Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.215.363
 
Bá Nha - Tử Kỳ ! : Trò chuyện với Thái Doãn Hiểu tác giả thi nhân việt nam hiện đại
Thái Doãn Hiểu

Biết về Nhà nghiên cứu & Phê bình văn học Thái Doãn Hiểu đã lâu song tiếp cận được mới thật khó. Nghe bảo ông từng lặn qua Nam bán cầu ở thành phố Sydney mong không bị ai quấy rầy để hoàn thành công trình thơ mà ông đeo đẳng có dễ gần vài chục năm nay, rồi sớm trở thành một cư sĩ bất đắc dĩ... Cũng thật khó hiểu, cái “siêu đầu” nom có vẻ hói ấy, ngỡ như tôi đã hân hạnh được gặp đâu đó tại một góc... biếm họa ! Vậy mà, trong dịp Festival Thơ Huế 2008 vừa qua, một người bạn vong niên của tôi đã lén “chỉ chỏ” ông mà rằng: Thái Doãn Hiểu đấy. Chính y là tác giả của bộ sách hoành tráng bậc nhất về nền thi ca Việt Nam hiện đại...

 

NHỤY  NGUYÊN (NN): Là tác giả của 18 công trình khảo cứu văn hóa sáng giá, thưa ông Thái Doãn Hiểu, những người thơ cả nước đang nóng lòng chờ mong bộ sách mới của ông?

 

THÁI DOÃN HIỂU (TDH): Trên cơ bản THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (TNVNHĐ) đã hoàn tất. 152 chương sách - 152 nhà thơ đã được dựng thành chân dung văn học. Đội ngũ đông đảo đó đã tạo nên bức tranh có lẽ quá khổ về nền thơ Việt Nam hiện đại nửa cuối thế kỷ XX.

 

NN: Phải chăng đó là công việc tổng kết nền thơ Việt đương đại do cá nhân đảm nhiệm?

 

TDH: Không dám. Tôi không có tham vọng lớn thế. Đó là công việc của Viện Văn học và nhiều nhà nghiên cứu cùng chung lưng đấu cật mới làm nổi.

 

NN: Một bộ sách đồ sộ như vậy chắc hẳn phải mất rất nhiều tâm sức thời gian, tiền bạc đổ vào đó ?

 

TDH: Mất tất cả 17 năm ròng lao động cật lực. Phải đầu tư lớn. Đầu tư chủ yếu là ý chí, phải có cái đầu lạnh và một quả tim nóng mới đương đầu nổi với việc đội đá vá trời! (Cười).

 

NN: 17 năm trời chỉ tập trung cho một bộ sách ?

 

TDH: Không, không còn nhiều việc khác nữa phải làm chứ. Đầu tớ chia ra như ô thuốc bắc: điều hành công ty tin học, đại tu bộ Lời vàng từ 7.000 danh ngôn lên 20.000 câu để tái bản; làm chủ biên và người chấp bút viết chính cuốn Hành trình dòng họ Mạc  250 trang sau khi xử lý cả đống sử liệu và gia phả, sang Trung Quốc chạy mút chỉ truy tầm nguồn gốc họ Mạc. Cái này mình viết cho dòng họ Mạc của mình ở Nghệ Tĩnh. Thái Doãn Hiểu là hậu duệ đời thứ 29 của lưỡng quốc Trạng nguyên, Tả bộc xạ (tể tướng) Mạc Đỉnh Chi, hậu duệ đời thứ 17 của Hoàng đế Mạc Đăng Dung. Mình không viết gia phả theo lối thông thường mà truyện hóa nên đọc rất thú. Ông Giám đốc Nguyễn Duy Tờ Nhà xuất bản Thuận Hóa cấp giấy phép ngay, thế mà đến nay hai năm rồi vẫn chưa in được vì bận quá.

 

Dĩ nhiên, trong 17 năm đằng đẵng ấy, Thi nhân Việt Nam hiện đại vẫn là bộ sách ruột. Để có được nó, cùng với ba công trình phụ (Thơ tình bốn phương, Ngàn năm thơ tứ tuyệt, Những kiệt tác thơ Việt Nam), tôi đã đọc không dưới một vạn tập thơ! Hàng mấy ngàn nhà thơ đã đọc qua! Hơn 800 nhà thơ phải theo dõi và cập nhật thường xuyên trong máy tính. Có nhiều lần bộ nhớ máy tính “đình công” vì quá tải. Chương mở đầu được động bút khởi thảo ở Chợ Lớn năm 1989, chương kết thúc viết ở Sydney, những tháng hè nghỉ ngơi và dưỡng bệnh ở Nam bán cầu cuối năm 2006. Toàn bộ công trình dài ngót nghét 4.000 trang khổ 15,5 x 20,5 cm. Trong đó 2.200 trang tiểu luận và 1.800 trang tuyển thơ. Tôi đã thay đến bộ máy tính thứ ba, thay máy in lase thứ 2, hủy hàng dăm chục ram giấy. Sách có thể in được rồi, tuy còn phải sửa chữa chút ít. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và cả nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch rất vui gợi ý nên in thành ba tập thượng, trung, hạ theo lối hàn lâm, nhưng nhà xuất bản và phát hành sách lại yêu cầu in thành 12 tập.

 

NN: Chà, ghê quá! Tôi không rõ, ông đã lấy gì sống trong suốt 17 năm “ăn cơm nhà vác… ngà voi” ấy?

 

TDH: Tôi sống bằng lương  hưu nhà giáo và… tình yêu đối với công việc!

 

NN: Chắc ông giỡn chơi, chứ một Phó Thường Dân Nam Bộ như ông lấy tiền đâu mà khi thì nghe tin ông bà thăm nước này nước nọ hoài. Mới vi vu ở miền Bắc xong, bây giờ lại ở Huế?

 

TDH: (Tủm tỉm) Xin đành bật mí: Tôi làm Giám đốc một công ty phần mềm tin học lấy tên là 3Tgroup đã chục năm nay. Công ty tôi chuyên viết phần mềm để quản lý sản xuất cho các nhà máy. Nói thế nào cho bạn hiểu được đây nhỉ? Các phần mềm ấy cung cấp cho các nhà máy một bộ óc điện tử vươn rộng tầm kiểm soát để chỉ huy nhà máy sản xuất bằng tự động hóa. Ông giám đốc ngồi ở bất cứ nơi nào trên hành tinh vẫn có thể điều khiển nhà máy của mình như ngồi ở nhà. Khách hàng của công ty tôi là các nhà máy Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Việt Nam đặt ở các khu chế xuất Biên Hòa, Bình Dương, Tân Thuận… đã mở rộng thị phần ra đến Hà Nội. Nếu bạn rảnh rỗi, và biết đâu bạn nào có nhà máy cần hệ điều hành sản xuất xin mời ghé vào trang website : www.3tgroupi.com tham quan, tôi sẽ bán giá  mềm cho. Làm sách là nghiệp để nuôi hồn, còn làm nghề tin học bán các sản phẩm chất xám là để nuôi thân. Lấy phần mềm nuôi phần cứng ! (gương mặt ông trở nên dí dỏm). Thân có no đủ thì hồn mới bay bổng được, phải vậy không, bạn?

 

NN: Chí lý. Ta trở lại vấn đề nhé. Thưa ông, bộ sách có tên Thi nhân Việt Nam hiện đại. Phải chăng nó là sự nối tiếp công việc của Hoài Thanh - Hoài Chân?

 

TDH: Đúng vậy. Chuyện là thế này: Trong phút lâm chung trên giường bệnh, ông Hoài Thanh nói với con trai là Nhà văn Từ Sơn “Đời ba, người ta gọi ba là Nhà văn vì ba có Thi nhân Việt Nam. Bấy lâu nay, ba cũng đã chuẩn bị tư liệu để làm một cuốn Thi nhân Việt Nam 2, nhưng lực bất tòng tâm, giờ ba phải đi rồi! Ba rất ân hận là đã không làm trọn được ước vọng”. Tôi thật sự mủi lòng thương cảm trước cảnh tử biệt sinh ly của người đồng hương rất đáng kính ấy, lòng tự nhủ lòng rằng: Nếu Nhà nghiên cứu Từ Sơn, hay cả ông nghè Phan Hồng Giang nữa không làm nổi di huấn này của cha, thì tôi xin tình nguyện ghé vai gánh vác công việc khó khăn này.

Thế rồi, tôi âm thầm thu gom tập kết vật liệu để chuẩn bị xây nhà lớn. Trong bộ Giai thoại nhà văn Việt Nam, KHXH xuất bản năm 1996, trong chương Hoài Thanh, tôi đã có lời nhắn nhe tới các anh ấy.

