Bắt đầu hành trình một ngày mới, vạn vật phải chịu đựng những cơn đau thoát xác để đón nhận/khai mở những nguồn ánh sáng mới. Con đường ấy là con đường chung mà tất thảy vạn vật phải trải qua. Tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như Thúy trải qua quy luật sinh tồn ấy. Nó được soi chiếu từ nhiều góc độ: bóng tối – ánh sáng; gần gũi – xa cách; đen - trắng; có – không... Nhưng đằng sau bóng đêm, đằng sau sự hoen rỉ, giả dối… vẫn âm ỉ những vi mạch dịch chuyển, vận động hướng về ngày mới, thanh tân. “Ngày linh hương nở sáng” là “cuộc đi bất tận” ngồn ngộn những tâm tư, cảm xúc bỏng cháy của một cô giáo, một nữ thi sĩ tài năng của miền trung nắng gió.
1. Sự dịch chuyển từ thế giới mục ruỗng đến thế giới mầm xanh
Cuộc sống hiện tồn những mặt phải-trái của nó trong ngôi nhà thơ. “Ngày linh hương nở sáng” thăm thẳm tấm tình của Đinh Thị Như Thúy trước cám cảnh đời: miền Trung trong cảnh lũ chồng lên lũ, những mảnh đời không định vị nơi chốn, hình ảnh con tầu bất động trước cái ánh nhìn “giễu cười thương hại”, những cuộc nối kết giả tạo giữa người với người… Cuộc sống như phát lộ hết độ cong vênh. Chị gọi thế giới này là thế giới của sự mục ruỗng. Thế giới mục ruỗng trong “Ngày linh hương nở sáng” đa dạng, đa diện nhờ được soi chiếu qua một hệ thống các tính từ có sắc thái âm: uể oải, đờ đẫn, nhừ mỏi, rũ liệt, tàn rụi, tan nát, rũ buồn… Đặc tính âm tạo ra những thời - không hỗn loạn, bất thường. Chúng đảo chiều, xoay vần, làm biến dạng ngay cả những thứ được xem là quy cũ, lề thói. Cuộc sống ngày càng nhiều người ăn xin, bán vé số trên các con đường. Con người không cất lên được tiếng nói của chính mình mà luôn phải che giấu, nguỵ biện bằng những lời hoa mỹ. Con người không thoát khỏi sự lặp lại, đơn điệu, tẻ nhạt của cuộc sống. Những bệ rạc ấy đang sinh sôi, thâm nhập, bao vây, chiếm lĩnh:
Đôi khi nét mặt thản nhiên lời nói thản nhiên
Mà cắt cứa tím bầm trong da thịt
Những dị dạng không tìm lối thoát ra
Những dị dạng đau đớn tìm nhau
Vây bọc nhau
An ủi nhau
Chất chồng lên nhau
Làm nên một thế giới khác
Thế giới của những giấc mơ và những bông hoa độc
Ngang qua thế giới này chúng ta gặp Vũ
(Có phải tất cả kiếm tìm đều như thế)
