Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.231.446
 
Sống Với Kỷ Niệm
Phạm Văn Nhàn

Con hẻm vào nhà chị, hôm nay, tôi thấy như chật lại. Ngày xưa một chiếc xe lam chở khách có thể chạy vào bên trong con hẻm này dễ dàng, còn quay đầu xe lại được, Bây giờ loại xe lam này không còn nữa. Nhưng con hẻm vẫn là con hẻm dẫn vào nhà chị mà tôi nhớ như in. Nhà chị ở cuối con hẻm gần ngay mé sông. Dòng sông không rộng, nhưng vào mùa mưa, nước nguồn đổ xuống, chảy xiết.  Cho nên, nhà chị mát quanh năm, và trong sự ồn ào náo nhiệt của những dãy phố bên ngoài, nhà chị có vẽ như trầm lắng.

 

Ngày xưa, tôi muốn nói đến ngày xưa, đã gần bốn mươi năm rồi không phải ngày xưa là gì, những ngôi nhà trong con hẻm này chẳng nhà nào buôn bán cả. Nhà chỉ ở, hầu hết là những ngôi nhà của những công chức hay lính tráng, có mức lương tối thiểu. Cuộc sống có vẽ khép kín, an phận. Nhưng hôm nay, nhà hai bên con hẻm ồn ào, náo nhiệt chẳng khác nào ngoài đường phố. Nhà nào cũng có một cửa hàng, dù nhỏ, bán đủ loại hàng hóa, từ sợi chỉ cây kim, đến những bó rau bó cải. Cũng như những chiếc nón bảo hộ nhiều kiểu dáng rẽ tiền đủ màu sắc.  Cho đến những con gấu nhồi bông, những chiếc vòng bằng mã não, đến những quán ăn, quán nhậu. Thành phố hôm nay khác với ngày xưa nhiều quá, ngay cả trên con hẻm này cũng đã đổi thay. Một đoạn kè sông giải tỏa những ngôi nhà chồ của đám ngư dân, mà hằng bao nhiêu năm trời từ thời Tây còn cai trị không thể nào giải tỏa nổi. Bờ sông hôm nay đã thoáng. Nhưng lại nổi lên một dãy quán từ chân cầu xuống tới bãi biển là những quán nhậu. Đêm về vui đáo để. Ai khóc ai cười nơi đây? Người đông vô kể số. Tôi đi chậm trên con hẻm vào nhà chị, chẳng ai nhìn ra tôi. Ngược lại tôi cũng thế. Chẳng lẽ thế hệ của tôi, ngày hôm nay, trong con hẻm này chẳng còn ai để nhìn ra nhau, hay để tôi nhìn ra họ để có một lời hỏi thăm mừng rỡ. Có lẽ những người già như tôi đã qua đời, hay những ngôi nhà đã đổi chủ? Không, tôi chẳng  thấy ai quen. Có người còn nhìn tôi lạ lẫm.

 

 

Tôi vẫn bước những bước đi thật chậm, để nhìn thấy tôi trên con hẻm này mấy mươi năm về trước. Để nhìn thấy lại những viên gạch bằng đất nung đỏ au dùng loát đường, nay thay bằng nhựa. Tôi đi thật chậm để nhìn thấy bong  tôi và Hạo, em trai của chị, mỗi lần tôi đến nhà chị chơi với Hạo.

 

Tháng bảy, nước nhảy lên bờ. Người ta bảo thế. Nhà chị, chắc nước sông đã lên cao liếm sát bờ nhà. Hôm nay là tháng bảy đây mà, nước sông lên cao chắc liếm tới sát bờ kè nhà chị? Đi chậm rồi cũng đến nhà chị cuối con hẻm. Những cây trong khu vườn nhà vẫn còn. Chỉ có cánh cổng bằng gổ đã được thay thế bằng cánh cổng sắt sơn màu huyết dụ. Hai trụ gạch to cao bề thế. Những lối đi có trải sỏi nhỏ hai màu trắng đen. Những chiếc bàn, chiếc ghế, những mái che bằng tranh bày biện dùng để bán cà phê. Những dây đèn màu giăng mắc. Tôi tầng ngần đứng trước cửa. Chắc nhà có chủ khác rồi. Tôi nghĩ như thế. Như hai dãy nhà trong con hẻm tôi vừa mới đi qua.  Lạ. Gần 40 năm như chuyện cổ tích sao?

 

Tôi vẫn còn do dự đứng trước cổng, không dám vào. Nhìn chung quanh, thì có người con gái ra hỏi:

- Mời bác vào uống cà phê?

- Không. Tôi muốn hỏi thăm. Có phải đây là nhà của..?

