Trong bài “An Chi với… một phần ba ông Gia Cát” đăng trên Đương Thời để trả lời bài “Thưa ông An Chi, mày ngày là hàng nội” của tôi, ông An Chi viết:
“Ông An Chi xin thưa với ông Hà Văn Thuỳ rằng ông ta sẽ ôm cái nghĩa của hai chữ mày ngài xuống tuyền đài mà không để nó tan đi cho dù quỷ sứ có quẳng ông ta vào vạc dầu chảo lửa. Dù chúng có cho ăn cháo lú thì An Chi cũng quyết nhớ lấy một điều: Mày ngài chỉ là một lối nói ngoại nhập…”
Trong chủ ý của mình, tôi chỉ muốn chia sẻ với ông An Chi những khám phá mới về ngôn ngữ Việt mà tôi lĩnh hội được từ trí tuệ của cộng đồng Việt thời intrenet. Nhưng lập trường của ông kiên định và quyết liệt đến vậy thì hẳn không còn gì để nói!
Tuy nhiên do vài điều riêng tư cần bạch hóa nên tôi buộc phải viết những dòng này thưa lại.
Thưa ông An Chi, ông đã lầm. Tôi không chỉ biết ông là cháu gọi ông Cao Xuân Hạo bằng cậu mà còn biết thêm một chút trong đời tư của ông: “Là dân Tây, không có tiêu chuẩn tập kết, nhưng vì quá yêu cách mạng, ông vượt tuyến ra Bắc. Trong túi ông có giấy của một nhân vật lớn giới thiệu ông với nhân vật rất lớn khác là Cụ Hồ. Nhưng ra Bắc, có lẽ vì tự trọng, ông không xuất trình tấm giấy ấy. Do lai lịch như vậy, ông không được tin dùng, phải sống trong nghi ngờ. Có thời ông làm quản lý nhà ăn của Trường Sư phạm tỉnh Thái Bình.”
Điều này chính cậu Hạo ông nói với tôi tại nhà riêng ở đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp. Là phóng viên báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, tôi có đôi lần đặt ông Hạo viết bài. Khi bàn về tiếng Việt cổ, tôi nhắc tới ông Huệ Thiên nào đó có bài viết cho rằng từ Kẻ là vay mượn từ Hán ngữ. Ông Hạo nói: “Bài ấy ở đây này,” rồi đưa tôi quyển sách bìa cứng, dầy dặn, nhìn trang trọng: “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”. Mở sách, tôi đọc lời đề tặng: “Kính tặng cậu Hảo, nhà ngữ học tiên phong” 14.9. 2004 cùng chữ Huệ Thiên ký bay bướm. Tôi hỏi, “Huệ Thiên là cháu anh?” “Cháu xa,” ông cười, kể mẩu lí lịch trích ngang trên. Ông nhắc lại lời của Giáo sư Trần Quốc Vượng: “Biết Huệ Thiên nói bậy mà không làm sao phản bác anh ta được” rồi thêm: “Cậu này toàn tự học nên kiến thức lỗ mỗ!”
Trước khi chia tay, ông Hạo chỉ cuốn sách trên bàn, nói: “Ông có thích thì mang về và giữ lấy. Bây giờ tôi không còn đọc loại sách này nữa!” Tôi đã mang về và còn giữ trong tủ sách của mình.
Từ ấn tượng sâu đậm với con người mà mình quý trọng, tôi viết tùy bút: “Cao Xuân Hạo, chàng Đông-ki-sốt độc hành,” đăng trên talawas, sau này in trong cuốn Góp với văn đàn (Văn học, 2007)
Ông An Chi viết:
“Ông Hạo và ông Vượng, cả hai vị đều đã quá cố còn lời kể của ông Thuỳ thì lại không trung thực. Cứ theo lời kể thì hiển nhiên là ông Hạo hoàn toàn tán thành lời nhận xét của ông Vượng. Hoàn toàn không đúng sự thật. Chắc ông Thuỳ không biết mối quan hệ giữa ông Hạo với ông Huệ Thiên mật thiết và sâu sắc đến mức nào. Chứ nếu biết, thì ông phải biết xấu hổ vì đã lợi dụng uy tín lớn lao của ông Hạo để hạ uy tín của ông Huệ Thiên, người gọi ông Hạo bằng Cậu.”