Sự nhiễm độc ghê sợ, đang bào mòn, bủa vây, xáo trộn cuộc sống con người. Cả thế giới chìm đắm trong bầu không của sự hủy diệt: “… thế giới đang bị nhiễm độc những độc tố đang đi vào mỗi vật thể theo những con đường khác nhau, những con cá nhiễm độc những trái táo đỏ nhiễm độc, nhiễm độc dòng sông nhiễm độc bầu trời nhiễm độc sữa, nhiễm độc truyền thông nhiễm độc những ruộng rau muống những nồi thịt hầm, nhiễm độc những tách café sủi bọt, những vô cảm những thản nhiên những cơ hội những đổi thay tráo trở của những con chữ trong những bài thơ của những nhà thơ (Ngày nhiễm độc). Sự nhiễm độc tràn lan. Ngay cả những bông hoa cũng mất dần vẻ đẹp tự nhiên của nó khi đeo vào mình những thứ trang sức lòe loẹt như các diễn viên nghiệp dư đứng lấp ló sau cánh gà chờ đợi đến vai diễn. Rừng ngày càng thưa, không có sự tồn tại của hoa dại, của tiếng chim. Nhưng đáng sợ nhất là tình cảm của con người bị nhiễm độc. Con người sống giả dối, chai lì, vô cảm. Người với người không còn kết nối bằng mạch đập tình cảm. Những điều tranh cãi tăng thêm khoảng cách, vỡ tung mâu thuẫn không gì có thể hàn gắn: “Như viên đạn ở khoảng cách gần/ Tầm thấp/ Khoan vào sọ não/ Vỡ/ Tung” (45’ điện thoại đường dài buổi trưa). Mùi vị khác lạ ấy của cuộc sống khiến con người có cảm giác tởm lợm: “Từ một không gian/ Đến một không gian// Trên những đường biên đang bị xóa nhòa/ Chúng ta lặng lẽ đón nhận nhau// Không chối từ/ Những thảm hại của bao nhiêu mục ruỗng// Cả những tởm lợm xót đau/ Làm chúng ta vừa buồn nôn vừa chảy máu” (Đã dịu dàng nói lời từ biệt). Từ không gian này đến không gian khác vẫn bao trùm những cơn buồn nôn triền miên.
Cảm xúc, nghĩ suy trước những vấn nạn của thế cuộc trở thành cơn nhức nhối, đau buốt trong thơ chị. Một khuôn mặt là một dạng mẫu của kịch nô. Một lời hứa là một cái bẫy. Liệu trước những cạm bẫy của cuộc sống, chúng ta có dễ dàng vượt qua, không vấp ngã, sai lầm? Và nhất là chúng ta có vượt qua được chính mình, vượt qua trước những thành lũy cao ngất của định kiến xã hội: “định kiến vốn nặng nề/ trì níu/ khiến con người/ thật khó chấp nhận sự thay đổi/ của một con người// để thuyết phục/ bạn sẽ phải lặp đi lặp lại hành động của bạn/ như một món đồ chơi được lên dây cót/ xoay vòng/ xoay vòng/ xoay vòng/ những vòng xoay ngày một cũ// làm nên một định kiến mới” (Bạn có thể làm được điều đó không?). Ở cái thế giới đầy rẫy những cám dỗ, cạm bẫy của ảo tưởng, danh vọng, chúng ta “Luôn phải che giấu tất cả bằng những mỹ từ những uyển ngữ/ Luôn phải né tránh tất cả (Như những đứa trẻ tránh xa dây mắc mèo/ Khi luồn qua những thân cây trong rừng rậm)/ Sự thật chưa bao giờ được phơi bày/ Bởi chưa bao giờ đủ can đảm để nói” (Bay lúc 18h20’) thì vấn đề giữ cho được bản lĩnh, chính kiến của mình quả thực khó khăn! Những giả cảnh như thế này luôn tồn tại trong xã hội:“giả lả nói cười giả lả nâng ly giả lả bắt tay giả lả chúc mừng giả lả ghi nhận” (Được mùa lễ hội).
