách chi tiết được. Hơn nữa, tôi thật không may là sau khi sinh con, tôi lại bị trật cổ tay bên phải khá nặng, cho nên tôi đã phải cố gắng lắm mới có thể viết tay được chút ít. Trong suốt cả nửa năm đầu, nhiều lúc tay tôi đau đến mức không thể cầm viết nổi, cho nên tôi mới tìm cách đánh máy, nhưng vì tôi chỉ âm thầm làm một mình mà chẳng có ai khác biết để cho tôi hay là có chương trình bỏ dấu tiếng Việt, rồi sau đó tôi lại phải bỏ dấu bằng tay thật là cực nhọc và mất bao nhiêu là thì giờ. Cho nên có nhiều truyện tôi đã “viết” xong trong đầu mà không có cách nào mà viết xuống giấy hoặc đánh máy ra cho hoàn chỉnh được, cho đến nhiều tuần, nhiều tháng, hoặc có lúc là cả mấy năm sau mới có dịp để ghi lại.
4. Ngoài website Tiền Vệ là nơi đăng tải hầu hết những sáng tác của Thư, Thư có đăng bài ở đâu nữa không? Trong trường hợp nào Thư đã chọn Hợp Lưu để đăng tải những tác phẩm của mình?
Như đã kể trên, ban đầu tôi chỉ viết văn để giải sầu và không hề nghĩ là sẽ gửi đi đăng ở đâu cả, nhưng nhờ có người bạn thân của gia đình là anh Nguyễn Hưng Quốc đọc được hai truyện đầu tay của tôi và mang đăng lên Tiền vệ. Từ đó trở đi, mỗi khi tôi viết xong truyện mới, tôi thường gửi cho gia đình và mấy người bạn thân mà trong đó có anh Quốc, cho nên hầu hết những truyện của tôi đều được đăng lên Tiền vệ là nhờ anh Quốc. Thú thật là tôi rất thụ động trong việc gửi bài đi đăng, bởi vì cho đến bây giờ, công việc chính của tôi vẫn là nghề dạy học, còn chuyện viết văn vẫn chỉ là một thú vui khi nào tôi có thì giờ. Vì vậy tôi đã đặt chuyện viết lách vào hàng ưu tiên chót trong tất cả những công việc mà tôi phải làm, mặc dù tôi hết sức say mê viết văn và có thể bỏ ăn bỏ ngủ (thường là bỏ ngủ, vì tôi thức rất khuya ban đêm, có khi đến gần sáng) để sáng tác mà vẫn hăng say.
Còn việc tôi có bài đăng trên báo Hợp Lưu và Văn Học, và mới gần đây là đóng góp bài với báo mạng Da màu là nhờ có sự đốc thúc của ông nhà tôi. Có thể nói rằng điều tôi thấy vui và tự hào nhất trong chuyện tôi viết văn là bây giờ tôi có được sự ủng hộ rất nồng nhiệt của chồng tôi và của cả gia đình, mặc dù ban đầu đa số đã không tán thành. Nhưng vì tôi quá say mê viết văn và đã kiên trì, bền bỉ sáng tác ngay cả trong những lúc khó khăn, vất vả nhất, bên cạnh vẫn chăm lo chu toàn mọi nhiệm vụ của mình và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, cho nên cuối cùng tôi đã chinh phục được mọi người trong nhà, và bây giờ tôi còn được đốc thúc để gửi bài đến tham gia với các tờ báo khác. Tôi cũng thấy rằng đó là một ý kiến hay, vì nhờ đó mà tôi có cơ hội để chia sẻ với những độc giả say mê văn chương thuộc nhiều nhóm khác nhau những thành quả sáng tác của mình.
5. Với Thư, nền văn học trên báo in và sách còn quan trọng không? Và nền văn học trên web có thể thay thế hoàn toàn cho báo in trên giấy?
