Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.271
 
Phía Sau Một Con Người
Bùi Anh Tâm

Chuyện tôi kể dưới đây là có thật, khi nghe, à, xin lỗi, khi đọc truyện này, bạn hãy gạt đi ý niệm thông thường. Truyện cuả nhà văn là hư cấu, thì đây là trường hợp ngoại lệ. Nói dễ hiểu hơn đây là chuyện có thật.

 

Khi rời khỏi trại cải tạo, tôi được trả lại tự do, kết thúc ba năm tù tội đầy khổ ải của một thằng cộng sản đích thực, được gán cái “tội chống lại chế độ”chỉ vì vài bài báo, vài bài thơ, và một vài truyện ngắn phản ánh về tệ nạn tham nhũng của một số quan chức trong tỉnh. Tôi không mất thời gian làm mệt lòng bạn đọc, phải kể lể dài dòng đoạn trường tù tội, làm loãng đi câu chuyện mà tôi định kể - xin lỗi, đang kể. Những ngày mới về, tôi phải náu mình ở nhờ một số người bạn quen biết ở trại tù. Tôi như kẻ mất phương hướng, hụt hẫng chênh vênh giữa dòng xoáy của dòng đời sôi động gấp gáp. Kiến thức ba năm bị khỏa lấp, bao nhiêu biến chuyển đổi thay của đất nước đều mù mịt. Một hôm tôi đang thẩn thơ trên đường phố, cũng chẳng biết đi đâu, thì một bàn tay như hộ pháp vỗ vào vai tôi đau điếng. Tôi quay lại chưa kịp hoàn hồn, thì một trận cười phá lên trên một gương mặt rạng rỡ.

- Ông Thành! trời đất ơi đi đâu thế này, trông như người mất hồn. Hơn ba năm trời ông biến đi đâu mất con người ông sao lạ vậy, bộ thất tình hả.

 

Tôi kịp nhận ra người vỗ vai tôi đó là Lê Hải Long, người bạn một thời binh đao khói lửa. Tôi chưa kịp nói gì, thì bàn tay hộ pháp ấy năm tay tôi kéo xềch xệch lại chiếc TOYOTA đỗ ven đường. Sau tiếng cửa đóng rầm, chiếc xe lao vút đi phút chốc đã dừng lại trước cổng một căn nhà. Người tài xế có bộ ria mép láu cá nhanh nhẹn nhảy xuống dưa tay bấm chuông và khi cánh cửa tách ra. Long  vỗ vào vai tôi :

-  Xuống đi, nhà mình đó. Bả mới đi làm về, ông không nhận ra hả?

-  Tôi thật khổ sở khi nhìn lại con người mình, vẫn bộ mặt đen nhẻm chưa kịp rửa hết chua phèn của ba năm lao động cực hình. Cái đầu trọc nhú lên vài cọng tóc, như nấm mồ người ta vừa cạo đi lớp cỏ trên mặt, nay mới kịp nhú mầm cỏ mới ngắm con người mình đủ thấy lép vế. Tôi ngồi lọt thỏm trong căn phòng rộng rãi khang trang và bị bao vây bằng tất cả tiện nghi vật chất của một gia đình dư thừa quyền thế.

-  Ông ngồi xuống đây, tôi bảo bả ra chơi, có lẽ ông khác xưa nhiều quá, bả không nhận ra đâu? Ngưng lặng giây lát, Long nói tiếp :

-  Tụi mình mới chuyển về đây, chừng năm năm. Ông xem mình có khác ngày xưa không nào. Đó, toàn bộ cơ ngơi của vợ chồng mình tạo dựng đó. Nhưng nói cho công bằng bả “ tạo” thì đúng hơn. Loại cán bộ chỉ tay năm ngón như mình thì làm được cái mẹ gì. Không có đàn bà tụi mình chết nhăn răng ra.

 

Tôi chẳng biết nói sao, chỉ ừ hử cho qua chuyện. Một lát sau, vợ Long xúng xinh trong bộ quần áo mỏng mảnh bước ra, hai tay bưng café, đặt trước bàn và ngồi nép cạnh chồng, chợt cô ta kinh ngạc gần như hét lên :

-  Trời ơi! Anh Thành. Sao anh thay đổi quá trời. Em cử tưởng ông nào kia. Sao bây giờ anh lạ vậy?

Tôi nhếch mép mỉm cười.

-  Lạ lắm hả? mới đi tù về đấy!

-  Đi tù? Anh cũng bị đi tù? Tù về tội gì?

Tôi mỉm cười chua chát:

-   Tù về tội nghề nghiệp, viết văn, viết báo bị gán ghép là chống chế độ xã hội chủ nghĩa.

-   Anh mà chống chế độ? Anh mà là phản động? Cả ba đời nhà anh đều ăn củ chuối thành phần cố nông, anh lại là …

-  Thì có chống mới đi tù chứ. Tù cộng sản đàng hoàng nhé, không phải chuyện đùa đâu.

-  Hèn chi, hơn mấy năm em không gặp anh, hoá ra nông nỗi này, thế chị và cháu đâu? Bây giờ anh làm gì?

-   Cô ấy và cháu … đi tây rồi, còn anh bây giờ làm cái nghề… đi lang thang.

-   Trời ơi!

-   Thôi bà ơi, bây giờ chuẩn bị món gì cho chúng tôi lai rai, tối nay ông nghỉ lại đây kể cho tôi và bà ấy nghe cái bước lịch trình của ông. Chuyện còn dài dài mà – Long cắt ngang mẫu đối thoại chán ngắt ấy…

 

*

…Nằm trên giường rộng mênh mông tại căn nhà Long. Tôi trằn trọc trăn trở không ngủ được. Bao suy nghĩ dày vò đốt cháy tâm trí tôi. Tôi không hiểu, bằng con đường nào và bằng cách nào Long có chỗ đứng vững chắc như thế này.Tôi nhớ như in cái thời đó – cái thời oanh liệt vàng son của tôi mười mấy năm về trước. Như một bộ phim nằm từ lâu trong viện bảo tàng, nay được tôi phục chế quay ngược dòng thời gian bắt tôi nhớ lại:

 

Tháng 3/1972 tại mặt trận B5 Quảng Trị. Đơn vị chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đánh tan Chi khu Đông Hà. Tôi được mặt trận cho tạm rút về hậu cứ để chuẩn bị chuyển ra Bắc, cánh quân của chúng tôi được tập hợp từ nhiều đơn vị, quân binh chủng chuyển đến. Đùng một cái, lệnh của bộ tư lệnh mặt trận B5 yêu cầu tất cả sĩ quan, chiến sĩ thuộc đơn vị đặc công thủy, bộ ở lại trực tiếp tham gia trận đánh sân bay Ái Tử - cái yết hầu của Quảng Trị. Đây là sân bay chiến lược có tính chất quyết định cho cục diện chiến trường B5. Nhổ được cái sân bay này tức là giải phóng hoàn toàn Quảng Trị, đồng thời tạo bước đệm cho các trận đánh mới sau này.

 

Đồng chí Đại tá chỉ huy trưởng trận đánh sân bay Ái Tử, điều chúng tôi đến Ban Tham Mưu bộ chỉ huy chiến dịch, tham dự cuộc họp quan trọng. Đồng chí nhấn mạnh: 'Cái khó của trận đánh này, làm sao xác định chính xác cơ quan chỉ huy và bọn cố vấn Mỹ. Theo trinh sát mặt trận đã điều nghiên cho biết, rất khó xác định chính xác cơ quan đầu não của địch. Vì chúng cấu trúc rất giống nhau, trại lính, trạm thông tin, kho tàng… các trinh sát đã luồn sâu vào hậu cứ địch nhiều lần, nhưng chỉ vẽ được sơ đồ tổng thể, chứ chưa có cơ sở vững chắc để xác minh  đâu là sở chỉ huy. Mỗi lần như vậy, ta để lại thương vong không ít, địch lại cảnh giác cao hơn, tăng cường lực lượng bảo vệ. Vì tính chất quan trọng của trận đánh, Bộ chỉ huy mặt trận B5 quyết định tung con át chủ bài của chúng ta là lực lượng đặc công thủy, bộ, cụ thể là những đồng chí cán bộ có nhiều kinh nghiệm “áp sát luồn sâu” để xác định lần cuối cùng sở chỉ huy của sân bay, bọn cố vấn Mỹ;  đo đạc chính xác toạ độ cự ly tầm pháo của ta. Một yêu cầu quan trọng bậc nhất là, tránh để lại thương vong và xoá được dấu vết, giữ bí mật tuyệt đối để tạo trận đánh bất ngờ'.

