Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.200
123.205.206
 
Bàn Lại Chuyện “Việt Nam Đón Mèo, Châu Á Chào Thỏ”
Hà văn Thùy

Vào dịp tết Tân Mão, phóng viên Nguyễn Hùng của BBC Vietnamese. com làm một việc có ý nghĩa là điểm lại những kiến giải khác nhau trên thế giới về chuyện “Việt Nam đón Mèo còn châu Á chào Thỏ.”

 

Theo phóng viên Nguyễn Hùng, AFP cho rằng đó là “lỗi dịch thuật” khi dẫn lời ông Philippe Papin, chuyên gia lịch sử Việt Nam tại Ecole Practique des Hautes Etudes -Trường Cao học Thực nghiệm - ở Paris nói:

 

"Từ để chỉ con thỏ tiếng Hoa là 'mao' và có cách phát âm giống 'mèo' trong tiếng Việt."

Còn ông Benoit de Treglode từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Đương đại ở Bangkok nói với AFP:

 

"Đối với người Việt Nam, danh dự quốc gia không cho phép họ sao chép y nguyên những gì của Trung Quốc.

 

"Cách bắt chước có khác biệt này có thể thấy trong toàn bộ nền văn hóa Việt Nam."

 

Giáo sư Sử học Lê Thành Lân của Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ quan điểm này, nói “ngay kể cả các tôn giáo khi vào Việt Nam cũng có nét khác đi và tồn tại hài hòa hơn.” Và “nghiêng về lập luận của nhà nghiên cứu có tiếng Nguyễn Phúc Giác Hải, người cho rằng hệ thống các con giống "có thể ở Trung Quốc"”.

 

Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ, chuyên gia văn hóa học và sử Việt Nam và Trung Quốc nói “không nên đi sâu vào tìm hiểu nguồn gốc của sự khác biệt này.” Và “Những lý giải về sự tồn tại năm Mèo và năm Thỏ còn "mập mờ"”.

 

Những ý kiến trên thuộc về tri thức phổ thông của thế kỷ XX. Suốt thế kỷ trước, khoa học nhân văn thế giới chịu sự chi phối của hai quan niệm:

  1. Thuyết đa nguồn gốc của nhân loại, cho rằng, loài người được sinh ra từ nhiều vùng khác nhau. Người châu Á được hình thành từ phía nam Tây Tạng, xâm nhập Trung Quốc rồi xuống Đông Nam Á.
  2. Văn minh nhân loại bắt đầu từ vùng Lưỡng Hà, vào châu Âu rồi sang Trung Quốc. Từ Trung Quốc văn minh lan tỏa tới các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hai quan niệm này, được các học giả phương Tây mà chủ yếu là người Pháp của trường phái Viễn Đông Bác Cổ, phát triển, kết hợp với cổ thư Trung Hoa, dẫn tới kết luận là người Trung Hoa đã sáng tạo nền văn minh rực rỡ. Cùng với việc bị người Trung Hoa thống trị một nghìn năm, người Việt Nam vay mượn nhiều từ văn hóa Trung Hoa…

 

Những phát biểu của các học giả nêu trên phản ánh quan điểm này. Nay quan điểm như vậy đã bị thực tế lịch sử bác bỏ. Những năm cuối thế kỷ XX, di truyền học đã có những khám phá mới: loài người được sinh ra từ quê hương duy nhất là Đông Phi và văn minh nhân loại được hình thành sớm nhất tại Đông Nam Á.

 

Dựa trên tri thức khoa học mới nhất của nhân loại, tôi xin trình bày một vài ý kiến về vấn đề này.

Trước hết, tôi không tán thành ý kiến “không nên đi sâu vào tìm hiểu nguồn gốc của sự khác biệt này” (!) Đấy không phải là thái độ khoa học. Một thái độ thực sự khoa học, trước khi nói Mão của Hoa hay của Việt, cần phải xác định Việt là ai, Hoa là ai? Điều mà cho tới nay vẫn bị hiểu lầm.

