Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.034
123.201.665
 
Xã hội hiểu qua lăng kính Cơ khí
Lê Hải*

Khởi đầu là một kỹ sư cơ khí, triết gia người Ý [1] Vilfredo Pareto (1848-1923) nay được coi là lý thuyết gia kinh điển cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Với dấu ấn của ông, ngành kinh tế học chuyển mạnh từ một trường phái triết học đạo đức nặng lý luận sang thành môn khoa học của số liệu như của ngày hôm nay. Nguyên tắc 80-20 hay còn thường được gọi là định luật Pareto là khái niệm mà sinh viên ngành quản trị kinh doanh phải biết.

 

Khi thu thập số liệu về tài sản của người Ý và sau đó là các nước khác, Pareto phát hiện thấy 80% nằm trong tay 20% dân số [2], và đường biểu diễn phân phối không nằm theo các hàm chuông như trong xác suất thống kê, tức là yếu tố ngẫu nhiên của tự nhiên đã bị những tác động phi logic nào đó của xã hội áp chế. Và ông đã dành trọn thời gian để nghiên cứu ngành xã hội học kể từ đó, để viết bộ sách kinh điển bằng tiếng Ý Trattato di sociologia generale, được dịch sang tiếng Anh với tựa đề là mối quan hệ giữa tư duy và xã hội - The Mind and Society. Tiên đề cơ bản của hệ thống văn bản được kiến trúc chặt chẽ này [3] là coi hành động của con người là phi (ngoài) logic, nhưng không phải là phản logic vì không trái ngược với logic và đang được giải thích bằng logic, mà là hành động đó không nằm trong cái logic tự nhiên của hoàn cảnh và mục tiêu.

 

Toàn bộ lập luận và diễn giải về khái niệm đó được trình bày trong quyển đầu tiên trong 4 tập sách như trình bày của bản dịch tiếng Anh của Trattato [4]. Để hiểu được những vận hành lý tính trong tư duy của con người cần thực hiện phép thí nghiệm logic như trong vật lý để thử lý thuyết, loại dần những yếu tố biến động để chắt lọc lại những gì còn hợp lý với chuẩn mực, gọi là residues [5] như toàn bộ những gì được trình bày trong tập 2. Trọn tập 3 là hệ thống khái niệm có thể coi như là đạo hàm của hệ thống - derivations [6], tức có thể hiểu là thứ cấp hay phái sinh của residue. Từ đây có thể hiểu xã hội thông qua phân tích các mối quan hệ và tác động qua lại của hai hệ thống residue và derivation này, như nội dung của tập sách thứ 4 của Pareto. Khi đó có thể hiểu xã hội mà nhất là hoạt động kinh tế xã hội như một hệ thống cơ khí vậy.

 

Hệ thống khái niệm của Pareto được diễn giải khác nhau, mà giá trị tồn đọng có thể hiểu là thể cân bằng của tâm lý con người, là những mường tượng và lòng tin của con người về thế giới, sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Phái sinh của thể tâm lý đó có thể là những biểu hiện qua ngôn ngữ, ví dụ như người ghét bỏ giết người có thể thể hiện ra bằng nhiều kiểu nói khác nhau như "đừng giết người vì Chúa cấm", "đừng giết người vì trái đạo đức", hay "đừng giết người vì là phi nhân tính" v.v. Cuộc sống của con người luôn năng động, và tư duy không ngừng tạo ra những thể cân bằng tâm lý mới để phù hợp với hoàn cảnh tự nhiên và điều kiện xã hội mới, cho nên hành động của con người luôn trái ngược và phi logic, và thể phái sinh là tư tưởng cũng luôn phi logic và trái ngược nhau. Từ đó Pareto đi tiếp và phê phán nhiều lý thuyết về xã hội nhiều khi được chấp nhận không phải vì giá trị chính tắc, hay đúng theo logic, mà chỉ vì hợp lý với thể cân bằng tâm lý của cá nhân hay xã hội đó. Tương tự vậy, khi nhà khoa học xã hội dùng logic nhân quả mà tìm ra một tác nhân tác động vào xã hội để xây dựng công thức thì sẽ coi tác nhân khác là kết quả, cho nên dễ hiểu tại sao có nhiều lý thuyết xã hội học trái ngược nhau do hệ phái giản lược hóa (simplism) tạo ra.

