Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.081
123.233.281
 
Văn học đang mất dần sức mạnh?
Tuy Hòa

Hiện nay những người quan tâm đến văn học đang chứng kiến một nghịch lý: Các nhà sách thì phát triển trăm hồng nghìn tía nhưng văn học không còn sức ảnh hưởng đến đời sống như trước đây. Tìm lời giải đáp cho vấn đề này không đơn giản. Nhằm giúp bạn đọc có thêm một góc nhìn, TT&VH Cuối tuần xin giới thiệu cuộc trò chuyện giữa hai thế hệ cầm bút, nhà thơ Xuân Sách ( 75 tuổi ) và nhà thơ Lê Thiếu Nhơn ( 30 tuổi ).

 

Lê Thiếu Nhơn: Thưa nhà thơ Xuân Sách, vừa rồi thấy TV phát lại bài hát “Đường chúng ta đi”, tôi mới giật mình nhớ những câu ông viết: “Việt Nam trên đường chúng ta đi, nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó, nghe sóng biển ầm vang xa vọng tới chân trời” đã được 40 năm. Và thực sự tôi nghĩ rằng, trong hành trình của một dân tộc, không thể thiếu bóng dáng những người cầm bút!

 

Xuân Sách: Trên thế giới, có khi người ta đo sự văn minh của mỗi quốc gia bằng sự xuất hiện những văn nhân. Người Colombia tự hào về Macquez như người Pháp đã tự hào về Victor Hugo. Đóng góp của mình trong văn chương Việt Nam cũng nhỏ bé thôi, nhưng mình tin đất nước chúng ta đẹp hơn, lớn hơn nhờ những trang văn, trang thơ. Nhờ Đoàn Giỏi mà chúng ta thêm yêu mảnh rừng hay con kênh miền Nam. Nhờ Quang Dũng mà chúng ta thêm yêu tình người Sơn Tây. Nhờ Văn Cao mà chúng ta thêm yêu sông Lô, nhờ Hoàng Cầm mà chúng ta thêm yêu sông Đuống. Thế hệ chúng tôi một thời được trọng vọng ghê lắm!

 

LTN: Chưa có một cuộc điều tra quy mô, nhưng rõ rang bây giờ vị trí nhà văn trong xã hội đã không còn như xưa.

 

XS: Sự thật cay đắng ấy, theo cậu, mình có nên đỗ lỗi cho sự phát triển các loại hình giải trí khác không?

 

LTN: Không, “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, có trách thì trước hết trách chính những người viết. Những khảo sát tại Anh, Mỹ, Pháp hay Nhật đều cho ra những con số độc giả văn học rất đáng ngưỡng mộ.

 

XS: Người đọc ở đâu và thời nào cũng tìm những cuốn sách có tác dụng với họ. Theo mình, người ta cũng đang đọc sách dạy khôn hay cẩm nang kinh tế, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế. Người ta chỉ đọc sách văn học, khi tác phẩm nói giùm họ những điều gan ruột. Mà nói thật, mấy năm gần đây mình không thấy những trang viết gan ruột!

 

LTN: Vài đồng nghiệp của chúng ta cứ tranh thủ mọi diễn đàn để đòi hỏi tự do sáng tạo. Đôi khi tôi cảm giác buồn cười, ông ạ!

 

XS: Trên trái đất làm gì có thứ tự do tuyệt đối, chúng ta không bị ràng buộc bởi điều này sẽ vướng hệ lụy khác. Theo mình người cầm bút phải dấn thân và chấp nhận thiệt thòi!

 

LTN: Không ai cấm được sản phẩm dở. Thế là truyện dở, thơ dở thi nhau ra đời và có tính tổn thương người đọc kinh khủng. Tôi có một kinh nghiệm hèn mọn là muốn tìm tập thơ rất dở thì chẳng cần đi đâu xa, cứ đến NXB Hội Nhà văn hay NXB Văn học đấy!

 

XS: Quả đúng! Những nhà quản lý, những nhà phê bình, những người có trách nhiệm với văn chương chưa chuẩn bị kịp những ứng xử cần thiết để đối phó với sự bùng nổ của xuất bản phẩm! Chất lượng văn chương tản mát khiến công chúng mất lòng tin.

