Những năm qua, Hội VHNT Tiền Giang rất chú trọng đến việc tập hợp, bồi dưỡng lực lượng, khơi gợi tiềm năng sáng tác thơ ca. Ngoài việc in ấn thơ, in các bài lý luận phê bình thơ trên tạp chí văn nghệ Tiền Giang và xuất bản các tập thơ, tổ chức các buổi tọa đàm tạo diễn đàn để các cây bút lý luận phê bình, các tác giả thơ và những người yêu thơ cùng góp tiếng nói, trao đổi về tư tưởng nghệ thuật thi ca, tổ chức nhiều đêm thơ giới thiệu tác phẩm của các tác giả thơ Tiền Giang, Hội còn tổ chức các trại sáng tác.
Trại sáng tác Thơ Tiền Giang khai mạc ngày 9/8/2006 với sự tham dự của 22 cây bút là hội viên phân hội văn, cộng tác viên tạp chí Văn nghệ, CLB Sáng tác trẻ. Trại được tổ chức với hình thức bán tập trung, kể từ ngày thông báo phát động (đầu tháng 7), đến trước ngày khai mạc nửa tháng, BTC đã nhận được 123 bài thơ của 22 thành viên đăng ký tham gia trại. Khác với những trại sáng tác được tổ chức trước đây (trại sáng tác văn thơ trẻ, trại phóng sự), trại viên dự trại được nghe các nhà văn, nhà thơ phổ biến những vấn đề về lý luận sáng tác, những ghi nhận thuộc về kinh nghiệm cá nhân của mỗi nhà văn, sau đó là thời gian tập trung viết và hoàn chỉnh tác phẩm, trại thơ lần này đã tập hợp bản thảo và gửi đến nhà thơ Lê Chí (Trưởng ban liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL), nhà thơ Lê Minh Quốc (Trưởng ban Văn hóa văn nghệ báo Phụ nữ Tp.HCM, biên tập trang thơ Tuổi Trẻ Online) đọc trước khi tập trung khai mạc. Vì thế trong các buổi tiếp xúc với trại viên, ngoài việc trao đổi về kinh nghiệm sáng tác, nhà thơ Lê Chí, nhà thơ Lê Minh Quốc đã có sự thẩm định, phân tích các tác phẩm của trại viên. Do vậy, các tác giả đã rút ra được nhiều bài học thiết thực ngay trên trang viết của mình, và của các thành viên khác trong trại. Mỗi người từ sau trại viết ít nhiều đều tự rút ra cho mình một vài kinh nghiệm tâm đắc từ những phân tích, khơi gợi ấy, không những giúp ích cho việc chỉnh sửa bản thảo trước mắt mà còn cho việc sáng tác sau này. Đó là một trong những thành công của trại đúng như tiêu chí mà BTC đã đề ra.
Trước tiên, có thể nhận thấy một điều là hầu hết các bài thơ của 22 tác giả tham dự trại sáng tác thơ Tiền Giang năm 2006 đều là những sáng tác mới, có sự chuyển đổi và cách tân về phong cách nghệ thuật so với những bài thơ đã công bố trước đây. Điều này cho thấy việc tham dự trại sáng tác thơ là dịp để các tác giả tự đánh giá về phong cách nghệ thuật của mình và khám phá, tạo dựng, định hình một phong cách thơ ca mới lạ, độc đáo.
Qua những bài thơ tham dự trại, người yêu thơ vẫn nhận ra một Trương Trọng Nghĩa với những cảm xúc thơ hồn hậu, chân chất, nhưng đã dung nạp thêm chất suy tưởng sâu lắng của trí tuệ tan chảy, một Lá Me, Trần Thị Ngọc Hồng với những cảm xúc da diết và những câu thơ giàu hình tượng, nhạc điệu nhưng lại biến đổi, co duỗi linh hoạt theo kiểu thơ tự do và kết cấu của bài thơ tùy thuộc tâm trạng của tác giả, tạo ấn tượng bất ngờ, độc đáo. Người yêu thơ vẫn cảm nhận được phong cách thơ giàu tính suy ngẫm của Nguyễn Quốc Vũ, Nguyễn Thị Chí Mỹ, Nguyễn Quốc Đạt, nhưng vẫn giữ được những cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên, nhận ra một Nguyễn Thanh Xuân, Phạm Chí, Trần Đỗ Liêm… đã thật sự lột xác với phong cách ngôn ngữ thơ giàu tính ẩn dụ như tuôn chảy từ thế giới của tiềm thức...
Tham dự trại sáng tác thơ, nhà thơ Lê Chí trao đổi cùng các tác giả những trăn trở, suy tư về việc đổi mới thơ và kinh nghiệm sáng tác thơ của ông. Theo nhà thơ Lê Chí, người làm thơ giống như người thợ kim hoàn, phải cân đong đo đếm từng hạt vàng ngôn ngữ. Ông cho rằng làm thơ là một cuộc chơi đối với cuộc sống. Chính vì thế bài thơ phải có ích với con người, cuộc đời và nhà thơ phải thể hiện trách nhiệm công dân của mình.
Nhà thơ Lê Minh Quốc thì cho rằng thơ hay phải hàm chứa sự đa nghĩa. Bài thơ hay phải độc đáo về cấu tứ. Nhà thơ phải là người dự cảm về tương lai, và điều quan trọng là thơ phải hàm chứa tầm tư tưởng của thời đại. Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, tâm hồn của nhà thơ quy định hình thức của bài thơ. Chính vì thế các nhà thơ trẻ đừng nên sốt ruột trong việc đổi mới thi ca.
Tham dự trại sáng tác thơ, các tác giả thơ Tiền Giang có điều kiện gặp gỡ, trao đổi cùng nhau và trao đổi cùng các nhà thơ về mối quan hệ giữa văn học và chính trị, mối tương quan giữa thi ca và hiện thực, đặc trưng của thi ca, tính thời đại và tính hiện đại của thi ca, làm thế nào sáng tác được bài thơ hay, thiên chức và trách nhiệm công dân của nhà thơ…
Nhìn chung, các nhà thơ và các tác giả thơ đã cùng đối thoại, trao đổi nhằm hướng đến việc khám phá, nhận thức nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến đặc trưng của thi ca và công việc sáng tác của nhà thơ. Đây là cơ sở để các tác giả tự chiêm nghiệm, dung nạp cho mình những quan điểm lý luận về thi ca, để tự đánh giá về phong cách nghệ thuật của mình, đồng thời tìm một hướng đi cho việc sáng tác sau này.
Trại sáng tác thơ Tiền Giang khép lại, nhưng lại mở ra một chặng đường, một hướng sáng tạo mới cho các tác giả thơ. Sự sáng tạo thơ ca luôn luôn là sự bắt đầu và là sự đổi mới liên tục không ngừng nghỉ. Hy vọng, thời gian tới, người yêu thơ sẽ được thưởng thức những bài thơ hay của các tác giả Tiền Giang và chúng ta có thể lạc quan về một mùa hoa trái thi ca bắt đầu nở rộ.
Thu Trang - Võ Tấn Cường