 

NN: Khi viết nối tác phẩm, ông xử lí thế nào đối với các nhà thơ Mới có mặt trong Thi nhân Việt Nam ?

 

TDH: Trừ các nhà thơ đã rơi rụng, các nhà thơ như Hàn Mặc Tử, Bích Khê chết sớm, và nhà thơ ngưng làm thơ như Huy Thông, Thế Lữ…, còn các nhà thơ sống và viết vắt qua hai thời kỳ tiền chiến như: Tế Hanh, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Đoàn Văn Cừ… thì đều phải viết lại hết. Một số nhà thơ bị bỏ sót như Ngân Giang đã được khôi phục vị trí xứng đáng. Chúng tôi đã trả lại những gì của Xêda cho Xêda ở nhà thơ kỳ tài Cầm Giang bị đời quên lãng…

 

NN: Theo chỗ tôi được biết, công trình Thi Nhân Việt Nam, Hoài Chân chỉ làm cái việc khá đơn giản là tập hợp thơ mới cho cụ Hoài Thanh… Vậy, ông có thể "trích ngang lý lịch" người đồng tác giả của TNVNHĐ ?

 

TDH: Bạn muốn nói đến Hoàng Liên? Bà ấy là nửa mảnh của mình. Tôi nhặt được “bả” ở cầu Cấm - một trọng điểm giao thông chiến lược đầy bom đạn trên con đường xuyên Việt (cách Vinh 18 cây số về phía Bắc) trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ năm 1967. Hồi ấy, cả hai chúng tôi đều là chiến sĩ Thanh niên xung phong trong binh chủng… cuốc vót, lăn lộn suốt 5 năm trời trên các tuyến lửa khu IV “vì sự sống của con đường” như tên cuốn sách đầu đời của anh Nguyễn Khắc Phê. Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, chúng tôi đã luyện mình như thế để sống không biết sợ hãi là gì.

 

Sau khi đã thua ý chí gã điên hiến mình làm con mọt sách, bà ấy tự nguyện làm bến đỗ cho tôi - cho kẻ gàn quải trời ơi đất hỡi. Sức chịu đựng ông chồng đồ Nghệ hâm tỉ độ, toàn đưa gai góc và tai bay vạ gió về hành tội sống vợ con phải nói là phi thường ! Chúng tôi cùng chung lưng đấu cật dạy học chung, viết sách chung, nuôi dạy con thành danh (3 nghè : cậu cả Thái Doãn Hoàng Cầu cố vấn chiến lược cao cấp ngành điện lực Tp Sydney, nước Australia. Cậu 2 là Thái Hoàng Trình kỹ sư phần mềm hãng Fujishu Nhật bản, nay là kỹ sư trưởng của công ty 3TGroup,  tác giả của một xêri sách 3 cuốn về đồ họa những xảo thuật điện ảnh, dưới bút danh Mạc Bảo Long, Nxb Trẻ. Cậu út Thái Hoàng Quỳnh là chuyên viên thiết bị điện cao thế của nhà máy ABB Thụy Điển. Có lẽ, đó là 3 tác phẩm lớn nhất đời của chúng tôi. Đức hiền tài mậu. Bà ấy dạy con kỳ công và nghiêm lắm). Trong TNVNHĐ, Hoàng Liên tham gia lo cho khâu tư liệu và đọc thẩm định cuối cùng như một trợ lý đặc biệt trước khi bản thảo xuất xưởng. Bà ấy là gián quan, là cái thắng (phanh) khá lợi hại của tôi. Bà ấy còn là bảo mậu khắt khe, đầy yêu thương về sức khỏe và đời sống. Tóm lại, nếu không có tên cai tù cả tín ấy thì khó có Thái Doãn Hiểu chứ đừng nói gì đến có TNVNHĐ!

 

NN: Ra vậy. Thú vị quá! Xin được tiếp tục hỏi ông: "Cú hích đầu tiên của thượng đế" là Hoài Thanh để ông bà viết TNVNHĐ, thế còn động lực nào khác nữa không?

 

TDH: Khi bước vào làm sách, tôi có ba thuận lợi: 1. Cũng như Hoài Thanh, tôi là nhà giáo dạy văn học cổ điển nên có thời gian và khi viết xong thì có nơi thử là giảng đường và sinh viên; 2. Tôi yêu thơ từ hồi còn trai trẻ và có một bộ nhớ khá siêu chứa đầy ắp thơ ca; 3. Thơ Việt Nam được mùa, có nhiều nhà thơ sáng giá.

 

Khi sách in ra tôi sẽ ghi lời đề tặng hai người ở trang nhất:

1 - Kính dâng hương hồn cụ Hoài Thanh - ông tổ phê bình văn học Trường phái Hoài Thanh. (Tôi nghĩ không có một tưởng niệm nào thiết thực hơn là thực hiện được hoài vọng mà tiền nhân dang dở).

2 - Thân mến tặng PhD Thái Doãn Hoàng Cầu, để kỷ niệm cuộc chạy maratông học thuật - Thầy chiến bại tặng trò chiến thắng.

 

NN: Được biết, anh con trai trưởng viết luận văn tiến sĩ khoa học ngành điện đua với cha mẹ viết Thi nhân. Ông bà thua! Vì sao vậy ?

TDH: Vì phải mang vác một kho thơ trên lưng cồng kềnh nên rùa tôi về đích quá chậm.

 

NN: Ồ… ông quả hóm hỉnh… Hoài Thanh được giới học thuật đánh giá là Nhà phê bình văn học thiên tài, còn Thi nhân Việt Nam của người được đánh giá là kiệt tác. Ông có sợ không khi dám “nối điêu” vào kiệt tác của thiên tài ?

 

TDH: Sợ chứ. Nhưng rất nhiều thích thú và một chút tò mò kích thích nữa. Chuyện này đã có tiền lệ. Bên tây, một bà đã viết nối Cuốn theo chiều gió, bên ta một ông Phạm Thiên Thư viết Đoạn trường vô thanh (tức Hậu Kiều) nối Truyện Kiều của Nguyễn Du. Họ đã thành công sao mình lại không dám làm !?

 

Tôi nghĩ đã cầm bút là phải có tinh thần khoa học tiến công vượt người xưa. Nếu có thành công thì đó cũng là chuyện thường tình, con hơn cha là nhà có phúc? Khi bắt tay vào việc, tôi đã lượng sức mình và đã chuẩn bị kỹ hành trang để làm công việc nhọc nhằn và kỳ thú đó. Như nghệ sĩ dương cầm, tôi chỉ thật sự hạnh phúc khi hàng ngày được ngồi trước máy tính và gõ phím. Tôi dựng tượng đài cho các nhà thơ là một nhẽ, nhưng mục tiêu cơ bản là thông qua đó để giải tỏa những ẩn ức trước cuộc đời mà tôi nợ nần quá lớn!

 

NN: Ẩn ức trước cuộc đời là món nợ không dễ “thanh toán”; còn để giải tỏa nó, e không mấy ai đủ bản lãnh… Thưa ông, hồi còn học phổ thông tôi đã mê Thi Nhân Việt Nam rồi, và cho tới bây giờ vẫn còn nhớ những dòng nhận định về thời Thơ Mới, về tác giả Thơ Mới - như được đúc ra từ khuôn mẫu của một bộ óc uyên bác. Vậy theo ông, khi bộ sách ra đời, nó có thể khiến cho độc giả, thậm chí là các nhà phê bình của chúng ta phải suy ngẫm lại sự nghiệp thi phú của các tác giả mà họ đã đọc, đã “phê”?

 

TDH: Cũng có thể. Nhưng thường thì các nhà nghiên cứu đều có cách tiếp cận và đánh giá tác phẩm văn học khác nhau, làm sao người này lại giống người kia được. Chỉ có hai mắt nên tôi cũng chỉ nhìn được có một góc. Trên cánh đồng được mùa thơ Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, phải có hàng chục nhân công mới thu hoạch hết. Chúng tôi chỉ là 2 thợ gặt trong đám ấy thôi.

 

NN: Nói vậy là có phần khiêm tốn. Theo tôi ông đủ tư cách để đánh giá, phân loại đẳng cấp các nhà thơ Việt Nam, cao hơn thế là cả nền thơ Việt Nam hiện đại.

