Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.167
123.223.970
 
Bảo tồn nghệ thuật cổ ca Hát Bội phải là một quyết tâm.
Trịnh Thanh Thủy

Nhắc đến Hát Bội, Hát Bộ hay Hát tuồng, trong ký ức thời thơ ấu của tôi còn ghi lại, mỗi lần theo cha mẹ đi coi hát là mỗi lần sợ hãi, kinh hoàng. Tiếng chiêng trống, những bộ mặt dữ tợn đen xì, đỏ gay của mấy ông tướng cùng cờ quạt phất phới gắn đầy người, làm con bé nhát gan như tôi vừa thấy là khóc thét lên. Lớn lên chút, Hát Bội chỉ còn là hình ảnh những bộ trang phục sặc sỡ treo tòn teng gần cửa sổ căn gác ngôi đình đối diện rạp hát Văn Cầm, gần nhà tôi. Thời tiểu học, ngày hai buổi đi về trường Võ Tánh trên đường Võ Duy Nguy, tôi hay đi ngang qua ngôi đình có gánh Hát Bội thường xuyên diễn ở đấy. Tôi thường say mê nhìn lên khung cửa đó, nơi có các đào kép hát ngồi trang điểm hay vẽ mặt cho nhau. Phấn son trên gương mặt các cô đào trong tuồng hát ngày nào một phai mờ theo bụi thời gian đến khi tôi ra tới hải ngoại, môn nghệ thuật cổ truyền này chỉ còn trong trí tôi là những tiếng “ư ư ử ử” đầy ấn tượng.

 

Lần du lịch Trung Quốc, tôi được xem những nghệ nhân Trung Hoa trình diễn Beijing Opera thật hay và đầy tính nghệ thuật khiến tôi liên tưởng tới nghệ thuật Hát Bội của người mình. Tôi chợt nhận ra Hát Bội là một ngành nghệ thuật sân khấu trình diễn cao và có nhiều nét đẹp cổ xưa mà ngày nay người ta không nhận ra hoặc đã bị mai một vì nó không còn hợp thời nữa. Nhất là nghệ thuật vẽ mặt của Hát Bội, nó mang một nét đặc thù mà những nghệ thuật cổ ca khác không có. Biết khéo léo ứng dụng những đường nét riêng biệt và khác nhau của màu sắc để miêu tả trạng thái, vai trò của nhân vật là những biểu trưng căn bản của nghệ thuật Hát Bội. 

 

 

các diễn viên nhí trong một tiểu phẩm

 

Hát Bội được du nhập qua Việt Nam vào thế kỷ thứ 13 nên nghệ thuật hát diễn, trang phục, tuồng tích, đều tương tợ như Kinh Kịch là loại kịch của Thanh triều tại kinh thành Bắc Kinh, tức "Bắc Kinh kịch nghệ".  Hát Bội còn được gọi là Hát Bộ. "Bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, "diễn Bộ", "ra Bộ".

 

Trước đây hàng trăm năm đã xảy ra việc tranh cãi về từ “Hát Bộ” hay “Hát Bội” và tạo nên nhiều cuộc bút chiến lý thú. Người bênh vực cho từ “Hát Bội” lý luận rằng Bội có nghĩa là bội phần. Hát Bội có nghĩa là hát có quần áo đàng hoàng tử tế, có mũ mão, cân đai, đeo thêm cái này, cái nọ. Các vở tuồng Hát Bội chỉ lấy nét chính của một tuồng tích mà dựng lớp. Một câu chuyện dài như Ngũ Hổ Bình Tây, Phản Ðường, mà chỉ lấy khoảng 10 lớp diễn là đủ cả câu chuyện nên gọi là xếp lại, gấp lại, nhân lên mà gọi là Bội. Có người còn cho rằng chữ Bội là bội bạc, các đào kép hát thường lãng mạn, có cuộc sống thiếu đạo đức hay bội phản về tình duyên, nên gọi là Hát Bội

 

 

các diễn viên

 