 

Sau cuộc họp, đồng chí Đại tá chỉ huy trưởng vỗ vai tôi và một người có thân hình cao lớn mà tôi chưa biết tên. Đồng chí nói: 'Tôi biết các cậu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã lập được chiến công, chuẩn bị rút ra hậu cứ. Nhưng do tính chất quyết định của trận đánh, tôi giữ hai đồng chí lại, góp thêm chiến công.' Đồng chí vỗ vai người lính cao lớn giới thiệu – Đây là đồng chí Lê Hải Long  đại đội trưởng đặc công (thuộc đoàn 305) một người chỉ huy gan góc, người hùng trong trận đánh tiểu đoàn Trâu Điên và đây là đồng chí Thành thiếu uý, đại đội trưởng đặc công thuỷ, người cán bộ có nhiều sáng kiến táo bạo, nổi tiếng trong trận đánh Cảng Cửa Việt. Nói xong, đồng chí cười tán dương. Đúng là “ anh hùng tương ngộ “ các cậu là lính hồn trận đánh. Tôi giao cho hai cậu, hai cái đầu “ bách khoa toàn thư” nghiên cứu, thảo luận và lập phương án đánh địch. Đồng chí nói xong và chuyển cho chúng tôi hồ sơ tổng thể, với các phương án tác chiến của các trinh sát mặt trận qua các cuộc điều nghiên cung cấp. Khi chúng tôi về , đồng chí nắm chặt tay từng người và tiễn luôn một câu chúc tụng 'Bộ chi huy rất tin vào các cậu. Các cậu sẽ là “người hùng" viết lên bản trường ca của mặt trận.'

 

… Sau khi quan sát địa hình, địa vật ở ngoài vòng sân bay và sau ba ngày điều nghiên kỹ lưỡng, tôi nắm được quy luật hoạt động của địch và lịch canh phòng của đội quân bảo vệ phía trong. Tôi đã tìm được “cửa” để vào sân bay. (Lại một lần nữa xin phép bạn đọc cho tôi được tả sơ bộ về  sân bay này).

 

Sân bay Ái Tử nằm trên một địa bàn hết sức phức tạp. Toàn bộ sân bay nằm về phía Tây ở độ cao 50m so với mực nước biển, trên một khoảng đất trống. Hàng giờ đều có máy bay trinh sát tuần tiễu. Có bốn hàng rào kẽm gai, mỗi hàng rào đều có giao thông hào ngăn cách và được bố trí kẽm gai bùng nhùng. Cách một mét địch cài mìn phát sáng và mìn sát thương, chỉ cần một va chạm nhẹ, hàng rào tự thắp sáng. Cứ hai mươi mét là có trạm gác bảo vệ. Phía bên trong địch bố trí các cụm đèn pha chiếu thẳng, quét khắp một vùng. Vấn đề đặt ra của người lính trinh sát phải xác định vào bằng cách nào, cửa nào, vũ khí cần mang theo, trang phục và lực lượng đột nhập. Sau ba ngày bám sát mục tiêu, tôi quyết định vào bằng phía Đông, vì đây là hàng rào bị vá víu, cụm đèn pha bên trong bị cháy chưa kịp thay. Ánh đèn chiếu quét của các cụm đèn bên, chỉ dải ánh sáng nhợt nhạt màu cỏ úa. Cái lợi thứ hai là hàng rào này đã bị mìn nổ cách đây mấy ngày. Như vậy bọn địch đã “ dọn sẵn” lớp mìn sát thương bảo vệ. Chỉ cần bảy người mặc trang phục màu cỏ úa và một cuộn dây có móc, một kìm cắt dây thép gai, tạo một mặt bằng đàn hồi lát trên hàng kẽm gai bùng nhùng, tung dây, móc trên đầu cột đèn pha bên trong, dùng lực văng nhảy vào, đúng vào giờ địch đổi gác. Tôi đến ngay cơ quan tham mưu chiến dịch trình bày phương án của mình và xin chỉ thị giờ hành động.

 

Đồng chí chỉ huy trưởng và toàn bộ cơ quan tham mưu đều nhất trí tán thành kế hoạch hành động của tôi và ra lệnh: Tôi là người trực tiếp chỉ huy trận đột kích này. Tôi được phép “tuyển lính”. Sau khi nắn gân “lính” tôi quyết định chọn bảy người trong đó có Long và tôi là “thủ lĩnh” của bảy nhân mạng đó. Phân công cho từng trinh sát giữ các mũi, các điểm, quy định những ám hiệu, mật hiệu hỗ trợ trước và sau khi rút. Tuyệt đối không để lại tiếng động, dấu viết trong hang ổ của địch.

 

Đúng 12 giờ đêm. Đội quân chúng tôi trang bị đồng phục màu cỏ úa, tung vào hàng rào phía Đông. Sau khi cắt được hàng rào thứ hai, tôi sử dụng ngay tấm thân hổ pháp của Long làm cầu bật, nằm đè lên  hàng rào cho các trinh sát quăng dây, mắc vào cột đèn, tung mình nhảy qua. Long nằm tại chỗ, hỗ trợ bên ngoài sau khi rút. Sau hai tiếng chui luồn sục sạo trong hang ổ của địch, tôi ra ám hiệu, tất cả các mũi các hướng trở về điểm đã định để kiểm nghiệm kết quả cuộc điều nghiên. Qua mật hiệu, chúng tôi chỉ xác định được số lượng kho tàng, đạn dược, điểm đỗ quân, rút quân, bộ phận thông tin- đơn vị pháo, xe tăng máy bay, kho vận… Nhưng không thể xác định rõ đâu là sở chỉ huy và bọn cố vấn Mỹ.

 

Ép mình trong kho đạn của địch, tôi vắt óc suy nghĩ, phải bằng mọi cách tìm ra điểm chính (sở chỉ huy ) để đo đạc cự ly tầm pháo, hoả lực mở màn chiến dịch tấn công của ta. Vì tính chất quan trọng của trận đánh và thời cơ nổ súng, không thể kéo dài, lại càng không thể nằm lâu trong hang  ổ của chúng, hoặc tổ chức đột nhập nhiều lần. Tôi nẩy ra một quyết định táo bạo. Tôi ra lệnh cho các trinh sát rút ra ngoài, chỉ giữ lại một người làm nhiệm vụ yểm trợ và làm công tác nghi binh để tôi hành động. Men theo góc tối, sát bên tường rào, tiến đến tên lính gác, bằng một động tác võ thuật, tôi bẻ gập tên lính chúi người xuống và dùng khẩu M16 của tên lính bóp cò. Khi tiếng nổ chát chúa phát ra, viên đạn xuyên lên cằm làm tên lính đổ gục. Tôi bay về cuối hàng rào quan sát. Một hồi còi chói tai từ góc căn nhà trạm thông tin phát ra mệnh lệnh cạnh nơi tên lính gác; những tiếng la hét chửi rủa vixi ngậu xị…. hướng nghi binh hàng rào phát sáng. Hàng tràng đạn xối xả bắn vào điểm phát sáng. Tôi ung dung phóng ra hàng rào cửa Đông, lòng mở cờ trong bụng vì sở chỉ huy và bọn cố vấn Mỹ, tôi đã xác định được. Khi về đến điểm tập kết,điểm lại lực lượng thiếu mất  hai người, đó là Lê Hải Long và chuẩn uý Vũ Ngọc  (người làm nhiệm vụ hỗ trợ cho tôi). Chúng tôi đang tổ chức truy tìm, thì Long đã cõng Ngọc trở về, hai người máu me đầy mình, thì ra sau khi Ngọc nghe tiếng nổ của khẩu M76 của tên lính, Ngọc ném hai quả lựu đạn về phía hàng rào  phía Tây để nghi binh và kịp phóng ra ngay cửa đó. Ra khỏi hàng rào cuối cùng, Ngọc bị một viên đạn lạc xuyên vào cột sống. Long ở bên ngoài đã kịp phát hiện và cõng Ngọc chạy ngược hướng cửa Tây theo hình elíp trở về nơi tập kết. Trong lúc rút không có cầu bật, tôi nhảy trườn lên hàng rào, đạp bừa lên hàng  kẽm gai sắc nhọn, bị nhiễm trùng nặng, tôi phải cử Long cầm sơ đồ lên cơ quan tham mưu và thuyết minh chi tiết về kết quả của cuộc điều nghiên đó.

 

Hai ngày sau, tôi cùng một số anh em quay về hậu cứ điều trị. Trong số bảy người tham dự đột nhập sân bay Ái Tử hôm đó, chỉ còn Lê Hải Long và Vũ Ngọc ở lại. Hôm chia tay tôi, Long nói một cách thành thật:

- Quả thật khi giao cho ông chỉ huy trận đột kích này mình có chút tự ái. Dù sao “hàm” của tôi cũng hơn ông một sao, tại sao chỉ huy trưởng trận đánh lại giao cho ông "cầm đầu”. Một điều tôi thấy rất khó hiểu, ông không cho tôi tham dự đột nhập, lại để tôi yểm trợ bên ngoài và lại càng không hiểu tại sao ông lại bắt tôi ăn mặc “khác người” bó dây bên trong rất nặng nề. Không ra dáng đặc công chút nào. Nhưng khi ông quán triệt và bố trí nhiệm vụ từng người, nắm các hướng, các điểm và kế hoạch điều tra, tôi mới thấy ông đúng là thằng lính nhà nghề… Nghe Long nói tôi mỉm cười. Lát sau Long nói tiếp:

-   Mình vẫn còn hoài nghi. Tại sao trong trận đột kích, yêu cầu của mặt trận không gây nên tiếng động. Tại sao ông khử tên lính gác không phải bằng dao găm mà lại bằng súng. Có lẽ ông mất bình tĩnh dẫn đến sự sai lầm chăng?