- Bác hỏi ai ạ?

- Chị Quỳnh. Chị Quỳnh có ở nhà không cháu?

Người con gái nhìn tôi , nghiêng đầu. Không nói.  Có lẽ thấy lạ. Mà lạ cũng phải. một người già như tôi. Khi nãy, ngoài con hẻm dài gần 100 mét có ai nhìn ra tôi đâu. Tôi nghĩ nhà có lẽ đổi chủ rồi. Ngày xưa, lại cũng là ngày xưa, nhà chị có vẽ kín cổng cao tường lắm kia mà, nhưng hôm nay sao lại là nơi bán cà phê? Người con gái nheo mắt, tinh nghịch:

- Mà bác là ai vậy? Tôi nói tên và hỏi lại: Nhưng đây có phải là nhà chị Quỳnh không? Con bé lại cười. Nụ cười sao giống chị ngày xưa quá. Cũng nụ cười ấy, ngây ngất bao  chàng trai.

 

Tôi hỏi thúc tới. Nếu không phải tôi đi. Có lẽ nhà đã đổi chủ rồi. gần 40 năm rồi. Gần 40 năm rồi. Tôi lẩm bẩm nói như thế. Con bé lại hỏi:

- Bác nói gì thế. Bác ở đâu tới, mẹ cháu ít có bạn lắm.

Tôi hiểu. À, ra thế. Hèn chi nụ cười giống hệt. Tôi lững lờ. Nếu không có chị ở nhà thì thôi, Bác đi.

- Dạ không. Cháu mời bác.

 

Cánh cổng mở. Chị đứng dưới hiên nhà. Ngôi nhà cũng vào loại đã lâu không sữa chửa. Vẫn vậy, những ngày tôi thường tới chơi với Hạo, đứa em trai của chị. Nó chết sau một lần bơi qua bờ bên kia, khi bơi trở lại bị vộp bẻ, không bơi vô được chết đuối. Xác Hạo không cho  đem vô nhà. Để Hạo nằm trên bến sông sau nhà, trong căn nhà mới dựng. Tôi buồn suốt cả năm. Sau đó tôi vào lính. Đi biệt không tới nữa.

 

Chị Quỳnh đứng cười dưới hiên. Chị nói:

-Tôi nghe cháu nói có cậu về. Tôi nghĩ như chuyện chiêm bao, bỗng dưng cậu lại về thăm.

Chị nói ít, nhưng vui. Còn tôi nói liên miên. Chị cũng chỉ cười. Chị bảo cậu vào nhà đi. Tôi ngồi nơi cái bàn nước kê giữa nhà. Trong nhà đã bao năm vẫn không thay đổi bao nhiêu, vẫn gian nhà thờ và phòng khách. Chị nói: Lam, cho mẹ một bình trà ngon nghe. Rồi chị cũng nói với tôi, nó con gái út đấy, ra đại học rồi mà chẳng có việc làm ,  về mở quán cà phê sống qua ngày gần mẹ cho vui.

 

Tôi hỏi chị những năm tháng qua, chị làm gì. Tôi hỏi nhiều về chị lắm. Gần 40 năm, nhiều chuyện để hỏi và nói lắm. Nhưng chị chẳng nói cho tôi biết, ngoài nụ cười của chị. Cháu Lam đem trà lên, đứng bên chị, nói:

- Cậu ơi! Mẹ cháu điết nặng lắm. Bà không nghe được gì đâu. Con bé đã đổi cách xưng hô với tôi, không như khi còn đứng ngoài ngõ. Tôi nói:

- Vậy sao?

- Nảy giờ cậu hỏi mẹ cháu không nghe gì hết đâu. Bà chỉ cười thôi.

- Sao cháu không mua máy nghe cho chị?

Nó cười:

- Mẹ cháu muốn vậy. Chẳng muốn nghe ai nói chuyện gì hết. Chửi cũng được. Khen cũng được. Mẹ cười tất.

 

Tôi nghe con bé nói, lòng tự nghĩ sao lạ vậy. Người ta cần nghe, cần thấy, cần biết sao chị lại không. Nhìn đời thì chị nhìn thấy đó, nghe thì không. Tất cả chị chỉ  nhìn và cười cho dù ai nói gì thì nói. Con bé biết ý, nó ra dấu, chị gật đầu , rồi chị nói:

-Chị điết lâu lắm rồi cậu ạ, từ lúc anh mất. Lúc đầu chị cũng thấy khó chịu, nhưng sau lại thấy hay. Không nghe gì hết, thế mà khỏe.