 

[1] Mặc dù Vilfredo Federico (ban đầu là Fritz Wilfried do cha mẹ cảm hứng từ cuộc cách mạng Đức năm 1848) Damasco Pareto sinh ra ở Paris (chết ở Geneva) và mẹ là người Pháp, cuộc đời của ông nổi bật với những cống hiến cho nước Ý - quê cha, được giới chuyên môn coi là căn cước dân tộc của ông.

[2] Nguyên tắc này sau còn được phát triển ra rất rộng dù không được chứng minh chặt chẽ bằng lý luận mà chỉ là độ hữu dụng trong thực tế, rằng 80% kết quả thường phát xuất từ 20% khối lượng công việc cho nên cần tập trung vào giải quyết nhóm công việc đó trước, hay tương tự là 80% doanh số bán hàng thường đến từ 20% nhân viên trong cửa hàng cho nên cần quan tâm hơn đến nhóm nhân viên này. Rất nhiều đầu sách thuộc thể loại này đang tiếp tục được phát hành như cẩm nang cho các ngành kinh doanh và quản trị.

[3] Các đoạn văn (paragraph, có trường hợp vài đoạn văn ghép lại) được đánh số cụ thể và một phần lập luận được chuyển sang hoặc lấy từ các đoạn văn khác, được đánh số và chú thích đầy đủ tạo ra một kiến trúc rất chặt chẽ và đặc biệt cho tác phẩm kinh điển Trattato của Pareto.

[4] Arthur Livingston (1883-1994) là người đã chủ biên công trình dịch tác phẩm kinh điển (magnum opus) của Pareto sang tiếng Anh. Bản gốc gồm 3 quyển nhưng Livingston đã chia thành 4 quyển với cấu trúc rất rõ ràng mà sau này trở thành cách hiểu phổ biến về hệ thống lý thuyết của Pareto. Về mặt bố cục mỗi quyển trong bản tiếng Anh có trên 500 trang với trên 2.000 đoạn văn được đánh số.

[5] Dịch là thặng dư trong toán học, hay chất bã như trong hóa học, nhưng nghĩa ở đây còn rộng hơn vậy. Một số nghĩa cơ bản của residue có thể truy cập nhanh với từ điển mạng Merriam Webster http://www.merriam-webster.com/dictionary/residue. Cách hiểu gần nhất là một thể (trạng thái) tâm lý.

[6] Có nghĩa là đạo hàm trong toán học, tức là góc tangen của đường biểu diễn hàm số, nhưng cũng có nghĩa là nguồn gốc trong ngữ học, hay đường dẫn nước trong thủy lợi và quá trình điều chế dẫn xuất trong hóa học, hoặc là thứ cấp trong hệ thống bán hàng đa cấp, và phái sinh trong hợp đồng thương mại quốc tế. Một số nghĩa cơ bản của derivative/derivations có thể truy cập nhanh với từ điển mạng Merriam Webster http://www.merriam-webster.com/dictionary/derivative, và http://www.merriam-webster.com/dictionary/derivation. Tư duy này còn được phát triển thành góc nhìn coi văn hóa là đạo hàm (tangen) của xã hội.

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 1938
Ngày đăng: 29.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn chương Việt hiểu qua lăng kính Động lực học - Lê Hải*
Giambattisty Vico và điểm khởi đầu cho lịch sử văn hóa - Lê Hải*
Von Herder và văn hóa dân tộc - Lê Hải*
Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã từ trần - Nhiều Tác Giả
Nhà thơ Chim Trắng qua đời - Chim Trắng
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết – 9 hết. - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 8 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết – 7-1 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 7 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 6 - Nguyễn Đăng Trúc
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)