Tôi lẩn thẩn bước tới bước lui bên gốc cây bần già trên bờ con sông nhỏ. Con sông tuổi thơ và cây cầu nối đôi bờ… Bức họa đã vẽ xong. Một lá trúc vàng đã bị gió đẩy vô tình dán vào bức họa, ngay trên ngực áo của em. Bức họa nầy nó đã in sâu đậm trong tâm trí, tình cảm của tôi bao năm qua – cả thời trai trẻ và cả sau này nữa – tôi định sẽ không bao giờ vẽ nó ra để cho người khác thấy. Nhưng hôm nay, không rõ do đâu mà tôi không cưỡng được mình, nét bút cứ chảy ra và dường như máu tôi cũng chảy ra nữa. Bức họa này chỉ dành riêng, chỉ có giá trị đối với tôi và một người nữa. Vâng, một người nữa thôi.
Dòng nước nhửng ròng lờ đờ ngầu đục, một con cá thòi lòi lẻ loi rẽ nước làm dạt mấy cánh bông bần tim tím. Phù sa quê hương cứ trôi ngược xuôi cho con sông bên lở bên bồi. Còn tôi? Cuộc đời tôi đã và đang trôi về đâu đây? Đâu rồi gốc dừa già nằm trườn trên mặt nước để lũ chúng tôi leo lên ngọn rồi co chân nhảy ra rơi tỏm xuống sông, đùa nghịch với nhau đến đỏ con mắt vào những buổi trưa hè.
Đâu rồi chỗ em ngồi giặt áo não ruột câu ca dao…
- Ngọc nè! Từ rày mình đừng đi học chung nữa nghen.
- Sao vậy Dung?
- Tụi bạn nó chọc…
- Ừ… Nhưng, cho Ngọc ra đây nói chuyện với Dung.
- Chi vậy. Mà chỉ khi nào có một mình Dung Ngọc mới được đến…
Ánh mắt của người con gái ngày xưa và ánh mắt của người thiếu phụ bây giờ sao vẫn ngọt ngào, đầm ấm, có khác chăng ở người thiếu phụ là sự hờn trách kín đáo. Ông Giang Nam ơi, ông có bến nước cầu ao của ông, tôi cũng có chốn nầy để mỗi khi nhớ về lòng oặn thắt. Nhà thơ ôi, ông có cô bé cạnh nhà tôi cũng có Dung chờ đợi. Tình tôi cũng đẹp như thơ, như tranh… Tại sao tôi không chết? Không chết đi ở chiến trường để mãi mãi trong lòng em tôi là một người đàn ông? Khốn nạn thật. Tôi lang bạt kỳ hồ để cố quên em, để tránh né em và tránh né cả bản thân mình. Có cần như vậy không? “Bông bần này Dung ép vào vỡ lâu rồi, từ hồi mình còn học lớp 9. Hôm qua Dung đến chùa, Dung xin với phật cho anh cái bông bần này làm bùa hộ mệnh. Đi ít năm rồi về, Dung đợi…” Vài lần trong năm thi thoảng mới tạt về thăm cha mẹ già, không dám nhìn ra chốn xưa, bày trò say khướt với bạn bè để cố mà quên. Mày trốn đâu Ngọc ơi. Mày là thằng hèn. Tại sao mày không chết, như vậy có phải hơn không. Tại sao định mệnh không ban cho em hạnh phúc, yên ấm bên mái gia đình mà bắt em phải quá bụa khi tuổi thanh xuân tràn sức sống. Một cuộc sống bình thường, rất bình thường mà cả tôi và em cũng không có được…
- Nghệ sỹ ngồi nhớ tình củ. Nỗi đau êm dịu, đẹp và lãng mạn. Ông vẽ…?
- Đến hồi nào? Vào nhà đi. Ngọc cố tình lẫn tránh câu hỏi của Toàn.
- Nảy giờ. Thôi, ngồi đây nói chuyện chơi. Tóc bạc gần hết rồi ông bạn.
- Ngắp nghé năm mươi, tóc bạc có gì để nói.
Ngày rồi đêm, tháng rồi năm, cứ thế qua đi, khi hồi tưởng lại ta cứ ngở như mới hôm qua, như mới đó. Hai người bạn cả thời thơ dại chung ghế nhà trường, cùng rượt còng nhịp ngoài bãi biển, cùng nướng khoai lang lùi, đốt lá dừa nước ở gốc dương trên nỏng cát bà ba Tầm. Lớn lên, hai người cùng nhập ngũ một ngày, cùng bồi hồi trong buổi tiển đưa, cùng là người lính chiến đấu trên đất Ăng co.
