Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.640
 
Ann Phong, Biển.
Đặng Phú Phong

 

Nữ họa sĩ Ann Phong


Ann Phong sinh tại Sài Gòn, là cô giáo dạy hội họa trước khi  vượt biên năm 1981, định cư tại miền nam California năm 1982. Năm 1995, cô tốt nghiệp Cao Học Mỹ Thuật (MFA) tại Đại Học California State ở Fullerton. Ann Phong hiện đang dạy hội họa tại Cal State University Pomona, và chị đang là chủ tịch hội đồng quản Trị của VAALA niên khóa  2010 (Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ, trụ sở tại Quận Cam, miền nam California).


Bắt đầu cho sự nghiệp hội họa của mình Ann Phong lấy chủ đề cuộc chiến Việt Nam dưới cái nhìn của một người dân bình thường để sáng tác.  Thời gian sau, Ann Phong  bước sang đề tài “Sự chuyển mình của một phụ nữ Việt Nam sống bên ngoài đất nước” . Nhưng những chủ đề đó không thực sự là điều Ann Phong kiếm tìm.


 

Chạy, Acrylic. 6'X10'. Ann Phong


Biển đã giúp Ann Phong vượt thoát, nhưng cũng chính biển cày sâu vào tâm thức chị. Khi trốn chạy, Ann Phong mong đi qua biển thật nhanh, qua được rồi , nhiều năm sau nước biển vẫn còn “thấm trên da thịt” (chữ của Ann Phong).  Biển đã trở thành một khúc quành thiết thân của đời mình, thế nên chị đã quay lại biển. Nhưng lần này  Ann Phong  không dùng thuyền máy mà dùng cọ vẽ  làm cột bườm, kết  màu sắc thành thuyền, ung ung ra khơi. Hai chuyến đi có khác về phương cách nhưng có cùng một  mục đích thăng hoa; một thăng hoa cho đời sống, một thăng hoa cho nghệ thuật của mình.

 

Trong giai đoạn nầy, những nét cọ, nhát dao, phóng tay trên khung bố của Ann Phong là những

đợt sóng dữ. Biển  không phải là  sự trầm mặc, bí ẩn , êm đềm , hiền hòa mà biển ở đây là biển động, hung hãn, cuồng nộ, gào thét, căm thù. Kỹ thuật đắp nổi bằng Acrylic diễn tả mạnh thêm lên sự hung bạo của sóng, như chồm lên,vượt ra khỏi bức tranh, cuống lấy, nhận chìm người xem.  Không khí của tranh hừng hực thù hận. Đó là thời kỳ Ann Phong mỗi khi cầm cọ trước khung bố là chị nhớ lại những giọt nước mắt thống thiết của mấy cô học trò chỉ khoảng 13, 14 tuổi, ôm chầm lấy cô, khi vừa gặp lại trên đảo , kể  cho chị nghe chuyện chúng bị hải tặc hãm hiếp. Chị đã vẽ tranh bằng những giọt nước mắt của học trò và của chính mình.


Vẽ biển đã thành thói quen của Ann Phong.  Ở bất kỳ bức tranh nào của chị, người xem đều dễ dàng  thấy biển trong đó, dù chủ đề chẳng liên quan gì với biển, dù sắc màu của tranh là sắc màu của đất đá, là sắc màu của mặt trời mặt trăng.  Những đường cong nhỏ, khệnh khạng, tung tóe là hình dạng của cơn sóng dữ đập vào trí não của chị. Sự dữ dội của biển nuốt chững  bàn tay của người  họa sĩ. Những chiếc thuyền nhỏ chệch choạc, mong manh bên cạnh những đợt sóng khổng lồ, những con người , những bàn tay chới với, những đôi chân trần buông thỏng  diễn tả mạnh mẽ sự phá hủy của biển đối với con người. Ann Phong thường dùng gam màu đậm bên cạnh gam màu nhạt như muốn dẫn người xem thấy được sự tranh đấu sinh tử trong đời sống nghiệt ngã mà điển hình nhất là hành trình của những người “vượt biển”

Tranh của Ann Phong thường dày vì nhiều lớp. Chị giải thích: “ Hình ảnh cứ đến rồi đi trong tranh. Em không xắp xếp sẵn hình ảnh trên khung bố (có nghĩa là không vẽ nét rồi tô màu). Lúc vẽ nghĩ tới những gì thì vẽ thứ đó. Vẽ xong không ưa thì vẽ hình khác chồng lên trên và cứ thế mà sáng tác”. Sự giải thích của chị đưa chúng ta thêm một ý nghĩa  về cuộc đời là lớp sơn mới hôm nay phủ chùm lên lớp màu cũ hôm qua chính là lớp bụi thời gian, chính là sóng sau xô sóng trước. Điều này giúp cho tôi giải thích được tại sao tôi chia sự sáng tác về biển của Ann Phong làm hai thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là từ khoảng 2006 trở về trước , thời kỳ thứ hai là từ  2007 đến hiện tại.

