Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.212.641
 
Cuộc Đời, Sự Nghiệp Trương Vĩnh Ký Qua Ngòi Bút Trần ThỊ Nim
Nguyễn Tam Phù Sa

Nhà văn hoá Trương Vĩnh Ký (TVK) thông thạo 15 thứ tiếng phương Tây, 11 thứ tiếng phương Đông. Ông là người đầu tiên viết sách dạy vần, truyền bá chữ Quốc ngữ và là người Việt Nam duy nhất được phong tặng “Thập bát văn hào thế giới”. Ông để lại cho hậu thế 118 tác phẩm cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp (không kể những tác phẩm còn dở dang), trong đó có những công trình biên khảo, sưu tầm, dịch thuật đã có những đóng góp nhất định cho một số ngành khoa học, nhất là với khoa ngôn ngữ và lịch sử.

 

Thế nhưng cuộc đời và sự nghiệp của TVK không được danh tiếng trọn vẹn. Nguyên do vì sao? Tác phẩm Núi cao mây phủ (NCMP) của tác giả Trần Thị Nim vừa được NXB Văn Nghệ tái bản sẽ góp phần giải mã những vấn đề này.

 

Bác sĩ, nhà văn Trần Thị Nim quê Cái Mơn, Bến Tre. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Tp. HCM năm 1980, nguyên giảng viên Trường đại học Cần Thơ. Năm 1984 chị về làm dâu Quảng Nam-Đà Nẵng và sinh sống cùng chồng (nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng) tại làng hoa Gò Vấp. Tại đây, chị chuyên tâm viết văn và khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Chị nói rằng, trời ban cho tôi một đặc ân- luôn đồng hành cùng người nghèo. Chị  đã hoàn thành 6 tác phẩm: Sùng đất mọt cây, Dấu chân để lại, Truyện nàng Thu Thuỷ, Dấu ấn cuộc đời, Không tưởng và Núi cao mây phủ.

 

Tôi tìm về làng hoa Gò Vấp, thăm tác giả NCMP để nghe chị trăn trở xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp nhà văn hoá TVK.

 

* Thưa chị, được biết cụ TVK và mẫu thân của chị là ruột thịt. Phải chăng, đây là nguyên nhân thôi thúc chị  viết  tác phẩm NCMP?

 

Tôi đứng trên quan điểm cộng đồng, có sự tôn vinh nhất định với bất kỳ danh nhân lịch sử nào. Thời còn đi học và thời “tóc lốm đốm bạc”, tôi một mực kính trọng các bậc danh nhân Lê Quí Đôn, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, TVK…. Chính công lao, sự nghiệp của các vị tiền bối đã xác lập giá trị tinh thần Việt Nam. Từ suy nghĩ này, tôi khá nhạy cảm khi nghe, đọc một số bài viết, tham dự một số cuộc hội thảo chuyên đê về TVK của các nhà sử học; họ cho rằng, công lao của cụ là quá trình phục vụ nô dịch. Quá bức xúc và hụt hẫng, tôi toàn tâm toàn ý suốt 23 năm viết  tác phẩm  NCMP.

 

* Tác phẩm hình thành từ bối cảnh, sự kiện, nhân vật lịch sử có thật. Việc tái dựng nhân vật TVK dựa vào nguồn tư liệu nào?

 

