Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.082
123.232.999
 
Hoa Mai Nở Muộn
Võ Xuân Phương

Chiều 26 tết, tiết cuối của năm xong, tôi đến phòng công đoàn nhận quà và tiền tết, năm nay tháng chạp thiếu, cái tết hối hả thúc sau lưng, tôi ghé vào ngả ba cầu ông Đô, lựa mua mai, mà lâu nay trên đường đi dạy tôi thường ngắm nghía, nhà tôi cũng có cây mai vàng 5 cánh đẹp, được Thầy cũ đã nghỉ dạy sau năm 1975 tặng, trước năm 75 Thầy là giáo viên tiểu học, nhưng sau 75 không rõ sao Thầy không dạy nữa, ở nhà làm vườn, sau ngày mở cửa, thấy người chơi hoa nhiều, nên Thầy quay sang trồng mai, thường những ngày 20 tháng 11 hay tết tôi về thăm thầy. Nghe có người nói, năm 76 lớp Thầy chủ nhiệm, có một học sinh quậy phá dữ lắm, lại học kém, cuối học kỳ I tổng kết điểm trung bình chỉ có 4,00 và Thầy xếp hạnh kiểm loại yếu, chẳng may đó là cháu của một cán bộ tập kết về, ông cán bộ này lên gặp hiệu trưởng, nghe nói đòi xem lý lịch của Thầy, và cảnh báo với hiệu trưởng về quan điểm của Thầy sao lại để con cháu cán bộ học yếu và đạo đức yếu, tay hiệu trưởng có mời Thầy lên làm việc, đề nghị sửa lại đạo đức loại khá, và nâng điểm, để điểm trung bình lên 6,5 được tiên tiến, Thầy không chịu, và nói đây chỉ ở học kỳ I, cứ trung thực cho em đó phấn đấu, qua học kỳ II, sẽ xét sau. Có lần về thăm Thầy, nói chuyện một lúc không rõ sao lại đưa đẩy đến chữ dũng, Thầy nói, trong lịch sử của mình, người xưa có biết bao người dũng, dũng như Trần Bình Trọng là khí dũng, nhiều người làm được. Dũng như Nguyễn Biểu là trí dũng có người làm được. Còn dũng như Chu Văn An là tâm dũng khó người làm được.

 

Năm nay cây mai Thầy tặng, không rõ sao mà nụ còn nhỏ, do tôi chăm sóc kém hay lặt lá muộn, cô Ngọc, cô giáo ở trường chuyên trồng mai bán, nói, cây mai này nở sớm nhất là rằm, còn chọc, chắc nó thấy anh làm thơ, nên để tết Nguyên Tiêu, tết thơ nở mừng anh đấy! Vì vậy tôi tính với vợ, là tiền hỗ trợ ăn tết của trường và công đoàn năm nay, mua cây mai về chơi tết với thiên hạ!

 

Đang loay hoay chọn mai, trả giá, vô tình tôi ngước lên nhìn, thấy Trọng con trai thầy ngồi sau xe tải nhỏ, đang vịn vào đầu võng, thấy tôi chú chỉ chỉ về hướng Qui Nhơn, vậy là Thầy phải đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh,

 

Tôi không mua mai nữa, về nhà, vợ và con hỏi sao không mua mai, tôi nói khi nãy thấy chú Trọng đưa Thầy đi bệnh viện tỉnh, thôi, mình nhịn chơi mai, ăn cơm xong anh chở em xuống Qui Nhơn vào thăm thầy thử như thế nào,

 

Vợ tôi ghé chợ mua chục cam, tôi lấy bì thư bỏ vào 200 ngàn đồng, tiền trường và công đoàn hỗ trợ ăn tết, tôi gọi điện hỏi Trọng về tình hình bệnh của Thầy, số phòng rồi chở vợ đi.

 

Chiều 26 tết, mọi người đều hối hả, công nhân khu công nghiệp Phú Tài về, các thợ vôi từ Qui Nhơn về, đường tấp nập, lộn xộn, không chú ý dễ có tai nạn. Vợ chồng tôi vào phòng cấp cứu, Bình thấy tôi đứng dậy nhìn rươm rướm nước mắt, Thầy đang thở oxy, mê man, người Thầy bẹp xuống dính sát vào drap trắng, và lọt thỏm vào chỗ trũng của chiếc giường, Trọng kể

-Khi trưa em nhận điện thằng Bính gọi về, thấy ba mê man, lo quá, em vội vàng thuê xe đưa ba đi, bệnh viện nói, trễ quá…Mà anh cũng biết ba em hút thuốc nhiều quá! Những ngày này nhà nào cũng bận rộn cả.

- Thầy đau lâu chưa,

- Thực sự là khoảng một tuần, trước đó ba em vẫn còn chăm sóc mai, tụi em nói với Ba thôi đừng trồng mai nữa, nhịn tiêu là được, nhưng Ba em nói trồng cho vui, và bán có tiền tiêu rộng rãi hơn, khi các cháu về thăm ông, bà có tiền mà lì xì, chúng nó cũng vui, mà em thấy có được gì đâu, tiền thuốc thang còn nhiều hơn tiền bán mai!

