Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.479
 
Tình Hụt
Hoàng Chính

Hắn đẩy cửa, lách vào tiệm. Rùn vai, thở phào cái lạnh ra khỏi hai lỗ mũi. Hơi thở mịt mờ như khói thuốc. Cánh cửa khép lại. Cái lạnh cuối mùa thu bị chặn lại ngoài khung kính. Hắn nắm chặt những ngón tay tê buốt, rồi xoa hai bàn tay vào nhau. Đã mùa đông đâu mà lạnh cong người. Hắn khẽ rùng mình, như giũ đi cái lạnh đầu mùa. Ngày xưa, đâu có thấy lạnh như thế này. Thời tiết. Hắn thầm nghĩ rồi khẽ nhếch mép, chuẩn bị một nụ cười, như cái chào tự tin của một chàng trai trẻ. Trong cái nhá nhem của những ngọn đèn không đủ ánh sáng (chắc chủ nhà muốn tiết kiệm), hắn cố nheo mắt để điều chỉnh thị giác.

 

Lố nhố trong cái khoảng trống dài và hẹp, chật ních những cây vải đủ mầu sắc, ba bốn cái đầu người lố nhố. Vài cô gái loay hoay đạp máy may rồ rồ trong góc nhà. Dăm ba khách hàng thong thả lật những cây vải, xăm xoi. Không ai thèm để ý đến hắn. Hắn lúc lắc cái bọc nhựa, làm phát ra tiếng loạt xoạt. Tiếng loạt xoạt không gợi sự chú ý của ai. Hắn ngước mặt lên cái khoảng trống duy nhất trên tường. Một tấm lịch có hình thiếu nữ Việt Nam mặc áo dài thêu đứng cứng đơ thân gỗ. Hắn lẩm nhẩm đọc hàng chữ bay bướm bên góc trái. Dáng lụa. Hắn nhìn những đường nét điêu khắc chải chuốt trên mặt người con gái. Đúng là người mẫu, hắn lẩm bẩm. Và hắn nghĩ nếu gặp cô gái trong hình, hắn dám ngỡ là pho tượng hay một thân người bằng sáp. Hơi nóng từ miệng ống sưởi trên trần nhà thổi vào mặt hắn làm những sợi tóc dài bay bay trước trán. Luồng hơi nóng đột ngột làm lồng ngực hắn như bị ai siết nhẹ.

 

Một thiếu nữ trong đám thợ may chợt đứng bật dậy, vội vã bước về phía góc nhà, mất hút vào khoảng tối mờ của chiếc cầu thang gỗ. Hắn nhìn theo, lạ lẫm.

“Ông cần gì?” Giọng nói sắc cạnh như lưỡi dao người đồ tể lách vào tim người đàn ông. Hắn giật mình, quay lại. Người đàn bà đứng lù lù sau lưng hắn tự lúc nào. Hắn lúng túng nhìn vào cái mặt tròn quay.

“Dạ tôi muốn nới cái lưng quần.”

“Sao không may quần mới mà mặc cho nó thoải mái?”

“Dạ,” Hắn cười cầu tài. Bỗng dưng hắn muốn diễu như những ông tây bà tây hay diễu, cho nó trẻ trung vui vẻ, thành ra hắn nhún vai, “Cũng muốn may nhưng phải coi lại cái tiệm ở Phố Tầu xem có rẻ hơn không.”

“Trời ơi, cái tiệm ở phố Tầu làm sao so sánh được với tiệm của tôi.” Người đàn bà đùng đùng nổi giận. Cái cổ bạnh lên như cổ rắn hổ mang, con mắt trợn ngược nhìn hắn. “May không vừa ý là trả lại tiền, lại còn tặng một xấp vải may quần chơi. Tôi đã từng mở tiệm lừng lẫy tiếng tăm ở Sài Gòn.”

 

Hắn ngơ ngác nhìn người đàn bà. Những con mắt trong xó nhà ngước lên nhìn hắn. Người ta đã từng mở tiệm ở Sài Gòn ngày xưa mà hắn không ngờ. Đúng là người trần mắt thịt. Sài Gòn những năm bẩy mươi, hắn còn là học trò mười lăm, mười bẩy làm sao mà biết. Nếu vậy bà chủ tiệm này chắc cũng ngoài sáu mươi, nhưng sao cái mặt lại mới ngoài bốn mươi thế nhỉ. Hắn bần thần nghĩ ngợi. Tưởng nói giỡn chơi chút cho vui ai ngờ có người chạm nọc dữ dội như thế, hắn bèn cười nhạt, “Nói vậy chứ tôi chỉ tính sửa cái lưng quần.”

“Sửa quần hả.” Người đàn bà cướp lời hắn. “Chờ đó đi!”

 

Rồi chị ta tất tả bước đi. Mùi dầu thơm phảng phất trong không khí làm hắn tỉnh cả người, quên mất tiêu hai cái bắp chuối mỏi nhừ. Chút bẽ bàng thấm lên da mặt, tê tê.

 

Chủ tiệm may mà nhìn có khác gì con mụ tú bà. Hở lưng hở ngực. Chiếc váy ngắn vất vả bó lấy cái hông bè ra như cái bồ tụt cạp. Cái bồ tụt cạp. Bà ngoại hắn ngày xưa hay nói. Ở thành thị lâu ngày, quên mất tiêu hình ảnh cái bồ, nhưng câu nói còn y nguyên trong trí nhớ. Đã vậy, chị ta còn đưa đẩy những bước chân ra cái điều mời mọc. Ờ mà biết đâu được đấy. Cứ nhìn những cô gái chui rúc trong cái xó tối, khâu khâu, vá vá, đơm khuy, đục lỗ, mạng chỗ vải sờn, lên trôn, ủi áo quần cho khách hàng kia, tưởng tượng thêm chút ít là hình dung ra được.

