Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.243
 
Xứ người, Tết năm ấy
Khải Nguyên

Anh thức dậy sớm hơn mọi lần. Đêm qua, có lúc thức giấc, anh ngỡ nghe mưa sùi sụt trên các tán lá ngoài vườn tựa mưa dầm. Anh thấy lạnh, nằm co người trong chiếc chăn mỏng, mường tượng như đang ở quê nhà vào lúc ấy đã là sáng 30 Tết âm lịch. Rất lâu sau anh mới ngủ lại được. Anh nằm nán trên giường, dõi theo một tiếng động mơ hồ để tự ru mình, sau sực nghĩ ra là tiếng máy điều hòa nhiệt độ anh đã quên tắt trước khi ngủ (Ở bên nhà, phải là cán bộ lãnh đạo cấp cao nhất mới được hưởng tiêu chuẩn có máy điều hòa nhiệt độ). Tết năm nay, bên ấy mưa rét hay tạnh ráo? Tập thể dục và vệ sinh cá nhân xong, anh định quét dọn lại căn phòng, -như ở nhà anh vẫn được vợ giao “trọng trách tổng vệ sinh nhà cửa” vào dịp này- và kiếm một bó hoa! Sang căn hộ bên cạnh của các chuyên gia y tế, chưa tới cửa, đã nghe tiếng bác sĩ T.:

- Mày không tốt. Kèn cựa, ghen ăn.

- Mày ít tuổi hơn mà ăn nói thế tao đánh bỏ mẹ - Tiếng bác sĩ Ph.

- Tao sợ mày à! (sấn đến).

 

Anh vừa kịp nhìn thấy hai người xáp lại túm cổ áo nhau. Ph. đậm người, có dáng đi bệ vệ, ăn nói sành sỏi, có tài xoay xở. T mảnh có vẻ thư sinh, giỏi  tính toán. Cả hai đều đã ngoài năm mươi và vốn là bạn thân. Họ đã qua mấy cái Tết nơi xứ người. Thoáng thấy anh, họ buông tay.  Anh quay gót bỏ đi. Xuống gác, qua sân, anh gặp V., một giáo sư Vật lí, đang lật đật đi đến phòng “sếp”. Anh biết V. có lệ sáng chiều đến chỗ sếp “hầu trà, thuốc” và để được sai phái “công tác cũng như tư tác” như ai đó hài hước nói. Anh đã toan gợi chuyện, nhưng lại thôi. Chẳng có ai lẩn thẩn như mình, anh nghĩ.

 

Ở nam bán cầu đang cuối hạ đầu thu. Hoa xứ này hiếm. Chỉ ở chợ trung tâm, nơi hầu như dành cho người Âu là sẵn, tất nhiên với cái giá khó chấp nhận với túi tiền các chuyên gia Việt. Anh ra vườn ngắt mấy nhánh cây đuôi gà và cây gì đó không rõ tên, có các lá lốm đốm nhiều màu sặc sỡ. Cắm vào bình, thêm mấy bông hoa dại điểm xuyết, thế cũng thành lọ hoa. Anh có vẻ đắc ý. Nhưng buổi trưa, khi ghé qua nhà nữ nghệ sĩ S., anh bị hẫng ngay. Bàn tay nữ tài hoa có khác, chẳng mấy công của mà nổi đình đám. Nhà bên, nữ bác sĩ M. đang làm mứt. Hơi hướng Tết tỏa nhẹ trong căn phòng hẹp.

