Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.014
123.201.505
 
Trại tù Long Bình 1965-1973
Lê Hải*

Lịch sử cuộc chiến Việt Nam vẫn tiếp tục còn những câu chuyện khiến người ta bất ngờ, như trại tù quân đội dành riêng cho lính Mỹ ở Long Bình. Dù chỉ hoạt động trong vòng 8 năm ngắn ngủi nhưng nhà tù này kịp có một vụ nổi loạn vào tháng Tám năm 1968, và cái tên LBJ (viết tắt của Long Bình Jail) từng ám ảnh và làm nhiều chú lính GI của Mỹ khiếp sợ, thà đối mặt với VC và rừng rậm nhiệt đới hơn là đưa vào đây chịu hình phạt, như mô tả của GS Cecil Barr Currey trong quyển sách mà tôi tình cờ đọc được trong thư viện phường cạnh nhà.

 

Bản thân là giáo sư đại học, và cũng là linh mục tuyên úy trong quân đợi, đồng thời là đại tá quân dự bị, Cecil B. Currey là tác giả của nhiều đầu sách về lịch sử chiến tranh, quân đội Hoa Kỳ, và đặc biệt là cuộc chiến Việt Nam, với một tác phẩm về Võ Nguyên Giáp. Câu chuyện về LBJ bắt đầu rõ nét nhờ cô sinh viên Jodie Johnson Conover trong một khóa học, và tiếp theo là hơn 100 nhân chứng - từ tù nhân đến quản giáo, và các lãnh đạo quân đội có liên quan - đã gặp và trả lời các cuộc phỏng vấn của tác giả. Có người tiếp tục làm việc trong các hệ thống nhà tù của Hoa Kỳ, và có người tiếp tục ngồi tù ở nước Mỹ vì các loại tội danh khác nhau, đều cùng phải chịu di chứng tâm lý sau thảm họa (PTSD - post-traumatic stress disorder). 

 

Những câu chuyện của họ cho thấy một bức tranh chi tiết hơn, thực tế hơn về cuộc chiến Việt Nam. Có những khu vực ở Sài Gòn (mà người viết bài này đang tiếp tục thắc mắc là khu nào?) mà quân cảnh da trắng của quân lực Hoa Kỳ ngại đi vào vì đã trở thành căn cứ của lính Mỹ da đen. Hay cũng có hành động mà nay đã đi vào từ điển tiếng Anh là fragging, phát xuất từ fragmentation grenade, tức là tình trạng cấp dưới ám sát chỉ huy. Theo ghi nhận của Currey trong năm 1970 chính thức có 363 vụ như vậy, so với trên 200 vụ được báo cáo trước đó một năm là năm 1969. Thậm chí người ta còn nhắc đến phần thưởng 10.000USD mà lính từ lữ đoàn 101 Air Mobile rao cho ai ám sát được viên chỉ huy đã ra lệnh tấn công ngọn đồi ở A Sầu mà sau trận đánh đẫm máu 10-20 tháng Năm 1969 được lính Mỹ gọi là Hamburger Hill.

 

Với thế hệ trẻ Việt Nam, có lẽ điều học được nhiều nhất từ quyển sách này là phương pháp "lịch sử từ lời kể (oral history), như sử gia Leopold von Ranke từng đặt ra, muốn kể câu chuyện lịch sử chính xác như nó đã xảy ra - wie es eigentlich gewesen war. Có lẽ không sử gia nào có thể làm được như vậy, và người viết sử từ lời kể phải xử lý nhiều vấn đề khác nhau. Các nguồn không nhất thiết lúc nào cũng kể lại chuyện đã xảy ra mà thường là những gì còn nhớ. [...] Thời gian khiến người ta quên đi nhiều, và ký ức được chọn lựa. Trí nhớ của chúng ta được hình thành qua nhân sinh quan và cá tính."

 

Tác phẩm Long Binh Jail - An Oral History of Vietnam's Notorious U.S. Military Prison được Brassey's xuất bản lần đầu năm 1999. GS Cecil Barr Currey từng dạy môn lịch sử quốc phòng ở Đại học Nam Florida ở Tampa.

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 2199
Ngày đăng: 30.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Du ký cùng Ryszard Kapuściński - Lê Hải*
Namur (Bỉ), một thành phố thơ mộng. - Lữ Quỳnh
Thế Nguyên & Nhóm Trình Bầy - Thế Phong
Khoảnh Khắc Mùa Thu Paris - Lữ Quỳnh
Sống - Nguyễn Hồng Nhung
Nhà Thờ St Paul’s, Một Kiến Trúc Tuyệt Vời - Lữ Quỳnh
Có Một Đà Lạt Ở Phía Nam Luân Đôn - Lữ Quỳnh
Viện Bảo Tàng Anh Quốc - Lữ Quỳnh
Đêm New York - Trần Hoài Thư
The National Gallery - Lữ Quỳnh
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)