Nguồn tư liệu “sống”, độ chính xác cao, được lưu giữ từ gia tộc bên ngoại. Ngày còn học trường làng,  tôi thường đi qua ngôi nhà của cụ nay đã thành di tích lịch sử tỉnh. Lòng tự hào đan xen một chút kiêu hãnh, tôi học tập theo gương của cụ. Lớn lên, bước hoạn lộ đưa đẩy, từ một bác sĩ tôi dấn thân cầm bút. Khi viết NCMP, tôi đứng về phía công tâm để nhìn nhận một trí thức yêu nước lỗi lạc trước một khúc ngoặt lịch sử- đất nước có chiến tranh, loạn lạc, đói nghèo. Tác phẩm là tiếng nói của lương tri, sự công bằng. Tôi cảm ơn các nhà sử học: Nguyễn Sinh Duy, Nguyễn Văn Cấn, Bằng Giang, Hoàng Lại Giang, Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Nguyễn Văn Trung…; tuy có khác nhau về cách nhìn nhận, nhưng họ giúp tôi rất nhiều trong việc xây dựng tác phẩm, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp TVK một cách trung thực. Nhân vật của tôi là nhân vật đi ra từ ký ức và sử liệu nhưng chân thân, hơi thở, nhịp tim của cụ thì cứ vằng vặc như trăng rằm.

 

* Trên quan điểm cộng đồng và tính vô tư của người cầm bút, việc cụ TVK làm thông ngôn cho Pháp đã tạo nên những nhìn nhận, đánh giá thiếu khách quan, thậm chí quá gay gắt ở không ít người; theo chị…

 

Nên rộng lượng, thông cảm cho một trí thức trẻ, một công dân Việt Nam, một con chiên của Chúa trước vận nước nguy biến, bắt buộc phải dấn thân vào khúc ngoặt ngoài mong muốn. Những lời đối thoại (mà tôi đã ghi lại ở NCMP) giữa cụ TVK và cha xứ, ba mẹ, những chí sĩ yêu nước, với vua quan Việt Nam, những người đại diện cho quân Pháp ở nước ta và cả ở chính quốc… trước lúc cụ nghiêng vai gánh một gánh trọng trách với mong muốn làm cầu nối giữa triều đình Huế và thế lực ngoại bang để thấy tính cương trực, lòng yêu nước của cụ trước vận mệnh đất nước bấy giờ. Ở hoàn cảnh trớ trêu như vậy, cụ không cầm được súng thì cầm bút chống giặc dốt, giặc ngoại xâm, xây dựng một nền văn hóa dân tộc.

 

* Quá trình cộng tác “bất đắc dĩ” với người Pháp, cụ đã mang lại những gì cho đất nước?

 

Công lao của cụ TVK được tái hiện, mô tả khá đầy đủ ở NCMP. Trong khuôn khổ một trang báo, tôi chỉ trích một số việc: 1/- Hoà ước 1884 Pháp bắt triều đình Huế cắt nhượng các tỉnh miền Bắc, trong đó có Thanh Hoá-Nghệ An. TVK đã đấu tranh gay gắt với Toàn quyền Paul Bert, đòi chính phủ Pháp phải thay đổi bằng hiệp ước Patenôtre (ký năm 1886), qua đó Pháp đã trả 3 tỉnh miền Trung thuộc chủ quyền triều đình. Sự kiện này khiến phe cánh không đồng chính kiến bí mật giám sát TVK. Khi Paul Bert mất cụ bị nhóm thực dân không cùng cánh bỏ rơi, bạc đãi phải lui về quê nhà dạy học, viết sách trong cảnh túng thiếu cùng cực và trong tâm trạng bi quan, tuyệt vọng. 2/-Trong cuộc gặp giữa thuyền trưởng Simon và cụ Phan Thanh Giản, thực dân Pháp đòi triều đình Huế phải nộp 4 triệu chiếu phí. TVK  bàn thảo với vua Tự Đức và các cận thần chỉ trả 200.000 quan bằng cách lót tay cho hắn ít quà. Ba ngày sau, tuy Simon không thoả mãn với số tiền 200.000 quan, nhưng vì đã nhận của đút lót nên phải ký kết…. Tôi mong những người quan tâm đến lịch sử nước nhà, đặc biệt về trường hợp của cụ TVK hãy đọc NCMP- nơi ươm cấy người thật, việc thật, điều đó sẽ giúp bạn đọc đánh giá giữa công và tội.

 

* Chị có  một tư liệu nào đó liên quan đến cụ TVK mà rất ít người biết?

