Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.125
123.228.328
 
Chiên và Lừa /Cám ơn em và những bài hát cũ
Nguyễn Thành Nhân

Chiên và Lừa

 


Mấy hôm nay tâm hồn tôi vô cùng xáo động. Tôi vẫn cho là khi người ta đã quá mệt mỏi chán chường với những bon chen xô lấn, những giả thật đan xen, người ta chỉ còn muốn có một khoảnh khắc ngắn ngủi, hiếm hoi, và tìm lại chút không gian để thở, để hít sâu... một mùi hương cỏ dại.

 

Ai mà biết có thể trong hơi thở ấy, trong cố gắng có thể là lần cuối ấy, có phải hồn người chỉ muốn tìm lại một làn hương cũ xa xưa, như mùi dạ lý hương trong nỗi nhớ của anh Trần Kiêu Bạc hay chăng?

 

Lúc nãy, chúng tôi, đôi ba người "đầu thai lầm thế kỷ", đã rất ngu ngốc khi sa vào bàn luận chuyện thế sự thăng  trầm, chuyện quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách... Ôi đã có bao nhiêu là lời tan hoang rỗng tuếch, khi người ta nói về điều mình rất đỗi quan tâm nhưng cảm thấy lực bất tòng tâm.

 

Tôi nhớ tôi đã huênh hoang khoác lác, rằng vận mệnh dân tộc, quốc gia thế này thế khác, khi người đang lãnh đạo quốc gia là thế này thế khác. Tôi nhớ, và tôi muốn ghi lại ở đây. Vì nếu tôi không nhớ, nếu men rượu chỉ làm tôi buồn ngủ, tôi đúng là một con cừu ngu ngốc. 

Chuyện ngụ ngôn đơn giản thế này: Một đàn cừu, toàn một đám ngây thơ, ngoan ngoãn. Cừu thì thèm cỏ. Cỏ non ngậm sương mềm. Nhưng những con chó chăn cừu, và cả thằng chăn cừu khốn kiếp, đã xua đàn cừu đi xa bãi cỏ an bình, vì nó (thằng chăn cừu khốn kiếp) và lũ chó chăn cừu, chỉ muốn được hưởng những khúc xương còn dính nhiều thịt của Thằng chủ trại. Rốt cục, đàn cừu nhịn đói. Cỏ non chỉ còn trong những giấc mơ cừu, Chỉ thằng chăn cừu và mấy con chó chăn cừu vớ bẩm!

 

Chuyện ngụ ngôn cũng kể tiếp: Có một thằng chăn lừa. Lẽ dĩ nhiên, kèm theo nó là một bầy chó chăn lừa. Thằng chăn lừa nầy học hỏi kinh nghiệm của những thằng đàn anh chăn cừu của nó. Bao nhiêu bài bản đàn anh truyền thụ, thằng chăn lừa này nghiêm túc tiếp thu. Than ôi, lừa không phải là cừu. Lừa vẫn ngu như lừa. Nhưng lừa có tinh thần phản kháng, và chỉ cần có một con lừa già châm lửa bất bình, đàn lừa có thể biến thành một lũ lừa cuồng nộ. Hậu quả xa xôi thì hồi sau phân giải. Hậu quả nhãn tiền là thằng chăn lừa và những con chó chăn lừa bị dẫm nát dưới những móng chân lừa.

 

8-2011

 

 

Cám ơn em và những bài hát cũ


Ngày tháng qua mau. Những dòng kinh trong xanh tuổi thơ tôi giờ đã bị lấp đầy hay trở thành những con mương ngập ngụa bùn đen. Đất trời xưa không còn nữa. Nhưng hồn xưa, với những rung động nhỏ nhoi, tưởng chừng đã tắt, đêm nay bỗng lại run lên.

 

Tôi không biết mình có chơi đùa quá nhiều với cuộc đời này không nữa.

Tuổi mới lớn, tôi đùa với súng đạn... Và đã biết ngậm ngùi với trò chơi đầu đời, khi tôi đau đớn ghi vào nhật ký: "...Như là một trò chơi, nhưng là một trò chơi mất mát quá nhiều..."