 

TDH: Tổn thọ! Chỉ đơn giản là tôi thích thơ thôi. Tôi thích thơ nên yêu các nhà thơ. Mỗi lớp nhà thơ đều có những tính cách rất riêng và độc đáo. Tôi đã chọn nét cá tính đặc sắc nổi bật nhất ở họ để khai thác. Ví dụ: Chuyện “nổi loạn” trong tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến, chất đánh đu qua dâu bể ở Thu Bồn, tấn bi kịch của một thiên tài trong Chế Lan Viên, nét tài hoa biến đá hóa vàng trong thi pháp Nguyễn Duy, quả tim làm chánh án trong thơ Nguyễn Hưng Hải, cung cách ở trọ hồn làng của Phạm Xuân Trường, cái đau đời từ tốn lay động lòng người bằng số phận nhân dân trong Trần Nhuận Minh, cách hóa giải cuộc sống đằm thắm của Hoàng Trần Cương, nỗi trắc ẩn thường dân lo nỗi kiếp làng của Nguyễn Long… Tôi thích thú khai thác cả chất chuyên ngành trong họ: Ở Hoàng Hữu là trong thơ có họa, ở Nguyễn Ngọc Oánh là chất… ngân hàng, ở Trịnh Công Sơn là chất nhân loại, chất nhạc; ở Điền Ngọc Phách là chất… thợ, ở Lê Quốc Hán là chất nhận đường của giới trí thức, ở Bùi Giáng là cái tỉnh của người điên, ở Nguyễn Khắc Thạch là sĩ khí đi chân trần trên lưỡi dao bén của sự thật, ở Huỳnh Hữu Võ là kẻ thích phân thân làm Tôn Hành giả, ở Minh Đức Triều Tâm Ảnh là những ngược chiều của thiền, ở Hồng Nhu là chút ngẫu hứng của nhà văn làm thơ, ở Nguyễn Trọng Tạo là chất lãng-tử-đồng-dao, ở Lê Đạt là chất phu chữ, ở Phạm Thiên Thư là tinh thần văn hóa dân tộc cực đoan, ở Đặng Hấn là trong thơ có toán, ở Hữu Loan là khí tiết cứng cỏi của kẻ sĩ thời nay, ở Xuân Diệu là chất ông hoàng của thơ tình phương Đông, ở Đỗ Trọng Khơi là vết thương của trời đất… Chính những nét độc đáo đó đã khu biệt họ với các nhà thơ khác và là cách thức làm cho bộ sách không nặng nề ra bởi sự trùng lặp. Điều này cũng giải thích tại sao, phần lớn các nhà thơ nhận được bài khi tôi thảo xong về họ đều thảng thốt kêu lên: "Sao anh hiểu tôi hơn cả tôi thế vậy!" (Hoàng Vũ Thuật).

 

NN: Để cô rút được những giá trị độc đáo từ "ruột" các thi nhân như thế, ngoài cái cách thông thường là đọc tác phẩm, hẳn ông thường "nối mạng" với tác giả…?

 

TDH: Internet is… công cụ tuyệt vời. Tôi đã sử dụng tốt những thành tựu khoa học thông tin. Tôi tiếp xúc nhiều với họ qua các văn bản tập thơ là chính, kể cả những nhà thơ tôi không tuyển vào TNVNHĐ. Nhìn chung ở họ:

- Người thật sự giỏi thơ thì rất khiêm tốn và mềm dịu.

- Người có chút tiếng tăm thì xem trời bằng vung.

- Người mới làm được vài cặp lục bát thì đúng như cách nói của Bùi Hoàng Tám, liền gọi Nguyễn Du bằng anh ngay !

 

Nhìn chung, đã vướng vào nghiệp thơ rồi thì ai cũng ngất ngưởng lên đồng xem mình là trung tâm của vũ trụ, không thèm đọc ai, không xem ai ra gì. Sát vách  nhà tôi ở Sài Gòn có một ông nhà thơ già tuổi cổ lai hy, thay vì phải đem công lực ra làm thơ cho tử tế thì lại dành 2/3 cuộc đời để đi đánh ghen người khác. Hễ thấy ai có quyển sách gì hơn mình thì ngó ngáy khó chịu, liền đeo mặt nã lên phang liền. Chưa đủ, còn kêu cả đám đệ tử lâu la xúm lại đánh hội đồng, cứ là ầm ĩ cả lên. Khổ thân ông, trời cao không cháy lửa rơi cháy mình, đến nỗi cuối đời cũng chỉ thành anh thợ viết tầm tầm. Điều này là vật cản nguy hại cho con đường tiến của thơ !

Thực ra, trong làng thơ không phải là cá mè một lứa, có thứ bậc hẳn hoi, trên dưới rõ ràng. Xếp hạng họ không khó, nhưng chẳng ai làm cái công việc ngu ngốc ấy cả.

 

NN: Ông vẫn chưa mấy đề cập đến nền thơ ca Việt Nam…?

 

TDH: (Gật đầu. Vẻ nghĩ suy…) Năm 1995, tôi đi điền dã một vòng 7 tỉnh miền Bắc. Đến Huế, tôi thấy có mười người dân thì có đến sáu người làm thơ. Ra Hà Nội đi đến các câu lạc bộ thơ đất Tràng An thấy có bao nhiêu cụ hưu thì có bấy nhiêu nhà thơ. Hơi “bị” nhiều, phải không? Đáng vui hay buồn? Vui chứ. Một dân tộc yêu thơ đến thế thì còn than vãn cái nỗi gì. Đó là lối chơi tao nhã, cách chơi thời thượng chẳng làm tổn hại ai, cũng như người ta chơi chim kiểng, chơi chó, chơi hoa, chơi cá, thậm chí chơi… râu. Có điều chơi thơ khó nhất vì nó kén người. Tôi chỉ ái ngại khi thấy các cụ ông cụ bà chen vai thích cánh loay hoay trước chân cầu thang thơ có 10 bậc mà ít ai leo lên được bậc nào! Cả đời bận rộn với chiến tranh và mưu sinh, nay về hưu có chút thì giờ, làm thơ để thanh lọc mình thì có gì mà khích bác là lạm phát, cứ để các cụ tham gia cho vui cửa vui nhà. Còn thành tựu thơ đậu lại được mấy nả, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Việc đó để các nhà lý luận phê bình lo và sắp xếp!

 

Một đất nước, xưa ra ngõ gặp anh hùng, nay ra ngõ toàn gặp các nhà thơ và tiến sĩ! Các nhà thơ đua nhau bỏ tiền ra in thơ mình cực kỳ sang trọng, chỉ để… tặng. Thơ phơi đầy trên các giá kệ ở các siêu thị sách, ít ai mua. Nhưng thơ hay, có ích thì bạn đọc vẫn mua đọc kìn kìn. Xin lấy nhà thơ Trần Nhuận Minh làm tiêu điểm: Tập thơ Nhà thơ và Hoa cỏ trong vòng chục năm nay đã tái bản đến lần thứ 17, Bản xônat hoang dã mới ra 4 năm đã tái bản 4 lần, Tuyển tập thơ Trần Nhuận Minh đã được tái bản lần thứ 3, lần thứ 4 vừa in xong là song ngữ Việt - Anh… Tôi ra nước ngoài, bà con Việt kiều xúm lại hỏi han “Ở bển, ông có biết Võ Văn Trực, Trần Mạnh Hảo, Trần Nhuận Minh… không ? Thơ thế mới là thơ, thơ vì dân vì nước mà làm”.  Nghe tôi bảo các nhà thơ ấy là thân-khổ-chủ của tôi, họ lôi hết của ngon vật lạ trong tủ lạnh ra đãi, xem như đãi các nhà thơ họ yêu quý, làm mình cũng được thơm lây ! Công chúng đâu có quay lưng lại với thơ và nhà thơ? Chuyện này rất đáng cho người làm thơ chúng ta suy ngẫm. Trong lúc công chúng cần cơm, (thậm chí cơm nguội thôi) để đỡ đói lòng thì các nhà thơ lại đưa son môi Nhật, Hàn ra cho… Tôi muốn nhờ Tạp chí Sông Hương in giùm cho toàn văn chương sách đầu tiên Trần Nhuận Minh là với ý giải thích cặn kẽ rốt ráo là tại nguyên nhân nào lại có cơn đại khủng hoảng thừa của thơ Việt hiện nay.

 

NN: Hồi nãy ông có nói: xếp hạng nhà thơ là một việc ngu ngốc. Nhưng ít ra, trong cơn đại khủng hoảng thừa của nền thơ Việt Nam hiện đại mà ông đeo đuổi bấy lâu, ắt hẳn có thi hào, thi bá ?

 

TDH: Có chứ. Ở phạm vi hẹp giữa chúng ta ngồi đây, tôi xin lấy thước đo quốc tế mà ướm thử, ta có các thi hào: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Hàn Mặc Tử.

Còn thi bá, ở mỗi thời kỳ lại nổi lên những cái đỉnh: Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Quách Tấn, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Trần Mạnh Hảo, Hoàng Trần Cương, Trần Nhuận Minh…

Trong số này, ông Trạng nguyên thơ Nguyễn Bính sẽ sống thọ hơn cả nếu lấy ngàn năm làm đơn vị thước đo.