Ca dao có câu “có chồng say như trong chay ngoài bội, ngó vô nhà như hội Tần Vương” hay “Trồng trầu trồng lộn dây tiêu, con theo Hát Bội mẹ liều con hư

 

Nghệ thuật vẽ mặt của Hát Bội là một tinh túy xuất phát từ Kinh Kịch và có từ lâu đời lắm rồi. Có lẽ từ triều đại nhà Tùy và Đường ngày trước.  Lúc đó trong các buổi tế lễ người ta hay dùng những mặt nạ trông rất dữ tợn để xua đuổi ma quỷ vì người ta tin rằng loài quỷ dữ chỉ sợ những gì hung tợn hơn chúng. Đến đời Minh, nghệ thuật sân khấu và trang điểm mặt cho nghệ sĩ phát triển và cải thiện khiến nó trở thành những quy ước chặt chẽ. Cuối cùng đến đời nhà Thanh thì nghệ thuật hoá trang cho các vai trò của nghệ nhân đã được hoàn chỉnh.

 

Trang điểm khuôn mặt cho một nghệ sĩ trước khi lên sân khấu là một nghệ thuật. Vẽ, pha màu cũng như áp dụng màu sắc cho đúng vai diễn của nghệ nhân đòi hỏi người vẽ mặt phải có một nghệ thuật chuyên môn cao và điêu luyện. Tôi từng được ngồi xem nghệ sĩ Trần Tường Nguyên trang điểm và vẽ mặt cho các học sinh lớp Hát Bội do cô Ngọc Bày hướng dẫn và thấy được công việc ấy không phải dễ làm, nhất là đối với các em thiếu nhi. Các em vì tính năng động mà ngồi, đứng không yên, lúc lắc liên tục. Mất khoảng nửa tiếng mới vẽ xong khuôn mặt tướng tuyệt đẹp cho một em. Vẽ vừa xong, em đã chạy tới chạy lui, khuôn mặt nhễ nhại đầy mồ hôi, rồi em đưa tay áo lên quẹt, phấn màu phai tùm lum, thế lại phải vẽ và trang điểm lần nữa.

 

Trong nghệ thuật Hát Bội hay Hát Tuồng, những màu sắc chính được trang điểm trên mặt thường để phân biệt tính tình, nhân sinh quan cũng như đạo đức của một nhân vật. Sắc mặt đỏ biểu hiện cho sự can đảm, tận tụy, ngay thẳng. Đen tượng trưng cho người hung tợn, mạnh mẽ. Vàng là tham vọng, mạnh mẽ, trầm tính. Xanh là trung thành, mạnh mẽ, sắc sảo. Trắng có thể gọi là độc ác, lừa lọc, đa nghi, xảo trá. Tím dành cho trầm tĩnh, liêm chính, còn Bạc và Vàng(Gold) cho thần linh và thượng đế. Do những qui định của màu sắc mà người xem biết mình đang đối diện những nhân vật nào trên sân khấu mà không phải đoán hay nghĩ nhiều. Kẻ trung, người nịnh, ai minh chánh, kẻ gian tà đều hiện rõ dưới ánh đèn sân khấu.

 

Dưới con mắt người Tây Phương hay thế hệ của chúng ta nhìn vào nghệ thuật Hát Bội, có lẽ sẽ cho rằng tại sao lại có một ngành nghệ thuật sân khấu cổ quái, ồn ào và kỹ thuật ca hát có nhiều tiếng hò hét thế kia. Nhưng nếu chúng ta đi sâu vào lịch sử của ngành cổ ca này, ta sẽ hiểu thấu lý lẽ nói trên. Ngày xưa, Hát Bội được trình diễn ở các nơi công cộng như chợ búa hay miễu, đình là những nơi ồn ào, hỗn loạn nên phải có những âm thanh lớn, rền rĩ hơn mới lôi cuốn được sự chú ý của người xem. Y trang cũng vậy, màu sắc phải đối chọi để bắt mắt người nhìn dẫu cho nó trông sặc sỡ, diêm dúa. Nghệ thuật trang điểm, không những phải thật lộng lẫy mà còn phải độc đáo cho mỗi nhân vật, mỗi vai trò. Mỗi cử chỉ, động tác của diễn viên đều áp dụng nguyên tắc nói trên và theo một quy ước sân sấu được bố trí và định sẵn.