Sống sót trở về. Tên cường đạo lau kiếm .(*) Tôi muốn trở lại làm một người nhỏ bé, bình thường. Nhưng hình như cuộc đời nó không muốn ngưng cuộc chơi khắc nghiệt đó với tôi. Hoặc là sâu trong lòng tôi vẫn còn vấn vương nhớ tiếc những cuộc chơi nhuộm màu mạo hiểm... Tôi đi, con chim xa tổ mấy năm và vừa quay về chưa đầy một năm lại muốn tung cánh trong gió bão. Tôi đăng ký đi thanh niên xung phong, lên Đắc Nông để được sống lại nếp sống phong trần giữa rừng xanh núi đỏ. Để tiếp tục một cuộc chơi.

 

Tôi còn nhớ mãi giây phút đó, khi tôi xách cái ba lô còn lỗ chỗ những vết đạn xuyên qua chào từ giã má tôi. Lòng trí tôi dửng dưng, không bịn rịn. Nhưng tôi chợt xót xa khi má khóc. Không khóc òa mà chỉ rưng rưng.

"Con lại đi nữa hay sao?!"

 

 

Tôi xót xa vì tôi đã cố sống, cố làm một con người để ở lại thành phố, ở gần gia đình mà không được. Ngày tôi vào làm tạp vụ ở Khách sạn Cửu Long, nơi má tôi cũng đang làm nhân viên tạp vụ, tôi đã biết ngay trong một tiếng đầu tiên rằng tôi sẽ phải bỏ việc. Phải ra đi. Cái không khí giả tạo, cái cách thức sống đó không chút phù hợp với tôi. Tôi nhớ người quản lý tầng 5 khách sạn khi đó nhắc nhở tôi khi tôi ăn điểm tâm sáng - những lát bánh mì và mấy miếng pho mát đắng:"'Em phải kiếm một chỗ kín đáo mà ăn..."

 

Tôi không hiểu. Tôi không ăn cắp những thứ thức ăn đó, mà người ta đưa nó cho tôi và bảo tôi ăn. Thì tôi ăn. Tôi mang đĩa bánh mì pho mát đó đặt lên bàn. Và ngồi ăn. Bình thường. Từ tốn. Công khai.

 

Tại sao phải tìm một chỗ kín đáo mà ăn? Bây giờ thì tôi hiểu. Nhưng nguyên do dù có chính đáng cỡ nào, lúc đó nó vẫn giống như một xô nước ô nhục mà người ta hất vào mặt của tôi. Tôi làm ở KS Cửu Long đúng một ngày. Và xin nghỉ. Từ đó là một chuỗi ngày đau khổ. Làm phụ hồ, làm bất cứ việc gì lương thiện để kiếm tiền. Nhưng luôn bị chà đạp bởi những anh cai thầu, những anh chủ không hiểu biết. Có lẽ vì tôi lạ quá, khác người quá. Hay cũng có lẽ vì tôi chỉ muốn đứng thẳng làm người trong khi có nhiều người sẵn sàng cúi lưng làm trâu chó. Một thời quá buồn và quá xót xa. Nhưng nó dạy cho tôi một bài học: "Không nhân nhượng trước lẽ phải của số đông!"

 

Vì những lẽ đó, tôi đi. Nhưng rừng thì vẫn xanh ngát, hoang dã, nồng nàn, mà con người thì không phải những con người trong trí tưởng của tôi. Tôi vẫn yêu màu áo TNXP từ thuở mới lớn, qua những khúc hát, bài thơ... Có lẽ trước đó những điều đó có thật. Nhưng những ngày tôi sống ở Đắc Nông, tôi chỉ găp những thanh niên trốn lính, những giành giật, đấu đá, tranh nhau từng công điểm, tìm cách chơi xấu hạ bệ nhau... Không phải không có những người tốt trong số đó. Nhưng những người tốt quá ít oi, là thiểu số, và họ chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng cho qua. Tôi không biết nhịn nhục. Và có một thứ khác nặng nề hơn cả những con người, đã khiến tôi phải quay về thành phố, thân tàn ma dại, phải nương tựa vào cha mẹ trong hoàn cảnh khốn cùng: sốt rét rừng tái phát, và ở đơn vị không có thuốc.

