Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.533
 
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần I)
Vương Trung Hiếu

"Đào bắc, Mai nam". Đó là câu thành ngữ cho thấy sự đối xứng quan trọng của hai loài hoa xuân này trong tâm thức người Việt. Ở miền nam, nói đến ngày Tết là nói về vẻ yêu kiều, lộng lẫy của hoa mai. Trong thơ văn nước ta có rất nhiều bài viết về hoa mai, thể hiện một tình yêu nồng nàn đối với loài hoa này. Mai Am công chúa, em của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, là một người rất thích hoa mai. Song có lẽ, kẻ tôn sùng hoa mai nhất chính là Chu Thần Cao Bá Quát (1809-1854). Ông là người gốc Phú Thị- Kinh Bắc xưa, có tài làm thơ hay đến độ được phong là "thơ Thánh" (Thần Siêu, Thánh Quát). Vốn là một người ngang tàng khí phách, chẳng hề run sợ trước bất cứ quyền lực của ai, dẫu là vua chúa đi nữa, thế nhưng Cao Bá Quát lại "cúi đầu" trước hoa mai:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhứt sinh đê thủ bái hoa mai

 

(Mười năm bàn đạo giao du, khó như tìm gươm kiếm cổ

Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai)

 

Ở Trung Quốc, mai là loài hoa nở đầu tiên trong năm, ngay từ tiết lập xuân giá lạnh. Vào thời điểm ấy một số loài hoa chưa kịp khoe hương khoe sắc, còn một số khác thì đã héo tàn, do đó hoa mai được xưng tụng là  "Bách hoa khôi", tượng trưng cho cho cốt cách của người quân tử. Tuy nhiên, người Trung Hoa xưa kia không đánh đồng các loài mai cùng một đẳng cấp. Họ phân chia thứ bậc rõ ràng. Loài mai quí nhất là Khánh khẩu mai, kế tiếp là Hà hoa mai, Đàn hương mai, Ban khẩu mai và cuối cùng là Cẩu đăng mai.

- Khánh khẩu mai: loài mai mọc ở vùng núi cao khánh khẩu.

- Hà hoa mai: cánh mai giống như cánh hoa sen ôm tròn lấy nhụy.

- Đàn hương mai: loài hoa có cánh vàng sậm như màu gỗ từ đàn. Loài này sai hoa, hương lan tỏa khắp không gian và thường nở trước các loài mai khác.

- Ban khẩu mai: đóa hoa hơi cúi xuống, cánh cong cong, khi nở cánh không xòe ra.

- Cẩu đăng mai: hoa nhỏ, chẳng có mùi thơm.

Vào thời nhà Đường (Trung Quốc), nhà thơ Lô Đồng đã sáng tác bài hữu sở tư đầy tâm sự yêu đương và ông đã liên tưởng đến hoa mai để diễn đạt tâm hồn mình:

Mỹ nhân hề! Mỹ nhân

Bất tri mộ vũ hề! Vi triêu vân

Tương tư nhất dạ mai hoa phát

Hốt đáo dông tiền nghi thị quân

Diễn nghĩa:

 

Người đẹp này! Người đẹp

Bây chừ là mưa chiều hay mây sớm

Một đêm nhớ nhau, mai nở hoa

Trông thấy hoa trước cửa sổ, ngỡ bóng nàng

 

 Xét về góc độ Đông y, có tài liệu cho rằng toàn bộ cây mai đều có thể dùng làm vị thuốc. Nếu đem hoa mai ngâm với dầu vừng thì thành thuốc trị bệnh viêm rất hiệu quả. Ai bị viêm tai giữa, chỉ cần nhỏ vài giọt vào tai thì vài phút sau sẽ thấy bớt đau ngay. Còn nấu cháo chung với hoa mai ăn vào sẽ thấy tinh thần sảng khoái, mọi mệt nhọc đều tan biến đi….

 

Và dĩ nhiên, cây mai còn là một loại cây cảnh rất tuyệt vời. Cây mai Việt Nam có nhiều loài, hoa phổ biến nhất là màu vàng, kế tiếp là đỏ, trắng và cả màu hồng. Tùy theo loài mai, đặc biệt là mai vàng và mai chiếu thủy Việt Nam, các nghệ nhân có thể uốn tỉa cây mai thành nhiều thế khác nhau, theo phong cách kiểng xưa hay hiện đại đều được. Bây giờ, mời bạn bước vào thế giới muôn hình muôn vẻ của hoa mai.

 

A.Thuật ngữ về cây mai

 

Trước tiên chúng ta thử tìm hiểu về cách gọi loài cây này. Từ "mai" là một từ Hán-Việt. Trong từ điển tiếng Hán từ này có hai nghĩa: cây mơ và cây mai. Trong tiếng Việt ngày nay hai loài cây này cũng khác nhau, do đó ta không thể lẫn lộn từ"mai" với từ "mơ" được. Thế mà có người vẫn "vô ý" về điều này.