 

1. Người Việt là ai?

 

Nhiều nghiên cứu di truyền học phát hiện, người tiền sử từ châu Phi, qua bán đảo A rập rồi theo ven biển Nam Á tới Việt Nam khoảng 70000 năm trước. Tại đây họ hòa huyết, sinh ra những chủng người Việt cổ thuộc nhóm loại hình Australoid. Di truyền học cũng xác nhận, người Việt hiện đại có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất Đông Á, tức là người Việt Nam cổ nhất Đông Á. Khoảng 40000 năm trước, người Việt lên khai phá đất Trung Hoa. Khoảng 20000 năm trước, từ văn hóa Hòa Bình, người Việt đưa tới Trung Hoa công cụ đá mới rồi nông nghiệp. Tại di chỉ Bán Pha 2 tỉnh Sơn Tây có tuổi 12000 năm, phát hiện văn bản chữ tượng hình khắc trên bình gốm, gần với Giáp cốt văn đời nhà Thương. Tại chi chỉ Giả Hồ tỉnh Hà Nam 9000 năm trước, phát hiện chữ tượng hình khắc trên yếm rùa. Hiện nay tại Quý Châu Trung Quốc, tồn tại bộ lạc Thủy tộc (thực ra là Việt tộc) với khoảng 250000 người, còn giữ được vốn chữ gần với chữ khắc trên Giáp cốt.* Đó là những ký tự tiền thân của chữ Hán. Điều này cho thấy, người Việt đã sáng tạo chữ tượng hình rất lâu trước khi người Hán ra đời. Đến 4000 năm TCN, người Việt đã xây dựng trên địa bàn Đông Á nền văn minh nông nghiệp rực rỡ. Hệ từ truyện trong kinh Dịch nói Phục Hy làm Dịch. Phục Hy sống khoảng 4000 năm TCN và là một trong những ông tổ của người Việt. Như vậy, Thiên can, Địa chi, những yếu tố tối cần cho sách Dịch phải được sáng tạo trước thời điểm này.

 

2. Người Hoa là ai?

 

Cho đến nay tri thức phổ biến của thế giới cho rằng, người Hoa được hình thành từ phía nam dải Thiên Sơn, sau đó vào chiếm Trung Nguyên, đẩy người Việt lui dần về phía Nam. Thuyết này là sản phẩm của quan niệm đa nguồn gốc của loài người nên bị bác bỏ.

 

Dựa trên bộ mã di truyền cùng truyền thuyết và lịch sử Trung Hoa, ta có thể xác định người Hoa được hình thành như sau:

        

Khoảng 2600 năm TCN, người du mục Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) xâm lăng đất của người Việt ở nam Hoàng Hà, dựng vương triều Hoàng đế. Do số người ít và văn hóa thấp, vào Trung Nguyên, người Mông Cổ học nghề nông cùng văn hóa của người Việt bản địa. Họ cũng hòa huyết với người Việt, sinh ra người lai thuộc chủng Mongoloid phương Nam, tự xưng là Hoa Hạ. Sau vài thế hệ, người Mông Cổ thuần chủng không còn, người Hoa Hạ tiếp tục thể thống ông cha Mông Cổ, giữ vai trò lãnh đạo xã hội. Là con lai Việt, họ học tiếng nói, chữ viết cùng toàn bộ văn hóa của tổ tiên Việt, trong đó có Âm, Dương, Ngũ hành, Thiên can, Địa chi.