Cô gái hồi nãy chạy huỳnh huỵch xuống cái cầu thang gỗ ẩn mình trong xó tối chồng chất những cây vải muôn mầu sắc kia, biến đi một lúc, đã lại thong thả xuất hiện. Cái mặt tỉnh queo lúc lầm lũi bước lên cầu thang. Lại có tên đàn ông lên theo. Hắn nhìn chăm chú vào mặt gã. Không tưởng tượng nhưng sao hắn vẫn bắt gặp cái gì đó như nỗi hả hê, thú vị trên khuôn mặt dài ngoằng loe hoe những sợi râu duới cằm của người đàn ông.

 

Hắn nhìn theo cô gái đã ngồi vào chiếc máy may góc nhà. Hắn chấm một cô tóc đen nhánh trong đám thợ. Ừ, cô gái này dễ thương. Nhưng ai mà biết được. Nếu thế thì thật uổng. Hắn nghĩ ngợi. Hình ảnh bà chủ tiệm làm người ta phải thắc mắc.

“Anh ơi.” Cô gái hắn thầm cho điểm cao kéo hắn ra khỏi vũng lầy của cơn bần thần. Đầu hắn bật lên như đầu con bổ củi. Hắn nghiêng tai, lắng nghe cái giọng mềm như thoáng gió hây hẩy của mùa xuân và cái âm thanh trong như nước suối chảy qua một vùng đá cuội.

Cô gái đi tạt qua chỗ hắn đứng, nhỏ nhẹ, “Anh chờ một chút.”

Nỗi bực dọc tan thành mây, thành khói.

 

Con mắt cô gái. Liếc nhiều hơn nhìn. Mà tại sao phải liếc; nếu không có gì thì cứ nhìn tự nhiên, tội gì phải liếc. Hắn băn khoăn. Trong các thứ liếc thì liếc tình là thứ dễ thương và đáng nói nhất. Cô gái bước đi. Cái eo thon vật vờ trước mắt.

Bất chợt, hắn đưa tay vuốt tóc. Những sợi tóc dài vừa được vuốt xong đã lại tuột ngay xuống trán. Hắn liếc quanh, tìm một tấm gương soi. Lâu lắm rồi hắn không soi gương. Soi gương làm gì. Mình ô-kê mà. Mình phong độ. Mình ngon lành, mình trẻ trung, yêu đời. Hắn nhìn quanh bức tường đựng đầy những cây vải. Phụ nữ thế mà hay, lúc nào cũng có sẵn tấm gương soi nhỏ để trong bóp. Cho đến hôm nay mới thấy cần một tấm gương. Nhưng mà kìa, cứ nhìn cô gái thì biết. Đôi mắt đen nhánh như tấm gương soi. Đôi mắt long lanh. Con mắt như tấm gương soi huyền bí. Tấm gương huyền bí bảo rằng hắn không đến nỗi nào. Vậy là hắn ô-kê.

Cô gái trở về góc nhà với đống áo quần xếp lớp trên mặt chiếc bàn hình chữ nhật.

 

Hắn lại buồn tình nhìn quanh. Nhưng chung quanh hắn chỉ có vải. Đủ thứ vải, đủ mầu sắc, vải quần, vải áo. Vải áo ngoài, vải áo lót, vải quần tây, vải áo dạ hội, không làm sao kể hết. Con mắt chán nản dừng lại ở chiếc cầu thang dẫn xuống căn hầm bên dưới. Có gì ở dưới đó mà thỉnh thoảng lại thấy một cô gái cót két bước xuống. Im lặng. Rồi cọt kẹt bước lên.

 

Chợt đống vải trước mặt hắn nhúc nhích và một người đàn bà vạch khoảng trống giữa hai cây vải đỏ thẫm, chui ra. Giọng nói chanh chua xoáy vào tai hắn, “May sao coi cho được. Trời ơi, chồng mình làm lí-hen, lương mấy chục đồng một giờ, mình đi làm cho vui vậy thôi. Sắp kít-mớt, hãng ảnh có bạc-ti, mình phải đi chung với ảnh thành ra cần bộ đồ càng phát-sần càng tốt.”

 

Người đàn bà lượn qua trước mặt hắn, trải một vùng không gian nực mùi dầu gió xanh. Chị che miệng, nén một tiếng ho lạc lõng. Rồi cái giọng nhừa nhựa lại cất lên, “Cái gue-đờ gì mà ác nhơn ác đức, ba hồi nóng muốn khùng, ba hồi lạnh cóng da.”

Câu nói làm hắn bần thần suy nghĩ. Phải mất cả phút đồng hồ hắn mới hình dung ra được là người đàn bà than thở về thời tiết. Tiếng Anh bên này càng lúc càng biến dạng và phong phú hơn nhờ vào khối di dân đến từ khắp nơi trên thế giới.

Cô-gái-của-hắn (từ giây phút này, người con gái tóc thả ngang vai kia là của hắn) cầm chiếc áo dạ hội lấp lánh kim tuyến trao cho người đàn bà và chỉ cho chị cái khung vuông lụp sụp có miếng vải che ở góc nhà.

