Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.608
 
Nhớ lại ý nghĩa Thi Ca của Cổ Nhân: Đọc tập thơ Kinh Vô Thường của nhà thơ Võ Thạnh Văn
Nguyễn Đăng Trúc

Không dừng lại nơi vùng đất của ngôn từ bóng bẩy với những tiết điệu phong phú, với muôn ngàn hình ảnh đầy sắc màu, vùng đất của những cảnh giới xa lạ do trí tưởng tượng « ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây »  mặc sức vẽ vời…, trái lại mười ngàn câu thơ của Võ Thạnh Văn như muốn tìm cảm hứng nơi Nguồn của một lối ngôn ngữ hết sức đặc biệt, ngôn ngữ được tác giả gọi là Kinh.

 

Nguồn của Thi Ca

 

Tại sao Võ Thạnh Văn đặt tựa đề cho thơ mình là Lời  Kinh ?

 

Khi nói đến Kinh và Thi Ca, văn hóa vùng Đông Nam Á một mặt  tôn vinh Kinh là Nguồn của Đạo làm người[1], mặt khác gọi Thi Ca là Nguồn các Kinh. « Hưng ư Thi » : Thi Ca là Thần Lực đem lại sức sống và lương thực nuôi dưỡng nhân tính, là cảm hứng cho lời nói chân thật của con người. Khổng Tử đã để lại gia sản quí giá nhất cho con mình là Bá Ngư, qua lời nhắn nhủ :

 

Bất học Thi, vô dĩ ngôn [2]

 

[Không học Thơ, không có lời để nói]

 

Vậy tại sao tại sao phải học Thơ mới có thể nói được trong lúc thi ca dường như không còn một chỗ đứng nào trong xã hội quá nhiều lời nói, máy nói, người nói …, của xã hội « cân đo đong đếm » mà chúng ta đang sống hiện nay ?

 

Để trả lời, chúng ta lắng nghe một bậc thầy khác của văn hóa nhân loại giải thích. Trong Đối Thoại Ion, một trong những tác phẩm thời kỳ đầu của Platon, Socrate là vị thầy của tác giả nầy và cũng là vị tiên phong của nền văn hóa Hy-lạp – Tây Phương  phân biệt Thi Ca với ngôn ngữ thông thường của con người như sau :

 

Socrate: « Không phải do tài năng nào của mình mà các thi sĩ làm thơ, nhưng là do cảm hứng từ một quyền năng của Thần. Vì nếu dựa vào một tài năng trình bày lưu loát như người ta thường làm được trong các bộ môn nào đó, thì phải chăng thi ca cũng chỉ là một bộ môn nào bất kỳ hay sao! Bởi vậy, Thần đã xóa hết tài năng lý trí con người để dùng họ làm thi sĩ, cho họ nhập Thần và trở nên những tiên tri của Trời. Nhờ thế khi nghe lời thơ của các thi sĩ, thì chúng ta hiểu được rằng không phải do chính tài năng họ mà họ có được những giá trị cao cả, bởi lẽ lúc ấy họ đã bị tước hết tài trí của mình rồi; nhưng chính Thần nói, Thần chuyển lời của Thần đến với chúng ta qua trung gian các thi sĩ ! » (PLATON, Ion. 534 c-d;  534 e..).

 

Như thế, Thi Ca là tiếng vọng từ Bờ Bên Kia, của Lời Vô Phương, của Thần Lực biến lời của thi sĩ thành lời Kinh nhắc nhở con người về lý lịch, về thân phận « linh ư vạn vật » của mình.

 

Nội dung của Thi Ca

 

Cảm hứng từ Lửa Từ Trời, của Thần Lực bên trên sinh khí tạo sức sống trong vũ trụ muôn vật, Thi Ca không nhằm ca tụng thiên nhiên cỏ cây hay mây gió, ngay cả trời đất bao la bát ngát, nhưng chỉ nhằm thổi hơi sống thần linh vào cuộc sống con người.