Nhiều nhà nghiên cứu khi viết về cây mai nói chung hay cây mai vàng Nam bộ họ thường chú thích tên tiếng Anh thông thường của cây này là "apricot tree" và gọi hoa mai hay hoa mai vàng là "apricot blossom". Những người khác thì chú thích tên tiếng Anh của cây mai và hoa mai là "plum tree" và "plum blossom". Có lẽ họ căn cứ vào một số quyển tự điển Việt-Anh hay Anh-Việt để dẫn chứng như thế. Tuy nhiên cách gọi như vậy chưa thật sự chưa chuẩn xác, bởi vì cây mai tiêu biểu cho miền nam là mai vàng 5 cánh, có tên khoa học là Ochna integerrima (thuộc họ Ochnaceae). Còn "apricot" có tên khoa học là Prunus armeniaca l., được sắp đặt cách phân giống chung với "plum" (Prunus domestica).

Cái từ "plum" thường dùng để chỉ một loài cây ăn quả được gọi là "mận", chứ không phải là "mai". Nếu nó được dùng theo nghĩa là "mai", thì nó và apricot chỉ là cách chú thích tên tiếng Anh cho một loài mai cụ thể nào đó có tên khoa học bắt đầu bằng từ "Prunus" (từ chỉ giống cây).

Nhìn chung, chúng ta chỉ có thể sử dụng hai từ này để nói về một chi (giống) mai cá biệt nào đó ở Việt Nam hay trên thế giới, thí dụ như nói về chi mai trắng ở bắc bộ, gọi là "chi mai" hoặc mai Nhật (Japanese apricot) - cả hai đều cùng một loài và có tên khoa học là Prunus mume sieb. Et zucc.

Chi mai tuy có hoa màu trắng nhưng nó lại khác với bạch tuyết mai (một giống mai trắng khác có tên khoa học là Serissa foetida, họ Rubiacace) và lại càng không giống mai chiếu thủy ở Nam bộ (Wrightia religiosa, họ Apocyiaceae). Như vậy nếu sử dụng từ "apricot" và "plum" để chỉ bạch tuyết mai hay mai chiếu thủy lại càng không đúng.

Trong tự điển Anh-Việt "apricot" có nghĩa là cây mơ. Nếu hiểu theo nghĩa tiếng Việt thì ta chỉ có thể gọi nó là "mai mơ". Tóm lại, sử dụng hai từ "apricot" và 'plum" để chỉ tổng quát các loại cây mai ở Việt Nam là chưa thoả đáng, chúng tôi đề nghị vài cách chú thích đơn giản như sau:

- Cây mai (Vietnamese Mai plant…).

- Hoa mai (Vietnamese Mai blossom hoặc Vietnamese Mai bloom…).

Như vậy người nước ngoài mới hiểu chính xác đó là một loài cây hoa của Việt Nam. Họ sẽ không nhầm lẫn cây mai nước ta với cây apricot hay plum phân bố nhiều nơi trên thế giới.

Và nếu cần chú thích tên của một chi mai cụ thể nào đó ở Việt Nam, ta nên viết tên khoa học của nó, như vậy mới chuẩn xác và giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng tìm hiểu.

Người nước ngoài, khi viết về hoa mai vàng (hoặc mai tứ quí) Việt Nam, họ không gọi là "apricot blossom" hay "plum blossom" mà gọi là "Ochna integerrima blooms". Thí dụ: "the most celebrated flower in Vietnam, ochna integerrima blooms profusely on the occasion of 'Tet', the Vietnamese new year." (trích từ top tropicals.com, mục vietnamese mickey mouse plant). Chúng tôi in đậm cụm từ "Ochna integerrima blooms" để bạn đọc dễ nhận ra.

Hai từ "bloom" và "blossom" đều có nghĩa chung là hoa. Khi sử dụng từ "bloom" là muốn nói đến sự nhận thức, tri giác chung về một loài hoa", còn "blossom" là từ nói tổng quát về các loài hoa, đặc biệt là hoa của những loài cây ăn quả được. Ngoài ra, trong tiếng Anh còn có từ chỉ hoa là "flower". Từ này dùng để biểu thị chung cho các loại hoa cảnh, dùng để trưng bày cho mọi người thưởng lãm.

Bây giờ, để tiện tìm hiểu về cây mai một cách khoa học, chúng tôi mời bạn đọc mục dưới đây.

 

B. Cách phân loại quốc tế

 

Cách phân loại này rất chi tiết, ở đây chúng tôi xin trình bày thật vắn tắt để bạn hình dung. Cây mai, cũng như bất kỳ loài cây nào khác, đều được xếp loại theo từng cấp độ từ nhỏ tới lớn: thứ (nòi), loài, chi (giống), họ, bộ, lớp và ngành. Nhiều loài có những đặc điểm tương tự sẽ được xếp vào cùng một chi, nhiều chi có những điểm chung sẽ được xếp vào một họ và cứ thế tiếp tục cho đến đơn vị lớn nhất là ngành. Do trang sách có giới hạn, chúng tôi chỉ bàn về loài, chi và họ.

 

I. Chi hay giống (genus) và loài (species - viết tắt là sp.)

 

Thông thường, khi nói về "genus", người ta sẽ sử dụng từ "giống" cho các động vật và từ "chi" cho các thực vật. Trong sinh vật học, Ernst Mayr là người đầu tiên định nghĩa về các loài và đây là quan điểm phổ biến nhất.  Ông viết: "các loài là những nhóm có khả năng sinh sản để gây giống một cách tự nhiên…". Song trên thực tế ta còn thấy nhiều định nghĩa khác nữa.