 

Năm ngoái, khu nhà dành cho các chuyên gia Việt  Nam khá đông đúc, nhưng vào ngày này, mọi người vẫn bận rộn với công việc. Theo hợp đồng, họ có quyền nghỉ các ngày lễ tết của dân tộc. Song phải báo trước. Và như thế thì các đồng nghiệp bản xứ và người các nước ngoài khác sẽ đến chúc mừng. Sẽ rất phiền! Do vậy, họ cứ làm việc bình thường, ý niệm Tết có chăng thì cũng để trong lòng, chờ đến chiều tối họp mặt gọi là để đón “giao thừa”. Năm nay, phía bạn đã xóa hợp đồng trước thời hạn. Số chuyên gia Việt Nam bị kẹt lại không nhiều. Rỗi mà không khí Tết vẫn chẳng được nhóm lên. Anh đi lang thang qua các đường phố thưa thớt người đi bộ, chỉ đông các dòng ô tô. Tâm tưởng anh bay về nơi quê nhà cách một phần tư vòng quả đất –sáu múi giờ- phía đông-đông bắc. Lúc này, hẳn đang rộn rịp trong nhà, tất bật ngoài đường, sắm hoa, sắm Tết. Anh ra bờ sông, con sông dài rộng nhất nhì châu lục, nước sẫm mầu nâu ngả đen. Vừa mới ngồi xuống kè đá chốc lát, anh đã đứng lên, tâm tư có gì bất ổn. Chẳng biết tâm tư những người lưu vong ra sao nhỉ? Chợt nghe câu chào phía sau. Ngoảnh lại, tổng biên tập tờ Ngày nay (Maintenant), tờ báo nhận đăng bài của anh. Một lần, ông ta ngỏ với anh rằng rất muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam mà không tìm đâu ra sách báo, tài liệu; chỉ mới đọc được vài tác phẩm của Hồ Chí Minh. Anh hỏi: “Thế giới kỉ niệm năm thứ 100 ngày sinh Hồ Chí Minh theo sáng kiến của UNESCO, vậy mà sao báo chí ở đây chẳng có bài viết nào, ngay cả báo của ông, một tờ báo chuyên về văn hóa:”. Ông ta tỏ ý tiếc: “Chúng tôi không có tư liệu”. Anh có nói chuyện lại với tùy viên văn hóa sứ quán, một thanh niên đẹp trai, to khỏe, dễ thương. Chàng ta bảo: không có điều kiện(!) để mang nhiều tư liệu từ nước mình sang. Vậy đó! Chẳng nên nói về Tết dân tộc với ông ta. Ông ta có Tết dân tộc không? Chẳng phải lúc gợi ra.

 

Năm giờ chiều, anh đi đến sứ quán Việt Nam. Nhân viên sứ quán và chuyên gia tụ họp vừa gọn trong phòng khách. Không như năm trước, người ngồi tràn cả ra hiên, ra sân. Đúng 18 giờ địa phương- đúng giao thừa bên nhà- đại sứ đứng lên chúc Tết. Ông nói ngắn. Ông chẳng có gì nhiều để dài dòng. Người ngồi cạnh ghé tai anh: “Ông này còn phải chăng đấy. Cách đây ba mươi năm, các chuyên gia Việt  Nam ở nước Tây Phi nọ đã được nghe một bài chúc Tết như thế này: ‘Tôi là đại sứ bạc mệnh vô quyền (đay cụm từ ‘đại sứ đặc mệnh toàn quyền’ –KN), nhưng tôi khuyên các anh đừng lượn xe máy vù vù ngoài đường phố nữa. Phải giữ cái nết khiêm nhường, cái tư thế trí thức ...’. Chẳng ai dám cười”. Mấy người nữa đứng lên chúc Tết. Tiếp đến là văn nghệ tự phát. Đọc thơ - thơ "chánh phẩm" và thơ “dòng Bút Tre”, thơ nhại. Đố vui. Và hát. Kỹ sư C., người từng có một vai trò ở Hội đồng bộ trưởng hát Thiên thai, đại sứ hát Trương Chi, hai bài mà nữ nghệ sĩ S. đã hứa với anh sẽ hát vào dịp này, nhưng chị phải đi duyệt tiết mục cho tốp ca quân đội bạn vào đúng tối nay. Đại sứ bà, một người có dáng dấp cán bộ phụ nữ hồi kháng chiến chống Pháp hát hai bài hát “đỏ” thời ấy. Cử tọa a lên: “Đại sứ thưởng phu nhân đi”. Ông bèn tặng bà một nụ hôn, nhưng chỉ dừng ở mức hôn má. Nếu giả dụ các tác giả bài hát có mặt chắc chẳng nỡ trách mấy “ca sĩ” thừa nhiệt tình kia “nhạo báng nghệ thuật”. Khuấy nhộn không khí Tết lên lúc này chỉ cần có vậy! Cỗ Tết được dọn ra. Thức uống khá phong phú: nước cam hộp, bia lon, rượu vang trắng, đỏ, cùng với táo tây tráng miệng, -những thứ mà những Tết trong nước trước đây chẳng phải dễ kiếm. Thức ăn thì khiêm tốn hơn: nem rán, bò xào hành, gà luộc, bánh phồng tôm, nộm; tất nhiên là vắng bánh chưng xanh. Quả là đơn sơ so với cỗ Tết trong nước. Anh nhớ lại hôm rồi dự bữa đêm Nô-en tại nhà một giáo sư đại học nước bạn. Cả hai vợ chồng chủ nhà đều học ở Pháp về. Họ là dân Gia tô giáo; bữa ăn đêm Nô-en có ý nghĩa như cỗ Tết của ta. Vậy mà không kể bánh mì, cơm, bánh sắn (chế biến công phu) thì chỉ có ba món ăn, trong đó có món nem rán Việt Nam thuê một tiệm ăn Việt kiều làm. Xem ra về mặt cỗ bàn hoang phí, người Việt Nam ta chỉ nhường người Tàu!