 

Người đàn bà luồn vào chỗ thử đồ. Miếng vải thô phủ xuống. Tiếng kéo zipper trơn tuột. Tiếng giầy cao gót rơi xuống sàn nhà gỗ. Tiếng vải loạt xoạt gợi ý. Gợi ý hay gợi tình? Hắn tẩn mẩn suy nghĩ. Sau cùng hắn kết luận nếu là cô gái (của hắn, trong kia) thì gợi tình, còn với bà chủ tiệm hoặc chị khách hàng đang thử áo này thì chỉ là gợi ý (và tha hồ mà gợi ý.)

 

Chợt người đàn bà vén tấm màn qua một bên, khoe một khoảng vai trần rám nắng.

“Làm ơn kéo giùm tui cái díp-bờ.”

Hắn lúng túng nhìn quanh. Cô-gái-của-hắn đang cắt vải, bỏ vội cái kéo xuống bàn, tất tả chạy lại.

Hắn quay mặt đi, cố dán mắt vào cô gái Việt nam trong tờ lịch trên tường. Cô gái mặt mũi xanh, đỏ, tím, vàng, ngồi cứng đờ như tượng gỗ làm mẫu quảng cáo áo dài truyền thống.

 

Trong góc nhìn của hắn, hai cô thợ khác đang lúi húi may ngẩng đầu lên cùng một lúc, nhìn nhau, nháy mắt và mỉm cười, rồi lại cắm cúi may.

 

Một cô cắt tóc ngắn ngủn như con trai. Hắn nghĩ, khuôn mặt dài mà tóc tai lại trụi lủi như vậy, nhìn thấy là nguội mất tiêu, nói gì chuyện ghì sát mặt nhau mà âu yếm.

 

Cô kia tóc dài, ăn mặc có vẻ bụi đời. Quần jean bạc phếch, còn rách tưa ra ở hai ống quần. Cái mỏ chu ra nhòn nhọn. Cả người có nhiều chỗ gợi tình, nhưng nổi nhất là đôi môi thoa son tím ngắt. Mầu sắc pha trộn lung tung.

Hắn thầm nghĩ đa số đàn bà là những nghệ sĩ có tài đùa giỡn với mầu sắc.

 

Mặc áo xong, người đàn bà lượn qua lượn lại trước mặt hắn.

“Được không chị?” Cô-gái-của-hắn hỏi.

“Cũng được. À, ở đây có oátdum không?”

Cô gái sượng lại, ngơ ngác. Người đàn bà nhăn nhó, “Oatzum. Nhà vệ sinh đó.”

 

Cô gái mỉm cười, chỉ cho chị cái cầu thang dẫn xuống hầm. Thế là điều thắc mắc trong đầu hắn đã được làm sáng tỏ. Vậy mà cái hình ảnh tú bà của bà chủ cộng với hình ảnh rụt rè của những ông khách lúc bước xuống cái cầu thang gỗ ấy, đặt bên cạnh bóng dáng những cô gái ngồi sửa đồ cứ thỉnh thoảng lại chạy biến xuống dưới làm đầu óc hắn quay cuồng.

 

Hắn loay hoay trước cái quầy gỗ. Hai đầu gối bắt đầu mỏi. Mới đứng chút xíu đã rã rời hai bắp chân. Không lẽ mình già. Ý nghĩ loăng quăng chạy qua óc. Cái ý nghĩ lòng thòng như khúc lòng non bị con gà mổ, tha đi nhùng nhằng trên nền đất. Cái ý nghĩ vô duyên lập tức bị tóm bắt, buộc túm hai đầu, quăng vào thùng rác của sự phủ nhận. Tầm bậy. Mình mà già làm sao được. Vậy thì tại sao mới đứng chút xíu đã rụng rời hai bắp chân? Đúng rồi. Tại phải đi bộ một đoạn đường dài từ chỗ đậu xe tới cái tiệm may mắc dịch này. Có cả cây số chứ ít sao. Nhưng cho dù một cây số thì cũng đâu mỏi chân sớm như thế. Mỏi tới mức hắn chỉ muốn ngồi thụp xuống, dựa lưng vào tường, nhìn ông đi qua bà đi lại. Nhìn cái chị Việt Nam đỏng đảnh, khoe chồng mình làm lí-hen, lương mấy chục đồng một giờ; nhìn cái bà Ấn Độ to như trái dưa gang, chen lấn như thể đang mua vải ở chợ trời ngoại ô thành phố Bombay; nhìn cái nhà ông da đen nói chuyện bằng thứ tiếng Anh kỳ lạ, người sặc mùi mồ hôi hoi nồng, xoáy lên tới óc người vô tình đứng cạnh.

 

Hắn nhìn quanh, tìm bất cứ thứ gì có thể kê mông lên, nhưng chẳng có. Đã vậy cái tiệm nhỏ như cái hộp, vải vóc từng cây khổng lồ xếp chồng lên nhau, tuồi ra cả những lối đi. Ừ, mà cho dù có ghế thì cũng chả còn chỗ nào để sắp. Hắn đứng chân này, co chân kia cho bớt mỏi. Hai kẻ nào đó đang cãi nhau chí chóe trong đầu hắn. Già rồi. Già đâu mà già. Trẻ măng à. Không chịu gọi là già thì bảo là có tuổi vậy. Cãi nhau hoài. Hãy để người ngoài phân xử. Người ngoài trung thực, như cô gái tóc dài kia. Cái cô đang đạp máy may rào rào ấy. Cứ nhìn vào mắt cô ta. Vậy là khỏi mất công cãi cọ. Mắt cô bé bảo người ta già đâu mà già. Môi cô bé mấp máy anh ấy còn trẻ măng à. Và ngay cả mái tóc xõa ngang cái lưng mỏng ơi là mỏng kia cũng xôn xao anh ấy trông cứ như cậu sinh viên ấy thôi. Đã bảo chưa già mà. Hết cãi cọ nhé. Kết luận của cô bé chắc nịch như gỗ lim.

