Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.205.882
 
Nét khác lạ của truyện ký qua ngòi bút Phạm Nga *)
Đỗ Quyên

1.

Tuyển tập Thứ Nhục Dục Tủi Nhục gồm nhiều bài ký, mang hình hài của câu chuyện kể, được trích từ chuyên mục Chuyện Cuộc Sống Tự Kể mà tác giả từng xây dựng và phụ trách hàng tuần trên tuần báo Dân Việt (Úc) trong các năm 2005 - 2006. Hơn 30 bài trải dài bao rộng lên cuộc sống của nhiều lớp người ở miền Nam sau năm 1975 – đa phần là dân lao động cơ hàn, trí thức thất thế và những kẻ không may mắn - là hơn 30 nỗi ray rứt của tác giả về thân phận và bản ngã con người.

 

Lấy tư tưởng – hơn là tư liệu - làm phương tiện viết, chữ nghĩa Phạm Nga mang một kích thước khác lạ. Khi cao vời, lúc sâu xa. Khi mênh mang chưa biết đâu bờ bến, lúc co rút đến quặn ruột gan.

 

Trong văn Phạm Nga, nếu như bạn thấy có chút triết lý – triết Hiện sinh chẳng hạn - thì tôi nghĩ suy tư đó có màu sắc Hiện sinh lạc quan. Trong hiện tình xã hội Việt Nam – khi mà các mặt trái bình thường của cuộc sống bình thường đang dần dần được quyền thể hiện bình thường – thì nỗi khắc khoải, bất an của tác giả về tính phi lý, hàm hồ của số phận con người đã nương tựa nền tảng nhân văn của cuộc sống. Niềm lạc quan thường nhật có thể chấp nhận cái bi quan muôn thuở. Đó là chút tia sáng lóe lên ở dấu chấm cuối cùng nơi mỗi trang ký này.

 

Đọc Phạm Nga, như thể bạn gặp một nhà tư tưởng, một nhà nhân bản – cái đầu và con tim. Hai “nhà” đó an cư trong bàn chân của một phóng viên, trong bàn tay của một ký giả.

 

Đúng ra, đối với tác giả, thì thật nguy hiểm, dễ bị hiểu lầm, khi ông chọn tựa bài Thứ Nhục Dục Tủi Nhục làm tựa chung cả tuyển tập. Nhưng xin mời ai đó - mới đọc cái tựa ở bìa là nghĩ ngay “cha nội chuyên viết sex!” - cứ thư thả lật vào trang trong. Theo tác giả, hiện sinh con người luôn nghiêng ngả giữa phần Con (xác thân, hoang dã, dục tính…) và phần Người (tâm linh, hướng thượng, tình yêu…). Bài mở đầu, Hành Hương Chùa Núi Tà Cú, đã phần nào ẩn chứa cái nhìn “hai mặt đối đãi” ấy cùng tồn tại sâu sắc, sống động chứ không hề ngược chỏi cạn cợt, thiếu sức sống.

 

Như đoạn:

“Thì ra bản chất cái libido vốn là vô đạo đức, vô chánh phủ và nó có thể quậy vào bất cứ lúc nào, không ai đoán trước được. Rồi libido cũng từ từ rút lui, trả lại thăng bằng cho thân xác…” (Bài Hành Hương Chùa Núi Tà Cú)

Hay là:

“Đôi mắt Phật khép lại tuyệt cùng thanh thản, siêu vượt mọi được mất, tốt xấu, hơn kém, đực cái, nhanh chậm... của kiếp người, bỏ xa vời vợi những triền phược, khổ lụy của con người về ba cái chuyện libido, sex, buôn bán lời lỗ, cơm ăn áo mặc, vân vân và vân vân... Và hình như tôi cũng đã được thấy, thoáng qua như một sát-na, một vẻ bình an diệu vợi khác nơi cụ già có đôi mắt thông manh, quì lạy pho tượng Phật mà cụ không thể nào  trông thấy…” (Hành Hương Chùa Núi Tà Cú).