 

Rồi chị cười: nói chuyện với chị qua những câu viết nhé. Thân lắm đấy, cậu em à. Chị vừa nói vừa cười: À, mà chị em mình già rồi em nhỉ, kể từ ngày thằng Hạo mất, cậu bỏ đi luôn. Nghe chị nói, tôi nhìn lên bàn thờ, hình thằng Hạo non choẹt. Nó nhìn tôi cười. 40 năm rồi, Hạo ạ. Mày chắc đã đầu thai? Còn tao vẫn còn lận đận. Vừa nghĩ, con bé mang ra tập vở học trò dầy 200 trang, bìa có in hình chiếc xích lô đạp. Chị đẩy nhẹ quyển vở qua cho tôi. Chị nói:

- Nói chuyện với chị qua quyển vở này nhé.

 

Tôi hiểu, và lật từng trang giấy trắng. Không phải chỉ có tôi mà còn có nhiều người đã đến thăm chị trước đó. Một vài người tôi quen. Nhưng cũng có nhiều người tôi không biết. Những người bạn thân của chị đã ghi rõ tên và ngày tháng. Tôi lật từng trang, chỉ thấy những câu hỏi, không thấy câu trả lời của người đối diện. Thỉnh thoảng cũng thấy có vài tiếng  “cười” của người bạn chị ghi vào. Chị nói:

- Ghi rõ ngày tháng và nơi cậu ở đấy nhé. Một kỷ niệm của chị đấy.

 

 

Trong cuốn vở 200 trang này, tôi thấy có nhiều người ở nước ngoài, ghi rõ địa danh, cả những bạn chị ở Sài Gòn ra. Những nét chữ nắn nót, có cả tiếng cươi vui của bạn bè chị. Tôi ghi:

- Chị điết khi nào vậy?

- Sau một cơn sốt nặng. Tưởng chết. Rồi chị nói: thôi chị em mình nói chuyện khác đi, em làm gì, ở đâu, sau 40 năm mới trở lại thăm chị.

               

Thời gian dài lắm. Nhiều chuyện nói lắm. Tôi nghe chị nói: chị em mình, tôi lại nhớ đến Hạo. Thời còn nhỏ, tôi thường hay đến chơi và chị cũng hay rũ tôi ra ngồi nơi mé sông sau nhà, và “chị em mình” ngồi đây nhé. Ngồi nhìn những con chim bói cá bay là là trên mặt nước, chao đôi cánh để tìm mồi. Mùa nước lớn, nước sông lên cao liếm tới sân nhà. Bây giờ, chị em mình, ba tiếng ấy thôi, nhìn lại tóc trên đầu chị em mình đã bạc. Tôi lại tiếp tục viết ra những câu hỏi. Và chị lại tiếp tục trả lời. Cứ thế, từng trang giấy vở lật qua, lật qua. Những con chữ nhỏ, nắn nót, để chị dễ đọc. Nhưng sao tôi nhớ quá. Không biết trên đời này có còn ai có quyển vở 200 trang này như chị không, để bạn bè ngồi viết ra những câu hỏi thăm thân tình như thế không? Tôi hỏi:

- Tập sách ghi những câu hỏi có khi nào chị xem lại.?

- Có chứ, thường xuyên là khác. Vì là bạn của chị mà. Buồn chị thường hay lật từng trang xem lại. Cũng ngây ngô lắm. Ngồi cười một mình.

Con bé ngồi bên cạnh mẹ: mẹ con có lẽ hôm nay sống được là nhờ có nhiều kỷ niệm. Chị lại hỏi tôi. Tôi viết ra cái ý của con chị vừa nói. Đôi mắt chị mở to và nụ cười vui. Chị bảo với đưa con gái út:

- Vào phòng mẹ lấy cho mẹ cái hộp.

 

Con bé đứng dậy và đi rồi mang ra một cái hộp gỗ. Hộp được đánh lên một lớp dầu bóng bên ngoài. Tôi chẳng hiểu trong hộp đựng những thứ gì. Có thể là những lá thư của bạn bè, hay những lá thư tình của anh chị một thuở còn yêu nhau nay chị vẫn cất kỷ. Vì con gái chị vừa mới nói chị sống được là nhờ những kỷ niệm. Tôi cũng chỉ đoán như thế, không dám hỏi vì đời tư của chị.

Chị hỏi:

- Cậu biết gì trong này?

- Chịu. Làm sao biết được. nếu chị không nói.

Tôi viết vào trang vở. Chị cười. Mở nắp hộp. Tôi  nhíu mắt lại nhìn những tờ giấy bạc chị lấy ra từ trong hộp gỗ, rồi nói:

- Cậu thấy chị giàu không? Kỷ niệm của những người bạn đến thăm chị đấy.