 

Có lẽ để kéo dài không khí sum vầy, sứ quán có nhã ý mời mọi người ở lại xem phim vidéo. Tại đây có hai máy thu hình màu loại lớn cùng với đầu vidéo. Sứ quán chỉ có sáu người. Họ chỉ bận rộn khi còn chuyên gia Việt Nam làm việc tại nước này. Nay thì hầu như rảnh. Họ có thì giờ để xem những băng phim chưởng lồng tiếng Việt dài lê thê hàng trăm tập. Có lần, Ph., bác sĩ thạo đời, nói: “Sứ quán Việt Nam ở đâu cũng coi người nước mình ra ngoài công tác, không thuộc loại vai vế, chẳng ra gì đâu”. Anh nghĩ: ở đây khá hơn ở Pari, ở Matxcơva chứ. Ờ, nhưng mà ở Pari có mấy cháu nhỏ người nhà sứ quán rất dễ thương. Các cháu mới thật là biểu hiện sinh động của cái câu: “Tình người xa nước gặp đồng bào…”.

 

Mặc dù ít được xem phim ti-vi màu, anh đã không ở lại. Đường phố vắng ngắt. Tưởng đâu đêm đã ngả về sáng như ngày ở nhà đón giao thừa xong. Xem đồng hồ tay mới tám giờ tối. Anh như sực tỉnh, khí vị Tết được khơi lên ở chỗ họp mặt, dẫu chỉ phảng phất, đã hầu như tan biến. Giờ đây, tất cả lại là giờ giấc châu Phi, không khí Phi, nếp sinh hoạt lặp đi lặp lại trên đất Phi bao lâu nay. Chung quanh, ánh đèn từ các chung cư, biệt cư vẫn toả sáng thản nhiên. Trong các sân, trên các bãi trống hoang, ngoài đường, ban đêm thường có thanh niên đàn đúm, hóng mát (đặc biệt là không bao giờ có trẻ con). Tối hôm nay lại vắng hẳn bóng người, tiếng người. Người bản xứ và người nước ngoài có biết đến tâm trạng những người Việt Nam sống kề họ lúc này đang ra sao không nhỉ? Câu tự hỏi đến là vớ vẩn.