 

Trước Phạm Nga, tôi chưa được đọc một tay viết phóng sự, ký, hay tùy bút nào đã mạnh dạn – có phần dửng dưng - chọn nguồn ý tưởng là “dục tính” như thế. (Có lần, tôi nói vui với một người bạn biên tập rằng, nickname cho tác giả này phải là “Ký giả libido”). Nhìn qua các bên thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết - trong cũng như ngoài Việt Nam gần đây - thì đã quá nhiều người viết về sex, homo-sex, porno, libido; còn trong thể loại ký, có lẽ Phạm Nga là người đầu tiên, tất nhiên theo cách viết rất riêng. Sự độc đáo với nội dung và ý tưởng về libido của ông thể hiện qua những bài xuất sắc nhất, những câu thấm đậm nhất về cuộc “so găng” thường nhật giữa Con và Người trong bản ngã mỗi chúng ta:

 

“Thường khi say rồi tôi làm biếng ăn cơm nhưng cứ sau khi ra giếng tắm truồng trong bóng tối, tôi lại hay siêng năng mò vô vợ tôi. Ở trong buồng, bóng tối phủ đầy - tiết kiệm dầu hôi - nhưng tôi vẫn nhận ra được cặp mắt và cặp vú vợ mình hình như lấp lánh sáng. Sáng yếu ớt như chút xíu hạnh phúc héo hon, độc nhất còn sót lại đời này.” (Xác Cậu)

 

Tác giả tỏ ra mải mê sống, có khi đầy thương tích và lỗi lầm khi ngụp lặn đến đáy đen  cuộc sống, rồi mới nghĩ/viết từ thực tế trải nghiệm, nhưng các chi tiết không trần trụi và thô thiển. Các bài Một Nửa Của Bia Ôm, Chuyện Kín Ở Sau Chùa, Chuyện Dâm Ở Bờ Kè đi đến cung bậc gần cuối cùng, mà sao bạn không thấy phàm tục, càng không thấy kích dục? Đó là vì các sự kiện ở đấy là để “nói lên”, để “trở thành” điều gì, chứ không chỉ là “là” điều gì.

 

2.

Điều gì khiến tôi nhận lời cái rụp rồi thích chí viết các dòng này? Vì các bài tôi cho là thành công nhất, mang “bảng hiệu” Phạm Nga, dường như đã không thủy chung theo phương pháp truyền thống của ký sự. Chủ quan, tôi thấy ông, như vô tình, có dáng dấp trên lối Hậu hiện đại (Postmodernism). Bạn có thể nghĩ là tôi ham theo mốt, rằng thời nay cái gì cũng phải dính tí “Hậu hiện đại” mới ngon lành!

 

Tiếc là trang sách này khó bộc bạch hết cảm nhận. Nói gọn: Đó là sự dẫn chuyện, kể lể thẳng tưng, nhiều khi rất “vô tư”; Đó là các chi tiết vòng lên các chi tiết và không có chi tiết trung tâm; Đó là sự lặp lại, tưởng như quá nhiều vấn đề tương đương; Đó là sự hài hước, giễu nhại dân dã và tự giễu nhại nhuần nhụy. Trong nhiều bài, như Chiếc Vé Mời Xem Ca Nhạc "Tưởng Nhớ”; Một Chuỗi Chuyện Lấy Bậy; Xác Cậu; Sát Thủ; ngay cả bài “át chủ” Thứ Nhục Dục Tủi Nhục. Hầu như ở các bài, dù theo cách viết nào, chất biếm hài luôn ẩn hiện trong hơi văn Phạm Nga, nhất là khi cái nhục dục cựa mình. Phải vậy mới ăn tiền! Ký và tùy bút thường không thể thiếu góc hài hước. Văn học Việt Nam có hai ví dụ kinh điển: Nguyễn Tuân hài tiếu ở một vài chi tiết hiếm, ngay cả khi gượng ép, tạo nụ cười sang cả và thăm thẳm; Võ Phiến thì cười xòa, tếu táo và ít chọn lọc nhưng hóm hỉnh và bình dân. Ở hải ngoại lâu nay có Đỗ Kh., một tay bút ký mà có thể nói châm biếm là máu làm nên sức sống.

 

Dùng triết lý để ẩn hóa hiện thực, ảo hoá thực tại - đó là một nét trong phong cách ký của Phạm Nga. Lần đầu tiên, ngay khi đọc và biên tập bài của ông cho báo chí ở Úc, tôi ngạc nhiên vì cách nhìn của mình về ký đã thay đổi: không còn quan tâm đến loại thắc mắc rất “sến” nhưng cũng rất cần: “Chi tiết X., nhân vật Y. đó có thực không?” Càng đọc Phạm Nga, càng phải “thủ sẵn” câu hỏi “Vụ này chuyện ấy là ý tác giả muốn nói gì?” Bởi tôi biết đằng sau một sự việc, nhân vật “thật”, thế nào cũng lấp ló một ý tưởng, suy tư đáng giá. Một văn phong của ký là không thể thiếu những câu nói, thành ngữ “rặt địa phương”. Phạm Nga tỏ ra khá điệu nghệ trong việc này.