-  Hoàn toàn chủ động và có tính toán trước – tôi giải thích – vì không xác định được sở chỉ huy và bọn cố vấn Mỹ, không thể đo đạc cự ly và toạ độ mở màn của tầm pháo. Mình phải đi đến một quyết định táo bạo, thậm chí là liều lĩnh. Cần có một tiếng nổ để “đánh thức” bộ chỉ huy của chúng. Đúng như nhận định của mình; sau tiếng nổ, biết ngay nơi phát ra mệnh lệnh. Mình lại sử dụng tiếng nổ của khẩu súng M76 chính nó bắn nó, để khi xét nghiệm vết thương, chúng đưa đến nhận định, do tên lính vô tình, súng bị cướp cò (vết đạn xuyên cằm mà) chứ Việt Cộng không thể chui vào hàng rào “ bất khả xâm phạm” được (trường hợp súng bị cướp cò vẫn xảy ra kể cả ta và địch). Như vậy vẫn giữ được bí mật tuyệt đối. Vấn đề thứ hai, mình để Ngọc làm nhiệm vụ nghi binh, khi tiếng nổ phát ra. Ngọc không có thời gian rút ra cửa phía Đông nữa, mà rút ra chính hàng rào do chính Vũ Ngọc ném lựu đạn mở đường. Thời gian rút, bọn địch chưa kịp trở tay đổ đạn về phía hàng rào phát sáng. Như vậy Ngọc có đủ thời gian chạy xa tầm đạn. Tóm lại mình có đầy đủ yếu tố đặt ra các dữ kiện và đề phòng… dữ kiện, đáng tiếc là Ngọc lại bị thương nặng do đạn lạc.

Long lại phản bác.

- Nếu vậy ta đâu còn giữ bí mật nữa, vì hàng rào phát sáng là minh chứng để địch đoán biết Việt cộng đã chui vào hang ổ của chúng. Trước câu hỏi nghi vấn của Long, tôi phải giải thích:

- Đặc điểm của loại mìn phát sáng, mình đã nghiên cứu kỹ, không có Việt cộng chui vào vẫn có thể phát sáng, vì địch cài mìn sát thương, loại mìn này  rất nhạy cảm, cần gạt đặt ra ngoài, có độ chênh sát hạt nổ, chỉ cần gió mạnh hoặc một va chạm nhỏ, như chuột chạy qua, hàng rào vẫn “tự động phát sáng”, mấy lần trinh sát vòng ngoài, mình đã cho chúng phát sáng nhiều lần. Thực chất, mình muốn địch “làm quen” với ánh sáng ôtômatic này, cậu không thấy sao?

- Tại sao ông lại để tôi ở vòng ngoài, ông cho rằng tôi là lính tồi sao? Long hỏi với hàm ý … Tôi lại  phải thanh minh.

- Tôi phải để ông ở vòng ngoài làm nhiệm vụ yểm trợ và trang phục của ông lại “khác người”, không phải tôi không tin vào sự can đảm chinh chiến của ông đâu. Bởi một lẽ, hàng rào bùng nhùng này dày tới hai mét, kẽm gai dẹt, lưỡi cưa thép của nó rất cứng, không thể dùng kìm cộng lực cắt thành lối đi để chui qua, mà phải đạp trườn lên, lợi dụng lợi thế của tấm thân “ hộ pháp” cùng với chiều cao một mét tám lăm của ông và ước lượng được trọng lượng, thể lực và độ gồng của cơ bắp – ông phải trải mặt bằng “lát” trên hàng rào anh em mới có “ cầu bật sống” bay vào trong được. Như vậy ông không thể bay qua khi không có cầu bật. Ở bên ngoài ông vẫn lập công, cụ thể cõng Ngọc vừa qua.

Mãi tới lúc này Long mới nắm chặt tay tôi tỏ vẻ thán phục:

- Ông đúng là thằng lính nhà nghề thật, tôi phục tài ông thực sự. Và Long tiễn chân tôi một đoạn đường khá xa với vẻ mặt mãn nguyện.

 

*

…Nằm điều trị tại bệnh viện dã chiến được vài ngày. Qua chiếc đài bán dẫn, tôi đã biết tin ta đã giải phóng sân bay Ái Tử, cái yết hầu của Mặt trận. Tôi sướng như phát điên lên, nhưng vẫn muốn biết cụ thể về diễn biến của trận đánh. Một tuần sau, bệnh viện dã chiến tiếp nhận một số thương binh. Tôi biết số thương binh này tham gia trận đánh Ái Tử. Tôi hỏi một người linh trẻ.

- Cậu là người trực tiếp đánh sân bay Ái Tử hả?

-  Chứ sao - cậu lính trẻ trả lời vẻ kiêu hãnh – lính pháo đàng hoàng nhá. Ông biết không, trận đánh táo bạo bất ngờ. Tụi tôi áp đảo địch ngay từ loạt đạn đầu. Phải công nhận lính pháo chúng tôi làm ăn phát đạt. Đo đạc cự ly chính xác “ nhả “ quả nào trúng quả đó. Rớt trúng sở chỉ huy không cho nó ngóc đầu dậy. Trạm thông tin liên lạc bị phá huỷ tan tành, mất hết liên lạc, máy bay không đến ứng cứu được. Đúng là một trận đánh lãng mạn đẹp mắt, ông có công nhận pháo tụi tôi nghề không nào?

- Nghề cái cóc khô gì: không có thằng cha Lê Hải Long, thì các cậu chỉ có thất nghiệp. Lính pháo các cậu toàn là loại mới “xuất xưởng” lính tò te… chính thằng cha Long vẽ sơ đồ, đo đạc cự ly, xác định điểm. Các cậu biết con mẹ gì mà hoênh hoang. Một người lính cao lớn, mặt bịt băng kín mít vặn lại người lính trẻ. Anh lính trẻ ban nảy vẫn tán dương chiến tích của đơn vị mình bốc tiếp.

- Ông có công nhận lính pháo bọn tui có công đầu không? Này nhá, vừa mở màn chiến dịch, trúng mục tiêu ngay loạt đạn đầu, dọn đường cho xe tăng tấn công. Hỗ trợ cho các đơn vị bạn tung hoành trong đội hình địch. Không có lính pháo đo đạc cự ly làm sao các ông làm ăn được.

- Cậu ngu bỏ mẹ đi, lính pháo các cậu chỉ nhắm mắt bóp cò cũng trúng. Các cậu tài cán gì, như thiên lôi chỉ đâu đánh đó, làm chó gì biết sở chỉ huy, cố vấn Mỹ, trạm thông tin, người  làm nên chiến công của lính pháo các cậu – đó là trung uý Lê Hải Long đại đội trưởng đặc công. Chính thằng chả chui luồn trong hang ổ của địch mấy đêm liền., mới đo được tầm pháo của các cậu – tôi quay lại hỏi người lính chiến mắt bịt kín băng.

- Sao đồng chí lại biết Lê Hải Long là người nằm trong hang ổ của địch mấy đêm liền.

- Thì thằng cha đó báo cáo với mặt trận chứ ai. Cả mặt trận đang xôn xao bàn tán rùm beng lên, ai chả biết. Người nào cũng thán phục về sự nhanh trí, tài tình bậc thầy của nó. Ông biết không? Ngay trong hang ổ của chúng mà dám nổ súng bóp chết tên lính gác, để xác định sở chỉ huy thì đúng là cái thằng gan trời, không có bản lĩnh, bố thằng nào dám làm cái chuyện “tày trời “ đó.

Nghe người lính nói. Tôi bật cười thành tiếng, người chiến sĩ tỏ vẻ bất bình thô lỗ:

-  Ông biết cái con mẹ gì mà nhăn răng ra cười. Lính tráng như ông làm được cái chó gì, ông không tin thằng đại đội trưởng đặc công hả? Chính nó nổ súng tại sở chỉ huy của địch và ung dung rút ra ngoài đàng hoàng, không hề mất một sợi lông chân, vừa đi vừa huýt sáo thế mới gọi là “ dân chơi thứ thiệt chứ“. Đã vậy, khi rút ra ngoài  lại cõng được cả thương binh, tên nó đang nổi như cồn, ông biết đếch gì mà cười.

 

Không nén nổi, tôi lại bật cười to hơn làm  mấy thương binh bên cạnh khó chịu phản đối góp lời chửi rủa.

 

Tôi chỉ biết mỉm cười im lặng suy nghĩ về “chiến công”  về con người Lê Hải Long. Sau trận đánh, Long được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội và được phong quân hàm vượt cấp. Những người tham gia cuộc đột nhập lịch sử đó đều được phong cấp quân hàm và danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Điều mất mát lớn nhất của tôi là trận đánh sân bay Ái Tử, vị đại tá mà tôi kính phục, cùng với Vũ Ngọc một người lính trung thực, mưu trí, dũng cảm đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

 

*

.. Cuộc đời người lính lại bị cuốn hút biết bao việc phải làm và cần làm. Tôi không có thời gian và tâm trí để suy nghĩ về sự việc và con người Lê Hải Long – con người này đã tan biến trong tâm trí của tôi.