Cõi sống mà Đinh Thị Như Thuý phơi bày tù túng, bất an. Tính chất nhiễm độc ăn mòn, xuyên thấm từng khoảnh khắc, từng giây, từng phút. Chúng ta có thể tách mình ra khỏi những thói quen thường nhật, thoát khỏi bàn tay rào chắn của cuộc sống để làm chủ, để giữ vững bản ngã, không bị xao động trước tàn dư của thế cuộc được chăng?“Bạn đang rất mực kiêu hãnh được nhai nuốt những câu chữ ôi thiu. Những câu chữ đã từ lâu không sống. Những câu chữ đã từ lâu không được tự do trôi chảy. Những câu chữ đã từ lâu thối hoăng như gió như nước bị cầm tù. Tư tưởng đó có thật sự là của bạn? Ý nghĩ đó có thật sự là của bạn? Lời nói đó có thật sự là của bạn?” (Sau tấm bình phong). Trong tập thơ này, chị đã từ chối những chữ nghĩa “ôi thiu”, “thối hoăng”, chị chọn cho mình một kiểu chữ riêng: cảm-xúc-chữ. Và đó cũng là số mệnh thơ chị: “Tôi đã làm ra những bài thơ từ những buổi lang thang của mình vào trong chính nội tâm mình. Giữa bổn phận, giữa ràng buộc tôi có cơ hội trốn chạy, trốn chạy bao nặng nề, sợ hãi, ám ảnh về cái chết, sự chia ly, cái vô nghĩa, sự phản bội, muôn vạn mệt mỏi, và muôn vạn phiền muộn khác mà mỗi con người đều phải gánh chịu trong đời” (phongdiep.net giới thiệu). Như vậy, theo chị, cần bứt phá khỏi thế giới mục ruỗng ấy bằng chính nội lực của mình và hãy hết mình, hãy dâng hiến, tận hiến cuộc sống này bằng những thanh âm trong ngần, bằng nội lực sáng tạo.
Nhưng nếu chúng ta bước qua thị trấn ướt át, phố huyện tù túng, ngột ngạt, bước qua một vòm cây xác xơ, bước qua thời khắc nhiễm độc, hoảng loạn, mục ruỗng của thế giới, bước qua những uể oải, đờ đẫn của trận cảm cúm, của sự im lặng… chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt của “Ngày linh hương nở sáng”. Cả tập thơ nở sáng những sắc màu của vùng đất Tây Nguyên: con người, cây cỏ, hoa lá… đều căng trào nhựa sống. “Ngày linh hương nở sáng” - một vườn xuân đang quẫy cựa.
Đinh Thị Như Thúy đến với thế giới, với trần đời này không phải bằng cái nhìn thơ mộng ngay từ ban đầu mà chị nhìn nó trong những trận khủng hoảng, chuyển động lớn, nhìn bằng sự trải nghiệm, bằng sự chờ đợi, bằng niềm tin và hi vọng của một người thiết tha với cuộc sống. Từ những chuyển động của vạn vật, bạn có thể thấy được nguồn mạch cảm xúc đa dạng trong tâm hồn của chị. Chị không im lặng. Chị không làm ngơ trước những biến chứng của cuộc sống. Với chị im lặng là tự đồng loã với cái chết. Con người không chấp nhận sự im lặng mà luôn tìm mọi phương cách để trỗi dậy dẫu thế giới được làm lại vẫn trên nền chứng tích cũ. Ngay cả loài chim sâu nhỏ bé vẫn làm chủ, tự do trong đường bay riêng của mình. Ngay cả loài bướm, trước những ngày khô khát, bỏng rát vẫn từng đàn bên nhau rờn rợn khắp bầu trời bởi “cái giá phải trả cho những giọt mật/ Là tất thảy tả tơi” (Mùa bướm). Đằng sau sự hoang hoải, rã rời, sự sống vẫn đang âm ỉ:
Đằng sau nhịp thở êm
Đằng sau làn da ẩm
Đằng sau mịn màng mạch máu chảy sôi
Đang âm ỉ những gì không thể thấy
(Đơn giản chỉ là sự vắng mặt)
Cả bầu không ngùn ngụt sức sống. Tất cả như đang ùn ùn trồi lên, vượt qua tối tăm mang đến những vẻ đẹp trinh nguyên, tươi mới: “Và tiếng hát đã cất lên/ Những hoà âm vang dội suốt mùa dài/ Những ngọn lửa u mê/ Tung từng chùm ánh sáng/ Những bướm đêm lượn vòng theo ngọn khói/ Lượn vòng theo mùi hoa/ Mùi lá cây/ Mùi bụi đất/ Lượn vòng theo một nghi lễ bí ẩn/ Chưa kịp đặt tên” (Đơn giản chỉ là sự vắng mặt). Theo Đinh Thị Như Thuý, khao khát sống đó là lẽ tất yếu của vạn vật trong vũ trụ. Nụ hoa phải vươn mình ra khỏi tối tăm để lộ thiên, bừng sáng vẻ đẹp của mình. Đó là con đường mà nó phải trải qua. Cũng như đường đi của hoa, con người không chỉ tập quen với vòng xoáy thời cuộc mà còn phải biết làm chủ được vòng xoáy ấy để mình còn là mình: “để thuyết phục/ bạn sẽ phải lặp đi lặp lại hành động của bạn/ như một món đồ chơi được lên dây cót/ xoay vòng/ xoay vòng/ xoay vòng/ những vòng xoay ngày một cũ// làm nên một định kiến mới” (Bạn có thể làm được điều đó không?).