Chiều buông, ráng đỏ hàng thốt nốt, hai đứa rưng rưng nhớ nhà. Ngọc thèm món canh chua cá ngát nấu với trái bần chín bao giờ cũng bát ngát mùi ngò ôm, nhớ tiếng cười sang sảng của ba khi thắng chú năm ván cờ tướng. Toàn thèm hương vị bánh canh tép lột má nấu, sáng sáng gánh ra bày bán ở ngã ba Đình cho những ngư dân nghèo tần tảo, ăn no dạ để vật lộn với sóng biển… Biết bao nhiêu là nhớ về cái xóm ven biển quê nhà, nghèo nhưng ấm áp tình làng nghĩa xóm. Và, nhớ nhất là nụ hôn đưa tiển của người yêu…
Toàn hỏi: “Lúc bị thương, ông có nghĩ là sẽ chết trên đất bạn không?” “Vậy càng tốt”. “Nói điên”. Ngọc và Toàn hít thuốc lá, không gian tỉnh lặng.
Mấy ngày sau mới hay Ngọc bị thương nặng, Toàn ngồi đứng không yên. Thương tích nặng tới mức nào đây? Rủi mà Ngọc… Toàn không dám nghĩ nữa. Ngọc có dáng dấp nho nhã, da trắng, mắt đen, thoạt nhìn giống những thằng lĩnh kiểng nhưng đánh giặc thì trí dũng có thừa. Nhớ lần đó, vào một buổi chiều Ngọc leo lên ngọn cây thốt nốt già quan sát, anh ta ngồi lì trên đó hàng tiếng đồng hồ. Lúc xuống, anh em hỏi có thấy gì không? Ngọc đáp: “Dòm mãi mà chẳng thấy bóng đám dừa xóm mình”. Cả bọn cười ồ. Tối lại, Ngọc rủ Toàn lén đi đánh, lối đánh của đặc công. Toàn hỏi: “Bộ mầy tức thằng Kha châm chọc rồi liều hả?” “Không liều, bảo đảm ăn chắc. Đánh cho thằng Kha phục nhưng lập công là chính. Đánh mà bỏ mạng thì ý nghĩa gì. Đi không tùy mầy”. Không ngờ Ngọc đã tính toán chính xác, chỉ tung có mấy trái lựu đạn diệt hơn chục tên Khơ – Me đỏ. Ngọc được xét thăng cấp trước niên hạn và được đề bạc làm tiểu đội trưởng. Thằng Kha ra mặt gọi Ngọc là đại ca…
Toàn xin phép đơn vị đi thăm Ngọc. Từ nơi đóng quân của Toàn đến quân y viện không xa nhưng đường đi khó khăn, qua đèo qua suối hiểm nguy, bị đe dọa trước những mũi súng chui nhủi của đám tàn binh Pôn – Pốt. Đại đội trưởng bảo Toàn đợi tuần sau có chuyến cùng tháp tùng đi với gánh hậu cần. Toàn nóng lòng, không thể đợi đến tuần sau, nếu như ngộ lở Ngọc ra đi thì anh ân hận suốt đời. Toàn tha thiết xin tiểu đội trưởng cho anh đi, dấu không cho đại đội trưởng biết. Thương Toàn, tiểu đội trưởng đồng ý. Đến quân y viện, Toàn chết lặng khi thấy Ngọc cả người trắng xóa bông băng, một khúc chân bị mất, má hốc, môi khô thảm hại. Ngọc thì thào: “Nhớ đừng cho… gia đình và… Dung hay nghen”. Hơn hai mươi năm rồi mà nhớ lại Toàn thấy lòng nặng trỉu…
- Tranh ông đoạt giải nhất và gởi triển lãm nước ngoài, nổi danh rồi nhé.
- Danh vọng cái quái gì. Gởi niềm đau vào ngòi bút…
- Sao hôm nay nói chuyện vớ vẫn vậy. Thất tình à? Bộ cô nhà thơ trẻ “bay” rồi hả?
Cái chuyện cô nhà thơ trẻ, ngực lồ lộ sức sống, mặt tươi như sen đồng yêu đắm đuối cái ông (không phải ông), cái thằng (cũng không phải thằng) họa sĩ cà tàng lại bay về tới tận xóm biển xa xôi nầy rồi sao? Tội nghiệp cho nữ thi sĩ và cũng tội nghiệp cho cả thằng tôi.
“Anh có bay tít ngàn mây
Trốn vào sắc màu biến tấu
Anh cố trốn vào anh
Em có cách đi tìm…”
Thi sĩ ơi, tôi đã trốn gần như cả đời rồi. Tôi không trốn em và tôi sẽ không trốn ai hết. Có điều tôi không thể yêu em, không thể…
- Hồi sáng trên đường về nhà mình gặp Dung. Ngọc nói vẽ xúc động.
