Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.118
123.229.064
 
Nhà Thơ Yến Lan, Sáng Ngời Một Nhân Cách…
Trần Minh Nguyệt

Nhà thơ Yến Lan ( có biệt danh: Lân) là một trong “ Tứ Linh “ ( Long, Lân, Quy, Phụng ) của Bàn Thành Tứ Hữu ( theo thứ tự: Hàn Măc Tử ( Long), Yên Lan ( Lân ), Quách Tấn ( Quy), Chế Lan Viên ( Phụng) ) mà tôi ngưỡng mộ nhất khi được dịp đọc nhiều thơ Ông – nhất là,  khi được biết rõ nhân cách của Ông ( qua các bài viết của quý nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học: Giang Nam, Nguyễn Hữu Thỉnh, Phạm Hổ, Khổng Đức, Tế Hanh, Hoàng Cầm, Thúy Toàn, Minh Châu,Trúc Thông, Nguyễn Thụy Kha, Hoài Anh…và qua tác phẩm “ Nhớ Mãi Về Anh “ của bà Nguyễn Thị Lan ( nhà XB Văn học -2001 ), cùng tập hồi ký của Lâm Bích Thủy được đăng nhiều kỳ trên trang vnweblogs của nhà văn Mang Viên Long - 2008) - Người với thơ là một. Người xưa đã từng nhận đinh  “ Văn ( thơ ) là người “ – ở nhà thơ Yến Lan đời sống và thơ Ông là một thể thống nhất, keo sơn – cho dù phải trải qua bao nổi truân chuyên, thăng trầm: Ông đã trải lòng với thơ, sống chung thủy chân tình với thơ hơn hai phần ba thế kỷ! Thơ Yến Lan khẻ khàng, sâu lắng, đôn hậu như con Người Ông vậy!

 

Từ những bài thơ đầu tiên trong tuổi thanh xuân, cho đến những bài thơ cuối đời đọc cho người bạn đời ghi lại trên giường bệnh – Nhà thơ Yến Lan vẫn một giọng thơ, một dòng thơ dào dạt yêu thương đời, yêu thương người với tấm chân tình hồn hậu, rộng mở.

 

Nhà thơ mồ côi Mẹ rất sớm – nhà nghèo, Ông viết trong bài “ Dáng Mẹ “ như một khắt chạm, phác thảo tài hoa  :

 

“ Tưởng tượng không ra hình dáng Mẹ

Đêm dài con thức vẽ chân dung

Thôi đành mượn nét xưa cha kể

Trên mũi kim cong một sống lưng “

 

Sự nhớ thương ấy gắn liền với hình ảnh khó quên của đời Ông:

 

“ Quê ngoại bên kia bãi cát vàng

Mẹ tôi về, lỡ chuyến đò ngang

Cơn đau, trở dạ - không giường chiếu

Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng “

(Bệnh Trăng – 1938)

 

Còn lại với người chị - như người mẹ nhỏ, Nhà thơ đã cảm nhận được nỗi cô độc và đã nuối tiếc

 

“ Khi Chị Đi Lấy Chồng “:

“ Khế chua chị nấu lá mồng tơi

Em ước cùng ăn đến trọn đời

Tang mẹ mãn rồi, bà mối giục

Chị đi bát đũa cũng mồ côi”

 

Với tình yêu đầu đời – cũng là mối tình thủy chung cho đến ngày cuối – nhà thơ đã thố lộ trong “ Tặng Hoa ‘ (1938) rất chơn chất, đằm thắm và chí tình:

 

“ Tuổi trẻ băng đồng đi hái hoa

Tặng em ngấp nghé chực quanh nhà

Người không ra đón, hoa dần héo

Héo cả làn mây đỉnh núi xa

 

Không trách ai đâu, chỉ trách mình

Dáng nghèo, lam lũ áo thư sinh

Bó hoa đơn giản, hương đồng nội

Lầu gác, ai đâu dễ động tình

 

Trở lại cành trơ, tự hổ ngươi

Giá hoa còn đấy, hẳn đang tươi

Vụng về đến nổi vô duyên vậy

Bởi hiều hoa thôi, chẳng hiểu người… “

 

Tình Yêu trong thơ Yến Lan có một nét rất riêng: lãng mạng nhưng kín đáo. dào dạt mà từ tốn, chân thật không lắm lời: Chúng ta hãy đọc vài đoạn tứ tuyệt:

 

“  Từ cửa nhà em đến nhà anh

Phải vòng qua một quảng đường quanh

Nhưng vườn sau lại liền không đất

Chỉ cách nhau ra một bức thành”

 

Hay;

“ Cây trái hai nhà vườn giao nhánh nhau

Phía anh lê, lựu; phía em đào

Đến ngày trái chín bên này hái

Đưa biếu bên kia lứa quả đầu “

 

Và :

“ Giận cái ngây thơ tự buổi đầu

Thấy rằng tường dậu chẳng ngăn nhau

Ai hay rẻ thúy chia duyên ấy

Còn bức tường cao giữa khổ, giàu! “

Rất nhiều bài tứ tuyệt được Yến Lan viết về sau này dành cho Người Yêu, Tình Yêu – nhưng dù có hào hoa lãng mạn, vẫn một giọng thơ chân thật, sâu kín – rất tinh tế:

 

“ Em đến xin hồng, hồng chửa nụ

Hôm nay hồng nở, bóng em xa

Cầm chân bữa trước em không ở

Giờ biết làm sao cầm được hoa? “

( Cầm Chân Em, Cầm Chân Hoa)

 

Với người bạn đời – là người yêu đầu tiên, Nhà thơ đã dành trọn hồn thơ chung thủy gắn bó đến cuối dời – bằng lời tâm tình rất đầm thắm trong bài “ Khắng Khít “ ( viết năm 1965) để tặng bà như một món quà ngày sinh nhật:

 

““Em có cháu gọi “bà”
Gọi “em” anh vẫn gọi
Năm mươi tuổi, ai già
Chúng mình sao trẻ vậy.
Anh đọc truyện em nghe
Em muốn em là “Tấm”
Lòng Hoàng tử anh mê
Từ buổi – đầu em lấm.
Em gọt khế cuối mùa
Anh cắn từng lát nhỏ
Ôi, quả thường vị chua
Mà mọng nhiều thương nhớ.
…Bao bận anh lên đường,
Ngày về thường sai hẹn
Giữa lúc em dỗi hờn
Thư anh liền kịp đến…”

 

Nhà thơ Yến Lan có 06 người con : Ba trai và ba gái – trong 21 năm đất nước bị chia cắt, chiến tranh, với đồng lương rất hạn chế của hai vợ chồng ( Ông công tác tại nhà XB Văn Học, Bà công tác ở cửa hàng Thuốc Bắc khu phố ) – đời sống thiếu thốn, nhưng Ông đã dành trọn cho các con mọi tiện nghi – thậm chí, tự sáng chế ra các món đồ cần thiết cho gia đình mà không tốn tiền ( như bàn ủi, bếp nấu, vật dụng thường ngày. Mời đọc thêm “ Yến Lan, Nhớ Mãi Về Anh’ của bà Nguyễn Thị Lan và Hồi ký “ Về Người Cha là Thi Sĩ “ của Lâm Bích Thủy). Ông đã viết nhiều bài thơ về các con, dành tặng cho các con thân yêu – đó là món quà của người thi sĩ nghèo, kém may mắn.

 

Ông có hai người con đi bộ đội – mỗi lần nhận được thư con từ chiến trường gởi về - Nhà thơ đã tâm sự:

 

Ngày tháng không đề, địa chỉ không

Nửa trang chỉ đọc được đôi dòng

Biết con chữ viết trong mưa núi

Mà ấm lòng cha suốt tiết đông”

 

Lâm Bích Thủy, Tú Thủy đều dồn về học ở trường học sinh Miền nam số 13 ở Thái Bình – một lần tìm đến thăm các con, Ông đã viết bài “ Bẻ Liễu “ ( 1956 ) đẻ tặng cho cô con gái nhỏ Tú Thủy – bởi đó là món quà duy nhất:

 

“ Đi qua đường Tân Đệ Thái Bình

Cha bẻ cho con cành dương liễu xanh

Hởi con gái lớn theo lòng Hà Nội

Vườn phố con đi chen đầy cây cối

Có lạ gì một nhánh liễu rung rinh

Bẻ cho con nhành liễu xanh biếc

Trên quảng đường xưa lên bờ tập kết

Cha dẫn con về một lớp học Miền Nam

Tạm ở Thái Bình giữa xóm mái tranh lam(..)”

 

Nhà thơ Yến Lan được nhiều ban thơ văn quý mến vì tấm lòng chơn chất, trong sáng, sẻ chia. Ông đã từng đùm bọc Quang Dũng như một người em, chia sẻ cùng Văn Cao, hết lòng với Hoàng Cầm, Quách Tạo, Nguyễn Đình, Trinh Đường, Nguyễn Thành Long(..). Tâm tình này được Ông ghi lại trong bài tứ tuyệt rất da diết:

 

“ Sang canh, bìm bịp kêu ngoài lán

Đất mới, nhà đơn – lạ láng giềng

Nhớ bạn nửa đêm ra tựa liếp

Khuyết cong mây bạc ngấn trăng in “

 

Một đoạn trong tập hồi ký “ Yến lan, Nhớ Mãi Về Anh “ bà Nguyễn Thị Lan đã ghi lại: “ (..) Cuối năm 1957 anh Lan nhận được 80 đồng tiền nhuận bút tập “ Những Ngọn Đèn “, anh Lan đã san sẻ cho anh Dũng một nửa để mua gạo. Hai người như có một nổi niềm, một tâm sự nào đó giống nhau, anh Lan thì thương cái hiền lành của anh Dũng, còn anh Dũng cảm thông sự không may của anh Lan. Tặng Quang Dũng, anh Lan viết:

 

“ Tàu điện xa dần phía chợ Mơ

Phòng văn được phút lặng không ngờ

Họa mi ai nhốt sau lồng trúc

Vọng tiếng rừng sang góp với thơ”

( Họa Mi Trong Lồng – th10/ 1973)