Ở tập thơ này, chúng ta thấy sự hiện tồn của hai thế giới: thế giới của sự mục ruỗng và thế giới của mầm xanh. Chị xắp sếp, đưa vào thơ hai thế giới đối nghịch này, một mặt phơi bày những trắng đen lẫn lộn trong cuộc sống, mặt khác, khẳng định sức sống của vạn vật, của con người và kể cả vận mệnh thơ ca. Tất cả đều đang quẫy đạp, nở sáng trước bầu không diệu kì: “Và nước đã thấm sâu/ Nước đã đẫm từng cọng cỏ non mềm của rễ/ Dâng lên đi dòng nhựa trắng/ Dâng lên đi mùa hoa trắng// Dâng lên dâng lên bung từng chùm/ Trắng như áo lụa/ Trắng như mây trắng/ Trắng như nụ cười” (Trong mùa tưới rẫy). Nếu có được những cơn mưa thuần khiết thì mặt trái của thế giới đều được gột rửa. Mưa đến, vạn vật có thể biến đổi, thoát khỏi cái vỏ cũ kĩ: “A ha! Vườn sau mưa. Những ngổn ngang rậm rạp. Những hớn hở khác thường. Những rêu xanh. Những cỏ chỉ. Những rau càng cua. Những bụi tóc tiên, bướm đêm. Những cành nhánh xấu hổ. Những mịn màng. Những non tơ háo hức. Những thơ dại. Những giăng mắc dọc ngang. Dưới tán mimoza những nụ li ti bạc trắng rải rắc rụng đầy// Có cảm giác vườn đang cười. Vườn đang thách thức. Vườn đang dâng lên điệu sống nồng nàn. Và màu nắng mới đang làm tất cả toả hương. Không gì thích bằng hương cỏ cây trong ngày nắng mới sau mưa!” (Rơi như là giọt nước). Thủ pháp liệt kê đan xen với những câu ngắn tạo nên kiểu nhịp dồn dập. Sự dồn dập của những cơn mưa chính là nỗi khao khát bỏng cháy đổi thay về thế cuộc: “Em cẩn trọng giữ gìn giấc mơ/ Sự dịu dàng đến từ em/ Sẽ là một hình dung khác/ Về thế giới này” (Đã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này).
2. Cuộc phiêu lưu của các thủ pháp nghệ thuật
Khi bàn về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, các nhà trường phái hình thức Nga cho rằng: hình thức mang tính quan niệm. Nghĩa là hình thức có vai trò trong việc quyết định nội dung và chi phối nội dung. Trong tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như Thuý, thủ pháp điệp được sử dụng khá nhiều, khá đắt. Xét trong 57 bài thơ, bài nào cũng có sử dụng hình thức điệp (lặp): điệp âm, điệp cuối, điệp đầu, điệp ngữ, điệp phụ âm đầu, điệp thanh, điệp vần… Hình thức điệp vừa giúp nhà thơ gửi gắm suy nghĩ của mình trước hai cõi: cõi mục ruỗng và cõi mầm xanh; vừa tạo tính nhạc cho thơ.