 

Tuồng tích phần lớn là những kịch bản phóng tác có tính cách kinh điển, giáo dục quần chúng của Trung Quốc trích trong các pho truyện như Tam Quốc Chí, Ngũ Hổ Bình Tâỵ…v..v… Phần lớn nội dung nói lên lòng trung, hiếu, tiết, nghĩa và tinh thần tôn sư trọng đạo.

 

Nghệ thuật sân khấu này đòi hỏi kiến thức lãnh hội của người xem lẫn người diễn. Vì sự khiếm khuyết của cảnh trí, phương tiện cũng như vật dụng trên sân khấu mà những biểu tượng được thay thế cho vật thiệt đã ra đời và được giải thích cho người xem để họ thuộc nằm lòng. Tỷ như khi một vị tướng cầm cây roi có tua tủa những sợi vải hay tua xanh đỏ, khán giả phải tưởng tượng cái roi ấy chính là con ngựa của vị tướng đó.

 

 

Trần Tường nguyên trong vai Tạ Ôn Hầu trong vở San Hậu

 

Ở miền nam Việt Nam, sau 1975, các trường dạy về nghệ thuật trong đó gồm có hát bội, cải lương , kịch nói, cổ ca, đạo diễn vẫn được duy trì. Ngay tại các địa phương nào còn ưa chuộng Hát Bội, các đoàn hát bội thành phố hay được mời về diễn trước để tạ ơn thần thánh sau để dân chúng xem.

 

Tôi có duyên gặp gỡ và tiếp xúc với Nghệ sĩ Ngọc Bầy. Cô tốt nghiệp bộ môn Hát Bội khóa đầu tiên năm 1960-1964 tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, dưới sự dìu dắt của các nghệ sĩ Võ Văn Tài, Dương Ngọc Ðắc (Ba Ðắc), Huỳnh Hữu Hạnh (Hữu Thoại) và Nguyễn Thị Nhỏ. Sau khi tốt nghiệp, nghệ sĩ Ngọc Bày dạy ngay tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon. Sau năm 80 bà về làm tại đoàn nghệ thuật thành phố và đã đào tạo được nhiều thế hệ nghệ sĩ.

 

Ðịnh cư tại Hoa Kỳ từ năm 1992, nghệ sĩ Ngọc Bày đã trình diễn tại nhiều sinh hoạt cộng đồng và tại một số đại học như UCLA và San Diego State University. Khi qua Mỹ cô mang theo một số tài liệu giảng dạy và sách vở cùng một cái trống con với ước vọng mở các lớp dạy về Hát Bội, hầu có thể gìn giữ được ngành cổ ca này. Nhưng khi hỏi hay nhắc tới Hát Bội, khán giả hải ngoại phần lớn không có kiến thức hay hiểu biết gì về môn nghệ thuật này, nên cô bỏ ý định trên. Ngày ấy, giáo sư Nghiêm Phú Phi nguyên cựu giám đốc trường quốc gia âm nhạc Sài Gòn trước năm 75 đã ra công quy tụ các cựu diễn viên, các giáo sư âm nhạc và thành lập một hội ái hữu trường Quốc Gia Âm Nhạc hải ngoại. Mỗi khi có dịp họp mặt thân hữu hay hội hè, hội thường đi diễn ở các nơi công cộng, nhà hàng hay các hội trường, hội quán. Năm 2003, một vị giáo sư Nhật dạy ở đại học UCLA về văn hoá dân tộc Đông Nam Á, tình cờ biết cô và mời cô đến trường hát và diễn lại một số tuồng tích để giới thiệu những nét văn hoá về nghệ thuật cổ ca của Việt Nam.