… Tháng 10/1976 tôi ra khỏi quân đội, chuyển công tác sang ngành Văn hoá của một tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, làm phóng viên biên tập cho một tạp chí văn nghệ. Thời gian này tôi đã quen thân với một người con gái có giọng ngâm thơ đến mê hồn. Những bài thơ của tôi được ngâm qua giọng của cô, trên ánh đèn sân khấu, đã ru hồn nhiều chàng trai say mê đến ngây dại. Trong số những người ngây dại đó … có tôi. Tôi đã giành khá nhiều thời gian của một phóng viên trẻ, hăm hở với phong trào văn nghệ quần chúng, chăm chút cho giọng ngâm thơ trời phú cho một hạt nhân cơ sở. Không biết do sự rung cảm của bài thơ tôi viết, hay do sự chăm lo đặc biệt đến mức dư thừa của anh nhà báo “ bám sát phong trào” mà giữa tôi và cô đã nảy nở tình yêu. Hai chúng tôi đã phá đi khoảng cách để nhích tới ngưỡng cửa hạnh phúc. Cả một khoảng thời gian khá dài, tôi và cô bên nhau như hình với bóng, chúng tôi đã đi quá giới hạn của tình yêu. Biết không thể dừng lại, cô bắt tôi phải làm bổn phận của người đàn ông, trực tiếp đến gia đình cô để thưa chuyện …xin phép ba mẹ. Tối hôm đó, tôi quyết định “ dứt điểm”, đánh trận cuối cùng. Tôi phóng xe đến gia đình cô với vẻ mặt của kẻ đã nắm chắc phần chiến thắng. Chợt, tôi dừng bước. Trước cửa phòng khách, đã có một chiếc Honda bóng lộn, án ngữ và một người đàn ông ngồi đối diện với cô. Tôi sững người lại, định bước ra thì họ đã nhìn thấy tôi. Cô vồn vã nắm chặt tay tôi kéo vào phòng khách, với vẻ lo lắng ngượng ngập, như muốn thanh minh điều gì. Người đàn ông quay lại, giật mình sửng sốt. Người đàn ông đó… chính là Lê Hải Long. Long ôm chầm lấy tôi và giới thiệu với cô nàng.

- Đây là anh Thành người hùng của mặt trận B5 Quảng Trị cùng trận tuyến với anh năm xưa, hơn năm năm bây giờ các anh mới gặp nhau, đúng là chuyện “ tao ngộ trùng phùng”. Tôi chỉ mỉm cười góp vui câu chuyện. Cô nàng bối rối, dở đứng dở ngồi, ỡm ờ đưa đẩy vài câu lấy lệ. Lát sau cô vào nhà trong, Long được dịp ghé vào tai tôi thở ra mấy chữ.

- Mình ra quân hồi năm bảy bảy, về làm trưởng Công an Phường, ngay trong thành phố này, ngày mai, mời ông đến chỗ nhà mình chơi, ta lai rai, hâm lại chuyện thời khói lửa. Im lặng một lát, Long đưa mắt quan sát và ghé vào tai tôi nói nhỏ:

- Ông thông cảm, đây là bồ mình đó, mình đã chọc thủng hàng phòng tuyến bên ngoài, đã làm xong công tác tư tưởng với ông bà già. Ông bà già của nàng là một trong những nhân vật có thế lực ở tỉnh này rất ủng hộ mình. Hôm nay mình mở màn chiến dịch, tập kích đột phá trận cuối cùng, cô ta còn kênh kiệu lắm, nhưng thế nào cũng “đổ”, ông có ủng hộ mình không? Không chút do dự tôi đáp ngay:

- Sẵn sàng giơ hai tay, hai chân mừng ông lập chiến công mới như .. sân bay Ái Tử năm xưa! Khi cô nàng bưng cà phê ra, thì tôi đã rong ruổi trên đường phố.

Những ngày tiếp theo, tôi tìm mọi cách lấn tránh cô nàng và thay đổi địa bàn hoạt động. Ba tháng sau, tôi nhận được giấy mời đi dự đám cưới của Lê Hải Long và Trần Thị Mai Lan – vâng, cô nàng ấy …chính là vợ của Long bây giờ.

 

Thời gian Long mặc sắc phục công an, đôi khi chúng tôi gặp nhau, song cả hai tuyệt nhiên không nhắc gì đến chuyện chinh chiến. Hai năm sau, có chuyện trục trặc xảy ra với Long. Long bị nghi vấn móc nối với một  tổ chức vượt biên trái phép, ăn hối lộ gì đó. Long đang có nguy cơ sẽ phải đối chất trước cơ quan pháp luật. Đùng một cái, Long được chuyển vị trí công tác, lên thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ ông bố vợ có thế lực trên bộ Công nghiệp, xin cho Long vào làm tại xí nghiệp xuất nhập khẩu với cương vị khiêm tốn: Quản đốc một xưởng dệt thảm len. Nhưng lần ghé chơi nhà Long, tình bạn của chúng tôi chỉ dừng ở mức “phải chăng” chừng mực, có liều lượng, không đậm đà, không nhạt nhẽo. Tôi ý thức được Long rất ngại mỗi lần Lan gặp riêng tôi, không hiểu do sự nghi ngờ về mối quan hệ giữa tôi và Lan hay là một lý do gì  khác, tôi cũng ý tứ tránh né nói chuyện với Lan khi không có Long ở bên cạnh. Mối quan hệ của chúng tôi thực sự chấm hết khi có nhân vật mới ra đời đó là …vợ tôi .

 

Sự im lặng kéo dài được sáu năm. Tôi không hề biết có Long và Lan ở trên cõi đời này nữa… Hôm nay tự nhiên có mặt tại căn nhà này, Long bây giờ là Giám Đốc một công ty xuất nhập khẩu - một công ty làm kinh tế, có uy tín trong thành phố. Lan làm kế toán thống kê, kiêm luôn phong trào văn thể của công ty. Cô nàng vẫn giữ được cái giọng ngâm thơ trời phú, vẫn tha thướt, óng chuốt non tơ như cái thời “phong trào”…của tôi.

 

Sau một đêm thức trắng, sáng sau, Long nắm tay tôi

- Nhà mình ở đây, khi nào có dịp ghé chơi, cần gì cứ hỏi, tụi mình có điều kiện, bạn bè với nhau ông đừng ngại. Nói xong, Long đưa cặp mắt ý tứ cho Lan.

Ngồi vắt vẻo trên xe xích lô, Lan dúi vào tay tôi một xấp tiền, giọng khẩn khoản: 'Anh cầm lấy số tiền này xài đỡ. Tụi em biết anh đang gặp khó khăn. Tụi em có điều kiện hơn anh. Bạn bè với nhau đừng ngại, với lại … hồi đó…'

- Thôi thôi, đừng hồi đó nữa cô ơi! Tôi vội cắt ngang cái chuyện rất … đàn bà của Lan.

-  Anh đừng làm thế, đây là tấm lòng em. Em định giữ anh ở lại nhà một thời gian nhưng .. Lan dừng lại đưa mắt nhìn vào trong. Tôi dứt khoát:

- Cái “ nhưng” ấy anh biết rồi. Anh không nhận tiền của em  đâu!

Chiếc xích lô chuyển bánh, Lan ném bọc tiền vào lòng tôi và hỏi với theo:

- Anh cho em điạ chỉ của anh.

Tôi ngoái lại ném theo một câu chua chát.

- Địa chỉ của anh hả? Các công viên, gầm cầu, xó chợ, cứ đến các điạ điểm đó hỏi Thành bụi đời ai cũng biết.

Chiếc xích lô đã đi xa, tôi vẫn kịp nghe hai tiếng: “trời ơi” đầy thoảng thốt của … gái một con.

 

Một tháng sau. Tôi đang nằm bò trên bàn để viết thiên ký sự. Giữa lúc say sưa đến giai đoạn cao trào thì… một chiếc xe xịch đỗ trước cửa. Tôi nhận ra người tài xế có bộ ria mép láu cá và Lê Hải Long. Long  mỉm cười từ xa với giọng oang oang.

- Ông đúng là một “ẩn sĩ” hai tuần nay tôi tìm ông. Đúng là “tìm ông như thể tìm chim” rất may cho tôi. Đã tìm ra “ẩn sĩ” đang “chốt” ở đây.

- Có chuyện gì quan trọng? tôi hỏi.

- Quan trọng chứ. Quan trọng còn hơn tìm bộ chỉ huy của sân bay Ái Tử. Bây giờ bút nghiên, đèn sách ông xếp lại, lên xe đi, bả đang chờ ông!

- Bà nào? Tôi ngơ ngác hỏi.

- Bà Lan chứ bà nào. Ông chóng quên hay cố tình quên một thời … Long bật cười thành tiếng đầy ý nhị,

- Xin ông bà giành cho hôm khác  vậy. Tôi đang tập trung trí tuệ dốc hết vào bài viết, kêu gọi cánh cửa công lý, để gỡ lại canh bạc bị thua đậm, bắt bọn làm ăn phi pháp, đứng vào vành móng ngựa, giành lại chỗ đứng cho mình.