Có thể liệt kê một số cách điệp trong tập “Ngày linh hương nở sáng”: Điệp cuối: “Mắt nhắm thả trôi/ Hơi thở thả trôi/ Tay chân thả trôi/ Mình mẩy thả trôi” (Những ám ảnh bất động); Điệp đầu-cuối (và cũng là điệp ngữ pháp): “Và thời khắc ấy/ Và bản nhạc ấy/ Và cánh cửa ấy” (Và bản nhạc ấy); Điệp đầu câu bằng từ nối: “Là yêu/ Là mê/ Là đau/ Là chúng ta đã vắt kiệt” (Tháng tư, cơn nhức đầu và những hoảng loạn); Điệp cấu trúc ngữ pháp: “Một cái cây đứng chờ ngọn gió/ Một cái cây đứng chờ ngọn lửa/ Một cái cây chờ được reo lên/ Một cái cây chờ được ngùn ngụt cháy/ Một cái cây chờ được hiến mình/ Một cái cây chờ được gục ngã” (Có phải tất cả kiếm tìm đều như thế); Kiểu điệp kèm theo cấu trúc so sánh: “Cái chết đẹp như câu hát/ Cái chết đẹp như ánh sáng” (Một vòm cây xác xơ không gió); Điệp mở rộng: “Dâng lên dâng lên bung từng chùm/ Trắng như áo lụa/ Trắng như mây trắng/ Trắng như nụ cười” (Trong mùa tưới rẫy)…
Mỗi hình thức điệp là một dụng ý nghệ thuật. Ở câu thơ: “Đã chờ đợi những câu thơ/ Như chờ đợi những cuộc trò chuyện/ Chờ đợi một người/ Bởi tâm hồn gần gũi thiết thân” (Mơ vườn lạnh). Cụm từ “chờ đợi” đứng vế đầu, dàn trải trong 3 câu thơ như nối dài thêm khoảng thời gian chờ đợi, hi vọng về một sự đổi thay. Có lúc, chị dùng điệp ngữ pháp để nhấn mạnh sự hệ luỵ, tác động của thời cuộc đến tính cách của con người: “luôn không có giới hạn cho sự kệch cỡm/ luôn đầy dẫy những cá nhân/ tự thoản mãn bản thân mình/ bằng ảo vọng/ bạn nói/ bạn không thể không nói lời cay đắng” (Rằng không có con đường nào khác). Lối sống kệch cỡm, cá nhân đang ăn mòn tâm can con người. Có lúc, điệp để thể hiện sự lặp đi lặp lại đến mòn chán của cuộc sống: “Lại ngày hôm qua ngày hôm nay ngày mai. Chúng ta phải phải thận trọng chúng ta phải cảnh giác chúng ta phải tiết kiệm chúng ta phải nêu cao tinh thần trách nhiệm” (Chúng ta đã làm gì trong những ngày cuối cùng của mùa hạ?). Quá khứ - hiện tại – tương lai lặp đi lặp lại bằng sự cứng nhắc, khuôn khổ của chúng ta. Ở cuộc sống này, chúng ta không còn là mình mà là những hình nhân đa mặt. Và nơi đây, không có sự sống cho nghệ thuật.