- Vậy à! Lâu nay gặp ông tôi không dám nhắc tới cô ấy, sợ chạm vào nổi đau. Ông nghe đây, cái hôm anh em mình xuất ngũ về, Dung ra huyện đội đón ông. Cô ấy đứng lặng lẽ trong góc sân, nhìn từng người bước xuống xe. Không thấy ông, cô ấy lùi lại, tay vịn vào thân cây bàn, cô khóc và dường như sắp ngã quỵ. Tôi bước lại, cô nhận ra tôi và chụp lấy tay tôi hỏi trong tiếng nấc: “Anh Ngọc đâu, tại sao anh ấy không về”… Chờ cho Dung bình tỉnh lại tôi mới nói thật là tôi chẳng biết ông ở đâu nhưng tôi cam đoan chắc chắn với cô ấy là ông chưa chết… Ông khiến tôi khó xử, không biết ăn nói sao với Dung và với hai bác nữa. Cũng may ít hôm sau ông gửi thơ về, nói là đã lấy vợ, một thời gian nữa ổn định cuộc sống mới về thăm quê. Dù biết rằng ông đã lập gia đình nhưng Dung vẫn chờ ông vài năm nữa. Hai người yêu nhau bao lâu thì tôi không rõ nhưng Dung chờ ông từ lúc ra đi đến khi lấy chồng hơn bảy năm. Ông ác quá.
- Dù là bạn chí thân nhưng có những chuyện ông cũng không thể hiểu đâu.
- Đúng. Tôi không hiểu nổi. Sau cái lần tôi đến thăm ở quân y viện, ông biệt tăm luôn. Ở trại điều dưỡng nào ông cũng không cho gia đình hay và cả tôi ông cũng giấu. Tưởng vì mặc cảm thương tật, tưởng rằng ông có cô y tá nên bận bịu gia đình. Tất cả do ông bịa và mọi người bị mắc lừa. Một thân một mình, lênh đênh đời họa sỹ, thành tài, nổi danh. Ông giỏi thật.
- Tôi đã nói giỏi cái gì, danh vọng cái quái gì? Dẹp ba cái chuyện vặt ấy đi. Ông nói tiếp về Dung xem.
- Theo tôi được biết, chồng Dung là một anh chàng tốt, đẹp trai hơn ông, chí thú làm ăn, lo lắng và thương yêu vợ. Cuộc sống của họ cũng khấm khá. Nhưng trời không chiều người, anh ta chết cùng hơn chục thủy thủ đi trên tàu đánh cá trong con bão biển tai ác, đến xác cũng tìm không thấy. Tội nghiệp Dung, số cô ấy khổ. Chồng chết nên cô ấy dọn về xóm mình mở tiệm may. Ông vẫn còn yêu Dung phải không?
- Đúng. Nói chính xác là tôi luôn yêu Dung chứ có mất đâu mà còn. Giữa cô nhà thơ trẻ, có danh vọng, con nhà giàu có và Dung, bây giờ nếu có thể chọn, tôi sẽ chọn Dung. Tôi nói: “Nếu có thể…”
*
* *
Ánh trăng non yếu ớt xiên qua kẻ lá dừa nước. Tôi bước thấp bước cao men theo con đường nhỏ song song với dòng sông, tìm đến nơi ngày xưa tôi và Dung hò hẹn. Xa xa, tiếng chim bìm bịp kêu nước lớn nghe man mác buồn. Cũng tầm này đây, cũng như đêm nay, trăng non yếu ớt, gió thổi xào xạt đám lá ven sông. Bên gốc cây sao già, lần đầu tiên chúng tôi bồi hồi, run rẩy ôm hôn nhau trong vòng tay, ngập ngừng nói lời yêu và hứa chờ đợi nhau mãi mãi. Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng của mối tình duy nhứt. Vâng. Đối với tôi mãi mãi duy nhứt. Cảm giác ấy đã sống trong tôi, đi theo tôi khắp nơi trong suốt thời gian qua và có lẽ cho đến khi chết. Cái bông bần hộ mệnh, khô khóc cong queo không còn ra hình thù gì vẫn còn nằm trong túi áo của tôi có lẽ cũng linh nghiệm. Tôi vẫn sống và trở về. Chỉ có điều, chắc em quên không van vái cho cái thân thể tôi lành lặn. Cái mạng thì còn, cái thân thì mất… mất rồi…
- Anh Ngọc. Em biết anh sẽ đến mà.