- Hoang tưởng. Cái chết xưa nay của ông là bệnh hoang tưởng. Ông đừng nhầm, báo chí bênh vực cho ông đâu. Ai dám bảo, báo chí bây giờ là thoát khỏi sợi dây trói buộc? Cái sợi dây vô hình kia vẫn còn, sẵn sàng tròng vào cổ mỗi con người. Ai đứng ra thanh minh bảo vệ cho ông? Pháp luật nào ủng hộ một thằng ngã ngựa mất hết quyền thế? Nhất là ông lại mắc vào cái tội “ viết báo chống chế độ” lại mới đi tù về. Giả thuyết đặt ra, nếu có ai đó giải thoát oan khiên cho ông, giành lại chỗ đứng là phục hồi chế độ cho ông, thì ông giải quyết được gì? Lương và các tiêu chuẩn của ông liệu có mua nổi cái xe rách không? Trong tình hình giá cả leo thang hiện nay, chỗ đứng của ông là gì? Nhà báo hả? Nhà văn hả? cái chức nhà báo, nhà văn lương được bao nhiêu? tiền tài là đỉnh cao của hạnh phúc mọi người đang vươn tới. Bây giờ khoan hãy nói tới chuyện đạo đức cách mạng, chí công vô tư, luân thường đạo lý. Không có tiền nói chẳng có ma nào nghe. Đám tang của một thương gia còn lớn hơn đám tang của một ông quan đầu tỉnh, các nhà chức trách góp mặt đưa tang thương gia đó. Còn ông quan đầu tỉnh nhà đã có báo chí các ông đăng tin buồn và lời cáo phó “vô cùng thương tiếc”… mấy dòng liệt kê nào là được tặng thưởng bao nhiêu huân chương.. là xong. Đó ông thấy chưa? Long tuôn ra một tràng như nước suối.

- Ông không tin vào sự thay đổi của xã hội, của báo chí ngày nay hả? Báo chí đưa ra một loạt các vụ kiện cáo, hạ bệ hàng loạt cán bộ cao cấp, phanh phui hàng lô sự kiện còn tồn đọng trước đây, sự công bằng sẽ đến mọi người dân.

- Ông lại bị đánh lừa. Ông tưởng tôi không xem báo chí hà, xin thưa với ông rằng: những sự kiện mà báo chí nêu ra thậm chí gọi đích danh từng người, chỉ là con số quá nhỏ trong hàng ngàn cái hiện có và sẽ có. Những vụ việc đó không thể làm ngơ được,  khi mọi người đều biết. Báo chí không đủ tầm xa, vung cán chổi quét hết rác rưởi ở xã hội hiện nay đâu. Bây giờ ông nên lo cái thiết thực đã, cụ thể là cái dạ dày này. Tôi đến đây thông báo cho ông một tin giật gân, ông sẽ có một gia tài kếch xù, mà gia tài ấy ông không cần đến một chút cố gắng, không văn thơ, nghệ thuật gì hết. Tất cả cái đó chỉ đánh đổi lấy một cái ... gật đầu.

- Thôi ông bạn vàng ơi! Tôi không có thời gian xem truyện khoa học viễn tưởng đâu, truyện thần thoại dành cho trẻ con, tôi đang đương đầu với thực tại.

- Thì tôi cũng đang nói chuyện thực taị đây.Nào, ông đi theo tôi .

Tôi không thể chống cự được với sức mạnh của cái thân hộ pháp, miễn cưỡng lọt thỏm trong xe, lòng đầy nỗi hoài nghi, không biết thằng cha này đưa mình vào “trận đồ bát quái “ nào đây?

Xe vừa dừng, đã thấy Lan đứng sẵn trước cổng, nhoẻn nụ cười tươi rói. Long nói oang oang:

- Tôi báo cho bà một chiến tích tôi vừa lập được, là kéo được ông Thành của bà đến đây. Giữa thời buổi này mà ông ta còn say sưa với mặt trận … giấy trắng mực đen, lại còn cao giọng thuyết giáo cho tôi về… xu thế xã hội, vận mệnh tương lai đất nước. Xem ra, còn hăng máu vịt lắm. Bây giờ tôi giao cho bà “quản lý” – nói xong, Long tự thưởng cho mình một trận cười khoái trá.

- Tôi chẳng hiểu ông bà làm trò gì mà “bắt cóc” tôi thế  này. Tôi khôi hài bông đùa.

- Anh ngồi xuống đây, có chuyện gì đâu – Lan ỡm ờ trong câu nói. Lan đưa cho tôi tập an bum dán đầy hình. Ngồi đối diện với Lan ở ghế xích đu trước cửa nhà, lật qua loa đại khái tập an bum.

- Anh xem tất cả người đẹp ở đây anh “chấm” cô nào. Đây cô này nè, cái này rõ nhất nè. Hình ảnh của cổ đi tắm Vũng Tàu đó, được không anh? cặp giò ngon không?

-  Được, đẹp, eo co, cân đối, có sức sống.. gần bằng em.

-  Còn hơn em ấy chứ! Anh chấm không?

-  Ừ thì hơn, “chấm” khỉ gì? Anh bây giờ thực hiện chính sách ba không, không địa vị, không nghề nghiệp, không tiền tài, có ma nào thèm anh.

-  Nhưng xem cô ấy thế nào? Chịu không, em làm mai? Em làm mai là mát tay lắm nghen.

-  Thôi dẹp đi cô nàng ơi. Anh chán ngấy chuyện mai mối rồi, tâm trạng anh lúc này đang ngổn ngang. Bụng dạ nào mà mai với mối.

- Anh cứ gật đầu là xong liền hà. Cô ta có cái tên kêu như chuông: Phi Yến. Hai mươi tám tuổi. Phó giám đốc, có nhà riêng lịch sự đàng hoàng, kinh tế hết chê, anh vào đó nằm dài mà viết thơ tình.

- Thôi, thôi! mặc kệ cái cô “hết chê” của em đi. Nào xin mời bà “quản lý” cho tôi biết lý do “quản lý” chuyện gì ?

-  Hôm nay anh phải nghe em, phải theo sự đạo diễn của em. Anh còn bướng quá hà, cái tánh anh khó “cải tạo” quá.

-  Ừ thì đạo diễn .. đạo diễn đi.

Vừa lúc đó, Long từ trong nhà bước ra.

- Xin mời quý vị vào nhà chúng ta nhập tiệc! Lan kéo tay tôi vào phòng khách. Tôi sững lại kinh ngạc đến hoa mắt. Trước mặt tôi, bàn ăn được trải một màu trắng toát. Những ly chén bóng lộn, một chai rượu tây ngoại hạng, cùng những lon bia hộp xếp thành một khối, tôi thốt lên:

- Hôm nay ông bà đón nguyên thủ quốc gia hay là mừng ai mà long trọng thế này. Tôi hoá ra là kẻ ăn theo.

-  Chẳng đón nguyên thủ quốc gia, ông chính là khách, đúng với tầm cỡ của câu chuyện, nào xin mời…

 

*

..Kim đồng hồ điểm 2 giờ Long đánh thức tôi dậy và nói: Bây giờ tôi uỷ quyền cho bà Lan toàn quyền ”sử dụng” ông. Hôm nay tôi đi họp đến 7 giờ, có đủ thời gian để hai người hâm sôi lại những chuyện xa xưa. Xin trả lại không gian yên tĩnh và quyền tự do cho hai người. Long nói xong, cắp cặp ra đi. Lan ngồi cạnh tôi bắt đầu vào chuyện: Anh thấy cô Phi Yến trong ảnh thế nào?

 

Đã nói rồi. Đẹp, rất đẹp. Khổ quá, sao lại đem cái cô Phi Yến trong ảnh ra nói chuyện với anh?

- Đấy, chính cái cô…trong ảnh, mà hôm nay em cần gặp anh để nói chuyện một cách đàng hoàng  đó. Vì nó chính là hạnh phúc của anh và của em. Tôi sốt ruột gắt lên.

-  Khổ quá, lúc này anh không dư thừa thời gian đâu, đừng lôi cô trong ảnh ra đây nữa.

-  Anh đừng nóng vội, nghe em nói đã, anh tha lỗi cho em, khi phải nói ra chuyện thầm kín… trong nhà.

