Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.086
123.202.260
 
Đọc hồi ký Đặng Nhật Minh
Lê Hải*

Hồi ký là thể loại sách cùng lúc được nhiều nhóm độc giả khác nhau quan tâm, với lượng đầu sách trên thị trường ngày càng nhiều. Nếu trong suốt giai đoạn 1975-2000 chỉ có vài chục quyển [1] hồi ký đươc xuất bản tại Việt Nam thì trong thập niên 2000s vừa qua số lượng hồi ký được xuất bản chính thức ở Vn, ở hải ngoại và trên mạng Internet mỗi một năm cũng bằng đúng con số đó. Nếu độc giả ở Việt Nam say mê với hồi ký Lê Vân [2] thì độc giả ở nước ngoài hứng thú với hồi ký Tô Hải [3], còn dân trên mạng thì hết chờ đọc những trang viết của Lê Mỹ Hân [4] lại đến Tâm Phan [5], sau bản online là sách in. Hồi ký của đạo diễn nổi tiếng Đặng Nhật Minh [6] đã được xuất bản tại Việt Nam (NXB Văn Nghệ tp.HCM) từ năm 2005 nhưng đến 2010 được tác giả bổ sung và sau đó các trang mạng đăng tải như trang nhà nghiên cứu Việt Nam của GS Trần Hữu Dũng.

 

Người hâm mộ đạo diễn sẽ đọc để biết thêm thần tượng của mình, cũng như các khán giả hâm mộ tìm đọc hồi ký của các ngôi sao cải lương, ca sĩ, giới mê văn học tìm đọc tâm sự của các nhà văn, nhà thơ. Người quan tâm đến lịch sử có thể tìm được một vài điểm đáng chú ý trong những quyển hồi ký chính trị của giới lãnh đạo. Ai thích tìm ra các bài học tâm lý và xử trí trong cuộc sống luôn tìm được trong bất kỳ quyển hồi ký nào một ít kinh nghiệm cho bản thân, từ câu chuyện của một người vợ tảo tần của nhà văn hóa Đào Duy Anh [7]. Bản thân tôi thích đọc hồi ký từ tất cả các lý do trên, nhưng lý do quan trọng nhất, là vì muốn hiểu được con người và xã hội Việt Nam trong một mối quan hệ tổng thể và gắn liền [8]. Từ khi gặp được chiếc chìa khóa này - tức là phương pháp hiểu con người và xã hội của một dân tộc qua mẫu số nhân văn [9] - thì tôi cũng bắt đầu sưu tầm và đọc say mê những đoạn hồi ký, của người nổi tiếng lẫn một con người bình thường trải lòng trên blog, của người giàu có, quyền thế lẫn nhà văn thất thế phải đi trông ao cá công viên Hoàng Văn Thụ để sống qua ngày [10], hồi ký viết thật lòng mình, hồi ký để thanh minh, hồi ký văn học [11], lẫn câu chuyện đơn sơ của một người vừa ra tù vẫn quen gọi mọi người là thầy xưng con như hàng ngày nói chuyện với quản giáo. Bởi vì bất kể là ai, bối cảnh ra sao, khung cảnh thế nào, địa điểm nơi đâu, tất cả đó đều là Việt Nam.

 

Câu chuyện của Đặng Nhật Minh trước hết là những xưởng phim chật chội và chậm chạp trong hệ thống thứ bậc chiếu trên chiếu dưới của Việt Nam. Nó cũng là câu chuyện của nền điện ảnh Việt Nam mà nhân vật chính trong đó đi mãi con đường của mình với tình yêu điện ảnh phần nào giống như chú bé trong bộ phim Ý nổi tiếng Cinema Paradiso (1988). Có lẽ vì tác giả là đạo diễn chuyên làm phim do mình viết kịch bản, mà hồi ký của ông cũng diễn tiến giống như một bộ phim truyện. Một mặt nó giúp người đọc bình thường theo dõi một mạch không chán ngán nhưng mặt kia nó không lộ ra cho người đọc có mối quan tâm đặc biệt một chỗ thiếu liền lạc nào để chui vào mà tìm tòi. Như vậy không có nghĩa là nội dung không có chỗ gai góc mà vấn đề là chính tác giả đã đưa cái gai đó ra để xây dựng mạch truyện cho nên đã có sẵn lời giải để kết thúc mâu thuẫn, theo đúng công thức viết kịch bản mà Hollywood đã đúc kết lại. Như vậy, trước hết quyển hồi ký điện ảnh của Đặng Nhật Minh là một bộ phim hay, kết thúc có hậu, để người xem giải trí, hơn là một bộ phim gai góc hay nghệ thuật, hay triết lý, khiến người xem phải tư duy.