Theo cách phân loại khoa học (qui ước quốc tế), một loài được chỉ định bằng một tên khoa học theo tiếng Latin. Cái tên này gồm có hai phần và được in nghiêng. Phần đầu tiên là từ nói về chi hay giống (viết hoa), còn phần thứ hai là từ chỉ loài. Thí dụ:

- Loài người có tên khoa học là Homo sapiens.

- Loài mai vàng có tên khoa học là Ochna integerrima.

Homo, Ochna là những từ nói về chi (giống); còn sapiens và integerrima là những từ chỉ loài. Tuy nhiên bạn sẽ bắt gặp nhiều trường hợp không chỉ có hai từ. Thí dụ:

- Lúa có tên khoa học là Oryza saliva L.

- Một loài mai vàng khác có tên khoa học là Ochna integerrima (lour.) Merr.

- Một loài mai vàng khác nữa có tên khoa học là Ochna sp.

Những từ viết tắt phía sau hai từ chính là từ chỉ tên người mô tả loài đó đầu tiên ( L. Và Lour.); còn từ Merr là tên người chỉnh lý. Nếu một loài nào đó nhà khoa học không biết rõ, nhưng theo nhận định cá nhân ông ấy có thể chỉ định loài đó vào một chi (giống) cụ thể và sử dụng từ viết tắt "sp." ngay vị trí phần thứ hai của tên khoa học (như trong từ Ochna sp.). "sp." là từ viết tắt của species (loài), dùng để chỉ số ít, còn khi miêu tả số nhiều người ta sẽ viết là "spp.".

Trong trường hợp, đứng sau tên loài là một từ hay một cụm từ viết trong dấu nháy thì loài đó có tính chất địa phương hay do một người nào miêu tả hoặc lai tạo ra. Thí dụ:

- Serissa foetida 'kyoto' (bạch tuyết mai "kyoto")

- Serissa foetida 'mt. Fuji' (bạch tuyết mai 'mt. Fuji')

Một điều đặc biệt khác bạn cần lưu ý: một loài cây nào đó hiếm khi có một tên khoa học duy nhất. Thí dụ:

- Sesbania grandiflora pers. Còn có tên là Agati grandiflora desv.; Coronilla grandiflora willd hay Aeschynomene grandiflora L.

Do đó khi đọc về mai vàng và mai tứ quí bạn sẽ thấy trong bài này này ghi tên khoa học của nó là Ochna integerrima, nhưng trong sách của tác giả khác mai vàng có thể mang tên là Ochna harmandii, h. Lec; còn mai tứ quí lại có tên Ochna atropurpurea.

Vì sao có một loài lại có nhiều tên như thế. Đấy là do những nhà khoa học tìm ra một loài nào đó và họ tự xếp loại, mô tả theo cách riêng của họ. Và dĩ nhiên, để làm chuẩn chung, người ta sẽ căn cứ vào tên khoa học của một loài do người đầu tiên mô tả nó, hoặc căn cứ vào cái tên khoa học nào phổ biến hơn cả trên toàn thế giới.

 

2. Họ (family)

 

Họ là đơn vị lớn hơn chi (giống). Nói cách khác, các chi giống nhau nhất sẽ được xếp chung thành một họ. Thông thường trong một họ lại có nhiều nhóm giống nhau, do đó ta có thể phân họ thêm thành họ phụ (surfamily).

Tên của một họ cây thường được đặt từ tên chi + tiếp vĩ ngữ aceae. Thí dụ: chi Ochna  có họ là Ochnaceae; chi Musa có họ là Musaceae…Tuy nhiên, có một số họ khác không tuân theo qui tắc này. Lý do là những họ đó đã quá quen thuộc nên người ta muốn giữ lại. Thí dụ: họ Compositae, Cruciferae, Gramineae, Guttiferae, Labiatae, Leguminosae và Palmae…

 

C. Một số loài mai

 

Theo định nghĩa của chúng tôi, cây mai có nhiều chi và trong mỗi chi lại có một số loài. Trên thế giới có ít nhất là 50 loài mai, phân bổ rải rác ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Song chủ yếu tập trung ở châu Á và châu Phi. Phần lớn những chi mai vàng và một vài chi mai đỏ thuộc họ Ochnaceae. Còn những chi mai trắng, hồng hoặc mai đỏ lại nằm trong họ Apocynaceae và Rubiaceae. Chúng ta sẽ lần lượt tham khảo những chi mai này.

 

I.Mai vàng

 

Nhìn chung, mai vàng có nhiều chi và loài với tên khoa học khác nhau, tuy nhiên xét về hình thức hoa thì tương tự như nhau. Tất cả đều có màu vàng. Trong bài anh cho em mùa xuân, nhà thơ Kim Tuấn đã bay bổng với tình yêu và mai vàng:

 

Anh cho em mùa xuân

Nụ mai vàng mới nở

Chiều đông nào nhung nhớ

Đường lao xao lá đầy

Chân bước mòn hè phố

Mắt buồn vin ngọn cây

Anh cho em mùa xuân

Mùa xuân này tất cả

Lộc non vừa trảy lá

Lời thơ thương cõi đời

Bầy chim lùa vạt nắng

Trong khói chiều chơi vơi…

 

Mai vàng của Kim Tuấn là mai vàng thuần chất Việt Nam, còn trên thế giới hiện nay một số loài như sau: Ochna integerrima, Ochna integerrima (lour.) Merr, Ochna multiflora, Ochna serrulata, Ochna serrulata (hochst.) Walp. và Ochna thomasiana

Mỗi loài mai vàng có những nét đặc trưng riêng và người ta thường căn cứ vào sự khác biệt của lá, cánh hoa hay hương thơm để đặt tên cho chúng. Tùy theo loài mà chúng có cánh hoa lớn hay nhỏ, nhọn hay tròn, cánh dúm hay thẳng, có viền hay không viền cánh. Nhụy có thể thẳng hay cong hoặc lá cuốn hay thẳng. Màu lá cũng có nhiều sắc độ: xanh trong, xanh bóng, xanh sậm, xanh nhạt hay gần với màu trắng.

