1.
Khi tôi ngồi trước máy vi tính lốc cốc gõ những dòng này thì thật sự đã là hơi trễ so với cái không khí của mùa Tết bây giờ. Gọi là “mùa Tết” bởi vì nó không đơn thuần chỉ là ba ngày đầu tiên của năm mới, mà cái không khí đó đã bắt đầu từ những ngày giữa tháng Chạp khi cái bấc se se lạnh vừa tràn về và kéo dài cho đến những ngày sau Tết. Mùa Tết là mùa có nhiều chuyện vui buồn nhất trong năm, có lẽ bao bộn bề của chuyện cơm áo gạo tiền cũng chỉ đợi đến lúc này mới tấn công vào cuộc sống con người. Người nghèo thì không biết với số tiền ít ỏi dành dụm được, mình sẽ sắm gì cho Tết, nào áo quần cho con cái, nào bánh mức, rồi nhang đèn cho có vẻ ấm cúng đầu năm… Người giàu thì ngồi suy ngẫm xem năm nay mình làm ăn thế nào, ai giựt nợ mình, ai thiếu tiền chưa trả… Hầu như chuyện gì trong năm chúng ta chưa thực hiện hoàn tất thì đều xuất hiện trong lúc này và bắt buộc ta phải giải quyết như là đang đánh đố sức người. Chuẩn bị cho Tết thì nhà ai nấy lo, việc ai nấy làm chứ ít ai quan tâm đến chuyện của mọi người xung quanh trong những ngày này.
Cứ năm nào cũng vậy, vào những ngày cuối năm, mẹ chở tôi đi chợ Tết, chủ yếu là để mẹ chọn một cặp cúc đem về chưng trước của nhà trong mấy ngày xuân. “Chợ Tết” là hai từ không xa lạ gì mấy với mọi người, ở chợ Tết đặc biệt bán những thứ thường ngày ít có, hoặc không có hẳn. Liếc sơ qua chúng ta có thể thấy dừa tròn, dưa hấu cũng tròn, dưa Hoàng kim… là những thứ ít bày bán hàng ngày, rồi sung là thứ mà mỗi năm chỉ có bán vào dịp này thôi.
2.
Nói đến cái đặc biệt của chợ Tết thì không thể quên “đá” qua hoa Tết. Chợ hoa Tết với nhiều khu hàng, cách sắp xếp, cách bán phong phú, đa dạng: cúc, vạn thọ được trồng bán trong chậu theo từng cặp dể chưng trước nhà, các cây kiểng bonsai, cây phát tài thì bán chậu lẻ, các loại hoa thì bán theo nhánh… Ồn ào - đông vui - thanh khiết có thể nói là ba từ cô đọng được tất cả đặc điểm của chợ hoa ngày Tết. Ở đó, người bán kẻ mua tấp nập, lời bình phẩm về hoa kiểng rôm rả, tiếng mặc cả, ngã giá theo kiểu “có kè bớt một thêm hai” cũng sôi nổi nhưng vẫn không làm mất đi cái thanh tao và tinh khiết vốn có của các loài hoa kiểng.
Chợ hoa Tết bắt đầu xuất hiện giữa tháng 12 âm lịch. Khi cái lạnh dồi dào của những ngày bấc đã cắt xé nỗi lòng, những người bạn hàng chở hoa trên một ghe nhỏ chạy dọc theo sông rồi tìm một cái chợ nào đó để đem lên bán. Những khu chợ đó có thể là chợ quen đã từng bán nhiều năm, cũng có thể là chợ lạ lần đầu mới đến bán, nhưng chủ yếu là các chợ nằm gần sông để tiện việc vận chuyển hoa từ dưới ghe lên bờ. Hoa kiểng nhanh chóng được trưng bày ngay trước chợ và để đó trong suốt những ngày Tết.
