Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.207.818
 
Cỏ sẽ lên xanh
Nguyễn Thị Hậu

Văn phòng của tôi trên lầu cao nhìn ra con đường có hai hàng cây dầu cao vút lúc nào cũng tấp nập xe cộ, trên vòm cao thi thỏang vút lên một bóng chim nhỏ nhoi… Ngày nắng gắt mà gió vẫn rạo rực. Có những buổi lu bu công việc ngồi lỳ trong phòng, đến trưa hay chiều mới bước chân ra ngòai. Ở đầu hành lang có kê một chiếc bàn với hai băng ghế dài màu trắng nổi bật trên nền lá xanh ngăn ngắt. Ngồi đây nhìn ra ngòai kia khi thì thấy bóng nắng lốm đốm trên những chiếc lá, lúc chợt nhận ra một vệt nắng vàng rực trên bãi cỏ nho nhỏ ở góc sân vườn.

 

Góc nhỏ này vô cùng thân thuộc với tôi. Mỗi sáng ngồi đây với ly cà phê cho sự tỉnh táo một ngày mới, mỗi chiều ngồi đây với bình trà đậm tôi có thể tạm quên đi mệt mỏi, đôi khi là sự bức bối, là tâm trạng không mấy tích cực nảy sinh trong công việc. Chỉ cần nhìn bầu trời xanh qua từng kẽ lá, ngắm những cánh hoa dầu xoay xoay  trong gió như đang bay bổng điệu luân vũ, lòng bỗng bình yên nhẹ nhõm lạ thường.

 

Mấy bữa nay đường phố dưới kia đông hơn, xe hơi xe máy nối đuôi nhau từ sáng đến tối. Những giỏ quà nhiều màu sắc trên xe máy, trong xe hơi báo hiệu tết đang đến gần. Qua rằm tháng chạp, chị tạp vụ trong cơ quan chăm chú tỉa tót mấy chậu bông rồi lặt lá cây mai lão trong vườn… mỗi sáng se lạnh hơi gió chướng đang về…

 

Cuối năm họp hành liên miên. Sáng nay nhìn xuống sân vườn dường như thấy thiếu vắng gì đó…A, cỏ, vạt cỏ xanh bên hồ nước đâu rồi sao còn trơ đất? Hỏi chị tạp vụ, chị hồn nhiên kể, mấy bữa trước công nhân tới cắt cành mé nhánh hàng cây ngòai đường, sẵn nhờ họ cắt tỉa cây đa trong sân cho gọn gàng, bỏ những rễ khô cành chết để cây đa ra mầm lá mới, họ tới lui cưa kéo cành cây làm sao mà đám cỏ giập nát héo queo, em phải xới đất nhổ đi hết...

 

Bần thần. Người ta biết chăm sóc gìn giữ một cây lớn mà sao lại dẫm đạp lên đám cỏ nhỏ nhoi. Có ai biết cỏ cũng đau không… Chưa kịp nói gì thì chị tạp vụ xởi lởi, em tính chiều đi mua mấy vạt cỏ về trồng lại, đất em xới kỹ rồi, mùa này mát chắc cỏ sẽ lên nhanh lắm. Qua Tết chị vô làm là cỏ lại xanh thôi mà.

Ừ. Xuân đang về. Cỏ sẽ lên xanh …

 

Tiếc nuối cuối năm

 

Những ngày cuối năm công việc bề bộn không dứt. Sài Gòn chợt có những ngày mát mẻ như chớm đông miền Bắc làm lòng người thêm bâng khuâng… ai cũng có chút tiếc nuối khi một năm lại qua một năm sắp tới, dẫu thành công hay còn chưa đạt được những gì mong muốn.

 

Chiều đi ngang bến Bạch Đằng thấy trống trải thiêu thiếu một cái gì đó… A phải rồi, phà Thủ Thiêm đã ngừng hoạt động hơn nửa tháng nay. Còn nhớ ngày thứ bảy 31 tháng 12 năm 2011 đi làm về thấy hai con gái có gì buồn buồn. Gặng hỏi, con gái nói: tụi con ra bến Thủ Thiêm, hôm nay là chuyến phà cuối cùng mẹ ạ… Rồi chúng cho tôi xem những bức hình chụp con phà đang rời bến phía Sài Gòn, ra giữa sông rồi cặp bến phía Thủ Thiêm. Gương mặt hành khách, gương mặt những người làm việc trên phà đều lặng lẽ… Nhiều người dân Sài Gòn cũng đến bến Thủ Thiêm để chia tay với quá khứ gần trăm năm của những chuyến phà cũng như trước đây đã từng chia tay với những “con  đò Thủ Thiêm” qua lại trên sông này hàng trăm năm.