 

Những nhà tư tưởng cảm hứng từ nguồn Thi Ca như thế thường được gọi là Người Xưa, Thánh Hiền thủa ấy, Những Tiên Tri. Họ là  những nhà tư tưởng khai phá các nền văn hóa Đông Tây như Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử, Eschyle, Sophocle, Héraclite, Parménide, Socrate, các tác giả Cựu Ước…Họ chỉ nhắc gửi một điều: lý lịch hay thân thế con người. Nhưng, vì mất đi cảm hứng Thi Ca, hậu thế và ngay cả người đương thời của các Thánh hiền  nầy biến họ thành “chuyên viên đo đất” hoặc những nhà tư tưởng mơ mộng, những nhà khoa học thô thiển chưa lãnh hội được nguyên lý vũ trụ và sự vật[3]. Vì tránh nguy cơ lầm lẫn khó có thể tránh, một nguy cơ vốn gắn liền với hiện sinh con người, nên trước khi nói lên sứ điệp Thi Ca, Héraclite đã nói Lời mà ông cảm hứng (Logos) là Lời mà con người tự sức mình không ai biết và nói được[4]. Còn Parménide thì đã cảnh giác nội dung tập thơ của mình phát xuất từ Thần Thánh[5]. Riêng đối với Socrate, trước tòa án thành Nhã Điển đang lên án tử hình ông, ông đã khẩn thiết biện hộ như sau :

 

« Xin quí vị ý thức điều nầy : lời tôi sắp nói đây hoàn toàn là sự thật. Hỡi người Nhã Điển, người ta đồn tôi là người hiểu biết. Nhưng, thật sự thì biết được điều gì ?  (Tôi xin trả lời) đây là sự khôn ngoan, hiểu biết liên quan đến nhân tính - νθρωπον σοφα» (PLATON, Biện hộ của Socrate, 20 d.) (..)

 

Có cái gì đó linh thiêng và thần thánh đến với tôi, một điều mà Mélètos bắt chước một tác giả hài kịch từng nêu lên để tố giác tôi. Những việc lạ lùng như thế tôi đã từng gặp lúc tôi còn bé : có một lời nói bên trong tôi, và mỗi lần như thế, thì tiếng nói đó ngăn không cho tôi làm điều tôi có thể sắp làm… Tôi nghĩ đây thật đúng là một sự xung khắc may mắn (sđd. 31 c, d).

 

Trở lại truyền thống văn học Việt Nam, hẳn không ai không biết rằng tư tưởng của kẻ sĩ Vũ-Quỳnh, qua cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, không khai triển một nội dung nào khác ngoài việc chuyển đạt trực giác của tổ tiên mình về lý lịch linh ư vạn vật của con người ; thi ca của thi hào Nguyễn Du, qua tập thơ Kiều, cũng không ví von một cảnh vực nào khác ngoài Kiếp Người Ta.

 

Tiếp nối truyền thống Thi Ca và Tư Tưởng của Người Xưa và của dân tộc mình, tác giả Võ Thạnh Văn không chuyển đạt một nội dung nào xa lạ ngoài nỗi thắc mắc về hiện sinh con người qua thân phận chính mình. Ngay trong câu thơ đầu, tác giả nói rõ nội dung cảm hứng Thi Ca của mình :

 

[001]

Phận ta hạt bụi mê lầm

 

Nỗi Khổ của hiện sinh và Nguồn Hy Vọng cứu độ

 

Khi nói lời thơ là tiếng vọng của Lời  từ Bờ Bên Kia, khi nói tiếng vọng ấy không nói gì khác ngoài mặc khải về lý lịch và thân thế con người, Người Xưa không quá ngớ ngẩn để cho rằng phía bên nầy bờ con người đã không biết, không nói về thân thế của mình. Trái lại, Người Xưa lặp đi lặp lại rằng tự tôn vinh mình là sinh vật cao cả nhất trong vũ trụ không những vì nó có được sự hiểu biết về chính thân thế của mình mà còn có khả năng tự mình hoàn thành nhân tính của mình. Nói cách khác, trong lịch sử nhân loại, trong hiện sinh của mỗi người, chúng ta đã định nghĩa mình bằng Trời (Tề Thiên) vì mình có hiểu biết và có ngôn ngữ để gọi tên muôn loài, như lời con rắn nói với Adam trong Vườn Địa Đàng[6].

