Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.231.088
 
Thiêu thân truyện
Nguyễn Trọng Nghĩa

(Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó

Cứ đêm đêm nhắc nhở gọi ta về -  Lê Anh Xuân)

 

Chiếc điện thoại di động nằm trên bàn rung lên. Anh Bưng vói tay cầm máy:

 

- Alô? Bảy hả? Đang cơm trưa văn phòng. Một mình chớ mấy mình (cười). Ủa, bộ mày chưa nối mạng sao? Thời buổi này chưa nối mạng đừng nghĩ tới chuyện làm báo. Ờ, ờ, khoảng hai mươi tám đô. Phải mua cái mô đem chớ mậy. Dễ ợt, để bữa nào rảnh tao cài cho. Rồi, rồi. Ok!

 

Anh Bưng thả máy xuống bàn, uể oải múc cơm ăn, mắt thờ ơ nhìn xuống đường. Nắng như thiêu như đốt đang đổ xuống đầu đám đồng bào thành phố không biết đi đâu mà lúc nào cũng đông như kiến.

 

Chiếc điện thoại di động lại rung lên, màn hình sáng xanh. Anh Bưng cầm máy:

 

- Alô? Anh Ba hả? Đang cơm trưa văn phòng. Anh nói thằng nào? Thằng Xi em ti được hơn chớ anh! Tháng trước nó mới mở cho mấy cha ở Cần Thơ cái quép sai văn học đồng bằng sông Cửu Long miễn phí, tha hồ đưa lên đó cái gì mình thích. Sao? Nếu cần, anh bảo bả liên hệ qua i meo của em cho tiện. Nguyễn Hoàng Bưng a còng hát xê em chấm vê en chấm com, viết liền không hoa. Dạ, vậy nghen anh!

 

Anh Bưng lại thả máy xuống bàn, lại uể ải nhai cơm. Đám đồng bào thành phố vẫn không ngừng hành quân như kiến. Độ ba phút sau điện thoại lại rung.

 

- Tôi nghe! Ổng vô hồi nào vậy? Hẹn với ổng tám giờ sáng mai tại cà phê Arnol 688. Rồi. Phần chú, nhớ mang theo cái dĩa mềm. Thời buổi này ưu tiên những người xài tin học, ai hơi sức đâu ngồi đó mà gõ! Không lo, anh mày có thẻ miễn phí. Ờ, ờ. Bai!

 

Thôi nhìn đám đồng bào thành phố phía dưới đường, anh Bưng đưa mắt nhìn lên cái tivi treo trên cao. Màn hình hiện ra cảnh sông nước miền Tây, đúng hơn là sông nước Cà Mau: một đám con nít mình mẩy lấm lem, tay thùng tay gậy đang hiện diện trên một bãi bùn, chung quanh lơ thơ vài cây mắm, bần, đước non…

 

Lần này anh Bưng chủ động bấm điện thoại:

 

- Alô, chú Biền hả? Ở đâu vậy? Mở tivi lên coi, đang có phim về xứ mình đó, kinh 7. Ờ…

 

Anh Bưng tắt máy, tắt hẳn. Chăm chú nhìn lên màn hình, theo dõi… Kể từ giờ phút đó, cái điện thoại di động coi như không còn quấy rầy anh nữa.

 

Ở đầu bên kia thành phố, trên tầng 12 của một chung cư hiện đại, Biền mở tivi. Ống kính đặc tả đôi chân lún sâu trong bùn; một con vọp nằm chôn mình kín đáo; một bàn tay moi nó lên… Rồi cảnh một ngã ba sông buổi chiều tà, đàn chim về tổ xếp thành hình chữ V; cảnh đêm với mấy người đàn ông và đám trẻ con đốt lửa nướng những con vọp… Ống kính lại đặc tả một ly rượu đưa lên môi, que tre lể (xỉa thịt) con vọp chấm vào chén muối ớt…

