Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
972
123.201.036
 
Phiên Bản Của Một Nỗi Buồn
Lê Huỳnh Lâm

 

 

Chúng ta đang tồn tại trong một thế giới đầy biến động, những biến động đã tác động vào tâm thức chúng ta gây nên cảm giác bất an. Điều căn yếu đối với một nghệ sĩ là tạo ra cho mình một thế giới riêng, cho dù đó là một thế giới chưa hoàn hảo. Nếu không làm được điều đó thì chúng ta chỉ là mảnh vỡ của quá khứ, là một phần gương mặt của kẻ khác. Trong xã hội tràn ngập thông tin ngày nay, thời gian có vẻ như trôi nhanh bội phần, khi mà lưu lượng thông tin cứ ồ ạt xô đẩy tâm thức chúng ta rời xa linh ngã. Ấy cũng là điều tất yếu, khi mà nội lực của người nghệ sĩ cứ trông chờ vào sự xuất hiện trên các mặt báo. Tất nhiên, một nghệ sĩ thực thụ họ đã hạnh phúc trong thời khắc sáng tạo, mọi việc còn lại chỉ là phần dành cho số đông.

 

Xin đề cập đến những người làm thơ gọi là thế hệ trẻ, đặc biệt với Lê Vĩnh Thái, khi anh đã ấn bản tập thơ “Ký ức xanh” năm 2004 và bây giờ là “Ngày không nhớ”. Phải chăng, sự trôi lăn của tâm tưởng đã không đọng lại gì sau hai mươi bốn giờ, hay là một thực trạng sống vội đã xóa nhòa tâm thức một thế hệ, mà nhà thơ như người đại diện để gióng hồi chuông cảnh báo trong “Ngày không nhớ”:

 

Ngày tôi còn than vãn

Những lối mòn

qua đường mù quáng

 

Một nhận thức lệch lạc về câu chuyện của những người làm thơ, người ta cứ lầm tưởng rằng, đó chỉ là lãnh địa cho những nhà thơ, nhà văn, những người thuộc lãnh vực văn chương. Nhưng thật ra, sức mạnh của thơ là sự tiên tri, vì cảnh giới của thơ vốn dĩ là tầng cao của thế giới con người, khi những tinh âm được cô đọng lại để hóa thân vào thần trí của các nhà thơ là thời khắc thế giới chuẩn bị đón nhận một biến cố nào đó. Hãy thử liên hệ đến hiện tượng Trịnh Công Sơn ở thập niên sáu mươi, khi anh sử dụng từ “lưu vong” viết trong bài “Ca dao mẹ”:

 

Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong

 

Và bây giờ, như mọi người đã chứng nghiệm về thế hệ người Việt lưu vong, đó chính là điều mà người nghệ sĩ đã tiên tri. Còn theo kinh Bhagavad Gita thì cho rằng nhà thơ là  hiện thân của người tiên tri, thấu thị.

 

Mặc dù, tiên tri không phải là sứ mệnh của nghệ sĩ, nhưng tần số của nghệ sĩ vượt qua cõi dục giới để tiếp nhận những tần số cho tương lai của một vùng đất, tương lai của một thế giới. Điều này chỉ có các Yogi hay các bậc chân tu uyên thâm mới lãnh nhận được.

Còn với chúng ta, với Lê Vĩnh Thái đôi khi như lọt vào:

 

lòng giếng sâu không vang tiếng dội

tôi chẳng thấy tôi…

 

Điều khác biệt với mọi người là người làm thơ còn nhận thấy được chính mình, dù cho cái thấy đó là không thấy gì cả, chỉ là một sự trống rỗng, để mỗi khi màng đêm buông xuống, chàng thi sĩ lại trở mình soi lại bản thể sau hơi men ám mị mịt mù:

 

soi chiếc mặt rách in đầy hèn nhát

câu nói ngông cuồng chờ chực, rượu vào mà chẳng thể thốt ra

những đống vỏ chai chất đầy hơn tuổi

lớp lớp chen nhau dày đặc hơn tên

 

Trong trí nhớ tôi, hình như chưa có một nhà thơ nào tự nhận cái mặt mình rách nát và in đầy hèn nhát, nhưng bây giờ đã có Lê Vĩnh Thái, nhà thơ đã tự vấn chính mình. Có mấy ai nhận ra gương mặt đích thực của chính mình, dù đó là gương mặt nhàu nát. Điều để làm nên bản lĩnh của một nghệ sĩ là dám đón nhận và nói lên sự thật, vì chính sự thật là nền tản cho bước đi đầu tiên trên con đường khắc nghiệt này.