Hình như đây là một đề tài được tranh luận khá nhiều trong giới say mê văn chương, viết lách, phải không anh? Tuy nhiên, đối với tôi, đọc sách, báo in vẫn là một thú vui không có thứ gì thay thế được, nhất là được cầm trong tay cuốn sách hoặc báo in thật là chỉnh tề, đẹp đẽ là một điều sung sướng cho một người “ghiền” sách như tôi. Ngay cả nhiều lúc đọc thấy truyện hoặc thơ hay trên mạng, tôi cũng thích in ra giấy rồi “ôm” mà đọc. Có thể đó chỉ là một thói quen cố hữu và cũng thuận tiện để tôi “nhai đi nhai lại” cho đến khi mấy tờ giấy sắp rã ra thì tôi mới thấy vừa lòng. Còn đọc văn thơ trên mạng là chuyện bất đắc dĩ đối với tôi, cho nên mặc dù sau này văn chương trên mạng có phong phú đến đâu, tôi nghĩ là nó vẫn không thể thay thế được hoàn toàn sách báo in trên giấy, khi vẫn còn có người ghiền đọc sách như tôi.
Hơn nữa, tôi cũng nghĩ rằng, giá trị của sách in nằm ở chỗ nó đã được sàng lọc, chọn lựa trong biết bao nhiêu là bản thảo mới được xuất bản, đặc biệt là từ những nhà xuất bản danh giá. Bên cạnh đó, cuốn sách in sẽ là một kỷ vật thật là quý cho những độc giả say mê văn chương của một tác giả nào đó. Độc giả (như tôi) sẽ lấy làm sung sướng khi có thể mang về nhà cuốn sách/tập thơ của nhà văn/nhà thơ mà mình mến mộ, rồi lấy ra đọc đi đọc lại và cất giữ cẩn thận có khi là cả mấy chục năm sau đó, hoặc suốt đời, nếu nó còn may mắn mang chữ ký của tác giả nữa, anh có nghĩ vậy không?
6. Thư mới có một tuyển tập truyện ngắn “Người đi tìm bóng tối” được Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Việt Nam ấn hành, xin Thư cho biết trong hoàn cảnh nào mà một người ở nước ngoài như Thư lại được có sách xuất bản trong nước?
Thú thật với anh là chuyện tôi có sách xuất bản là hoàn toàn bất ngờ như trên trời rơi xuống và ngoài sự mong đợi của tôi anh ạ. Tôi nghĩ chắc là tôi có duyên nợ với văn chương nên mới có “thiên thần” được gửi từ đâu đến để làm việc xuất bản sách cho tôi, và nhân thể níu kéo tôi vào nghiệp viết lách. Đầu đuôi chuyện tôi có sách xuất bản là thế này: tháng sáu năm ngoái (2006), bỗng nhiên một hôm, tôi nhận được một bức điện thư của một người hiện đang sống ở Hà Nội là độc giả thường xuyên của Tiền vệ. Cô này rất thích những truyện tôi viết nên đã tự ý thu thập hết toàn bộ truyện của tôi trên Tiền vệ, và xin tôi cho phép cô ấy xuất bản một tuyển tập truyện ngắn của tôi để chia sẻ với độc giả trong nước. Tôi rất ngạc nhiên và lấy làm sung sướng với nhã ý này nên đã đồng ý cho cô ấy tiến hành. Trong chuyện cuốn sách được ra đời, tôi chỉ làm có hai việc là: đọc lại và sửa bản thảo cho thật hoàn chỉnh, và chọn tựa đề cho tập truyện, vốn là tựa đề của một truyện ngắn tôi viết. Mọi việc còn lại của chuyện xuất bản sách hoàn toàn là do cô độc giả hết sức nhiệt tình này làm giúp cho tôi, mà tôi cũng không biết gồm những khâu gì.
