Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.209.360
 
Apercus Et Pensées - Yếu Cương Và Mặc Tưởng
Vũ Ngọc Anh

Tác giả : Shri Aurobindo, Chuyển ngữ : Vũ Ngọc Anh

           

Về tác giả:

 

Shri Aurobindo (1872-1950), người Ấn độ: thi sĩ, học giả, triết gia, huyền nghiệm sĩ. Sau một thời gian làm việc chính trị, tranh đấu cho phong trào giành độc lập cho Ấn độ, ông sáng lập ra lý thuyết integral yoga (du già tính nguyên), nhằm vào thăng hoa đời sống qua tâm thức, tượng trưng cho đời sống tâm linh thoát khỏi sự tàn hủy vật chất.

 

 

LỜI TỰA

Jean HERBERT

 

Shri Aurobindo sinh ở Calcutta năm 1872. Cha mẹ ông là người Bengale. Từ năm 1879 đến năm 1893 ông học tại Anh quốc, hoàn toàn theo cách học phương Tây, không có một tiếp xúc nào với văn hóa nước Mẹ. Trong vòng 14 năm đó, ông ân hưởng kiến thức quảng bác về văn chương, lịch sử và về văn hóa châu Âu. Ông thông thạo tiếng Hy-lạp và La-tinh, thấu rõ ngôn ngữ Pháp một cách kỳ diệu; ông đọc nguyên bản của Dante và Goethe. Về phần Anh ngữ, ông không nhường một tác giả đương thời nào về tính chính xác và trong sáng. Gần trọn bộ tác phẩm triết học của ông được viết chính bằng Anh ngữ. Nhờ sự thâm nhập thâm thuý và dài lâu với phương Tây nầy của ông, mà cách thức của người Tây phương chúng ta [tác giả bài Tựa này, Jean Herbert viết cho người Pháp] hiểu biết, phản ứng, lý luận, suy nghĩ trong nhiều loại vấn đề không còn là những bí ẩn đối với ông. Đó là điều thuận lợi để ông nói bằng một ngôn ngữ mà chúng ta hiểu được, để ông trình bày những ý kiến dưới một hình thức mà chúng ta có thể thấu đáo được.

 

Thay vì chê bỏ - như các nhà hiền triết Đông phương hay làm – tính chất duy vật trong văn minh Phương tây, thì ông nhìn thấy ở đó một sự tham gia quan trọng và hữu ích vào sự tiến bộ của toàn nhân loại.

 

Từ năm 1893 – 1906, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau trong bang Baroda và say mê nghiên cứu văn hoá và triết học Ấn độ, tiếng Phạn và nhiều ngôn ngữ khác nhau của Ấn độ. Ông là bậc thầy trong lãnh vực lý giải [cả về hình thức lẫn nội dung] những tác phẩm cổ điển nền tảng của Ấn độ như: Kinh Vedas, Áo Nghĩa Thư (Upanishads), Chí Tôn Ca (Bhagavad-Gitâ) làm cho uy thế của ông lan tỏa khắp Ấn độ mà ngay cả với những người không chấp nhận hệ thống triết học của ông cũng phải kính trọng.

 

Năm 1906 ông công khai bước lên vũ đài chính trị mà từ năm 1902 ông đã có ảnh hưởng sâu đậm. Ông là một trong những sáng lập viên và người lãnh đạo quan trọng của Phong Trào Quốc Gia (mouvement nationaliste) ở Bengale trong thời kỳ bi thảm 1906 – 1910. Ông giúp đưa đến một chuyển biến thực sự trong tư tưởng và tư duy của cả nước Ấn độ nhờ vào nhiều loại tạp chí định kỳ ông xuất bản (Bande Mataram, Karmayogin, Dharma). Nhiều lần bị bắt và bị theo dõi vì những hoạt động chính trị, nhưng ông luôn luôn được tha bổng. Tuy nhiên, vào năm 1908 – 1909, ông bị một năm tạm giam.

 

Năm 1910, ông lui về miền Ấn-Pháp ở Pondichéry, rồi từ độ đó ông ở mãi nơi nầy. Ông hoàn toàn giã từ mọi hoạt động chính trị, nhiều lần ông từ chối chức chủ tịch Quốc hội Ấn độ; và chỉ chuyên tâm vào môn pháp Yoga thần diệu của ông mà ông đã theo đuổi từ nhiều năm qua.

 

'Những Yếu Cương và Mặc Tưởng' [Apercus Et Pensées] (1) là tác phẩm đầu tiên của Shri Aurobindo được xuất hiện trong các nhà sách Pháp ngữ. Với một ít trang giấy, dưới hình thức ngắn gọn rõ ràng và sâu sắc, sách cũng đủ đưa ra những tư tưởng nền tảng và căn yếu của triết học Aurobindo. Mỗi một tư tưởng cung ứng chất liệu cho những triển khai phong phú hơn.

 

Độc gỉa Pháp sẽ tìm thấy ở đây nhiều ý kiến, nhiều ý niệm quả vẫn còn xa lạ và ban đầu không khỏi ngỡ ngàng. Nhưng điều quan trọng trong một quyển sách không phải là điều người ta thích thú tiếp thu ngay; bởi vì người ta đã sẵn sàng đón nhận nó, người ta gặp lại tư tưởng của riêng mình trong ấy và như vậy, người ta cảm thấy có một sự thỏa mãn nào đó cho lòng tự ái của mình – mà đúng hơn là tư tưởng mới ấy khích động độc giả trầm mình vào suy tư và như vậy lại cung ứng cho họ sự phong phú xác thực.

 

Ai muốn đọc và phê bình những câu châm ngôn này với lý trí luận lý sẽ tìm thấy một chất kích thích mạnh mẽ, một thứ thực phẩm dồi dào và lành mạnh, một môn thể dục bổ khoẻ, một lợi ích đáng kể; nhưng người nào muốn rút từ đó ra cả cái tinh hoa sẽ phải trầm lặng suy tư - với hết cả tâm lực của mình - chứ không phải chỉ với trí năng mà thôi đâu.

 

Quả vậy, không phải yếu tố thuần trí mà tác giả gắn cho nó tầm quan trọng nhất, hoặc gỉa là để phát biểu một cách căn cơ. Nhưng ông đánh thức cái phần tiềm ẩn khá sâu thẳm ngủ yên trong hữu thể chúng ta. Như những triết gia lớn đại diện cho nền triết học Ấn độ, ông quan niệm tri thức trí năng biệt lập là cái gì bất toàn, nghèo nàn và khô khốc. Đối với ông, triết gia vẫn là “người bạn của sự khôn ngoan,” và hơn thế nữa, là “hiền giả” – chính là người đi tìm và áp dụng thực tiễn những định luật cuộc sống cho phép cá nhân triển khai bằng cách khuyết sung có phương pháp trọn vẹn hữu thể mà đạt được sự nẩy nở ngày càng rộng lớn và đầy đủ hơn. Trong gíáo huấn của ông, ngôn ngữ, tư tưởng đều cốt chỉ là một trong những phương tiện truyền bá, gia dĩ rất thiếu sót, nhưng là để chuyển tải sức mạnh, cảm hứng và ước muốn thăng hoa. Ông xem chúng như là phương tiện chớ chẳng hề là mục đích, như dao mỗ của nhà phẩu thuật vậy. Tiên vàn, Shri Aurobindo là một người thực tiễn, ông quan tâm đến những thực tại và không để mình vui sướng với những từ ngữ.