 

Người đàn bà Ấn Độ nhoài qua người hắn, chen vào khoảng hẹp để mấy cây vải hoa lòe loẹt. Mùi cà ri, mùi hành, mùi tỏi tỏa ra, bao lấy hắn. Hắn nheo mũi, âm thầm nín thở. Hai xoang mũi cay nồng muốn hắt hơi. Hắn cố đánh lạc hướng cái cảm giác nồng cay trong mũi. Hắn cố nghĩ đến những mùi khác dễ chịu hơn, như mùi vải mới thơm dịu trái cây, mùi keo dán lâng lâng bánh kẹo. Mùi khói thuốc lá thơm phảng phất trong không gian. Tệ lắm cũng là mùi mốc của miếng thảm đen xỉn lót ngay cửa ra vào. Và tuyệt nhất là mùi thơm của thịt da con gái phảng phất trong góc tiệm. Chắc cái đầu cũng có vẽ vời ít nhiều, chứ mấy cô gái ngồi tuốt trong xó nhà kia làm sao tản mạn được cái mùi thịt da quyến rũ ra tận ngoài này.

 

Hắn nhìn cô-thợ-may-của-hắn. Đơm nút, khoét khuy. Người đâu mà nhan sắc mặn mà. Lại còn dịu dàng. Chắc cô làm bán thời gian. Người như thế mà phí tuổi xuân trong cái đống vải mắc dịch này. Chắc cô sẽ là người sửa quần cho hắn. Bỗng dưng hắn thấy ngại ngùng. Cái quần may bằng loại vải phải giặt, hấp ở tiệm. Hắn tiết kiệm nên từ lúc mua về đến giờ chưa giặt lần nào. Hình dung những ngón tay thuôn vuốt cái đũng quần, lòng người đàn ông chùng xuống.

 

Chăm sóc cho người đàn bà đâu vào đó xong xuôi, cô gái quay qua hắn. Cầm chắc cái bọc ny lông trong tay, mà hắn vẫn thấy hai bàn tay run nhẹ. Xúc động thì nó run như thế đấy. Vậy là lòng vẫn còn rung động. Còn trẻ lắm. Mừng.

Cô vừa mới hé môi trên, chưa kịp mở ra một khóe cười thì một ông già không biết đã đợi từ lúc nào, nhưng chắc chắn là đến tiệm sau hắn, hắng giọng rồi cất lên cái tiếng ồm ồm như phát ra từ chiếc loa vỡ. “Tôi phải đi ngay bây giờ. Chờ lâu quá rồi!”

 

Tiếng Anh của ông già trộn làn khói thuốc nghe đục ngầu như thứ ngôn ngữ nào xa lạ nhưng hắn cũng hiểu ra. Hắn nhìn nét bối rối vương đầy trên mặt cô thợ may rồi nhìn vào cái cằm đôi bóng loáng của ông già. “Cô đo cho ông ấy trước đi. Tôi chờ chút không sao.”

 

Chưa bao giờ hắn thấy mình bao dung như thế. Cô gái gật đầu nhìn hắn bằng con mắt biết ơn. Hắn mỉm cười và thấy lòng thư thái như người hạnh phúc nhất trần gian. Và hắn lẩn thẩn nghĩ xem mình còn quần áo gì cần may, cần sửa để có lý do trở lại. Hắn hy vọng giúp cô thoát khỏi cái xó bóc lột này. May quần áo mới thì khá phù phiếm. Tốt nhất là tìm áo quần cũ (nhưng phải còn coi được). Đầu óc phác họa một chương trình giải cứu. Chắc cô du lịch từ Việt Nam qua, ở lậu, đi làm tiền mặt, chờ kiếm người bảo lãnh. Cũng có thể cô đã được thường trú nhưng chưa có tiền bạc gì, vì vậy mới phải làm công cho cái bà chủ khó chịu kia. Như vậy một trong những việc cô sẽ phải làm là đi học Anh văn. Thành phố này đầy những lớp Anh ngữ cho di dân. Xứ sở nhân đạo. Ngay cả tội phạm, nếu vi phạm lần đầu, lại không biết tiếng Anh, quan tòa thường bắt đi học Anh văn.

 

Vậy thì việc đầu tiên là tìm cho cô một chỗ có lớp Anh ngữ. Kế đó là tập lái xe, rồi tìm việc làm. Bây giờ hẳn cô còn trắng tay. Những người nghèo thường thiếu tự tin. Cứ nhìn dáng dấp có chút gì rụt rè, co ro của cô thì biết.

 

Trong lúc cô-thợ-may-của-hắn đo vải áo cho ông già, ông ta vẫn hì hục hút xì gà. Nghe cô cằn nhằn nho nhỏ “Trời ơi, cháy vào vải của người ta bây giờ,” hắn xoay qua nhìn và khẽ gật đầu cảm thông với nàng. Lúc sắp được đo cái vòng bụng, ông già bỏ điếu xì gà đang tỏa những sợi khói biếc lên mặt cái máy tính tiền. Điếu xì gà lăn xuống bàn. Cô gái cuống quýt chạy lại, kéo cái thước dây chằng qua cổ ông già.