 

NN: Thế thì đứt đuôi con nòng nọc, ông chẳng hề bi quan trước nàng thơ khá kiều diễm song xem ra hơi đỏng đảnh?

 

TDH: Tôi là người lạc quan. Ta được mùa thơ ! Thơ Đường của Trung Quốc cho đến nay thế giới vẫn chưa có ai vượt được. Khởi thủy nó cũng rậm rạp lắm : 4 vạn 8 ngàn bài cộng thêm dăm ngàn bài mới tìm được sau này rốt cuộc cũng chỉ đọng lại nghìn bài Đường thi nhất thiên thủ, cô lại 300 bài Đường thi tam bách thủ. Việc đó là công lênh quy tập của các học giả đời sau. Đối với nền thơ Việt, tôi đã làm theo cách này. Thế có nghĩa là sau bộ TNVNHĐ, tôi sẽ cô đặc thành Kiệt tác thơ Việt Nam.

 

Thơ hay và tác giả hay của ta cũng vậy, nó bị chìm lấp trong hàng núi thơ dở làm rối mắt người có máu bi quan. Vàng thau, đất cát lẫn lộn nhưng không sao, đâu sẽ vào đó cả thôi. Không còn cách nào khác, phải chịu khó kỳ công, phải đãi cát tìm vàng. Khốn nỗi đãi hàng tấn quặng mới may ra tìm nhặt được vài mắt trấu vàng, nâng niu cho vào lọ Nhị Thiên Đường, tích trữ lại, lâu lâu đầy thì đem đúc thành thỏi. Với cung cách đó, chúng tôi đã làm nên các công trình thơ của mình. Vâng, tôi là người lạc quan. Không lạc quan thì bới đâu ra cho được dăm bảy ngàn trang thơ cho bốn công trình !? Ông Tạo trên báo Nhà báo và Công luận tặng chúng tôi danh hiệu Người lưu danh cho thơ ca, nghe đã sướng. Thế mà báo Thanh Niên còn tôn vinh tặng cho cái tên nghe còn khoái hơn: Nhà kinh doanh thơ (cười vang), xứng đáng quá đi… tuy có sặc mùi thương mại thật. Chọn mặt hàng ế ẩm nhất mà những người phát hành sách cạch ra để kinh doanh thì đúng là một lão điên… thơ! Tôi rất thích thú đem in chức danh này vào tấm cạc.

 

NN: Xin lỗi, hồi nãy tôi đã "bỏ qua" một chi tiết: ông có ý gửi gắm cho Tạp chí Sông Hương in giùm chương đầu và chương cuối… Đặt Trần Nhuận Minh ở chương đầu, Nguyễn Long ở cuối bộ sách, liệu có điều gì đặc biệt ở đây chăng?

 

TDH: Lão tướng và binh nhì. Tôi nhờ ông nguyên soái vác cây đại đao tiên phong xung trận, và nhờ cậu tân binh vác cờ thắng trận ca khúc khải hoàn. Thú vị không? Có ý nghĩ đặc biệt quá đi chứ (cười). Trần Nhuận Minh và Nguyễn Long hội đủ những tiêu chí học thuật của chúng tôi. Họ thay cho lời tuyên ngôn.

 

NN: Một "tướng" và một "tốt" đã có cửa ải để trấn giữ. Thế còn trên trục lộ hình chữ S, các thi nhân đáng kính của chúng ta, ông đã phân công họ "chốt" những đâu trong TNVNHĐ ?

 

TDH: Các thi nhân tập trung ở các đô thị lớn: nhiều nhất là Hà Nội, thứ đến Sài Gòn, thứ ba: Huế, Hải Phòng. Có yếu tố địa linh nhân kiệt, mỏ thơ tập trung ở Nghệ Tĩnh, Nam Định, Phú Thọ, Thái Bình… Có không ít địa phương trắng bóc!

 

NN: Đất Cố đô hiện có cụm từ: "1000 nhà thơ Huế đương thời", trong số đó ông chỉ chọn có 10 ! Ông cảm thấy hứng thú nhất khi bước vào chiều sâu tâm linh của ai ?

 

TDH: Mười thi nhân Huế được tuyển vào TNVNHĐ chúng tôi đều tâm đắc cả 10. Nếu kể một vị hứng thú tâm linh nhất, tôi xin thưa ngay là Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Thơ người đậm đặc chất thiền - nguyên ngữ tiếng Phạn là Dhyãna - nghĩa là tịnh lự. Minh Đức thường làm thơ trong tịnh lự - im lặng mà nghĩ suy. Thiền của Minh Đức là nhìn thẳng vào bản tính hiện sinh của mình để xem xét các vấn đề nhân sinh xã hội và thiên nhiên. Thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh là thứ thơ lấy tâm truyền tâm. Một vị chân tu lên núi cao thoát tục rồi mà lòng trần vẫn còn lai láng, luôn trằn trọc với chúng sinh trong thác loạn dâu bể. Sư huynh không những biết mà còn rất rành những kiến thức thời đại kỹ thuật số, đưa vào thơ những khái niệm thuật ngữ thời @ làm tôi gai cả người. Trữ lượng thơ của Minh Đức phong phú, càng làm càng hay, càng chắc, càng sung mãn. Thi tập Giun dế hư vô và ngọn lửa xanh Nxb Văn Học mới in xong chiều qua, sáng nay đã đem tặng tôi là một thành tựu sáng giá. Hồn thơ ấy lấp lánh ánh đạo và lấm láp bùn đất lầm than nơi cõi người. Tôi thích lối cấu tứ tác phẩm thơ theo kiểu sonata trong âm nhạc của sư, nó cộng hưởng và tô đậm được điều tác giả muốn nói ra.

 

Tỳ kheo Minh Đức Triều Tâm Ảnh là một nhà thơ, nhà văn (Ai mà chẳng thích đọc hàng loạt truyện ngắn, đặc biệt hay như Điên chữ của sư phát trên mạng), người còn là một học giả uyên bác biết cách sử dụng và dùng rất hiệu quả văn chương để thuyết pháp những giáo lý nhà Phật, làm cho đạo Phật trở nên trong sáng, giản dị và gần gụi với mọi người. Sáng nay (5-6-2008), tôi vừa có cuộc hội kiến rất vui vẻ với sư. Nghe tin tôi đến thăm, người xin nghỉ công việc quan trọng là đang coi thi, bỏ hết cả khách khứa bốn phương đang dặt dìu viếng chùa, dành non buổi sáng để đưa tôi thăm thú 2 ngôi chùa là Huyền Không I và Huyền Không II Sơn Thượng. Cơ ngơi Huyền Không Sơn Thượng rộng 60 ha rừng thông, được thiết kế thành ba quần thể theo lối công viên, chùa đất Phật vàng. Sư già thân mật dắt tay, khoác vai tôi đến từng vạt cỏ, gốc cây, hòn đá, thảo am, con suối, chiếc cầu và bạt ngàn thư pháp thơ làm bằng nhiều chất liệu: vải, lụa, giấy, đá. Người cười hiền hậu, rất tươi “Tôi đọc cho Thái Doãn Hiểu nghe hí !”.

 

Chia tay, sư già tiễn tôi xuống núi, trìu mến nhìn tác giả Thi nhân như nhìn người anh em tri kỷ. Tôi cũng kính cẩn ngắm người như ngắm một lão Phật sống. Con người ấy toát lên chất hiền triết phương Đông.

 

NN: Sư Minh Đức có một số bài khảo cứu đọc đã lắm, như bài về Không lộ Thiền sư với tiếng hú lạnh cả đất trời trên Tạp chí Sông Hương số Tết Mậu Tý vừa rồi chẳng hạn… Thưa ông Thái Doãn Hiểu, cho tới nay ông đã cho đăng tải một số chương trong TNVNHĐ kể từ năm 2000. Vậy ông nhận được "búa rìu" dư luận nào chưa?