 

Với ông cũng như với các bậc tiền bối, triết học và đời sống chỉ là một. Socrate chính là triết gia thực sự chứ không phải là nhà chú giải uyên thâm về những tư tưởng đã được những người khác nghĩ ra và đã thông qua. Nhưng ít ra - cũng cho đến thời Vivekânanda - hầu hết các tông phái lớn của Ấn độ đều dẫn đến việc chạy trốn cuộc sống thường nhật trong cục diện thường có của nó, còn Shri Aurobindo gần gũi với những ý niệm đạo đức và tôn giáo của chúng ta – dù chỉ là trong lý thuyết – ông cũng trù định đặt con người vào thế giới và đưa Đấng Thiêng Liêng tham dự vào những việc làm của đời sống vật chất.

 

Ông không chỉ thực hiện sự tổng hợp rộng lớn này của cả hai quan niệm đó, nhưng còn thấy xa hơn, đi xa hơn và ông muốn nâng mình lên trên bình diện ý thức để từ đó ông có thể đưa Đấng Thiêng Liêng vào trong thân xác vật chất và đời sống thể lý cũng như trong tâm trí, tâm hồn và linh hồn nữa. Đối với ông, thân xác không còn là cái lồng cần thiết phải thoát ra, nhưng đó là một dung mạo của công cuộc sáng tạo cũng rất cần thiết, rất đáng tôn trọng và đáng quan tâm như các tạo dựng khác. Cho dầu nó có phản kháng lại với sự thanh luyện hơn, quyến luyến tính ái ngã hơn; vật chất không vì thế mà kém cõi trong cách trở thành sự biểu hiện hoàn hảo của Đấng Thiêng Liêng dưới mọi hình thức của nó.

 

Lãnh vực mà Shankarâchârya, Thích Ca, Shri Râmakrishna và những vị thầy tâm linh vĩ đại khác chinh phục là hải cảng mà từ đó Shri Aurobindo đáp tàu đi chinh phục vùng đất mới vì lợi ích của nhân loại. Có thể nói Đạo Yoga của ông là toàn hảo, vì ông vận dụng hết mọi con đường do các tông phái Yoga nổi tiếng mở ra, không phải bằng cách đặt chúng cạnh nhau, mà bằng sự dung hợp chúng thành một tổng hợp mới.

 

Trước những toan tính phi thường này, có thể hết sức táo bạo mà con người không hề nghĩ tới, sự phê bình chỉ có thể rơi vào thinh lặng. Nhưng như Vivekânanda, Shri Aurobindo cho rằng kinh nghiệm đưa đến sự độc hữu là vô giá trị, và cả Tôn sư mà môn đồ không noi theo được thì cũng khô héo như cây không quả. Vì thế, nên ông giúp cho một số người có ân sủng riêng đi theo ông trong khả năng của các phương tiện của họ có. Chỉ những ai, bằng một nhiệt tình phấn chấn, bằng sự hiến dâng mình trọn vẹn, bằng một nỗ lực đầy nhiệt huyết và kiên gan sắt son mới có thể theo chân Shri Aurobindo về đích ông chỉ định, mới có thể có đủ kinh nghiệm để tạo cho mình một quan điểm. Tôi có may mắn được biết nhiều thành viên trong các nhóm nhiệt tình ngưỡng vọng tư tưởng Ấn độ. Tất cả, nam-nữ, già-trẻ; dù họ là nghệ sĩ, thương gia, triết gia, kỹ sư, thi sĩ, bác sĩ, tu sĩ hay viên chức; hoặc bất kể chủng tộc, tôn giáo hay nguồn gốc xứ sở nào; mặc lòng, họ vẫn có một lòng tin thâm trầm vào con đường của vị chân sư [gourou] họ chỉ lối, đủ tuyệt đối để họ hiến dâng cả cuộc sống cho cuộc truy tìm nầy. Bằng vào nhiều phương án khác nhau, dưới sự hướng dẫn thường xuyên và tế nhị của Tôn sư, họ thực hiện một cách kiên trì, hết sức tích cực để nâng mình lên đến đấng Thần Linh, và đưa Thần Linh vào mọi ngõ ngách, vào mọi chiều kích, vào mọi xó xỉnh của hữu thể vật lý, của tâm trí, của tiềm thức, của ý chí, của khát vọng, của sinh hoạt của họ.

 

Shri Aurobindo kém may mắn hơn Râmakhrisna, Vivekânanda và Gandhi vì thiếu một người tán trợ như Romain Rolland. Tuy nhiên tác giả này (R. Rolland) cũng đã tiên cảm được tầm quan trọng căn bản của tác phẩm xuất sinh từ Shri Aurobindo mà ông có đề cập đến trong một số tác phẩm của ông (2):

 

“Như thế sự hòa quyện của tri thức hoàn hảo nhất với hành động cường liệt nhất trở nên hoàn thiện trong đất nước Ấn độ đầy tôn giáo tính, thông thái và anh hùng đang phục sinh. Và vị Huyền nghiệm sĩ cuối cùng trong các Đại sư thấu thị (Rishis) của Ấn độ nắm trong tay chiếc cung căng thẳng của đấng Hóa Công Phóng Thể.”

 

Và tôi tin tưởng rằng nếu người đồng hương vĩ đại của chúng ta còn tiếp tục viết loạt sách kỳ diệu của ông về “Nước Ấn độ sống động” hẳn ông sẽ cung hiến quyển thứ năm cho Shri Aurobindo.

 

Pondichéry, tháng Hai 1937

 

Jean HERBERT

[dịch từ nguyên tác Anh ngữ sang Pháp ngữ]

 

                                                              

1. “Nguyên bản tiếng Anh xuất hiện từ năm 1915 đến 1917 trong tạp chí tiếng Anh “ARYA” xuất bản ở Pondichéry. Những bài viết này được gom lại và xuất bản thành sách lần đầu vào năm 1920. Bản dịch sang Pháp văn được chính Shri Aurobindo sửa chữa và hiệu đính.” [Chú thích của bản Pháp văn]

 

2. Romain Rolland, La Vie de Vivekânanda et l’Evangile Universel, vol.II, pages 189. [Chú thích của bản Pháp văn]

 

 

 

CHÂM NGÔN

 

 

CỨU CÁNH

 

 

Khi chúng ta đã kinh qua những hiểu biết, chúng ta có được kiến thức. Lý trí làm trợ tá viên giúp sức; chính lý trí là xích xiềng.

 

Khi chúng ta đã kinh qua những manh ý, chúng ta có được uy lực. Sự cố gắng làm trợ tá viên giúp sức; chính cố gắng là xích xiềng.

 

Khi chúng ta đã kinh qua những lạc thú, chúng ta được hạnh phúc. Ước muốn làm trợ tá viên giúp sức; chính ước muốn là xích xiềng.

 

Khi chúng ta đã kinh qua cái ngã vị hóa, chúng ta là những thực hữu nhân vị. Tự ngã làm trợ tá viên giúp sức; chính tự ngã là xích xiềng.

 

Khi chúng ta vươn đến nhân tính, chúng ta sẽ trở thành người. Động vật làm trợ tá viên giúp sức, chính động vật là xích xiềng.

 

Hãy chuyển hóa lý trí ngươi thành trực quan thuần chính; thì tất cả trong ngươi liền rực ánh hào quang. Cứu cánh của ngươi là thế ấy.