 

Chúng tôi gởi thầy chục cam, rồi tôi kéo Trọng ra riêng nói,

- Chú biết tôi quí Thầy như Ba tôi, giờ tôi xin góp vào tiền dịch vụ, tôi đưa bì thư, Trọng từ chối, sau nói mãi mới nhận và ngậm ngùi, tôi nói thêm ở đây tiền dịch vụ ngoài cũng tốn lắm đó, Trọng nói em biết! Chúng tôi vô lại phòng, Bình và vợ tôi đang nói chuyện gì đó.

-Sao, còn gia đình cô Bình thế nào. Tôi quay sang hỏi chuyện Bình, cô con gái lớn của Thầy, làm bên dược, chồng là cán bộ tổ chức của một xí nghiệp, Trọng là con trai đầu nhỏ thua tôi 3 tuổi, Bình em kề Trọng

- Dạ tụi em sống cũng được, em mới nghe anh Trọng báo, mấy ngày này cơ quan của ảnh và của em cũng bận quá, gia đình anh cũng khỏe?

- Cũng như gia đình cô vậy, mà hai chúng tôi là giáo viên, thời giờ có rộng rãi hơn, nhưng tiền thì eo hẹp hơn, tôi nói vui. Chúng tôi chào đi về, Bình đưa ra cửa, đi chậm lại, ghé sát tôi nói nhỏ

-Em cảm ơn anh.

 

Má tôi mất, lúc tôi mới 2 tuổi, tôi về ở bên ngoại, đến năm 10 tuổi ba tôi dẫn về gởi học ở nhà Thầy lớp năm và lớp tư, qua năm sau tôi vào lớp ba trường xã, nhà Thầy trong xóm, phải qua sông bằng cây cầu gỗ, cất trong khu vườn rộng, nhà nằm ở góc, kề ao đào lấy nước tưới rau, vợ Thầy ở nhà, thời gian này Thầy dạy hưởng lương của xã, nên chẳng được bao nhiêu, cuộc sống khó khăn, tôi nhớ nhiều kỷ niệm thời gian ở đây, bữa ăn thường rau trong vườn, chấm nước cá, trã cá nục, cứ hết nước thì đổ thêm vào, cho muối, nước mắm là chan ăn, và chấm rau, thường rau muống luộc, rau lang luộc, chúng tôi chơi trong khu vườn rộng, những đám rau tưởng là những thảm cỏ mênh mông, chạy luồn dưới những cây chuối tưởng là đang lạc vào cánh rừng nào đó, sợ nhất là gặp lũ mèo hoang, nhìn cặp mắt xanh lè, có lúc thu nhỏ lại mà khiếp, Trọng vẽ rất đẹp, thường lấy các hình trong truyện Tàu, hay trong truyện Kiều mà vẽ lại, Bình thích chơi buôn bán, hái lá bông bụt làm tiền, thường bắt tôi đi bắt chuồn chuồn, châu chấu, nếu được loại chuồn cộ thì tôi ngắt chót đuôi, sau đó cắm lá táo nhơn vào thả, nó bay rất đẹp, em rất thích, có lần tôi nghe thằng bạn xúi dại cho chuồn chuồn cắn rốn em để biết bơi, làm em khóc thét và tôi bị một trận la, những tình cảm khó quên đó theo tôi vào tận các năm học đại học, có lần tôi viết thơ về cho em, kể chuyện xưa:

Bướm vàng châu chấu, chuồn chuồn

Đưa tay em tính nên buông con nào

Anh thì biết trả lời sao

Thôi thì em tính đường nào lợi thôi!

Bình rất thích, có điều tôi vẫn mang dấu ấn rất thô thiển là, con của các bạn Ba tôi, tôi coi như là ruột thịt của mình, lớn tuổi hơn là anh, chị, bằng tuổi là mầy tao, nhỏ tuổi là em rồi, nếu có lúc nào tơ tưởng đến các cô em đó thì lập tức xua đi, xem như phạm tội, có lần vợ tôi vô tình thấy trong nhật ký của tôi có câu thơ:

Nguyệt Bình ơi! Ơi Nguyệt Bình

Trong thơ anh, đẫm bóng hình của em

Vợ tôi nói

-Sao hồi đó anh không làm rể của Thầy,

- Các bạn của Ba anh đều muốn anh làm rể lắm đó, vì thấy anh dễ thương, và các em đó cũng muốn bắt anh làm chồng lắm đó, vì thấy anh đẹp trai, phong độ.

-Chứ không phải làm thơ tình rồi lén giả đò bỏ quên vào phòng mấy cô,

- Không phải giả đò bỏ quên vào phòng, mà cố ý bỏ lộn vào hộc tủ ở phòng hội đồng!

