Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.209.631
 
Sáng tạo thì phải bứt phá, phải liều
Lê Anh Hoài

(Nhà văn, nhà phê bình Chu Thị Thơm trao đổi với nhà văn Lê Anh Hoài)

 

Nếu “Chuyện tình mùa tạp kỹ” là một cách nhìn mới, một phong cách  mới về con người trước đời sống hiện đại, thì thơ của Lê Anh Hoài lại là sự nhìn  nhận thế giới một cách hồn nhiên, điềm tĩnh, giàu phong cách dân gian, theo cách nói ngụ ngôn, nhưng vẫn giàu tính triết lý. Tác phẩm “Chuyện tình mùa tạp kỹ” đã vào chung khảo giải thưởng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam 2008. Nhà văn, nhà phê bình Chu Thị Thơm đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với nhà văn Lê Anh Hoài về những vấn đề liên quan đến văn chương và tác phẩm, về cách tiếp nhận hiện thực để sáng tạo tác phẩm. Phần lớn những câu hỏi và trả lời trên đã đăng trên tờ Pháp luật chủ nhật. Sau đây là bản đầy đủ.

 

1-Là một nhà văn trẻ được sự quan tâm của công chúng hiện nay, điều anh quan tâm nhất hiện nay là gì?

 

Ồ, công chúng có quan tâm đến tôi à? Thú thật tôi nghi ngờ việc ở ta công chúng có quan tâm đến văn chương và tất nhiên tôi nghĩ họ cũng chẳng quan tâm lắm đến các nhà văn.

 

Với tư cách người viết tôi quan tâm đến việc làm sao sáng tạo ra những tác phẩm gây hứng thú, trước hết là cho chính mình. Khi sáng tác, tôi quan tâm nhiều đến phong cách. Nó phải có một điều gì riêng và "là lạ". Tôi quan niệm rằng nội dung hay đề tài không thể là cái quan trọng nhất trong văn chương, bởi để chuyển tải một nội dung nào đó, có nhiều cách hiệu quả hơn văn chương. Do đó, hành văn, ngôn ngữ, kết cấu tác phẩm, góc nhìn... là thứ quan trọng trong nghệ thuật văn chương.

 

2-Anh có cho rằng môi trường hiện nay rất thuận lợi cho người sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là người viết trẻ?

 

Tôi nghĩ môi trường xã hội hiện nay có "thoáng" hơn trước, nếu so với cách đây chỉ 10 năm. Có nhiều sự cởi mở hơn từ các phía, chấp nhận nhiều khuynh hướng sáng tác. Xuất bản cũng dễ hơn. Đời sống ở Việt Nam hiện nay cũng đã phong phú hơn về tư tưởng và đa dạng hơn về biểu hiện sống, nhà văn có nhiều lựa chọn hơn.

Nhưng như vậy thách thức cũng nhiều lên. Cạnh tranh cao hơn là cái dễ thấy.

 

3-Thế mạnh của người viết trẻ hiện nay (về tri thức, sức bật, đam mê, môi trường sáng tạo...).

 

Tôi thấy ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện thêm nhiều nhà văn trẻ không bằng lòng với hiện trạng cũ, cách đặt vấn đề cũ, cách giải quyết vấn đề cũ. Họ trăn trở và muốn sáng tạo cái mới, với thái độ mới. Đó là cái rất hay cho người viết.

Họ được tiếp cận nhiều hơn với lý luận và sáng tác văn chương nghệ thuật thế giới. Internet xóa đi rất nhiều rào cản.

 

4-Theo anh, người viết trẻ đang thừa và thiếu cái gì trong sáng tạo?

 

Thừa ư? Có lẽ không. Còn thiếu, có lẽ là sự liều lĩnh. Tôi thấy vẫn còn nhiều người tự bằng lòng sớm quá, nhiều người viết "tròn" quá, nhiều người sợ dư luận quá. Bản chất của sáng tạo là làm ra cái mới, thế thì phải bứt phá, phải liều! Phải thử. Cứ làm cái an toàn, cái đã được công nhận tức là giết người sáng tạo trong mình.

 

5-Những tác phẩm của anh luôn tìm về bản thể của con người với những khát vọng rất người, rất đời-nhưng vẫn không lu mờ yếu tố xã hội. Anh có cho rằng đó là thế mạnh của bản thân? Hay đó là sự tìm tòi đang trên đường vươn tới?

 

Nếu đúng như chị nói, thì tôi thấy mừng cho mình. Tôi luôn nghĩ không có "con người nguyên chất" mà con người luôn bất nhất và nó luôn ở trong một hoàn cảnh/ bối cảnh nào đó. Có nghĩa, nhà văn không nên tạo ra những nhân vật "lắp vào đâu cũng được" rồi hô lên rằng: đã là con người {với chữ viết hoa (sic!)} thì thời nào cũng thế (với kiểu nghĩ này có thể lắp vào chỗ từ "con người" các từ như "tình yêu", "nhân đạo", "cái đẹp"...). Đó chắc chắn là nhân vật giả, văn giả. Một kiểu giả khác là nhà văn cố tạo ra một bối cảnh phi thực (nhuốm màu hồng, màu đen hay bị biến thái các kiểu để phục vụ cho ý đồ chủ quan của mình), chắc chắn nhân vật sẽ biến thái theo.