 

Hãy chuyển hóa sức cố gắng thành đợt sóng phương chính và tối thượng của sức mạnh tâm hồn; tất cả trong ngươi liền trở thành sức mạnh ý thức. Cứu cánh của ngươi là thế ấy.

 

Hãy chuyển hóa lạc thú thành sự ngất ngây miên trường và không đối tượng; tất cả trong ngươi liền biến thành chân phúc. Cứu cánh của ngươi là thế ấy.

 

Hãy chuyển hóa cái mãnh múm cá vị thành phẩm cách nhân loại; tất cả trong ngươi liền trở nên thần linh. Cứu cánh của ngươi là thế ấy.

 

Hãy chuyển hóa con vật thành chủ chăn; tất cả trong ngươi liền trở nên Krishna. Cứu cánh của ngươi là thế ấy. 

 

Việc gì giờ đây ta chưa thể làm là dấu chỉ ta sẽ làm về sau. Cảm thức bất khả thể là khởi thuỷ của mọi khả thể. Chính vì thế, vũ trụ hiện tiền đây là nghịch lý và bất khả thể mà Vĩnh Cửu đã hiến tác từ hữu thể mình.

 

Bất khả thể chỉ là toàn bộ những khả thể lớn lao chưa hiện thể. Nó phủ che trạng huống còn khá xa xăm và chuyến viễn du hãy còn lênh đênh.

 

Nếu ngươi muốn cho nhân tính phát đạt, hãy triệt hạ tất cả những thành kiến đi. Tư tưởng được đánh động như thế sẽ choàng thức và biến thành sức sáng tạo. Nếu không, tư tưởng cứ bám riết vào sự trùng phức máy móc mà nó nhầm lẫn với hoạt năng chân thực của mình.

 

Quay quanh trục của nó không chỉ là sự vận hành duy nhất của nhân linh mà còn có dẫn lực của Thiên Khải vô tận quay quanh mặt trời nữa.

 

Trước tiên phải nắm lấy ý thức trong chính ngươi đã, rồi hãy suy tư và hành động. Tất cả mọi tư tưởng sống động là một thế giới trong dự bị. Tất cả mọi hành tác thực hữu là một tư tưởng hiển lộ. Sở dĩ thế giới vật chất hiện hữu là do tư tưởng manh nha đùa rỡn trong ý thức của Thượng Đế.

 

Tư tưởng không là khẩn yếu của hiện sinh và cũng không là căn nguyên của hiện sinh, mà chỉ là phương tiện của sự chuyển hóa: ta trở nên cái mà ta thấy trong chính ta. Tất cả ngững gì tư tưởng dẫn khởi cho ta, ta có thể thực hiện nó. Tất cả những gì tư tưởng khơi gợi lên trong ta, ta có thể trở thành như vậy. Sao cho niềm tin vững bền của nhân loại hiện hữu chính ngay trong ta, vì Thượng Đế hiện diện trong mỗi người.

 

Công việc của chúng ta không phải cứ luôn luôn lập lại điều mà người ta đã từng làm, nhưng là để đạt đến những thể hiện mới và những tự chủ tuyệt vời.

 

Thời gian – Tâm hồn và Thế giới đã được cung hiến cho chúng ta như một trường hoạt động.

Ảo tưởng – Hy vọng và Tưởng tượng sáng tạo trao tặng chúng ta những cảm hứng.

Ý chí – Tư tưởng và Lao khổ là tất cả những lợi khí công hiệu cho chúng ta.

 

Chúng ta có hoàn thành điều gì mới chăng?

- Tình yêu ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ tom góp được hận thù và sự thỏa mãn riêng tư của ta thôi !

- Tri thức ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ qui tụ được sự nhầm lẫn, sự qui nạp và diễn dịch mà thôi !

- Chân phúc ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ thu nhặt được sự thỏa lòng, đau khổ và tính vô tình thôi !

- Quyền lực ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ tóm thâu được sự bạc nhược, nỗ lực và một chiến thắng vô bổ thôi !

- Đời sống ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ đạt đến việc sinh ra - lớn lên – và chết thôi !

- Hợp nhất ? Cho đến bây giờ, chúng ta chỉ ôm đồm được chiến tranh và thỏa hiệp thôi !

Tắt một lời là thần tính -  tái tạo chúng ta theo hình ảnh Đấng Chí Tôn.

 

 

NIỀM VUI

 

 

Nếu Brahman chỉ là một trừu tượng phi nhân cách, vĩnh viển phản nghịch lại sự kiện sờ sờ hiện sinh cụ thể của chúng ta, thì huỷ thể đúng là cùng đích của công việc; mà tình yêu, niềm vui và lương tâm tự nội cũng phải bước vào con đường kết toán ấy.

 

Vũ trụ không chỉ là một công thức toán học, được tạo thành để khởi thảo ra mối giây liên hệ cho một số trừu tượng tinh thần nào đó được gọi là số và nguyên lý để rốt lại đạt đến một con số không, hoặc giả một nhất thể rổng tuếch; nó không còn đơn thuần là một tác dụng vật lý hiện thân, là một đẳng thức nào của sức mạnh. Đó là niềm vui thỏa của một Thượng Đế [Isvara=Dieu] ấp tình ái kỷ, là cái trò chơi của trẻ con (1), là tự ngã gia bội vô hạn của một thi nhân ngất ngây lịm hồn vào uy lực sáng tạo không ngừng của riêng mình.

 

Chúng ta có thể nói về Đấng Chí Tôn [Suprême] như nói về một toán học gia đang giải mã vũ trụ, hoặc như nói về một nhà tư tưởng dung giải vấn đề mối liên hệ của các nguyên lý và sự quân bình của các lực bằng thực nghiệm vậy. Nhưng chúng ta cũng còn phải nói về Ngài như một tình nhân, như một nhạc sĩ hòa âm những cá biệt và những tổng thể, như một trẻ thơ (1), như một thi nhân. Ở góc độ tư tưởng chưa đủ, ở góc độ niềm vui cũng còn cần được thủ đắc trọn vẹn nữa. Những ý tưởng, uy lực, hiện sinh, nguyên lý đều là những cái khuôn trũng mà sinh khí của niềm vui Chúa chưa được lấp đầy.

 

Những điều ấy là những hình ảnh mà gọp lại là một ảnh hình thôi. Những trừu tượng cho chúng ta ý niệm tinh ròng về những sự thật của Chúa; những hình ảnh cho chúng ta hiện thể sinh động của Ngài.

 

Nếu ý tưởng ấp ủ lực sinh xuất ra thế giới, thì niềm vui hiện thể xuất sinh ra ý tưởng. Chính vì Vô Cực cưu mang trong mình niềm vui vô lượng mà muôn thế giới và mọi vũ trụ được sinh thành.

 

Ý thức hiện thể và niềm vui hiện thể là những tổ phụ. Chúng cũng là những cứu cánh trác tuyệt. Vô thức đơn thuần là giai đoạn chóa lòa của ý thức hoặc đó chỉ là giấc ngủ tăm tối; đau khổ và tuyệt vọng tự nội chỉ là niềm vui hiện thể tự lánh mình để sau cùng lại quay về ở nơi nầy, nơi khác hoặc xuất hiện bằng cách nầy, hay cách khác.