TDH: Giống như người ta thử vũ khí mới trong quân sự, tôi vừa viết vừa in báo thử để thăm dò dư luận. Những thông tin phản hồi rất tốt, khích lệ chúng tôi, giúp cho chúng tôi điều chỉnh được mình trong từng bài viết. Nhà xuất bản đã chọn lọc được 60 trang đánh giá và góp ý khá hay của các nhà thơ và bạn đọc cả nước để cho in thay lời bạt của bộ sách. Có một điều đáng nói là khi chương sách đã công bố, các nhà thơ đã xin làm lời Tựa, hay Bạt cho các tuyển tập thơ của đời mình: Ngô Văn Phú, Xuân Hoài, Hồng Nhu, Nguyễn Ngọc Oánh, Lệ Thu, Trần Nhuận Minh, Phạm Thiên Thư…

 

Cho đến nay tôi đã đăng tải 27 chương. Về "khoản" này thì tôi tin Tạp chí Sông Hương nhất. Đấy là một tạp chí lớn, vượt ra ngoài tầm địa phương, có uy tín trong và ngoài nước, nhất là trang lý luận phê bình, đã tập hợp được nhiều cây bút tiếng tăm. Tôi đã tin cậy phó thác đứa con tinh thần cho Sông Hương. Sông Hương cũng rất mặn mà ưu ái với Thái Doãn Hiểu, cho in gần như toàn văn trang trọng vào những số đặc biệt. Nhân đây tôi xin trân trọng tỏ lòng biết ơn Tạp chí Sông Hương, đã in cho 11 chương. Nào để nhớ xem: Ngô Văn Phú - Người quê hòa nhập với với hồn quê (số Tết 2/2000); Lê Quốc Hán - Khi nhà toán học bắc chiếc cầu thơ (số tháng 6/2000); Hoàng Trần Cương - Người hóa giải những nỗi niềm khát vọng (số 12-2000); Hồng Nhu - Khi nhà văn ngẫu hứng về chiều làm thơ (số Tết 2/2001); Thạch Quỳ - Người nuôi ảo mộng giữa chiêm bao (số 11/2001); Võ Văn Trực - Với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui (số 2/2003); Lưu Quang Vũ - Bài hát ấy vẫn còn là dang dở (số 2/2003); Phạm Thiên Thư - Khi sư ông xả thân làm tín đồ của thơ (số Tết 1+2/2004); Nguyễn Ngọc Oánh - Khi ông chủ ngân hàng cưới nàng thơ (số Tết 2/2005); Đoàn Thị Lam Luyến - Người đơn phương phát động cuộc chiến tranh tình ái (số 3/2006); Nguyễn Khắc Thạch - Người đi chân trần trên lưỡi dao bén của sự thật (số Tết 2/2008)… Có thể nói Tạp chí Sông Hương đã lặng lẽ phối hợp khá tốt với các tạp chí và báo khác như Văn Nghệ, báo Thơ, Tạp chí Nhà văn, Bình Định, Bình Thuận, Nhật Lệ, Hồng Lĩnh, Nhà văn Xứ Nghệ, Sông Lam, Hạ Long, Giác Ngộ, Tài hoa trẻ,… một số trang Web… quảng bá cho TNVNHĐ.

 

NN: Hẳn, phải chờ cho tới lúc bộ sách ra đời, như Chân dung và Đối thoại của Trần Đăng Khoa; khi đăng lẻ tẻ trên các báo thì không có gì đặc biệt...

 

TDH: Có lẽ... khi các chương sách trong một bộ sách liên kết lại với nhau, tạo ra phản ứng dây chuyền thì mới thấy sức công phá của nó chăng ?

 

NN: Vâng. Dẫu sao thì bộ sách vẫn còn nằm ở thì tương lai. Hiện tại, qua những gì ông đã công bố trên báo chí, theo cảm nhận của tôi, đã hình thành hai phong cách viết tiểu luận phê bình: nhà văn Hoài Thanh viết phác, còn Thái Doãn Hiểu thì viết chân?

 

TDH: Thời ta khác xa thời ông Hoài Thanh. Thời ấy, người làm thơ còn hiếm, số lượng thơ còn ít, mặt bằng văn hóa của các nhà thơ còn thấp. Chính vì thế, thi pháp của các nhà thơ hiện nay cao hơn, viết nghề hơn.

 

Ông Hoài Thanh viết như cưỡi ngựa xem hoa. Bây giờ, nếu viết giống ông thì hỏng, nên tôi chui vào ruột gan từng thi nhân mà đánh ra.

 

Ông Hoài Thanh có tài điểm mắt rồng, nhưng lại lỏng lẻo về khái quát khoa học. Tôi đã tận dụng phát huy cái hay và hạn chế được điểm yếu của ngài.

 

NN: “Chui vào ruột gan từng thi nhân mà đánh ra” - Đó phải chăng là học thuật - một danh từ thường được giắt bên mình các “học hàm” “học vị” sính chữ?

 

TDH: Chính xác ! Muốn chui được vào ruột gan người khác, phải đồng bệnh tương liên. Có những chương tôi vừa viết vừa khóc như ai điếu cho số phận cay đắng của chính mình.

 

NN: Cá tính sáng tạo của ông trong học thuật là gì ?

 

TDH: - Hướng về cái vĩnh cửu, tôi thích làm sách hoành tráng, để đời. - Luôn thể hiện mạnh mẽ chính kiến trong từng dòng viết. Tôi thích đi thẳng vào vấn đề, không quanh co rào trước đón sau, đi đến tận cùng bản chất sự vật sự việc, không thớ lợ, không nịnh ai, không chiếu cố ai. Dám nhìn thẳng vào góc khuất cuộc đời, không né tránh những vấn đề nhạy cảm của xã hội. Tôi không tiết kiệm lời khen, nhưng bỏn xẻn lời chê, khi cần thiết lắm mới quất vài roi để nhắc nhở (thế mà không ít người nhăn nhó !). Trời đất, tự nhiên mình thành nhà phê bình… xoa đầu khi nào không hay! (cười hì hì !) Mà cũng may, nếu không biết kiềm chế dễ thành nhà Chửi học không chừng !? - Không đặt mục đích kiếm tiền trong công việc trước tác thiêng liêng này, không nhờ vả ai tài trợ in ấn nên tôi không bị một áp lực nào chi phối, luôn làm chủ được mình trong công việc.

 

NN: Nghĩa là chỉ đặt vấn đề phê bình văn học lên… trôốc?

 

TDH: Phải. Chính vì phê bình văn học không phải là việc dễ xơi. Muốn “phê” thì phải có vốn kiến văn thật lớn, chí ít cũng phải lớn hơn đối tượng mà y đang nghiên cứu. Cái đầu lớn, lạnh và một quả tim nóng là vốn liếng của nhà phê bình. Phê bình có hai mặt: phê và bình - khen và chê. Khen: tìm và chỉ ra được cái hay đẹp của văn chương là chủ yếu, chê là thứ yếu bởi những gì đáng chê và đáng phê phán thì chúng tôi không đưa vào sách TNVNHĐ. Cơ chế của phê bình không phải là lăm lăm cầm roi. Nhiều người hiểu sai nên ngộ sát chữ phê bình. Họ thành một gã văn côn, mặt mũi bặm trợn, mắt quắc xanh lòe, gậy gộc tưng tưng trong tay sẵn sàng phang… kể cả… hoa ! miễn được nổi tiếng theo kiểu đốt đền lưu … xú ! Khen phải đúng, chê phải đẹp và làm tôn cái hay lên. Khen chê phải cho ra người có văn hóa. Đã gọi là bậc trí thì đừng để thấp ai. Ngôn ngữ phê bình không phải là ngôn ngữ duy lý tư biện mà phải có chất văn. Viết phê bình là làm công việc vô cùng đẹp đẽ sáng tạo của sáng tạo để « nối tâm hồn với những tâm hồn » (Hoài Thanh), là cầu nối giữa nhà thơ với bạn đọc. Thế mà có một ông làm phê bình hẳn hoi lại ngộ nhận một cách thê thảm cho phê bình là công việc ăn theo các nhà thơ nhà văn làm cho không ít văn sĩ vốn đã không chịu ai thêm phách lối. Quan niệm sai trái này còn nhiễm vào các biên tập viên ở các báo, nên khi gặp những tiểu luận phê bình công phu, tâm huyết, họ cũng vô tư “thiến”, hoặc “rỉa như quạ rỉa tử thi trên chiến trường” (Abutalip) làm cho tác giả cũng không còn nhận ra mặt mũi thân xác mình nữa khi báo ra chứ đừng nói gì bạn đọc! Từ một công trình nghiên cứu nghiêm túc biến thành một bài điểm sách quấy quá là "Chuyện thường ngày ở huyện" tại các tòa báo.

 

NN: Phê bình văn  học có tính lịch sử không, thưa ông ? Nó tuân thủ những quy tắc nào?

