Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.824
 
Rau đắng - hồn quê
Nhật Linh

Lâu lắm rồi tôi không có dịp theo nội về khu đất giồng thăm lại  mồ mả ông bà trong ngày Tết đến. Tôi nhớ nhất vào mùa này, trên những rẫy dưa, khổ qua… rau đắng mọc đầy dưới mặt liếp, xanh mơn mởn, đọng đầy những giọt sương mùa đông. Những năm còn nhỏ, hay lí lắc, tôi thường trốn nội và các bác không chịu phụ dọn cỏ mồ mả mà lẻn vào mấy liếp dừa gần đó nhổ… rau đắng. Tôi mải mê đến nỗi lờ luôn tiếng gọi tìm kiếm của họ, đến khi bị phát hiện thường thì ít nhất cũng bị mắng cho vài câu. Nhưng bù lại, tôi có đầy một giỏ đệm rau đắng thơm tho đến nao lòng.

Không biết từ khi nào tôi thèm ăn rau đắùng đến như vậy, nhưng trrong từng câu hát của bà, tôi nghiệm ra một điều, nó là linh hồn của một miền quê yên ả, nơi chôn nhau cắt rốn mà bất cứ người con xa quê nào cũng đều mang theo một nỗi nhớ da diết:

 

“À ơi… Canh rau đắng, cá rô đồng

Nồi cơm mẹ nấu thơm nồng ban trưa…”

Đa số những đứa trẻ, khi nghe nhắc đến nồi canh rau đắng là nó cứ lắc đầu nguầy nguậy, không thèm ăn, vì… đắng quá. Đối với tôi, nồi canh rau đắng ngọt vô cùng, bởi tôi rất thấm thía nỗi gian truân, vất vả của nội tôi, ba mẹ tôi ngày trước… Thuở ấy, khi mới vào vùng Đồng Tháp Mười khai hoang, lập nghiệp, trên vùng đất phèn đặc này kiếm một cọng rau đã khó, nói chi đến chuyện ăn ngon, ăn sướng. Những ngày lũ rút, trên những liếp mía mới trồng, không biết có phép lạ nào biến hoá mà những nơi ấy ngập tràn rau đắng. Rau đắng nhiều vô số kể, vương đầy các lối đi, xanh mút tầm mắt. Vụ ấy, gia đình tôi cũng như một số người dân khu vực Láng Cát… được mùa. Những năm sau, cứ khi nước lũ rút, khi cái gió Đông se lạnh, người nông dân vào vụ Đông Xuân thì rau đắng lại về. Cái quy luật đó mãi đến ngày nay tôi mới ngộ ra. Cây rau đắng có sức mạnh kì lạ, hễ qua một mùa sinh trưởng mà không có người đến nhổ hoặc phun thuốc cỏ diệt nó đi, khi già cỗi hạt của nó bám chặt vào đất, mùa sau đến hẹn lại lên, nó phát triển hăng hơn.

Từ lâu, rau đắng nấu canh với cá rô đồng là chuyện không có gì phải nhắc lại, bởi nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân quê. Ngày nay, từ nông thôn ra thành thị, trên các tuyến lộ ta bắt  gặp đầy rẫy các quán nhậu đề bảng: Cháo cá rau đắng. Rau đắng không chỉ có trong vụ Đông Xuân như trước đây, bây giờ đến các quán này lúc nào cũng có sẵn (nghe nói họ đặt hàng ở các nhà vườn, nhà rẫy, thậm chí cả việc áp dụng kỹ thuật gieo trồng quanh năm). Khác với rau đắng biển, rau đắng “mọc sau hè” có vị rất đặc trưng, thơm quyến rũ và có vị ngọt hậu. Khi dùng rau non, người ta ăn luôn cả rễ, thậm chí để nguyên bụi mà không tách rời thân nó ra. Nấu canh rau đắng bây giờ cũng khác và rất cầu kỳ, phải có đủ nấm rơm, đậu hủ non và các loại gia vị: hành, tiêu, tỏi phi… với nhiều loại cá: cá bóng kèo, cá lóc, cá rô, cá trê, cá điêu hồng… Ngẫm cũng lạ, người ta chỉ nấu canh rau đắng với cá, chứ không nghe ai nói nấu canh rau đắng với thịt gà, thịt vịt, thịt heo… Canh rau đắng, gọi như vậy cũng chưa chính xác. Bây giờ trên những chiếc bếp ga mi ni, nồi cháo đã nấu nhừ sẵn với các loại gia vị nêm nếm vừa ăn, đem bắc lên bếp riu riu, ăn đến đâu nhúng rau đắng vào đến đó cho vừa chín tới, để giữ được độ giòn và mùi thơm đặc biệt. Ngay cả như nấu cháo với cá bóng kèo, con cá khi đã xóc hết nhớt, cho vào đĩa, bỏ thêm vài cục đá lạnh tạo sự chết giả, khi nào thực khách muốn dùng thì cho cá vào nồi cũng không muộn. Con cá bóng kèo để nguyên ruột, ăn vừa chín tới mới ngon.

 

 Ông bà ta ngày xưa, nấu canh rau đắng với gạo, tấm (hay còn gọi là canh bồi, cháo bồi) thường ăn nguội nên từ khi cho rau đắng vào nồi, đến khi dọn ra thì nó đã chín rụt.

 

Quả là sự khác biệt. Thời gian dẫu có đi qua, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, giữ được những cái thực tại đã khó, lưu giữ nét văn hoá truyền thống văn hoá lại càng không phải chuyện một sớm một chiều. Có chăng ở sự cảm nhận của mỗi con người chúng ta, biết gìn giữ và chắt chiu những nét đẹp của văn hoá đời thường. Có to tát lắm không khi tôi gọi rau đắng - ấy là tinh tuý, là hồn quê.

Nhật Linh
Số lần đọc: 2560
Ngày đăng: 24.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thằng Đức - Trần Hà Lý Thái Bạch
Điều không đơn giản - Hoàng Thu Dung
Tòng Phu - Hoàng Thu Dung
Mùa bông điên điển - Phương Nam
Thổi quốc - Phương Nam
Bông súng trắng - Phương Nam
Đâu phải xuân về mai mới nở - Thanh Nghiêm
Một cái Tết ở Hà Nội - Thảo Bích
Một khán giả - Lê Ái Siêm
Nổi đau - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Rau đắng - hồn quê (truyện ngắn)