 

Ông già nhăn nhó, “Cô siết cổ tôi. My God! Muốn ngộp thở luôn.”

Những con mắt từ góc phòng, nơi đám máy may xếp hàng, ngước lên nhìn.

“Trời ơi, ông nội này hút thuốc gì mà hôi muốn chết!” Một cô thợ may nói vọng ra.

“Trời ơi, bà già chồng tui kìa, hút thuốc rê thấy ngầu.” Chị khách hàng có chồng làm phó cai vừa vuốt cái mép chiếc váy đầm cao hơn đầu gối vừa hăng hái góp chuyện. “Bây giờ người ta cấm hút thuốc cùng khắp. Nhà tui vừa biu xong là dán cái sai nô sờ-múc-kinh liền.”

Nói xong cái câu nửa Anh nửa Việt ấy, người đàn bà ôm chiếc áo mới may trong tay, rón rén bước ra cửa.

 

Hắn nhìn cô-gái-của-hắn đo áo cho ông già. Cô gái mặc đơn sơ. Áo thun trắng, quần jean mầu xanh. Cái mầu xanh nước biển quấn quýt đôi chân dài quẫy động những thân sóng chập chùng uốn khúc theo mỗi bước đi. Còn bà chủ tiệm trông cứ như đào hát. Hắn liếc cái người đang vắt vẻo ở quầy tính tiền. Cái mặt no căng, hai má bóng nhờn. Con mắt xâm mí đậm một đường đen mướt. Cái mũi sửa túm hai cái lỗ mũi. Chắc ngày xưa hai cánh mũi ấy phải bè ra lắm. Bây giờ giữa mặt, nhìn vào cứ ngỡ là cái hình nộm được căng bởi một cây sắt thành cái sống mũi. Thẳng tắp một đường. Người đàn bà đi đứng chững chạc ra vẻ chủ cả, nhưng hắn nghĩ chị ta phải ưỡn cái ngực phình phình, ngửa cái mặt câng câng cho cái thân hình lùn tịt ấy cao hơn một chút, để có thể nhìn xuống đám nhân loại chung quanh bằng một nửa con mắt khâu mí không đều.

 

Ừ phải như cô gái của hắn đứng thẳng như bà chủ nhà, hắn sẽ được chứng kiến một pho tượng đâu ra đó, chứ không phải thứ tượng đất sét nhão, để qua đêm không khô lại mà lại xệ, chỗ cần co vào thì lại phình ra như vóc dáng trời ơi đất hỡi của người đàn bà chủ tiệm.

Ông già hút xì gà đón mảnh biên nhận nhỏ như miếng giấy gói kẹo từ bàn tay cô gái, đưa lên sát mắt, nhìn chăm chú. Lật qua lật lại, rồi gật đầu, quay lưng.

 

Tới phiên hắn.

“Anh muốn may cái gì vậy?” Cô-gái-của-hắn hỏi.

“Tôi,” hắn bỗng ngại ngùng. “Tôi muốn sửa cái quần.”

Hai con mắt bồ câu nhìn hắn đăm đăm. Bao nhiêu bối rối trên thế gian đổ ụp xuống đầu, làm óc hắn lâng lâng. Hắn lúng túng, “Đúng ra tôi muốn nới cái lưng quần cho rộng ra.”

Vừa nói hắn vừa kín đáo hít một hơi dài, vươn cái lưng cho thẳng, hóp cái bụng cho thon, nghiêng đầu nhìn vào mắt cô gái. “Tại sơ ý giặt nước nóng, nó co lại, bây giờ hơi chật.”

 

“Cho em coi.” Cô gái vừa nói vừa chìa bàn tay ra trước mặt hắn. Năm ngón thon dài như năm điều ước của một kẻ vừa cứu được ông thần trong lòng chiếc đèn cũ kỹ. Cho em coi. Chính miệng của cô gái nói ra đấy nhé. Nếu hắn già thì cô đâu có xưng “em” như thế.

 

Hắn luống cuống gỡ cái nút thắt của chiếc bọc ny lông. Khi không ban nãy ai xui khiến mà lại buộc chặt thế không biết.

Mùi tóc thoang thoảng không gian. Những người con gái mới lìa bỏ quê nhà, tóc vẫn còn thơm bồ kết (trong trí nhớ) làm hắn ngất ngây.

Loay hoay một hồi hắn cũng gỡ được cái nút thắt, lôi được chiếc quần tây mầu xanh nước biển đậm ra. Cô gái tự nhiên đón lấy chiếc quần từ bàn tay hắn. Cô đặt chiếc quần lên mặt bàn, nhanh nhẹn gài cái nút bụng rồi căng ra để đo chiều dài. Hắn đứng xớ rớ bên cạnh nàng, ngắm nghía đôi vai (chắc là mềm) và cái eo (hẳn nhiên là) thon.

 

Chợt cô quay lại, chiếc thước dây trên tay. “Để em đo lại cho chính xác.”

Hắn đứng chết trân, nín thở, khẽ dang hai cánh tay ra khỏi thân mình cho cô luồn cái thước dây vòng ra sau lưng hắn, và chập hai đầu lại phía trước bụng. Rồi cô buông một đầu sợi dây, miệng nhẩm con số cô vừa đọc được nơi ngón tay làm dấu.

Cô đo lại cái lưng quần rồi gật gù, “Cái này sửa mau lắm, anh chờ khoảng nửa tiếng được không. Em làm liền cho anh.”