 

Niềm vui hiện thể không bị giới hạn trong thời gian, nó vô cùng vô tận vô thuỷ vô chung. Chúa bước ra từ một hình thái nầy rồi lại bước vào một hình trạng khác.

 

Sau cùng: Thượng Đế là gì ? Là một em bé thơ (1) vĩnh hằng nô đùa trò chơi vĩnh cửu trong khu vườn vĩnh viển.

 

 

(1) “em bé = enfant”: đứa bé chẳng những vô tư, mà cũng chính vì vô tư nên nó nghịch ngợm nữa. Các trò đùa của nó dĩ nhiên đưa đến cái vô chừng bất chợt chẳng biết đâu mà lường. Maya là trò đùa, thiên biến vạn hóa, từ trạng thái này sang hình trạng khác vô lượng thể hiện không cùng.

 

“NGÔ

 

Thượng Đế không thể ngừng nghiêng mình về tạo vật, kể cả con người cũng chẳng thể ngừng khát vọng thần thánh. Đó là tương quan vĩnh cửu giữa hữu hạn và vô cùng. Khi chúng hầu như quay lưng lại với nhau là lúc chúng lùi lại để chuẩn bị một cuộc tao phùng chí thiết hơn.

 

Trong con người, nhiên tính đáo thành ý thức cho mình để làm cú nhảy vọt khá cao vào sở hữu chủ của nó. Chính sở hữu chủ này không biết thế và nhiên tính ức chế nó như đời sống và giác quan thảy đều chiếm hữu nó rồi phủ nhận nó và ngay cả khi phủ nhận là lúc đời sống và giác quan kiếm tìm nó. Nhiên tính không nhận biết Thượng Đế chỉ vì nó không tự nhận ra mình. Khi nó tự nhận ra mình, nó sẽ khám phá ra cái niềm vui hiện thể tinh tuyền.

 

Huyền nhiệm là sự chiếm hữu trong nhất thể và không mất hút vào nhất thể. Thượng Đế và người, hiện hữu và bên kia [le monde et l’au-de-là] trở nên một đại thể một khi chúng nhận ra nhau cái nầy chỉ là cái kia (2). Sự biện biệt giữa chúng là cái nhân của sự ngu độn và chính sự ngu độn là cái nhân của khổ đau.

 

Thoạt tiên con người kiếm tìm một cách mù lòa cái bản vị thần tính của nó mà nó chẳng biết chính khi nó đi tìm; bởi vì điểm xuất phát của nó là sự tăm tối của nhiên tính vật chất và ngay cả khi nó bắt đầu nhìn thấy, nó cũng còn bị mù lâu lắm bởi cái ánh sáng trong nó rực lên chóa loà. Trời cũng chỉ đáp lại một cách mơ mơ hồ hồ bằng cách thử tách của Ngài; Ngài lại tìm thấy sự mù lòa của con người và lấy làm vui như đang nhìn bàn tay đứa bé sờ soạn mầm mò về phái mẹ nó.

 

Thượng đế và thiên nhiên như đôi cô cậu chơi trò tình ái. Họ cút bắt, rượt nhau để tìm nhau, để đuổi nhau rồi để tóm được nhau.

 

Con Người là Thượng đế đang ẩn dấu bản tính mình để có thể chiếm hữu nó bằng chiến đấu, bằng van xin, bằng bạo lực, bằng xuất kỳ bất ý. Thượng đế là con người siêu việt và trác tuyệt đem dấu cái cá tính của mình vào trong hữu thể nhân vị.(3) Con vật là con Người giả trang dưới bộ lông lá và đi bốn chân. Con sâu là con người đang bò vặn vẹo và trườn về sự triển khai nhân tính của mình.(4) Ngay cả chính những hình thức thô của chất thể đều là con người trong một hình hài vừa được phát thảo. Tất cả mọi vật đều là người, là Ngã (le Purusha).

 

Chúng ta muốn nói gì về con người ? Một linh hồn tự tồn và bất hoại ẩn cư trong một trung tâm và trong một hình hài được cấu trúc bởi những nguyên tố riêng của nó.

 

 

(2) Quan niệm này được Vedanta diễn tả qua công thức: “Brahman = Atman.”

 

(3) Thánh ngôn Vedanta nói: “Tat Tvam Asi” = Ngươi là Đấng Ấy, hoặc “Om Tat Tat” = Tôi là Đấng Ấy.

 

(4) Nói như Vivekananda: “Khi bạn cho con chó một miếng ăn, thì bạn sùng bái con chó như Thượng đế vậy, Thượng đế ở trong con chó đó, Thượng đế là con chó đó. Ngài là tất cả và ở trong tất cả.” [“Tôn Giáo Là Gì,” tr.226; Vương Gia Hớn; An Tiêm; 1970]

 

Chung Cuộc

 

Cuộc trùng phùng của con người với Thượng đế luôn luôn nói lên một sự thâm nhập, cái ngõ của thần minh đi vào nhân loại và là sự chìm ngập của con người vào thần tính. Nhưng sự chìm ngập nầy không phải là sự cái nhiên tiêu vong. Sự tắt lịm không phải là thành tựu của tất cả khổ đau này và xuất thân này. Trò chơi chưa bao giờ được bắt đầu nếu chung cuộc được kết liễu như thế đấy.

 

Niềm vui là sự nhiệm mầu. Ngươi hãy làm quen với niềm vui tinh tuyền ấy đi và ngươi sẽ học Thượng đế.

 

Vậy ai đã làm ra cuộc khởi nguyên cho mọi tác vụ ? Hiện sinh tự gia bội mình chỉ vì niềm vui hiện thể và phóng mình vào vô vàn ngàn cách để có thể gặp lại chính mình ở nơi hằng hà sa số.

 

Vậy đâu là cảnh vực [le milieu] của chúng ? Sự biện biệt nỗ lực qui về một nhứt thể đa tạp, sự ngu dốt ra sức hướng về triều quang huyền ảo, khổ đau tác thành để gặp gỡ sự ngất ngây phi thường. Bởi vì tất cả những điều ấy là những dạng tăm tối và những xung động suy đồi.

 

Và chung cuộc của mọi hành tác sẽ ra sao ? Nếu mật (&) có thể cùng một lúc tự thưởng thức được chính mình và đồng thời nếm hết những giọt mật của mình; rồi nếu tất cả những giọt mật, cái này có thể thưởng thức được cái kia, và mỗi giọt nếm trọn tằng ong như nếm chính mình. Ấy là chung cuộc cho cả Thượng đế, linh hồn con người và vũ trụ sẽ là vậy đấy !

 

Tình yêu là chủ âm, hoan lạc là giai điệu êm đềm, quyền lực là hòa âm, tri thức là trình tấu viên, tổng thể vô tận vừa là nhạc sĩ vừa là thính giả. Chúng ta chỉ biết những lỗi nhịp khai đoạn, nó cũng khủng khiếp như hòa âm triển đại sau đó; nhưng rồi chúng ta cũng sẽ đến chốn âm thầm vào nơi vĩnh phúc thiêng liêng chẳng sai.

 

 

(&) “Mật”: Tình yêu có thể làm được việc đó. Tình yêu tự thưởng thức chính cái mật ngọt của chính mình; đó là lúc “tình yêu chìm ngập trong hoan lạc của tình yêu”. Hạnh phúc của tình yêu không là sự chiếm hữu mà là tan chảy vào nhau – hòa quyện lẫn nhau – thưởng thức lẫn nhau trong hân hoan hòa âm khúc nhạc ân tình.