Thằng Quí vừa về hôm qua, đem cây mai cả tháng nay tôi cố chăm sóc, nhưng búp còn nhỏ, vào nhà, nó mua dây điện và bóng đèn về thắp sáng để kích thích, không biết có kết quả gì không, hy vọng vậy thôi!

Tối 29, tôi lấy cái đôn sứ, để trước thềm nhà, đặt cây mai lên, dù chưa nở bông, nhưng dáng đẹp, các bạn đến thăm tết, khen và nói

- Người ta chơi mai giảo, mai cúc, mai cung đình còn ông Hoàng thì chơi mai ghế,

Vợ tôi nói

- Không phải đâu, loại này là mai hương, nở hoa thơm lắm, năm nay nở chậm đấy,

Anh Bảo nói,

-Không, tôi biết, thằng này nó thích mai ghế, tôi cười bảo vợ là mấy ảnh chọc đấy, vợ tôi người Huế không biết cách nói lái của Bình Định.

 

Mồng 4 các học sinh cũ về thăm trường, ghé thăm Thầy, tôi tiếp bắt mệt, vợ tôi sửa soạn quà cáp cho thằng Quí tối đi tàu vào lại thành phố, 4 giờ sáng tôi dậy làm việc, in giáo án, để mai lên lớp, nay mồng 5 có thể có các học sinh cũ hay bạn đi chơi Đống Đa về ghé thăm, phải chuẩn bị trước, 5,00 giờ tôi cúng trà Ba tôi, thành thông lệ, lúc nhỏ tôi thường được Ba tôi sai pha trà khi Người có khách đến chơi, tôi yêu thơ văn cũng một phần nghe lỏm chuyện của Ba tôi và các bác, và cũng ghiền trà từ đó, nên nay, cứ đến 5,00 g sáng là tôi cúng trà,

 

Rửa bình chén xong, tráng lại nước sôi, tôi cho trà vào bình, chế ít nước sôi vào để rửa trà, lắc đều, xong tôi mở cửa đi ra hè chắc nước rửa, có mùi thơm! Dừng lại một chút, mùi hoa mai, mùi mai hương! Tôi nhè nhẹ lần theo mùi mai, đến chậu mai trên đôn, dưới ánh đèn đường hắt vào, thấy một chùm nụ mai, được che khuất bỡi các lá non, nhiều nụ ló màu vàng, trong đó có một hoa đang nở, tỏa hương thơm, sung sướng quá, tôi ngâm khe khẽ:

 

Hết tết nhà ai mai rụng hết

Riêng ta đang nở một hoa mai.

 

Vào nhà, chế nước sôi vào bình, đi ra phòng sau định gọi vợ dậy khoe, thì có chuông điện thoại, tôi nhìn đồng hồ, mới 5giờ 20, sao Quí đến Sài gòn sớm vậy, nhắc ống nghe, nói

- Ba nghe đây,

- Em đây anh Hoàng, tiếng của Trọng, im lặng, Ba em mất rồi.

- Thầy mất lúc nào!

- Khi nãy lúc 5 giờ 00,

 

Tôi bàng hoàng, lúc nãy khi tôi rửa trà, phát hiện có mùi thơm hoa mai cũng trùng với giờ Thầy mất, hẳn khi mất, hồn Thầy đã nhập vào hoa mai để tỏa hương thơm! Tôi nói lời chia buồn và nói tí nữa vợ chồng tôi về.

 

Tôi pha hai chén trà, thêm một chén cho Thầy đưa lên bàn thờ, chắp tay cầu nguyện, thấy trong hơi trà hình như có hai ông cụ đang bàn luận về thơ Phùng Quán!./.

Võ Xuân Phương
Số lần đọc: 1673
Ngày đăng: 09.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
thần thoại - Hoàng Chính
Chảy Đi Sông Ơi - Mai Văn Ro
Thư từ Tuy Hoà - Cảnh Cửu
Kẻ đầu hàng - Nguyễn Trung Dũng
Người kẻ biểu ngữ - Lê Tất Điều
Cơn bão - Nguyễn Ước
50 / 50 - Hoàng Chính
Đêm Nghe Gà Gáy - Võ Xuân Phương
Cõi Về - Mai Văn Ro
Ngày tháng - Nguyễn Đình Toàn
Cùng một tác giả
Đêm Nghe Gà Gáy (truyện ngắn)
Hoa Mai Nở Muộn (truyện ngắn)
Gió Chướng *** (truyện ngắn)
Đường Chỉ Tay (truyện ngắn)
Ông Ba Say (truyện ngắn)
Chợ Hoa Ngày Tết (truyện ngắn)
Đêm Nghe Gà Gáy (truyện ngắn)
Mùi Lạ (truyện ngắn)
Rượu Người (truyện ngắn)
Hơn - Sức (truyện ngắn)
Bọn Bốn Đứa (truyện ngắn)
Bông Sen Trắng (truyện ngắn)
Hương Bùn (truyện ngắn)