“Tao còn trẻ, chết uổng quá…” Thoại im lặng. Một trận bão lớn đang đập vào mắt, vào tai, vào tim Thoại. Trong tôi, cơn bão đó quá dữ dội, nó tàn phá không còn để sót lại một chút gì hết. Tan hoang hết. Cơn siêu bão ấy đến với tôi cách đây vài tháng, và rồi khi nó dịu dần, sâu dần, khi nó trào dâng bạo liệt, nó cứ lên, cứ xuống không theo một quy luật nào hết. Tôi không còn cách xoay sở, phải đối mặt với nó. Một sự thật tàn nhẫn. Vâng, tôi sẽ đối mặt với nó với tư cách người đàn ông…
Bất chợt, Thoại chộp lấy tay tôi, “hay là mày ra nước ngoài kiểm tra lại?” và nó vội buông ra, quay mặt đi, dường như nó hiểu rằng câu nói vừa rồi là thừa thải. Nó là thằng bạn hiểu rõ tính của tôi nhất, không bao giờ tôi nói gì, làm gì mà không suy xét đến nơi, đến chốn. Khi tôi cầm trên tay ba kết quả xét nghiệm của ba trung tâm y học uy tín nhất nước, cái câu: “K gan lan tỏa, không chỉ định” nó nhảy xộc vào giựt sự sống của tôi quẳng đi và tôi biết cuộc đời của tôi đã đặt dấu chấm hết. “Mày còn nhớ thằng Trung không? Nó đang làm việc tại một bệnh viện ung bướu bên Mỹ. Tao photo bệnh án gửi cho nó nhờ nó xem có thể trị được không? Tất nhiên là tao không để tên mình, tao nói dóc là bệnh của người anh vợ. Nó điện thoại cho tao, nó bảo: “Xin chia buồn, không quá sáu tháng, anh ấy sẽ ra đi”. Đã thế, đi đâu nữa Thoại?” Thoại đứng bật dậy, hét lớn “Tại sao lại như vậy”. Nó lao vào ôm tôi và hai thằng đàn ông cùng khóc.
Khoảng tháng đầu tôi hoàn toàn sụp đổ. Hết rồi! Tất cả hết rồi! Gia thế đàng hoàng, trí chất vượt trội, làm ăn thành đạt, vợ con, gia đình êm ấm… Còn đòi hỏi gì nữa. Ông trời quá ưu ái, ông ta ban bố cho tôi đủ thứ tốt đẹp một cách từ từ, nhưng khi đòi lại thì quá vội vã. Một nửa kiếp làm người, tôi đã sống khá xứng đáng, chưa bao giờ tôi làm điều xấu và chưa bao giờ tôi biết hại ai. Tu thân, tích đức được cái quái gì chứ. “Giày dép có số, bù rầy còn có số…” Thằng Tiên nói rồi cười đắng khi cả nhà máy và kho lúa của nó bị cháy rụi, công tích góp mười mấy năm trời. Nhưng mà nó còn có cơ hội để làm lại. Còn tôi, không có cơ hội nào hết. Tôi vốn kín đáo từ lúc bé và sự kín đáo đó cũng là một phần bí quyết làm ăn thành công của tôi. Cơn bạo bệnh nó chỉ đến với tôi và chỉ một mình tôi chịu đựng. Hạnh phúc cần lan rộng, chia sẻ, còn đau khổ, bất hạnh thì sao phải liên lụy đến người thân ?. Đến giờ này, bệnh của tôi chỉ có tôi và thằng Thoại biết, mà nó vừa mới biết. “Bí mật này mầy phải giữ kín đến lúc tao ra đi. Hứa không ?” Thoại khẽ gật đầu. “Mày bản lĩnh thật, chứ như tao thì không biết phải làm sao ?”. Bản lĩnh ? Bản lĩnh rất cần có, đặc biệt là những lúc nguy hiểm, khó khăn. Bản lĩnh đối mặt với cái chết ? Ai muốn có bản lĩnh đó không nào ? Chua chát quá!.
Tôi trịnh trọng đặt chiếc hộp trên bàn. “Công việc, tài sản, tiền bạc, lời xin lỗi cha mẹ, anh em, sự chia sẽ với vợ và những điều dặn dò con cái, tất cả đều ở trong này. Mày phải giúp tao, sau khi tao chết ba ngày, mời tất cả người thân của tao họp lại và công bố nó. Lúc trước tao định ba tháng sau khi tao chết mới công bố nhưng tao nghĩ lại, thà đau cắt ruột một lần, còn hơn buộc họ phải gợi lại nỗi đau lần nữa”. Tôi đưa chiếc hộp cho nó, tay Thoại run run và tay tôi cũng run run. “Mày có ý định tự tử ?” “Không! Tao còn bao việc phải làm, chó còn muốn sống ăn cứt…” Thoại quay lưng lại, nó khóc nữa rồi. Sau này tôi sẽ không còn được nhìn thấy cái lưng cong cong của nó nữa.