 

Rồi một hồi quanh co, rào đón, theo cái lối.. đàn bà. Tôi phải hết sức bình tĩnh để lắng nghe chắt lọc và tóm lược trọn vẹn cái “chuyện nhà” của Lan…

- Cách đây hai năm, nhà em có quan hệ tình ái với cô Phi Yến. Em tìm mọi cách ngăn chặn. Nhưng trời ơi, ai biết và dập tắt được tai họa của ngọn lửa gần rơm. Em đã biết cô ta có bầu hai tháng. Chắc anh đủ hiểu nỗi khổ tâm của người vợ bị chồng phụ bạc. Em đã gặp Yến và yêu cầu cô ta cắt đứt và bắt cô ta phải nạo thai. Việc làm kín đáo và khôn khéo của em không bị bại lộ. Nhà em và Yến hứa trước mặt em, từ nay chấm dứt mối quan hệ chim chuột đó . Ai ngờ em quá tin vào lời hứa nước bọt. Gần đây em lại phát hiện ra dấu hiệu khác lạ trong người cô ta, buộc lòng nhà em nói thật. Cô ta đã có bầu và đã được ba tháng. Biết sao được hả anh. Chúng em đã có con, em không muốn đứa con thiếu cha hay thiếu mẹ, không muốn nó thấy cảnh gia đình phân tán… em cũng không muốn thấy chồng mình mất hết danh dự uy tín, em cũng chẳng đẹp đẽ gì khi người vợ bên cạnh được tiếng là xinh đẹp, mà người chồng vẫn ngoại tình. Cái khó nhất Yến là bạn học rất thân của em. Em bắt nhà em cắt đứt và giải quyết hậu quả đó. Em gặp riêng Yến đề nghị nhiều lần, nhưng lần này Yến không chịu phá huỷ bào thai. Yến lại là cô gái có nhan sắc, có học vấn lại có cương vị xã hội. Cô ta kênh kiệu thách thức em. Sẵn sàng trâng tráo lọt vào đời riêng của gia đình em. Em đã mai mối cho cô ta rất nhiều người nhưng Yến không đồng ý. Cô ta lập luận “không bao giờ chấp nhận bất cứ một người đàn ông nào chỉ biết gật đầu như một con chiên ngoan đạo…đó là loại người nhu nhược thiếu bản lĩnh”. Giữa lúc nhà em đang bối rối, thì có quyết định đề bạt nhà em lên Tổng giám đốc công ty, và có khả năng được đề cử Đại biểu Quốc Hội kỳ này. Em không vinh dự gì cái chức Tổng, mà chỉ lo đến hạnh phúc gia đình, em viết đơn ra toà ly dị. Anh Long quỳ xuống van xin em hãy độ lượng tha thứ cho anh lần cuối cùng. Vì uy tín và địa vị tương lai của anh ấy…. em biết tính sao được. Anh Long đã gợi ý cho em gặp anh.Ảnh hy vọng chỉ có anh là ngừơi gỡ rối được cái mầm hoạ này, và biết đâu, đây củng là cách để anh ổn định cuộc sống. Nghệ sỹ các anh còn lãng mạn và trăng hoa lắm. Không còn cách nào khác, em đã gặp Phi Yến nói rõ hoàn cảnh, uy tín, cương vị, học vấn của anh và mạnh dạn nói thực mối tình giữa anh và em … trước đây.

 

Lan gục đầu vào vai tôi, đôi vai rung lên, nói trong hơi thở gấp. Em vẫn… em vẫn … là của anh. Lan ôm ghì lấy tôi. Cả thân hình tràn đầy sức sống và sức nóng bỏng của ngọn lửa…trả thù…trời ơi, cái tấm thân óng mượt nõn nà kia, chỉ dán vào bộ quần áo mỏng tanh, lồ lộ. Tôi rơi vào tình trạng khó xử. Tôi không ngờ sa chân vào cái “trận tuyến” đầy nguy hiểm này. Tôi chẳng phải  là thần thánh cao siêu gì, hay là quá ngây thơ đến mức dại khờ khi đứng trước một bông hoa tự nguyện. Song trường hợp này tôi phải cảnh giác, biết đâu đây là trò ảo thuật của Long, một con người đầy rẫy sự tinh ranh, xảo quyệt. Tôi vùng đứng dậy kiên quyết.

- Lan, đừng làm thế, không dám dối lòng, anh rất … thương em, nhưng anh không thể.. em đừng bắt anh đối đầu với tình thế này.

- Trời ơi, anh từ chối chuyện này thì em chết mất. Anh Long ảnh bảo bằng mọi cách thuyết phục được anh. Ảnh cho phép em nếu cần, sẽ thuyết phục bằng cả cách riêng .. của đàn bà.

Khó khăn lắm tôi mới thoát khỏi vòng tay của Lan. Tôi đứng dậy nói một câu sắc như dao cạo.

- Anh chỉ giúp em được lời khuyên. Em nên can đảm nhận lấy một phần trách nhiệm của người vợ do chồng mình gây nên. Giúp Yến làm tròn bổn phận của người làm mẹ.

-  Nếu anh không muốn lấy cô ta làm vợ lâu dài, anh chỉ cần chấp nhận làm chồng cô ta một thời gian, cho đến khi đứa con ra đời sáu tháng. Anh có quyền ly dị. Quy ước ngầm này Yến cũng đã chấp nhận. Mọi giấy tờ để anh tiến hành một đám cưới đúng nghĩa, nhà em lo đủ.

 

Tôi chưa kịp nói gì, Lan đứng dậy mở tủ lấy ra một hộp nữ trang đặt vào tay tôi.

- Nhẫn cưới cô dâu và chú rể nè, dây chuyền và bông tai nè, vòng đeo tay nè, còn đây, anh cầm lấy số tiền này để dùng cho những việc cần thiết.

Nói xong, Lan ỏng ẹo choàng tay qua vai tôi.

- Anh nghe lời em đi, đừng làm em thất vọng. Anh không muốn cho em có cuộc sống yên thân sao. Anh chỉ làm chồng sau khi Yến có con sáu tháng thôi mà. Em biết vì em mà anh phải…hơn nữa cô ta rất đẹp. Anh lại là người hiếu sắc cơ mà.

 

Tôi vẫn kiên quyết.:

- Trong hoàn cảnh thực tế, anh rất cần một gia đình, nhưng không thể sắm vai một người chồng hờ hững lại được mang ơn, có khi còn được tôn vinh là ..cao thượng.

Lan kéo tay tôi vòi vỉnh năn nỉ.

- Em van anh, hãy thương em. Anh vẫn cương như thế, em sẽ...giết chết anh.

- Giết chết bằng cách nào….

- Em sẽ… em sẽ để lại một vết cắn thật sâu trên má anh và nếu cần sẽ xé rách …quần áo em.

Tôi sững sốt nhìn Lan, lo sợ thực sự, có thể đây là một âm mưu được Long đạo diễn. Tôi khẩn khoản.

- Đừng, đừng làm thế, em bảo em vẫn quý anh mà. Anh sẽ suy nghĩ lại. Lan .. trời ơi! đừng xé quần áo, thôi đi Lan. Giữa lúc tôi và Lan đang co kéo thì vẳng lên tiếng còi xe. Tôi hoảng hốt đưa mắt nhìn ra bên ngoài, sửa lại tư thế và bình tĩnh nói nhỏ:

- Để giữ mối quan hệ tốt cho nhau. Em nghe lời anh, thay quần áo khác trước khi mở cổng.

Lan gật đầu ngoan ngoãn làm theo. Tôi trở lại phòng khách sửa lại quần áo, đầu tóc, vờ xem báo. Lan ghé sát tai tôi thì thầm “có cả Phi Yến đến”. Anh hãy thương em nghe, nếu không em sẽ … không thay quần áo.

 

Cái thế bất lợi đặt ra, tôi nhanh trí vít cổ Lan hôn nhẹ một cái và gật đầu.

Vẫn dáng hình quắc thước oai vệ, Long cắp cặp đi thẳng vào phòng khách. Tôi nhận ra đứng sau lưng Long là Phi Yến. Chúng tôi đưa mắt chào nhau. Long giới thiệu mà gần như đọc luôn lý lịch.

-  Xin giới thiệu với anh bạn vàng. Đây là cô Trương Thị Phi Yến. Hai mươi tám tuổi, phó giám đốc Công ty, phụ trách thi đua. Đại học kinh tế Kế hoạch và là con chim đầu đàn của thành phố về phong trào thể dục nhịp điệu và đây là nhà văn trẻ Văn Thành. Một nhà văn có nhiều tác phẩm nổi tiếng - một người hùng trong chiến tranh. Ba mươi bảy cái xuân xanh, vừa trải qua một tai nạn ghê gớm trong lịch sử. Xin mời đôi uyên ương trút bầu tâm sự.

 

Đọc lý lịch hai người xong, Long phá lên trận cười giòn tan. Tôi đỏ bừng mặt khi nghe câu “một nhà văn trẻ có nhiều tác phẩm nổi tiếng”. Yến chìa tay, bắt tay tôi rất tự nhiên không chút e dè. Long đưa cặp mắt ý tứ nháy tôi một cái, cánh cửa phòng bị khép hờ hứng sau cái gạt nhẹ của Long.

 

Thú thật, tôi hơi mất tự chủ trước sắc đẹp của Yến. Phải công nhận cô nàng đẹp hơn tất cả những cô gái trước đây tôi gặp. Lại càng kinh ngạc hơn, Yến có trình độ giao tiếp vừa bặt thiệp vừa kiểu cách, và tôi cũng nhận ra Yến là một cô gái kênh kiệu. Nếu có cuộc thi tuyển “người đẹp kiêu sa” chắc Yến sẽ được xếp hạng của thành phố. Sau nghi thức làm quen qua màn chào hỏi thông thường, mang tính thăm dò nắm bắt “sắc diện” của nhau, và những câu thiếu chủ ngữ ,bóng gió xa xôi qua đi. Chủ đề chính của câu chuyện bắt đầu hé mở, Yến hỏi tôi:

- Lan đã nói hết về tính cách con người và những cái xấu vốn có của Yến với anh rồi, đó là nhận định đánh giá theo quan điểm riêng của Lan. Với anh, Yến là người như thế nào?

