Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.190
123.204.556
 
Từ phê bình lập biên bản đến phê bình mở : Nói chuyện với nhà thơ - nhà phê bình Inrasara.
Inrasara

PV: “Phê bình lập biên bản”, thuật ngữ anh tạo ra này vừa gợi tò mò nhưng cũng đã gây không ít dị ứng? Bởi lâu này, cụm từ lập biên bản chẳng có gì liên quan đến văn học cả. Cố tình như vậy, anh có ý gây sốc cho người đọc không?

Inrasara: “Phê bình lập biên bản”, Đặng Thân đùa rằng chỉ riêng thuật ngữ này thôi cũng đủ tư cách đưa Inrasara vào văn học sử… Việt Nam rồi! Ngược lại, một vị phó giáo sư [chưa nắm đầu đuôi sự việc] đã có đến hai bài báo lê thê chê trách nó. Thuật ngữ này được đẻ ra có nguyên nhận xa và gần của nó.

“Lập biên bản có nghĩa là chấp nhận mọi hiện tượng văn chương xảy ra trong thời đại ta đang sống. Bày nó ra như nó là thế, tìm hiểu triết lí trên đó thơ văn đó nảy sinh... Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ của tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như nó là thế” (báo Văn nghệ, 24-5-2008).

Nghĩa ra nó được sinh ra do có vài hiện tượng văn chương bị ghét bỏ, từ chối hay đối xử phân biệt. Có thể cho đó là “tai nạn” nghề nghiệp, như một vụ tai nạn giao thông, bổn phận của tôi là ghi nhận đủ đầy chúng.

 

PV: Nhưng nếu chỉ có thế thì nó chẳng nói được gì nhiều. Nó đã chẳng gây ra sự quan tâm đáng kể, như nó đã. Anh có thể triển khai hàm nghĩa của cụm từ này…

Inrasara: Vâng. Phê bình lập biên bản bao gồm ba loại, nói khác đi, nó được tiến hành theo ba hình thức khác nhau: Bàn tròn văn chương, Biên bản lập chậm và Phê bình [như là] lập biên bản.

 

1. Bàn tròn văn chương

PV: Bàn tròn văn chương, tôi có biết về sinh hoạt văn học này ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam qua bài viết “Bàn tròn văn chương qua ba kì phiêu lãng” (báo Văn nghệ số 48, 2-12-2006). Đây có phải là sáng tạo mới của riêng anh?

Inrasara: Không. BTVC là đề xuất của nhà văn Phan Thị Vàng Anh, thành viên Ban chấp hành phụ trách Ban Sáng tác trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, trong ý định xây dựng đội ngũ nhà văn trẻ nòng cốt hiểu biết và có khả năng trình bày về chính công việc của mình: nghề văn. Ý định này đã gặp ý tưởng của tôi về “lập biên bản” văn chương trong năm, nên chúng tôi nhất trí cao về nó. Thời gian đó Vàng Anh đang sống ở Hà Nội, nên ủy quyền cho tôi chủ trì và triển khai BTVC.

 

PV: Anh có thể nói rõ hơn về nội dung sinh hoạt của BTVC…

Inrasara: BTVC thu hút nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo đủ thành phần, lứa tuổi hưởng ứng; số lượng tăng lên sau mỗi kì. Dù tiêu tốn của nhân dân rất ít (300.000 đồng/ kì) nhưng có thể nói BTVC hoạt động khá chuyên nghiệp và vui vẻ. Rất hiếm người bỏ hội trường ra ngoài dở chừng. Đề tài do chính thành viên chọn, Văn bản được gởi cho tất cả mọi người qua thư điện tử, Biên bản tốc kí được mọi người xem và sửa lại, cuối cùng mọi thành viên đều nhận được Biên bản chính thức. Vô vị lợi và vô tư, dân chủ và chuyên nghiệp là tinh thần quán xuyến suốt 7 kì.

Đề tài có thể là một tập thơ (Ngô Thị Hạnh, Vương Huy), một bài thơ (Lê Vĩnh Tài), một tập truyện ngắn (Nhật Chiêu), một tác giả (Cát Du), một trào lưu văn chương (hậu hiện đại) hay một hình thức công bố tác phẩm (văn chương mạng) - không phân biệt tác phẩm đó xuất sắc hay không.