Mặc dù tôi cũng rất mong là tập truyện sẽ được phát hành, tôi đã không chờ đợi hoặc hy vọng nhiều lắm, vì tôi có nghe nói là chuyện xuất bản sách trong nước thật là phiền phức và nhiêu khê, mà nhất là với một người đang sống ở nước ngoài như tôi và chẳng hề có quen biết ai trong giới văn chương, phát hành sách…, thì chuyện tập sách được xuất bản chắc cũng không phải dễ dàng gì mà có được. Nhưng tôi không ngờ, đến tháng 12, trong lúc gia đình tôi về Sài Gòn thăm nhà, tôi nhận được điện thư, rồi điện thoại của chi nhánh nhà sách ở Sài Gòn gọi tôi đi lấy sách biếu và tiền nhuận bút là ba triệu đồng Việt Nam. Tôi đã hết sức vui sướng khi đi nhận sách và nhận tiền nhuận bút của mình. Mặc dù số tiền ấy chỉ là tượng trưng, nhưng nó là thành quả của bao nhiêu đêm tôi miệt mài sáng tác, và cũng là một món quà quý từ lòng mến mộ hết sức nồng nhiệt và thật nhiều công sức mà cô độc giả và bạn bè của cô ấy đã dành cho tôi. Tôi hy vọng trong tương lai tôi sẽ có dịp gặp gỡ và đền đáp tấm lòng của những người bạn say mê văn chương này. Lúc cầm tiền nhuận bút trên tay, tôi cũng thầm nghĩ “Phải chi số tiền này là… đô Úc, mình sẽ thật là sung sướng vì từ nay sẽ được ngồi nhà mơ mộng và viết văn…” .
7. Sau việc xuất bản sách trong nước, theo Thư, chúng ta thật sự có hai nền văn học, “hải ngoại” và “quốc nội” hay không?
Tôi nghĩ là tôi phải tự biết mình và không nên bàn về một vấn đề mà tôi không có đủ kiến thức, vì thú thật là tôi không đọc nhiều đủ, cả văn chương trong nước lẫn ở hải ngoại, để có được một nhận định đúng đắn. Tuy nhiên, tôi có nghĩ rằng, dù sao đi nữa, những người sáng tác văn chương ở hải ngoại cũng được nhiều ưu thế và thuận lợi hơn những người ở trong nước.
Bên cạnh lợi thế thứ nhất là họ được hoàn toàn tự do sáng tác về bất cứ đề tài gì và dưới bất kỳ hình thức nào, đa số những người sống ở hải ngoại phải biết thành thạo ít nhất là một thứ tiếng ngoại ngữ. Đây là một thuận lợi rất lớn, nhất là với những thứ tiếng thông dụng như tiếng Anh, Pháp, Đức v.v… là những ngôn ngữ mà đa số văn chương, kiến thức…. từ khắp nơi trên thế giới đều được chuyển ngữ sang những thứ tiếng này. Điều này giúp cho những người sống ở hải ngoại có thể đọc sách, xem phim, tham khảo… từ một nguồn thông tin khổng lồ về bất cứ đề tài nào họ muốn để lấy tài liệu cho những bài viết của mình, hoặc chỉ đơn thuần là có được một nguồn giải trí thật là phong phú để tìm cảm hứng sáng tác, chứ không phải phụ thuộc vào một số ít sách dịch và phim v.v… đã được cho phép như những người ở trong nước.
Hơn nữa, những người sống ở hải ngoại dù muốn dù không cũng phải bị ảnh hưởng phần nào bởi ít nhất là một nền văn hóa mới. Đặc biệt là ở những nước đa văn hóa như Úc, Mỹ, Anh, Pháp v.v… là nơi có nhiều sắc dân sống cận kề và sinh hoạt bên nhau khá là gần gũi, mật thiết, những người sống ở các nước này sẽ được tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau. Tôi thấy được rằng, ít nhất là đối với riêng bản thân tôi, những điều tôi nhận thức và học hỏi được từ những nền văn hóa khác đã giúp cho tôi có một cuộc sống phong phú hơn, có cách nhìn bớt chủ quan hơn, dễ thông cảm, hòa đồng hơn. Nhất là với vai trò người sáng tác, những điều này đã giúp cho tôi viết được một cách thoải mái mà không bị bó buộc vào lề lối và phong tục, tập quán của người Việt, hoặc chỉ riêng về những nơi chốn, những con người Việt Nam. Vì vậy, theo tôi nghĩ, không ít thì nhiều, lối sống và môi trường khá là khác biệt giữa những người ở trong nước và ở hải ngoại sẽ có ảnh hưởng phần nào đến cách viết văn của họ, cả về hình thức lẫn nội dung.