 

Và như chợt nhận ra, chúng ta chỉ là phiên bản của những nỗi buồn mà thượng đế đã trao gửi. Vì buồn chính là thuộc tính của thơ và của người nghệ sĩ. Đằng sau những nụ cười, những câu nói bông đùa kia,… chỉ là chiếc vỏ để che dấu nỗi hiu hắt tháng ngày ám nặng vào tâm khảm người nghệ sĩ. Đó cũng chính là điều khắc khoải của Lê Vĩnh Thái khi anh thấy mình chỉ là:

 

Tiếng khóc của phiên bản…

Nhiều ngày, tháng, năm

Đầy như nỗi nhớ

 

Thật ra, chúng ta chỉ là những phiên bản bị lỗi của đấng sáng tạo, điều này được nói đến trong những câu chuyện ngụ ngôn xưa, mỗi chúng ta như một đứa con hoang đang tìm đường trở lại ngôi nhà của đấng tạo hóa. Như một bi kịch cho thế giới này, sự tìm kiếm cứ mãi miết tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Khi nhận ra mình là một phiên bản, có lẽ Thái đã từng đi qua:

 

Những lối mòn vào đời khập khểnh

 

Và khi anh phát hiện ra rằng đã:

 

nửa đời tạm trú trong căn nhà hoang mang

nhiều khi

dò dẫm mò tìm trong lồng ngực

thấy tim mình ám đầy bụi khói.

 

Đọc “Ngày không nhớ” của Lê Vĩnh Thái như đọc quá khứ của một cuộc đời đang bị một màu trắng loang dần, loang dần để xóa nhòa mọi dấu vết. “Ngày không nhớ” cũng có thể là ngày không còn vết tích nào nữa. Đó là bản thể hư vô luôn song hành cùng con người, đặc biệt điều đó càng mãnh liệt hơn với người nghệ sĩ, trong cuộc sống bất định này dù biết rằng mỗi người chỉ là một phiên bản của đấng tạo hóa, thay vì làm một phiên bản đầy tội lỗi, xấu xa,… thì Lê Vĩnh Thái đã chọn cho mình một phiên bản của nỗi buồn. Ấy là đặc tính cần thiết của một thi sĩ, của Lê Vĩnh Thái.

 

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 2049
Ngày đăng: 03.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giấc Mơ Trên Bọt Sóng - Nguyễn Đông Nhật
Bùi Huy Phác - Cát Bụi Thân Một Hạt - Nguyễn Khôi
Cảnh Giang, Tình Thơ Trầm Tích - Ngô Minh
Mô tả Đậm đặc trong truyện ngắn của Lưu Thủy Hương - Lê Hải*
Điểm sách 1Q84 của Haruki Murakami - Nguyễn Thị Hải Hà
Đọc Mặt Nạ Thâm Cung – Tiểu Thuyết Của Trần Hoàng Trúc (Nxb Thanh Niên 2011) - Đoàn Minh Tuấn
Rừng – Kinh Dương Vương, Sự Hóa Thân Lộng Lẫy Trong Hội Họa – Văn Chương - Ngô Nguyên Nghiễm
Tiểu thuyết Le Boujoum của Cung Giũ Nguyên và cái nhìn về số phận con người. - Phạm Văn Quang,
Thức một miền xanh - Miền thương yêu nhân hậu - Lâm Xuân Vi
Đọc hồi ký Đặng Nhật Minh - Lê Hải*
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)