 

Có một điều đặc biệt cần lưu ý, những loài nêu trên có thể khác chi song lại rất có thể cùng một họ. Do chưa có tư liệu rõ ràng về từng loài nên chúng tôi tạm xếp chung vào mục "Mai vàng". Trong tương lai, nếu có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin chính xác hơn.

 

Khi đọc tài liệu nước ngoài, chúng tôi lại khá bất ngờ trước cách gọi cây mai vàng của một số nghiên cứu ngoại quốc, có người  gọi chúng là "cây chuột Mickey Việt Nam" (Vietnamese Mickey mouse plant). Theo chúng tôi, cách gọi này quá chung chung và cũng chưa thỏa đáng. Bởi vì mai vàng Nam bộ không thể giống (gương mặt) chuột Mickey được, chỉ có loại mai vàng sau khi nở hoa, cánh rụng đi hết còn những đài hoa màu đỏ gọi là mai tứ quí mới giống gương mặt đỏ mũi đen của chuột Mickey. Có lẽ do mai tứ quí cùng giống với mai vàng (Ochna integerrima) nên họ nhân tiện gộp chung và gọi như thế.

 

1.mai vàng việt nam

 

Đây là loài hoa mà ngày xưa thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết thường nhắc đến:

 

Muôn cánh mai vàng muôn cánh bướm

Tưng bừng yến tiệc nào làng hoa.

 

Mai vàng còn được gọi là lạp mai. Lạp có nghĩa là sáp ong, nó giống như màu vàng tươi thắm của hoa mai. Còn khi nhắc đến từ lạp nguyệt, người ta lại liên tưởng tới loài mai vàng, bởi vì lạp nguyệt là tháng chạp, mà mai vàng chỉ nở một lần trong năm vào cuối tháng chạp, tức tháng 12 Âm lịch. Giống cây mai vàng Nam bộ đặc trưng nhất là loại có hoa 5 cánh màu vàng. Tuy giống này mọc khá nhiều ở miền nam Việt Nam, song người ta còn thấy chúng phân bố ở một số nước Đông Nam Á.

Mai vàng là loài cây hoa  tiêu biểu trong ngày Tết ở miền nam Việt Nam. Chúng mọc từng cây riêng lẻ, đôi khi lại có dạng cây bụi. Chúng có tên khoa học là Ochna integerrima, họ ochnaceae.

 

Mai vàng là loại cây sống lâu năm, thân to xù xì, cành nhánh nhiều. Nếu uốn thử cành mai vàng ta sẽ thấy mềm mại hơn cành đào. Chúng có hoa màu vàng thơm thoang thoảng, mọc thành chùm trên cuống dài treo lơ lửng bên cành. Lá rụng vào mùa đông, hoa nở vào mùa xuân. Ta có thể trồng mai vàng ngoài vườn, trước sân nhà, trong bồn hay chậu đều được. Mai vàng dễ chăm sóc hơn đào. Chúng thích môi trường nhiều nắng và đất luôn ẩm, song phải dễ thoát nước. Nếu trồng mai vàng ở miền bắc, ta cần chú ý giúp chúng tránh mưa gió. Chúng có thể ra hoa chậm sau tết.

 

Tại Việt Nam, nơi có nhiều mai vàng nhất là những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn và các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẳng cho tới Khánh Hòa. Các vùng núi ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều loài hoa này, ở cao nguyên cũng có, song số lượng ít hơn. Mai vàng mọc hoang dã trong rừng gọi là "mai núi". Do phải chen chúc sống chung với những loài cây khác ở địa thế khắc nghiệt, mai núi buộc phải "vùng lên". Chính vì thế đôi khi ta bắt gặp những cây mai ấy có hình dáng lạ kỳ. Loài mai này có hoa khá nhiều cánh, khoảng từ 12 đến 18 cánh.

 

Ngày xưa, khi cha ông ta vào miền nam khai hoang lập nghiệp đã lấy cành của loài cây này chưng trong ngày Tết, thay thế cho cành đào phương bắc. Từ đó mai vàng có vị trí quan trọng hơn trong đời sống tâm linh người việt. Chúng trở thành loại cây cảnh nổi tiếng và rất đặc thù của miền nam.