 

Tôi “vấp” nỗi buồn nhân sinh thấm thía khi đọc bài thơ cuối cùng của cụ TVK. Tôi tự hỏi vì đâu ta buồn? Rồi nghĩ tới cuộc đời, sự nghiệp văn học TVK rạng rỡ dường ấy mà khi chết còn cho khắc lên bia bài thơ, tỏ rõ phẩm chất tốt đẹp của kẻ sĩ:

 

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai

Xô đẩy người vô giữa cuộc đời

Học thức gởi tên con mọt sách

Công danh rốt cuộc cái quan tài

Dạo hòn lũ kiến men chân bước

Bò xối côn trùng chắc lưỡi hoài

Cuốn sổ bình sanh công với tội

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.

 

* Khi có dịp về thăm Bến Tre, đốt nhang ở bàn thờ TVK, chị sẽ nói gì với vong linh cụ?

 

Tôi luôn biết ơn ông- nhà văn hóa kiệt xuất thế kỷ 19 của Việt Nam. Tôi hy vọng một ngày nào đó lịch sử sẽ nhìn lại, và núi cao mây phủ sẽ không còn phủ.

 

* Không ít người mơ ước được ở vào vị trí bác sĩ, giảng viên đại học; thế nhưng chị sớm chia tay giảng đường, “blue trắng”. Chị có thấy hối tiếc công việc cao quý  ấy?

 

Có nhiều tác động từ phía bản thân và xã hội. Khi tôi chọn ngành Y là đã xác lập đi trọn vòng y đức, nhưng thực tế không cho tôi một cuộc sống như mong đợi.  12 năm vừa học vừa cống hiến, tôi vắt kiệt sức vì trách nhiệm, nhưng đành đi khỏi ngành, bởi ngày nào cũng chứng kiến nỗi đau của bệnh nhân, nỗi tuyệt vọng của cha mẹ vợ con họ. Sức người có hạn, mức chia sẻ không phải lúc nào cũng như ý. Nhiều khi ngoảnh lại thấy tiêng tiếc… “blue trắng”, nhưng tôi còn thiếu cái duyên gắn bó với ngành Y và mắc nợ chồng con, chữ nghĩa.

 

Cảm ơn chị. Chúc chị có nhiều tác phẩm mới ưng ý hơn. /.

 

Chú thích ảnh:

Bìa sách Núi cao mây phủ

Tượng Trần Thị Nim  của Phạm Văn Hạng

Anh Trương Vĩnh Ký

 

 

Nguyễn Tam Phù Sa
Số lần đọc: 3250
Ngày đăng: 15.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vùng đất khó dẫn dụ - Phùng Văn Khai
Trò Chuyện cùng Nhà Nghiên Cứu, Biên Khảo Đặng Quý Địch - Mang Viên Long
Nhân cách phải là yếu tố hàng đầu của người trí thức - Phan Hoàng
Đối thoại hậu hiện đại 2 - Inrasara
Nhà phê bình Đặng Tiến: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” - Đặng Tiến
NHÀ NGHIÊN CỨU HÀ VĂN THÙY .Như một kẻ lưu lạc, tôi đi tìm cội nguồn - Hà văn Thùy
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: Gửi độc giả niềm tin và tình yêu Việt Nam - Đặng Tiến
Nhà sưu tập Lê Thái Sơn: Việt Nam làm gì có thị trường mà cạnh tranh? - Lê Thái Sơn
Sáng tạo thì phải bứt phá, phải liều - Lê Anh Hoài
Nhân chuyện cậu bé 10 tuổi ở Mỹ xin được phỏng vấn Obama, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Việt Nam cũng có thể có một Damo Weaver, nhưng… - Trần Ngọc Kha
Cùng một tác giả
Ước (thơ)
4 truyện ngăn ngắn (truyện ngắn)
4 truyện cực ngắn (truyện ngắn)