 

Cô được phỏng vấn và hỏi về lối giáo dục diễn viên hát bội được dạy hát và diễn xuất như thế nào. Cô trả lời rằng trong giai đoạn phôi thai, các giáo sư giảng dạy  như cô Hai Nhỏ, ông Phú Thoại, Sáu Vững trong ban Vân Hạc, phải dùng một phương pháp cổ truyền là đời trước truyền miệng, đời sau học thuộc lòng và cứ thế làm theo. Học sinh học một lớp tuồng Thoại Ba công Chúa hay Lưu Kim Đính, dạy tới đâu học tới đó, không biết cách dạy ca riêng, vũ đạo riêng. Và cô Ba Đắc, cô Hai Nhỏ, mỗi người dạy một kiểu, mỗi cô có lối luyến láy riêng. Vì không có phương pháp chép nhạc theo Ký âm pháp, các học viên mạnh ai nấy hoặc thuộc lòng hoặc ghi chép theo lối của mình. Để nhớ các điệu hát lên xuống cô phải dùng cái mũi tên với vị thế lên, xuống hoặc nằm ngang vẽ thêm vào cho dễ nhớ.

 

Sau này, cô viết thành giáo trình hay giáo án rõ ràng để dạy. Khi ấy Cô Ngọc Khanh là con cô Ba Út và một học trò đã ra trường phụ cô viết giáo trình. Cô có ước muốn chép nhạc các ca điệu cổ dựa trên ký âm pháp theo một nền tảng quy định căn bản như bên tân nhạc. Tuy nhiên ước muốn của cô không phải dễ thực hiện vì cô chỉ là một nghệ nhân diễn và dạy, còn công việc kia đòi hỏi một kỹ thuật thuộc về các nghiên cứu nên cần người chuyên môn hơn.

 

Khi còn ở trường Sư Phạm, học trò các lớp khác như Cải Lương, Kịch Nói hay chạy qua trêu chọc học trò lớp Hát Bội bằng những tiếng.. ư .. ư  …a ..a…Tôi có hỏi cô tại sao lại có tiếng ư ư như thế trong lối hát. Cô trả lời rằng, ngày xưa trong các môn nghệ thuật, mỗi môn có lối ngân riêng. Hát Chèo của người Bắc chữ i í i i ì í i được dùng để ngân. Hát Bội dùng chữ ư, còn Cải Lương thì chữ ơ. Sân khấu hát bội lưu động thời đó không có màn che gió, không có hệ thống khuếch đại âm thanh mà khán giả xem đông vì chỉ có Hát Bội là ngành sân khấu duy nhất. Do đó khi hát gió bạt tiếng ca, khiến lời ca thành không rõ chữ, diễn viên muốn khán giả đứng xa nghe được phải ngân chữ ư cho dài, cho rõ. Tỷ như chữ “phản mã”, diễn viên sẽ phát âm là “phản ư ư ư mã” người đứng xa sẽ nghe dễ dàng hơn. Tuy nhiên khi gió tạt tiếng ca chỉ còn sót lại âm “ư .. ư “ trong không khí mà thôi. Ngày xưa người  hát phải lấy hơi bụng. để có thể hát lớn, la to, có khi bể hơi, bể tiếng, bể thanh đới. Bây giờ kỹ thuật tân tiến, diễn viên biết cách lấy hơi, lại có nhạc và âm thanh trợ giúp khiến người hát ca dễ và hay hơn xưa.

