Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.207.797
 
Một cái Tết ở Hà Nội
Thảo Bích

Chiều 30 Tết năm đó cả Công ty đa số là dân Nam bộ rộn rịp cả lên, vé tàu Thống Nhất mua trước đó cả tháng. Tôi thì tay xách nách mang lỉnh cà lỉnh kỉnh, cô Thủy kế toán lại còn “nâng như nâng trứng” cả một cành đào trùm kín bằng mấy tờ báo Nhân Dân cũ…

 

Thế là thêm một cái Tết nữa tôi về nhà muộn, cái số tôi hình như chuyên đón giao thừa nơi đất khách, Tết năm trước thì ngày cuối năm lại trầm ngâm trên chuyến tàu cao tốc đi Thẩm Quyến. Tết năm nay thì lại bắt trúng cái thăm trực ngày mùng 1.

 

Cũng còn may là tôi trực chung với Lâm, thằng bạn thời thanh niên xung phong quê ở Vĩnh Long, chẳng phải phân biệt “chủng tộc” gì… nhưng hai thằng đồng hương cũng có chút ấm áp cái tình Nam bộ!

 

Hình như cả cái nắng chiều ngày 30 cũng có vẻ khác hơn mọi ngày, nó nhẹ hơn và thênh thang đâu mãi cuối chân trời.

 

Đứng trên lan can lầu bốn, tôi nhìn xuống chợt nhận ra rằng cái công ty mà mình phục vụ suốt mấy năm trời sao hôm nay lại rộng lớn đến thế, mấy dãy nhà để xe nhân viên trống vắng, phía ngoài cổng loáng thoáng bóng chú Nghiêm bảo vệ ra vào…

 

Có lẽ trong cái se lạnh của buổi giao mùa, trời Hà Nội cuối đông là nơi làm cho người ta nhớ nhà nhất, hơn bất cứ nơi đâu.

 

Quay vào, tôi gặp Lâm ngay chân cầu thang:

 

- Làm gì thì làm chứ đã ở lại thì cũng tổ chức chút gì chứ Lâm?

 

Lâm cười hồn nhiên:

 

- Dĩ nhiên, tao với mày làm một tiệc giao thừa cho “ngon lành”, má tao gởi mấy đòn bánh tét, công ty lại cho mình bánh chưng Hà Nội, sao lại không ăn một cái Tết cho “ra trò” đúng không?

 

Thế là “thiên tài’’ chuyên gây ra sự cố của công ty tôi “lên’’ ngay một kế hoạch mừng Xuân chỉ có hai thành viên tham dự.

 

May cho tôi là dân chuyên “ăn cơm khách, ở khách sạn” nên được miễn cái khoản nấu nướng và nhận phần… đi chợ.

 

Chưa có cái chợ nào lại đông người như cái chợ 30 Tết ở Hà Nội, cầm trên tay cái miếng giấy trong đó liệt kê những thứ phải mua dài loằng ngoằng như tờ sớ táo quân, vã cả “mồ hôi mẹ lẫn mồ hôi con” hơn hai tiếng đồng hồ mới hoàn thành công việc mua sắm… rồi lại thêm ba mươi phút mới đưa được cái xe ra khỏi bãi gửi xe, vậy mà khi về đến, tên bạn đồng hương của tôi “kiểm hóa” thấy thiếu mấy củ tỏi là chẳng tế nhị, tế tam gì cả, liền “phang” ngay cho tôi một câu:

 

- Đúng là ông thuộc về trường phái lãnh đạo, chỉ biết ăn mà không hề biết nấu, đã vậy, đi chợ đi búa cái kiểu thiếu đầu thiếu đuôi thế này thì… chết được!

 

Tôi tự ái, liếc xéo một cái rồi bỏ lên phòng trực, coi vậy chứ Vĩnh Long và Tiền Giang cách nhau chỉ có cây cầu Mỹ Thuận, tên chuyên “gây rối” “tả xông hữu đột” trong nhà bếp một mình, đến chiều lên đập cửa phòng tôi:

 

- Xuống ăn cơm, “ông nội”.

 

Đến bây giờ tôi mới thật sự hối hận khi nghe theo Lâm bày ba cái vụ cơm nước, quả là quá nhiêu khê, nếu đói tôi chỉ cần tô phở ngoài lề đường Cửa Nam là xong chuyện, tôi lững thững đi xuống nhà ăn tập thể, đi ngang phòng trực bảo vệ, nghe Lâm đang “dụ khị” bác Tư:

 

- Cuối năm, trời lạnh, ta làm vài ly cho nó ấm lòng bác nhỉ? Cháu còn chai Bầu Đá mua hôm đi công tác Quy Nhơn chưa khui, hay là…

 

Bác Tư bảo vệ là một cựu binh của Binh đoàn bảo vệ Thủ đô thời chiến tranh kéo mấy hơi thuốc lào rồi  chậm rãi trả lời:

 

- Thôi cám ơn các cậu, bảo vệ mà nhậu nhè theo các cậu chẳng mấy chốc bị sa thải về đuổi gà cho vợ mất… Cám ơn.