Đầu óc hắn lại quay quay. Còn mong gì hơn thế. Bấy giờ em muốn làm gì anh cũng chịu. Nửa tiếng hay nửa đời người cũng chờ luôn. Ấy, phải nói rõ nửa đời vì nửa trước của đời người anh đã tiêu phí mất toi rồi. Với chữ nghĩa thì phải cẩn thận. Trời ạ, giả dụ mỗi lần sinh nhật mà lại mua đèn cầy đủ cho số tuổi, chắc mấy tiệm tạp hóa bán đèn cầy giầu to. Những ý nghĩ cứ tranh nhau một chỗ nằm trong trí tưởng.

“Phải nới ra khá nhiều.” Cô nghiêm khắc một lời cảnh cáo.

 

Hắn lúng túng, “Tại giặt nước nóng.”

“Nới ra gần hai inches đó.”

Thiệt tình cái đồ vải rẻ tiền. Nhưng rẻ tiền thì cũng đâu có rút lại nhiều như vậy chỉ vì giặt nước nóng. Hay là vì lý do nào khác. Vừng trán hắn nheo lại nhưng cái đầu vẫn không tìm ra một lời giải thích nào.

“Dạ, nước nóng quá không tốt.” Cô gái dịu dàng.

 

Hắn nhìn cô bằng con mắt biết ơn. Có vậy chứ. Nàng giải vây cho ta đúng lúc. Cám ơn cô bé lưu lạc xứ người phải làm tiền mặt trong cái tiệm có bà chủ vô duyên mà máu bóc lột thấm ra cả đôi môi bầm tím.

“Phải may bằng cái máy kỹ nghệ ở dưới basement.” Cô nói với hắn như thế rồi thoăn thoắt bước đi giữa những cây vải như con sóc nhỏ luồn lách giữa một rừng cổ thụ. Chợt cô đứng lại. Đôi mắt long lanh chớp nhẹ. Cô suy nghĩ gì đó, rồi nhìn hắn, gật đầu, “Anh xuống chờ dưới này luôn đi.”

 

Hắn lầm lũi đếm những bước hân hoan xuống từng bậc thang gỗ vênh vẹo. Tất cả mọi bậc thang đều cót két chọc ghẹo lúc hắn đặt chân lên.

 

Thì ra dưới này còn cả một cơ xưởng rì rầm tiếng máy.

Vài con mắt ngước lên nhìn hắn. Hắn cố không nhìn kỹ bất cứ người đàn bà (hay con gái) nào khác. Đã có cô em đây, nhìn đâu xa nữa. Em đang trong tầm tay, hay ít ra cũng cuối một tầm duỗi của cánh tay nhọc nhằn.

 

“Anh chờ chút nghe.” Cô gái dặn dò. Cứ như người quen. Hắn nghĩ. Mà quen chứ còn gì nữa. Quen từ lúc hắn đặt chân vào tiệm đến giờ.

Hắn chăm chú nhìn những ngón tay thon của người con gái nhanh nhẹn đẩy mũi kéo nhọn tháo bay những đường chỉ ở đường may lưng quần. Những ngón tay xanh xao. Ý nghĩ lại lăng xăng trong óc hắn. Chắc từ lúc qua xứ lạ, cô nằm tù luôn ở cái góc hầm nô lệ này. Vì vậy mà nước da cô mướt xanh. Chỉ có đôi má là phơn phớt hồng. Đôi má hồng ấm áp những môi hôn ảo tưởng.

Rồi cô gài hai ba lớp kim băng và đưa cái quần cho hắn.

 

Hắn bối rối nhìn quanh. Ngón tay thon chỉ về phía cái góc tối lù mù, cái giọng mềm bảo hắn, “Anh vào đó mặc thử để may lại cho vừa.”

Hắn luống cuống đi về phía người con gái chỉ. À, cái nhà vệ sinh.

“Con Lan đâu lên tao bảo.” Tiếng réo từ tầng trên vọng xuống. Giọng nói quá quen thuộc. Giọng nói làm hắn nổi da gà.

Người con gái của hắn vừa dạ vừa tất tả chạy lên. Tiếng kẽo kẹt của những bậc thang trêu chọc hắn nhưng hắn không để ý. Vậy là biết được cái tên. Vậy là coi như đã đi được nửa đường.

 

Hắn kéo cánh cửa. Cánh cửa nặng nề phản đối bằng những tiếng cọt kẹt. Hắn tìm hoài cái móc khóa. Sau cùng hắn đành chịu để cánh cửa đong đưa, khép hờ. Chắc cũng chả có khách hàng nào đâm sầm xuống đây giờ này. Còn mấy bà mấy cô thợ may kia thì chẳng có gì phải ngại. Hắn cởi chiếc quần đang mặc, thay vào chiếc quần mà cô gái đã cài một mớ kim băng ở lưng.

Hắn vặn vòi, lùa tay vào dòng nước lăn tăn, vuốt lên mặt. Hắn rửa mặt, súc miệng. Cái góc hầm lụp sụp. Vách tường cáu bẩn. Nhà vệ sinh không có nổi một miếng gương soi. Vải cũ treo nhùng nhằng trên tường. Cuộn giấy trụi lủi. Hắn thắc mắc kẻ vào sau mình sẽ phải làm thế nào để sống sót. Vòi nước thì nhỏ giọt. Mà những kẻ nào thường xài nhà vệ sinh này ngoài ba cô gái cắm cúi khâu khâu vá vá ngoài kia và mấy người khách phương xa.

 

Bỗng dưng hắn thấy tội nghiệp cô-gái-của-hắn. Ơi cái thân hình nhỏ nhắn, đầy đầy, vơi vơi ấy. Dễ thương và cũng tội nghiệp biết chừng nào trong căn hầm giam nô lệ.

Lúc hắn khệnh khạng bước ra với cái quần tháo lưng, cô gái của hắn đã đợi từ bao giờ. Đôi mắt tròn nhìn hắn thật trầm, rồi cái giọng chim hót cất lên, “Vừa không anh?”

 

Hắn mau mắn gật đầu. Cô gái lại ngập ngừng, “Mai mốt anh lại lấy được không? Em bận khách hàng, nếu làm liền thì phải chờ hơi lâu.”

Hắn lại gật đầu hai ba cái. Không phải may vá gì mà vẫn được lại nữa thì còn mơ ước gì hơn. Có vậy mới quen được người ta; mới cứu được người ta ra khỏi cái chốn mù mịt tối tăm này.

Cô gái đưa cho hắn cuốn sổ dầy cộm, “Anh ghi tên và số phone. Chừng nào xong tụi em phone lại."

Hắn bước tới bên nàng, kê cuốn sổ lên bàn máy may, cúi xuống, loay hoay nắn nót cái tên.

“Sao tay anh run thế?”               

 

Cô gái làm hắn muốn đứng tim. Nhưng hắn lấy lại bình tĩnh ngay. Đấy nhé, có quan tâm đến mình thì người ta mới hỏi han, chăm sóc. Cũng nhờ mình còn phong độ.

“Tại hồi sáng uống nhiều cà phê quá.” Hắn ngưng viết, ngẩng cổ lên, ngước nhìn cái trần nhà bằng gỗ tối thui mà tưởng như đang ngắm một bầu trời xanh biếc. Cái giọng trầm ngâm, cảm khái, “Trời đẹp, tôi sinh tật uống nhiều cà phê.”

Rồi hắn cúi xuống tiếp tục mầy mò con số điện thoại. Hắn loay hoay lục lọi trí nhớ, xem từ sáng đến giờ mình uống mấy ly cà phê rồi. Và chợt nhớ chưa có ly nào. Cái trí nhớ quả là bệ rạc.

 

Ánh đèn lờ mờ làm khó hắn. Ánh đèn làm hắn viết chồng chữ này lên chữ kia. Ở hãng cũng hay đọc chữ này ra chữ nọ. Bữa trước thử đeo cặp kiếng lão của ông bạn làm chung, hắn đã ngạc nhiên thấy đám chữ rõ hẳn lên. Ông bạn bảo mắt già nó vậy, hắn nhất định không tin.

Bây giờ hắn cũng nhất định đổ lỗi cho căn phòng không đủ ánh sáng. Và càng thấy tội nghiệp những cô gái chịu cảnh tối tăm vì bà chủ đã tiết kiệm điện. Nhưng sao những cái máy may vẫn rào rào chạy. Và những đường kim vẫn thoăn thoắt luồn quanh những ngón tay phụ nữ xinh xắn kia. Ánh đèn mờ vậy mà các cô luồn được những đường kim điệu nghệ. Chắc tại các cô đã quen công việc. Hắn tự nhủ và lại thấy yên lòng.

 

Hắn đánh lạc hướng mình bằng một câu đưa đẩy, với cô-gái-của-hắn, “Tiệm may gì mà không có gương soi cho khách hàng ngắm dung nhan mình gì hết.”

“Có mà anh.” Cô nhanh nhảu, “Sau tấm vải trong washroom đó anh.”

Gương soi dấu kỹ thế ai mà biết. Hắn thầm nghĩ và thong thả bước về phía nhà vệ sinh, thay cái quần tháo chỉ, bỏ qua một bên. Hắn hăng hái thọc hai chân vào ống quần, kéo sợi dây kéo cái rẹc. Tiếng zipper bị kéo mạnh tay nghe dứt khoát như một sự khẳng định. Như một cái gật đầu, cương quyết.

 

Và hắn xoay qua, mạnh bạo vạch tấm vải giăng ngang trên tường, nhìn vào tấm gương soi.

Hắn suýt hét lên như người đàn bà yếu bóng vía soi gương trong nhà tắm bất chợt thấy người lạ đứng sau lưng. Hắn nhìn đăm đăm vào tấm gương chữ nhật.

Lão già nào đây hả trời. Người đàn ông sững sờ. Mọi thứ trong lòng tắt ngấm. Con ngươi co lại. Tim không còn lao xao (như thể đã ngưng đập). Thằng cha nào mà cái mặt nhăn nhúm như nùi giẻ. Con mắt một mí từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ rơi đâu mất tiêu cái mí, chỉ còn lại hai sợi chỉ ngắn ngủn vắt ngang phía trên hai gò má xương xẩu. Hắn trợn mắt lên để lấy lại cái nét tinh anh, trẻ trung nhưng chỉ thấy chút tròng trắng vằn vèo gân máu. Nhìn lệch xuống một chút, hắn bắt gặp những sợi râu tua tủa dưới chiếc cằm vênh vẹo. Cặp môi kẻ nào đó xám ngoắt, nứt nẻ như bờ ruộng khô trong mùa hạn hán.