 

Bây giờ nối đôi bờ sông Sài Gòn từ quận Nhất qua bán đảo Thủ Thiêm đã có đường hầm dưới lòng sông, mai mốt còn có thêm những chiếc cầu hiện đại nữa. Từ “con đò Thủ Thiêm” đến chuyến phà Thủ Thiêm, rồi đường hầm rồi cầu… thành phố lớn lên rộng ra từng ngày. Thành phố càng hiện đại ký ức quá khứ  bằng vật chất ngày càng nhạt nhòa… may chăng chỉ còn những tên gọi, địa danh gợi nhớ một thủa có những chuyến đò, chuyến phà qua sông. Những cây cầu mới qua sông Tiền sông Hậu như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu… ai đi qua đó mà không nhớ những bến phà nổi tiếng một thời ở miền Tây Nam bộ? 

 

 

Trên sông Sài Gòn giờ đây bến phà Thủ Thiêm không còn, đường hầm thay thế cũng không mang tên “hầm Thủ Thiêm” như vẫn quen gọi từ khi khởi công đến ngày hoàn thành (1). Nhắc đến hầm Thủ Thiêm thì ai ai cũng hiểu đó là công trình kết nối khu nội thành hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm, biểu tượng của  tương lai thành phố. “Thủ Thiêm” không chỉ là một địa danh mà còn có ý nghĩa như thế.

 

“Bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”

 

Câu ca dao quen thuộc giờ còn ai nhớ đến khi vùng Thủ Thiêm với làng quê dọc ngang kinh rạch giờ đã giải tỏa gần hết. Bên bờ phía sài Gòn mấy ai còn nhớ đến Cột cờ Thủ Ngữ ngay gần bến phà Thủ Thiêm? Mai này thành phố sẽ có cầu qua sông Nhà Bè thay cho phà Bình Khánh, sẽ còn nhiều cây cầu thay thế những chuyến phà, những bến đò qua những con sông, rạch, tắt…

 

Đừng xóa bỏ tên những bến đò, bến phà, tên những dòng sông con rạch mà thay bằng những tên gọi ra đời từ văn bản “hành chính”. Dấu tích vật chất có thể bị phá bỏ, làm mất đi nhưng địa danh dân gian không dễ biến mất, đơn giản vì nó đã được lưu giữ và di truyền qua nhiều thế hệ cư dân thành phố, trở thành di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống địa danh giúp ta nhận ra lịch sử, đặc trưng văn hóa một vùng đất, thể hiện tâm thức lối sống cư dân và có khi là sự ghi nhận dấu ấn một con người của vùng đất đó… Địa danh tồn tại trong ký ức của từng người dân, góp phần làm nên lịch sử văn hóa của thành phố.

 

Sài Gòn giờ đã mất nhiều tên chợ, tên hẻm, tên khu vực, tên bến phà cây cầu cổ xưa… Có khi nào sau này muốn tìm hiểu về Sài Gòn xưa qua địa danh lại phải tìm đến những người Sài Gòn xa xứ…?!

 

(1)UBND TP HCM vừa có quyết định đặt tên cho hầm Thủ Thiêm là Đường hầm sông Sài Gòn từ ngày 12/1 theo sự nhất trí của  kỳ họp lần thứ ba HĐND thành phố khóa 8 (ngày 7/12/2011).

 

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 2341
Ngày đăng: 22.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần I) - Vương Trung Hiếu
Chiên và Lừa /Cám ơn em và những bài hát cũ - Nguyễn Thành Nhân
Ngày Tết Tản Mạn Về Văn Hoá Gia Dụng - Trương Quang Cảm
Nhất Chi Mai - Chất Người Muôn Thuở - Phan Trang Hy
Huế của vườn xưa - Tôn Nữ Giáng Tiên
Nhà Thơ Yến Lan, Sáng Ngời Một Nhân Cách… - Trần Minh Nguyệt
Tha thứ hay không tha thứ - Vũ Ngọc Anh
Lặng Lẽ Với Mùa Xuân… - Mang Viên Long
Nguyễn Hiến Lê: Dạy Và Tự Học (*) - Vương Trung Hiếu
Al-Assad sẽ phải chết giữa những đống phân lạc đà! - Khuất Đẩu
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)