 

PV: Không phân biệt hay hay dở, tại sao? Tôi biết có nhiều nhà văn khen ngợi sinh hoạt của BTVC hay và chuyên nghiệp, nhưng cạnh đó cũng có vài người cảm thấy tiếc rằng có vài tác giả tác phẩm chưa xứng đáng được ưu ái mang ra thảo luận.

Inrasara: Tinh thần phê bình lập biên bản vô phân biệt là vậy. Bởi nếu đó là tập thơ trung bình, BTVC thảo luận về cái trung bình đó, rằng nó trung bình thế nào, tại sao như thế, cuối cùng nó có gì khác so với trung bình tương cận không? Nghĩa là BTVC vẫn có thể rất hay, cả khi bàn về tác phẩm dở.

Tôi gọi các nhận định ở Bàn tròn văn chươngLập biên bản [như là] phê bình. Các thành viên nhận định và phê bình một tác phẩm, một vấn đề hay một trào lưu văn chương đương đại, như kiểu tập thể phê bình. Biên bản BTVC là bản ghi chép trung thực và đầy đủ các nhận định đó. Tiếc rằng, có vài thành viên đã hiểu lầm rằng BTVC lập ra để lăng xê cho tác gả, PR cho tác phẩm nào đó, nên sau kì 7, khi tôi rời bàn chủ trì, đã không còn ai nối tiếp.

 

PV: Anh có thể đánh giá sơ bộ về cái được và chưa được của nó…

Inrasara: Sau kì 7, tôi làm cái sơ kết: Chúng ta được ba thành công nhỏ, nhưng từ đó vỡ ra một thất bại lớn. Ba thành công là: Thành công trong tập hợp đa thành phần, đa xu hướng sáng tác, nhiều lứa tuổi khác nhau với số lượng người tham dự ngày càng tăng để thực sự cùng bàn về văn chương đương đại; đề tài hay tác giả - tác phẩm của Bàn tròn được chọn tự do, vô phân biệt; thành viên thảo luận tự do trong một không khí cởi mở, vô ngại; tự do nhưng có trách nhiệm, vì ý kiến của bạn được ghi vào Biên bản. Là ba điều chưa từng xảy ra trước đó. Nhưng thất bại lớn nhất và duy nhất của BTVC là chất lượng của ý kiến. Cứ đặt 7 Biên bản BTVC cạnh Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo, sự chênh lệch là rất lớn. Đó là vật chứng không thể chối cãi về tầm ý thức về nghề của nhà văn nhà thơ hôm nay so với nhóm Sáng Tạo. Trong khi tuổi trung bình của ta gấp rưỡi thế hệ trước ở thời điểm họ thảo luận, và ta đi sau họ đến non nửa thế kỉ!

 

2. Biên bản lập chậm

PV: Thế còn Biên bản lập chậm? Thêm một thuật ngữ lạ anh tạo ra. Dĩ nhiên tôi biết nó ra đời có nguyên do của nó.

Inrasara: “Thất bại” với BTVC, tôi quay sang tập trung làm biên bản về các cuộc Hội thảo văn học, Cà phê sách,... mà tôi gọi là Biên bản lập chậm. BBLC ghi trung thực cuộc văn chương xảy ra, không thiếu sót ý kiến, chi tiết, không đưa ra nhận định chủ quan thiên kiến, lệch lạc. Các cuộc đó hoặc tôi viết lại sau khi làm chủ trì hoặc tôi ghi tốc kí khi tham dự.

“Sau mỗi cuộc hội thảo lớn nhỏ, luôn có các cách đưa tin và nhận định khác nhau. Cafe Văn học tháng 7 của Hội đồng Anh không là ngoại lệ. Đã có 5-6 bài báo ngắn về cuộc này. Người đọc cũng sẽ tiếp nhận và hiểu nó mỗi khác, chắc chắn thế. Theo tôi, tốt hơn cả là ta cứ ghi biên bản: cụ thể, chính xác, đầy đủ. Sự việc sẽ nói lên tất cả. Là người trong cuộc, tôi thử “lập biên bản” hội thảo này. Và để biên bản không rơi vào chủ quan hay thiếu sót, tôi có tham khảo ý kiến và trí nhớ của vài người tham gia” (“Biên bản lập chậm”, Càfê Văn học của Hội đồng Anh tháng 7-2007, Vanchuongviet.org, 9-7-2006).