 

3.

Với một số bài thành công khác và viết theo cách quen thuộc, “đại tự sự” (Ở Công Viên Cây Xanh Gia Định, Đêm Nằm Nghe Pê-Đê Hát) các tình tiết, sự việc cũng được tác giả cho diễn tiến theo ý đồ của mình: cố gắng dẫn dụ độc giả về phía các giá trị nhân bản. Tôi đã xao lòng vì cái nhân tính chót vời của tác giả khi coi đến câu kết: “Nhưng tôi cứ giữ niềm hy vọng nhỏ nhoi của mình là sẽ còn được gặp lại những em nghệ sĩ pê-đê mà tôi đã thương yêu như bạn bè, tri âm, tri kỷ.” (Đêm Nằm Nghe Pê-Đê Hát) Bài này viết theo lối hoàn toàn cổ điển, cấu trúc truyện đơn tuyến, không có bóng dáng của “triết gia”. Và rất hay!

 

Các bài ít thành công và các bài đuối trong tuyển tập đều theo kiểu truyền thống. Bài Cái Chết Bức Bối Của Một Nhà Thơ thiếu các minh chứng nói lên sự “nên thơ” cho nhân vật. Các bài Bè Cá “Nhà Hàng” Đực NhỏTrở Lại Vùng Đất Biển Cần Giờ chỉ là phóng sự điều tra. Ở ba bài này, chất trầm tưởng đã bỏ chủ nhân mà đi, để lại các chi tiết không biết nói gì sau các tên người, sự việc…

 

4.

Tác giả này viết ký làm truyện không để đăng báo như một ký giả hành nghề. Càng không để… chơi, như một nhà thơ. Ông viết để… “si nghĩ”, như lời một nhân vật. Và như thế, để ông tồn tại: Phạm Nga viết văn không để kiếm-sống, mà để kiếm-cách-sống.

 

Tôi chưa có cơ may đọc các bài ký của ông viết trên báo chí trước 1975. Song, tôi đồ rằng, văn chương Phạm Ngà không có “dòng sông Bến Hải”, không có sự hiện diện của chính cuộc, thời thế Việt Nam. Ông đau nỗi đau nhân gian, trên cả trái đất gồ ghề này, chứ không hẳn ở một “hình chữ S” oằn oại. Cứ thử đi, trong cuốn sách, chỉ cần bỏ các con số tháng năm như 30/4, 1975, các tên người Trịnh Công Sơn, Ngô Văn Châu, cô Sáu, bà Tư, tên địa phương Nhiêu Lộc, Gò Vấp, Quân y viện Cộng Hoà cũ… - bạn sẽ thấy tập truyện ký mang thân phận nhân loại. Không có không gian, không có thời gian. Hình như tư tưởng là vậy, triết học là vậy?

 

Và không phải với tác giả nào cũng hoàn toàn thế! Nói ngay như ở trong phần lớn những khuôn nhạc của cây viết “gạo cội” về thân phận con người là Trịnh Công Sơn, tôi thấy màu da vàng, tôi thấy dáng mẹ Việt, tôi thấy con dân nước Nam trong “nội chiến từng ngày” đã làm nên một dòng nhạc sinh tử. Bỏ đi các yếu tố đó, có còn nhạc Trịnh nữa không? Người nghệ sĩ kỳ tài đó chỉ như khuôn đúc cảm quan nghệ thuật của mình vào “người Việt Nam” cụ thể, trong chiến tranh, loạn lạc, chứ không hẳn khái quát tới thân phận con người nói chung.

 

5.

Xưa nay, trong nghề viết nghiệp văn, thì tùy bút, bút ký, phóng sự… là các thể loại mang độ thử thách sát sườn. Chỉ đọc vài câu đầu, lướt nhẹ dăm dòng giữa và nhất là coi qua đoạn kết, sẽ biết tác giả thuộc loại nhà văn, nhà báo ở tầm cỡ nào về văn chương cũng như về sự ràng buộc của nghề nghiệp (nhà báo tự do hay ăn lương, ký giả độc lập hay “biên chế”).

