1. Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2011, trang 1069) định nghĩa rồng là động vật tưởng tượng theo truyền thuyết, mình dài, có vẩy, có chân, biết bay, được coi là cao quý nhất trong các loài vật.
2. Rồng trong ca dao đối nhân xử thế
Việt Nam là nước nông nghiệp hình tượng con rồng xuất hiện để diễn tả kinh nghiệm của các nhà nông: Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa
Hoặc:
Rồng đen lấy nước được mùa..
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày
Trong ứng xử có kẻ tự cao cho rằng:
Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu bực mình
Rồng vàng là rồng quý, không bao giờ đi tắm nước đục ở ao tù, cũng vậy người khôn ngoan mà phải chung sống với kẻ ngu đần thì thật là bực bội, ấm ức, …
Để vạch mặt kẻ khoác lác, lắm lời, tác giả dân gian bày tỏ:
Rồng nằm bể cạn phơi râu
Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi
Con rồng thân hình to lớn nằm nghỉ ngơi thoải mái an lạc, phơi râu dưới nắng hè, ai cũng trông thấy, nó giống như những lời anh nói dối, thiếu thành thực thì khác nào giấu khúc đầu lại lòi ra cái đuôi vậy.
Thế lực thống trị thường ví mình như rồng như phượng, còn người thấp hèn chẳng khác nào như dòng rắn liu điu, nhỏ bé:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu
Đã nhỏ bé thì phải bé an phận. Nhưng cuộc đời đâu chỉ đơn giản như những gì “rồng” nghĩ, “rồng” muốn, người bình dân thể hiện rõ nỗi thất vọng về “rồng” như vầy:
Tưởng là rồng ấp được mây,
Ai ngờ, rồng ấp phải cây chổi cùn!
Có người còn lớn tiếng “chọc” lại “rồng”:
Phải chi anh có phép thần thông,
Ngăn mây đón gió bắt rồng cưỡi chơi
Bấy giờ giống rồng cao quý chẳng khác gì con ngựa, con trâu!
Người dân chân chất chân quê cũng sẵn lòng cưu mang rồng, nếu chẳng may rồng cạn nước, sa cơ thất thế:
Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Ðồng Nai,
Sông trong chảy lộn sông ngoài,
Thương người xa xứ lạc loài tới đây.
Nghĩa tình, nhân hậu và lòng bao dung của những kẻ bùn lấm tay nhơ đáng trân trọng biết dường nào.
Trong xã hội phong kiến, lập danh không có cách nào khác là phải học và thi, mong ngày nào đó danh khắc bảng rồng (long bảng), tức đạt được học sĩ tiến sĩ. Khi ấy, ơn nghĩa sinh thành được đền đáp, xóm giềng cũng thơm lây. Vì thế, niềm mơ ước của sĩ tử thật lớn lao:
Bao giờ cá chép hoá long
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.
3. Rồng trong ca dao tình yêu lứa đôi
Đầu tiên là những lời chọc ghẹo, cợt đùa qua lại giữa những đối tượng đã bước qua cái tuổi “nữ thập tam, nam thập lục”
Ngựa ô trổ mã thành rồng
Anh đây trổ mã thành chồng của em.
Một chàng trai nào đó, táo bạo ngõ lời.
Rồng chầu biển bắc, phụng múa Hà Tiên.
Anh thương em gặp mặt thương liền
Tỉ như Lữ Bố, Điêu Thuyền thuở xưa.
Mượn tích chuyện giữa Lữ Bố và Điêu Thuyền trong Tam quốc để bày tỏ nỗi niềm tâm sự, chàng trai quả thật khéo léo vừa bày tỏ sự hiểu biết của mình vừa “chọc” được đối tượng với nỗi lòng cảm kích. Cũng cần nói thêm để các cô cảnh giác, chàng khen nàng là Điêu Thuyền đẹp thì có đẹp nhưng tính nết … hình như cũng chẳng mấy vẹn toàn theo quan niệm “gái thời tiết hạnh là câu trau mình” như cụ Đồ Chiểu đã từng răn dạy!
Trong cuộc đời, không phải ai cũng gặp được may mắn, có những kẻ tự than trách cho thân phận “hẩm hiu của mình:
Ông rồng nằm miệng chậu, ông rồng leo,
Thân người ta có đôi ra rả, thân anh chèo queo một mình !
Ở phía bên kia, những cô gái cũng kín đáo tỏ bày:
Tình cờ anh gặp mình đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.
Rồng gặp mây lấy từ chữ Vân khởi long đăng nghĩa là rồng gặp mây thì tha hồ vùng vẫy, hàm ý chỉ những diều may mắn, vui vẻ, hạnh phúc, đỗ đạt, thành công, …
Anh chàng được dịp phấn khởi hẳn lên:
Rồng giao đầu, phượng lại giao đuôi
Ngày nay tôi hỏi thiệt, mình thương tôi không mình?
Hỏi tất có đáp, cô gái gật đầu bằng lòng cái rụp, song nàng vẫn phải chờ lệnh mẹ cha, với nội dung câu hò da diết:
Màn rồng một bức giăng ngang
Tôi với mình trời định tam cang ngũ thường
Mình về thưa lại thung đường
Qua đây gá nghĩa cang thường với em.
Sau buổi hò chơi ấy, đêm về ngẫm nghĩ nhiều cô gái thức trắng canh, ước ao:
Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt vũ môn hoá rồng.
