Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.218.059
 
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 9
Nguyễn Đăng Trúc

Cha sinh Mẹ dưỡng

Vấn đề thủy tổ con người

 

 

Các hình thức tế tự có đổi thay, nhưng tâm tư thờ kính ông bà tổ tiên không phai nhạt chút nào nơi đáy lòng của mỗi một người Việt. Thủy-tổ của Bách Việt trong bản văn nầy là "Bách Nam".

 

Người Cha nguyên thủy - người Mẹ  nguyên thủy đó tượng trưng qua hai hình ảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đây là hình ảnh tượng trưng nên không truy cứu xem trong lịch sử có một ông tên là Lạc Long Quân hay một bà tên Âu Cơ hay không. Hẳn nhiên hình ảnh cha - mẹ sinh thành ra mình là kinh nghiệm trước mắt, để từ đó dễ suy ra Thủy tổ phải là một cặp Ông - Bà nguyên sơ. Nhưng, điều ta thường lầm tưởng, khi đi vào ngôn ngữ thi ca và tượng trưng, là đánh giá rằng thi ca huyền thoại như một thứ diễn tả viễn vông, chưa biểu thị được các sự vật của thực tế trước mắt. Thực ra, thi ca là hồn của ngôn ngữ, như Khổng Tử đã khuyên con là Bá Ngư: "Không học thơ, lấy gì để nói? " 70. Nó là hồn của ngôn ngữ vì phản ảnh cho sự sống nền tảng của con người như một nỗi nhớ, một đà năng lực của cuộc vượt qua. Trầm mình vào thời gian  và chỉ biết có thời gian như một vùng đã khai mở hết mọi sự vật trước mắt ta, mà bàn tay và trí năng của ta có thể thu thái được, đó không phải là suy tư, nhưng là cái biết của khoa học. Tổ tiên người Việt Nam không phải là không đủ sức để thấy cái bàn và gọi đó là cái bàn, nhưng điều đáng gọi là suy tư gắn bó với thân phận làm người, đối với họ, thuộc vào một lãnh vực khác. Một nỗi nhớ căn nguyên thôi thúc họ tìm kiếm, nhưng họ kinh nghiệm rằng không một cái gì trong tầm tay của khoảng thời gian trải ra trước mắt có thể thoả mãn được.

 

 

Nỗi nhớ hay tiếng chất vấn từ đáy lòng, vượt lên trên khả năng nhận thức sự vật trước mắt, đó chính là nguồn của thi ca, là hứng khởi nguyên sơ tạo nên những tượng trưng. Trong thế giới của con người thao thức về nguồn ẩn kín nầy, ngôn ngữ thi ca không phải là biểu thị của sự tương hợp giữa trí năng và sự vật, nhưng biểu lộ một sự bất tương hợp giữa "Nước" và "Non", bất tương hợp giữa trí năng con người và chân tính của mình.

 

Jean Brun diễn tả loại ngôn ngữ riêng nơi thi ca và tượng trưng như sau:

 

"Vì thế, tạo ra những tượng trưng và diễn tả chúng, cũng là đợi hình ảnh tượng trưng đến phiên mình nói lên một điều gì: tượng trưng nói về một sự nhất quán hữu thể học đang vắng mặt, trên nền tảng của nó những gì có mặt đang chung sống với nhau lại phân tách ra.

Nói cho đúng, không có một nền tượng trưng nguyên thủy, nhưng là một sự tìm kiếm về Nguyên-thủy xuyên qua tượng trưng. Vì thế sự tìm kiếm nầy có thể tự căn là nguyên tượng " 71.

 

Lạc Long Quân và Âu Cơ trong ngôn ngữ thi ca của bản văn Họ Hồng Bàng chính là âm vọng từ lời chất vấn của Đại-ký-ức xuyên qua những hình ảnh vay mượn trong kinh nghiệm của con người nơi thời gian. Đối chiếu với hiện tại trước mắt, âm vọng đó mang hình ảnh một quá khứ để ta nhớ lại, hay như một tương lai để ta hy vọng trông chờ. Nói là Đại-ký-ức hay Cứu- cánh tối hậu, là một cách nói tượng trưng dựa trên thời gian, như một cái gì không ở trong tầm tay con người, nhưng lại kéo con người vươn lên. Nên Lạc Long Quân hay Âu Cơ không là ai, như những người mà ta thấy trước mắt hay tưởng tượng ra; và cũng không là hai, là ông - là bà theo nghĩa thông thường của kiến thức khoa học, nhưng là những ánh dọi của một Mặt trời chưa mọc, dù đã có buổi rạng đông, nhắc nhở con người hướng về chân trời để chờ đợi.

Lạc Long Quân, hình ảnh con người không hề chết, mặc lấy những gì cao đẹp, đáng kính trọng tôn thờ (Sùng - Lãm), là niềm hoan lạc (Lạc), là thần thánh siêu vượt (Long) là ánh sáng soi đường dẫn lối (Quân).

 

Nói tóm lại, Thủy tổ là Tuyệt đối ẩn dấu, là chân tính mà con người ham muốn, trông chờ để thấm nhập vào, để thèm khát. Nhưng "thủy tổ" lạ lùng đó không xuất hiện ra một nơi chốn nào, thời nào của thời gian thuộc khả năng con người.

 

Nếu trở lại câu kết bản văn "Họ Hồng Bàng": "Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt", thì Lạc Long Quân nầy là tượng trưng của Bách Nam, Thủy tổ con người. Cái ban cho con người căn đế là người (thủy tổ), gần gũi với con người hơn cả những gì con người cảm nghiệm được là gần nhất, kể cả chính sự ý thức về mình, nhưng cũng là cái khác lạ vượt lên tầm với của khả năng hữu hạn của con người.

 

Thủy tổ thứ hai là Âu Cơ = Mẹ dưỡng. Nàng vốn là người phương Bắc, là tượng trưng của thời gian trong đó "sinh vật người" có một giây phút xuất hiện, có những ngày tháng ngắn ngủi để sống, và có một khoảnh khắc nhất định để chết. Sinh vật nầy hình thành và tiêu tan với chất liệu hợp tan nơi nàng.

 

Nhưng nàng được giải thoát khỏi sự kềm toả của vua phương Bắc là Đế Lai, của thời gian - không gian hữu hạn, để trở thành kẻ đồng sàng với Lạc Long Quân và trở thành Mẹ của những đứa con "không cần phải ăn uống, bú mớm nhưng trí dũng song toàn".

 

Thân phận Thủy tổ mới nầy (Âu-Cơ) được gọi là sức sống kết hợp với Lạc Long Quân.

Một năm Cao cả chung sống bên nhau giữa Âu-Cơ và Lạc-long Quân là thời nguyên thủy và hoàn thành, một thời vượt lên thời gian con người; và thời đó thực sự chỉ là một dấu tích để nhớ.

 

Hiện sinh của con người tại thế được bản văn Hồng Bàng Thị mô tả như cảnh vợ xa chồng, con xa cha. Bách Việt trong lịch sử được nuôi dưỡng từ đây bởi một mình Âu Cơ.

 

"Trăm trai đều nghe Mệnh, rồi từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu".

 

Trăm trai đều nghe Mệnh, nhưng năm mươi người kia đi đâu, sao không cùng ở với Mẹ Âu Cơ ? Số nầy phải chăng theo cha về Thủy phủ, nghĩa là khuất bóng, vượt qua thời gian rồi?

 

Năm mươi người con còn tại thế được Mẹ Âu Cơ bao bọc, nuôi dưỡng. Mẹ Âu Cơ không làm vua, không giữ một phận vụ gì trong các sinh hoạt cá biệt của cộng đồng con người; nhưng nàng hẳn ở gần bất cứ người con nào, bất cứ sinh hoạt hay giây phút nào của mỗi người và cộng đồng nhân loại đang tại thế. Nói cách khác, nàng là lương thực nuôi dưỡng sự sống mà con người đã từng tiếp nhận nơi Lạc Long Quân. Lương thực đó là nhớ Lạc Long Quân (= Đại-ký-ức).

 



70 Luận Ngữ 16, 13.

 

71 J. Brun, les Conquêtes de l'hommme et la séparation ontologique, PUF Paris 1961, tr.  269.

 

Nguyễn Đăng Trúc
Số lần đọc: 2159
Ngày đăng: 08.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 8 - Nguyễn Đăng Trúc
Đọc, Fê-Bình Và So-Sánh Truy-Tầm Luận-Lí 1 - Nguyễn Quỳnh USA
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 7 - Nguyễn Bạch Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 6 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 5 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 4 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 3 - Nguyễn Đăng Trúc
Suy-Tư Ba, Mấy Vấn-Đề Cơ-Bản. Chân-Lí Và Cái Có Thực - Nguyễn Quỳnh USA
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 2 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 1 - Nguyễn Đăng Trúc
Cùng một tác giả
Nhớ Nguồn 1 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 2 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 3 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 4 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 5 (tiểu luận)