 

Đó cũng là những thể loại viết ra dễ, mà đạt độ hay thì khó. Tôi dám liều đưa ra một con số tượng trưng: Cứ 50 truyện ngắn trong thiên hạ thể nào cũng được một truyện hay; Trong 100 bài thơ giữa trời đất sẽ có một bài thơ hay. Và phải chừng… 300 bài ký mới tới một bài ký hay! Bạn có thể nhắm mắt nhắm mũi kể ra 10 nhà thơ, nhà văn – dù Tây dù ta – xuất chúng. Đúng không nào? Tôi cho bạn mở mắt, xem lại tất cả số báo chí thu thập được, mà kể cho xuôi cho lọt vài ba nhà tùy bút, ký sự, thậm chí nhà báo, ký giả tài danh. Vì sao? Chẳng lẽ vì ký sự quá gần sự thật? Hay vì ký sự đòi hỏi quan niệm, tư tưởng gắt gao hơn so với các thể loại khác? Cái Chân khó đạt tới cái Mỹ trong truyện ký vậy sao? Cái Thiện ở đâu trong tương quan đó? Lâu rồi tôi vẫn mang giữ các câu hỏi vậy trong hai bàn tay. Và hôm nay, xin được mở ra, mạn phép chuyển tới Phạm Nga, một tác giả thành đạt trong thể ký.

 

6.

Ở Tây phương cũng như Đông phương, các tệ nạn xã hội như đĩ điếm, hút xách, bạo lực, ghen tuông… luôn là mồi cho báo chí. Với Việt Nam, gần đây chúng có vẻ bội thu! Và ký sự đã dự phần quan trọng nhất. Trên các trang mạng, hàng ngày, có đến cả chục bài phóng sự, truyện ký về các đề tài này. Với những “hàng hot” đó, sau khi nêu sự việc, không khéo ký giả dễ sa vào hai hố: hố này là đạo đức giả; hố kia là lý thuyết suông. Còn khi không muốn có ý kiến của riêng mình, thường chỉ được các bài báo mang thời sự, sự kiện. Rất ít ký giả có thể viết phóng sự, ký sự chỉ bằng các con số, sự việc “biết nói”! Xét cho cùng, các tay bút cứng cựa đó phải có triết lý riêng cho mỗi bài báo. Tôi tin là Phạm Nga nhận ra được cạm bẫy của thể loại ký. Ông chọn lối đi suy tưởng để trốn và tránh đưa ra các sự kiện “câm”.

 

Thông thường, ở các chủ đề gây cấn, ký giả hạng C thì điều tra, phân tích và bày đặt kết luận này nọ, còn mình thì đứng ngoài vòng. Ký giả hạng B dám nhảy vào theo kiểu chân trong chân ngoài. Chỉ ký giả A mới dám quăng mình tới, làm nhân vật. Phạm Ngà là vậy trong vụ này. Chính xác ra, ông dấn thân vào câu truyện như một đối tượng, nhưng đủ tỉnh táo không hóa thành nhân vật tiểu thuyết. Vị thế “tôi” có thể thay đổi, biến báo: Khi là “tôi” thật, ở các bài Một Nửa Của Bia Ôm, Đêm Nằm Nghe Pê-Đê Hát. Tôi tâm đắc nhất khi “tôi” hóa thành “anh” (ngôi thứ ba) trong bài Thứ Nhục Dục Tủi Nhục: Để lột tả cái sự chơi gái hái hoa lúi xùi, cụ tỉ tới từng phút như thế và toàn bộ câu chuyện lại được “làm tình” trên nền tri thức, trước con mắt nhà đạo đức, nhà thơ, rồi triết gia, nếu như để nhân vật ở ngôi thứ nhất thì chắc “tôi” sẽ vô cùng… ngượng ngập!

 

7.

Đọc truyện ký của Phạm Nga, ta nên mang theo kinh nghiệm thưởng thức thơ: Kết thúc có thể ở bất kỳ lúc nào! Giữa năm bảy loại hình văn học, ký là loại rất dễ đoán nhất khi nào phải kết thúc. Ký Phạm Nga có tính thơ ở chỗ sau khi viết bằng đầu, thường kết luận bằng trái tim. Mà trái tim thường đi những lối không ngờ; như một triết gia từng viết: “Con tim có cái lý của nó mà lý của đời không thể nào thấu nổi”. Các sự kiện thường được/bị tác giả đẩy đến thái cực không theo logic của sự kiện, mà theo niềm tin nhân văn nơi tác giả. Trong bài Một Nửa Của Bia Ôm, hành vi tay của nhân vật “chạm phải một vết thẹo khá lớn, nổi u lên ở mặt trong đầu gối cô gái” và từ “cháu” ở câu cuối bài là hai ví dụ. Truyện ở đây mang vẻ hư cấu về chi tiết, ngay cả dù sự kiện “cái thẹo”, dù “cháu” là có thật, nhưng chân thực ở dẫn chuyện và dụng văn. Chữ nghĩa kỳ diệu thế đấy! Cái thực và cái ảo có thể đánh tráo vị trí và tên gọi. Tất cả phụ thuộc vào quan niệm làm văn của người viết. Còn với bài Thứ Nhục Dục Tủi Nhục, tôi cho rằng tác giả còn có thể kéo dài cả trang nữa hoặc dừng ngay ở giữa bài. Đều được.