Nói về hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, tôi thấy nó thú vị, vì trong quá trình va đập, chuyển đổi, nó sinh ra rất nhiều trạng huống đời sống. Nói đơn giản là "cái gì cũng có". Với nhà văn, đây là cơ hội quý.

 

6-Mỗi nhà văn đều có những con đường đi riêng. Anh chọn cách nào để thể hiện chính mình?

 

Tôi viết thôi. Và tôi thích viết đa dạng. Cũng có lúc tôi tham gia hoạt động nghệ thuật đương đại, nhưng đó lại là câu chuyện khác.

 

7-Trên lộ trình đi tới thành công, nếu phải vấp ngã và thất bại - anh sẽ chấp nhận và xử lý điều này như thế nào?

 

Nói không màng thì quá, nhưng ít nghĩ đến thành công (thành đạt, thành tựu...) là thái độ thường trực của tôi. Trong cuộc sống nói chung là vậy mà trong sáng tác văn chương cũng vậy. Tôi chú tâm đến niềm thích thú tinh thần của mình nhiều hơn, còn những khía cạnh khác tôi thường tự nhủ "vừa phải thôi". Chính thế nên tôi thấy mình tự giảm được rất nhiều sức ép.

 

Hơn nữa, trong văn chương - nghệ thuật, đánh giá thế nào là thành công là một việc rất khó. Bán được nhiều tiền ư? Được giải thưởng ư? Được số đông tán dương ư? Có được thì vui lắm chứ, nhưng chị biết rồi đấy, không nên đánh đồng những cái đó với giá trị nghệ thuật.

 

Tất nhiên trong cuộc sống không tránh khỏi vấp ngã và thất bại, nói chung tôi tiếp nhận những điều này khá bình tĩnh, và cũng khá nhanh chóng gượng dậy.

 

8-Hiện nay, xu thế mở đa chiều trong cách tiếp nhận tác phẩm của công chúng đã khiến những nghệ sĩ trẻ có dịp thể hiện hết mình hơn. Anh cho biết ý kiến cá nhân về những trào lưu mới trong văn chương, nghệ thuật ở Việt Nam.

 

Trao đổi văn hóa, tư tưởng giữa các cộng đồng giữa các quốc gia, dân tộc là điều không thể ngăn. Khi Việt Nam mở cửa nhìn ra thế giới, mới thấy thế giới quá rộng lớn với bao điều mới lạ. Có những người choáng váng, sợ "phải gió" nhưng cũng có những người háo hức hít thở với những luồng gió mới.

 

Tôi thấy nếu một chủ nghĩa, một trào lưu nghệ thuật nào đó nếu gợi ra được một là cách nhìn mới, hai là cách làm mới thì đều là tốt. Chúng ta đã có thời phải sống với sự cứng nhắc, sự đơn điệu. Nay cái gì giúp thay đổi điều này là quý chứ!

 

Những trào lưu mới, đằng sau nó là những tư tưởng về nhân văn và nghệ thuật, sẽ giúp người sáng tác có thêm lựa chọn. Có những cái có biểu hiện bên ngoài gây sốc, nhưng hãy bình tĩnh nhìn nhận đã, mọi cái đều có nguyên do. Đừng vội tru tréo, rồi chửi mắng, thóa mạ như thái độ và hành xử của một số người tự nhận là học giả. Thật ra những người này càng to tiếng thì người ta càng nhận ra cái bảo thủ, cái cũ kỹ, thậm chí cái đạo đức giả.

 

9-Anh có tâm thế chuẩn bị như thế nào với tư cách là nghệ sĩ đường phố trong khi thể hiện tác phẩm “Tôi là cột điện”, trước những ý kiến khen chê?

 

Tác phẩm này nằm trong dự án nghệ thuật mang tên "Ra đường" do nghệ sĩ Ngô Lực khởi xướng. Tôi và một số họa sĩ hào hứng tham gia.

 

Nghệ thuật trình diễn (Performance art) và nhiều phương tiện biểu hiện mới trong nghệ thuật như nghệ thuật sắp đặt (Installation), video art, body art... với đại chúng vẫn khá mới mẻ. Tôi biết nếu làm một tác phẩm trình diễn ở ngoài đường phố thì sẽ có nhiều ý kiến chê trách, đàm tiếu. Nhưng tôi vẫn làm. Vì tôi thích có một hoạt động nghệ thuật cộng đồng - tương tác như vậy, với những nghệ sĩ rất thú vị là bạn tôi, giao lưu với những người dân bình thường. Mặt khác, tôi tin rằng mình đang làm một điều không tồi và không gây hại cho ai, nếu như không muốn nói là gây hứng thú, với cả nghệ sĩ và người xem bình thường.