8. Hầu hết trong các truyện ngắn, đề tài của Thư nghiêng về hiện thực thần kỳ. Vì sao Thư chọn hướng đi đó cho văn chương của mình?
Thật tình mà nói là những câu chuyện nó “chọn” tôi, chứ tôi có biết gì trước mà lựa chọn trong chuyện sáng tác văn chương đâu anh. Thú thật là lần đầu tiên tôi được biết đến thể loại truyện hiện thực thần kỳ - magical realism là qua nhận xét của anh Nguyễn Hưng Quốc sau khi anh đọc mấy truyện đầu tay của tôi và cho rằng truyện của tôi thuộc thể loại ấy. Lý do đơn giản là thời còn bé ở Việt Nam, tôi chưa được đọc cuốn sách nào thuộc thể loại ấy, hoặc nếu có, tôi cũng không biết là chúng được phân loại như thế, vì tôi chưa được nghe ai nhắc đến thể loại truyện này bao giờ. Bên cạnh đó, quả thật là tôi không quan tâm đến chuyện văn thơ tôi đọc hoặc viết là thuộc thể loại nào. Có thể là vì tôi chỉ đọc và viết những gì tôi thích, cho nên điều tôi quan tâm nhất là chất lượng và giá trị của một tác phẩm, mà tôi tin rằng, cho dù là dưới bất kỳ hình thức hoặc thể loại nào, mọi tác phẩm có chất lượng cao đều phải được sáng tạo với tất cả lòng nhiệt thành và trân trọng của tác giả.
Đối với tôi, sáng tác văn chương chỉ thuần túy là một thú vui mà tôi hết sức say mê, và là nơi để cho tôi được hoàn toàn tự do viết ra những điều mình thích đọc mà chưa có ai khác viết. Truyện của tôi không nhằm chuyên chở bất cứ một thông điệp nào, hoặc để đạt được một mục đích gì cả. Chúng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, là biểu hiện của lòng đam mê sáng tạo và mơ ước đi tìm một thế giới khác cho riêng mình.
Tất cả những truyện tôi viết là hoàn toàn ngẫu nhiên và tôi không hề có ý định tìm kiếm, hay dàn xếp, sắp đặt gì cả. Đôi khi truyện tôi viết là do cảm hứng từ một khung cảnh, một bức tranh, một bản nhạc v.v… , nhưng có khi chúng chỉ là những ý nghĩ tình cờ đến với tôi khiến cho tôi thấy thú vị hoặc băn khoăn mà theo đuổi cho đến khi chúng trở thành những câu chuyện hẳn hoi. Vì thế, những câu chuyện tôi viết mặc dù hoàn toàn là hư cấu và tôi là người tạo nên những những nhân vật, khung cảnh v.v… trong truyện, tôi đã lùi ra đàng sau để cho câu chuyện tự diễn tiến theo như cái trình tự một cách hợp lý mà nó phải xảy ra, cũng như để cho những nhân vật trong truyện thật sự “sống” cuộc sống của họ, để họ tự do định đoạt mọi điều theo đúng với tính cách của mỗi người.