- Yến là người có cá tính, thẳng thẳn, bộc trực, tự tin và hiếu thắng, có cảm tưởng như Yến  có gan “ bỏ cả thế gian trong túi áo”.

- Sao mà anh ghép tội Yến ghê thế “ cả thế gian trong túi áo”. Anh đặt Yến ngang hàng “Nữ Oa vá trời” …ghê thiệt. Ngưng lặng một chút,Yến nghiêm sắc mặt hỏi tôi :

- Chị Lan đã nói chuyện hết với anh về Yến rồi. Bây giờ anh tính sao? Tôi lặp lại câu hỏi

- Với  Yến, anh nên tính sao?

- Tuỳ anh, Yến không phải là người ngửa tay xin tình cảm của người khác. Nếu như người đó nhầm tưởng mình đang đứng trên cao.

- Anh cũng vậy. Chỉ khác một điểm của Yến. Anh không bao giờ đánh đổi lấy một cái …mình không cần có.

- Vậy điều anh cần có là gì?

- Sự trung thực, can đảm, tự làm chủ chính mình. Không sa vào sự níu kéo của kẻ khác. Càng không muốn đến ..với ai bằng sự hàm ơn.

- Ghê nhỉ? - Yến ngước cặp mắt có hàng mi cong vút chém vào người tôi, với vẻ kênh kiệu phớt đời. Tôi bồi tiếp trận đòn.

- Anh là người rất quý sự trung thực, đó là tiêu chuẩn hàng đầu trong việc chọn lựa tình yêu, tình bạn. Anh sẵn sàng đấu tranh và nếu cần trả giá cho sự đấu tranh để bảo vệ cái mà mình đáng yêu thương trân trọng và ngược lại.

- Yến cũng rất cần cái điều anh vừa nói, nhưng yêu cầu của Yến cao hơn một chút đó là sự độ lượng và lòng vị tha.

- Độ lượng và lòng vị tha, trong anh có sẵn hai thứ đó. Với anh tình yêu không có biên độ, khoảng cách, học vấn, vị trí xã hội. Cái cần nhất là sự trung thực biết tự chủ…

Đôi mi dài cong vút đã sụp xuống, hai mắt chớp chớp, Yến thay đổi cách xưng hô.

- Anh còn ghê gớm hơn những điều Lan nghĩ về anh, giá như anh có lòng độ lượng, biết tha thứ chắc em… chắc em…chết mất. – Đôi mắt Yến chớp chớp. Tự nhiên Yến quay mặt, đôi vai rung lên. Tôi lại rơi vào tình trạng bối rối. Cái bệnh cố hữu xưa nay của tôi là vậy. Tôi rất dễ hạ vũ khí đầu hàng trước giọt nước mắt của phái yếu. Tôi ngồi sát bên Yến lấy khăn lau nước mắt.

- Em nghe anh, anh không phải là con người ghê gớm lắm đâu. Anh không chê trách em. Có thể là người chồng của em, khi ta có sự cảm thông và biết đâu từ sự cảm thông đó sẽ dẫn đến tình yêu thực sự. Sau khi em làm trọn bổn phận làm mẹ, em đồng ý không? Yến? Yến!

- Trời ơi! Em biết anh quá muộn. Giá như trước đó …tôi vỗ về dỗ dành.

- Can đảm lên, nghe lời anh, anh sẽ đến với em.

- Thật không? Anh hứa đi.

- Anh sẽ đến với em … sau này, với điều kiện, em phải thoát được cái bóng và sợi dây điều khiển của kẻ khác, không để hướng đi của mình đã được lập trình do một thế lực nào đó sắp đặt…

- Trời ơi  :…Anh…

 

Yến ngước cặp mắt long lanh ngấn nước nhìn tôi và vụt chạy ra ngoài: đúng lúc Long bước vào.

-  Tôi không ngờ ông lại hiểu về tôi như vậy. Thiện chí của tôi không phải mời ông đến để gỡ tội cho tôi. Việc tôi làm tôi chịu. Cái chính là tôi giúp ông thay đổi cách sống. Ông vẫn còn xa rời thực tế nhiều quá. Một người hùng trong chiến tranh. Bây giờ sự nghiệp trắng tay. Cái nhãn tiền trước mặt ông đó. Ông vẫn mang một căn bệnh huyền hoặc thi vị hoá cuộc sống. Tôi cứ cho rằng, ngày mai công lý gõ cửa, ông sẽ thắng. Ông trở về với nghề cầm bút của mình, ngọn bút của ông làm được gì. Xã hội đem đến cho ông được gì ? ông đừng cao ngạo về giới văn nghệ sỹ của ông. Mấy năm ông ở trong tù, có thằng nhà văn nhà báo nào đến thăm ông không, có đưa một bài viết nào bào chữa cho ông không, hay nó co lại, trốn chạy, né tránh. Đó! Bạn văn chương của ông quý như vậy đó. Ngày nay các ông hô hào “đổi mới” “cải tổ” “đẩy lùi tiêu cực” chắc gì, những kẻ gân guốc hô to nhất lại là những kẻ tiêu cực nhất. Ngay chính giới văn nghệ sĩ các ông cũng đầy rẫy tiêu cực. Bài vở được in, vẫn theo cái vết mòn “nhất quen nhì biết” bản thân văn chương vẫn còn ganh tỵ nhau, chen chân kèn cựa nhau. Ai dám bảo một ông tổng biên tập tự nguyện rời chỗ mình ngồi, nhường ghế cho một cây bút trẻ. Tôi chỉ mong ông nhìn lại thực tế của mình. Ông lại là thằng cầm bút chẳng tăm tiếng gì, có cũng được mà không cũng chẳng chết thằng nào.

 

Chờ cho bài độc diễn của Long kết thúc, tôi mới nói.

- Những điều ông nói ra rất đúng. Tôi chẳng phản bác. Có điều tôi phải giữ lấy cái cần có của tôi.

Long vỗ tay cười ngặt nghẻo, giọng điệu châm biếm giễu cợt.

- Giữ lại cái “cần có của tôi”. Tôi chẳng biết.. cái cần của ông là gì? Diện mạo ra sao? Vài bài báo chăng? Hay là vài cái truyện ngắn nhì nhằng, vô bổ, viết theo công thức.. ta thắng địch thua, thiện thắng ác, chính nghĩa thắng phi nghĩa, hay vài bài thơ với những ngôn từ sáo rỗng, trơn láng bóng mượt, sặc mùi cải lương, ru ngủ những cô gái mơ mộng hảo huyền… hay những bài báo tuyên truyền, cổ động, minh hoạ đường lối, chủ trương, chính sách nhân dịp ngày lễ, kỷ niệm, chào đón sự kiện gì đó chăng. Xin lỗi ông, những luận điệu đó quá cũ rích, xưa như trái đất. Hàng trăm ông tự nhân danh nhà báo, nhà văn, nhà thơ, hoặc tự phong cho mình nhà nọ, nhà kia. Thực chất, họ chẳng là nhà gì cả. Họ tự gắn nhãn mác, huyền hoặc mình, xưng tụng mình, vênh mặt cao ngạo giao giảng một mớ lý thuyết xa rời thực tế. Tôi vốn là người lính, có chút may mắn trong chiến tranh,nay đang là nhà quản lý. Chúng tôi rất ít chữ nghĩa, mọi suy nghĩ, hành động, đều phải bám sát thực tế, chẳng cần triết lý cao siêu gì. Tầm nhìn duy nhất của chúng tôi, đều tập trung vào cái dạ dày, nói một cách trần trụi hơn là miếng cơm manh áo của hàng trăm con người. Các ông hơn chúng tôi là một mớ lý thuyết dùng để tranh luận, cãi vã, đấu lý với nhau trên diễn đàn. Các ông nêu cao học thuyết “phép thắng lợi tinh thần của chú A.Q”. Sau mỗi cuộc đấu, ai cũng tự thấy mình chiến thắng…

 

Sau khi diễn thuyết một tràng dài với giọng điệu châm chọc cay nghiệt, Long bật lên trận cười ngạo mạn đắc thắng. Chờ cho trận cười của Long chấm dứt, tôi phản công bằng cách lật ngửa con bài.