“honey !” âm thanh thật ngọt ngào. Và honey nếm hết cái chất ngọt  của  mình bằng thưởng thức

honey kia. Nếu  không có honey kia, thì honey này không hưởng đươc cái vị ngọt của chính mình.

Tình Yêu là thế !

“ Yêu ” không phải là cho, không phải là nhận – mà tự thưởng thức chính  tình yêu.

 

 

CÂU THÚC

 

Cả hoàn vũ đều khát vọng tự do, song mỗi thụ tạo lại mê đắm vòng tục lụy. Âu đó cũng là nghịch lý đầu tiên và là mớ bòng bong rối bời của nhiên tính chúng ta.

 

Con người hám buột ràng vào sự sinh thể nào thì càng bị siết chặt hơn vào sự vong thế ấy. Trong sợi xích đó nó lại khát khao tự do cho hiện sinh của nó và cho sức tự chủ để hoàn tất mình.

 

Con người hiếu ái quyền lực; chính vì thế nên nó đầu lụy dưới sự bạc nhược. Vì hoàn vũ là đại dương vũ lực ba đào miên viễn khuynh loát nhau. Kẻ nào muốn cữi lên đầu một ngọn sóng ắt tan tành tả tơi dưới phản nghịch của hàng trăm ngàn ngọn sóng khác.

 

Con người ham hố khoái lạc, vậy nên nó phải cam chịu ách ưu uất và thống khổ. Vì chân phúc tinh tuyền chỉ hiện hữu cho linh hồn nào tự do và vô dục. Cái gì rong ruỗi cho khoái lạc thì chính là năng lực để cam chịu và gây khổ đau thôi.

 

Con người khát khao an bình, nhưng nó cũng còn khát khao những lịch lãm của cái tâm trung náo động và một con tim thác loạn nữa. Đối với trí tuệ con người, lạc thú là một cảm khích và trấn tĩnh trí khôn bằng cả sự trì độn đơn điệu chán chường.

 

Con người luyến ái những hạn giới hiện hữu sinh lý mình, thế nhưng nó cũng muốn sự tự do của lý trí vô hạn và đòi cho linh hồn được bất tử nữa.

 

Và trong nó có cái gì đó cảm nghiệm được hấp lực lạ kỳ đối với các tương phản. Những kháng tố này tạo thành khía cạnh nghệ sĩ của đời sống cho hữu thể tâm trung của nó. Đó không phải chỉ thuần là thứ rượu tiên cam lộ đâu, mà cũng còn là thuốc độc; chúng chiêu dụ sở thích và tính tò mò của con người nữa.

 

Nó còn là biểu thị cho tất cả sự ấy và là sự phóng thích cho mọi tư tưởng mâu thuẩn đó nữa. Trong những tập hợp điên rồ nhất và những nút thắt rối nùi nhất của nhiên tính đều được lý gỉải theo phương án riêng của nó.

 

Sự chết là vấn đề mà thiên nhiên đặt ra một cách liên lĩ cho sự sống để triệu hồi sự chết trở về mà chính sự chết không thấy lại mình nữa bao giờ. Không đột phá sự chết thì thọ sinh miên viễn kết liên vào hình hài bất toàn của sự sống. Bị cái chết quấn quýt, nhưng cũng sẽ đến lúc thọ sinh sực tĩnh ngộ trong ý thức của một sự sống hoàn hảo và rồi sẽ tìm được trong ấy những phương tiện và cái khả thi.

 

Sự bạc nhược đặt ngay sự nguy nan, lo lắng trước các vũ lực, trước các năng lực và trước những gì lớn lao mà chúng ta tán dương chúng. Quyền lực là trò đùa của sự sống, nó trưng bày trương độ đẳng cấp trò chơi cấp chứng giá trị cho cách thể hiện của nó. Sự bạc nhược là trò chơi của sự chết đính liền vào sự sống trong vận động của nó, và sự chết bám víu vào giới hạn của năng lực mà hạn giới kia đã hoạnh được.

 

Bằng vào đớn đau và phiền não, thiên nhiên đưa khoái lạc vào linh hồn để thưởng thức, chỉ là một biểu thị yếu ớt của niềm vui chân thật của hịên sinh. Mỗi thống khổ, mỗi khổ hình của hiện hữu chúng ta ẩn tàng cái huyền nhiệm của ngọn lửa ngất ngây hồn phiêu phiêu trong cò kè bì so với ngọn hốt hề hoảng hề kia thì những vui thú lớn nhất của chúng ta chỉ là những ánh mù mờ chập chờn nhá nhem. Chính cái ẩn mật bí hiểm này tác tạo ra huyễn lực hấp dẫn linh hồn đến những thử thách lớn lao, vào những khổ đau thống thiết và bước vào những kinh nghiệm khủng khiếp của đời sống, mà trung khu thần kinh chúng ta run sợ và lánh xa.

 

Sự dao động và sự tận lực gấp gãy của hữu thể động đích chúng ta, và cả những phương tiện của nó nữa đều là định hướng của thiên nhiên mà sự an ổn là nền tảng đích thật, mà sự khích động là căn bệnh của tâm hồn. Do sự vô bổ và vô biến hóa của cái bình ổn sơ sài này, thiên nhiên hướng dẫn chúng ta rằng trò chơi của nhũng hoạt động trên nền tảng khép kín này là điều mà thiên nhiên chờ đợi ở chúng ta. Trời đùa (5) bất tận mà Trời đứng yên!

 

Những hạn giới của thân xác là cái khuôn; linh hồn và trí tuệ phải tràn vào những hạn thể ấy để bẻ gãy và tái tạo lại chúng miên trường thường tại thành những giới hạn rộng lớn hơn cho đến khi công thức hòa điệu giữa chung kết này với chung kết kia được tìm thấy.

 

Tự do là luật lệ của hữu thể trong Tổng Hòa Vô Hạn, tức chủ thể huyền vi mầu nhiệm của hết thảy mọi tạo sinh. Tùng phục là luật tình ỵêu trong hữu thể tự hiến thân cho trò chơi của cái “Ngã” khác của mình (+) trong cái đa bội trùng trùng hữu thể (+).

 

Đó là khi tự do hoạt động trong những câu thúc. Đó là khi sự tùng phục biến thành luật của sức mạnh mà không phải là luật của tình yêu. Chính khi ấy bản tính đích thật của tạo vật (+) đã bị méo mó là chính khi sự dối trá lèo lái hành động của linh hồn trong hiện sinh. Nhiên tính xuất phát từ cái biến dạng này và chơi với tất cả những liên hợp mà nó phún xuất từ bản thể ấy trước khi cho phép sự biến dạng được chỉnh đốn lại, rồi thì nhiên tính gom tính thể của mọi liên hợp đó vào một hòa âm tân kỳ và phong nhiêu của tình yêu và của tự do.

 

Tự do đến từ một bản vị (+) duy nhất không hạn giới, bởi vì chân tính thể ta (+) là thế ấy. Chúng ta có thể đạt đến ở chính chúng ta cái tính thể đơn nhất này (+); chúng ta cũng giác ngộ được trò chơi liên hợp của nó với tất cả những hữu thể khác (+). Kinh nghiệm nhị trùng(@) này là ý hướng hoàn hảo của linh hồn trong bản tính.