 

Cùng với đoạn phim trên là lời bình:

 

 “… Có thể nói, đám cư dân nhí của làng Côlôrađô này chính là các tay săn mồi thiện nghệ. Những con hào - nguồn dinh dưỡng chủ yếu của chúng - dù ma mãnh đến đâu, dù vùi mình xuống bùn đến mất tăm cũng đừng hòng trốn thoát. Ở đây chúng không săn mồi bằng mắt, mà chúng săn mồi bằng tất cả các giác quan tinh tường của mình… và tôi đảm bảo với quí vị rằng, đối với chúng, chưa chắc có thứ sơn hào hải vị nào sánh bằng cái thứ chúng moi lên từ bùn đất…”

 

… Nếu đoạn phim vừa rồi không phải quay ở làng Côlôrađô; nếu bây giờ anh Bưng không ngồi ở cơm trưa văn phòng và Biền - chú em ruột của anh Bưng - không nằm chót vót trên lầu 12 của một chung cư hiện đại, thì hình ảnh mấy người đàn ông đốt lửa nướng vọp và những đứa trẻ lem luốc kia chính là hình ảnh của đại gia đình Bưng - Biền tại làng Lung Lá. Giờ đây, anh Bưng có thể rủ thằng em mình nhấm nháp hình ảnh quê nhà bằng mọi cách kể cả cách nhấm nháp qua ti vi. Tuần trước đi Tây Ninh về, anh ném trước mặt Biền mớ lá nhào. Chú em Biền chưa kịp hân hoan với món lươn um lá nhào lâu ngày không được thưởng thức thì anh Bưng muốn đổ quạu:

 

- Mẹ, nhào mà hổng phải… nhào! Mày hửi thử coi.

 

Chú Biền ngắt một tí chót lá vò vò rồi đưa lên mũi, mặt bỗng nhăn nhúm:

 

- Nhào gì mà kỳ cục. Hôi rình vầy làm sao ăn?

 

- Thì đem về mày coi chơi cho đỡ… thèm rồi liệng chớ ăn uống gì được.

 

Nhưng Biền không liệng. Chú cắm mớ lá nhào đó vào chiếc bình thuỷ tinh lớn như cắm hoa chỉ vì một lý do: chú thấy nếu liệng thì tội nghiệp anh mình. Mới hôm kia, ghé qua chỗ Biền để bàn chuyện đám giỗ bà nội, nhè ngay bữa cúp điện. Trèo lên hết 12 tầng lầu, vừa tháo giày quăng ra xa, anh Bưng chửi thề:

 

- Mẹ, đúng là địa ngục trần gian! Sống kiểu này thà chết sướng hơn. Đây là cái hộp hại điện chớ không phải chung cư hiện đại. Lấy cho ca nước đá…

 

Chú Biền chọc tức ông anh:

 

- Chưa chết được đâu anh vì ở đây còn có… nước đá, chớ Lung Lá dưới mình làm gì có!

 

Anh Bưng:

 

- Đách họ! Lung Lá của tao cần gì nước đá, chỉ thở không khí ở đó thôi cũng đủ sống trăm năm. Đúng là càng già càng dại. Giờ thì hết đường về…

 

Anh Bưng kết thúc câu nói của mình bằng cái thở dài.

 