 

TDH : Có chứ.Văn học luôn bị lịch sử thanh lọc bởi cái sàng thời gian nghiệt ngã. Những câu thơ được một thời tán tụng Mỗi thây rơi là một nhịp cầu - Đưa ta đến cõi đời cao rộng của TH, cô gái trong Làng quan họ quê tôi của NPH tiễn người yêu ra trận đi vào chỗ chết nhất khứ bất phục phản mà đứng bên bờ sông hát hông hổng thì họa chỉ có là con điên ! Bây giờ mới thấy rõ những câu thơ ấy nhảm nhí mất nhân tính biết chừng nào ? Màu tím hoa sim thời kháng chiến chống Pháp bị lên án, kéo dài sang cả một thời hòa bình, giáo trình đại học Tổng hợp của Bạch giáo sư viết “đấy là tiếng khóc thảm hại của anh bộ đội”, rốt cuộc lại là nỗi đau máu thịt nhân bản, người nhất. Vòng trắng của PTD, Sẹo đất của NVP nói về cái mất mát làm các tác giả lao đao, thì nay được xem là cái nhìn hiện thực nghiêm nhặt tỉnh táo. Tiếng hát sông Hương hay đến là thế, kiệt tác đến thế vẫn cứ bị cuộc sống vô hiệu hóa, sa thải bởi hiện nay ta có non 1 triệu cô gái sông Hương tham gia vào cái guồng công nghệ không khói ấy. Đỉnh cao thơ chống Pháp Bên kia sông Đuống bị cuộc sống việt vị rồi, ít ai đọc nó nữa, chỉ còn là một hoài niệm xa vời. Câu thơ Đường ra trận mùa này đẹp lắm (PTD), Đánh Mỹ quả có một niềm vui lớn (HC) bây giờ ai đọc lại cũng thấy hết cái tếu táo của nó, chứ thời đó tôi là người trong cuộc tôi thấy hết. Ông HC đi xem trận để về làm thơ ngồi trên xe Combăngca, gặp lính lác chúng tôi ở tuyến lửa khu IV hành quân ra trận với cuốc xẻng súng đạn nặng è vai, bom đạn nổ ùng oàng, pháo sáng đốt lựng trời, cái chết rình rập ở mọi chốn. Hai tâm thế hoàn toàn khác nhau thì làm sao nuốt nổi những câu thơ ấy. Giữa không khí bừng bừng tổng tiến công, một bài thơ như Lá đỏ của NĐT được âm nhạc chắp cánh, nó hào hùng xao xuyến biết bao, ai làm sách cũng đưa vào Tuyển tập. Nay hồi tâm, ngồi nhẩm từng câu mà xem, nó cũng chỉ là một bài thơ trung bình viết bằng một thi pháp nghe nhìn dễ dãi, không có tứ mà một cậu tân binh trình độ lớp 7 cũng làm được, chứ chẳng cần phải nhờ đến bàn tay một nhà văn lớn…

 

Mấy ông trùm Nhân văn Giai phẩm Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán bị hành cho sống đọa thác đày, giờ lại ăn giải Giải Văn học Nghệ thuật Nhà nước!

 

Ngẫm xem, cuộc đời này hay thật: thơm rồi lại thối, thối rồi lại thơm ! y như câu đối Thần Siêu khóc Thánh Quát khi ông này lâm hình vậy: Hỗn trần lưu xú diệc lưu phương!

 

Văn học theo thời gian ngả màu, thì tại sao phê bình văn học lại không được phép viết về cái ngả màu đó !? Cái thời đấu tranh giai cấp được coi là lẽ sống còn của cả dân tộc thì còn được, chứ một truyện cổ tích như Tấm Cám mà nay còn đem cho con trẻ học là một tai họa, bởi gieo rắc vào những tâm hồn trong trắng sự trả thù khốc liệt, mọi rợ. Cũng tượng tự như vậy, bây giờ có thầy cô nào đem giảng văn Tiếng hát sông Hương trong trường học thì phản tác dụng, chẳng khác gì tát vào mặt tác giả đã quá cố.

 

NN: Chiểu theo chính kiến và quan niệm trên, bộ sách của ông thuộc thể loại: khảo cứu, nghiên cứu thơ?

 

TDH: TNVNHĐ chứa đầy đủ các thể loại : khảo cứu, nghiên cứu thơ, giới thiệu thơ, phê bình thơ, giai thoại thơ, tuyển thơ. Nhưng nếu nói gọn một từ, xin dùng Thi thoại (chuyện về thơ) bao quát, chính xác và dễ nghe hơn. Tôi sang Trung Quốc đứng ngẫm nghĩ hồi lâu trước vườn mai của tác giả Tùy viên thi thoại. Tôi rất thích ông này. Lòng tự hỏi lòng: “Quái! Sao mình không làm một cái gì đó để đời như Viên Mai”!?

 

NN: Và bây giờ thì ông đã làm được “một cái gì đó” rồi!

 

TDH: (Phì cười) Sách vẫn chưa in mà… mặc dầu nó đã nằm trong tầm tay. Bà quản gia Hoàng Liên đã để dành một ngân khoản 300 triệu đồng để in ấn. Trận bão bệnh của phu nhân vừa qua đã ngốn sạch bách. Đừng lo, còn người còn của…

 

NN: Coi như ông đã đóng cửa bộ sách. Vậy nếu có một “thần đồng” thơ xuất hiện trước lúc ông đưa bản thảo tới Nxb thì ông xử trí ra làm sao?

 

TDH: Tôi có một ý tưởng có vẻ kỳ quặc là tôi sẽ đóng gói TNVNHĐ và cả ổ cứng bỏ vào két sắt giao cho thằng cháu nội Thái Liêu Nguyên Đán (5 tuổi) chờ đến năm 2050 thì in cho ông! Tôi muốn gửi một thông điệp cho các bạn đọc ở nửa cuối thế kỷ XXI.

 

NN: Khi đấy thì ông đã… biến! Có thi nhân nào muốn túm cái đầu (nom có vẻ hói) của ông… cũng chịu !?

 

TDH: (Cười lớn) Tất nhiên, dẫu sao đó cũng chỉ mới là "ý tưởng có vẻ kỳ quặc". Câu hỏi bạn vừa nêu… Chuyện gì cũng có hồi kết và ngoại lệ. Tôi đã khóa chặt cửa bộ sách khi đến trước Nam Thiên - một ngôi chùa Phật lớn và đẹp nhất ở Nam bán cầu, Australia vào ngày 12-1-2007 cho dẫu có thiên tài đến gõ cửa cũng mặc. Thế mà… tôi phải mềm lòng mở rộng cửa đón thêm hai vị nữa…

 

NN: Vậy xem ra những Thi nhân Việt Nam "hậu hiện đại" vẫn còn… hy vọng?

 

TDH: (cười…) Biết đâu là tổ con chuồn chuồn. Tụi trẻ bây giờ ghê gớm lắm.

 

NN: Nếu ông không phật lòng thì tôi xin được hỏi, điều này là hoàn toàn có thể: Khi bộ sách ra lò, độc giả sẽ đánh giá rằng ông này bà nọ không xứng đáng được tôn vinh. Khi đó ông sẽ “biện luận” thế nào?

 

TDH: Tôi sẽ “biện” bằng “phản biện” này: Xin hỏi tại sao Cao Hành Kiện vô tăm tích ăn giải Nobel mà lại không phải là Giả Bình Ao lừng danh? hay Mạc Ngôn? Ngải Thanh? Thiết Ngưng?... Chắc chắn là Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển có cái lý của họ thì những người biên soạn TNVNHĐ cũng có cái lý của mình.

 

NN: "Cái lý" ấy có phải là tiêu chí? Nếu thế thì ông lấy tiêu chí nào để tuyển các nhà thơ vào TNVNHĐ ?

 

TDH: Không đại diện cho một cơ quan nghệ thuật nhà nước vụ viện hay nhà xuất bản nào, tôi lấy tư cách cá nhân để chịu trách nhiệm khi làm sách, lấy thương hiệu “Thái Doãn Hiểu” để bảo đảm cho giá trị chất lượng của công trình. Đối tượng của TNVHHĐ là những nhà thơ định danh và chưa định danh người Việt (có khoảng vài chục Cao Hành Kiện), người Việt gốc nước ngoài (Dư Thị Hoàn), những nhà thơ trong nước và nhà thơ Việt kiều (như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền…) sống và viết trong già nửa cuối thế kỷ XX.

 

Tiêu chí tuyển chọn là những nhà thơ có công làm mới thơ ca, làm giàu đẹp cho ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại, góp cho kho tàng thơ ca dân tộc một tiếng thơ riêng đầy bản sắc, có thành tựu đọng mật ở một lượng bài thơ kiệt tác nhất định.

 

Giữa thời buổi cái gì cũng giả, mọi thứ đều cân đo đong đếm bằng cái ngoài văn chương, tôi không tin cậy lắm khi tuyển thơ và tác giả theo chức danh hoặc giải thưởng. Tất cả đều căn cứ vào văn bản tác phẩm và linh cảm nghề nghiệp, không xu thời, không chạy theo dư luận, không dựa hơi ai. Học thuật bất vị thân, và không vụ lợi.

 

NN: Trên kia ông có nhắc đến Lá đỏ và xem nó là bài thơ trung bình, trong khi người khác lại tán tụng nó. Vậy, thế nào là thơ hay ? Thế nào là kiệt tác ? Nó có chuẩn không ?

 

TDH: Theo từ nguyên Hán tự thì hào là hơn 100 người, kiệt là hơn 1.000 người. Về mặt văn tự thì chữ kiệt bao gồm trên là chữ mộc, dưới bốn chấm hỏa. Lửa thiêu đốt mà cây không cháy là nghĩa tượng hình của sự bất khuất. Bài thơ kiệt tác là bài thơ xuất chúng hơn người đặc biệt, nó chỉ đứng dưới thiên tài một bậc. Bài thơ kiệt tác là bài thơ hội đủ những chuẩn mực nằm cân đối trên trục tứ, lời. Bài thơ kiệt tác là bài thơ về lĩnh vực đó đứng ở đỉnh mà không ai với tới được. Bài thơ kiệt tác là bài thơ ám ảnh, gây ấn tượng làm nôn nao tâm hồn. Bài thơ kiệt tác là bài thơ nghìn năm sau đọc vẫn rung động vẹn nguyên như thuở ban đầu. Tuyển bài thơ kiệt tác khó như tuyển hoa hậu hoàn vũ. Không có cặp mắt xanh không tuyển được đâu. Trong và ngoài TNVNHĐ chúng tôi đã gọi các bài thơ sau đây là kiệt tác: Nhớ rừng của Thế Lữ, Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Tràng giang - Những vị La hán chùa Tây Phương… của Huy Cận, Nguyệt cầm - Lời kỹ nữ… của Xuân Diệu, Núi đôi của Vũ Cao, Đồng chí của Chính Hữu, Các anh về của Hoàng Trung Thông, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Bếp lửa của Bằng Việt, Vườn trong phố của Lưu Quang Vũ, Lá diêu bông của Hoàng Cầm, Hạ Long đêm bốc vác của Nguyễn Viết Lãm, Nghìn sau nước mắt của Tường Linh, Người đẹp của Lò Ngân Sủn, Cầm chân hoa của Yến Lan, Từ thế chi ca của Chế Lan Viên, Chăn trâu đốt lửa của Đồng Đức Bốn, Ra sông giặt áo cho chồng của Hồ Anh Tuấn, Chợ hoa của Vũ Đình Hạnh, Sông Lam của Trần Mạnh Hảo, Từ những vết chân người của Đinh Nam Khương, Mai sau của Đinh Phạm Thái, Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, Đàn bò trên cánh đồng hoàng hôn của Nguyễn Đức Mậu, Bên mộ cụ Nguyễn Du của Vương Trọng,  một bài thơ in vừa ráo mực Hạnh phúc của cô y sĩ Thúy Ngoan, một bài thơ Hồng hoang biển còn nằm trong dạng bản thảo của Nguyên Sỹ Hồ Trần…

Như vậy là bạn đã hình dung ra được khái niệm kiệt tác thơ ?

 

NN: Đủ biết ông sẽ rất rạch ròi và cẩn trọng trong việc dùng tên trung tính thường gọi "Nhà thơ" và "Thi nhân" ?

 

TDH: Đó là người có tên mà không có tuổi và người nổi tiếng, thợ và thầy, tục nhân và thi nhân. Thi nhân có hai phần: Thi và nhân - Thơ hay và con người có nhân cách. Trong tiến trình làm sách, có người gửi cho chúng tôi 15 tập thơ, đọc tới đọc lui thì họ vẫn là… thợ! Có người mới xuất hiện đã mang cốt cách thi nhân trong máu thịt rồi! Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đặc biệt là thi ca, không ai dại dột đem tuổi đời và tuổi thơ ra dọa thiên hạ, không ai lấy nó làm chuẩn để định giá nhà thơ cả.

 

NN: Tôi cũng có suy nghĩ thế này, không biết có nên nói ra không… Một khi xác chữ bị "loài - thi - sĩ" thương mại hoá, thì Thơ trở thành một mặt hàng dễ nhái nhất trong thị phần văn chương nhân loại…

 

TDH: Thơ là loại hình nghệ thuật siêu đẳng của nghệ thuật. Làm thơ là đem phép mầu luyện chữ như luyện kim có pha chút pháp thuật phù thủy. Cái khó nhất của thơ là hay giẫm lên chân người đi trước. Bởi vì khởi thủy khi có loài người thì thơ ca đã xuất hiện. Thành thử những vấn đề về đời sống, tâm tư tình cảm, tư tưởng, tâm linh mấy ngàn năm nay các thi sĩ tổ tiên cha ông đã nói hết. Viết về trăng, hoa, tuyết, tứ thời xuân hạ thu đông… có cả hàng triệu thi sĩ đã viết. Chẳng qua các thi sĩ thời nay chỉ nhái lại như bạn nói, rồi tự huyễn hoặc ra để sướng với nhau theo kiểu ta hoan hô ta. Học thơ là học công phu nhất trong các loại chơi. Sức đọc của  nhà thơ ta, trừ các đại gia ra, còn thì rất yếu. Học để kiến văn và quan trọng nhất để không nhại, không giẫm lên chân người đi trước. Trong thơ ca, người đầu tiên ví thiếu nữ là hoa hồng là một phát kiến gần ngang tầm với Kha Luân Bố phát hiện ra châu Mỹ. Nhưng người thứ hai mà viết hoa hồng là thiếu nữ thì đó là gã ngốc ! Tính ra có đến 98 % là thơ nhái, còn 2% là khoảng eo hẹp cho các nhà thơ vùng vẫy sáng tạo. Trong TNVNH tôi thường cảnh báo lỗi này, xin các nhà thơ nổi tiếng đừng tự ái. Vâng, vâng đến như Tế Hanh mà còn nhầm Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình nữa là.

 

Chúng ta thử xem trong TNVNHĐ, các nhà thơ ta đã làm mới thơ Việt như thế nào. Chử Văn Long có câu Ai đem phẩy nét buồn thành lá trúc – Dòng nước buồn thiu từ đó chảy qua lòng (Đọc thơ thôn Vỹ) câu thơ đầu vừa hay vừa mới. Nguyễn Trọng Tạo có câu Nếu không rượu uống, không nước mắt - Chiều rót cho ta thơ không đề  (Không đề 1) là câu thơ chưa có ai viết nhưng hay vừa. Cũng của Nguyễn Trọng Tạo Sông Hương hóa rượu ta đến uống – Ta tỉnh đến đài ngả nghiêng say thì hay nhưng không mới, thơ Đường đó đây đã nói đến. Trần Nhuận Minh có câu Tiền Đường sầm sập đêm mưa - Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều (Nguyễn Du) thì hoàn toàn mới và cực hay. Thu Bồn với Con sông dùng dằng con sông không chảy – Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu hay nhưng vẫn là cái hay của bình cũ rượu mới. Cùng là một bầu trời xanh, Nguyễn Khuyến viết Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao là bầu trời không có đáy. Còn người Pháp bảo xanh đến là tuyệt vọng nghe đã rét rồi. Còn Thi Hoàng nhà ta lại viết  Trời thì xanh như rút ruột mà xanh – Cây thì biếc như vặn mình mà biếc (Giữa cây và nền trời) là câu thơ thần thái gây sốt. Thanh Tùng là đệ tử của Lưu Linh khi anh tuyên bố tỉnh queo Không có tôi rượu sẽ bơ vơ (Cầu xin). Ma men nhập vào, anh nhìn ra được cả Những em gái thập thò sau khung cửa – Ánh mắt như màu rượu đã lâu ngày (Trở về). Hết sảy ! ai thích rượu mà chẳng mê những câu thơ này. Về rượu, hỏi có nhà thơ nào viết độc chiêu được đến thế ?.… Đó là những sáng tạo độc đáo hiếm hoi trong đời mỗi thi sĩ. Viết phê bình văn học, chúng tôi đã trân trọng biểu dương từng câu thơ hay như thế với tinh thần của người làm vườn mẫn cán.

 

Trong TNVNHĐ tôi tuyển đến 7 bài  thơ hay viết về hoa quỳnh. Đọc xong 7 bài đó, có ai táo gan dám viết về hoa quỳnh nữa không ?   

 

NN: Bây giờ trong đầu tôi xuất hiện một điều rất lạ… Ông cho phép hỏi là tại sao một tác gia như ông có đến 4 bút danh với 37 đầu sách và hàng trăm bài báo khoa học, gần nửa thế kỷ cầm bút lại không mang trên mình một chức danh quốc doanh nào cả ?