 

Nhưng phải chăng đó chính là cái mà điện ảnh Việt Nam đang cần? Giữa những bộ phim đầy tư tưởng và lý luận mà người xem phải nhét vào đầu, thì số ít những bộ phim giải trí theo đúng nghĩa của nó như cuộc đời và tác phẩm điện ảnh lẫn quyển hồi ký này của Đặng Nhật Minh là cái mà khán giả Việt Nam đang mệt mỏi muốn tìm đến? Giữa những bộ phim giải trí rẻ tiền thô thiển thì số ít những tác phẩm giải trí có bố cục và tư tưởng rõ ràng như của Đặng Nhật Minh là cái được giới làm phim nước ngoài chọn ra và khuyến khích với nền điện ảnh Việt Nam? Lật lại vấn đề theo kiểu đó thì người ta không còn thấy hồi ký của đạo diễn Đặng Nhật Minh là câu chuyện trôi chảy một mạch nữa, mà vô số câu hỏi, vô số vấn đề chỉ xuất hiện vài giây trên màn ảnh rồi biến mất, không có lời giải đáp, không được chuẩn bị phần giải quyết mâu thuẫn. Ví dụ như cảnh những người dân oan chạy đuổi theo xe ông, mà ông - một đại biểu quốc hội - lại không thể gặp họ vì lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ. Hay như cảnh Kiều Chinh khóc trên vai ông ở Hawaii. Rồi cảnh các liên hoan phim Việt Nam, lãnh đạo ngành đấu đá, phóng viên các báo xỉa xói v.v. Mà tác giả thì ngay từ đầu đã chối bỏ trách nhiệm trả lời, hay giải quyết những mâu thuẫn đó. Câu đầu tiên trong quyển hồi ký của Đặng Nhật Minh nói cuộc đời điện ảnh của ông "bắt đầu bằng một sự tình cờ, rồi tiếp theo là một chuỗi những sự tình cờ". 

 

Và những sự tình cờ đó đã đem lại cho ông nhiều danh tiếng, nhiều giải thưởng như việc được Hàn lâm viện điện ảnh Hoa Kỳ vinh danh vào năm 2010 về những đóng góp của ông cho điện ảnh Việt Nam. Nhưng, cũng như câu kết của quyển hồi ký mới được bổ sung, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói "tất cả giờ đây đã ở phía sau, chẳng có gì phải bận tâm ngoài việc chuẩn bị cho chặng đường sắp tới với những dự định mới". Đó là tinh thần lao động của một người nghệ sĩ, là sự khiêm tốn Đạo giáo của một người trí thức Việt Nam mà ông đã tiếp thu từ người cậu như đã kể trong hồi ký, hay tinh thần lạc quan của con người mới xã hội chủ nghĩa [12] mà những ai đã lớn lên và trải qua cuộc sống sau năm 1954 ở miền Bắc Việt Nam đều phải có nếu muốn đi đến thành công? Con đường của họ phải là một chuỗi cố gắng, tập luyện và vươn tới mỗi ngày như Lê Vân, thành công nhưng cũng chỉ là một chút hào quang nằm trong quyền quyết định của người khác như Tô Hải, chỉ là một câu chuyện được bên ngoài soi sáng trong vô số những đóng góp thầm lặng như Trần Thị Như Mận, không phải là một thế hệ mới tự do bay nhảy như Lê Mỹ Hân và Tâm Phan?

 

Vì ông Đặng Nhật Minh không trả lời trong quyển hồi ký của ông ấy, và các quyển hồi ký kia tất nhiên cũng không có sẵn câu trả lời cho những câu hỏi và vấn đề tình cờ hay hữu ý xuất hiện ra trong quyển hồi ký của Đặng Nhật Minh, cho nên tôi chỉ còn cách ngồi chờ một quyển hồi ký nào đó của độc giả nào đó đọc bài này sẽ trả lời vậy [13].

 

[1] Tổng cộng là 22 quyển theo bài viết của Nguyễn Quang Hưng "Đặc điểm hồi ký văn học 1975-2000) trên tạp chí VHNT (bộ VHTT&DL http://vhnt.org.vn) số ra tháng 4/2005. Một số nhận xét được đăng lại trên trang blog của Nguyễn Nho Khiêm ở địa

chỉ http://nguyennhokhiem.vnweblogs.com/print/4708/224559

[2] Yêu và Sống, tự truyện của Lê Vân, Bùi Mai Hạnh chấp bút, NXB hội nhà văn phát hành 2006, có thể đọc trên thư viện mạng tại địa

chỉ VnThưQuán http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n2n3n2n31n343tq83a3q3m3237nvn, hoặc mua sách in trên mạng tại địa chỉ  http://www.songhuong.com.vn/main.php?cid=0,45&case=2&left=0,43&iddetail=7241