Hồi mới giải phóng, anh Bưng bất đắc dĩ phải ra chợ sống do anh là… cán bộ. Nói bất đắc dĩ không quá, bởi sau khi cân nhắc thiệt hơn, cuối cùng anh đành viện đến phép thắng lợi tinh thần để tự an ủi mình khi buộc phải rời bỏ làng quê: “Tao thuộc phe thắng, ngu sao không ra chợ ở cho sướng?”. Vậy là bỏ Lung Lá. Sống ở chợ mấy năm, người đâm bệ rạc vì kém vận động, nhất là ngại gian khổ. Mấy lúc ngồi vui bên mâm nhậu, anh Bưng hay nói vui với bọn Biền: “Hồi đó sao mình mun thấy ngán. Nguy hiểm vậy, cực khổ vậy mà lạc quan trăm phần trăm. Bây giờ yêu nước thì yêu, chớ chiến tranh kiểu đó nữa chắc tao… chiêu hồi! Ha ha!” - Anh cười sảng khoái rồi tiếp: “Nói vậy chớ còn lâu mới chiêu hồi! Bằng mọi giá phải trường kỳ kháng chiến. Mạnh dùng sức, yếu dùng thế. Chừng nào đối đế đánh không lại mày thì tao tìm cách… bóp dái, chớ quyền gì mày đi đè đầu cởi cổ tao?”- Anh bỗng sừng cồ với tên đế quốc tưởng tượng.

 

Anh Bưng là con người tự do, thứ tự do hơi hoang dã. Chưa bao giờ anh xài quần nhỏ quần lớn như người ta; tất cả với anh đều phải thong dong, kể cả trong lẫn ngoài. Mấy bữa uống rượu say, hôm sau anh không mang dép, chê nặng, vả lại - anh nói - “tội tình gì lại đi  bỏ tù đôi chân của mình”!

 

… Có ai ngờ thời cuộc đẩy đưa, hai anh em Bưng - Biền của họ chẳng những không được về quê mà còn văng lên tới Sài Gòn. Chú Biền, như ta đã biết, sống trong cái hộp cách mặt đất độ bốn chục thước, còn anh Bưng đành mua miếng đất nhỏ nằm tuốt ngoại ô, cất căn nhà nhỏ. Ở đây ban đêm nhìn về hướng trung tâm, chỉ thấy một quầng sáng màu lửa mà có lần anh Bưng đã ví loại người như anh và chú Biền nói chung chẳng khác gì những con thiêu thân, cứ nhắm mắt cắm đầu lao vào quầng lửa ấy…

 

 

Chiều, từ căn nhà nhỏ ở tuốt ngoại ô Sài Gòn, anh Bưng bấm điện thoại trong trạng thái hân hoan:

 

- Alô, chú Biền hả? Có hai chuyện quan trọng: Một, hồi trưa coi hết phim chớ? Hóa ra phía bên kia trái đất cũng có chỗ giống y chang xứ mình. Cái làng Côlôrađô đó có khác gì làng Lung Lá? Nhưng mà họ dịch tầm bậy, chú có để ý không? Con đó là con vọp. Hào làm gì sống trên cạn? Nhớ hồi đó có ngày tui với chú bắt cả thùng thiếc… Rồi, rồi. Chuyện thứ hai, đố chú biết ai đang ở nhà tui? Có ngon đoán thử coi? Thua chưa? Cậu tư Tàn với thằng Nghiệp! Ra liền nghen! Tui đang làm mồi. Ờ, ờ, từ giờ không điện đóm gì nữa nghen. Tui tắt máy luôn, cả điện thoại bàn. Chớ sao! Độc lập tự do là trên hết! Chờ!

 

Anh Bưng nhổ dây điện thoại bàn, quay sang nói với người đàn ông đen đúa mà anh gọi là cậu Tư Tàn:

 

- Xong, kể từ giờ phút này đố cha thằng nào quấy rầy.

 

Cậu Tư Tàn:

 

- Thằng Biền ra không?

 

- Ra chớ cậu. Nghe cậu lên nó mừng húm. Có điều từ “cái hộp” của nó đến đây cũng phải nửa tiếng.