Tôi và Thoại, hai đứa ngồi dựa hẳn vào thành ghế salon, im lặng hàng giờ. Chắc Thoại nhớ về kỉ niệm của chúng tôi, chắc Thoại không ngờ cuộc gặp gỡ hôm nay mang lại nỗi đau oặn thắt trong lòng. Cảm giác của Thoại, cảm giác trò chuyện với người sắp chết… Riêng tôi, lúc này đây, đầu óc rỗng tuếch, con tim nguội lạnh, nghĩ thì đã nghĩ tận rồi, đau thì cũng đau tận cùng rồi, việc cần làm thì coi như đã gần xong rồi…Tự định ngày ra đi ? Có được mấy người làm việc này nhỉ ? Ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh – khai mạc Olympic Bắc Kinh: 08 giờ, ngày 08 tháng 8 năm 2008 – thế giới này bớt đi một con người, cầu Nại Hà sẽ có một hồn ma vật vờ đi qua. Cố bám víu lấy sự sống trong tình trạng oằn oại cơn đau, oằn oại lòng đau của người thân để mà làm gì. Tôi không muốn thi thể mình bị biến dạng, vặn vẹo, xấu xí, hãy để hình ảnh đẹp của người cha trong mắt hai thiên thần nhỏ quý hơn ngọc, hơn vàng. Tôi đã quyết…
“Còn một việc cuối cùng…” Cuộc sống quá thú vị như vậy mà mình phải ra đi ? Em đến với tôi bất chợt như cơn mưa rào trong nắng hạn, ngọt ngào như hương mai buổi sớm và rời xa nhanh như cơn lốc đầu mùa. Em để lại trong tôi sự ngọt ngào trinh nguyên của một tình yêu đích thực. Sự chung thủy là cái gì nhỉ ? Tôi yêu em và tôi vẫn yêu vợ, hai nguồn tình cảm này vẫn đong đầy như nhau. Pháp luật và đạo đức luôn chế ngự con người đi theo quy chuẩn và điều đó là cần thiết, nhưng con tim thì không thể bị giam cầm. Bất ngờ tôi gặp em và ngay ánh mắt đầu tiên em đã cuốn trôi tôi ra biển cả. Một sự rung động chết người, cái cảm giác mà hơn mười năm trước khi tôi gặp Xuyến - vợ tôi bây giờ - nó làm cho tôi thẩn thờ trong một thời gian dài. Tôi luôn tìm mọi cách để gặp em, mọi cách. Và rồi, em cũng hiểu tình cảm của tôi, ánh mắt em đã nói lên điều đó. Trong giấc mơ tôi gặp em, nồng nàn ân ái, và chỉ có thể là giấc mơ, làm sao tôi nói yêu em, làm sao tôi được gần em khi tôi đã có vợ còn em đã có chồng. Nhiều đêm, rất nhiều đêm, bên Xuyến mà tôi ngỡ đang nằm cạnh bên em…
Nếu như trên đời này có sự định lượng về hạnh phúc thì tôi phải là người đứng đầu danh sách của hàng tỉ người khi tôi nhận được tin nhắn của em. Cái tin nhắn này có thật hay là tôi ảo tưởng ? Tôi mừng như chưa bao giờ được mừng và tôi sợ! Tôi mong mau đến giờ để gặp em nhưng tôi lại muốn nó đừng đến. Tôi sẽ nói gì với em ? Tôi xử sự sao với Xuyến ? Vì đâu mà em chủ động hẹn tôi ? Tôi không lý giải được. Tim tôi rộn ràng, lý trí tôi dằn xé, chưa bao giờ tôi tự mâu thuẫn với mình như lúc này. Nếu đến với em có phải tôi là người phản bội ?. Tôi thật lòng yêu em chứ không phải sự mong muốn chiếm đoạt, không phải sự thèm khát của giống đực và giống cái…
“Trong thẻ tín dụng này có hai trăm bốn mươi triệu đồng…” Thoại tỏ vẻ thắc mắc, tôi giải thích: “Nó bằng giải độc đắc hai tờ vé số, cô ấy nếu nhận sẽ dễ giải thích với mọi người”. Em đến với tôi ân cần, tự tin và tự nhiên đến không ngờ, cứ như em là của riêng tôi tự bao giờ. Tôi và em thuộc về nhau chỉ có một buổi chiều, chính xác hơn là 180 phút kể từ lúc tôi bước vào phòng và đến lúc em bước ra khỏi cửa. Đời người có mấy ai được những phút giây nồng ấm ngoài chồng ngoài vợ như tôi và có lẽ như cô ấy nữa ? Và chừng bấy thời gian thôi đủ để tôi biết ơn em, đủ để tôi tôn thờ, quý trọng. “Việc này khó. Mầy cố uốn ba tất lưỡi để cô ấy nói lên bí mật, không hiểu sao tao cứ nghĩ thằng bé đó là con của tao. Nếu tao còn sống thì tao sẽ làm việc này nhưng phải vài mươi năm sau. Nếu nó là con tao, mầy cố thuyết phục cô ấy nhận số tiền này, còn không phải, mày tìm cách trả về cho vợ con tao. Cô ấy là người sâu sắc và tự trọng, nếu không phải là con tao thì mày không được nửa lời nói chuyện tiền nong. Mày là người thứ ba biết chuyện nhưng nó vẫn là bí mật, hiểu chứ”. Thoại nằm im, mặt hướng lên trần nhà, nó không nói, không gạn hỏi gì cả, nó chỉ nghe, dường như nó muốn nghe thật nhiều, nó sợ sau này không còn được nghe tôi nói. Chắc chắn em sẽ buồn thật nhiều khi hay tin tôi mất và em cũng không thể ngờ điều đó xảy ra. Không thể ngờ! Kể cả tôi cũng không thể ngờ…
Em khoát túi lên vai, nhìn sâu vào mắt tôi. “Em đến với anh tự nguyện và em rất hạnh phúc. Nhưng, chúng ta chỉ có duy nhất hôm nay thôi… Em và anh mỗi người đã và đang có một thế giới riêng. Một lần, một đêm hay một trăm lần, một trăm đêm có gì khác nhau ? Cái quý là tinh túy của nó anh ạ. Em mãi mãi yêu anh…” Em bước ra khỏi phòng. Em đến với tôi bất chợt và ra đi thanh thản.
Không biết ngày tôi chết em có kịp đến thắp nén hương…