Tôi nhìn thấy có cả tiền Đô la, tiền Euro, tiền Úc, tiền VN. Không nhiều, vài ba chục đồng cho tới 100 đồng, vuốt thẳng nếp để vào hộp gỗ ngăn nắp.

 

Đúng như con gái chị vừa mới nói “mẹ sống vào những kỷ niệm”. Những trang giấy viết ra bằng những câu hỏi, không thấy câu trả lời của chị. Vì chị đã nói rồi. Như tôi hôm nay, cũng nói chuyện với chị bằng những câu viết ra trên giấy để chị đọc chị hiểu. Tôi trở thành người câm. Còn chị đã là người điết. Vì tôi nói chị chẳng nghe gì; mà chỉ đọc được trên những câu hỏi của tôi viết ra trên trang giấy trắng của tập vở học trò 200 trang, lâu lắm chị còn giữ. Chị nghe bằng những con chữ viết.

 

Chị bảo với tôi: chị em mình đi ra sau nhà cho mát. Vừa nói chị vừa đứng dậy đi ra phía sau nhà. Dòng sông vẫn như ngày nào mênh mông nước. Chỉ có xóm chài bên kia đã bị giải tỏa. Tháng bảy, nước nhảy lên bờ. Nước sông dâng cao liếm  gần tới bờ kè sau nhà chị. “chị em mình” ba cái tiếng nghe rất thân thương một thời như sống lại khi tôi và Hạo còn chơi thân với nhau. Giờ đây, ngồi lại sau nhà bên cạnh dòng sông, ngôi nhà nhỏ cất lên để Hạo nằm đó không còn nữa, mà 40 mươi năm trước tôi vừa buồn vừa giận sao không đem Hạo vào nhà, nên đã bỏ đi.

Chị hỏi:

- Cậu đang nghĩ gì thế?

Tôi lại viết ra giấy ba chữ “chị em mình”.

Chị lại cười và nói: mới đó mà chị em mình đã già hết rồi. Lại cũng chị em mình, nhưng lại thiếu Hạo, tôi nói với chị qua trang giấy viết. Chị bảo: hôm nay chị vui lắm, có cậu về như có Hạo về. Còn đối với chị ngày ngày chị vẫn còn nhìn thấy màu xanh của đất trời, của cây cỏ, nhìn thấy con cái, bạn bè, nhìn thấy dòng sông mỗi lần con nước lên xuống.

- Nhưng chị cũng cần để nghe tiếng nói chứ. Chẳng hạn như tiếng chim hót trong vườn nhà chứ?

- Lãng mạng đấy cậu nhỉ? Với chị, hôm nay tai không bị nhiễu sóng là chị vui. Khỏi bận tâm. Quen rồi, mỗi lần chị nói chuyện với Lam, con gái chị.

 

Tôi nhìn ra phía dòng sông. Sông vẫn một đời không thay đổi, mà sao chị đổi thay nhiều quá, sau một lần lên cơn sốt nặng? Bây giờ gần 40 năm trở lại, chị bảo chị sống nhờ vào những kỷ niệm ở cái tuổi gần đất xa trời. Những kỷ niệm chỉ ghi lại những câu nói, câu hỏi của bạn bè trên trang giấy vở học trò, những kỷ niệm với gian nhà thờ, những hình ảnh thân thương mà ngày tháng qua đã in đậm vào tâm . Như hôm nay, chị quay qua nhìn tôi, những vết nhăn trên khóe mắt chị thật rõ, hằn sâu nhưng lộ rõ nét vui trên mắt:

- Có cậu về thăm, chị lại nhớ đến thằng Hạo. Phải chi nó còn sống, giờ này cũng bằng tuổi cậu.

 

Phạm Văn Nhàn
Số lần đọc: 1951
Ngày đăng: 16.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tháng 1 Năm 2011 Có Gì Đáng Nhớ - Mây Ngàn Phương
Theo Dấu Người Đi Mở Đất - Chế Diễm Trâm
Kim Tuấn, Chiều Đông Nào Nhung Nhớ - Đinh Cường
Lạc Lõng Dưới Trần Gian - Phạm Đình Trọng
Lên Với Xứ Hoa Đào - Xuân Tuynh
Về Rừng Ăn Cá Lóc Nướng Trui - Mây Ngàn Phương
Tiếng Nguồn - Nguyễn Hồng Nhung
Giữa Cơn Thèm... Kịch - Nguyễn Hàng Tình
Thức với Mũi điện Khe Gà - Phan Chính
Mù Căng Chải, Sóng Sánh Mùa Vàng - Minh Nguyễn