 

… Anh Bưng ở trần mặc quần cụt, đi đất, tay cầm đũa, chạy tới chạy lui lăng xăng. Hai người đàn ông nông dân đen đúa ngồi ở hai đầu đệm được trải dưới góc xoài trước nhà anh. Bốn, năm con cá lóc cỡ cườm tay nướng trui đặt trên tàu lá chuối, chén muối hột cùng mấy trái ớt xanh, dĩa mắm sống và nải chuối chát… Thấy chưa đủ, anh Bưng bước đến bồn hoa moi lên một… củ gừng. Anh giải thích với cậu Tư Tàn:

 

- Con chỉ trồng thứ gì ăn được. Cậu coi, bông vợ con trồng chưa kịp lớn thì gừng của con đã lớn hơn.

 

Rồi anh rót rượu:

 

- Thiệt ra mà nói, không có thứ nhà hàng nào bằng nhà mình. Mẹ, đi nhậu mà ăn ta ni, mang giày thì… trào máu. Cậu với con!

 

Anh Bưng uống cạn rồi đưa ly cho cậu Tư Tàn, vỗ đùi cái bép biểu lộ sự khoái trá; quay lại thấy Biền đang vật lộn với con cá lóc nướng bằng đôi đũa, anh Bưng nạt:

 

- Dẹp đũa đi! Chú mày đúng là đồ mất gốc!

 

Rồi anh tóm con cá nướng, bẻ đôi chia cho cậu Tư Tàn và anh thanh niên tên Nghiệp, lại bẻ đôi con khác cho Biền và anh:

 

- Thiệt ra mà nói, ăn bóc là ngon nhứt; cũng như, nói xin lỗi, ỉa đồng là số một, đố có thứ cầu tiêu máy nào sánh bằng.

 

Hai anh nông dân thứ thiệt nhìn anh cựu nông dân lắc đầu, cười thán phục.

 

Chú Biền nhớ lại, hôm công ty phần mềm Nét Ngọc tổ chức hội nghị khách hàng trên sân thượng Majestic Hotel, tình cờ anh em Bưng - Biền của họ cùng dự. Như mọi người, hôm đó anh Bưng cũng ăn ta ni, mang giày, thắt cà vạt. Kết thúc nội dung hội nghị, đến phần tiệc đứng, anh Bưng cụng ly qua loa với mấy nhà doanh nghiệp rồi lẻn đến nói nhỏ vào tai chú em mình:

 

- Ăn nhậu kiểu gì kỳ cục. Nó bày coi đẹp mắt chớ có mướn tao cũng không dám đụng đũa. Đồ “phồn vinh giả tạo”! Về!

 

Rồi anh Bưng lẻn ra ngoài. Chú Biền gặp ông anh mình chỗ chờ thang máy. Anh Bưng nói:

 

- Thiệt ra mà nói, thế kỷ hai mươi chỉ có hai phát minh giá trị, một là cái máy giặt, hai là… con dao gọt mướp, còn lại đều đồ bỏ!

 

Đến giờ này anh Bưng vẫn ngạc nhiên lẫn thích thú về tính hiệu quả của thứ dụng cụ bếp núc giản đơn (con dao hai lưỡi) mà anh cho là phát minh thế kỷ!

 

Chú Biền nói:

 

- Chớ thang máy không là phát minh à?

 

- Không.

 

- Vậy thì đi bộ!

 

Anh Bưng cười hề hề:

 

- Ngu sao đi bộ mậy!

 

Mấy phút sau thang máy đưa anh em họ xuống đất. Tại cửa ra vào khách sạn, một thanh niên mặc đồng phục (tất nhiên là ăn ta ni, mang giày) đứng dập gót mở cửa cho hai thượng khách Bưng - Biền.

 

Nhưng đó là chuyện ở Majestic Hotel, còn bây giờ…

 

… Bỗng thấy anh Bưng từ trong nhà bước ra sân, cũng… ăn ta ni và mang giày. Ai cũng ngạc nhiên. Cậu Tư Tàn hỏi đi đâu. Anh Bưng đáp:

 

- Đi rước thằng Cuội, bữa nay nó học thêm. Cậu, thằng Nghiệp, thằng Biền cứ nhậu lai rai, khoảng nửa tiếng con về!