 

Già từ bao giờ vậy nè Trời! Hắn kêu rêu trong đầu. Mới chỉ không soi gương có ít lâu. Tay chân bải hoải. Buông xuôi. Vô vọng. Hắn lừng khừng bước ra, liếc nhìn cô-gái-của-hắn đang loay hoay với cái bàn ủi xèo xèo hơi nóng.

Nhằm nhò chi nữa chứ. Giờ này nàng có còn là cô gái của hắn hay không cũng không thành vấn đề. Và hắn cũng chả còn phải bận tâm vì cái quần tây suốt ba năm không giặt mà những ngón tay đũa son của cô đã từng ve vuốt, xếp pli để ủi. Cái quần nhăn nhúm ấy đâu cần ủi. Cái mặt đầy nếp nhăn của cái thằng cha trong gương kia mới phải ủi cho thẳng kìa. Vậy là tắt ngúm những mộng mơ. Và kết thúc luôn một chuyện tình.

 

Hôm nay, một ngày cuối mùa thu, hắn bắt hụt một chuyện tình.

Hắn lầm lũi bước vào vùng ánh sáng của ngọn đèn cận thị.

Cô gái ngẩng đầu, nhìn hắn. Con mắt liếc nhiều hơn nhìn. Mà tại sao phải liếc; nếu không có gì thì cứ nhìn tự nhiên, tội gì phải liếc. Trong các thứ liếc thì liếc tình là thứ dễ thương và đáng nói nhất. Nhưng Giời ạ. Bây giờ hắn khám phá ra cô hơi lé một tí. Lé chút xíu thôi, như thể đang liếc tình. Mỗi lần cô nhìn ai, người ấy thấy như cô liếc xéo, cái kiểu nhìn đong đưa, mời mọc.

Còn cái chuyện ân cần thăm hỏi. Sao tay anh run thế. Chắc chỉ vì thấy hắn lụm cụm quá rồi, chứ đâu có vì cái phong độ mà hắn nghĩ hắn vẫn còn. Phong độ gì. Kinh phong thì có. Như cái bà Việt Nam làm chung hãng thường hay mai mỉa mấy người đàn ông. Giờ thì biết mình run vì tuổi tác. Run tới mức lọng cọng, làm rơi cả cây bút chì sau khi viết cái tên đường vào cuốn sổ ghi tên khách hàng. Và mắt mờ đến độ để những con chữ đè lên nhau, chen chúc.

 

Và khi không hắn hiểu ra rằng cái quần cần sửa vì chật. Và chật là vì cái bụng nó phệ ra theo tuổi tác. Giời ạ, vậy mà không nghĩ ra. Vậy mà cứ khăng khăng là tại giặt nước nóng quá, nó rút lại. Bỗng dưng hắn thấy xấu hổ như đứa ăn trộm bị bắt quả tang, nhất là bây giờ thì biết khi cô gái nói cái chuyện vải co vì nước nóng là vì cô muốn tránh cho hắn cái sự thật não lòng.

Thôi thì cũng coi như đã có một cuộc tình ngắn. Cô đã chẳng ngọt ngào với hắn trong khi cái quả dưa gang xanh xanh đỏ đỏ chủ tiệm già hơn hắn biết bao nhiêu mà còn không thèm nói chuyện với hắn đó sao. Cứ coi như đã có một cuộc tình ngắn; tình chết non; tình hụt.

“Chừng nào xong em phone lại.” Giọng cô-gái-không-còn-là-của-hắn ngọt ngào.

“Thôi, cô cứ sửa giùm luôn đi. Tôi chờ được. Mai mốt bận, không lại được. Hơn nữa, tôi ở xa...”

Đó là câu nói cuối cùng của hắn. Cô gái hơi sựng lại, rồi lặng lẽ cầm cái quần tây cũ, ngồi xuống trước cái máy may kỹ nghệ đồ sộ như máy chém.

 

Trong lúc cô loay hoay với cái quần mấy năm không giặt, với những nếp gấp trên nền vải cũ, hắn lặng câm nghĩ tới những máy móc trong sở làm (lại sắp phải đổi ca đêm), những hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền nợ nhà, tiền nợ xe. Đến lúc phải è người ra chạy đua với mấy cái máy hãng mới mua về.

 

Nửa tiếng chờ đợi mà hắn thấy dài như nửa tháng.

Rồi cũng xong. Cái mặt nhăn nhúm của lão già lạ mặt trong tấm gương soi lảng vảng trong trí. Hắn trả tiền, gật đầu chào cô-gái-(bây-giờ-không-còn-là-của-hắn) và quay đầu, đẩy cửa bước ra, lọt vào vũng lạnh băng của cơn gió cuối mùa thu Bắc Mỹ.

Mùa thu Bắc Mỹ hay mùa thu của cuộc đời.

Hoàng Chính
Số lần đọc: 1679
Ngày đăng: 24.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đàn kiến lửa - Nguyễn Thị Thụy Vũ
Gió đưa - Lê Văn Thiện
Cũng Đành - Dương Nghiễm Mậu
Hoa Núi Biên Thùy - Vương Hà
Nam Hải Đại Tướng Quân - Nguyễn Thanh Sơn
Diễn Viên - Lê Văn Thiện
Cảm Giác - Trần Minh Nguyệt
Cà Phê Sân Bay - Lê Nguyệt Minh
Chuyện xảy ra ở bệnh viện - Trương Văn Dân
Chuyện Tình Nghe Kể - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
thiên thu (truyện ngắn)
Tình Hụt (truyện ngắn)
50 / 50 (truyện ngắn)
thần thoại (truyện ngắn)
giáng sinh buồn (truyện dài)