 

3. Sự hình thành Địa chi

 

Là dân nông nghiệp, người Việt buộc phải quan tâm đến thời tiết và sự chuyển vận của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Từ đó mà làm ra lịch. Xưa nay người ta vẫn cho rằng Âm lịch là sản phẩm của người Trung Hoa. Sự thực không thể như thế, bởi lẽ, Âm lịch dùng cho nông nghiệp nên không thể là sản phẩm của người du mục Mông Cổ đưa vào khi xâm lăng đất Bách Việt. Muốn làm được lịch, trước hết phải sáng tạo ra ký hiệu chỉ ngày, giờ, năm, tháng. Từ truyện cổ tích của người Dao về nguồn gốc các con vật: ngày thứ nhất Trời sinh con Chuột, ngày thứ hai sinh con Trâu…cho thấy người Việt xác định được thứ tự các con vật trong Địa chi, cố nhiên, có tính tới Âm Dương theo số móng của chúng. Mười hai con vật vốn quen thuộc với người dân nông nghiệp nhưng một khi đã vào Địa chi, chúng trở nên linh thiêng. Theo phong tục người Việt, những thần hay vật thiêng, không được gọi bằng tên tục, mà phải dùng tên kiêng, gọi là tên hèm. Tên hèm là danh xưng quy ước, gần với tên thực, để khi gọi, người ta tránh phải gọi tên tục của thần hay linh vật. Như vậy là, sau khi dùng Chuột, Trâu, Hổ… trong Địa chi, người ta thay tên tục ấy bằng tên hèm: Tý, Sửu, Dần… Từ đây, người Việt làm ra lịch rồi sách Dịch. Nhiều nghiên cứu ngôn ngữ học cho thấy: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn… là tên Nôm, của người phương Nam. Điều này càng chứng tỏ gốc Việt của Địa chi.

 

Có thể xảy ra tình huống sau: địa chi trong đó có Mão-Mèo được đưa lên Trung Nguyên từ lâu. Thời kỳ đầu, đó là chuyện bình thường. Nhưng những thế hệ sinh ra ở phương Bắc, càng về sau càng xa dần phương Nam, trở nên xa lạ với con mèo. Trong khi đó con thỏ thì quen thuộc, hơn nữa hai con phát âm giống nhau, về ngoại hình lại cùng có tai dài. Lâu dần người ta cho Mèo là Thỏ. Tới lúc nào đó, Thỏ thay Mèo, vào ngồi trong Địa chi phương Bắc.

 

Thời loạn Chiến Quốc, khoảng 400 năm TCN, người U Việt từ vùng Sơn Đông di tản sang Triều Tiên và Nhật Bản, được lịch sử gọi là người Yayoi, đã mang theo con Thỏ trong Địa chi. Cũng vậy, khi nhà Tần thôn tính các nước Ba, Thục, người Việt ở đây di tản xuống đất Thái, Lào, mang theo Địa chi có con Thỏ.

 

Riêng người Việt Nam sống trên đất cố cựu của tổ tiên, lại là người sáng tạo ra Địa chi với con Mão nên vẫn giữ nguyên tên gốc của mình.

                                        

Sài Gòn, cuối năm Tân Mão

 

*http://www.google.com.vn/search?gcx=w&sourceid=chrome&ie=UTF-8&q=%E6%B0%B4%E6%97%8F%E7%AB%AF%E8%8A%82

 

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 2548
Ngày đăng: 23.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần II) - Vương Trung Hiếu
Cỏ sẽ lên xanh - Nguyễn Thị Hậu
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần I) - Vương Trung Hiếu
Chiên và Lừa /Cám ơn em và những bài hát cũ - Nguyễn Thành Nhân
Ngày Tết Tản Mạn Về Văn Hoá Gia Dụng - Trương Quang Cảm
Nhất Chi Mai - Chất Người Muôn Thuở - Phan Trang Hy
Huế của vườn xưa - Tôn Nữ Giáng Tiên
Nhà Thơ Yến Lan, Sáng Ngời Một Nhân Cách… - Trần Minh Nguyệt
Tha thứ hay không tha thứ - Vũ Ngọc Anh
Lặng Lẽ Với Mùa Xuân… - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)