 

Khi ta cung hiến cho nhân loại là ta đoạt được tự do hoàn toàn và là bá chủ tuyệt đối; ấy chính là đơn nhất vô tận (+) được thực thi trong chính ta (+) vậy.

 

Gọi là Vô Cùng (+), nghĩa là chúng ta được phóng thích khỏi sự chết, bởi vì sự sống trở thành trò chơi của hiện hữu bất tử của chúng ta (+).

 

Chúng ta được giải phóng khỏi sự bạc nhược, bởi vì chúng ta hoàn toàn là biển cả (+) vui hưởng hằng hà sa số ngọn sóng (+) tung toé vào nhau.

 

Chúng ta được giải thoát khỏi cơn ưu phiền và thống khổ, bởi vì chúng ta biết thỏa hiệp được hữu thể chúng ta với tất cả nhũng gì chạm vào mình và biết tìm ra trong mọi vật cái động lực và phản động lực của niềm vui hiện sinh.

 

Chúng ta được thoát khỏi hạn giới, bởi vì hình hài trở thành một đồ chơi cho tinh thần vĩnh cửu và biết vậy theo ý muốn của linh hồn bất tử.

 

Chúng ta được thoát ly khỏi cơn phẩn kích của trung khu thần kinh và sự khích động của con tim, là lúc chúng ta không còn bị trói buộc vào sự đình trệ bất động nữa.

 

Bất tử, Đồng nhất và Tự do hiện diện nơi ta và đợi chúng ta khám phá. Nhưng vì hoan lạc của tình yêu, Thượng đế trong ta sẽ luôn luôn là một bội thể trùng phùng.?

 

(5) Với triết học Vedanta, thì mọi hiện sinh đều là trò chơi, mà Maya chính là pháp (principes) sinh ra các trò chơi ấy. Vô minh của con người chỉ thấy đồ chơi mà ngỡ rằng mình biết; nhưng thật ra mình không biết đúng bản tính đích thật của tạo vật. Chỉ khi nào mình nhận ra được bản lai diện mục: ta với mình tuy hai mà một, mình với ta tuy một mà hai thì khi ấy ta mới hưởng được cái “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng.”[Nguyễn Công Trứ]

 

(+) Hình ảnh mà Vedanta gợi ý cho chúng ta có thể ý niệm được mối liên hệ giữa Đấng Sáng Tạo và Tạo Sinh là Biển Cả và Giọt Nước Biển. Từng giọt nước biển là từng hiện sinh, là từng tạo vật, là một phần của biển cả, được triết hóa thành công thức: “Brahman = Atman” và được phát biểu thành Thánh ngôn: “Om Tat Tat = Tôi là Đấng Ấy.”

 

(@) “Kinh nghiệm nhị trùng” (double expérience) là Purusha, tức Thượng đế và Người, hiện hữu và bên kia (le monde et au-de-là) trở nên một đại thể một khi chúng nhận ra nhau: cái này là cái kia [xem thêm chú thích (2) bên trên]

 

 

YẾU CƯƠNG VÀ MẶC TƯỞNG

 

Khá đông người tự hào tin vào một Đấng Quan Phòng đặc loại nào đó, hoặc tự coi mình như một dụng cụ [phương tiện] trong tay Thượng đế. Nhưng tôi chứng thực rằng mỗi người có một Đấng Quan Phòng riêng và tôi thấy rằng Trời vận dụng như người thợ chuyên cần làm việc hăng hái và như thể đứa bé nói bâng quơ.

 

Đấng Quan Phòng đâu phải chỉ cứu riêng tôi thoát khỏi cuộc đắm tàu mà trong đó mọi người khác đều chết đuối. Đấng Quan Phòng đâu phải kéo tôi tuột khỏi tấm ván cứu tinh cuối cùng của tôi và nhận chìm vào đại dương mênh mông trong khi mọi người khác đều được cứu thoát.

 

Niềm vui chiến thắng đôi khi kém cái hấp dẫn của một cuộc chiến đấu và sự thống khổ; song nhành nguyệt quế chứ không phải thập giá, phải là cứu cánh của tâm hồn chinh phục.

 

Những tâm hồn không khát vọng gì là những thất bại của Trời, nhưng tạo sinh thì hài lòng và thích nhân bội những thất bại ấy lên; bởi vì những tâm hồn đó bảo đảm cho Trời sự ổn cố vững bền và kéo dài bá quyền tuyệt đối của Trời ra.

 

Những ai nghèo khó, dốt nát, sinh dưới vì sao xấu và bị giáo dục làm hoen ố; không phải là bầy phàm phu tục tử. Tục tử là tất cả những kẻ thỏa mãn bằng sự biển lận ti tiện và thỏa thuê lạc thú tầm thường hạ cách.

 

Giúp người nhưng chớ đoạt đi cái năng lực của họ.

 

Hướng dẫn và xây dựng, nhưng hãy cẩn trọng giữ nguyên vẹn sáng kiến và tính độc sáng của họ. Xem người như mình ta vậy; tuy hai mà một, mà vẫn trả lại cái thần tính sung mãn nơi bản tính tự nhiên của họ.

 

Ai có thể làm được như vậy, ấy là người hướng đạo, ấy là chân sư.

 

Trời bày nhân thế thành bãi chiến; dấu chân tàn ngược của quân binh, tiếng la vang rền xung trận và tiếng ầm ì đại chiến kín mịt nhân gian. Ngươi muốn đoạt hòa bình mà ngươi không phải trả cái giá mà nó đã ấn định chăng ?

 

Ngươi hãy dè chừng sự thành tựu hoàn toàn kia – mà sau khi đã đạt được – ngươi còn phải gặp nhiều điều phải làm nữa. Vậy hãy vui hưởng đi và hãy tiến tới nữa vì công việc khó nhọc vẫn còn kéo dài cho đến sự hoàn hảo đích thực.

 

Không có sự sai lầm nào đần độn hơn là lấy một giai đoạn làm mục đích hay lần lữa lê thê tại một trạm nghỉ.

 

Ngươi thấy cái kết chung lớn lao nơi đâu thì hãy nắm chắc cái khởi sự trọng đại nơi đó. Khi một sự huỷ hoại đắng cay và tàn khốc làm hãi hùng tâm trí ngươi đến thất điên bát đão, hãy khuyến giải nó bằng một xác tín chắc chắn về cuộc sáng tạo bao la hùng vĩ.

 

Thượng đế ở đó, không chỉ những trong cái tiếng vọng nhỏ xíu im lìm kia mà còn là trong ngọn lửa và bão tố.

 

Sự tàn hoại càng lớn thì cơ may sáng tạo càng thung dung; nhưng sự tàn hoại luôn kéo dài chậm rãi và thường bức bách; trong khi sáng tạo lại đến thường khi khá muộn màng và khúc khải hoàn của nó thì ngúc ngắt nhát gừng. Đêm đã bao lần trở lại, và ngày thì trễ tràng hay dường như lại là một bình minh dang dỡ. Vậy ngươi chớ bao giờ thất vọng mà hãy tĩnh thức và hành động. Kẻ nào hy vọng thái quá thì cũng mau chóng thất vọng. Chớ hy vọng, cũng đừng hãi sợ mà hãy phó mình cho kế hoạch và ý lực của Thượng đế sẽ viên thành.