 

Đúng 25 phút sau anh Bưng về, không thấy thằng Cuội đâu, cậu Tư Tàn lại hỏi, anh đáp:

 

- Rước chỗ thầy Anh văn đưa qua thầy Toán. 9 giờ lại có thằng sinh viên đến kèm môn Lý, nhưng hôm nay thì hồi! - Anh Bưng nối dây điện thoại bàn, bấm số - Alô, nhà Thái phải không? Nhờ chị nói dùm, cháu Hải Tần (tức Cuội) hôm nay bịnh, Thái khỏi đến, dạ, để lần sau. Cám ơn.

 

Anh Bưng lại nhổ dây điện thoại, cởi quần áo, tháo giày liệng ra xa, ngồi xếp bằng xuống mâm:

 

- Thiệt ra mà nói, hồi đó con có học hành gì đâu. Chính xác là chưa hết lớp ba. Vậy mà vẫn “trưởng thành” như thường, nào thua kém ai! Còn đám con nít bây giờ… toàn một lũ gà công nghiệp! Vô cậu!

 

Anh Bưng uống cạn, có vẻ kém vui, chắc anh mắc cỡ về tình trạng học thêm của con mình. Chú Biền biết, giữa anh Bưng và vợ đã từng xích mích về chuyện này, ban đầu anh làm căng, cuối cùng chịu nhịn. Gặp Biền, anh chắc lưỡi: “Kệ mẹ. Nó đã là con của cơ chế chớ đâu còn con mình!”. Từ đó chuyện học thêm của thằng Cuội (tức Hải Tần) thành chuyện hiển nhiên. Tội nghiệp, chị Bưng thương con nhưng nào biết, dù thằng Cuội được đầu tư học tập tốt hơn 53 lần so với con cái của hai người nông dân đang ngồi kia thì có khác gì nhau, bởi nền giáo dục của chúng ta không được thế giới công nhận…, ngay cả ở Đông Nam Á chúng ta đang ở hạng cuối và ngày càng tụt hậu; rằng giáo dục đại học của ta đang tụt thấp hơn 50 bậc soi với đại học của Thái Lan…chỉ bởi vì các nhà lãnh đạo giáo dục nước nhà thiếu tự trọng và thiếu lòng yêu nước, dù họ hiểu rõ mười mươi căn bịnh trầm kha (*).

 

Chị Bưng về, chở thằng Cuội phía sau. Vợ chồng anh Bưng hợp đồng đưa đón con nhịp nhàng như một dây chuyền sản xuất công nghiệp. Sau khi chào khách, chị hỏi:

 

- Thái tới chưa anh?

 

Anh Bưng:

 

- Hôm nay nghỉ. Anh đã gọi điện hồi rồi.

 

Chị Bưng tỏ vẻ phật ý, nhưng chỉ chừng một giây thôi, không ai nhận thấy ngoài chú Biền. Chú bèn vỗ đít thằng cháu cưng của mình đồng thời cũng là vật thí nghiệm (*) của nền giáo dục nước nhà mà không khỏi có chút xót xa không biết cho mình hay cho nó. Mới 12 tuổi mà nó đã cao chồng ngồng, mắt đeo kính cận dày như cái đít chai. Nó lừ lừ đi ngang mâm mà chẳng thèm chào hỏi ai. Anh Bưng nạt:

 

- Thưa ông cậu, cậu Nghiệp, chú Biền…

 

Thằng Cuội khoanh tay như cái máy:

 

- Thưa ông cậu, cậu Nghiệp, chú Biền…

 

Rồi nó vào nhà, mở nắp đàn oọc, cho chơi chế độ trống đùng đùng, người giần giật theo nhạc. Mấy năm đầu giải phóng, các người đồng chí của anh Bưng cho vợ mình đi học đạo diễn, con cái vào nhạc viện, đứa piano, đứa công rờ bát… thành một phong trào. Thấy gai mắt, anh nói: “Mẹ, con tao nữa tao cho học thổi sáo. Chỉ cần trồng một bụi trúc, cho mày thổi thấy mẹ mày luôn!” Giờ đây, có lẽ còn nhớ lời tuyên bố xưa kia của mình, nên anh lại… mắc cỡ. Anh Bưng nhắc khéo con:

 

- Lo tắm rửa đi con. Nhạc nhẽo ầm ầm mệt quá.