 

Khen chê với một tác phẩm hay một hoạt động nghệ thuật là chuyện bình thường thôi. Đã là người sáng tác thì đừng quá vọng động với những cái đó. Tuy nhiên, tôi không chấp nhận thái độ mạt sát vô văn hóa với cá nhân tôi và nghệ sĩ nói chung, trong khi lại không xem tác phẩm và tìm hiểu đến nơi đến chốn của một "nhà phê bình". Tôi đã viết một bức thư ngỏ bày tỏ rõ thái độ, đăng trên nhiều trang mạng, được nhiều người trong giới chia sẻ.

 

10-Cái tôi cá nhân có vai trò như thế nào đối với người viết trẻ, đặc biệt là với anh?

 

Nên rành mạch hai tâm thế. Với cuộc sống bình thường, giữa mọi người, nên giữ chừng mực bình thường, đừng hạ mình quá đã đành, nhưng cũng đừng tự cao quá. Nhà văn thì cũng bình thường thôi chứ có phải thần thánh gì, nhất là nhà văn lại thường mang rất nhiều tật! (hi hi).

 

Thế nhưng trong sáng tác, người viết phải có cái tôi. Cái tôi độc đáo, cái tôi sáng tạo. Nhà văn phải có cá tính mạnh mẽ, có cách nhìn riêng, thậm chí có lối sống riêng, không làm hại đến ai là được. Không chỉ chờ vào năng khiếu tự nhiên mà còn phải rèn luyện cái tôi ấy. Nhà văn phải tự làm giàu làm mới mình bằng kiến thức nhân loại. Nhưng lại phải dè chừng việc bị sách vở đè bẹp bản thể riêng của mình. Đọc nhiều ư? Giao lưu nhiều ư? Rất tốt nhưng khi viết tôi nghĩ phải độc lập, viết mà cứ nghĩ đến thái độ của người khác là dễ hỏng lắm!

 

11-ý kiến của anh trước những trào lưu, hiện tượng văn đàn trong thời gian gần đây, khi người viết trẻ đã có lúc gần như có tiếng nói riêng, khác biệt với tiếng nói chung-về quan điểm thẩm mỹ và điểm nhìn nghệ thuật?

 

Tôi cũng chưa rõ chị đề cập đến trường hợp nào và cụ thể cái chung cái riêng ở đây là sao, nhưng người viết trẻ đưa ra ý kiến, tốt quá chứ! Cái dở nhất của người nước ta là ngại phát biểu, sợ sai, sợ đụng chạm, sợ bị đánh giá..v.v. Nên khuyến khích hiện tượng này, còn đúng sai có thời gian kiểm nghiệm và hậu xét mà.

 

12- Điều anh tâm đắc nhất khi viết? Nhà văn mà anh yêu thích nhất, tại sao?

 

Một trong những điều tôi quan tâm là vạch ra sự bất toàn và ngộ nhận của con người. Dĩ nhiên làm được điều này không hề dễ. Bởi đây không phải là chuyện bôi xấu bóp méo, vẽ nhọ bôi hề mà viết ra cuộc sống như chính nó là thế. Cần nói thêm, cuộc sống không thiếu những đớn đau, mệt mỏi, mất mát, lo âu và tôi nghĩ đừng nên thi vị hóa nó, nhưng viết ra những điều này không phải để hạ thấp giá trị cuộc sống mà để hiểu và yêu thêm cuộc sống và trân trọng mọi thân phận con người.

 

Đầu năm 2009

Chu Thị Thơm

Lê Anh Hoài
Số lần đọc: 2177
Ngày đăng: 16.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân chuyện cậu bé 10 tuổi ở Mỹ xin được phỏng vấn Obama, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Việt Nam cũng có thể có một Damo Weaver, nhưng… - Trần Ngọc Kha
Phỏng vấn TIẾN SĨ TRẦN KIÊM ĐOÀN :về ý nghĩa ngày Tết ở xứ người. - Trần Kiêm Ðoàn
Đặng Thân: Viết - Đặng Thân
Một bài thơ - hai cách hiểu: Vấn đề là ở trình độ đọc - Trần Quang Đạo
Võ Đắc Danh viết để khơi dậy lòng nhân ái - Võ Ðắc Danh
Về hội thảo chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, GS Phan Huy Lê:Một nhu cầu lịch sử cấp thiết và chính đáng - Phan Huy Lê
Hoàng Như Mai & những nhân vật văn hoá Việt Nam - Hoàng Như Mai
Vũ điệu salsa và một Phan Ý Ly khác - Phan Ý Ly
Nhà văn Lý Lan: “TÔI TỰ CÂN BẰNG MÌNH” - Huỳnh Kim
Bá Nha - Tử Kỳ ! : Trò chuyện với Thái Doãn Hiểu tác giả thi nhân việt nam hiện đại - Thái Doãn Hiểu
Cùng một tác giả
Tìh êu (truyện dài)
(thơ)
Lời (thơ)
Thẩm tranh (tuyển truyện)
Khóc (thơ)
Bộ râu (tuyển truyện)
Viên đạn lạc (truyện ngắn)
Lưỡng lự * (truyện ngắn)
Lãnh đạo cười (truyện ngắn)
Tìh êu (kịch)