 

Quang Dũng đã vẽ tặng Yến Lan bức tranh “ Đường Làng “ – về bức tranh, Yến Lan đã đề thơ:

 

“ Treo lâu sơn thủy cành thu suông

Bụi bặm thời gian đã phủ dồn

Để đó vào ra không kẻ ngắm

Cất đi còn ngại mặt tường trơn! “

 

Nhà thơ Yến Lan viết rất nhiều thơ cho tình bằng hữu, tình đồng hương – mỗi bài, một tâm sự nỗi niềm. Tôi thích nhất bài thơ “ Uống Rượu Với Bạn Đồng Hương” vì tiêu biểu được cho nhân cách, cho cái tình, và cho cả phong thái an nhiên của nhà thơ trước mọi thăng trầm của cuộc đời Ông bất hạnh:

 

“ Thường ngày ít hay rượu

Giờ cầm chén với anh

Khuấy men nồng chuyện cũ

Cho mình gặp lại mình

 

Nào rót nữa, uống đi

Nguồn say còn lai láng

Chén nhớ hãy rót đầy

Chén mừng đừng để cạn…

 

…Giá có giọng hát tươi

Ta cất rung trời đất

Được giải hết niềm vui

Lời say thường vốn thật

 

Kìa mặt trăng đêm nay

Tựa yên thành cửa sổ

Hẳn vì thấy ta say

Kê gối vào giấc ngủ “

 

Và bài tứ tuyệt “ Tiếng Chuông Xóm Núi “ : Một sự hòa quyện nhớ thương Quê Nhà da diết giữa Đạo và Đời :

 

Ghé thăm chùa cổ, gặp Sư già

Nhận khách đồng hương, kể chuyện nhà

Xóm núi chiều nay kinh kệ vằng

Lòng Sư còn bận nhớ quê xa ! “.

 

Nhà thơ Yến Lan đã viết những bài thơ về Quê Hương ông được tất cả ngưỡng mộ từ những năm đầu thế kỷ 20. Bài “ Bến My Lăng “ và  2 bài thơ “ Bình Đinh 1935 “ - “ Bình Định 1945 “ là những bài thơ bất hủ trong sự nghiệp thơ ca đồ sộ của Ông (  10 tác phẩm đã được xuất bàn, trong đó có 2 kịch thơ, một truyện thơ - và nhiều truyện ngắn và thơ còn trong di cảo chưa có hoàn cảnh thuận tiện để giới thiệu ) – đã  chứng tỏ rất hùng hồn – suốt cuộc đời Ông đã hiến dâng cho Thơ, cho Quê Nhà,  cho Tình Người ,và cho Cuộc Sống đến hơi thở cuối vào ngày 5 tháng10 năm 1998 trên quê hương Bình Định của Ông.

 

Nhân cách ngời sáng của Ông đã có nhiều dịp chứng tỏ - ngay trong đời sống khốn khó, ngay trong những thử thách gian nguy – mà câu chuyện Ông đã một mình đi sau đám tang của nhà văn Phan Khôi ( chủ nhóm NVGP ) ở Hà Nội ngày nào để dua tiễn một người Bạn Văn đang bị lên ân, và xa lánh!

 

Ghi lại những dòng cảm nhận hôm nay về Nhà Thơ Yến Lan với tôi là một việc làm quá to lớn – nhưng tôi chỉ mong tỏ chút tình của người cháu nhỏ đồng hương đã hết lòng tri ân và ngưỡng mộ Ông – nhà thơ Yến Lan kính yêu của mọi thời đại, với một nhân cách sáng ngời…

Trần Minh Nguyệt
Số lần đọc: 2016
Ngày đăng: 12.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tha thứ hay không tha thứ - Vũ Ngọc Anh
Lặng Lẽ Với Mùa Xuân… - Mang Viên Long
Nguyễn Hiến Lê: Dạy Và Tự Học (*) - Vương Trung Hiếu
Al-Assad sẽ phải chết giữa những đống phân lạc đà! - Khuất Đẩu
Chợ hoa và Tết bình dị - Vĩnh Thông
Cuộc chuyện trò của những cây chùm gửi - Vũ Ngọc Anh
Nghe bấc thổi nhớ ngày xưa… - Phan Chính
Văn Hoá Đọc, - Nguyễn Lệ Uyên
Cuộc thẩm vấn đầu tiên - Vũ Ngọc Anh
Vui, Đau, Nhức Đầu Năm 2011 - Hoàng Hưng
Cùng một tác giả
Chuyện của bà năm (truyện ngắn)
Mùa xuân năm ấy (truyện ngắn)
Một giọt máu rơi (truyện ngắn)
Giọt máu (truyện ngắn)
Một Câu Chuyện Tình (truyện ngắn)
Chuyện Làng Tôi … (truyện ngắn)
Tiếng Gọi ThẦm (truyện ngắn)
Món Ăn Cuối Cùng (truyện ngắn)
Một Lần Li Hôn (truyện ngắn)
Cảm Giác (truyện ngắn)
Bác Sĩ Mụt Ruồi (truyện ngắn)
Bên Dòng Sông Quê (truyện ngắn)