Những điều tôi viết trên có “đúng sự thực” không thì ông An Chi tự biết. Cũng phiền ông nhớ lại: bài “Lịch sử bị nhìn lộn ngược…” được công bố tháng 5 năm 2006, trước khi ông Cao Xuân Hạo qua đời gần một năm rưỡi. Lúc đó hẳn ông Hạo chưa là người quá cố, sao ông An Chi không tới bảo cậu ông cải chính rằng ông Thùy viết bậy?!
Cũng xin hỏi ông, tôi có oán thù hay ăn giải gì mà phải hạ uy tín ông? Trong khi ông tầm chương trích cú trên sách cổ thì tôi tung tăng làm thơ viết văn. Nước giếng chẳng đụng nước sông! Hơn nữa tôi còn phải mang ơn nếu được học từ ông những điều bổ ích. Vậy việc gì tôi rỗi hơi làm cái việc ngu xuẩn là hạ uy tín ông? Uy tín có thực của một người được định hình trên giấy trắng mực đen, thiêng liêng lắm, dễ gì hạ được?!
Thưa ông, những gì tôi buộc phải tranh biện với ông hoàn toàn là học thuật. Cái lẽ bất bình đầu tiên với ông là khi đọc bài Từ hai câu thơ trần tình của Nguyễn Trãi (Kiến thức ngày nay 1.10. 1992). Không thể nào bình tâm được khi Nguyễn Trãi bị ông đê tiện hóa đến mức như vậy và văn chương bị bình giải thô thiển đến thế! Thiết nghĩ một người lỡ viết những điều như vậy sẽ xấu hổ mà dấu kín nó đi. Tiếc rằng ông không vậy, lại trương ra trong cuốn sách “để đời” của mình! May cho ông sống vào cái thời nhiễu nhương không quân trị quân nhậm này, chứ như những năm 60-70 thế kỷ trước, nếu bị các ông Xuân Diệu, Chế Lan Viên cho vào mục Dọn vườn thì không biết lấy đâu ra rổ mà che! Tôi có ấn tượng với ông từ đấy. Và thật bất nhẫn, khi thấy ông bằng tiểu khí của kẻ, sau khi tự cho mình chiến thắng AQ thì hí hửng reo lớn: “Tất cả là Hán, 100% made in China!” Ông làm tôi liên tưởng tới hình ảnh của một người tranh đoạt từ tay bà con mình tấm gia phả của tổ tiên rồi hả hê trao cho ngoại tộc!
Thưa ông, là người từng bị vu cáo chính trị nên tôi không bao giờ dùng cái trò đểu này. Sở dĩ tôi viết “Tôi không nghĩ ông là “tay sai” hay “ăn phải bả”…” là để phân biệt với những người đã từng đả kích ông như thế!
Về chuyện tặng sách ông Nguyễn Huệ Chi thì thế này. Trước đây, trong ý niệm của tôi, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi là ông đồ Nghệ chỉn chu. Nhưng khi ông đứng đầu trang mạng BVN thì tôi trân trọng ông ở nhân cách và tấm lòng. Tôi gửi bài cho BVN. Vì hiểu rằng, việc chống khai thác bauxite, giữ biển đảo nằm trong mặt trận lớn lao bảo vệ chủ quyền văn hóa dân tộc nên tôi muốn chia sẻ với ông những kiến thức mới nhất về lĩnh vực này. Tôi gửi email: “Tôi có cuốn Hành trình tìm lại cội nguồn. Nếu anh cần đọc, tôi sẽ gửi tặng”. Ông Huệ Chi trả lời: “Mình rất cần. Do chưa hiểu nên một vài bài của Thùy có dính tới tiền sử, mình đã bỏ qua.”
Đây là những lời cuối cùng tôi thưa lại với ông An Chi.
Sài Gòn, ngày 18.10. 2011