 

Qua ngôn ngữ biểu tượng, Vũ Quỳnh mô tả hiện sinh tự tôn, tự mãn ấy là tương giao giữa Âu Cơ và Đế-Lai, một Đế-Lai muốn làm nên lý lịch của mình qua ước muốn, hiểu biết và chiếm hữu các thứ đồ vật, mà quên mối tương giao với Lạc-Long-Quân và với Âu Cơ. Nguyễn Du gọi cuộc sống như thế trong cõi người ta là « Tài », là sự ràng buộc của Kiều với ước mong tự tử khỏi sống, với thèm khát cuộc sống và thú vui thân xác qua hình ảnh Thúc Sinh, với con đường khổ hạnh quên đời trong am nhỏ, với nỗ lực giải phóng xã hội qua hình ảnh Từ Hải, với phú quí danh vọng qua hình ảnh Hồ Tôn Hiến….

 

Thánh Hiền Xưa trong các nền văn hóa còn nói rõ hơn. Vào thời tiền Socrate, thi hào Eschyle của Hy-Lạp đã từng nói Tài (Τέχνη) (như Nguyễn Du sau nầy gợi lên) là một ánh sáng giả tạo, là lửa đánh cắp, phỉnh gạt, làm che mờ Mệnh (Μορα) hay thân thế linh thiêng cao cả của nhân tính. Thi hào Sophocle diễn tả hiện sinh con người là thế giới của một nhà thông thái Œdipe với đôi mắt mở toang, nhưng không hề biết gì về lý lịch nguyên sơ và chân thực của mình[7]. Héraclite [8] và Parménide thì đánh giá lời nói và sự hiểu biết của con người là dối trá khi con người lấy thước đo đất để đo lường và định nghĩa thần tính con người.

 

Trong câu đầu của Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói hiện sinh con người (Đạo) đang sống và có thể thực hiện không phải là con đường con người phải noi theo để chu toàn phận làm người ; lời con người đang nói và có thể nói về thân thế của mình thì không phải là lời chân thật. Vì theo Đạo học:

Cái nhìn cao siêu về Đạo và mọi vật, lời nói hay thinh lặng cũng không thể chứa ni. Nó vượt lên trên lời nói và cả sự thinh lặng, ở ngoài bất cứ khả năng diễn tả nào của con người. [9]

 

Hơn ai hết, Phật Tích Ca đã ngộ được toàn bộ hiện sinh con người đang miệt mài tô bồi là huyễn hoặc .

 

Múc lấy nguồn cảm hứng Thi Ca ấy, Võ Thạnh Văn trong lời tựa tập thơ lập lại sứ điệp Thi Ca của Người Xưa :

 

Nhìn lại cho rõ chính mình, cái bản lai diện mục, là nhận diện nỗi bi thương to lớn của kiếp nhân sinh. Nỗi bi thương to lớn ấy chính là con người đã đánh mất bản thể từ lúc chưa sinh. Từ đó, con người hoang mang và miệt mài tìm kiếm chính mình trong huyễn vọng.

 

Thần Thi không nói Trời nói Đất, không mặc khải nguồn gốc hay bản thể muôn vật, Thần Thi chỉ nói với con người về phận làm người của họ. Và như thế Thần Thi không hề nhắc con người phải khóc cho vũ trụ muôn vật luôn dời đổi, luôn chóng qua, nhưng gieo vào nơi Tâm con người nỗi đau về hiện sinh lầm lạc u mê của mình. Chính vì nỗi khổ đau đánh mất Thần Tính của con người nơi hiện sinh, mà Nietzsche, qua miệng người « mất trí » (hay đúng hơn là người đươc Thần từ bờ bên kia thăm viếng theo lối diễn tả của Socrate trong Đối Thoại Ion), đã hét lên một cách bi thảm :

 

Thần đi đâu rồi ? Tôi nói cho bà con hay, chúng ta đã giết thần rồi. Bà con cũng như tôi! tất cả chúng ta là những kẻ sát thần.[10]

 

