Cái tin Tân bí thư đoàn xí nghiệp gạch ngói Tuy Bình tự tử lan rất nhanh khắp huyện, Ai cũng xuýt xoa, thương tiếc, con đường chính trị trước mắt thênh thang, vậy mà không biết sao lại đi tự tử?
Số là sau buổi nghỉ trưa, chị Lai vào văn phòng đoàn dọn dẹp, thấy anh Tân ngồi gục trên bàn, bàn tay trái máu chảy loang khắp bàn, trên bàn có lưỡi dao lam dính đầy máu, chị la lớn, mọi người chạy vào đưa đi bệnh viện.
Lan hốt hoảng đạp xe vào phòng cấp cứu, thấy Tân nằm xuôi, đang truyền dịch, bàn tay trái băng kín, mặt trắng bệt, người mềm nhũn, mê man, cô cầm bàn tay trái, mân mê, sao lại tự tử, sao mê muội vậy. Không lẽ nào!
Mới tháng trước, Tân chở Lan đi Phước Thành, đến nhà bà thầy bói xem chỉ tay, mà theo các cô, các chị ở cơ quan nói là hay lắm. Ngồi sau chiếc xe đạp, con đường đi vào xóm vừa dồng vừa quanh co, Lan ê cả người, nhưng Tân rất hào hứng, vừa đạp vừa nói nhiều chuyện về cơ quan, về tương lai hai đứa. Tân gọi thủ trưởng bằng bác ruột, nghe nói khi Tân vừa thôi nôi, thì bác Nhất đi tập kết, nhà có hai con trai, nên ba Tân ở lại nuôi cha, mẹ và hai cô em. Những ngày tháng đầu sau hòa bình, khổ sở do gia đình có người đi tập kết, rồi cũng qua đi, bám ruộng với hơn một mẫu đất nuôi nhiều người, cả nhà làm quần quật, năm sau má của Tân sinh đứa em, khi vừa đầy tháng, thì má Tân mất, cô Út thay chị dâu nuôi cháu, nhưng con gái làm sao nuôi được con nhỏ, khoảng sáu tháng sau thì em Tân mất, những đau thương dồn dập, làm tinh thần ba Tân sa sút, là trụ cột gia đình, cha, mẹ già yếu, đứa em kề lấy chồng xa, đứa em út còn nhỏ, nhà thiếu người, buồn, công việc bề bộn nên Ba Tân đi thêm bước nữa. Ba Tân cưới bà ở xóm trên, chồng chết có đứa con trai cùng tuổi với em Tân, thua Tân 2 tuổi. Những năm tháng đầu sống thật là vui vẻ. Khi mùa, cả nhà tham gia làm ruộng, cấy, gặt. Xong mùa, ba Tân đi lên vùng trên làm thuê, mẹ kế ở nhà chăm ruộng, vườn, ông, bà và các con, năm sau mẹ đẻ em bé, đứa em gái càng lớn, càng xinh và bụ bẩm, cả nhà đều thương yêu. Năm 1965 cuộc chiến lan rộng khắp các vùng quê, Mỹ đưa quân vào Bình Định, cùng với xóm làng, gia đình ba Tân cũng vào ở Phú Tài, theo như ông, bà Tân nói là tránh đạn. Tân nghỉ học, lúc đầu ba, má Tân làm đủ việc, sau, dần xin vào làm ở sở Mỹ, khoảng nửa năm, thì giữa hai người thường cãi vã, cuối cùng ba Tân không cho má đi làm nữa, ở nhà ra chợ Phú Tài buôn bán đồ Mỹ. Thời gian này Tân tham gia vào đội quân bán hàng rong quanh căn cứ lính Mỹ, đưa mối các lính Mỹ ăn cắp hàng trong kho ra bán, nhà cửa sửa sang lại khang trang hơn. Nó thấy má nó cũng có khi trang điểm như các cô trong mấy quán bar. Nó làm quần quật, nhưng vẫn bị má chửi la luôn, trong khi thằng em con riêng thì hết đi chơi với nhóm bạn ăn cắp đồ Mỹ, còn hút thuốc, đánh bài, uống rượu, mới có 15 tuổi, không rõ thằng này còn biết gì nữa không. Có lần nó dẫn một cô gái mắt xanh mỏ đỏ về nhà, hôm đó là mồng 2 tết, làm ông, bà nội hết hồn, có khi còn ỷ vào má nó mà bắt nạt Tân nữa, thật cơ cực. Tân cam chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng mà săn sóc ông, bà nội, ba Tân có biết, nhưng rồi cũng bỏ qua. Khi Tân lớn đúng tuổi đi lính, thì ba Tân phải tốn một món tiền khá lớn, làm lại giấy tờ để Tân trốn lính,.