 

Thằng Cuội liếc anh, đậy nắp đàn, vào buồng riêng mở máy tính. Chị Bưng bưng vào cho con tô cơm với hai cái đùi gà, nó vừa ăn vừa chơi trò đá banh, người cứ nhấp nha nhấp nhổm trên ghế, miệng lảm nhảm như… thằng khùng. Có thể giờ đây các giác quan của anh em Bưng - Biền không còn tinh tường để bắt những con vọp như tụi con nít ở làng Côlôrađô, nhưng nếu chỉ để ứng xử thôi, thì còn tin tường lắm, ít nhứt cũng hơn đám con cháu họ - đám “gà công nghiệp” này.

 

Tiệc vui vẫn được tiếp tục trong không khí buồn, bởi tin tức mà hai ông nông dân mang lên từ Lung Lá cũng buồn nốt: Làng xóm điêu tàn vì người ta phá lúa nuôi tôm, nay chẳng còn con tôm nào; hai nông dân này giờ cũng đang tìm cách mon men đến với ánh đèn đô thị. Tội nghiệp anh Bưng, kể như anh đã hết đường về!

 

Khuya, chú Biền bước ra sau hè nhà anh mình, nơi không ít lần anh Bưng quảng cáo “mát lắm, gió lồng lộng…”, hướng mắt về phía trung tâm. Sài Gòn ban đêm nhìn từ xa chỉ thấy một quầng sáng màu lửa, cái quầng sáng mà có lần anh Bưng đã ví họ như những con thiêu thân, cứ nhắm mắt cắm đầu lao vào. Nơi đó hẳn giờ này đồng bào vẫn còn đông như kiến, cà phê Arnol 688 chắc vẫn tấp nập; nơi đó đảm bảo bốn cái thang máy lộ thiên toà nhà chú Biền sống vẫn hùng hục lên xuống như bốn con quái vật, không ngừng…

 

Và mới đây lại có thêm hai con thiêu thân chấp nhận lao vào cái quầng sáng màu lửa ấy...

 

Sài Gòn 23.3.2004

-------------------------------------------------------------------

(*) Dẫn theo An ninh thế giới số cuối tháng, 10-2003

(Đảm bảo trích dẫn chính xác, nếu cần, tôi sẽ cung cấp tài liệu)

Nguyễn Trọng Nghĩa
Số lần đọc: 2507
Ngày đăng: 25.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Anh đi anh nhớ quê nhà…” - Minh Trí
Bên khung cửa mùa xuân - Minh Châu
Mối tình của cây dạ lan hương - Thu Trang
Tết này ai đến xông nhà? - Phạm Phong
Gió ngược - Kim Ðời
Phơi nắng - Võ Tấn Cường
Rau đắng - hồn quê - Nhật Linh
Thằng Đức - Trần Hà Lý Thái Bạch
Điều không đơn giản - Hoàng Thu Dung
Tòng Phu - Hoàng Thu Dung
Cùng một tác giả
Lambada (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)
Cuốn sách thiếu (truyện ngắn)
Ngón chân cái (truyện ngắn)
Trễ tàu (tuyển truyện)
Trái đắng (truyện ngắn)
15-Khỉ thật! (truyện ngắn)
Thiêu thân truyện (truyện ngắn)
Chết trẻ (truyện ngắn)
Xa xứ (truyện ngắn)