 

Một loài mai vàng khác mọc ở triền cát, ở những khu rừng ven biển được gọi là "mai động". Loài mai này có thân suông, tròn, hoa trổ chi chít trên cành. Nếu chúng có hoa với 5 cánh nhỏ thì gọi đó "mai sẻ". Loài mai này rất sai hoa, rất thích hợp với câu thơ của Lưu Vũ Tích đời nhà Đường (Trung Quốc): "Mai hoa nhất dạ mãnh nam chi" (Hoa mai một đêm nở đầy cành phía nam). Mai động hay mai sẻ phân bố rải rác ở các tỉnh miền trung từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào miền nam, cho tới tận Đồng Nai và Tây Ninh…

Thông thường mai vàng có mùi hương rất khó nhận ra, do đó trong bài tụng của Hoàng Bá Hy Vân mới có câu: Tranh đắc hoa mai phốc tỷ hương (hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương), song ở nước ta lại có một loài mai khá đặc biệt, cánh hoa của nó có kích cỡ bình thường như mai vàng 5 cánh, nhưng hương thơm lại "đậm" hơn những loài mai khác nên người ta gọi chúng là "mai hương". Chúng còn có tên khác là "mai thơm" (thường được trồng ở Bến Tre) hay "mai ngự" (mọc khá nhiều ở Huế). Xin trích bài Mai hương của Hồng Mai Phi để bạn thưởng lãm:

 

Mai cành búp nở chào xuân

Hương vàng nắng tỏa từng cơn trên ngàn

Mai em có nhớ tiếng đàn

Hương thơm đừng chất phủ phàng theo mưa

Mai về anh nhớ năm xưa

Hương thầm quyện lối so vừa bước chân

Mai còn lắng đọng ngoài sân

Hương thơm lơ lửng chào xuân hoa vàng

Mai đây em có ngỡ ngàng

Hương thơm đọng lại bóng chàng yêu thơ

Mai em còn nhớ hay mơ

Hương ơi! Hãy nhớ vần thơ anh làm

Mai kia vẫn nở rộn ràng

Hương êm vẫn khép nép vàng dễ thương

Mai hoa còn khép mùi hương

Hương thơm đọng lại liễu nhường hoa mai.

 

Riêng loài mai có cánh hoa lớn kích cỡ bình thường người ta gọi nó là "mai châu" (đọc trại từ "trâu" thành "châu"). Loài mai có nụ hoa nhỏ, cánh dài và nhọn được gọi là "mai cánh nhọn". ở Thái Lan cũng có loài mai cánh nhọn, hình dáng hoa tương tự như loại mai vàng cánh nhọn Việt Nam song cánh lại dài hơn và nó có hoa màu trắng (cùng giống với mai chiếu thủy Việt Nam). Loài có 5 cánh tròn, khít bên nhau gọi là "mai cánh tròn". Riêng loài có cánh to, nhăn nheo như miếng giấy thấm nước thì người ta gọi nó là "mai cánh dúm".

 

Xét về góc độ sai hoa, ngoài mai sẻ, chắc chắn ta cũng cần phải nhắc đến "mai chùm gửi". Loài này có thân cứng, trên cành mọc lên những khối u, chung quanh khối u đâm ra rất nhiều tược non và từ đó nụ hoa mọc khá dầy. Khi nở những đóa hoa san sát vào nhau tạo thành một bó rất đẹp. Người ta còn gọi loài này là "mai tỳ bà" hay "mai vương". Còn loài mai rừng có thân màu nâu, lá to xanh bóng, có răng cưa ở viền lá, hoa màu vàng, mọc thành chùm theo hình chủy nên người ta gọi nó là "mai chủy". Loài có thân nhỏ, cành giòn, lá xanh bóng hình oval có răng cưa, hoa màu vàng nhạt mọc rất nhiều ở rừng cà ná được đặt tên là "mai rừng cà ná". Một loài mai hoang dã khác cũng khá đặc biệt, phân bố rải rác ở vùng núi vĩnh hảo. Nó có thân cứng, cành nhỏ giòn, hoa vàng từ 10 đến 16 cánh thẳng. Loài mai này nặng khoảng gấp rưởi loại mai vàng bình thường, được gọi là "mai đá" (có lẽ cái tên xuất phát từ thành ngữ "nặng như đá").

 

Ngày nay, các nghệ nhân đã có công lai tạo, tháp ghép và nhân giống nên có nhiều loại mai vàng mới xuất hiện, hình dáng hoa rất lạ và đẹp. Màu hoa tỏ ra khá phong phú: từ vàng nhạt, vàng mơ, vàng chanh cho đến vàng tươi; từ vàng nghệ, vàng thau, vàng cam cho đến vàng sậm…và cũng từ cách căn cứ màu sắc hoa nên người ta đặt tên cho chúng là "mai kem, mai nghệ, mai thau hay mai cam v.v.".

 

Ngoài ra, trên cùng một cánh hoa cũng có sự thay đổi sắc độ khác nhau, có loại cánh màu vàng nhạt nhưng chung quanh viền cánh lại màu vàng sậm, có loại cánh vàng viền đỏ hay viền trắng. Đặc biệt nhất là loại có mặt ngoài cánh màu đỏ, mặt trong màu vàng.