 

LTN: Một nguyên nhân nữa khiến văn chương không còn được coi trọng, theo tôi, là vai trò của nhà văn trong xã hội. Trước năm 1975, ông ở miền Bắc, không biết có theo dõi hoạt động của các nhà văn miền Nam không? Ở Sài Gòn có một nhà văn được đặt tên đường là Dương Tử Giang, tôi tìm hiểu không thấy ông ấy có trước tác nào quan trọng cả. Thế nhưng, trong cuốn hồi ký “Nợ bút nghiên hay nghĩa đồng bào” của nhà phê bình Thiếu Sơn kể rằng, nhà văn Dương Tử Giang làm báo Cứu Quốc rồi bị giặc bắt năm 1956. Sau đó, ông ấy lãnh đạo tù nhân phá ngục. Đáng lẽ đã chạy thoát rồi nhưng Dương Tử Giang sực nhớ còn bỏ quên mấy cuốn sách nên quay trở lại, và bị bắn chết ngay cửa nhà lao khi trong tay còn ôm tác phẩm của bạn tù và bản thảo của cá nhân. Đối với tôi, nhà văn Dương Tử Giang là một tấm gương trọng chữ nghĩa, trọng khí tiết, trọng phẩm giá!

 

XS: Nghe chuyện, mình cũng thấy phục đấy! Đòi hỏi chính đáng nhất của một người cầm bút là phải biết đồng hành với nhân dân và phải biết ưu tư với thời đại. Làm sao trong mắt công chúng, nhân cách nhà văn còn phải lớn hơn tác phẩm. Bước qua thế kỷ 21, giữa kinh tế thị trường, nhân cách nhà văn đang trở thành câu hỏi lớn, vì vậy mà sức tác động của văn học trong đời sống cũng yếu đi!

 

LTN: Trong cuốn hồi ký đã dẫn, nhà phê bình Thiếu Sơn cũng có kể ông ấy vào chiến khu xanh của “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ. Vừa gặp Thiếu Sơn, “khu trưởng” Huỳnh Văn Nghệ nói ngay: “Những bài viết của anh ở thành, cũng có giá trị ngang với những chiến công của chúng tôi!” và mang chai rượu thuốc rất quý ra chiêu đãi với sự chân tình: “Chúng ta chỉ được quyền nhậu nửa chai, còn nửa chai phải để cho bà già!”. Ông biết không, “bà già” trong văn cảnh là mẹ của Huỳnh Văn Nghệ, lúc ấy vẫn ở bên kia sông của chiến khu, tức vùng Tân Uyên – Bình Dương ngày nay. Đấy, ông Huỳnh Văn Nghệ không chỉ viết “Từ thuở mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” mà còn là một con người chí nghĩa, chí hiếu!

 

XS: Chân dung một lãnh đạo phải thế! Muốn văn học phát huy sức mạnh, chúng ta phải có những lãnh đạo văn nhân như thế! Mình ước gì trước khi nhắm mắt xuôi tay, được trông thấy một lãnh đạo văn nhân như Huỳnh Văn Nghệ!

Tuy Hòa
Số lần đọc: 1883
Ngày đăng: 01.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự trở lại của vết xước - Ty Vy
Nhiều NXB đang “lưu ban”! - Bùi Hoàng Tám
Inrasara: Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần. - Kiều Thu Huyền
Nhà văn có đang...viết văn? - Thụ Nhân
Nhà văn Tô Đức Chiêu: Sáng tác văn học đâu cứ phải ồn ào - Thanh Kiều
Inrasara: Hôm nay, thơ đang mất độc giả - Lý Đợi
Phỏng vấn Nhà Thơ DƯ THỊ HOÀN - Phạm Vân Anh
Phỏng vấn Nhà Văn Hoàng Ngọc Thư - Đặng Hiền
Nhật Chiêu, Nhà phê bình viết văn :“Chữ nghĩa, Cuộc chơi hào hứng nhất!” - Đông Dương
Đạo diễn – Nghệ Sĩ Ưu Tú Trần Mỹ Hà: Tôi vẫn đi tìm tôi - Võ Ðắc Danh
Cùng một tác giả