Vượt Vũ Môn, tập truyện của Trương Đạm Thủy, gồm 17 truyện, có lẽ, truyện Vượt Vũ Môn tái diễn thâm thúy đời tác giả: Tìm vào rừng sâu ẩn dật, ngày ngày câu cá, chịu ảnh hưởng giá rét mùa đông, bỗng một hôm ngộ được đàn cá chép vượt vũ môn về cố hương, thực hiện hành trình vượt dòng về sinh nở... “Ông lão, rừng thông, cây cỏ, đá/ chứng kiến cá chép vượt vũ môn/ Tất cả biết nghe không biết nói/ Khiến lão cô độc bớt ngậm ngùi/ Bất chợt, dòng suối bùn cuốn lão/ Lão vượt vũ môn... hẹn tái đáo”. Lão tìm nơi thanh vắng... câu cá; dòng bùn cuốn lão ra biển cả; tu, chân tu, không biết đường về...
Thời gian thật lạ, chỉ một thoáng thôi cái anh bạn khá trẻ trung của tôi mới ngày nào bỗng dưng trở thành “lão nhi tóc bạc”. Có lúc gặp anh ở quán cà phê nhà cổ góc đường Trần Cao Vân, lúc gặp anh ngồi một mình “độc diễn tì bà hành” ở Hội quán Văn nghệ 81 Trần Quốc Thảo ngơ ngẩn nhìn ra khoảng sân nắng đầy lá rơi như đang đợi chờ ai. Cái anh bạn văn già này, ngày càng lặng lẽ mơ màng như đang chìm vào một thế giới “yên sĩ phi lý thuần” nào đó. Người ta bảo cái trạng thái bỗng-nhiên-trầm-lặng ấy là cái tâm trạng của tuổi già...
Nhưng có một lần tôi “liều mạng” xông pha thẳng vào cái thế giới “độc cô cầu bại” của Trương Lão Gia thử xem “lão gia” suy gẫm điều chi mà trầm trọng đến thế? Hỏi anh, anh cười: “Ta đang thai nghén tác phẩm”. Và, tác phẩm đó là tập truyện Vượt Vũ Môn. Trong tác phẩm này có nhiều truyện: truyện hiện đại, truyện như cổ tích, truyện như liêu trai chí dị... nói chung đó là chuyện đời được nhìn từ góc độ này sang góc độ khác của một... “lão già” mà lòng còn... lắm trẻ !
Tôi đọc Vượt Vũ Môn của Trương Đạm Thủy có lúc xót xa cho số phận “thằng bắt chó” trong Tảng Sáng Mờ Sương, nỗi đau của “con ma” trong Thợ Đá hay cái mối tình “ầu ơ ví dầu” của lão Chín Kèn trong Người Nước Tần, hay ẩn ý một nụ cười tiếu ngạo qua truyện Câu Chuyện Bến Đìa San Hậu, hoặc câu chuyện tình buồn trong Bao Giờ Cây Hạnh Ra Hoa... (truyện anh phóng tác).
Có thể khi viết, nhà văn cứ hứng đến đâu viết đến đấy, viết văn mà như làm thơ, tùy “lên men” kiểu gì thì viết theo kiểu ấy mà không cần thu xếp vén khéo gì cả.
Có lẽ tôi thích anh ở tính cách ấy. Tôi vốn là dân kiến trúc, tất nhiên kiến trúc là một ngành khoa học rất nghiêm khắc trong kỹ thuật xây cất. Nhưng đâu phải chỉ có kỹ thuật trong xây dựng? Nó còn có cả một nghệ thuật. Vì nó là một trong bảy bộ môn nghệ thuật. Đã là nghệ thuật cho nên trong cái nghiêm túc của kiến trúc còn có cả phút giây bất chợt ngẫu hứng bằng những nét chấm phá đầy “hồn vía” của người kiến trúc sư.
Tập truyện Vượt Vũ Môn của Trương Đạm Thủy viết bởi tính ngẫu hứng đó, sôi nổi, rộn rã... nhưng đôi lúc cũng ảm đạm, nhễ nhại u buồn như hình bóng u ẩn của anh Thủy mà một ngày tôi đã thấy anh ngồi đăm chiêu tư lự nơi quán... “biên thùy” 81 Trần Quốc Thảo. Tôi gọi quán “biên thùy” vì anh Thủy thích gọi như thế, một cái quán giữa lòng thành phố mà vẫn coi nó là một quán ngoài... quan ải xa xôi để dành cho những khách... “biên đình” lãng mạn như anh.
Có lẽ Trương Đạm Thủy chẳng vượt qua đâu ngoài vượt qua chính mình để tìm thấy bầu trời tự do của ý tưởng, của tình yêu, thế giới và của con người...