Cây ra hoa cũng có số lượng cánh khác nhau. Lúc đầu giới mộ điệu tỏ ra thích thú trước loại mai giảo 12 cánh của những nghệ nhân ở Thủ Đức và Bến Tre. Song bây giờ họ không còn lạ nữa, bởi vì nhiều loại mai vàng đa cánh khác đã được trình làng, tỏ ra chiếm ưu thế hơn bởi sự độc đáo của số lượng và tầng cánh (thường là 3-4 tầng cánh trở lên). Trong đó phải kể đến mai Huỳnh Tỷ 24 cánh, mai Chín Đợi 24 cánh, mai cúc Thủ Đức 24 cánh và mai Gò Đen 48 cánh…; tuy nhiên số lượng cánh hoa không chỉ giới hạn ở mức độ đó, ngày nay đã có những loài mai vàng đã được một số nghệ nhân đưa lên tầm cao mới với số lượng cánh rất khó tin: mai Thủ Đức 80 cánh hay mai Bến Tre 120 cánh, thậm chí 150 cánh…

 

3. Mai vàng campuchia

 

Loài mai này có tên khoa học là Ochna integerrima (lour.) Merr., họ Ochnaceae. Hoa thường có 5 đến 9 cánh, khi nở mãn khai những cánh hoa úp ngược về phía cuống. Màu hoa hơi vàng tái. Loài này còn được tìm thấy ở Việt Nam với tên khoa học là Ochna integerrima Merr., họ Ochnaceae. Chúng là loài cây hoang dã mọc trong rừng ở miền nam và miền trung, phân bố từ nơi khô cằn cát nóng cho tới chỗ ven sông râm mát. Chúng thuộc dạng cây gỗ, nhánh gầy mảnh và dài, lá dơn màu xanh nhạt bóng, mọc thưa trên cành. Mép là có răng cưa nhỏ. Hoa mọc thành chùm ở nách lá. Cuống hoa ngắn, đài hoa xanh bóng không che kín nụ.

Nhìn chung, loài này ở Campuchia hay Việt Nam đều đã được nâng cấp số lượng cánh lên rất nhiều. Ngày nay người ta có thể nhìn thấy loài này có hoa 40 cánh trở lên. Và không chỉ có màu vàng, mà còn có thêm màu trắng hoặc màu đỏ. Do đó người ta thường sử dụng chúng làm cây cảnh, chưng vào dịp Tết Nguyên đán.

 

4. Mai vàng Nam Phi

 

Hiện nay người ta nhận thấy có khoảng 12 loài mai vàng thuộc chi Ochna phân bố rải rác khắp Nam Phi, bao gồm dạng cây lẻ và cây bụi. Song phổ biến nhất là những loài mai vàng có tên khoa học: Ochna pretoriensis (magalies plane) và Ochna pulchra (peeling plane). Hai loài này xuất hiện rộng khắp những vùng đồi thuộc Koppie. Chúng có hoa màu vàng.

 

Loài Ochna pulchra cao khoảng 7 m, vỏ cây thường bị tróc ra, lá dễ rụng. Chúng mọc hoang dã trong rừng, vỏ cây màu xám nhạt, xù xì ở phần gốc. ở phần trên thân cây vỏ bị tróc lộ ra màu trắng kem nhạt. Gỗ cây ít được sử dụng vì giòn và dễ gãy. Loài này có hai loại: hoa màu vàng và màu hồng. Tương truyền rằng chỉ cần mang một phần rễ của loài Ochna pulchra đi theo, người thợ săn sẽ có được nhiều may mắn trong lúc đi săn. Có một điều lạ là, người ta bảo trong cây có chất dầu độc, song một số hãng mỹ phẩm ở nước này lại chiết xuất chất dầu đó để sử dụng cho tóc.

 

Ở Nam Phi còn có một số loài mai vàng khác, có tên khoa học là Ochna serrulata, Ochna multiflora  và Ochna tropurpurea. Tất cả đều thuộc họ Ochnaceae. Người nước ngoài gọi chúng là  Mickey mouse plant, bird's eye bush, small-leaved plane và carnival bush. Những loài này có màu hoa khó xếp loại chúng vào nhóm mai vàng hay mai đỏ, bởi vì có một số loài mai vàng về sau rụng cánh còn lại đài hoa đỏ nên có thể gọi chúng là mai đỏ. Nói chính xác, chúng khá giống với mai tứ quí việt nam, cũng có tên là "chuột mickey". Hoa thu hút nhiều ong và bướm. Khi trái chín, chim chóc thường kéo đến ăn trái. Do đó, chúng tôi mạn phép xếp những loài mai vàng này vào mục mai đỏ (sẽ trình bày ở phần sau).

 

5. Mai vàng Miến Điện

 

Ở đất nước này, có những loài mai vàng giống như ở Nam Phi (Ochna serrulata). Hình thức hoa có khác đôi chút ở chỗ cánh bẹt hoặc có bầu noãn đỏ tồn tại khá lâu trước khi hoa rụng.

 

6. Mai vàng Indonesia

 

Những loài mai này có tên khoa học là Ochna kirkii oliv., Ochna serrulata (hochst.) Walp. và Ochna serrulata. Chúng đều có nguồn gốc ở Nam Phi, tuy nhiên "ngoại hình" lớn hơn. Có loài hoa nở vào mùa xuân và mùa hè hoặc nở quanh năm.

 

7. Mai vàng châu Phi

 

Người ta bắt gặp một loài mai phân bố rải rác khắp những nước nhiệt đới ở châu phi. Chúng cũng có 5 cánh màu vàng như ở việt nam, song lại khác tên khoa học. Đó là loài ochna thomasiana, thuộc dạng cây bụi. Lá hình oval, đầu lá bén, dài khoảng 10 cm. Hoa nở rộ trên cành vào mùa xuân, song đôi khi cũng nở bất chợt vào mùa hè với số lượng hoa ít hơn. Cánh hoa màu vàng, dài khoảng 2 cm. Đài hoa bung rộng ra và trở thành màu đỏ tía bên trong có trái non màu xanh, khi già màu đen. Những người nước ngoài nhìn hoa của loài mai này, họ tưởng tượng như gương mặt của chuột mickey hay mắt chim, do đó họ mới đặt tên cho chúng là Mickey mouse bush và bird's eye bush.