 

Bàn tay của người nghệ sĩ linh thánh tác tạo thường như thể không vững tin vào tài năng của mình, hoặc ngay cả vào vật liệu của mình nữa. Bàn tay ấy như thể chạm đến, làm thử rồi lại để đó, lượm lên rồi vứt trở lại, lượm lên lần nữa, cố hết sức rồi thất bại, sửa chữa rồi chắp vá. Những việc làm bất chợt đánh lừa đều là phương án hành xử của nó cả trước mọi sự hãy còn bỏ ngỏ. Điều gì đã được chọn thì bị bài xích thậm tệ. Điều gì bị vứt bỏ thì lại trở nên viên đá góc tường của lâu đài quyền uy. Nhưng đàng sau tất cả những điều ấy, có con mắt bảo đảm một tri thức vượt khỏi lý trí chúng ta và khả năng vô tận nhẩn nha hàm tiếu thung dung.

 

Thượng đế thảnh thơi cùng thời gian vô thỉ nên nào có cần vàng vàng vội vội. Ngài chắc chắn đạt mục tiêu và sự thành công của Ngài nên chẳng ngại bẽ gãy công việc của Ngài trăm lần ngàn cách cũng chỉ để dẩn đưa tác phẩm mình đến gần sự trọn hảo hơn thôi.

 

 

Sự kiên nhẫn là bài học đầu tiên cần thiết, nhưng không phải là Người cử động chậm chạp, nặng nề để hành động nhút nhát, nghi hoặc, uể oải, vô tư lự, yếu mềm hoặc như người không có khát vọng. Sự kiên nhẫn đầy đủ một sức mạnh điềm tĩnh và trầm mặc đang tỉnh thức và chuẩn bị cho giờ xuất phát những miếng đòn táo bạo lẹ làng, không nhiều, nhưng cũng đủ để thay đổi định mệnh.

 

Tại sao Thượng đế lại hành hạ thế gian của Ngài hung hăng đến vậy ! Dậm đạp nó, nhồi nó như nhồi bột, rồi còn luôn ném nó vào bể máu và vào bàn tay tàn ác của cái lò lửa chiến tranh ấy ? Bởi nhân tính trong tổng thể của nó hãy còn là hạ cách, loại khoáng vật thô kệch và cứng ngắt; nếu không thế, nó sẽ không bao giờ tan chảy, cũng chẳng bao giờ nên hình hài. Vật liệu nào, phương pháp nấy. Thế nên khoáng vật hãy tự để mình biến chất thành thứ kim loại sang quí hơn và tinh tuyền hơn, và những cách đối đãi của Trời đối với nó ước chi sẽ êm dịu hơn và khoan thứ hơn, phương sách của Ngài sử dụng cũng thích đáng hơn và đầy ân sủng hơn !

 

Tại sao Thượng đế lại chọn hay tác tạo ra những vật liệu như thế khi mà Ngài có thể chọn trong vô tận bao khả thề khác ? Chỉ vì thần trí của Ngài thấy trước, không chỉ là vẻ đẹp, sự dịu dàng và sự tinh tuyền, mà còn là dũng lực, ý chí và quyền uy. Chớ nên khinh chê vũ lực và cũng đừng hận thù chi nó cả vì một số những vẻ mặt xấu xí của nó, và chớ nên nghĩ rằng chỉ có tình yêu mới là Thượng đế (6). Tất cả sự trọn lành tuyệt hảo đều phải có đôi điều anh hùng và cũng không thiếu đôi nét yêu tinh [Titan] (7). Mà sức mạnh lớn nhất thì sinh ra từ khó khăn lớn nhất. 

 

Tất cả sẽ thay đổi, nếu con người bằng lòng một phen được linh hóa. Nhưng mà bản chất tinh thần, sinh mệnh và vật lý của nó thì khởi nghịch lại luật tối thượng. Nó vốn luyến ái sự bất toàn của nó.

 

Tinh thần là sự thật của hữu thể chúng ta. Trong sự bất toàn của nó, tâm trung, đời sống và thân xác là mặt nạ của chúng; nhưng trong sự hoàn hảo của chúng, chúng sẽ là chính hình thể của chúng. Linh hồn chưa đủ; điều đó chỉ sửa soạn cho một số linh hồn về Trời thôi, còn tất cả đều phải để lại trái đất là chốn chôn nhau cắt rốn của nó. Sự thỏa hiệp cũng không phải là lối thoát.

 

Thế giới biết được ba loại cách mạng. Loại vật chất có những kết quả dũng mãnh; loại luân lý và trí tuệ thì vô cùng rộng lớn hơn trong chân trời của chúng và phong phú hơn trong những thành quả của chúng; nhưng chính loại thiêng liêng mới là những mùa gieo trồng lớn.

 

Nếu cả ba biến đổi, chúng có thể liên kết trong một hòa hợp hoàn hảo, một công trình không khiếm khuyết sẽ viên thành. Nhưng tâm linh và thân xác con người không thể chấp nhận hoàn toàn một sự xâm nhập linh thiêng mạnh mẽ; phần trọng yếu nhất bị lãng phí, và nhiều thứ trong phần còn lại thì suy đồi. Trong mảnh đất của chúng ta, bao công sức trí tuệ và thể xác đều cần thiết để thâu hoạch một kết quả nho nhỏ trong mùa gieo trồng linh thiêng rộng lớn kia.

 

Mọi tôn giáo đều nâng đỡ nhân tính cả.

 

Ngẫu tượng giáo [le Paganisme](*) tăng bổ thêm cho nhân loại ánh sáng mỹ lệ, nâng cao chiều kích rộng và sâu cho cuộc sống, khuynh hướng về sự trọn hảo muôn hình vạn trạng.

 

Kitô giáo [Christianisme] tặng cho ta cái nhìn về đức bác ái và tình yêu thiêng liêng.

 

Phật giáo [Boudhisme] trình cho ta pháp môn cao quí trí tuệ hơn, êm đềm hơn, thuần khiết hơn.

 

Do thái giáo [Judaiisme] và Hồi giáo [Islamisme] chỉ cho ta cách trung tín với tín ngưỡng trong hành động và sống nhiệt thành trong việc sùng kính Thượng đế của mình.

 

Ấn giáo [Hindouisme] vén mở cho ta những khả năng thiêng liêng rộng lớn nhất và sâu thẳm nhất.

 

Điều vĩ đại là nếu tất cả những quan điểm về Thượng đế có thể hòa đồng lẫn nhau ! Nhưng tín điều của lý trí và lòng vị kỹ tế tự ngăn đường cản lối rồi !

 

Tất cả các tôn giáo đều cứu rỗi được một số các linh hồn, nhưng chẳng có tôn giáo nào có khả năng linh hóa nhân tính. Muốn vậy, không phải là tế tự và đức tin là cần thiết, mà bằng cố gắng trì thủ, bao biện tất cả để triển khai tâm linh cho mình.

 

Những biến chuyển mà chúng ta thấy trong thế giới ngày nay thuộc về trí năng, đạo lý, vật lý; trong lý tưởng và trong ý hướng của chúng. Cái cấp biến linh thiêng đợi giờ của nó và trong lúc ấy, nó phún xuất ra những đợt sóng nơi này, nơi kia. Cho tới khi nó đến, quan niệm về những đổi thay khác, chúng ta không thể hiểu được; và cho đến lúc ấy, tất cả những giải thích về những biến cố hiện thời và tất cả những tiên đoán về tương lai nhân loại đều là vô hiệu. Bởi vì bản tính, quyền lực và mục đích của nó là những gì sẽ xác định cho chu kỳ sắp tới của nhân loại chúng ta.