 

Bấy lâu nay, tôi vẫn chơi trò trốn tìm với đời tôi, với tình yêu, với tất cả mọi thứ trên đời. Có lẽ tâm hồn tôi đã bị ám ảnh quá đậm sâu bởi hai câu thơ của thi hào Lý Bạch: “Thế sự nhược đại mộng. Hồ vi lao kỳ sinh” Tôi chơi mà không còn hứng thú. Chơi để mà chơi vì chẳng còn biết phải làm gì. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi. Chính trị đảo điên. Thời sự biến thiên hay lặp đi lặp lại một vòng xoắn ốc. Tôi không tham gia trò chơi lớn đó của mọi người. Tôi chỉ chơi trò chơi của riêng tôi. Từ khi tôi nhận ra mình là một con người – hạt bụi….

Lúc nãy, bé Khánh hát những bài hát gợi cho tôi nhớ tuổi đôi mươi. Và những gương mặt xưa bỗng chợt quay về trong khoảnh khắc. Tôi yêu những khoảnh khắc! Tôi biết cuộc đời là con số cộng của rất nhiều khoảnh khắc. Và những khoảnh khắc làm lòng ta xúc động, là những quà tặng vô giá của cuộc đời này.

 

Nghĩa hát bài gì đó, tôi không nhớ tên, nhưng em trêu tôi hay thật, tôi cũng không biết nữa, bài hát gì mà câu cuối là ...."em chỉ yêu một người là anh thôi." Nghĩa thay chữ "anh" bằng chữ N.. Lặp lại mấy lần. Và tôi biết tim tôi đang run rẩy. Quả tim của một người lẻ loi, lạnh lùng, có khi ác độc, bỗng chợt run lên vì một lý do quá mơ hồ.

 

Và những người bạn khác của tôi. Những người bạn đã sắp bước tới tuổi 50. Bạn và tôi, chúng ta đã già rồi, hoặc nói thật chính xác thì đang tập tễnh bước vào lứa tuổi gió heo may. Nhưng đêm nay các bạn và tôi, tất cả trôi ngược về một thời xa lắc. Những bài hát. Những bài hát mà một thời chúng ta yêu thích, chúng đã gắn chặt vào lòng tôi, lòng bạn. Chúng đã trở thành một phần dĩ vãng. Và đêm nay chúng hồi sinh.

 

Cám ơn những bài hát. Và cám ơn Lan Anh, Thu, Tuyết, Trang, Khánh, Nghĩa, Hoàng, Trường, Hội, những người bạn của tôi.

 

21/8/2011

Nguyễn Thành Nhân
Số lần đọc: 2049
Ngày đăng: 20.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày Tết Tản Mạn Về Văn Hoá Gia Dụng - Trương Quang Cảm
Nhất Chi Mai - Chất Người Muôn Thuở - Phan Trang Hy
Huế của vườn xưa - Tôn Nữ Giáng Tiên
Nhà Thơ Yến Lan, Sáng Ngời Một Nhân Cách… - Trần Minh Nguyệt
Tha thứ hay không tha thứ - Vũ Ngọc Anh
Lặng Lẽ Với Mùa Xuân… - Mang Viên Long
Nguyễn Hiến Lê: Dạy Và Tự Học (*) - Vương Trung Hiếu
Al-Assad sẽ phải chết giữa những đống phân lạc đà! - Khuất Đẩu
Chợ hoa và Tết bình dị - Vĩnh Thông
Cuộc chuyện trò của những cây chùm gửi - Vũ Ngọc Anh
Cùng một tác giả
Chiều quê (âm nhạc)
Nhớ mẹ (âm nhạc)
Chờ em online (âm nhạc)
Mùa yêu (tạp văn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Lục bình (truyện ngắn)
Xa vắng (truyện ngắn)
Tập tầm vông (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Đất mẹ (âm nhạc)
Khúc sonate đêm trăng (truyện ngắn)
Mùa xa nhà (truyện dài)
Bán trâu (truyện ngắn)
Lạnh (tạp văn)
Thuyền và lái (đối thoại)
Dưới Ánh Sao Thu (truyện dài)
Ba đồng vàng 1 (tiểu luận)
Mrs. Dalloway (tiểu luận)