 

8. Mai vàng Madagascar

 

Loài mai này có 5 cánh tròn, dúm, giống như mai cánh dúm của Việt Nam. Lá dài và rủ xuống từng chùm. Chúng có tên khoa học là Ochna greveanum.

 

Họ Ochnaceae

 

Họ này chủ yếu là những chi cây riêng lẻ, song cũng có một số thuộc chi cây bụi và một vài chi thuộc loại thảo mộc. Các chi cây thuộc họ Ochnaceae được tìm thấy ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới (châu Phi, châu Á và châu Mỹ). Song nhiều nhất là ở những nước Đông Nam Á. Họ Ochnaceae có khoảng 53 chi và 600 loài, thuộc bộ Malpighiales, lớp Magnoliopsida, ngành Magnoliophyta.

 

I. Miêu tả

 

Lá của tất cả những cây trong họ Ochnaceae đều có cuống, đôi khi lại khá dai (như lá của những cây thuộc chi Ochna).  Phần lớn đều là lá đơn, mọc liên tiếp ở hai bên cuống. Tuy nhiên cũng có loại lá mọc thành chùm, hình chủy hay hình lông chim (rất hiếm). Lá có hình lông chim là đặc trưng của  chi Godoya. Những loài cây thuộc họ ochnaceae đều có cơ quan sinh dục đực lẫn cái.

 

II. Những họ phụ (subfamily)

 

A. Ochnoideae

 

Họ phụ này có đặc tính chung là không có nội nhũ (endosperm) trong hạt, có bốn nhóm chính:

1/ Nhóm Elvasieae gồm có:

- Chi Elvasia ( Hostmannia, Trichovaselia hay Vaselia).

2/ Nhóm Lophireae (đôi khi đứng một mình với họ riêng là Lophiraceae).

3/Nhóm Ochneae  gồm có:

- Chi Ochna và Diporidium.

4/ Nhóm Ourateeae gồm có:

- Chi Ouratea và Kaieteuria.

 

B. Luxemburgoideae

 

Họ phụ này cũng có đặc tính là không có nội nhũ trong hạt.

Nhóm Euthemideae gồm có:

- Chi Euthemis

- Chi Gomphia (Campylospermum, Idertia, Rhabdophyllum)

Nhóm Luxernburgieae gồm có:

- Chi Godoya.

- Chi Luxemburgia (Charidion, Hilairella, Epiblepharis, Periblepharis, Plectanthera).

- Chi Philacra.

 -Nhóm Sauvagesia (Neckia, Leitgebia, Lavradia, Pentaspatella, Roraimanthus, Vausagesia ). Riêng chi Vausagesia đôi khi được xếp vào nhóm Sauvagesieae.

-Nhóm Schuurmansia. 

- Nhóm Wallacea.

Những chi khác thuộc họ Ochnaceae: Adenarake, Blastemanthus, Brackenridgea (also Pleuroridgea), Cespedesia (còn gọi là Fournieria), Fleurydora, Indosinia (còn gọi là Distephania or Indovethia), Lophira, Krukoviella (còn gọi là Planchonella), Perissocarpa, Poecilandra, Rhytidanthera, Schuurmansia, Schuurmansiella , Sinia, Testulea, Tyleria (còn gọi là Adenanthe).

 

II. Mai đỏ

Mai đỏ có một số chi khác nhau song hình thức về hoa thì tương tự hay ít nhất cũng có màu đỏ. Tùy theo chi và loài, mai đỏ cao từ 2 đến 8 m và nở hoa quanh năm. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, mai đỏ gồm có những loài như sau: Ochna integerrima, Ochna serrulata, Ochna multiflora, Ochna thomasiana, Ochna mossambicensis, Jatropha pandurifolia, Jatropha integerrimaWrightia dubia. Như vậy, xét về chi thì mai đỏ cũng có một số loài cùng chi với mai vàng là Ochna, chỉ có chi Jatropha và Wrighita là khác.

 

1. Mai tứ quí Việt Nam

 

Có tên khoa học là Ochna integerrima, họ Ochnaceae. Đây là một loài mai vàng sau khi ra hoa cánh màu vàng rụng hết còn lại những đài hoa màu đỏ giống như cánh và có trái bên trong. Lúc còn non trái màu xanh, đến khi chín trái chuyển sang màu đen. Tùy theo loài mỗi đóa hoa sẽ có số lượng trái từ 1 đến 6.

Mai tứ quí Việt Nam còn được gọi là Nhị độ mai. Nó cao khoảng 2-3 m, còn những loài mai tứ quí khác ở Thái Lan và một số nước khác thuộc châu Á thì có thể cao đến 8m, hoa có đường kính khoảng 4cm, cánh hoa màu đỏ và thường có hai tầng cánh, trái  non màu xanh, trái già màu đen. Cây ra hoa từ tháng 2 đến tháng 5 Dương lịch, có trái từ tháng 4 đến tháng 6. Người ta có thể nhân giống mai đỏ bằng hạt, chiết cành hoặc giâm cành. 