Có thể nói rằng, tôi viết văn như một người quan sát tỉ mỉ và kể lại một cách trung thực những điều tôi đã thấy được trong trí tưởng tượng của mình, và thú thật đó không phải là điều dễ dàng. Để có thể đi theo cái diễn tiến một cách hợp lý của câu chuyện và trung thành với mỗi nhân vật của mình, tôi buộc phải hoàn toàn đặt mình vào cuộc sống của từng nhân vật để có thể hành xử đúng như tính cách của mỗi người, mà không nhầm lẫn với ý thích của riêng tôi. Tôi có thể cùng khóc, cùng cười với nỗi buồn, niềm vui của họ, nhưng tôi không uốn nắn hoặc áp đặt cách suy nghĩ, lựa chọn v.v… của tôi lên họ. Vì vậy, sáng tác văn chương là một công việc lý thú nhưng cũng nhiều thử thách nhất đối với tôi. Tôi say mê viết văn vì đó là nơi mà tôi có thể để cho trí tưởng tượng của mình được hoàn toàn tự do mỗi khi tôi nghĩ ra một câu chuyện mới.
*Điều tôi cũng thấy là hết sức thú vị trong việc viết văn, đó là tôi có thể tự cho phép mình bước ra khỏi những giới hạn về tuổi tác, nghề nghiệp, của những quy luật ràng buộc của xã hội…, và xa hơn nữa, tôi có thể được thử nghiệm lối sống của một người thuộc phái tính khác, có nếp suy nghĩ khác, có khi vượt cả ràng buộc của cả không gian lẫn thời gian…* . Mà đã là chuyện tưởng tượng thì nó muốn ra sao thì ra chứ tôi đâu có việc gì mà phải ép cho nó giống chuyện hiện thực, thành ra đa số truyện của tôi mang dáng dấp thể loại truyện hiện thực thần kỳ là vì vậy.
9. Người ta không thể viết nếu không đọc, Thư thích đọc những tác giả nào? Văn hóa của xứ sở mà Thư đang sống có ảnh hưởng nhiều trên suy nghĩ và cách viết của Thư không?
Thú thật với anh đây là một đề tài tranh luận khá là thú vị trong gia đình tôi, vì các anh tôi thường phàn nàn là tôi đọc sách quá ít thì làm thế nào mà viết văn cho được, trong khi ông nhà tôi lại cho rằng đọc sách là để trau dồi kiến thức (và có thể là kỹ năng viết lách) nhưng chuyện sáng tác là do tài năng thiên phú, mà chính yếu là sản phẩm của trí tưởng tượng và khả năng diễn đạt của riêng từng người.
Tôi thì đứng chính giữa hai bên và không bận tâm đến chuyện phân tích, tranh luận vì tôi say mê cả chuyện đọc và chuyện viết như nhau. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại của tôi là suốt ngày bận rộn đi làm, đến khi về nhà là tôi phải mất bảy, tám tiếng đồng hồ mỗi ngày để lo việc nhà và chăm sóc, dạy dỗ hai bé con thơ. Sau đó, khi con đã đi ngủ, tôi mới bắt đầu làm việc trường, mà đến mùa thi của học trò, và sau đó là đến “mùa” viết bản báo cáo thành tích cho mỗi đứa cho hết mấy trăm học trò, có khi tôi phải làm việc cho đến gần sáng mới xong, thì tôi chỉ còn có mấy tiếng đồng hồ cho chuyện văn chương nếu còn đủ sức và đủ tỉnh táo. Thành ra, nếu lựa chọn giữa việc đọc hoặc viết lúc này, tôi phải ưu tiên cho chuyện viết, vì tôi không thể “ngâm” quá lâu những truyện ngắn hoặc thỉnh thoảng là thơ của mình, vì sợ để lâu quá, chúng sẽ “bốc hơi” đi hết thì mất luôn vĩnh viễn, vì đa số là tôi chưa viết ra được ở đâu cả để mà giữ lại sau này.