 

 

(6) Ở đây Aurobindo hiệu đính lại cái slogan “Thiên Chúa là Tình Yêu” của Kitô giáo.

 

(7) Theo thần thoại Hy lạp, Titans là giống người khổng lồ do Trời và Đất sinh ra. Sau con cháu của giống khổng lồ này nổi loạn lật đổ Cha Trời Mẹ Đất ấy. Thần Zéus thuộc đám titans nầy lên ngôi làm chúa tể vũ trụ. Nữ thần Hera là em đồng thời cũng là vợ của Zéus.

 

(*) Aurobindo dùng phương pháp so sánh để xếp hạng hơn kém trong nhận định về hiệu quả tôn giáo của ông:

- Ngẫu tượng giáo, Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo được xếp vào hạng thứ yếu.

- Phật giáo được xếp hơn các tôn giáo trên bằng so sánh tương đối: (plus sage, plus doux, plus pure)

- Ấn giáo được xếp loại nhất (hơn tất cả các tôn giáo trên) bằng so sánh tuyệt đối: (les plus vastes, les plus profondes)

 

 

Aurobindo Ghose: sinh năm 1872 trong một gia đình quyền quý ở Bengal Ấn độ, thường gọi là Sri Aurobindo. Cha ông muốn người con trở thành một viên chức cao cấp trong guồng máy cai trị của Anh đã gửi ông qua du học tại mẫu quốc từ lúc còn niên thiếu. Ông theo học tại trường St Paul ở Luân đôn, rồi vào King's College ở Cambridge. Khi trở về Ấn năm 1893 ông tham gia vào phong trào quốc gia, trở thành một trong những lãnh đạo có sức lôi cuốn quần chúng. Mục đích ông theo đuổi trong thời gian này là gầy dựng một hệ tư tưởng và chương trình hành động mang tính dân tộc, thoát khỏi mọi ảnh hưởng ngoại bang. Aurobindo đã tạo một sức mạnh cho hàng triệu dân Ấn khiến thực dân Anh bắt cầm tù ông năm 1908. Vào lúc này ông có một kinh nghiệm tôn giáo nên khi được tự do năm 1910, ông định cư ở Pondicherry lập một cộng đồng tín ngưỡng gọi là Ashram (nghĩa là một trung tâm để nghiên cứu và suy niệm; ashrama để chỉ bốn giai đoạn của đời sống là brahmacharya/niên thiếu học tập theo thày và cha mẹ, grihashta/thành niên lập gia đình, vanaprastha/hoàn tất mọi nghĩa vụ để quy ẩn, sannyasa/giải thoát) , có đông người theo kể cả một số tín đồ ở phương Tây.

 

Chính trong thời gian này Aurobindo mới trở thành một triết gia huyền nhiệm của Ấn. Những trước tác chính của ông là Đời sống thần thánh, Chu kỳ con người, Thống nhất lý tưởng người, Tổng hợp Du già. Ý tưởng chính trong quan niệm tiến hóa tâm linh của ông bao gồm trong thực tại là tâm linh. Mọi hiện hữu động vật hay tĩnh vật đều mang tâm linh và vũ trụ là biểu hiện của tiến hóa tinh thần dưới nhiều dạng. Sự tiến hóa này có thể diễn tả qua biến đổi của Brahman thành vật chất, tạo thành một hệ thống bản thể theo đường lối mỗi giai đoạn cao hơn chứa đựng trong nó những cái có trước (đã biến đổi). Theo ông tiến hóa này chưa hoàn tất ở giai đoạn Homo sapiens/Con người có tri thức mà ở giai đoạn sắp tới, biến đổi đặc tính của đời sống cá thể, văn hóa xã hội.

 

Để thực hiện giai đoạn này, con người cần đến triết học. Nhưng triết học nào?  Theo Aurobindo: Vấn đề tư tưởng là phải tìm ra chính ý và chính lộ của hòa hợp; tái thiết chân lý tâm linh cổ và vĩnh cửu của Ngã, ngõ hầu có thể bao dung, thâm nhập và ngự trị đời sống thể chất và tinh thần; phát triển những phương pháp sinh động và sâu sắc nhất của kỷ luật tự giác và tự thân phát triển tâm lý ngõ hầu đời sống tinh thần và tâm lý có thể diễn đạt đời sống tâm linh qua sự bành trướng tối đa có thể của sự phong phú, quyền lực và phức hợp của nó; đồng thời cũng tìm những phương tiện và động lực nhờ đó đời sống bên ngoài, xã hội và những định chế của con người có thể đúc lại tiệm tiến trong chân lý của tâm linh và phát triển về hòa hợp tối đa có thể giữa tự do cá nhân và thống nhất xã hội.

 

Quan niệm tiến hóa tâm linh của Aurobindo không giống với những quan niệm tiến hóa khác ở chỗ ông coi mọi hiện hữu đều là tiến hóa của tâm linh, như vậy mọi hiện hữu có cái chung vì cái hiện hữu ở mức thấp, chẳng hạn như cây cỏ luôn nỗ lực để vươn lên cái cao, và cái cao luôn phản ảnh trong cái thấp. Vũ trụ là một trò biến hóa không ngừng giữa cao và thấp, và cực điểm của tiến hóa là đạt tới saccidànanda, nghĩa là Hữu thuần tuý, Ý thức thuần tuý, Hoan lạc thuần tuý. Hữu, ý thức, ý chí là tam thế của cùng một vận động ba mặt: hữu cho hiệu quả bản thể, ý thức cho hiệu quả về tri thức và ý chí cho hiệu quả về sức mạnh tự hoàn tất. Aurobindo xác định ý tưởng chỉ là ánh sáng của thực tại tự chiếu, không phải là tâm tư hay tri tưởng, nhưng thực sự chính là tự thức.

 

ĐẶNG PHÙNG QUÂN

Từ Điển Triết Học Giản Yếu – tr.147-149 – Gió Văn xb.2010

 

Vũ Ngọc Anh
Số lần đọc: 2010
Ngày đăng: 10.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Các Truyền Thống - Nguyễn Hồng Nhung
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 9 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 8 - Nguyễn Đăng Trúc
Đọc, Fê-Bình Và So-Sánh Truy-Tầm Luận-Lí 1 - Nguyễn Quỳnh USA
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 7 - Nguyễn Bạch Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 6 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 5 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 4 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 3 - Nguyễn Đăng Trúc
Suy-Tư Ba, Mấy Vấn-Đề Cơ-Bản. Chân-Lí Và Cái Có Thực - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Đặng Phùng Quân (truyện ngắn)
Cánh hoa vô ưu (tạp văn)
Đánh giặc (đối thoại)
Ta đi tìm Mình (tạp văn)
Thư mở...cho mầy (đối thoại)
Trái Cấm (tiểu luận)
“ Ừ ” (đối thoại)
Ngôn Pháp (nghệ thuật)
TomTom (tạp văn)
Chạy Mất Dép (tạp văn)
Thú tủi nhục (tạp văn)
Hóa văn (tạp văn)
Trái Cấm (tạp văn)
Vô ngôn sư (tiểu luận)
VÀNG và LỬA (tiểu luận)
Chuyện con tim (truyện ngắn)