Năm 1976 bác Tân tập kết về, sau đó làm giám đốc xí nghiệp gạch ngói Tuy Bình, nhận Tân vào làm nhân viên, cho đi học bổ túc, được cái vốn thông minh, chịu khó, nhất là chịu nhịn và nghe lời, nên Tân lấy được cảm tình hầu hết cán bộ và nhân viên của xí nghiệp, là cán bộ lãnh đạo tương lai của xí nghiệp, có lần bác Nhất giám đốc còn nói nửa đùa nửa thật, là tương lai thằng này có khả năng lên sở mà làm lãnh đạo nữa đó.
Vừa tốt nghiệp trung cấp kế toán, Lan xin vào làm kế toán xí nghiệp, gặp anh bí thư đoàn hiền, chịu khó, nên có cảm tình và quen nhau, lại nữa Tân là cháu đích tôn của dòng họ nhà giám đốc mà!
Lan nghe nói giám đốc không biết chữ, chữ ký của giám đốc là một chấm rồi kéo ngang, có người nói là chữ nhất của Tàu, và có người còn độc địa rằng chắc trước đây ba, má giám đốc nghĩ xa nên đặt tên là Nhất, nếu tên khác không rõ ông ký thế nào, nhưng làm việc với ông, Lan thấy bác giám đốc thông minh, lanh và rất được lòng cấp trên, nhiều lúc Lan có cảm tưởng xí nghiệp này là của bác Nhất! muốn duyệt bán cho ai, bán bao nhiêu là tùy theo mối quen biết, mà sao bác Nhất có nhiều bà con và nhiều người quen dữ vậy!, sau cuộc chiến, nhu cầu xây dựng tăng nhiều, cần gạch, ngói, hòa bình rồi, có ai mà cất nhà tranh vách đất đâu, có gì cũng tường xây, mái ngói, còn tô thì để đấy cái đã. Trước, bác có vợ và có một cô con gái, ra bắc, nghe nói bác làm tổ trưởng sản xuất hợp tác xã gạch ngói ở tỉnh nào đó, cưới cô xã viên có được hai cô con gái.
Năm 1976 bác về, biết vợ, sau bao nhiêu ngày tháng bị cán bộ ấp, xã o ép, đã ưng tay công an xã. Năm 1975 theo chồng vào ở đâu Sài Gòn, cô con gái lúc đầu ở với ông, bà nội và chú, sau chú lấy vợ kế, thì khó ở nữa, nên về ở phía ngoại, sau ưng anh tổ trưởng sản xuất trong xí nghiệp, vợ chồng bác được ba, má Tân mời về giao lại nhà từ đường, nhưng bác gái từ chối, nói lâu nay chú đã giữ nó và hương khói ông bà, tổ tiên với nữa chú đã phụng dưỡng cha, mẹ, nên chú cứ tiếp tục ở, vợ chồng bác ở tập thể, sau xin được ngôi nhà vắng chủ ở kề xí nghiệp, mặt đường nhựa, đón ông, bà nội về ở, nhưng ông bà nội nói ở với ba, má Tân quen rồi, nghe nói ông bà ngại ở với dâu bắc. Thành thử bác Nhất vun xén nhiều cho Tân.
Dừng trước ngõ rào dúi, Tân dắt xe vào ngõ, dựa vào hàng rào, dẫn Lan đi chậm vào nhà, vừa đi vừa lên tiếng hỏi,
- Có ai ở nhà không? Con chó đen trong nhà xổ ra sủa inh ỏi, có tiếng đàn bà la,
- Mực im.
Con chó dừng lại nhưng vẫn sủa, nhỏ hơn, có dáng người đi ra, con chó vừa vẫy đuôi, vừa gầm gừ, đi theo, đó là người đàn bà, trạc năm mươi, thấp, đậm, cất giọng lơ lớ, mời vào nhà,
- Hai cháu cần gì?
Tân để lên bàn bì bột ngọt, và 15 đồng, trước khi đi Tân đã hỏi rất kỹ mấy cô, mấy chị ở cơ quan cũng thường lên đây nhờ xem, nói mỗi lần xem 5 đồng, và nói bà này nói hay lắm, hình như có ngải, hay học phù phép gì ở Campuchia!
- Cháu xin biếu cô lạng bột ngọt, nhờ cô, coi dùm tài lộc của cháu và bạn cháu
Người đàn bà liếc nhìn bì bột ngọt và 15 đồng, nhìn Tân và Lan rồi mỉm cười, Lan nhìn cặp mắt bà thầy bói, sáng và có vẻ ma quái, nghe nói trước đây bà trôi dạt sang Campuchia, lấy chồng trên đó, sau chồng chết, không con, năm 1975 bà về quê.
- Coi hạp tuổi không chớ gì? Nhìn hai đứa là tao biết hạp lắm rồi.
Tân lễ phép, thưa
- Cháu vừa được đề cử đi học cảm tình đảng, cháu muốn cô xem tài lộc của tụi cháu đó mà,
Người đàn bà đi lên nhà trên, một lúc Lan ngửi có mùi nhang, khi xuống, bà ngồi đối mặt với Tân, bảo đưa bàn tay ra, theo thói quen, Tân đưa bàn tay phải.
- Không phải, nam tả, nữ hữu, cậu phải đưa bàn tay trái ra. Bà nắm lấy, uốn cong, làm rõ các chỉ tay, nhìn một lúc.
- Tốt, tốt. Cô cậu nhìn này, đây là đường trí đạo, có phần đuôi gập thành hình vòng cung hướng xuống dưới cho biết người này rất nhạy cảm, có óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú, cậu này có máu văn nghệ lắm đấy, nhưng hơi lãng mạng, cô mầy coi chừng. Đường định mệnh cũng rất tốt, con đường sự nghiệp càng về sau càng đi lên, không chừng làm thủ trưởng nay mai đấy, Lan liếc nhìn thấy mặt, nhất là hai tai của Tân đỏ au. Tiếc, đường sinh đạo ngắn, vàng son chưa đến nơi, nếu đường sinh đạo chạy dài xuống khe dưới này, bà ấn ngón tay kẻ theo rãnh xuống cùi tay, thì ngon nhiều, vinh quang đến, sống lâu hưởng dài, Lan nghe Tân thở dài, mặt chuyển sang hơi tái,
Đến Lan, bà cầm bàn tay phải, coi.
- Cô mầy tốt phước, đảm đang, xem này, lại có nốt ruồi son trên gò mộc tinh, số này giúp chồng rất đắc lực trên đường công danh, sự nghiệp.
Trước khi về, Tân hỏi bà thầy bói, có cách nào làm đường sinh mệnh dài ra không? Bà nói cũng có đấy, như làm việc tốt, thường xuyên chăm chút nó. Cả hai đi về, mỗi người có những ngổn ngang vui buồn. Con quạ đậu trên cây gạo góc vườn vô ý kêu quạ, quạ rồi vụt bay nghiêng ra phía gò. Lan bỗng rùng mình.
Thế mà bây giờ, ngồi đối diện với bác Nhất, trong phòng giám đốc, Lan ấm ức trình bày suy đoán của mình về hành động dùng dao lam rạch lòng bàn tay, chắc để kéo dài đường sinh đạo của Tân. Nhìn bộ dạng thảm não, mặt dài ra của giám đốc, Lan nghe ông lẩm nhẩm:
- Thật là tham vọng và hoang tưởng là tội ác!./.