 

Năm 2009, hội Kenneth Foundation ngẫu nhiên xem được chương trình Hát Bội của cô trên mạng trường UCLA và cơ hội đến khi họ tình nguyện yểm trợ tài chánh cho cô được mở lớp giảng dạy hát bội. Vì thời gian eo hẹp, nên cô phải đổi quy trình giảng dạy, nghĩa là không dạy từ bước một, mà đi thẳng vào việc diễn xuất nên khi xem người rành về ngành này có thể thấy nó không chính xác từ nguyên thủy. Vì bộ môn này khó học nên những người đã có căn bản từ các bộ môn khác như Cải Lương mà học môn này dễ bị ảnh hưởng Cải Lương vào nên khi hát dễ bị lai đi. Còn các em nhỏ khi học và diễn thường chính xác hơn vì chúng như tờ giấy trắng học làm sao, hát ra làm vậy. Nó lại có tính ước lệ, nên học trò phải học tất cả các quy ước được đặt ra mà diễn, hát, vũ đạo cho đúng.

 

Cô kể lại giai đoạn lớp học mới thành lập, khi dạy và được mời đi diễn, lớp không có đầy đủ y trang. Khi mới qua Hoa Kỳ, cô chỉ mang được một bộ đồ văn và bộ đồ võ, do đó cô phải mượn những y trang cải lương của ông Lương Văn Tỷ(giám đốc đài truyền hình, truyền thanh) lúc ấy chế biến lại để mặc tạm. Chúng trông từa tựa y trang hát bội, ngộ biến tùng quyền, cô dùng vải đắp miếng này ở trên, miếng kia ở dưới, gắn tới lui sao cho giông giống thì thôi. Ở hải ngoại ngày nay, khi diễn một tiểu phẩm hay tuồng tích Hát Bội cần thuyết minh và dẫn chứng. Thí dụ phải cắt nghĩa lối lên sân khấu có hai cửa buồng, một đi ra gọi là cửa buồng sanh và một đi vào gọi là cửa buồng tử. Diễn viên khi ra sân khấu phải ra ở cửa buồng sanh và những người thủ vai trung thần khi chiến thắng trở về phải đi vào cửa buồng sanh. Cửa buồng tử được xử dụng cho tất cả mọi người để đi trở vào và cũng dành cho người đi đánh giặc khi chết cũng chạy vào đây. Các buồng sanh, tử được chia làm 4 góc, 2 góc thượng và 2 góc hạ.

 

Khi diễn viên đi một vòng trên sân khấu, khán giả phải tưởng tượng người đó vừa qua sông. Khi họ hát câu văn chim kêu vượn hú, có cá, có cầu và những câu miêu tả cảnh vật người xem sẽ tưởng tượng ra các cảnh vật trước mắt như mưa bay, liễu rũ …v…v…khán giả phải biết đó là cảnh sông núi mà liên tưởng tới.

 

Phần thuyết minh sẽ dẫn giải cho người xem biết diễn viên cỡi ngựa như thế nào. leo lên bàn đạp, nắm cương ngựa, quật roi ra sao. Cây roi tượng trưng cho con ngựa và rất đa dụng theo vị trí của nó. Lúc nó ở trước người diễn, nó tượng trưng cho đầu ngựa, khi ở sau nó là đuôi ngựa. Nếu được giơ thẳng nó là roi ngựa, hay bị quật xuống chân diễn viên nó thành chân ngựa. Cây roi được quất liên tục tức diễn viên đang phi ngựa.

 

Tất cả những biểu tượng này đã khích thích và làm giàu óc tưởng tượng của khán giả và nó được dùng chỉ vì ngày xưa kỹ thuật sân khấu còn sơ khai. Lớp người thưởng ngoạn cũ đã có kiến thức về cách diễn rồi nên họ tự động thông hiểu các điệu bộ nói trên, nhưng lớp khán giả mới sau này cần phải được giải thích rõ ràng thì nghệ thuật cổ ca này mới nổi lên được.

 

Cái khó nhất của Hát Bội là không còn được phổ biến và không có giới thưởng ngoạn. Tuy nó là một tinh túy văn hoá dân tộc nhưng nó bị xem là không hợp thời nữa.