Trong các hình thức điệp, hình thức điệp đầu và điệp ngữ pháp được sử dụng nhiều nhất. Có bài hình thức điệp ngữ âm, điệp từ vựng, điệp ngữ pháp quán xuyến hầu hết. Bài “Mùa bướm” là một ví dụ: “Tất thảy những khung cửa đều mở ra rờn rờn bướm// Buổi sáng buổi trưa buổi chiều buổi xế/ Buổi buồn buổi vui/ Buổi gió nhẹ/ Buổi ong ong u u thiêu đốt// Ngay cả lúc hoàng hôn/ Cũng vẫn những cánh mềm vẫy vẫy// Những trăng trắng rủ rê nhau/ Những trăng trắng mời gọi nhau/ Những trắng trắng chấp chới xoã tung rợp trời lông ngỗng trắng// Ngày nắng lắm/ Ngày khô khát ngóng hạt mưa còn trong xanh thẳm/ Ngày trông mây// Luôn không là đơn lẻ/ Luôn từng đôi từng ba từng đàn/ Luôn sà xuống vút lên/ Luôn ỡm ờ trêu chọc/ Khắp khắp đồi nương rẫy vườn/ Khắp khắp đường mòn đỏ bụi/ Những điệu múa đôi nhập nhoạng// Mùa bướm/ Đất trời làm nên gần gụi/ Những cánh mỏng cứ rập rờn/ Những cánh mỏng cứ giễu cười trước mọi thì thào nghi hoặc// Vừa bí mật vừa phô bày/ Vừa đắm say vừa hững hờ// Mùa bướm/ Tất thảy những khung cửa đều mở ra rờn rợn/ Tất thảy những con suối đều khô/ tất thảy những bông hoa đều cúi mặt// Cái giá phải trả cho những giọt mật/ Là tất thảy tả tơi”. Hình thức điệp ở đây có tác dụng khá đắt: chúng hỗ trợ, phối hợp gợi nên những cánh bướm rập rờn, mềm mại. Thủ pháp này giúp câu thơ trở nên mềm hơn, phù hợp với việc miêu tả dáng dấp, đường bay của những cánh bướm. Bên cạnh đó, các từ láy cũng được sử dụng: rờn rợn, ong ong, u u, vẫy vẫy, rủ rê, trăng trắng, chấp chới, nhập nhoạng, gần gụi, rập rờn, thì thào, hờ hững,… Cả bầu trời rợp cánh bướm. Vậy, sự mềm mại của cánh bướm đâu chỉ dựa vào ngôn từ mà còn dựa vào sự sắp xếp cấu trúc câu thơ, đoạn thơ, bài thơ. Với cách thức điệp như thế, người đọc vin vào đó để thấy sự vận động, chuyển dịch của đất trời, vạn vật. Cuộc dịch chuyển hướng về sự sống.
Bên cạnh đó, hình thức điệp cũng tạo ra nhiều kiểu nhịp cho bài thơ: nhịp “đo lường được” (Sáng nay rừng không bướm trắng/ Sáng nay rừng không gió động; Mắt nhắm thả trôi/ Hơi thở thả trôi/ Tay chân thả trôi/ Mình mẩy thả trôi), nhịp “phản đề” (Tất cả những sợi tóc nhất loạt đổi màu/ Tất cả những con mắt nhất loạt mờ/ Tất cả những tâm hồn nhất loạt trống rỗng/ Tất cả những đời sống nhất loạt già đi); nhịp dài (Và tóc màu và váy áo và âm thanh ồn ã và ám ảnh bủa vây thật mỉa mai tự mình giam hãm mình tự mình đánh mất mình rồi thét gào đòi giải thoát rồi than thở vì tẻ nhạt lời rủa nguyền bao giờ cũng bật ra khi vắng mặt người nghe tiếng khóc tiếng cười bao giờ cũng âm vang cùng tiếng thở dài não ruột); nhịp ngắn (chỉ cái chết tỏa lan/ mùi chiến tranh/ tanh/ ngập ngụa). Sự đa dạng về nhịp: cung trầm/ bổng; nhẹ nhàng/ trúc trắc… phù hợp với mạch tâm trạng của nhà thơ. Những cơn đau đớn, sự ngóng trông trước vận mệnh Trường Sa, Hoàng Sa như kéo dài thêm bởi cách thức không dùng dấu phẩy, dấu chấm. Nhịp thơ dài, dàn trãi như chính sự lo lắng của nhà thơ: “Lắng nghe lắng nghe và lắng nghe và tôi biết sự nằm vùi nhừ mỏi rũ liệt này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới trong nhiều tháng tới trong nhiều năm tới cơ thể tôi đang khóc than đang gào thét đang đòi biết sự thật” (Trận cảm cúm và sự im lặng).