 

Truyện ký của Phạm Nga không dàn dựng nhân vật, xung đột, tâm lý theo mô hình truyện ngắn, nhưng vẫn đạt hiệu quả nghệ thuật giống truyện ngắn: Nó tạo sự bất an sau khi đọc. Đầy chất liệu cuộc sống nhưng không hề rời rạc, nhờ “cây sậy tư tưởng” đã giữ chúng đứng thẳng trong lòng độc giả. Hình thức truyện ký gặp Phạm Nga như muốn tìm định nghĩa mới. Cốt truyện bao giờ cũng có, nhân vật nhiều, tình tiết cũng nhiều. Nhưng trên tất cả vẫn là… tác giả! Tác giả không dấu mình; luôn lên tiếng.

 

8.

Ký là đời sống, là thực tại. Bạn dễ dàng đếm được bao nhiêu con số 30/4 trong toàn bộ cuốn sách này. Vâng, một chứng nhân thời cuộc – hình như tác giả thích tự gọi mình là ký giả (người viết ký?) khi từng hành nghề phóng viên trong cả hai thời kỳ trước và sau 30/4 - như thế mà không lấy “mốc 30/4” để dàn trải, điều độ các trang văn của mình sao? Vụ này khỏi bàn cãi. Vấn đề là cái 30/4 của tác giả như thế nào. Theo tôi, Phạm Nga là ký giả hành văn theo đúng nghĩa vụ của Đệ tứ quyền với ngày 30/4 bằng các trang ký, truyện của mình.

 

Một trong những khắt khe đến nghiệt ngã với thể ký truyền thống (đại tự sự) là nó đòi hỏi sự trung thực “chăm phần chăm”. Nếu có hai tá chi tiết thật, chỉ cần một cái “một nửa sự thật”, có thể hỏng cả bài. Tôi có một kinh nghiệm thú vị... Một văn hữu cho tôi đọc bản thảo. Tôi không ngờ bài ký hay đến thế. Nhưng cũng dễ hiểu: Đó là câu chuyện đổi đời đầy nguy hiểm. Tôi bèn hồi đáp: “Rằng hay thì thật là hay, chỉ tiếc một chi tiết ở đoạn kết không hiểu sao làm yếu câu chuyện.” Người bạn cười: “Đúng đấy! Lúc này chưa thể nói hết sự thật ở tình tiết ấy, nhưng lại không bỏ hẳn được.” Có lẽ ngộ được khắt khe này, Phạm Nga đã khôn khéo chuyển thành “truyện” trong một số bài (Thứ Nhục Dục Tủi Nhục; Cô Bé; Như Cơn Mưa Chợt Đến); hoặc “cài số lùi” bằng lời chua “Theo lời kể của một thầy giáo đã về hưu” như ở Một Nửa Của Bia Ôm. Tôi muốn ghi nhận đó là một kỹ thuật viết ký của Phạm Nga. Dù phải ảo hóa nhân vật, nhưng với kiểu kể tự truyện và tính thực tại của toàn mạch văn, ta như vẫn được tác giả nhủ vào tai rằng, “Bạn đang đọc ký đó, hổng phải tiểu thuyết đâu à nha!”

 

9.

Ký và tùy bút là hai sân chơi ở đó tác giả được quyền đưa ra thông tin, tri thức. Nhưng cũng là cạm bẫy, dễ thành cửa tiệm khoe chữ nghĩa, bảo tàng phô kiến thức. Với sở học về triết Đông – Tây của mình, lại có nghề dạy học, nhưng Phạm Nga không lạm dụng. Lượng kiến thức hàn lâm “rao giảng” được ông sử dụng tối thiểu. Chỉ ở hai bài (Hành Phương NamXem Phim, Nghĩ Đến Những Người-Khác-Người) có bình giảng vừa phải và một bài dẫn dăm dòng về Camus. Tôi còn thích tác giả ở chỗ không “cả vú” triết thuyết lấp mắt độc giả. Như thể ông bỏ kiếng trắng, hạ các pho sách xuống khi tiếp khách văn. Các tư tưởng sâu sắc qua bộ lọc của một người từng trải, qua ngôn ngữ bình dân đã neo xuống mạch văn, giữ người đọc nổi trôi trên trang văn.  