Cho nên để trở lại câu hỏi ban đầu, thật sự là tôi đọc ít lắm từ ngày sang Úc, chính yếu là vì quá eo hẹp thì giờ, cho nên tôi bị đi sau những người khác trong chuyện đọc và theo dõi về văn chương đến cả mười mấy, hai chục năm. Thành ra đa số những nhà văn, nhà thơ mà tôi biết đến là những người tôi say mê từ thời còn bé, như Victor Hugo, Hemingway, Paul Galico, mấy chị em Bronte, Jane Austene, Charles Dickens, Tolstoy, George Sand, André Gide, Hermann Hesse, Saint Exupéry, Guy De Maupassant, André Maurois v.v.… . Bên cạnh những tác phẩm lẫy lừng của những nhà văn này, tôi đặc biệt thích cuốn sách “Thư gửi người đàn bà không quen biết” của André Maurois, đó là cuốn “gối đầu giường” của tôi và tôi cho là một cuốn sách tuyệt diệu cho tất cả các phụ nữ, bất kể là ở đâu và vào lứa tuổi nào, vì sách của ông viết thật là lý thú, đọc sách ông bao nhiêu lần tôi cũng vẫn có cảm giác như thể đang ngồi nghe ông trò chuyện. Còn về thơ, tôi rất say mê thơ của Tagore, Kahlil Gibran, Lorca…, và mới sau này tôi còn biết thêm và cũng say mê thơ của Joseph Brodsky, Borges và một số nhà văn, nhà thơ khác mà tôi không nhớ hết.
Có lẽ điều ngạc nhiên cho đa số văn thi sĩ Việt Nam là cho đến năm ngoái, tôi mới lần đầu được đọc thơ của Thanh Tâm Tuyền trên Tiền vệ sau khi ông qua đời và tôi đã hết sức choáng váng và say mê. Trước đây, tôi đã từng nghe những ca khúc phổ thơ của ông, nhưng tôi chưa bao giờ được đọc thơ của ông viết, vì khi tôi lớn lên sau 1975 ở Việt Nam, những người xung quanh tôi không ai còn giữ tập thơ nào của ông cả. Tôi biết là tôi chỉ mới được đọc rất ít văn, thơ của các tác giả Việt Nam, nhưng trong tất cả những nhà văn, nhà thơ tôi đã được đọc, tôi say mê nhất là văn của Võ Phiến, và thơ của Thanh Tâm Tuyền.
Anh hỏi về ảnh hưởng của xứ sở Úc đến lối suy nghĩ và cách viết văn của tôi, hình như là rất ít, hoặc có thể là không có anh ạ. Có lẽ là vì tôi sống khá là khép kín, tôi chỉ đi ra ngoài khi đi học hoặc đi làm, và hầu hết thì giờ còn lại là ở nhà sinh hoạt với gia đình và bạn thân, rồi đọc sách, nghe nhạc v.v…, cho nên cách suy nghĩ và lối viết văn của tôi có lẽ là được ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi những sách vở mà tôi say mê. Tuy nhiên, phong cảnh hết sức đẹp đẽ và thiên nhiên còn mang nhiều nét hoang dã của Úc có tác động mạnh mẽ đến tôi. Mỗi khi đứng trước thiên nhiên, tôi cảm thấy rung động và khao khát mình có thể sáng tạo được điều gì đó, tôi mơ ước mình biết vẽ để thâu tóm những vẻ đẹp đặc biệt khác thường của xứ này, và chắc chắn là nó có thôi thúc tôi sáng tác văn thơ… .