Ở chợ hoa có một điều hơi đặc biệt nhưng lại ít ai chú ý, đó là: người bán hoa. Hoa bán trong mùa Tết là thành quả của quá trình chăm sóc vất vả của các nghệ nhân hoa kiểng. Người bán hoa có thể là chính những nghệ nhân đó, cũng có thể họ chỉ là những bạn hàng bỏ mối hoa kiểng từ những người nghệ nhân. Nhưng dù là ai, họ cũng rất tâm huyết với hoa kiểng và với nghề “trôi nổi” của mình.
3.
Đêm 30 Tết, gần đến thời khắc Giao thừa, những người mua hoa cuối cùng của năm cũng trở về nhà chuẩn bị đón Giao thừa. Những người bạn hàng hoa kiểng cũng tranh thủ mua ít bánh mức, pha trà rồi dọn ra trước khu hàng hoa của mình để đón những giờ phút đầu tiên của năm mới. Giao thừa, bao gia đình sum vầy quây quần bên nhau, ông bà nhận lời chúc Tết từ con cháu, những bao lì xì đầu tiên được đón lấy bằng một nụ cười đầy hạnh phúc. Trong khi mọi gia đình cùng nhau bên nồi bánh tét, bên tách trà nghi ngút thì ít ai biết rằng trong giờ phút thiêng liêng ấy, những người bán hoa Tết cũng vui vẻ với mâm bánh nhỏ của mình, niềm hạnh phúc đơn sơ, bình dị của ngày đầu năm được chuyền cho nhau cũng bằng những chiếc bánh, tách trà. Những người bạn hàng bán cạnh nhau mời nhau qua khu hàng của mình để cùng chia sớt những niềm vui đầu năm, con cái của họ cũng được nhận những bao lì xì từ cô bán cúc hay chú bán mai bên cạnh, số tiến ít thôi, nhưng nó ấm áp biết bao tình. Có lẽ, lúc này đây, những người bán hoa kiểng thấy hơi chạnh lòng, muốn bỏ đi tất cả lo toan để tìm về ngôi nhà nhỏ của mình, vui cùng gia đình trong những ngày đầu năm. Chợt tôi nhớ đến hai câu của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài:
“Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông.”
Nhưng ngồi bên những chậu hoa kiểng, nhìn những ngôi nhà sáng rực đèn và nghi ngút khói hương tự nhiên họ lại thấy mình như hòa vào niềm vui của những người xa lạ, không thân thích, vẫn thấy cái Tết nó nồng, nó ấm biết bao.
Mùng một Tết, rồi mùng hai, mùng ba, hoa mai vẫn nở và những bạn hàng vẫn tiếp tục bán hoa, những tiếng cười nói ồn ào vẫn tiếp diễn, vẫn nghe những câu ngã giá, mặc cả. Nhiều người vẫn còn đến mua hoa, nhưng ít ai nghĩ rằng đêm Giao thừa đã có những người hưởng niềm vui bình dị nơi đất khách. Một chậu kiểng được chuyển lên xe - một nụ cười đáp lại, cũng là một niềm vui nhỏ được nhân đôi. Những người bán hoa vẫn ngồi đó dõi mắt theo những chậu hoa kiểng của mình và những hoạt động ngày Tết của mọi người, họ thầm chúc cho mọi người một cái Tết an lành.
4.
Chợ Tết, hoa Tết và những nỗi niềm ngày Tết có lẽ là nỗi ám ảnh hàng năm và tốn không biết bao nhiêu giấy mực của mấy ông nhà văn, nhà thơ. Còn riêng người viết bài này thì lòng nhiều niềm trắc ẩn khi được nghe, được biết và được nhìn thấy tận mắt những ngày Tết của bạn hàng hoa kiểng. Xin được làm cái công việc ghi chép lại những niềm vui đơn sơ, bình dị ấy và xin được sẻ chia với họ một chút may mắn trong những ngày đầu năm này.
Hôm nay tôi lại ra chợ hoa, không để mua hoa, mà chỉ nhìn những người bán hoa rồi mỉm cười một cái rất nhẹ, hi vọng rằng Tết năm sau sẽ không còn những người phải trôi nổi giữa chợ đời.
Chắc những người bán hoa sẽ không nhìn thấy tôi đang mỉm cười…