Tôi gọi đó là Lập biên bản & [sau đó] phê bình. Bởi sau mỗi Biên bản là một nhận định ngắn về nó. BBLC chỉ nhằm phục vụ cho nghiên cứu riêng, nên chúng ít “kiêng nể” hơn cả. Ngoài vài bạn văn thân thiết, tôi không ý định đưa ra thông tin đại chúng.

 

3. Phê bình lập biên bản

PV: Tôi hiểu ý của anh. Còn phê bình lập biên bản? Đang viết văn làm thơ, đột ngột anh quẹo sang phê bình, và đã để lại dấu ấn nhất định. Trong bài “Thơ văn trẻ Sài Gòn ở đâu”, anh có viết:

“Người mới nhập làng phê bình như tôi, cũng không được ủng hộ. Dăm năm qua, tôi thử “lập biên bản” hiện trạng văn chương đang xảy ra tại thành phố đông dân nhất nước này… Hơn nửa trăm bài cả tiểu luận lẫn phê bình, nhưng chúng xuất hiện ở tận đâu đâu chứ không ở Sài Gòn” (Văn nghệ trẻ, số 45, 11-11-2007).

Anh làm phê bình xuất phát từ bức xúc ấy thôi, hay từ đâu nữa?

Inrasara: Mươi năm qua, nhiều khuôn mặt thơ mới xuất hiện, nhiều trào lưu thơ mới ra đời, có khi khác lạ hoàn toàn với cái đang xảy ra, điều lâu nay ta quan niệm đó mới là thơ. Tìm hiểu tinh thần con người thời đại nói chung, và văn chương nói riêng thì không thể bỏ rơi chúng, miệt thị chúng. Tôi không cho phong trào văn chương thời thượng nào đó thì tiên tiến hơn cái có trước, không cho hậu hiện đại thì tiến bộ hơn hiện đại, tượng trưng thì lạc hậu so với siêu thực. Mỗi trường phái văn nghệ đều có thể hiến tặng cho nghệ sĩ một cách biểu hiện khác. Chúng góp nhiều chiều nhìn để làm phong phú cuộc sống tinh thần của nhân loại. Nhìn văn học trong tiến trình và biến trình của nó - từ một tác giả, một nhóm tác giả cho đến một trào lưu - là cái nhìn khả dĩ hơn cả.

 

PV: Thế là anh lập biên bản, không phân biệt hay dở, tốt xấu? Vừa yêu Trần Ngọc Tuấn (cổ điển), bên cạnh thích Mai Văn Phấn (hiện đại) lại đi khoái Vũ Thành Sơn (hậu hiện đại), như vậy có bất nhất không?

Inrasara: Mươi năm qua, bao nhiêu là trào lưu ra đời, phát triển và tàn lụi. Ai biết đâu là hay đâu là dở? Không thể đứng ở lập trường hệ mĩ học này để phê phán các sáng tác thuộc hệ mĩ học khác được. Lập biên bản nghĩa là không loại trừ. Bạn cho là bất công khi báo chí chính thống không đăng thơ hậu hiện đại của bạn, thế hỏi có công bằng không, nếu bạn muốn loại bỏ thơ “áo trắng” hay thơ Đường luật ra khỏi cuộc sống văn chương?

 

PV: Đến nay, anh đã lập bao nhiêu biên bản rồi?

Inrasara: Hơn trăm tác giả - tác phẩm đủ loại, từ thơ truyền thống đến hậu hiện đại, từ thơ đổi mới đến thơ hậu đổi mới,… Không thuần nghiên cứu, cũng không hẳn phê bình mà cư trú lấp lửng giữa hai món này. Tạm gọi nó là Phê bình [như là] lập biên bản.

Phê bình này ghi nhận một trào lưu hay một bộ phận văn chương: về thơ nữ, thơ dân tộc thiểu số, thơ của các cây bút Chăm mới xuất hiện. Vân vân. Về tác giả hay một tác phẩm thuộc nhiều hệ mĩ học khác nhau. Với loại phê bình này, tôi cố gắng bày nó ra như là thế, đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả để đánh giá chính tác phẩm đó. Nghĩa là không từ hệ mĩ học này phê phán sáng tác thuộc hệ mĩ học khác. Tôi nghĩ chỉ như vậy mới đảm bảo sự công bằng cho mọi trào lưu văn chương. Chúng không loại trừ nhau mà cùng tồn tại để thúc đẩy nền văn học tiến bộ.