Hy vọng một ngày nào đó:
- Thiếp như cá ở biển Đông,
Chờ khi nước cạn hóa rồng lên mây
- Một ngày ngồi tựa mạn rồng
Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài
Câu ca với nhiều ẩn ý chỉ đến sự giàu sang. Nhưng trong tình yêu không phải chỉ có bạc, có vàng, có địa vị là có được một cuộc đời hạnh phúc. Nhiều khi, các cô ngỡ ngàng chấp nhận một sự thật:
Thuyền rồng bất nghĩa thả trôi
Thuyền nan có nghĩa ta ngồi thuyền nan
Sau những lời tỏ tình như mật ngọt rót vào tai, các đôi tình nhân đính ước, thề nguyền trọn đời bên nhau. Họ mong đến khi:
Ngày nào nên nghĩa vợ chồng
Đôi đứa ta như cá hóa rồng lên mây
Tương truyền Long Môn là tên một con sông do vua Vũ (thời cổ đại Trung Quốc) đào để trị thủy, có khúc hiểm trở, nước không thông lên trên được. Trong ngôn ngữ Trung Quốc có thành ngữ Vũ môn tam cấp (ba bậc cửa Võ). Hàng năm, vào các ngày 1, 11 và 21 tháng 7, trong khi những cơn mưa đổ xuống, cá gáy kéo nhau đến sắp thành hàng, nhảy lên núi cao, hễ con cá nào nhảy lên được thì hóa rồng. Nghĩa phát sinh chỉ đến việc các nho sinh thi cử đỗ đạt, được phong danh cao chức trọng. Trong ngôn ngữ văn chương trung đại, hóa rồng chỉ việc thi đỗ. Câu ca dao lại sử dụng hình ảnh so sánh với nét nghĩa không hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa, …
Hay:
Làm sao cho hiệp vợ chồng
Cho lê hiệp nhãn, cho rồng hiệp mây
Chung thủy là phẩm chất quan trọng nhất trong tình yêu, nó cần phải được thời gian kiểm chứng:
Trăm năm trăm tuổi may rủi một chồng,
Dầu ai có thêu phụng, vẽ rồng mặc ai
Không gian cũng là một yếu tố thử thách :
Đôi ta như rồng lượn trong trăng
Dẫu xa nhau đi nữa vẫn khăng khăng đợi chờ.
Yêu nhau tha thiết lại phải ở xa nhau, tương tư biết mấy đêm rày, cung bậc nhớ nhung làm cho tình yêu thêm thi vị :
- Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây…..
- Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
Như con chèo bẻo xa cây măng vòi.
Vở kịch hay đến hồi hạ màn, tình yêu đẹp đẽ rồi đến hồi kết thúc. Họ đã là con một nhà, nên vợ nên chồng. Chồng đâu, vợ đấy, khó khăn cùng chia, ngọt bùi cùng hưởng:
Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo…
Nhưng trong cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng được như ý. Nhiều lúc, dân gian dùng cách nói nói quá không biết là để tự hào về người chồng thực sự yêu thương vợ mình hay là sự cười cợt dành cho người dị hình, dị tướng:
Lỗ mũi em mười tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho
Ngay cả người trong cuộc cũng ý thức và chấp nhận sự thật ấy:
Thế gian được vợ hỏng chồng
Có đâu như rồng mà được cả đôi.
Ở một cung bậc khác trong tình yêu lứa đôi là sự tan vỡ. Không phải đôi lứa nào cũng được cảnh “loan phụng hòa minh”, không ít kẻ ngậm ngùi:
Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời
Nữa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.
Không nói bóng gió nữa, mà phát ngôn trực diện :
Nhứt ngôn thuyết quá,
Tứ mã nan truy,
Ra đi còn dằm, rồng nằm thấy dạng,
Em nỡ bụng nào đành đoạn bỏ anh.
Cô gái cũng thốt lên như tỏ cùng trời lời nóng giận :
Mai mốt em về lấy chồng
Sang sông đã có thuyền rồng cưỡi chơi.
Nguyên nhân của sự đổ vỡ thì có muôn hình, muôn vẻ, nhưng có lẽ đổ thừa dễ nhất là do hoàn cảnh :
Xa xa quê tía bốn phía mây giăng
Quê má rừng ngăn núi chặn
Quê anh sông dài rạch vắn, rồng rắn lượn quanh.
Đi không nỡ, ở không đành
Chiều chiều gắng gượng lên gành ngó mong.
Lòng người bạc đen quên tình, phụ nghĩa cũng được vạch trần :
Trách anh một dạ hai lòng
Anh đương chơi với phụng, anh thấy rồng anh mê
Phụng với rồng cũng đồng nhan sắc
Em trách cho ai làm phụng Bắc rồng Nam.
Những hình ảnh phụng, rồng nọ ngẫm ra chẳng khác người trong cuộc là bao!
4. Kết luận
Ca dao dân ca là tiếng lòng của người bình dân ngày ngày vất vả một nắng hai sương bên cánh đồng thửa ruộng.
Rồng, phụng, là những con vật linh thiêng, nhưng khi đi vào đời sống tâm hồn của người dân quê thì nó cũng «bình đẳng» như bao nhiêu hình tượng khác. Nó tham gia và có mặt hầu hết trong các cung bậc tình cảm của dân gian.
Với nhiều biện pháp nghệ thuật tu từ ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, nhân hóa, …, đặc sắc. Con rồng trong ca dao dân ca góp phần làm giàu thêm, đẹp thêm cho kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt.