Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.204.111
 
Rồng Việt
Nguyễn Man Nhiên

Việt Nam là đất nước của con Rồng cháu Tiên, bắt nguồn từ câu chuyện huyền thoại về Lạc Long Quân (Bố Rồng) lấy bà Âu Cơ (Mẹ Tiên) đẻ ra một bọc trăm trứng nở trăm con. Thủ đô Hà Nội vốn là đất cổ Thăng Long (Rồng bay). Vùng đông bắc nước ta có thắng cảnh vịnh Hạ Long (Rồng nằm), một trong những kỳ quan của tạo hóa. Đồng bằng Nam bộ phì nhiêu là nơi hội tụ của chín con rồng uốn khúc (Cửu Long Giang)… Có thể nói hình tượng con rồng ở Việt Nam đã vượt ra khỏi phạm vi nghệ thuật mà trở thành một biểu tượng cao quý mang ý nghĩa sâu sắc và có ảnh hưởng to lớn đối với đời sống xã hội.

 

Con Rồng được coi là một con vật huyền thoại nảy sinh từ trí tưởng tượng của con người. Con rồng không tồn tại trong giới tự nhiên mà là sản phẩm của sự sáng tạo nghệ thuật siêu tự nhiên. Cùng với sự phát triển của lịch sử, từ lâu các nước Á Đông đã hình thành nên quan niệm phổ biến về con rồng, tổng hợp trong nó trí tuệ, tín ngưỡng, lý tưởng, nguyện vọng, sức mạnh và quyền uy.

 

Nằm trong khu vực của một nền văn minh lúa nước lâu đời, con rồng Việt đã trải qua rất nhiều chặng đường để lột xác dần. Các từ điển cổ giải thích rồng là chúa của loài bò sát, có vẩy, sống ở nước. Phải chăng người xưa đã lấy tên rồng để chỉ một loài thủy tộc - có thể là thuổng luồng, rắn nước hay cá sấu, những con vật mạnh mẽ, to lớn, dữ tợn thường gặp trên sông nước? Chưa rõ, chỉ biết là người Việt cổ có tộc xâm mình (lấy chàm vẽ hình rồng vào đùi để chống nạn thủy quái làm hại), mãi đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới bỏ tục này.

 

Từ một con vật huyền thoại mang ý niệm vũ trụ (gắn liền với yếu tố nước trong niềm mơ ước mưa thuận gió hòa) được người thời ấy tôn sùng, con rồng khởi nguyên đã theo với dòng phát triển của lịch sử phong kiến Việt Nam hoá thân từ hình vóc đến ý nghĩa để cuối cùng ngưng đọng trên đỉnh cao của khái niệm quyền uy: Rồng -Vua (long nhan, long thể, long sàng...). Nó trở thành một biểu tượng mỹ thuật, một mô típ trang trí trang trọng, gắn với những gì mà tư duy xưa coi là linh thiêng: quyền vua chúa, uy thần thánh.

              

Trong cả một thiên niên kỷ qua, con rồng đã là một mô típ quan trọng, không thể thiếu, xuyên suốt nền nghệ thuật tạo hình của dân tộc. Sự hư cấu trên một con vật không có thật, cùng với sự độc chiếm của vua chúa làm vật bảo vệ và trang điểm cho uy lực của mình, đã mở ra cho nghệ thuật tạo hình rồng Việt một con đường đi phong phú và đa dạng hơn nhiều so với những con vật khác trong nghệ thuật.

 

Thời Lý, hai yếu tố tôn giáo và quân quyền luôn khăng khít với nhau trong mỹ thuật. Ta luôn thấy những hình rồng được chạm ở nơi vua ngự (kinh đô Thăng Long) hoặc những nơi vua thường qua lại (chùa Phật Tích, chùa Giạm - Hà Bắc; chùa Long Đội, tháp Chương Sơn - Nam Hà; tháp Tường Long - Hải Phòng...). Rồng thời Lý thon thả, uyển chuyển. gần gũi với loài rắn, chưa xuất hiện rõ những chi tiết tô đậm sự hung dữ như sừng, tai, móng vuốt. Các khúc uốn lượn của rồng Lý tròn trặn, nhẹ nhàng, thanh thoát, khác hẳn vởỉ những hình rồng nặng nề ở những thế kỷ tiếp sau, càng khác xa với hình rồng của triều đại Hán, Đường phương Bắc có dáng dấp của một loài thú bốn chân, có sừng và đuôi như đuôi hổ.

 

 

    

Đầu ngói ống men lục hình rồng thời Lý - Ảnh: T.L

 

Theo thời gian, con rồng thời Trần có thân mập hơn, chân ngắn hơn, nhiều con đă có sừng và tai nhọn, vể đại thể chúng có thêm tính gân guốc, vững chãi. mang rõ hơn chất biểu tượng của một vật linh. So với thời Lý, mỹ thuật thời Trần có quan hệ chặt chẽ hơn với dân tộc, gần gũi với dân gian. Con rồng, vốn là sản phẩm tư duy liên tưởng của quần chúng nhân dân, nay phần nào được trở về với chủ nhân của nó. Trên hàng chục bệ đá của các tượng Tam thế, trên các đầu bẩy, vì nóc hoặc ván nong trong các chùa làng của dân, rồng được xuất hiện tự do.

 

 

 

Rồng trang trí trên ngói úp nóc thời Trần - Ảnh: T.L

 

Đến thời Lê sơ, bên cạnh hình rồng truyền thống đã được định hình và phát triển rộng rãi, xuất hỉện hình rồng Trung Quốc cho thấy sư tiếp nhận ảnh hưởng của mỹ thuật phương Bắc. Con rồng thời Lê sơ là biểu tượng nghiêm ngặt của quyền uy tối thượng phong kiến được điểm tô bằng việc phóng đại và chi tiết hóa vời mắt lồi, sừng nhọn, bờm dựng, chân xòe dương dài các móng sắc, toàn thân toát lên vẻ dữ tợn, đe dọa.

 

 

Rồng đá thời Lê trước thềm điện Kính Thiên, được tạc năm 1467 - Ảnh: T.L

 

 

Hình rồng trang trí trên đĩa hoa lam thời Lê Sơ - Ảnh: T.L

 

Rồng thời Mạc kế thừa nhiều nét từ thời Trần và cuối thời Lê sơ. Cạnh đó, nhiều con lại được tạo hình tùy tiện đến mức ngộ nghĩnh: mắt như đeo kính, mồm vẩu, thân ngắn, vây lưng nhọn hoắt. Ở đình làng, yếu tố dân gian trỗi dậy mạnh hơn vớt hình rồng oằn lưng cho cô gái cỡi, khá đột ngột và vui. Có lẽ do thời Mạc không dài, đất nước luôn bị phân cắt, mỹ thuật chưa có một phong cách ổn định.

 

         

Gạch ốp tường trang trí rồng thời Mạc - Ảnh: T.L

 

Đến cuối thế kỷ XVII, khi cuộc đấu tranh giai cấp xô chế độ phong kiến vào vực khủng hoảng trầm trọng và toàn diện, theo đà phát triển của dân khí, thẩm mỹ dân gian trỗi dậy mạnh mẽ và phát triển đến cao độ. Nhiều hình rồng trang trí ở đình, chùa bớt đi vẻ trang nghiêm, cầu kỳ, có bố cục mới và vui mắt.

 

Đầu thế kỷ XIX, trong hệ thống cung điện triều Nguyễn, hình rồng có nét kế thừa khá trung thành kiểu rồng thời Lê sơ với đuôi xoè xoáy, mắt lồi, móng sắc, sừng nhọn, vẩy lớn, bờm lởm chởm gai nhọn. Nói chung, rồng thời Nguyễn vẫn toát lên vẻ răn đe đầy quyền uy của vương triều. Tuy nhiên, hình rồng được thể hiện ở đình, chùa, miếu mạo, phủ đệ, nhà cửa ở kinh đô Huế lại có một thần thái và nét sống động riêng, khó có thể coi chúng là phiên bản của con rồng ở cung đình.

 

      

Hình rồng trên sắc phong thời vua Thiệu Trị - Ảnh: T.L

 

 

Hình rồng thêu trên long bào của vua triều Nguyễn - Ảnh: T.L

 

 

Thẻ ngọc xanh chạm rồng thời Nguyễn - Ảnh: T.L

 

Từ con rồng huyền thoại đến con rồng trong nghệ thuật tạo hình là sáng tạo đặc biệt của quần chúng nhân dân. Qua những bước thăng trầm của lịch sử, con rồng Việt có hẳn ngôn ngữ tạo hình và bước đi riêng biệt với một khối lượng to lớn các sản phẩm mỹ thuật: hội họa, trang trí, điêu khắc, kiến trúc… Đó là một phần di sản văn hóa dân tộc vô cùng phong phú và quý giá, đáng được trân trọng, phát huy, gìn giữ../.

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 8305
Ngày đăng: 24.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sống Chụ Son Sao 2 - Nguyễn Khôi
Sống Chụ Son Sao 1 - Nguyễn Khôi
Miếu Ông Út /Ngủ Chợ - Đặng Phú Quốc
Cô Gái Đẹp Trong Ngôi Nhà Hoang /Đua Với Quỷ - Đặng Phú Quốc
Tìm Hiểu Tri Thức Dân Gian Của Người Việt Vùng U Minh Qua Cách Ứng Xử Môi Trướng Tứ Nhiên Trong Đời Sống Vật Chất - Nguyễn Thị Diệp Mai
Lỗ Lường - Lễ Tục Độc Đáo Ở Hòn Đỏ - Nguyễn Man Nhiên
Tập Quán Dân Gian Khi Các Bà Mẹ Mang Thai Và Sanh Đẻ Ở Ngã Năm – Sóc Trăng - Trần Minh Thương
Nghi Thức Cất Nhà Ở Ngã Năm – Sóc Trăng - Trần Minh Thương
Đặc Trưng Múa Rối - Tuấn Giang
Nghệ Thuật Sử Dụng Điển Cố Trung Hoa Trong Ca Dao Đồng Bằng Sông Cửu Long - Trầm Thanh Tuấn
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)