 

PV: Đồng ý. Rồi sẽ còn loại phê bình nào nữa ra đời, ngày mai?

Inrasara: Tôi vừa xong bản thảo cuốn 12 khuôn mặt mới, là tập thứ tư trong bộ tứ Thơ Việt đương đại tôi làm từ vài năm qua. Sau trào lưu hậu hiên đại, khoảng vài mươi khuôn mặt mới xuất hiện, gây cho tôi sự hào hứng đặc biệt. Thời đại khác, thơ phải khác. Thơ khác, phê bình thơ cũng phải khác.

 

Phê bình lập biên bản không còn có thể đáp ứng được sự phát triển trương nở đến vô cùng loại thơ này, cùng tốc độ cập nhật và tương tác đa dạng và nhanh nhạy của nó. Phê bình cần đến thái độ khác, phương cách khác, tại đó “kiểu tập thể phê bình” như Bàn tròn văn chương chỉ là một gợi ý ở phạm vi hẹp. Tôi gọi đó là Phê bình mở.

Phê bình mở là phê bình của ngày mai.

 

Sài Gòn, 18-8-2009.

 

____________________________

Phụ lục 1:

 

BÀN TRÒN VĂN CHƯƠNG

HÌNH THC HOẠT ĐỘNG VÀ PHƯƠNG THC LÀM VIỆC

 

A. Thông tin cần thiết:

- Tên chính thức: Bàn tròn văn chương.

- Nội dung: Thảo luận về một tác phẩm (tập hay bài), một/ một nhóm tác giả hoặc bất kì đề tài nào liên quan đến văn chương, nhấn mạnh vào thơ văn trẻ.

- Chủ trì Bàn tròn văn chương: Nhà thơ Inrasara cùng một nhà văn trẻ đồng chủ trì. (Nhà văn trẻ này là thành phần thay đổi “được” qua mỗi nhiệm kì 2 Kì; cuối Kì thứ hai, Bàn tròn đề nghị một đồng chủ trì mới. Mục đích thay đổi này là để tất cả mọi người đều có thể trải qua kinh nghiệm làm chủ trì bàn tròn).

- Thành viên Bàn tròn văn chương: Không phân biệt, miễn tôn trọng nguyên tắc tọa đàm của Nhóm.

- Diễn giả: Không nhất thiết là người có tác phẩm được bàn tới trong mỗi Kì Bàn tròn. Diễn giả sẽ chọn và mời người làm Đề dẫn cho cuộc nói chuyện của mình. 

- Thành phần tham dự: Số lượng tối đa: 25 người, gồm: thành viên nòng cốt của Bàn tròn văn chương, khách mời của diễn giả (3-4 người); khách mời của Ban chủ trì (3-4 người)

- Nơi sinh hoạt: Chủ yếu tại Hội trường Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, 62 Trần Quốc Thảo, quận3. Cũng có thể ở một nơi khác, một tỉnh khác nếu có điều kiện.

- Thời gian: 1-2 kì/ tháng, từ 9-11.30giờ sáng thứ Bảy.

 

B. Tinh thần của Bàn tròn văn chương:

Bàn tròn văn chương là cuộc gặp mặt ở phạm vi hạn chế các thế hệ nhà văn đang sống và viết tại Tp.Hồ Chí Minh, nhấn mạnh thế hệ trẻ đang làm văn học của hôm nay.

Nhà văn làm, suy nghĩ về cái mình làm và diễn đạt suy nghĩ ấy với đồng nghiệp, để cùng trao đổi, thảo luận và nếu cần thiết – tranh luận.

Cuộc tranh luận không tranh thắng-thua, hơn-kém, mà để tìm hiểu giọng/lối làm/quan điểm văn chương giống/khác mình, của bạn văn cùng/khác thế hệ. Không nhất thiết đi đến nhất trí, mà cốt để những người sáng tạo có thể hiểu nhau, từ đó học biết chấp nhận cái giống/khác mình; để các quan điểm, các hệ mĩ học văn chương cùng tồn tại, cạnh tranh lành mạnh và sòng phẳng, tạo trong sạch cho khí quyển văn chương; từng bước thuyết phục người đọc trở lại với văn chương, lần nữa hứng thú với văn chương.