 

Hai tiếng “cám ơn” cuối câu nghe sao mà “chõi” quá thể, được cái, Lâm vốn có biệt danh là Lâm “I-nốc” nên chẳng có chút gì tự ái cả, nó cười hề hề:

 

- Không sao, không sao…

 

Thấy vậy chứ hắn ta cũng có vẻ “cảnh giác”:

 

- Tui với ông “lớt lớt” chút thôi, “ông già” chẳng những không tham gia mà còn báo cáo với “sếp” thì phiền lắm đó.

 

Trong phòng ăn tập thể với cái bàn dài mười mét chỉ có hai thằng đón Xuân tha phương cũng ấm cúng với trái dưa hấu nhỏ xíu và lỉnh kỉnh hai ba món “mồi”  Nam bộ.

 

Cái “lớt lớt” mà Lâm nói đó, nó kéo dài tới tận giao thừa, Tết năm đó, ngoài bờ Hồ lại tổ chức bắn pháo hoa, tôi lảo đảo trở lên phòng trực trong khi Lâm đang ngủ ngay trên bàn trong tiếng lụp bụp của pháo hoa ngoài hồ Hoàn Kiếm.

 

Sáng mùng 1 Tết, bên Thương khẩu lại gọi điện đến Công ty cho người sang nhận hàng… Quả thật là một sự kiện đáng phiền vào ngày đầu năm, bằng một cái giọng nói chẳng có gì là “vui như Tết’’, tôi càu nhàu:

 

- Trời đất, mới sáng mùng 1 mà phải đi nhận hàng sao “người đẹp’’?

 

Đầu dây bên kia, một giọng oanh vàng trong như khánh ngọc đúng “tông’’ Hà Nội:     

 

- Dạ vâng, nếu Công ty không nhận ngay thì em cho nhập kho, đến ra giêng anh sang cũng được ạ… nhưng tiền cước lưu kho là hai trăm năm mươi nghìn một ngày đấy ạ!

 

Nghe đến cước lưu kho là tôi chẳng còn dám ngủ nghê gì cả, xách cặp xuống gọi tài xế trực và xuất hành đầu năm… Cả thành phố Hà Nội như rực rỡ đủ màu sắc của quần áo mới, cờ hoa…

 

Đến trưa, về công ty, giao cho Lâm nhập hàng xong, hắn ta bước ra hông kho hàng ngoắc tôi lại, thậm thà thậm thụt như chuột, hắn nói vào tai tôi:

 

- Lúc mày đi Thương khẩu, tao bắt gặp một con chó mực nó ăn vụng nồi thịt kho của mình… nóng quá, tao khệnh có mấy cây gài cửa, sao mà nó chết queo.

 

Tôi trợn mắt nhìn tên bạn chuyên môn gây ra sự cố:

 

- Trời đất, mày đuổi nó đi là được rồi, đầu năm đầu tháng mà Lâm!

 

Tên bạo chúa gãi đầu gãi tai:

 

- Tao đâu có cố ý!

 

Tôi bất giác nhìn ra chốt bảo vệ:

 

- “Nó” đâu rồi?

 

Lâm cười hề hề:

 

- Tao “linh động” bỏ vào bao lấy xe chở ra cổng sau rồi.

 

Tôi nhăn nhó:

 

- Rồi “ông nội” quăng nó ở đâu?

 

Lâm lại cười:

 

- Sao lại phí phạm vậy ông bạn? Tao đưa cho quán cầy ngoài bờ đê làm giúp, coi như chia năm năm, nó phân nửa, mình phân nửa, ra món nó nấu tính tiền công và gia vị, tao hẹn bốn giờ chiều nay ra “nhận hàng”.

 

Hình như trong lòng tôi vừa phát xuất một chút gì đó áy náy, thật lòng mà nói, tôi cũng chẳng lấy gì làm khoái khẩu cái món “Nai đồng quê” này cả… nhưng mọi chuyện đều “đã rồi”, thôi thì…

 

Chưa đến bốn giờ, Lâm đã vội vã lấy chiếc 50 chạy ù ra phía đê Yên Phụ và máng về một “cà mèng” lớn với lỉnh kỉnh rau sống, cà pháo, mắm tôm.

 

Cẩn thận Lâm khép cửa nhà ăn lại, hai thằng đang “chén chú chén cha” thì có tiếng đập cửa, tiếng của bác bảo vệ:

 

- Cái nhà cậu gì trực văn phòng ơi, có khách đến tìm đây này.