 

Anh sực nhớ gần đấy có nhà một Việt kiều, bà M., người Phúc Yên cũ, xưa từng là du kích chống Pháp, chồng chết, lấy một hàng binh Âu Phi. Năm 1964, theo chồng hồi hương, mang theo cả hai người con của bà với người chồng trước. Họ tiếp khách trong sân như mọi người bản xứ. Người chồng nói tiếng Việt khá sõi nhưng ít lên tiếng. Bà vợ kể lể:

 

- Từ khi có sứ quán Việt Nam  và có các chuyên gia nước mình sang làm việc bên này, em mới biết thế nào là ngày tết nhất. Mà biết cũng chẳng làm thế nào được. Muốn thắp nén nhang cũng chẳng có. Em ở đây đã hai mươi mấy năm trời mà vẫn như người nước ngoài. Chồng thì chậm mồm chậm miệng. Hai đứa con thuần Việt thì đang sống ở Pháp, mà chúng cũng đã quên hết tiếng mẹ đẻ rồi. Em giờ yếu lắm. Con cái chẳng giúp được gì. Con gái 16 tuổi đã lo theo giai, ông ạ. –bà bỗng ứa nước mắt- Em đành là chết ở đây, chẳng còn dịp nào thấy lại quê hương. Tiền đâu mà mong về thăm.

 

Anh hỏi  người chồng còn nhớ Tết Việt Nam không. Ông ta ngượng ngùng kể lại lần đầu ăn bánh chưng đã lúng túng ra sao.

- Mồng một Tết, em thường đến sứ quán mình chúc Tết - bà M. vẫn theo dòng thổ lộ- Thỉnh thoảng em vẫn đến đấy để khỏi quên mình là người Việt Nam. Vâng, ở đây còn có bốn gia đình  Việt kiều nữa. Họ là chủ cửa hàng, chủ khách sạn. Biết có bà cũng hay về nước, nhưng em chẳng dám đến hỏi chuyện. Vâng, mấy chuyên gia người Việt trước làm việc gần đây vẫn đến thăm chúng em.

(Lúc anh viết mấy dòng này thì sứ quán Việt Nam tại nước đó đã tạm đóng cửa. Chẳng biết bà M., nếu còn sống, có cách nào để biết đúng ngày Tết cổ truyền của dân Việt hay không?).

 

Sáng hôm sau, tiếng chim liếp chiếp sau vườn đánh thức anh. Anh nhớ ra giờ này đã là trưa mùng một Tết bên quê nhà. Chẳng biết đêm qua ở đây có ai thao thức đợi sang canh không?  Mà “sang canh” nào? Anh tự buồn cười mình. Anh ra ban công. Gió hây hẩy mang hơi thở Đại tây dương thoảng mát. Chẳng phải cái lạnh thanh tân đầu năm mới của quê nhà.

 

Mấy câu thơ Thế Lữ chợt hiện về: “Rũ áo phong sương nơi gác trọ / Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”.  Anh mỉm cười buồn. Nơi này đang vào thu. Chẳng có những đoàn người ăn mặc đẹp đi chúc Tết hoặc chơi xuân. Hôm nay là ngày làm việc bình thường trên xứ người. Anh nhớ lại câu thơ mình đọc tại nơi họp mặt tối hôm qua:

Năm cũ giã từ non nước Việt

Giao thừa lạc nẻo đất trời Phi

 

Với người Việt, ngoài đất Việt phong vị Tết khó có nẻo để về.

 

Ghi 1990, viết 1994

Khải Nguyên
Số lần đọc: 2144
Ngày đăng: 24.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn Lại Chuyện “Việt Nam Đón Mèo, Châu Á Chào Thỏ” - Hà văn Thùy
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần II) - Vương Trung Hiếu
Cỏ sẽ lên xanh - Nguyễn Thị Hậu
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần I) - Vương Trung Hiếu
Chiên và Lừa /Cám ơn em và những bài hát cũ - Nguyễn Thành Nhân
Ngày Tết Tản Mạn Về Văn Hoá Gia Dụng - Trương Quang Cảm
Nhất Chi Mai - Chất Người Muôn Thuở - Phan Trang Hy
Huế của vườn xưa - Tôn Nữ Giáng Tiên
Nhà Thơ Yến Lan, Sáng Ngời Một Nhân Cách… - Trần Minh Nguyệt
Tha thứ hay không tha thứ - Vũ Ngọc Anh
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)