 

 

Đổng mẫu di chí

 

Trước tiên nó không đáp ứng được trào lưu tiến hóa theo thời đại của lớp trẻ. Ðiệu hát quá khác xa với các điệu ca nhạc tân thời du nhập từ Tây phương. Lối hát Nam xuân, Nam ai, Xuân nữ, Khách, Tẩu mã, Bạch, Xướng theo điệu kèn, trống, đờn cổ xưa đã trở nên lỗi thời lạc lõng với thời đại. Vì vậy ít người thưởng thức, nếu tổ chức, những đêm hát không bán vé được bao nhiêu, không đủ tiền để nuôi nổi đoàn tuồng. Hiện nay tại Bình định, chính quyền có thành lập một đoàn hát bội gọi là Ðoàn tuồng Bình định, nghệ sĩ ăn lương nhà nước, nhưng cũng không đạt được yêu cầu. Các huyện cũng có các đoàn nhưng nghệ sĩ không đủ sống phải bỏ đi làm các nghề khác.

 

Lối hành văn trong các tuồng Hát Bội thường theo thể biền ngẫu, mỗi câu mỗi chữ phải đối nhau, dùng nhiều từ Hán Việt và điển tích nên rất khó hiểu, nhất là những câu hát Khách toàn là chữ Nho nên không phổ biến được, lớp trẻ bây giờ lại ít hiểu, không hiểu thì không thể nào cảm nhận và ưa thích được.

Mối ưu tư của những người còn ưa thích nghệ thuật cổ ca là làm sao duy trì, sống lại và phát triển các ngành nghệ thuật này.

 

Theo giáo sư Ngọc Bày, ở hải ngoại, muốn phục hưng hay gìn giữ, nó đòi hỏi rất nhiều nhiệt tâm, công sức của nhiều người. Nó cần phải được canh tân, hiện đại và Việt ngữ hoá cổ ca. Đồng thời cần được sự hỗ trợ của truyền thông, cũng như các đài truyền hình. Ngoài ra còn cần phải được giới thiệu vào các hệ thống học đường, đại học, hay trung tâm Việt ngữ, như một bộ môn văn hoá nghệ thuật quốc tế. Hát Bội có thể được giới thiệu như một trong hai nghệ thuật cổ xưa của Việt Nam là Hát Bội và Hát Chèo. Ngoài ra nó cần có một trụ sở để diễn cho tất cả các tầng lớp khán giả từ trẻ tới già. Tỷ như  ở Las Vegas, Nevada có một sân khấu Broadway chuyên diễn Beijing Opera thường xuyên, giá vé tới 200 đô một xuất mà người xem vẫn coi đông dù phải đặt chỗ trước.  Việc quan trọng hàng đầu là tài chánh và việc nâng đỡ hay tài trợ của chính phủ hay các tổ chức là điều cần thiết. Con đường phục hồi ấy thật là chông gai nhưng nó là một ước mơ mà giáo sư Ngọc Bày và những người ủng hộ cô đang thực hiện được. Điều quan trọng nhất là sự quyết tâm cao đẹp mà cô cố gắng gìn giữ để bảo tồn Hát Bội từ bấy lâu nay./.

Trịnh Thanh Thủy
Số lần đọc: 1931
Ngày đăng: 07.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần IV: Những lá bài và kết quả của sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm - Nguyễn Lệ Uyên
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần III: Đánh bài chòi - Nguyễn Lệ Uyên
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần II: Sân khấu bài chòi - Nguyễn Lệ Uyên
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần I: Hô bài chòi - Nguyễn Lệ Uyên
Nguồn gốc bài chòi Phú Yên - Nguyễn Lệ Uyên
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba ,Người góp phần chấn hưng, bảo tồn, truyền bá, phát huy nền âm nhạc dân tộc - Võ Quê
Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống mãi với lời ca Huế - Võ Quê
Tây Tiến ,Thơ: Quang Dũng - Tăng Tấn Lộc
Người con gái quê hương - Châu Thanh
Hình ảnh "Dòng sông - Bến nước - Con đò" trong Ca cổ cải lương Nam bộ - Tăng Tấn Lộc