Nhưng có lẽ hơi khác thường là có một nền văn hóa khác lại ảnh hưởng đến tôi khá là sâu đậm, mặc dù tôi chưa từng được đặt chân đến xứ này, đó là văn hóa của Tây Ban Nha, mà trước nhất là âm nhạc, rồi đến thi ca, văn chương, hội họa… . Có lẽ nền văn hóa này mới là chất liệu để nuôi dưỡng và là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện thuộc thể loại hiện thực thần kỳ của tôi anh ạ. Tôi nhớ lại, từ hồi còn bé xíu, tôi đã say mê âm nhạc Tây Ban Nha bởi nét trữ tình, âm hưởng sống động đầy màu sắc, một chút gì đó huyền bí dị thường, cái lãng mạn say đắm nhưng không uỷ mị…, và những điều này trở nên quyến rũ lạ lùng khi được diễn tả bởi tất cả nhiệt thành, tất cả đam mê, nhất là qua tiếng đàn ghi ta. Từ thời còn bé, ban đêm, tôi thường nằm trong bóng tối nghe nhạc Tây Ban Nha trước khi ngủ, và tưởng tượng đến những xứ sở hoang đường, những câu chuyện thần tiên… mà chẳng có sách vở nào tôi đã đọc qua lại giống như vậy. Nếu tôi biết được từ thời còn bé là tôi có thể (và được phép) viết ra những câu chuyện như thế, thì chắc tôi đã viết được khá nhiều truyện thuộc loại “hiện thực thần kỳ” cho mọi người cùng xem… .
10. Là nhà giáo, giảng dạy và kề cận với lớp trẻ hàng ngày, Thư có nhận xét gì về lớp trẻ Việt nam lớn lên ở hải ngoại?
Tôi thấy đa số các em lớn lên ở hải ngoại hội nhập đến tám mươi hoặc chín mươi phần trăm văn hóa của đất nước mới, và nhất là về mặt ngôn ngữ, các em thường cảm thấy thoải mái với ngôn ngữ địa phương hơn là tiếng Việt. Vì thế cho nên mặc dù có khá nhiều cha mẹ cho con đi học thêm tiếng Việt vào cuối tuần, cho con tham gia sinh hoạt cộng đồng, tham gia Hướng Đạo Việt Nam v.v…, các em gặp nhau cũng vẫn trò chuyện bằng tiếng địa phương là phần nhiều. Vì vậy, nếu các em còn có thể nói thành thạo tiếng Việt với nhau và với gia đình đã là một cố gắng lớn rồi, cho nên việc các em đọc hoặc viết tiếng Việt là điều khá là hiếm hoi, ngay cả trong những gia đình mà cha mẹ là những người say mê sách vở, những người trong giới văn chương, viết lách… . Tôi nghĩ chắc những người thuộc thế hệ của tôi là lớp cuối cùng của người Việt ở hải ngoại có thể đọc, viết, và nhất là còn say mê tiếng Việt. Còn các thế hệ sau đó, các em đã xa cách quá lâu với văn hóa thuần tuý Việt Nam, và vì thế, sẽ không tha thiết mấy đến văn chương Việt Nam. Không biết tôi nghĩ như thế có quá chủ quan hay không?
11. Sau Tuyển Tập Truyện Ngắn “Người Đi Tìm Bóng Tối”, Thư có dự định gì cho tương lai không? Thư có ý định xuất bản một truyện dài hay không? Nếu không, xin Thư cho biết lý do. Nếu có, Thư sẽ chọn đề tài nào?
Thú thật là tôi say mê viết văn lắm lắm, mà nếu hoàn cảnh cho phép, hoặc có ai nuôi dùm tôi và hai bé con tôi (cười…), thì tôi sẽ viết thêm được nhiều truyện nữa và sẽ có thêm tập truyện ngắn mới. Hiện tại, tôi chỉ viết khi nào tranh thủ được thì giờ, mà trong khi tôi vẫn còn một số truyện cũ chưa có dịp viết ra cho xong, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ ra thêm truyện mới, cho nên tôi chỉ ráng làm sao mà không “ngâm” quá lâu những truyện mà tôi chưa kịp viết ra trước khi chúng “bốc hơi” đi hết, và vì thế mà tôi chưa bận tâm dự tính đến chuyện tương lai.