 

10.

Dạo đó, một diễn đàn chính trị, xã hội và văn học Việt nổi tiếng nhất nhì hải ngoại, đã tổ chức thi viết về ký, và rồi phải ngưng ngang. Thể loại ký ở làng báo chí văn học hải ngoại nói chung là ngắc ngoải. Kể cả ở các nhật báo lớn nhất tại Mỹ, Úc, rất hiếm có ký giả chuyên nghiệp viết ký với đề tài cuộc sống thường nhật ở hải ngoại. Với đề tài trong nước, báo chí hải ngoại trong nhiều năm nay có một số nhà văn, nhà báo trong nước “đầu quân”, đó là: Văn Quang, Nguyễn Đạt, Trần Tiến Dũng, Văn Lang, v.v… và Phạm Nga. Tại sao các nhà văn, ký giả Việt hải ngoại không ưa viết ký, phóng sự? Có phải vì ký gắn liền với báo chí, mà báo chí hải ngoại lại rất ít có tờ nào nuôi sống ký giả viết ký? Nếu vậy, các trang ký sự của Phạm Nga với thi pháp chọn tư tưởng làm cơ sở rất đáng là một địa chỉ xanh cho những cây bút hải ngoại, ngoài các địa chỉ “cũ mèm” như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và nhất là hồi ký! Bạn cũng có thể lấy các chủ đề hàng ngày ở phố Việt Cabramatta của Úc, ở đường Bolsa của Mỹ làm các “vỏ ốc” qua đó hú hồn mình với các ký sự được chứ? Trong làng báo hải ngoại, có lẽ chúng ta chưa được đọc ai như vậy. Còn ở lãnh vực văn học, có được hai ký giả thành danh là Đỗ Kh. (từ hơn 20 năm rồi, dăm năm qua phát nhất!) và Đinh Linh (cũng được vài năm nay). Ký giả lừng danh một thuở Trùng Dương, sau thời gian dài ở hải ngoại làm cho báo giới, truyền thông của Mỹ, vài năm nay nghỉ hưu, đã góp nhiều ký sự làm sinh động hơn cho những trang báo văn nghệ Việt như Hợp Lưu, tienve.org, damau.org...

 

11.

“Tôi”, “nhân vật chính” của tùy bút, thực chất, không ai khác ngoài tác giả. Yếm thế nhưng không thể suy vong, thất thế mà không chịu bại liệt. Đó là phẩm chất làm nên người trí thức, người nghệ sĩ. Ở bất kỳ thời nào. Ở bất kỳ đâu. Và ở đây, hôm nay, chúng ta có thể thấy một trong những cách thể hiện chân dung đó qua tác giả Thứ Nhục Dục Tủi Nhục. *)

 

Melbourne, 18/5/2007 (Tu chỉnh: Vancouver, 14/1/2012)

 

* ) Lời bạt trong tập truyện ký “Thứ Nhục Dục Tủi Nhục” của Phạm Nga

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 2369
Ngày đăng: 19.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có Hay Không Trường Hợp Thơ Phóng Tác Từ Ca Dao? - Trần Văn Nam
Đèo Cả Của Hữu Loan - Chế Diễm Trâm
Tính Cấu Trúc Xếp Đặt, Tính Thơ Huyền Ảo, Tính Thông Điệp, Trong Truyện Của Nguyễn Bình Phương - Trần Văn Nam
Rất nhiều điều về Tiểu-thuyết-Đặng-Thân - Đỗ Quyên
Hãy cúi mặt nhận diện chính mình - Lê Huỳnh Lâm
Tình và xuân trong thơ linh Lân xứ võ - Lâm Bích Thủy
Phân giai cấp qua khẩu vị - Lê Hải*
Lê Thánh Thư Viết Trong Bóng Tối - Vũ Trọng Quang
Nhớ lại ý nghĩa Thi Ca của Cổ Nhân: Đọc tập thơ Kinh Vô Thường của nhà thơ Võ Thạnh Văn - Nguyễn Đăng Trúc
Chạm Bóng – Chạm Vào Cõi Nhân Sinh - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)