 

Đang “ngàn lần sảng khoái” chẳng nghĩ ngợi gì, tôi thản nhiên ra mở cửa, bác bảo vệ đang đứng cạnh một bà cụ co ro hai ba lần áo ấm, tôi ngờ ngợ nhớ chẳng ra là đã gặp vị khách bất ngờ đầu năm này ở chỗ nào nữa. Đó là một bà cụ có một gương mặt đầy đặn, duy có điều trong ánh mắt của cụ hình như có một chút hằn học nào đó, trên tay cầm cái thúng nhỏ được đậy cẩn thận bằng cái bao xi măng cũ.

 

Khi bác bảo vệ bước ra, bà cụ thoáng nhìn tôi rồi bước hẳn vào, Lâm đang thản nhiên gặm miếng sườn chó, bà cụ đứng lặng nhìn toàn cảnh trên bàn vương vãi những xương cùng thịt, hình như cụ vừa thở dài vừa đặt cái thúng lên cạnh bàn:

 

- Đây này, tôi mang luôn năm con chó con cho các cậu xơi nốt, tha hồ mà đón mừng Xuân mới nhá! Chỉ tội lũ cún con còn bú mẹ, sao lại có thể ác tâm đến thế nhở?

 

Tôi lí nhí cái câu gì đó, chắc hẳn là rất vô duyên, tôi chợt tỉnh hẳn ra, hình như một quả bom sáu tấn vừa nổ ngay tai tôi, mặt tôi đỏ bừng, không phải vì cái men của chai “cuốc lủi” mà chỉ vì xấu hổ quá đi thôi.

 

Tôi mang tâm trạng của một kẻ đồng phạm trong một vụ án sát nhân mà nạn nhân lại là một bà mẹ của năm đứa con nheo nhóc mồ côi mồ cút!

 

Có lẽ tôi đã quá nhạy cảm nhưng những tiếng kêu đòi sữa của lũ chó con trong lúc đó làm tim tôi như ngừng đập, tôi tỉnh hẳn ra để mà lí  nhí nói lời xin lỗi trong khi Lâm thộn mặt nhìn bà cụ mà chẳng thốt được lời nào. Tôi van nài bà cụ vui lòng mang giùm lũ chó con về, xin được bồi thường và mong bà tha thứ cho chúng tôi trong những ngày đầu năm… trót dại.

 

Bà cụ phúc hậu cuối cùng cũng thở dài đồng ý sau khi tôi vét hết mấy trăm đồng còn lại trong túi trao cho cụ.

 

Sáng ngày mùng 2 Tết, sau khi bàn giao ca trực cho bạn đồng nghiệp, tôi ra đại lý Việt Nam Hàng Không chịu phí 10% xin hủy vé rồi thơ thẩn ngoài phố, lòng buồn rười rượi, đến phố Quan Thánh gần chợ Đồng Xuân, tôi chợt dừng lại nhìn một con chó mẹ đang thản nhiên nằm cho con bú, lũ chó con tranh ăn như những chú bé bụ bẫm hồn nhiên trong nắng Xuân rực rỡ trước thềm một ngôi nhà cổ, trước sân nhà cây đào cổ thụ trổ bông mượt mà.

 

Hình như trong lòng tôi, một nỗi muộn phiền và loáng thoáng chút niềm trắc ẩn đang vỡ òa, tôi lại tự trách mình sao lại có thể nhẫn tâm đến vậy, phải chăng tôi đã vô tình làm tan đàn rẽ nghé một mái ấm dù chỉ là một mái ấm của loài vật? Rồi lũ chó con vắng mẹ trong những ngày đông giá lạnh này sẽ ra sao?

 

Dù thực ra không phải là lỗi ở chính tôi nhưng sao tôi vẫn thấy trĩu nặng một chút muộn phiền.

 

Và điều gì xảy ra cũng đều có cái giá phải trả, đúng ngày mùng 10 Tết năm đó, tôi và Lâm được Ban giám đốc Công ty “mời” lên thông báo cho nghỉ việc vì đã vi phạm điều lệnh trực ban.

 

Lúc gặp nhau ở phòng Tài vụ nhận lương nghỉ việc, tôi và Lâm chỉ cười buồn mà không ai nói được tiếng nào… và không hiểu vì sao từ dạo ấy, tôi chẳng tài nào nuốt nổi một miếng, dù chỉ là một miếng thịt cầy.

 

Hà Nội, tháng 12/2004

Thảo Bích
Số lần đọc: 2325
Ngày đăng: 23.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nổi đau - Mai Bửu Minh
Rác biển - Vũ Hồng
Tiếng thì thầm trong đêm - Lê Minh
Tình bạn - Phạm Thị Ngọc Ðiệp
Vườn xoài ngoại ô - Phong Hân
Qua cơn bịnh - Anh Động
Suối nắng - Anh Động
Trên những con đường - Kim Quyên
Chuyện nàng Mimô - Trần Kim Trắc
Công an xã - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả
Cái ra-dô cũ (truyện ngắn)
Con khỉ nhà 3B (truyện ngắn)