Phải, tất cả chúng ta là những kẻ sát thần, vì tự nguyên sơ, làm người là rước vào mình phận lầm lạc, làm người là gánh nghiệp ấy vào thân như lời thơ của Nguyễn Du đã chuyển đạt. Và cũng nghiệp quên lãng thân thế Thần Thiêng, lãng quên phần Tinh Anh của nhân tính mà thi hào Hoelderlin trong bài thơ Mnémosyne (Đại  Ký Ức) đã nhận ra hiện sinh qua hình ảnh quái vật :

 

Chúng ta xuất hiện ra đây như  một dấu chỉ,

Một quái vật, không đường hướng, hết cảm xúc,

Trơ trơ không biết khổ đau,

Và hầu như đã mất lời nói của mình nơi xứ lạ.

 

Vì bước ra đời là phải gánh nỗi khổ đau lầm lạc như thế nên tác giả của Sách Gióp trong Thánh Kinh cũng như Cung Oán Ngâm Khúc đã viết :

 

Những nỗi khổ của tôi còn nhiều hơn cát biển.   (Gióp, 6, 3)

 

Thảo nào khi mới chôn nhau,

Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra.  (CONK 55-56).

 

 

Nhưng, nếu Lời đầu Thần Thi đến với con người là Lời làm khổ, Lời tố giác thế giới huyễn hoặc của hiện sinh, Lời là làm đứt ruột (đoạn trường) con người, thì gắn liền với Lời cứu độ đó là Lời ban sự sống mới và cũng là Lời loan báo niềm hy vọng chung toàn của nhân tính thần thiêng.

 

Ngay giữa những tháp Babel, giữa những thế giới ảo tưởng mà từng giây mỗi người và toàn cộng đồng nhân loại cần cù đắp xây, ngay giữa xã hội mà những ý thức hệ vu vơ, những nền nhân bản quái dị đang mãi mê cổ võ, nói tóm ngay giữa hiện sinh quên lãng thân phận cao quí của con người, hiện sinh mà Lời Thơ ụp đến để mặc khải cho con người nhận ra đó là sa mạc không sự sống, là vô thường, là cát bụi phù vân, thì một Cơn Khát, một Thống Khổ, một Nỗi Nhớ vụt trào lên ban cho con người dấu chỉ của một sinh lực mới.

 

Là con của dân tộc Việt-Nam, Võ Thạnh Văn hẳn không thể quên trực giác  văn hóa của tổ tiên nơi Nỗi Nhớ của Âu Cơ đêm ngày hướng về  Long Quân, Nỗi Nhớ mang sinh lực và hy vọng cho mỗi người con và mỗi thời kỳ lịch sử [11]. Là Kitô hữu thâm tín, Võ Thạnh Văn, hẳn không thể không cảm nhận được âm vang của lời Kinh Thánh nầy:

 

Khi đó, biết rằng mọi sự từ nay đã hoàn thành, Chúa Giêsu nói, để mọi lời Kinh Thánh được thực hiện: "Ta Khát"   (Gioan 19, 28)

 

Như Kiều của Nguyễn Du đã xóa tội tiền khiên trên sông Tiền Đường, hiện sinh lầm lạc hy vọng vượt qua vô thường, cát bụi , phù vân để phục hoạt thân thế cao cả của con người trong Cơn Khát, Nỗi Nhớ, Nỗi Khổ căn nguyên theo nghĩa là thiếu vắng một Ai Khác và những ai khác. Từ Nguồn Khổ cứu độ nầy, con người hy vọng kết dệt được những tương giao mới, những tương giao đủ sức diệt Ngã cô đơn, tự mãn và đưa con người lên hàng thần thánh.