- Hay lắm. Hoá ra ông cũng có tài hùng biện không đến nỗi tồi , và càng bất ngờ một anh hùng quân đội chuyên nghề… bóp cò súng, phút chốc trở thành nhà quản lý tài ba, thao lược, lại có máu văn chương đến thế. Chỉ có điều, giữa tôi và ông có hai cách sống, hai cách nghĩ khác nhau. Chẳng biết cơ duyên nào đưa đẩy chúng ta đến với nhau, giăng mắc vào nhau. Trong chiến tranh, ông là kẻ có tài, biến điều không thể thành… có thể. Khi giã từ màu áo lính, vô tình chúng ta lại đứng chung trong trận địa tình ái, ông là kẻ đến sau, nhưng lại nhanh tay nắm bắt cơ hội “chộp” được con mồi trước cửa hang, trận địa nào ông cũng giành phần thắng. Khi tôi gặp vận hạn, ông trở thành hiệp sĩ mang gương mặt thánh thiện của đấng thần linh đưa tay cứu rỗi , cùng một lúc, vừa ban phát ân huệ lại vừa trốn chạy hệ quả, vẹn cả đôi đường, giúp người và cứu mình. Bạn bè, tình ái đều được ông phù phép thành những viên đá lát đường. Luật đời quả không đơn giản, tạo hoá trêu ngươi chắn đường của kẻ này, mở lối của kẻ kia… ông đúng là đạo diễn có cấp hạng, có tài bố trí sắp xếp lớp lang cho từng tuyến nhân vật, phân vai cho từng diễn viên và dàn dựng đúng ý đồ kịch bản. Xin chúc mừng ông. Với ông, tôi luôn là kẻ bại trận. Ông luôn là người thắng thế. Dù sao tôi cũng ghi nhận tấm lòng của ông thời gian qua, đã dành cho tôi khá nhiều điều thú vị. Cuộc sống đã bắt chúng ta nhập vai trong một vở kịch đầy hỉ, nộ, ái, ố… Vở kịch đã đến lúc hạ màn. Các nhân vật đã nói được với nhau những điều cần nói…

 

Tôi im lặng chờ đợi sự phản ứng của Long. Long lại bật lên tiếng cười khiêu khích.

- Hoan hô một nhà hùng biện. Hoan hô chí phèo làm cách mạng. Nay mai, ông nên đầu quân vào một câu lạc bộ nào đó, “xí” một chân diễn thuyết với chủ đề: đạo đức và lẽ sống, có lẽ khối người chạy theo. Hoan hô ông cách mạng của thế kỷ hai mươi lăm …

Sau một chút ngưng lặng, giọng Long như chùng xuống, vẻ mặt đăm chiêu phảng phất chút  xa xôi.

- Có lẽ mối quan hệ giữa tôi và ông đã đi đến hồi kết. Chúng ta cùng hát chung bài ca “cuộc chia ly màu đỏ” vậy.

 

Nói xong, Long nghiêm sắc mặt, chìa tay về phía tôi chờ đợi. Không chút do dự, tôi đặt bàn tay của mình vào lòng bàn tay thô ráp của Long. Chúng tôi đều ý thức, có lẽ đây là lần chạm cuối cùng của hai bàn tay, đẩy chúng tôi đi về hai phía…

 

Tôi đang tìm lối rẽ, vô tình bắt gặp hai người đàn bà châu đầu, co cụm vào nhau, trên gương mặt mỗi người đều có một tâm trạng rất khó diễn đạt. Cặp mắt của Lan và Yến đều ngấn nước. Có lẽ họ đã nghe trọn vẹn cuộc đấu khẩu giữa tôi và Long. Lan kín đáo nhìn về phía tôi đầy vẻ ưu tư, pha chút ngượng ngập... sương khói. Yến đưa tay hất ngược mái tóc bồng bềnh ra phía sau, đứng cạnh tôi và khẽ nói như nói với chính mình.

- Đàn ông các anh quả là phức tạp, không ngờ hai người có quá nhiều sự trùng lặp ngẫu nhiên. Anh nào cũng có bề dày về chiến tích. Hai anh đang đứng trên một mặt phẳng, mà em có cảm tưởng như đứng trên những ngọn núi chênh vênh. Hoá ra, em và Lan chỉ là những con cờ vừa là trò giải trí, phút chốc biến thành nạn nhân của một cuộc ganh đua. Không ngờ sự đời lại điên đảo đến thế…

Yến chưa dứt câu, Long đã quát lên một tiếng đanh gọn, sắc lạnh… đầy uy lực.

- Ai cho phép các cô can dự vào chuyện riêng tư của chúng tôi. Xin nói cho cô biết: tôi vẫn đang là thủ trưởng của cô.

 

Nói xong câu đó, Long sải bước chân dài lẫn khuất vào nhà trong.

 

*

…Một tuần sau. Tôi giật mình, lục trong cặp có một xấp giấy bạc kèm theo một mẩu giấy “Em tặng anh số tiền này (tiền của riêng em). Anh mà không nhận, ..em cắn chết”. Ngoài số tiền Lan bỏ vào đó, kèm theo một tấm hình của Phi Yến. Tôi nhức nhối với người con gái trong hình . Một tấm thân rực lửa phơi tênh trên bãi biển Vũng Tàu. Tấm hình đánh thức tôi – tôi viết thư cho Yến. Trong thư trình bày quan điểm của mình và chờ đón sau ngày Yến sinh con. Tôi vội vàng phóng xe đến gặp Lan nhờ cô nàng chuyển cho Yến. Nhưng .. hỡi ơi, trước cổng nhà Lan, Yến ngồi lọt thỏm trong chiếc xe hơi bóng lộn, vẻ mặt đầy mãn nguyện, hai tay ôm ghì lấy một thanh niên cao lớn, đẹp trai, theo sau là chiếc hộ tống của Long. Chiếc xe lăn bánh và dừng lại trước cửa uỷ ban phường. Tôi biết rằng, họ đang làm thủ tục cho một cuộc hôn nhân “chạy tội”. Tôi được biết cái việc cần làm ngay của cặp “vợ chồng” và tiên liệu ngày gần đây, sẽ có một đám cưới linh đình, có đầy đủ tư cách pháp nhân bảo vệ, cùng với những nghi thức sang trọng. Và… một vài tháng sau, sẽ có một công dân ra đời. Tôi tự đặt câu hỏi : Khi đứa trẻ đó được sinh ra trong sự phù phép lọc lừa. Cái gen di truyền của lọc lừa kia, lại được tiếp thu một nền giáo huấn xảo trá từ trong trứng nước kia, liệu đứa con ấy sẽ ra sao?

 

Tôi đứng lặng, đưa tay xé nát lá thư và ngẩn ngơ tiếc nuối cái bông hoa rã cánh. Tự nhiên tôi bật tiếng cười : Hoá ra cái gia sản kếch xù và cái bông hoa kia, tôi đánh mất cũng vì tôi thiếu một ..cái gật đầu.

 

ĐOẠN KẾT

 

….Tôi đang sống trên hoang đảo của vùng đất Vũng Tàu có tên gọi Gò Găng. Chuyện văn chương bút nghiên đành xếp lại, để lao động bảo toàn sự sống, và chờ cánh cửa công lý … trả lại chỗ đứng cho tôi, trước đây do một số kẻ có nhiều chức quyền nhưng thiếu lý trí tước mất. Một hôm tôi được tin, Đoàn đại biểu Quốc Hội Thành phố …khoá … lên đường và đã họp thành công tốt đẹp. Trong danh sách đại biểu Quốc Hội khoá này có tên Lê Hải Long. Tôi trăn trở suy nghĩ. Hình ảnh Trần Vũ Ngọc, người linh trinh sát cuối cùng yểm trợ cho tôi trong trận đánh sân bay Ái Tử năm xưa, sống dậy trong tôi. Tôi đặt lên bàn cân đo trọng lượng giữa hai con người  - một còn sống và một đã chết. Tôi đã tìm ra cái định lý phi khoa học, song lại đúng với thực tế hôm nay. Tôi tự an ủi mình, sở dĩ tôi sống được, bởi lòng tin của người bạn đã chết, nhưng …lại mất lòng tin của một người cũng được gọi là “bạn” đang sống.

 

…Chuyện bấy lâu nay giữ kín, bây giờ nghĩ lại, theo trình tự thời gian viết ra. Chuyện có vậy viết vậy. Tổ cha thằng nào dám giỡn mặt với đại biểu Quốc Hội. Tôi không góp lời bàn gì thêm về truyện này.

Là một công dân yêu Tổ quốc – yêu chủ nghĩa xã hội, tôi chỉ xin bạn đọc hãy cùng tôi hô thật to khẩu hiệu : HOAN HÔ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI!

 

CÔN ĐẢO, THÁNG 10 - 1986.

Bùi Anh Tâm
Số lần đọc: 1428
Ngày đăng: 20.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình muộn - Huỳnh Văn Úc
Đêm và mặt trời - Phạm Phương
Bạn Tôi VII - Vũ Anh Tuấn
Nốt Ruổi Trên Sống Mũi* - Võ Xuân Phương
Đà Lạt, bảy năm trước - Nguyễn Nhật Duật
Nước Sẽ Chảy Qua Đồi - Ngô Văn Cư
Giấc mơ cô bán trứng - Lưu Thuỷ Hương
Cần Phải Thí Con Đầm - Vũ Anh Tuấn
Ông ngoại - Huỳnh Văn Úc
Hoa Mai Nở Muộn - Võ Xuân Phương
Cùng một tác giả