Tuy nhiên, khi hình thức điệp sử dụng nhiều trong tập thơ thì nó lại tạo ra chiều đối nghịch. Người đọc sẽ dễ có cảm giác đơn điệu khi tiếp cận liên tục thủ pháp này. Nếu có được sự chừng mực, tập thơ tránh khỏi sự lặp, rập khuôn mà chính nhà thơ cũng đang muốn thoát khỏi nó. Nhưng bù lại, chị biết tăng thêm nhiệt cho thủ pháp này bằng cách lồng ghép, xen kẽ với các thủ pháp như liệt kê, đối lập, hoán dụ, ẩn dụ… Điệp gắn liền với thủ thuật đối lập:
Ý nghĩ về sự gần gũi và xa cách
Giữa con người và con người
Luôn như khoảng giữa bóng tối và ánh sáng
Càng cố phân định rạch ròi càng bất lực
Càng cố giải bày càng bế tắc
Như khi một người cố bày tỏ tình yêu bằng hơi thở gấp
(Trở về)
Những cặp từ trái nghĩa (gần gũi-xa cách; bóng tối-ánh sáng; rạch ròi-bế tắc…) tồn tại song hành cộng hưởng với kiểu thiết kế lặp lại cấu trúc cú pháp càng khẳng định giữa các khoảng cách không bao giờ có thể xoá bỏ, dẫu giải bày bằng chính tình yêu. Khi phép điệp kết hợp với liệt kê, sự chờ đợi chỉ vô ích: “Tin tức trong ngày tiền phong online tuổi trẻ online thanh niên online vtv1 vtv3 bản tin sáng bản tin trưa bản tin tối bản tin cuối ngày bản tin vừa mới cập nhật không có gì không có gì không có gì/ Sao lại không có gì không có gì không có gì/ Sao lại không có gì không có gì không có gì” (Trận cảm cúm và sự im lặng). Tất cả đều im lặng trước một phần da thịt của đất nước đang bị tổn thương vì sự tranh chấp. Khi phép điệp đan xen với hoán dụ, hình ảnh thơ đầy ám ảnh: “Sự nghèo nàn rỗng tuếch đã lộ ra/ Một ngày cuối năm biển mọc đầy nắng/ Mọc những cánh tay nghều ngào lạnh/ Mọc những giai điệu buồn” (Một vòm cây xác xơ không gió). Ở đây, biển là linh hồn của con người. Những cánh tay nghều ngào lạnh là hình ảnh liên tưởng mới, đầy bi thương. Khi phép điệp song hành với ẩn dụ, những trận “dữ dội và dịu êm” của biển chính là biến tấu định mệnh của con người: “Và những linh hồn những chong chóng tuyết/ Những mềm mại sững sờ tê buốt/ Mải miết xoay/ Mải miết tán loạn cuồng điên/ Như không thể nào ngưng nghỉ” (Và bản nhạc ấy)… Nhờ vậy, chị đã phần nào che lấp được điểm yếu của việc điệp khá dày trong “Ngày linh hương nở sáng”.
Thế giới thơ Đinh Thị Như Thuý dù không đề cập đến ngoại giới với tính chất hư ảo, huyền bí mà chỉ soi chiếu bằng chất thực của đời sống nhưng nó lại được chứng nghiệm từ một hồn thơ đầy năng lượng xúc cảm. Chủ thể “Ngày linh hương nở sáng” đã gắn kết thành công ám ảnh cuộc đời vào thơ ca. Thơ cất lên tiếng nói của thi sĩ và của cõi thế. Tâm thế đối nghịch, dịch chuyển trong “Ngày linh hương nở sáng” đã cho thấy sự chọn lựa con đường của nữ thi sĩ: con đường của sự vươn lên, khẳng định bản ngã./.
Đồng Hới, ngày 21-8-2011
(*) Đinh Thị Như Thuý, Ngày linh hương nở sáng, NXB Hội Nhà văn, 2011.