Bàn tròn văn chương là việc làm vô tư và vô vị lợi, thành viên tự do tham gia hay không tham gia. Thành viên chỉ có trách nhiệm ở mỗi Kì mình tham dự, về ý kiến mình thảo luận về Đề tài của Bàn tròn văn chương trong Kì đó.

 

C. Phương thức làm việc:

Để tránh dồn việc cho một cá nhân hay Ban chủ trì, mỗi Kì được tiến hành như sau:

Diễn giả:

- đăng kí đề tài vào cuối Kì này cho Kì sau.

- viết thành Văn bản đề tài kèm Đề dẫn, gửi cho Ban chủ trì trước 1 tuần của Kì.

- đề nghị Danh sách khách mời của mình.

- sau khi Ban chủ trì thống nhất, gởi 3 văn bản và tác phẩm (nếu có) đến địa chỉ tất cả những người có liên quan, trước 5 ngày của Kì.

- lo các việc hậu cần khác.

- sau rốt, sau Kì Bàn tròn văn chương của mình, diễn giả là người tập hợp, đánh thành văn bản tất cả ý kiến, hoàn thành Biên bản nháp cuối cùng, giao cho Ban chủ trì, chậm nhất là một tuần sau Kì đó.

Thư kí:

- mỗi Kì có 1 Thư kí làm biên bản; Thư kí Bàn tròn văn chương có thể thay đổi.

- ghi Biên bản Kì Bàn tròn văn chương: đầy đủ, rõ ràng, chính xác tất cả ý kiến thảo luận.

- giao Biên bản viết tay cho Diễn giả; nếu có thể, giúp Diễn giả làm thành văn bản để bàn giao cho Ban chủ trì.

Thành viên và khách mời:

- tự do trao đổi về Đề tài đang thảo luận.

- xem lại, giúp chỉnh sửa ý kiến của mình sau khi có trong tay Biên bản nháp.

Chủ trì:

- ít nhất phải có 1 người có mặt tại Kì Bàn tròn văn chương.

- trực tiếp liên hệ việc làm và trách nhiệm với Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

- hoàn thành Hồ sơ cuối mỗi Kì, gửi cho mỗi thành viên, lưu giữ để làm Kỉ yếu Hồ sơ văn chương cho năm.

 

D. Về cơ sở vật chất và thông tin khác:

- Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho mượn địa điểm.

- Nước uống (trà, nước lọc) lấy từ quỹ của Ban công tác Nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

- Nếu tổ chức ở tỉnh xa, Ban Chủ trì có đề xuất và dự toán để Ban Công tác Nhà văn trẻ có cơ sở cấp kinh phí từ quỹ chung của Ban.

- Thông tin đại chúng có quyền thông tin về Bàn tròn văn chương như mọi sinh hoạt văn hóa - xã hội khác.

Hội Nhà văn Việt Nam

Ban Sáng tác Trẻ

 

Phụ lục 2:

BTVC kì 1: Ngô Thị Hạnh làm thơ và nghĩ về thơ

Địa điểm: Hội trường Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, 62 Trần Quốc Thảo, Q.3.

Thời gian: Bắt đầu lúc 9 giờ 30, ngày 21-10-2006.

Đề tài: tập thơ Rơi ngược của Ngô Thị Hạnh.

Chủ trì và đề dẫn: Inrasara; bài viết: Ngô Thị Hạnh: “Thơ nuôi dưỡng niềm tin”

Tham dự, 20 người gồm: Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Trung Bình, Phan Trung Thành, Lê Thiếu Nhơn, Lý Đợi, Jalau Anưk, Thục Linh, Phan Hoàng, Thanh Xuân, Bùi Thanh Tuấn, Đinh Lê Vũ, Phương Trinh, Lê Vũ Hương Duyên, Song Phạm, Đoàn Phương Huyền, Huỳnh Tài, Lê Văn Tiến.

Phan Trung Thành viết Biên bản BTVC.

 

BTVC kì 2: Lê Vĩnh Tài và Thơ

Địa điểm: Hội trường Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, 62 Trần Quốc Thảo, Q.3.

9 giờ, thứ Bảy, ngày 4-11-2006.

Đề tài: “Kết hay Bài thơ làm mục lục” của Lê Vĩnh Tài.

