Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.108
123.229.707
 
Những bài viết liên quan đến trang Sông Cửu Long:Trang web
Ngô Thị Kim Cúc

Mười ba tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, về mặt kinh tế là vựa lúa của đất nước, về mặt văn hóa có những đặc trưng rất riêng từ tính cách phóng khoáng hồn hậu của con người. Thế nhưng để đến với vùng đất này đã khó, để tìm hiểu về nó lại càng khó hơn. Sách báo ít, đi lại không thuận tiện, người đồng bằng ngày càng khuất xa hơn, so với bao vùng đất khác của đất nước. Giám đốc Nguyễn Hòa của Công ty Phần mềm ITI (đóng tại TP Vũng Tàu) và Giám đốc văn phòng tại TP Hồ Chí Minh Trương Văn Trực đã chủ động gặp các nhà văn, xin được tặng không một trang web cho văn nghệ đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giới thiệu một vùng đất mà các anh đã đến, đã làm việc và yêu mến. "Mong muốn là thế, nhưng các nhà văn, nhà thơ chúng ta không khỏi ngỡ ngàng, ngơ ngác khi phải nói đến việc tự mình xây dựng cho mình một trang web. Bởi vì, trong số gần ba chục nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sống trong khu vực, số người có thể ngồi trước máy vi tính làm việc chưa nhiều bằng số ngón trên một bàn tay, số biết tiếp cận với Internet còn ít hơn nữa... "Không hề gì! Các nhà văn hãy tạm đừng nghĩ gì đến giải pháp kỹ thuật, cũng khoan nghĩ vội đến vốn liếng đầu tư. ITI trước mắt sẽ nghĩ hộ các anh phần này...". Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín sau này đã nhớ lại, tâm trạng của các nhà văn và tấm lòng của người tri kỷ Nguyễn Hòa.

 

Giờ đây, chỉ cần nhắp chuột vào địa chỉ http://www.vannghesongcuulong.org là người ta có thể lang thang đến những vùng quê An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Đó là nơi mà Trang Thế Hy, Lê Chí, Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân, Vũ Hồng, Trịnh Bửu Hoài, Võ Đắc Danh, Nguyễn Ngọc Tư... vẫn đang sống và cầm bút, là nơi mà Trần Kim Trắc, Nguyễn Quang Sáng, Lê Giang, Lê Văn Thảo, Nguyễn Trọng Tín... đã từ đó ra đi. Có bao nhiêu người đang đau đáu nhớ thương vùng đất mà họ đã sinh ra, khi đang tha hương ở Sài Gòn, Hà Nội hay xa hơn nữa, tận bên kia bờ Thái Bình Dương? Giờ đây, họ có thể sống lại cảm xúc mênh mang của dòng Cửu Long vàng hực màu bông điên điển, hay hương vị chén rượu gạo và miếng cá nướng uống dưới ánh trăng suông. Chỉ bằng một cái nhắp chuột !

 

Trong cuộc gặp mặt nhân ngày ra đời trang web, những cây bút đồng bằng đã có cơ bộc lộ hết gan ruột với đứa con trứng nước của họ. Nhà văn lão thành Trần Kim Trắc: "Khoan xem nó là tờ báo điện tử, tui chỉ cần đó là kho lưu trữ những gì của văn hóa văn học đồng bằng. Ví dụ tui đang viết về Hồ Biểu Chánh, vô đó, tui sẽ có tất cả những gì cần biết về Hồ Biểu Chánh!". Người đàn bà đi thu nhặt vàng ngọc trong dân gian Lê Giang (người mà bản thân công việc sưu tầm của chị có thể mở riêng một trang web) thì hết sức tha thiết: "Tui chỉ cần một người chịu khó leo lên tầng bảy nhà tui, là tui đem tặng hết cái gì tui có !". Nhà thơ Lê Chí với một nỗi niềm đầy bức bối: "Chúng tôi cần được chính danh để tiếp tục hoạt động có hiệu quả hơn. Ví dụ nhận tài trợ, hay bán ấn phẩm qua mạng. Cho đến giờ Ban liên lạc Hội Nhà văn tại ĐBSCL vẫn chưa hề có con dấu. Thua cả một hợp tác xã sản xuất mây tre !". Nhà thơ Nguyễn Duy, quê Thanh Hóa (nhưng đã dám viết lời cho vở Ngày xửa ngày xưa toàn nhạc tài tử Nam Bộ của nữ đạo diễn Ea Sola) còn chân tình còn hơn cả dân Nam Bộ: "Trang web này ra đời mà chưa có hôn thú của cha mẹ. Nó là đứa con của tình yêu, cho nên chắc nó sẽ lớn mạnh đúng như mong đợi của mọi người, vì ông bà mình vẫn nói Rau tập tàng/Con chửa hoang... Rau tập tàng thì ngon, còn con chửa hoang thì dễ nuôi… !". Rau tập tàng ? Cũng có thể. Còn con chửa hoang ? Chắc không ai muốn tin rằng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tiếp tục để cho vùng đất phương Nam vẫn tiếp tục "là vùng đất có tốc độ phát triển chậm nhất nước!" và trang web của nó vẫn là một đứa con chửa hoang !

Ngô Thị Kim Cúc
Số lần đọc: 4473
Ngày đăng: 18.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại