Dải đất biển phía nam Bình Thuận, huyện Hàm Thuận Nam được thiên nhiên dành cho nhiều thắng cảnh đẹp và tiềm ẩn sự kỳ diệu của nhiều huyền thoại trong dân gian. Có thể kể đến các địa danh Khe Cả, Hang Mú, Đá Dăm, Đá Một, Đèo Tùm Lum, Hòn Lan…Nhưng nổi tiếng trong cả nước là công trình kiến trúc tháp đèn biển Khe Gà vừa hiện đại vừa cổ kính được coi là kỳ vĩ, sừng sững trên mỏm đá cao của hòn đảo nhỏ chỉ rộng 5 ha. Bài vè thủy trình của ngư dân và các lái từ bắc vào nam đều thuộc lòng, coi như chiếc hải bàn của đời biển cả. Dẫu ghe thuyền đi qua hàng trăm địa danh dọc dài bờ biển, nhưng khi vào vùng biển Bình Thuận là phải nhớ câu: “Khe Gà nay đã đến nơi/ Anh em làm lễ một hồi ta qua/ Nới lèo xây lái trở ra/ Hòn Lan, Cửa Cạn ấy là Tam Tân…”
Từ nỗi kinh hãi, nguy hiểm cho tàu thuyền trong hành trình ngang qua vùng biển này đã làm nên lịch sử của công trình hải đăng Khe Gà. Dưới lòng biển dầy đặc những bãi đá ngầm nhô ra xa ngoài khơi đầy bí ẩn. Có hàng trăm con tàu dù chạy cách bờ trên 3, 4 cây số vẫn bị nhận chìm do vướng đá ngầm và cơn xoáy nước hỗn. Công trình hải đăng bắt đầu xây dựng dưới thời Pháp thuộc, vào năm 1897 do kiến trúc sư Chnavat, người Pháp thiết kế và hoàn thành vào năm 1899. Thân tháp xây cao 35 mét nhưng đặt trên nền mỏm đá nằm sát mép biển nên so với mặt biển ngọn đèn đạt độ cao 65 mét. Tức cao nhất trong các ngọn hải đăng ở nước ta. Tháp đèn xây theo hình trụ, bát giác, phần chân có cạnh 3 mét, cao dần lên thu ngắn lại còn 2,5 mét. Bên trong có chiếc cầu thang xoắn ốc với 183 bậc bằng thép đã trên 112 năm mà không hề bị hơi nước biển mặn bào mòn. Đứng ở bal-con ngay phòng đặt đèn nhìn bao quát vùng đồi cát trắng, bờ đá lô nhô và sóng biển mênh mông càng thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên và bức tranh huyền ảo của tạo hóa dành cho góc biển heo hút này. Đêm đêm bóng đèn có công suất 2000W, đủ sức quét sáng trong bán kính 22 hải lý, tức tương đương khoảng 40 cây số. Từ Phan Thiết hay La Gi- Bình Châu có thể nhìn thấy luồng ánh sáng xoay vòng như suốt đêm dài nhấp nháy thức cùng biển cả.
Không những về giá trị thẩm mỹ kiến trúc nhưng với sự kỳ công, kỹ thuật của công trình mới đáng khâm phục. Những phiến đá hoa cương hàng tấn với góc cạnh, sắc nét khép kín vào nhau một cách hoàn hảo, khó tưởng tượng trong điều kiện thủ công bấy giờ đã làm được như thế. Loại đá này phải mang từ xa đến vì không phải cùng loại đá trên đảo.
Cạnh tháp đèn là một gian nhà xây cho những người gác đèn. Dưới nền nhà là một hầm ngầm chứa nước mưa để dự trữ cho sinh hoạt thường ngày. Nhìn những thân cây sứ quặn mình, xù xì lớp vỏ có thể đoán được tuổi cổ thụ trăm năm. Trên đảo chỉ có vài khoảnh đất nhỏ, dấu tích chuồng ngựa ngày xưa. Chân đảo như bức trường thành bằng lớp đá ngổn ngang, nhẵn mòn chống đỡ những cơn sóng dữ, hung hãn chồm vào.
Trong tiết trời yên ả, mặt biển phía nam tựa như một hồ nước trong xanh, hình ảnh hải đăng thanh thoát vươn cao của một biểu tượng dẫn đường cho các cuộc hải hành. Đến bây giờ, dù có những khách du lịch thoáng đến thoáng đi, hòn đảo Khe Gà vẫn giữ được cái khung cảnh hoang sơ, lặng lẽ. Đêm xuống, tiếng gào của sóng lúc cuồn cuộn lúc rì rào tưởng chừng những sinh linh của những người tù, thợ xây đã bỏ xác ở đây trong những năm tháng xây tháp đèn. Có giải thích, đảo Khe Gà trước đây là một phần đất liền của núi Cẩm Kê kéo dài, do bị tác động xói mòn của biển vào khe suối mở rộng ra, biệt lập một phần đất đá rồi trở thành đảo. Cho nên khoảng cách giữa bờ và đảo chỉ khoảng 300 mét, khi thủy triều xuống và lúc mùa biển êm người ta có thể lội bộ ra đảo.
Quanh địa danh Kê Gà, Khe Gà…cũng có nhiều cách gọi khác nhau. Nhưng xuất xứ từ chỗ, theo sách Đại Nam Nhất thống Chí gọi hòn đảo có ngọn hải đăng này là Kê Dữ tức đảo Gà vì trong đất liền có núi Cẩm Kê được gọi theo đặc điểm địa hình. Nơi đây có khe suối chảy ra biển và đàn chim (chim trĩ) giống như gà mang bộ lông sặc sở thường ra uống nước nên gọi Khe Gà hoặc Khê Gà. Gần đó, cũng có một khe suối lớn hơn được sách ghi là Đại Khê hoặc Khe Cả hiện nay. Người thì cho rằng do hình dáng đảo giống đầu mỏ con gà nên gọi Kê Gà! Hoặc nói do cách viết của người Pháp không có phụ âm kh và h nên các địa danh ghi trên bản đồ do Pháp lập ra chỉ ghi phụ âm K, từ Khe Gà thành Kéga. Cho nên nếu gọi hay viết Kê Gà như hiện này mà phân tích theo ngữ nghĩa thì không có sự chính xác của địa danh. Nếu hiểu theo nghĩa Kê là Gà thì thật không hợp lý. Nhưng trong thực tế, một khi đã trở thành thói quen hoặc theo hình thức ngữ âm, chính tả để suy đoán đã có không ít địa danh bị biến hóa đến độ vô nghĩa nhưng phải chấp nhận như trường hợp Khe (Khê) Gà trở thành Kê Gà.
Ngày nay, tuyến đường ĐT.719 ven biển từ La Gi thông thương ra Phan Thiết với các khu du lịch nghỉ dưỡng mọc lên, hài hòa trong một không gian sinh động quyến rũ của thiên nhiên, đá và sóng biển. Ngọn hải đăng Khe Gà trở thành tâm điểm hấp dẫn đối với du khách muốn tiếp cận được một di tích kiến trúc độc đáo trên một hòn đảo hoang sơ./.