Chủ trì: Inrasara; đồng chủ trì Lê Thiếu Nhơn

Diễn giả: Lý Đợi: “Lê Vĩnh Tài & bài thơ cuối cùng trong tập Liên Tưởng

Tham dự 25 người gồm: Inrasara, Nguyễn Tiến Văn, Lý Đợi, Lê Thiếu Nhơn, Ngô Thị Hạnh, Thanh Xuân, Phan Trung Thành, Trần Hoàng Nhân, Trần Hữu Dũng, Lê Tân, Nguyên Cẩn, Nguyễn Hòa vcv, Bá Minh Trí, Huy Tuấn, Lê Hải...

Ngô Thị Hạnh viết Biên bản BTVC.

 

BTVC kì 3: Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại

Địa điểm: Hội trường Văn nghệ sông Cửu Long, 90 XV Nghệ Tĩnh, TP Vũng Tàu.

Ngày 25-11-2006.

Chủ trì: Inrasara; đồng chủ trì: Lê Thiếu Nhơn. Diễn giả: Nguyễn Tiến Văn

Tham dự 42 người gồm: Inrasara, Hoàng Hưng, Nguyễn Hoà vcv,  Xuân Sách, Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn Tiến Văn, Vi Ký, Cát Vũ, Lê Thiếu Nhơn, Lý Đợi, Jalau Anưk, Ngô Thị Hạnh, Thanh Xuân, Trần Hoàng Nhân, Ý Nhi, Lê Hải, Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Đoàn Phương Huyền, Quỳnh Hợp, Thục Linh, La Thị Ánh Hường, Võ Thu Hương, Lê Minh Vũ, Lê Hải, Vũ Ngọc Giao, Nguyễn Bá Văn, Nguyễn Tý, Ngọc Tuyền, Thùy Dung,...

Chương trình giao lưu với nhà thơ Xuân Sách và nhà thơ Hoàng Hưng.

Ngô Thị Hạnh viết Biên bản BTVC (dang dở, bởi vài thành viên không sửa Biên bản sơ thảo).

 

BTVC kì 4: Cát Du làm thơ trong cơn mê ngủ

Địa điểm: Khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương.

8.30 giờ, ngày 23-12-2006.

Chủ trì: Lê Thiếu Nhơn; đồng chủ trì: (?). Diễn giả: Trần Hoàng Nhân

Tham dự khoảng 30 người gồm: Lý Đợi, Triệu Từ Truyền, Thanh Xuân, Lê Hải, Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Trung Bình, Thục Linh, Lê Tân, Vũ Ngọc Giao, Nguyễn Bá Văn, Nguyễn Tý, Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn Tiến Văn, Lê Anh Thu, Lưu Vân, Nguyễn Công Dinh, Lưu Thành Tựu, Nguyễn Tiến Đường, Nguyễn Khánh, Cát Du.

Lý Đợi viết Biên bản BTVC (có lẽ đây là biên bản hay nhất: chi li, cụ thể và đúng là… biên bản).

 

BTVC kì 5: Lửa sâu cõi đá của Vương Huy: Cuộc lữ hành về một thiên đường đã mất

Địa điểm: Hội trường Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

9 giờ, thứ Bảy, ngày 31-3-2007.

Chủ trì: Inrasara; đồng chủ trì: Lý Đợi. Diễn giả: Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Tham dự khoảng 30 người gồm: Ngô Thị Hạnh, Trần Hữu Dũng, Lê Hải, Nguyễn Tiến Văn, Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn Hoà vcv, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Trung Bình, Thục Linh, Vũ Ngọc Giao, Khúc Duy, Nguyễn Văn Quý, Triều Nguyên, Liên Châu, Lê Hoàng, Chinh Văn, Trần Khải Minh, Văn Ngữ, Thúy Vinh…

Lê Văn Tiến viết Biên bản BTVC (dang dở, Inrasara lập chậm).

 

BTVC kì 6: Nhật Chiêu - Thử thay đổi cách nhìn vào thực tại

Địa điểm: Hội trường Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

9 giờ, thứ Bảy, ngày 7-4-2007.

Chủ trì: Inrasara; đồng chủ trì: Nguyễn Hữu Hồng Minh. Đề dẫn: Trần Hữu Dũng.

