Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII
* Phóng viên: Là Tư lệnh Quân chủng Hải quân, ông nhìn nhận thế nào về việc ngư dân ta bị đánh đập và cướp tài sản khi vào một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để tránh bão trong cơn bão số 9 vừa qua?
- Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: Trong bão số 9 vừa qua, một số nhân viên vũ trang Trung Quốc đối xử tàn bạo với ngư dân ta là không thể chấp nhận được, chúng tôi cực lực phản đối. Đây là quần đảo của VN nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Ở quần đảo Trường Sa, bình thường tàu cá Trung Quốc vào gần đảo thì chúng ta xua đuổi nhưng khi có bão chúng ta cho họ vào trú đậu, khi bị tai nạn thì cấp cứu, nuôi ăn, cho thuốc men, hết bão rồi trả về. Bởi vì lúc bão gió thì phải giúp đỡ, đó là thông lệ quốc tế.
* Ông có thể cho biết ngư dân nên đánh cá ở những khu vực nào là hoàn toàn yên tâm?
- Xin khẳng định với bà con ngư dân là đánh cá trong vùng biển 200 hải lý của chúng ta là an toàn, không bị xua đuổi. Ở khu vực Trường Sa cũng không bị xua đuổi, chỉ trừ khu vực điểm quân sự do họ chiếm đóng trái phép, bà con ngư dân không nên vào khu vực 3 hải lý gần điểm quân sự. Hoàng Sa là của VN nhưng phía Trung Quốc tạm chiếm đóng nên bà con không nên vào sát đảo. Trong trường hợp bão gió thì có thể vào tránh bão.
* Khi có bão, ngư dân ta đều có thể vào tránh bão ở các đảo, kể cả đảo quân sự?
- Đúng vậy. Như trong bão số 9 vừa qua, trước khi bão đến, có 2 tàu Trung Quốc vào gần đảo Bạch Long Vĩ, hải quân ta đã xua đuổi. Nhưng khi có bão, chúng ta đã cho vào âu thuyền tránh bão.
* Trong điều kiện hiện nay, hải quân của ta phải làm gì để bảo vệ chủ quyền và ngư dân trên biển?
- Hiện lực lượng hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, các hoạt động kinh tế trên biển. Hải quân và các lực lượng quản lý biển có trách nhiệm bắt giữ, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm vào vùng biển của ta. Trong từng thời điểm, từng khu vực, chúng tôi có bố trí lực lượng nhằm bảo đảm chủ quyền và hoạt động kinh tế biển.
* Phương hướng của ta về đấu tranh khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng sa thế nào, thưa ông?
- Hiện tại, các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đang đàm phán để tiến tới ký Quy tắc ứng xử (COC). DOC có hai điểm quan trọng là giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình; thứ hai là giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình, không đe dọa và sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Về Hoàng Sa, chúng ta sẽ đấu tranh lâu dài bằng biện pháp hòa bình, dựa vào các chứng cứ lịch sử, thông lệ quốc tế. Chính vì vậy, vừa rồi chúng ta tổ chức các hội nghị, hội thảo về biển Đông để đưa ra những chứng cứ.
Riêng đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra, chúng ta không bao giờ chấp nhận, các nước Đông Nam Á cũng không chấp nhận.
* Thưa ông, việc dân ra quần đảo Trường Sa sinh sống để khẳng định chủ quyền thực tế của chúng ta đang được thực hiện thế nào?
- Đưa hoạt động dân sự ra đảo là một chủ trương lớn. Chủ quyền của ta đến đâu, ta bảo vệ và đưa hoạt động kinh tế dân sự ra đến đó. Chúng ta đã đưa dân ra làm ăn trên các đảo xa bờ như Bạch Long Vĩ, Thổ Chu, huyện đảo Trường Sa... Bởi vì chiếm hữu và khẳng định chủ quyền thì cơ bản phải bằng hoạt động dân sự và kinh tế.
Chúng ta đang có kế hoạch rút ngắn thời gian di chuyển giữa các đảo với đất liền, giúp cho việc đưa dân và cán bộ, chiến sĩ đi lại dễ dàng hơn. Đó là cách kéo Trường Sa gần đất liền hơn.
Ngư dân tỉnh Phú yên chuẩn bị cho một chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ. Ảnh: TTXVN
Ảnh : Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến
Phạm Dương ghi