Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.229.310
 
Phạm Nhựt Thưởng – Người đam mê những đường nét công nghiệp
Bùi Trần Lê Văn

Những ngày cuối năm Giáp Thân này, tôi nghe các anh em bên Phân hội Nhiếp ảnh vui vẻ kháo nhau về chuyện tác giả Phạm Nhựt Thưởng vừa mang về cho Tiền Giang thêm một giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh. Quả là một năm đầy phấn khởi của Phân hội Nhiếp ảnh với nhiều hoạt động sôi nổi như: tổ chức trại sáng tác, đi thực tế… và việc bội thu giải thưởng. Vui gấp bội có lẽ là tác giả Phạm Nhựt Thưởng bởi vì trước đó không lâu anh đã đoạt cùng lúc giải I và giải II của Liên hoan ảnh nghệ thuật Tiền Giang 2004 và giải khuyến khích liên hoan ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Khoảng 4-5 năm trước, cái tên Phạm Nhựt Thưởng vẫn còn khá xa lạ đối với “dân nhiếp ảnh” ở Tiền Giang, thế rồi cái tên ấy nhanh chóng gây bất ngờ với nhiều giải thưởng cao như: năm 2002, giải II liên hoan ảnh nghệ thuật Tiền Giang với tác phẩm “Ánh sao công nghiệp”; năm 2003, cũng tại liên hoan ảnh nghệ thuật Tiền Giang anh đoạt một lúc 2 giải III với tác phẩm: “Du lịch xanh” và “Đường nét công nghiệp” cùng với 2 giải khuyến khích khác. Năm 2004 đánh dấu một mốc son trong sự nghiệp sáng tác của tác giả Phạm Nhựt Thưởng với 2 giải thưởng quốc tế: Huy chương bạc với tác phẩm “Expecting” (Mong chờ) do Liên đoàn Nhiếp ảnh thế giới FIAP tổ chức tại Áo và giải đặc biệt của chủ đề “Khoảnh khắc gia đình” trong cuộc thi ảnh nghệ thuật do công ty EPSON tổ chức tại Nhật với tác phẩm “Đám cưới”. Bức ảnh này được anh ghi lại trong một lần đi chụp ảnh dịch vụ tại thị trấn Tân Hiệp với hình ảnh một đoàn rước dâu đang đi qua một chiếc cầu ván. Điều đặc biệt là anh lại hướng góc máy ảnh vào bóng đoàn người in dưới dòng nước trong xanh khiến người xem rất bất ngờ lẫn thú vị vì không biết tác giả đứng ở góc độ nào và dùng kỹ thuật gì để xử lý khiến ảnh bị nhòe đi như một bức tranh lụa. Và chính điểm độc đáo đó mà “Đám cưới” đã vượt lên trên 105.000 tác phẩm khác của 12 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự cuộc thi.

 

Thật bất ngờ khi tôi biết được gia đình anh vốn có truyền thống sư phạm chứ chẳng có ai làm nghề liên quan đến nhiếp ảnh cả. Bản thân anh cũng đã từng là giáo viên dạy cấp 2. Thế rồi, niềm đam mê đã dẫn lối đưa đường để anh đến với nhiếp ảnh nghệ thuật. Khoảng đầu năm 1990, anh nghỉ dạy rồi mày mò đi học kỹ thuật nhiếp ảnh và chỗ thực hành chính là tiệm chụp ảnh dịch vụ của mình. Anh còn lặn lội lên tận Sài Gòn học kỹ thuật xử lý ảnh bằng Photoshop để khỏi bị “lạc hậu”. Khoảng đầu năm 2001, qua lời giới thiệu của bạn bè, anh tham gia và được kết nạp vào Phân hội Nhiếp ảnh - Hội VHNT Tiền Giang. Từ đó, anh bắt đầu tham gia các cuộc thi ảnh nghệ thuật và đạt các giải thưởng cao. Ngoài việc tham gia các hoạt động của Phân hội, anh còn chủ động kết hợp với một số anh em đi săn ảnh. Những chuyến đi như thế đã đốt của anh không ít phim nhưng cũng cho ra đời không ít bức ảnh độc đáo.

 

Một trong những chủ đề tâm đắc mà tác giả Phạm Nhựt Thưởng thường chọn thể hiện và rất thành công đó là đề tài về công nghiệp hóa hiện đại hóa, những sự đổi thay của đất nước. Bức ảnh “Điện về nông thôn” đưa anh đến với giải nhất liên hoan ảnh nghệ thuật Tiền Giang năm nay anh chụp cảnh những người thợ đang kéo điện về phục vụ việc xây dựng cầu Rạch Miễu. Để chụp được bức ảnh này anh đã đi ghe cùng các anh công nhân sang tận cồn Thới Sơn. Bức ảnh đã ghi lại khoảnh khắc các anh thợ điện đang khẩn trương vận chuyển những cây trụ điện trong ánh chiều tà, dưới chân là cát lún ngập cả mắt cá chân, mịt mù bụi. Khi hỏi, tại sao anh lại thích chọn thể hiện những đề tài về công nghiệp, anh chân thành bộc bạch: “Tôi vốn gốc nông dân. Hồi nhỏ thấy ba mẹ mình phải làm công việc đồng áng bằng chân tay, cày ruộng bằng con trâu với cái cày lam lũ, cực khổ quá. Bây giờ có máy móc, khoa học kỹ thuật nên mọi việc trở nên nhẹ nhàng và đơn giản hơn biết chừng nào. Tôi muốn lưu giữ lại những hình ảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để thấy đất nước mình đang từng bước đi lên, đang đổi thay từng phút từng ngày, thậm chí từng giờ. Điều đó chẳng phải rất đáng phấn khởi, rất đáng lưu giữ sao?”

 

Bước vào năm 2005, một năm có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước với hàng loạt mục tiêu kinh tế - xã hội được đặt ra; cũng là năm với rất nhiều ngày lễ lớn, nhân dân cả nước nô nức thi đua học tập, lao động sản xuất để lập thành tích, đây chắc chắn sẽ là những đề tài đầy hấp dẫn để nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Nhựt Thưởng tiếp tục rong ruổi, tiếp tục “đốt phim” để lưu giữ lại giúp chúng ta những khoảnh khắc đẹp.

Bùi Trần Lê Văn
Số lần đọc: 2181
Ngày đăng: 24.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nắng xuân - Phạm Hữu Tiến
Cầu khỉ - Trương Công Khế
Tim Page - Người mà tôi biết - Lê Thị Thái Hòa
Ao sen trắng - Trương Công Khế
Bãi dừa Phú Quốc - Trương Công Khế
Bà Nà Đà Nẳng - Trương Công Khế
Hội khỏe Phù Đổng - Phạm Nhựt Thưởng
Nghề truyền thống - Ngô Viết Ngọc
Bến đò Tân Long - Võ Hùng Anh
Công trình Rạch Miễu - Duy Sơn