Tham dự 55 người gồm: Tôn Nữ Thu Thủy, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Tiến Văn, Nguyễn Hoà vcv, Vũ Trọng Quang, Vũ Ngọc Giao, Nguyễn Văn Quý, Lê Hoàng, Chinh Văn, Bích Ngân, Song Phạm, Khổng Đức, Nguyễn Minh Hoàng, Phan Trung Thành, Nguyệt Phạm, Nguyễn Thanh Hải, Lê Hồng Nguyễn, Kim Thanh, Lam Điền, Nguyễn Chương, Mộc Khoa, Thầy Nhơn, Trương Hồng Hảo, Bảo Trâm, Hồng Sơn, Vũ Tâm Huề, Hoài Hương, Lê Thị Gấm, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, Đài HTV, đại diện Cty Nhã Nam, Thu Hằng, Thích Nam Thắng, Phương Thảo, Bích Liên, Dương Thanh Vân.

Lưu Phương viết Biên bản BTVC.

 

BTVC kì 7: Văn chương mạng & Website Vannghesongcuulong.org

Địa điểm: Hội trường Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh.

8:30giờ, thứ Bảy, ngày 21-4-2007.

Chủ trì: Inrasara; đồng chủ trì: Nguyễn Hữu Hồng Minh. Đề dẫn: Vũ Trọng Quang.

Tham luận 1. Các nhận định về Web văn học Việt Nam: Hồ Thi Ca. 2. Văn chương mạng: Inrasara. 3. Nguyễn Hòa vcv : Thành quả, hiệu quả và vị trí của Văn chương Việt.

Tham dự: Lê Chí, Từ Nguyên Thạch, Hà Đình Nguyên, Thu Nguyệt, Phù Sa Lộc Ngô Thị Hạnh, Lê Văn Tiến, Lê Hải, Nguyễn Tiến Văn, Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn Trung Bình, Thục Linh, Vũ Ngọc Giao, Nguyễn Văn Quý, Lê Hoàng, Chinh Văn, Trần Khải Minh, Lê Thiếu Nhơn, Jalau Anưk, Thanh Xuân, Trần Hoàng Nhân, Chinh Văn, Lê văn Tiến, Tôn Nữ Thu Thủy, Song Phạm, Khổng Đức, Nguyễn Minh Hoàng, Phan Trung Thành, Nguyệt Phạm, Lam Điền, Nguyễn Chương, Mộc Khoa, Bích Liên, Đài HTV, đại diện Cty Nhã Nam.

Ngô Thị Hạnh viết Biên bản BTVC.

 

Sau BTVC kì 7, “xảy ra” 2 cuộc nữa: Kì 8: Về tập thơ Nắng đêm của Lê Hải, tại Hội trường Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh; nhưng bởi kì này, Ban chủ trì không nhận được Văn bản (là cơ sở ban đầu phải có để cho cuộc thảo luận) và nhất là không nhận được Biên bản BTVC là bản văn cuối cùng chứng cứ cho một kì BTVC. Kì 9: Về tập thơ Cơn ngạt thở tình cờ của Trần Lê Sơn Ý, Ban chủ trì có nhận được Văn bản (gồm 3 tham luận ngắn) nhưng vì tổ chức bất thành và dĩ nhiên không có Biên bản, nên cả hai cuộc này chúng tôi không kể vào sinh hoạt của BTVC. Cả kì 10: Về phong trào thơ Tân Hình thức cũng thế./.

 

Báo Văn nghệ trẻ, số 35-36, 2009.

PV

Inrasara
Số lần đọc: 2860
Ngày đăng: 30.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc Đời, Sự Nghiệp Trương Vĩnh Ký Qua Ngòi Bút Trần ThỊ Nim - Nguyễn Tam Phù Sa
Vùng đất khó dẫn dụ - Phùng Văn Khai
Trò Chuyện cùng Nhà Nghiên Cứu, Biên Khảo Đặng Quý Địch - Mang Viên Long
Nhân cách phải là yếu tố hàng đầu của người trí thức - Phan Hoàng
Đối thoại hậu hiện đại 2 - Inrasara
Nhà phê bình Đặng Tiến: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” - Đặng Tiến
NHÀ NGHIÊN CỨU HÀ VĂN THÙY .Như một kẻ lưu lạc, tôi đi tìm cội nguồn - Hà văn Thùy
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: Gửi độc giả niềm tin và tình yêu Việt Nam - Đặng Tiến
Nhà sưu tập Lê Thái Sơn: Việt Nam làm gì có thị trường mà cạnh tranh? - Lê Thái Sơn
Sáng tạo thì phải bứt phá, phải liều - Lê Anh Hoài
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)