Còn về tiểu thuyết, quả thật là cho đến bây giờ, tôi đã nghĩ ra ba truyện thuộc những thể loại khác nhau. Hiện giờ, tôi đặt tựa đề cho những truyện này là “Tối”, “Bước ngoặc”, và tựa đề của truyện thứ ba thì tôi chưa có thể cho biết được, vì tôi nghĩ rằng cái tựa ấy sẽ tiết lộ phần nào nội dung của truyện, nhưng có lẽ đây sẽ là truyện dài đầu tiên tôi viết. Tôi chưa bao giờ viết truyện dài, nhưng tôi biết nó đòi hỏi lòng kiên trì, nhẫn nại rất cao, cũng như đòi hỏi rất nhiều thời gian, mà hiện bây giờ, thảng hoặc tôi mới tranh thủ thì giờ để viết cho xong được một truyện ngắn thì khó mà thu xếp để viết được truyện dài.
Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng, có khi tôi chờ cho đến lúc có điều kiện mới viết lại là điều hay, vì tôi cần suy ngẫm mọi điều cho thật là kỹ, cũng như cần có thì giờ để tôi tinh lọc những ý tưởng, gọt giũa mọi phương diện cho thật cẩn thận để có được những câu chuyện thật hoàn chỉnh trước khi bắt tay vào viết. Tôi biết truyện dài cần phải có chiều rộng và chiều sâu, mà nếu tôi nôn nóng viết cho xong ngay thì có thể là tôi sẽ không hài lòng với những cuốn tiểu thuyết của mình. Bên cạnh đó, trong lúc chờ đợi, tôi cũng cần phải cố gắng trau dồi thêm ngữ vựng tiếng Việt, học hỏi thêm nhiều để nâng cao bút pháp, rèn luyện kỹ năng …., và chờ cho đến lúc tôi tự tin là đã có đầy đủ “hành trang” cho “cuộc thám hiểm” viết văn đường dài mới bắt đầu, thì tôi mới hy vọng là mình có thể viết ra được một (hoặc hai, hoặc ba) cuốn tiểu thuyết đáng để dành thì giờ viết, cũng như đáng để cho người khác dành thì giờ đọc, anh thấy tôi nghĩ như thế có hợp lý không?
Còn chuyện xuất bản sách, trước đây tôi đã nghĩ rằng chắc tôi sẽ tiếp tục… ngồi chờ sung rụng (cười…) để xem có ai vì yêu văn chương mà đề nghị in sách cho tôi như tập sách trước nữa không. Tuy nhiên, chỉ mới rất gần đây, theo như đề nghị của gia đình và bạn bè, mà nhất là những độc giả ở hải ngoại muốn tìm mua sách của tôi, tôi nghĩ rằng tôi sẽ thu thập truyện của tôi lại và hoàn thành thêm một số truyện mới để ra mắt hai hoặc ba tuyển tập truyện ngắn. Tôi dự định có thể tôi sẽ ra mắt một tập truyện hiện thực, một tập truyện hiện thực thần kỳ, và có lẽ là thêm một tuyển tập truyện tình, vì ngẫu nhiên mà khá nhiều truyện tôi viết lại là chuyện tình. Đây là một trong những dự án mà tôi sẽ làm trong năm nay.
Hiện tại, tôi chỉ tập trung vào mỗi một việc là ráng tranh thủ thì giờ để sáng tác. Bất cứ lúc nào có dịp, tôi sẽ viết truyện mới, và tôi hy vọng rằng bên cạnh việc tăng thêm số lượng, chúng cũng sẽ giúp tôi nâng cao chất lượng cho những bài viết của mình sau này. Tôi cũng cố gắng dành thì giờ trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng để chờ có một ngày nào đó trong tương lai, bằng một thứ phép mầu nào đó, biết đâu tôi được trở thành nhân vật chính trong chuyện hiện thực thần kỳ mà tôi mới tưởng tượng ra cho chính mình là tôi trở thành một nhà văn thật sự và được sống bằng nghề viết văn như tôi đã mơ ước (cười…).