- Em chắc vậy? Tôi không chút ngạc nhiên khi nghe tiếng em gọi. Tôi nghĩ có lẽ em sẽ đến, vì tôi biết em vẫn yêu tôi. Trong tình cảm của em tôi vẫn là Ngọc của những ngày mới lớn. Nhưng tôi lại mong em đừng đến dù chúng tôi không hề hẹn nhau.
- Anh ngồi xuống đi. Nhớ chỗ anh ngồi không? Tôi lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh em, đúng nơi mà xưa kia chúng tôi đã ngồi. Sau một lúc yên lặng, Dung chủ động nói:
- Anh Ngọc, nhiều năm rồi em luôn mong mỏi gặp lại anh để được nghe chính anh nói rõ vì sao anh không trở về. Không hiểu sao em cứ mơ hồ có cái gì đó cản ngăn anh. Em biết anh không phải là hạng người bạc tình bạc nghĩa. Nhưng tại sao? Tại sao anh dối em, anh nói đi… Dung nắm chặt tay tôi và em khóc…
- Biết nói gì với em đây. Dung…
- Dù cho thế nào đi nữa, dù anh có bị trăm ngàn thương tật anh cũng về với em, em chờ anh khoắc khoải mà. Hay là anh khinh em? Anh có biết, anh đi rồi đêm nào em cũng cầu nguyện phật trời phù hộ cho anh. Anh có biết, nhận được lá thư nào của anh em cũng đọc đi đọc lại, em giữ nó trong ngực áo, sợ nhàu giấy, sợ nếp gấp làm nhòa nét chữ em ủi cho phẳng, đêm đêm lấy những lá thư gối đầu mới yên giấc. Sáng dậy sớm, đem giấu sợ mấy đứa em bắt gặp nó cười. Đây này, tất cả hãy còn nguyên vẹn. Sao anh bỏ em, sao anh không về, anh Ngọc…
Trời ơi, những lời tâm sự của em như muôn ngàn con ong châm chích vào da thịt tôi nhức nhối. Tôi phải làm gì đây, nói với em như thế nào đây?...
- Khi nhận được lá thư cuối cùng của anh sau hơn một năm vắng bặt, em mừng quýnh, vội chạy vào buồng đóng cửa lại. Mắt em hoa lên và em ngất lịm. Lúc tỉnh dậy, em xé tan nát nó ra, xé như xé tim mình. Em hận anh… Anh nói đi, do đâu mà anh phải dối em. Cô y tá nào đã tận tình chăm sóc cho anh, tình yêu nào, người vợ nào anh có?...
Biết làm sao được Dung ơi! Đời anh bất hạnh hãy để một mình anh gánh chịu. Anh không cố nặn ra cô y ta tá hết lòng yêu anh, lo cho anh từng giọt sữa thì chẳng lẽ em phải chờ anh đến cả cuộc đời này? Anh cầu mong ngày tháng nguôi ngoai, em sẽ quên anh. Anh không dám về quê, đến khi hay tin em lấy chồng anh mới trở về thăm cha mẹ, bạn bè. Anh rất thèm gặp lại em dù chỉ một lần, nhưng không thể. Hết rồi, Dung ơi, tất cả đã hết rồi…
- Em có chồng, mặc dù được anh ấy yêu thương nhưng tình cảm của em luôn trống vắng, em có lỗi với anh ấy. Em oán hận anh nhưng lại luôn nhớ về anh. Khi biết được anh bị thương tật và chưa hề có vợ em càng đau khổ hơn, cuộc sống buồn hiu, ra vào như cái bóng. Em có tội gì mà anh bắt em phải khổ, anh Ngọc, anh nói đi…
Ngọc thấy đầu óc mình choáng váng, người nóng ran như lửa đốt. Ngọc đứng bật dậy trong vô thức, bước giật lùi và nói gần như hét:
- Em biết để làm gì?... Được rồi, em nghe đây, nghe cho rõ đây: Anh không còn là thằng đàn ông, anh không chỉ bị cụt mất cái chân. Anh không còn là đàn ông, em hiểu không…
Ngọc vấp phải rễ cây, ngã sóng soài trên cát. Sau thoáng chốc lặng người, Dung lao tới ôm chầm lấy Ngọc và họ khóc như chưa bao giờ được khóc.
Cây sao già và con sông nhỏ đã từng chứng kiến những giọt nước mắt hồi hợp tiễn đưa và giờ đây lại chứng kiến nỗi đau của hai con người bất hạnh. Nước mắt người đời vẫn rơi và nước sông vô tình kia vẫn chảy…/.