Tôi có cơ duyên xem tranh của Ann Phong hầu như  hết tất cả những cuộc triển lãm của chị ở vùng Little Saigon. Từ 2006 trở về trước, ngắm tranh của chị , tôi không khỏi bàng hoàng vì sự dữ dội của từng bức tranh. Cảm giác nhức nhói , buốt cả tay chân làm tôi đôi khi không dám nhìn lâu vào tranh. Không gian tranh chật chội, nóng bức . Những đường cong , nhiều khi là gập gãy, những mảng bột màu nổi như một thách thức cho người xem.  Chất Acrylic không bóng láng mà khô khốc, có lẽ là một dụng ý thêm cho sự thô nhám , tàn bạo trong tính chất sự việc mà tác giả nói đến.  Nói chung, tranh của Ann Phong trong giai đoạn nầy thể hiện sự đối kháng quyết liệt của chị với hung thần biển. Tính chất  Biểu Hiện (expression) rực sáng trong tranh.


 

Playground. Mixed Media. 57X57.Ann Phong.


Qua giai đoạn thứ hai (từ 2007 về sau) tranh của Ann Phong nhẹ nhàng ra. Điển hình là bức Playground. Mặc dù bức tranh này vẫn là những  uất ức cho thân phận. Bố cục mở ( loại bố cục mà Ann Phong  rất thường xử dụng) đẩy sự tưởng tượng của người xem đi xa hơn qua sự liên đới những hình tượng trong tranh. “Sân chơi” có thể là của bọn trẻ, có thể là của đội banh Cà na và cũng có thể là cuộc đời của một cô gái Việt trên vùng đất mới . Nhưng tổng thể của bức tranh là màu tươi, sắc sáng, nhân vật trong tranh nẩy lên mầm sống, hứa hẹn một sự thay đổi đầy sáng tạo.

Từ sự mâu thuẫn, dằn co  giữa sợ hãi, phẩn nộ và yêu quí biển trong Ann Phong , đã phát sinh  một ngả rẽ khác. Tranh của Ann Phong từ đây có thể nói rằng  điềm đạm, sâu lắng . Những vệt cong của sóng thong thả hơn, mềm mại hơn  làm người xem vừa  thấy được sự thản nhiên cố hữu  của nước, vừa  thấy được sự bạo tàn của sóng. Những khối màu nổi không còn sự ngập ngừng mà măng muốt, kết nối được những tư tưởng của tác giả gửi gắm một cách liên tục. Biển của Ann Phong bây giờ trở nên thâm trầm, khó lường. Phần đe dọa , hung hãn đã biến thái theo  độ dài sóng soải của ngọn sóng.


Chị  cứ vẽ biển và vẽ biển, phần yêu thích, sợ hãi hay thù hận biển, dành cho người xem, không dành lấy cho mình.  Tâm trạng của Ann Phong đã lắng sâu xuống  những  lớp  màu, giống như chị đang ở dưới đáy biển, tìm kiếm những gì thuộc về chị  mà Thượng Đế đã ban phát, mặc cho vô số đợt sóng bạc triền miên vỗ trên đầu.  Bức “ Hộp Nước Biển” (2010) thể hiện rõ nét sự thay đổi này. Bố cục của bức này vẫn là bố cục mở. Tác giả cắt đôi bề dày của biển, gộp loài cá lại như muốn bảo vệ chúng trước những bất trắc của biển. Những viên đá, sỏi từ lòng đáy biển như muốn thoát ra, tìm một nơi chốn yên bình. Chính những vật thể này đã làm cho bức họa trở nên sinh động . Biển đang di chuyển . Tự nó và, lăn quay. Ngắm nhìn bức tranh, khách xem dễ dàng  bị cuốn hút , dễ dàng phiêu du trong biển cả của Ann Phong. Hình như thiền tính đang đâu đó trong tranh của chị. Cảm nhận như vậy, tôi nghĩ rằng mình đã mở được một cửa khác để bước chân vào thế giới tranh của Ann Phong.

 

 

Hộp Nước Biển Mixed Media.40''X30",Ann Phong 2010


Trong suốt 20 năm sinh hoạt trong bộ môn hội họa, Ann Phong thu hoạch một số thành công đáng kể. Chị có tranh được các trường đại học và gallery mua để trưng bày như: Đại học Fullerton, Đại học Cal Poly, Pomona. Queen Gallery ở Bangkok, Thái lan và nhiều gallery tư nhân treo tranh của chị. Xin mời khách yêu tranh vào web site của Ann Phong để thưởng lãm : www.annphongart.com.

11/11/11

Đặng Phú Phong
Số lần đọc: 2229
Ngày đăng: 15.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hội Họa Và Du Tử Lê: Trái Tim Vẽ Tranh - Nguyễn Đức Cung
Ngệ-Thuật Của Hoàng Ngoc Biên The Art Of Hoàng Ngọc Biên - Nguyễn Quỳnh USA
Gặp Gỡ Đà Lạt, Gặp Gỡ Những Mảng Màu - Vũ Nguyên
Để nhớ Bùi Giáng - Đinh Cường
Người ngợm - Lê Thánh Thư
Họa sĩ Phan Ngọc Minh, trước khi cầm cọ đến xứ người: Đem Quá Khứ Đến Tương Lai - Nguyễn Đông Nhật
Tranh Họa Sĩ Mỹ Cy Twombly Vừa Qua Đời - Đinh Cường
Jesus Christ - Lê Thánh Thư
Nhớ Đỗ Toàn Xưa... - Trần Trung Sáng
Lê Tài Điển Nghệ Sĩ Tạo Hình Nhiều Trải Nghiệm - Đinh Cường