 

Người nước ngoài gọi mai tứ quí Việt Nam là " Mickey mouse ", bởi vì hình dáng của những cánh hoa đỏ với hạt đen bên trong khiến họ liên tưởng đến gương mặt của chuột Mickey. Tuy nhiên chúng không có hai tầng cánh. Lá màu xanh đậm. Chúng sống trong môi trường có độ ẩm vừa phải, đất nhiều mùn và có ánh sáng từ 30 đến 50%.

 

2. Mai tứ quí Thái Lan

Cùng tên khoa học và cùng họ với mai tứ quí Việt Nam, tuy nhiên mỗi hoa thường có 6 trái màu đen. Loài này có lá không to lắm. Cây cao từ 2 m trở lên. Hoa cũng nở quanh năm. 

 

2. Nhất chi mai Việt Nam

 

Mãn Giác thiền sư có bài thơ rất nổi tiếng khi nhắc đến loài mai này:

 

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thiện lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

 

Ngô Tất Tố dịch :

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai.

 

Nhất chi mai còn là nguồn cảm hứng cho những văn nhân thi sĩ khắp nơi, và dường như mai thường đi chung với ái tình. Có một bài thơ khuyết danh đã diễn đạt sâu sắc cái tận cùng nhớ nhung của kẻ đang yêu: 

 

Vị tình lai ký nhất chi mai

Ký nhất chi mai hữ biệt hoài

Hữu biệt hoài chi mai nhất ký

Chi mai nhất ký vị tình lai

Diễn nghĩa :

Vì tình ai gửi lại một cành mai

Gửi lại cành mai xa nhớ hoài

Xa nhớ hoài cành mai gửi lại

Cành mai gửi lại vì tình ai

 

Nhất chi mai có tên khoa học là Jatropha pandurifolia, họ Euphocbiaceae. Loài mai này có thân to. Đường kính lá khá lớn, đầu lá hơi nhọn. Hoa có năm cánh màu đỏ, trái bằng đầu ngón tay.

 

Người ta có thể trồng nhất chi mai bằng hạt hay giâm cành đều được. Loài này thích hợp với khí hậu và môi trường đất ở nam bộ, trồng chậu làm kiểng bonsai hay làm hàng rào đều có tính thẩm mỹ cao.

 

2. Mai đỏ Thái Lan

Ở Thái Lan ngoài mai tứ quí ta còn gặp hai loài mai đỏ khác là Ochna multiflora ( hoa giống như mai tứ quí Việt Nam) và Wrightia dubia (hoa rất lạ, tuy có 5 cánh song nhụy lại nằm sâu bên trong lỗ tròn giữa những cánh hoa. Loài này nằm chung với những loài mai khác của thái lan nên chúng tôi giới thiệu với các bạn, song cũng không dám tin rằng đây là một loài mai!).

 

3. Mai đỏ Cuba

 

Ở Cuba có vài loài mai đỏ tương tự như mai tứ quí Việt Nam, chúng có tên khoa học là Jatropha integerrima, Jatropha hastataJatropha curcas. Những loài này thuộc họ Euphorbiaceae. Chúng còn có tên thông thường là spicy jatropha, coral plant, peregrina và physic nut.

 

Mai đỏ Cuba là những loài cây cảnh nhỏ, thuộc dạng cây riêng lẻ hoặc cây bụi. Chúng cao khoảng 3 m trở lên, cành nhánh thường thưa thớt. Lá màu xanh nhạt, hoa nhỏ mọc thành chùm lớn, có màu đỏ tươi hoặc màu hồng với cuống hoa màu đỏ, thu hút bướm và chim tìm đến.

 

Những loài này dùng để trồng chậu rất đẹp, song cũng có thể trồng ở sân vườn nhỏ như một loại cây làm viền cho vườn hoa. Chúng thích nghi với nơi có ánh nắng đầy đủ hoặc ánh nắng từng phần và đất rút nước tốt. Người ta có thể nhân giống những loài mai đỏ này bằng cách giâm cành hoặc gieo bằng hạt. Khi gieo hạt sẽ nẩy mầm dễ dàng, do đó có thể nhân giống với số lượng lớn. Mỗi tuần cần tưới cây khoảng 3 đến 5 lần. Cây có thể thích nghi với khí hậu ở bờ biển, chịu được nước mặn.

 

Còn tiếp.

Vương Trung Hiếu
Số lần đọc: 5915
Ngày đăng: 20.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày Tết Tản Mạn Về Văn Hoá Gia Dụng - Trương Quang Cảm
Nhất Chi Mai - Chất Người Muôn Thuở - Phan Trang Hy
Huế của vườn xưa - Tôn Nữ Giáng Tiên
Nhà Thơ Yến Lan, Sáng Ngời Một Nhân Cách… - Trần Minh Nguyệt
Tha thứ hay không tha thứ - Vũ Ngọc Anh
Lặng Lẽ Với Mùa Xuân… - Mang Viên Long
Nguyễn Hiến Lê: Dạy Và Tự Học (*) - Vương Trung Hiếu
Al-Assad sẽ phải chết giữa những đống phân lạc đà! - Khuất Đẩu
Chợ hoa và Tết bình dị - Vĩnh Thông
Cuộc chuyện trò của những cây chùm gửi - Vũ Ngọc Anh
Cùng một tác giả