 

TDH: Con Người vốn tự do, sao lại cứ phải tự mình tròng ách vào cổ. Chức danh, tiếng tăm, vinh quang là một hành lý quá nặng, mang vác nó vào người thì làm sao mà xoay xở nổi với công việc bận rộn tối tăm mày mặt hàng ngày ? Vả lại, chim nhỏ bay cần đàn… ! Tôi lo làm công dân trước khi làm nhà văn, cần thành nhân trước khi thành danh, mặc dù rất thích câu này của cụ Thượng Trứ  Làm trai đứng ở trong trời đất - Phải có danh gì với núi sông. Danh ở đây là danh văn hóa chứ không phải là danh làm quan để vinh thân phì gia. Là nạn nhân của sự giàu có từ phía gia đình, nên ngay từ thời còn trẻ tôi đã xác lập cho mình hướng đi  không ky bo của cải vật chất mà tích góp chất xám làm giàu cho bộ óc của  mình và các con. Đó là thứ của cải không kẻ nào tước đoạt được.

 

Một tước hiệu Phó Thường Dân Nam Bộ làm chưa trọn, còn mong chi thêm chức Hội viên. Nguyễn Du đâu có thẻ Hội – Mà sao Nguyễn  viết hay ghê – Bây giờ lắm người mang thẻ - Chỉ bôi bẩn giấy mà thôi… (Luận về cái thẻ). Tiếng Việt, trong từ điển của tôi không có mấy chữ :  tập thể, tiêu chuẩn và cái đuôi viên. Tôi hoàn toàn không ưa và kị mấy từ này !

 

NN: Đúng là một người có cá tính đặc biệt…

 

TDH: Có lẽ thế. Từ 1959 đến 1989, ba mươi năm đi dạy học, tôi không bao giờ được là ‘ Lao động tiên tiến’’. Các nhà quản lý giáo dục xem tôi là Giáo viên cá biệt chậm tiến cần phải được để mắt trông coi. Thế nhưng, khi nhà trường cần thao giảng cho cả thành phố dự giờ, các ông bà tiên tiến đùn đẩy nhau, cuối cùng họ dành ưu tiên cho gã chậm tiến. Thảo dân liền vui vẻ tuân chỉ đấng bề trên ! 

 

NN: Nhộn thật đấy. Làm sách quả nhiều chuyện vui buồn…?

 

TDH: Xin được gạch đầu dòng như vầy nhé:

- Trên đường đi, không thiếu kẻ trêu chọc, đơm đặt ra đủ thứ chuyện xỏ xiên. Nó là sản phẩm của sự đố kỵ và không hiểu biết do thiếu thông tin.

Tôi rất tin ở bạn đọc có học vấn của mình. Khen chê là chuyện của thế gian. Khen chê lếu láo xét cho cùng đều là giả dối, chỉ có mình mới biết được thực lực mình. Chó cứ sủa người ung dung tiến bước - Kẻ sĩ hướng tới nghìn năm sau lo việc - Thỉnh thoảng dừng chân để nghe tiếng rú – Thì làm sao ta đi hết đường dài !? Hình như tôi đã đinh ninh dặn lòng như thế.

- Khó khăn nhất lại từ phía trong nhà. Là bà giáo nghiêm cẩn, Hoàng Liên không chịu nổi sự lăng nhục của bọn tiểu nhân, nên ngăn cản công việc làm sách danh hư vạ thực. Cuộc đấu tranh này dai dẳng và quyết liệt, khốn khổ với nó. Nhiều trang sách hay được viết lén trong… nhà tắm ! Tôi đã phải mang một chữ nhẫn to tướng trong đầu. Nhẫn từ trong nhà nhẫn ra. Cuối cùng thì như bạn thấy đấy, ý chí đã thắng. Thở phào !

- Lắm bệnh. Mang trên mình cả một bệnh viện đa khoa. Tôi phải lên bàn mổ đại phẫu một lần, nhà tôi đến hai ! Sống bằng thuốc, thanh bần lạc đạo, chung sống được với bệnh tật như dân đồng bằng sông Cửu Long chung sống với lũ lụt.

 

NN: Nếu còn phải “sống chung với bệnh tật” như thế, sau công trình trường thiên Thi nhân Việt Nam hiện đại này, ông bà có dự định làm sách gì nữa không ?

 

TDH: Hạ hồi phân giải. Nếu trời còn chứng sống chưa gọi, và cho khỏe mạnh tôi tính làm một bộ Nhà văn Việt Nam hiện đại nối ông Vũ Ngọc Phan. Văn xuôi của ta có nhiều vấn đề cần bàn. Đặc biệt là truyện ngắn, mê lắm. Tôi là kẻ tham lam quá đáng phải không?

NN: Thưa, ông thấy điểm yếu nhất trong văn chương Việt Nam là gì ?

 

TDH: Thiếu chất học thuật trong thơ và tệ nhất là văn xuôi. Tiểu thuyết mà cứ làm như kể chuyện dân gian. Đọc cứ chuội đi.

 

NN: Ông chỉ rõ coi ?

 

TDH: Trong bài thơ Tâm sự Nguyễn Du của tôi vừa được in xong trong Tuyển tập 700 năm thơ Huế, thực ra thì đó là bản tóm tắt bằng thơ một chuyên luận 200 trang có tên là Vì sao Nguyễn Du viết Truyện Kiều ? hay Nguyễn Du viết Truyện Kiều để làm gì ? Nếu những luận điểm khoa học của tôi được thừa nhận thì việc nghiên cứu và giảng dạy Truyện Kiều và Nguyễn Du từ trước đến nay hóa ra sai ?

Chất học thuật là như vậy đấy, bạn.

 

NN: Là kẻ hậu sanh khả ái, tôi không dám bàn học thuật cùng ông. Chỉ dăm ba chuyện chung quanh TNVNHĐ thôi, tôi thấy mình cũng đã phiền ông quá nhiều rồi. Chân thành cám ơn ông đã cởi mở cho biết nhiều thông tin thú vị bổ ích những chuyện thâm cung bí sử phía sau hậu trường bếp núc của bộ sách quý TNVNHĐ và những nét đặc trưng con người tác giả.

Trước lúc kết thúc, ông có điều gì cần nhắn gửi tới các thi nhân có mặt trong bộ sách không ?

 

TDH: Sau khi hoàn thành công việc, chúng tôi đã đi thăm được một số thi nhân ở Hà Nội, Vinh, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng (tháng 12-2007) và bây giờ là Huế (tháng 6-2008). Cuộc gặp thường diễn ra rất cảm động vì phần lớn thi nhân mới biết mặt lần đầu - văn kỳ thanh bất kiến truyền hình!

 

Như đạo sĩ luyện đan quanh năm ngồi trên núi

Nay, ta xuống đồng bằng thăm chư huynh

Hãy đàn lên! đàn lên! các Bá Nha hỡi

Tử Kỳ tôi xin lắng tiếng nước non...

 

Chúng tôi thật lòng cáo lỗi các thi nhân khác trong và ngoài nước đã không có điều kiện gặp gỡ giao lưu. Xin cảm ơn các bạn đã cộng tác chặt chẽ trong việc dựng chân dung của mình. Xin cảm ơn bởi sự có mặt của các bạn đã làm đẹp và sang trọng cho bộ sách TNVNHĐ lên rất nhiều. Bao giờ, ở đâu Thái Doãn Hiểu - Hoàng Liên cũng là Tử Kỳ thân thiết của các bạn.

NHỤY NGUYÊN thực hiện

Thái Doãn Hiểu
Số lần đọc: 2487
Ngày đăng: 24.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đạo diễn Việt Linh: TÔI MUỐN MÌNH GIỐNG… CÂY DỪA - Huỳnh Kim
Hát opera bằng... pop! - Hương Lan
Hồ Hữu Thủ : Ý tưởng là rác. Sáng tạo phải như đoá hoa đang nở! - Phan Hoàng
Nhà thơ Hoàng Lộc: “Tôi sẽ về lại quê...” - Đặng Ngọc Khoa
Về việc thu phí tác quyền tác phẩm của Trịnh Công Sơn: Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Điều quan trọng là đưa ra cách thức phù hợp - Trần Linh
Về việc “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”- Kết luận quá vội vàng, chưa đủ chứng cứ khoa học và thiếu sức thuyết phục - Trần Lưu
“VĂN HỌC VIỆT NAM: Cần một bứt phá về tư tưởng” - Khánh Đoàn
Thẻ hành nghề để nghệ sĩ ý thức hơn đạo đức nghề nghiệp - Kim Anh
GS Lê Văn Lan: Phác thảo phim triều Lý quá dễ dãi... - Hoàng Hường
Đạo diễn Song Chi: Tôi kể chuyện đời với cả tấm lòng - Ngô Thị Kim Cúc