[3] Hồi ký của một thằng hèn, từ các dòng tâm sự trên mạng được NXB Tiếng Quê Hương biên tập và in thành sách, có thể đọc từ đường link trên trang blog của tác giả tại địa chỉ http://to-hai.blogspot.com/p/hoi-ky-cua-mot-thang-hen-ns-to-hai.html 

[4] Nhiều câu chuyện khác nhau được đăng trên các diễn đàn mạng và được NXB Tiếng Quê Hương in lại thành sách, có thể đọc trên mạng như quyển Quê Hương Ngày Trở Lại http://thuvien.maivoo.com/Hoi-Ky-Tuy-But-c21/Que-huong-ngay-tro-lai-d3543

[5] Có thể đọc từng chương trên trang Facebook của tác giả ở địa

chỉ http://www.facebook.com/hoikytamphan hoặc chờ mua sách in đang chuẩn bị xuất bản tại Việt Nam.

[6] Tại địa chỉ http://www.viet-studies.info/DangNhatMinh/DangNhatMinh_HoiKyDienAnh.htm

[7] Hồi ký của cụ Trần Thị Như Mận, NXB Trẻ 1992, NXB Văn nghệ tp.HCM 2004, NXB

Thanh Niên 2007, bản điện tử có thể download từ trang Talawas ở địa

chỉ http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12892&rb=08    

[8] Phương pháp nghiên cứu hồi ký khởi đầu và phát triển mạnh ở Ba Lan nhờ GS Florian Znaniecki và học trò của ông là Józef Chałasiński, và biến thể ở ngành xã hội học phương Tây là nghiên cứu dựa trên lý lịch (biography methodologies). Độc giả quan tâm có thể đọc thêm ở bài dịch tại địa chỉ http://bansacdantocvietnam.blogspot.com/2008/11/phng-php-hi-k.html

[9] Là phương pháp của cố GS gốc Ba Lan làm chủ tịch hiệp hội xã hội học Hoa Kỳ Florian

Znaniecki. Độc giả quan tâm thêm có thể tìm đọc bài dịch tại địa

chỉ http://bansacdantocvietnam.blogspot.com/2011/10/mau-so-nhan-van.html

[10] Độc giả quan tâm có thể tìm đọc các quyển hồi ký của Nguyễn Thụy Long, như Hồi ký viết trên gác bút http://giaocam.saigonline.com/HTML-N/VSNguyenThuyLong/NguyenThuyLongHKHoiKyVietTrenGacBut.pdf hay Giữa đêm

trường http://vietmessenger.com/books/?title=giuademtruong

[11] Ví dụ các quyển tiểu thuyết tự truyện của Tô Hoài, có thể download ở E-

ThưViện http://www.e-thuvien.com/forums/showthread.php?t=8473, hay các tiểu thuyết tự

truyện của Đào Hiếu, có thể đọc trên mạng ở địa chỉ http://viet-

studies.info/DaoHieu_LacDuong.htm hay bản in tại Việt Nam của NXB Giấy Vụn 2008. 

[12] Ví dụ như nhật ký Đặng Thùy Trâm do Vương Trí Nhàn biên tập, có thể đọc trên mạng ở địa chỉ http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3nvn3nmn31n343tq83a3q3m3237nvn, hay nhật ký Trần Phương Thạc (Tình yêu và Lẽ sống) do Phương Trang biên tập, qua bài điểm sách của tác giả bài viết này tại địa

chỉ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/12/091208_tranphuongthac.shtml.

[13] Trước mắt thì tôi có thể tự hài lòng là nhờ đọc quyển hồi ký này mà biết con đường mang tên bác sĩ Đặng Văn Ngữ trước cửa nhà ở quận Phú Nhuận tp.HCM là tên ai, cho nên từ nay tình cảm với nó sẽ khác hơn những con đường khác như Huỳnh Văn Bánh (Q.PN) hay Nguyễn Văn Đậu (Q.BT), Đoàn Văn Bơ (Q.4).

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 2563
Ngày đăng: 08.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Cuộc Dịch Chuyển Trong “Ngày Linh Hương Nở Sáng”(*) - Hoàng Thụy Anh
Bút pháp Phùng Văn Khai qua tiểu thuyết “Hồ đồ” - Đặng Văn Sinh
Đinh Như Thúy - Ngày linh hương nở sáng. - Khổng Ðức
Lửa đắng, sự lệch pha trong thế cờ cải cách hành chính - Đặng Văn Sinh
Những tự ngôn vô vọng - Lê Huỳnh Lâm
Cần Thêm Một Dấu Hỏi Cho Độc Giả Việt? - Đặng Thân
Khi người ta cúi mặt - lượm những mảnh vỡ bản thể - Miên Di
Du Tử Lê, Màu-Xanh-Vàng-Phai - Đặng Phú Phong
Tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du - Trần Hoài Anh
Đi Trong Tâm Thức Trở Về - Nguyễn Thánh Ngã
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)