 

Cùng Nguồn cảm hứng của Người Xưa và trong linh cảm Kẻ Khác ấy là Cha yêu thương con người :

 

Trong kiếp làm người hôm nay, năm tháng đời con đúng là những nỗi rên xiết, nhưng, lạy Chúa, Chúa an ủi con, từ thuở đời đời Chúa là Cha con. [Thánh Augustinô,  Confessiones, XI-29(39)]

 

Nơi đâu có nguy cơ thì ở đó có ơn cứu độ    (Hoelderlin)

 

Thi Ca của Võ Thạnh Văn chuyển đạt sứ điệp cứu độ và hy vọng qua các vần thơ ý nhị :

 

[147]

chợt bừng - chợt tỉnh - chợt mê

chợt ngủ - chợt thức - chợt về - chợt đi

chợt nghe chân tánh thầm thì

trang kinh vô tự tiếng tỳ bà rơi

 

[250]

bụi từ thập giá phục sinh

về qua biển đỏ xây linh hiển đài

cát từ sa mạc phôi khai

vượt qua biển chết đầu thai kiếp người

 

[2340]

tiếng rên từ đáy vực ngần

thoảng nghe văng vẳng mấy tầng thu không

 

[2500]

thiên thu một nắm tro rời

vần - xoay - dịch - chuyển - đổi - dời - hoại - sinh

sắc - không - chân - giả - bóng - hình

cát: ân thiên hựu - bụi: tình khởi nguyên

 

Đến đây, chắc Võ Thạnh Văn cũng đồng ý với tôi rằng, đúng như Khổng Tử dạy, không có Thi Ca, chúng ta tìm đâu ra lời để bập bẹ nói về thân thế con người chúng ta !

 

Reichstett, Pháp, ngày 20 tháng 12 năm 2011



[1] Ngũ Kinh là những bản Hiến Chương của Nho học.  Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh là những bản văn nền tảng của Lão học…

[2]  Luận Ngữ ,XVI-13

[3] Xem ARISTOTE, Métaphysique A 10, 993 a 15: Tư tưởng của thời xưa, vì còn thô sơ và còn mới bắt đầu, dường như còn chập chững trong việc hiểu biết mọi vật.

[4] HERACLITE, Câu. 1. Logos (Lời Thi Ca) con người ta không bao giờ hiểu được, dẫu chưa từng nghe hay đã được nghe qua .       

[5] Bài thơ của Parménide , I, 1-10.

[6] Xem Sách Sáng Thế

[7] Xem HÉRACLITE, câu 34

[7] SOPHOCLE, Oedipe-Vua, câu  400- 410 ; Người mù Tirésias nói  với Prométhée : Bởi vì ông sỉ nhục tôi là kẻ mù, tôi sẽ nói cho ông hay việc này: Ông có hai mắt, nhưng ông không thấy ông đã rơi vào hố thẳm, ông không biết ông đang ở đâu và ăn nằm với ai. Ông có hay ai sinh ra ông không? Ông không hay chính ông là thù địch của người thân của ông, kẻ sống cũng như ngưới đã khuất

[8] Xem HÉRACLITE, câu 34 : Họ nghe mà không hiểu gì, không khác những người điếc. Cách ngôn áp dụng đúng trường  hợp của họ: Họ hiện diện, nhưng kỳ thực đang vắng mặt 

[9]  Trang Tử Nam Hoa Kinh , cuốn XXIV.

[10] F. NIETZSCHE – Le gai savoir - l'Insensé  125

[11] Xem Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh.

 

Nguyễn Đăng Trúc
Số lần đọc: 2281
Ngày đăng: 24.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chạm Bóng – Chạm Vào Cõi Nhân Sinh - Trần Hoài Anh
Ngoảnh Lại 15 Năm... - Hoàng Hưng
Để Có Thể Ăn Xà Bông ! - Nguyễn Đông Nhật
Lý Luận - Phê Bình Trong Ngòi Bút Trần Hoài Anh - Lê Tú Anh
Lời Tiên Tri Của Giọt Sương – bản hợp xướng với những tấu âm lạ... - Nguyễn Hữu Tình
Phiên Bản Của Một Nỗi Buồn - Lê Huỳnh Lâm
Giấc Mơ Trên Bọt Sóng - Nguyễn Đông Nhật
Bùi Huy Phác - Cát Bụi Thân Một Hạt - Nguyễn Khôi
Cảnh Giang, Tình Thơ Trầm Tích - Ngô Minh
Mô tả Đậm đặc trong truyện ngắn của Lưu Thủy Hương - Lê Hải*
Cùng một tác giả
Nhớ Nguồn 1 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 2 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 3 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 4 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 5 (tiểu luận)